Mẹ an – con an
Tôi có duyên lành trở về tu viện Mộc Lan sau bốn năm để tham dự khoá tu “Tâm bình, thế giới bình”. Sau đó là khoá tu xuất sĩ gồm 125 vị đến từ các trung tâm khác của Làng Mai. Tu viện chào khách phương xa với những cây Mộc Lan nay đã khá lớn.
Trời chiều đầu thu gió hơi se lạnh, vài cây lá bắt đầu vàng đong đưa trong nắng chiều trong vắt, càng làm nổi bật màu xanh đậm và nâu của lá. Những nụ cười thân thương của quý thầy quý sư cô trẻ cùng vài người bạn đạo quen biết làm tôi quên hết mệt sau chuyến bay xuyên bang.
Sau một đêm ngủ ngon, tôi được đánh thức bởi tiếng đại hồng chung ngân vang. Trời từ từ sáng. Mộc Lan vẫn hiền lành, khiêm tốn quyện mình trong những đồng cỏ xanh. Nhìn ra phía rừng cây quanh tu viện, tàng lá đan vào nhau như hoa văn nổi bật trên nền trời trong xanh, nhất là mỗi sáng mây hồng rạng rỡ dịu dàng chào đón một ngày mới với 24 giờ tinh khôi.
Tuy không phải là mùa trăng, nhưng đêm Mộc Lan thật huyền ảo với sự im lặng tràn đầy sự sống của vạn vật cùng bao vì sao sáng tỏ trên nền trời đen thẫm.
Hoa Mộc Lan là loài hoa biểu tượng của bang Mississippi đó bạn, nơi đây đã ghi dấu sâu đậm lịch sử tranh đấu nhân quyền của người dân. Đài tưởng niệm Mục sư Martin Luther King cùng Sư Ông Làng Mai giản dị với vài ghế ngồi làm bằng những khúc cây to bên đồng cỏ xanh mát, dù vậy thật trang trọng.
Quý thầy, quý sư cô nơi đây đã hết lòng “chịu chơi, chịu làm, chịu tu, chịu học”. Đúng là ” tất cả trong một” (“All in one”). Với sự đóng góp công sức của quý phật tử địa phương, chỉ trên dưới mười năm, Mộc Lan đã trở nên một nơi tu tập lý tưởng với đầy đủ tiện nghi cho tứ chúng sinh hoạt. Tăng xá mới được xây trong rừng, từ phòng nhìn ra nơi nào cũng tràn ngập mầu xanh của lá rừng.
Tôi thấy nhiều thiền sinh Tây phương với áo vạt hò nâu mới toanh, can đảm nhưng vẫn rụt rè thử các món ăn Việt. Tôi nghe đâu đây bài thiền ca quen thuộc:
“Anh em ta từ bốn phương trời
Chị em ta từ khắp năm châu
Không phân biệt màu da tôn giáo
Cùng về đây xây đắp yêu thương…”
Lòng tôi chùng xuống, cúi đầu nghĩ đến Sư Ông, Người giúp chúng ta khai phá, mở lối yêu thương bằng những chất liệu có sẵn nơi mỗi người như hơi thở, bước chân ý thức. Toa thuốc mầu nhiệm này đã dìu dắt bao người tìm lại ý nghĩa cuộc sống.
Tôi chắp tay nguyện cầu cho quý thầy quý sư cô trẻ tu tập tinh tấn để sau này:
“Trái yêu thương đầy cành
Hái đem cho mọi người…”
Quý thầy, quý sư cô trong khóa tu xuất sĩ tại tu viện Mộc Lan
Khóa tu xuất sĩ là dịp đoàn tụ của gia đình tâm linh mỗi hai năm, vì Làng Mai có nhiều trung tâm sinh hoạt khác nhau trên thế giới. Nhìn quý vị xuất gia trẻ gặp nhau, có vị sau bảy, tám năm mới gặp lại. Họ ríu rít như chim, cười tươi như hoa… Thật nuôi dưỡng nhau bạn ạ!
Cư sĩ chúng tôi lo nấu ăn để tất cả quý thầy quý sư cô tham dự khóa tu trọn vẹn. Tôi thấy vui và đậm đà hơn những dịp giỗ, tết của cư sĩ chúng tôi vì không tay xách nách mang, nấu ăn ồn ào, chẳng thật sự có mặt cho nhau. Nơi đây tôi cũng thấy những món quà nhỏ bé, xinh xinh kín đáo trao cho nhau, chắc là gói trà, hộp bánh, hay tượng phật, cái mũ đan tay…
Một bữa ăn sáng, tôi thấy xuất hiện nhiều khuôn mặt cư sĩ lớn tuổi ở bên quý vị xuất gia trẻ. Ai cũng rạng ngời với nụ cười tươi. Có cụ người Tây phương lưng còng phải dùng gậy để đi. Hỏi ra mới biết có những bà đến từ các nơi trên nước Mỹ, có bà đến từ Việt Nam. Tất cả về đây, ngôi nhà tâm linh, để được hội ngộ với các con mình đã đi tu. Quả vậy, gia đình huyết thống và tâm linh đã hoà quyện như bột và đường để làm nên chiếc bánh ngọt bùi nuôi dưỡng nhau. Tôi không có con đi tu, nhưng cảm nhận được từ đáy lòng mình sự ấm áp của hạnh phúc, nhất là khi một sư cô đi tu đã mười bốn năm nói “Ôm cô, con đỡ nhớ mẹ con”.
Bạn ơi!
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ.
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con…”
Câu thơ này được viết theo kiểu thư pháp đã theo tôi từ năm 1991, tôi mua ở Việt Nam nhân chuyến về thăm mẹ lần đầu tiên kể từ khi theo chồng di tản năm 1975. Dọn nhà bao lần, tôi đều treo trong phòng ngủ rất trang trọng để có những giây phút riêng tư cho mình.
Mẹ tôi qua đời ba năm sau đó! Tôi đã làm mẹ, con còn bé, nên lúc đó đã không thể về dự lễ tang của mẹ. Tôi vẫn chuyện trò cùng mẹ qua nén hương hay những lúc ngồi yên. Tôi vẫn cần đến mẹ những khi có khó khăn trong cuộc sống. Tôi vẫn bé nhỏ như ngày nào bên mẹ.
Bạn ơi! Cuộc chia tay nào cũng để lại dư vị. Ngày đó mỗi khi nghĩ về nhau mẹ con tôi đều thắt ruột lo cho nhau. Còn với những vị ở đây, cuộc chia tay con đi xuất gia chắc là không quặn đau mà nhẹ nhàng êm ái, mà cùng lo tu cho nhau. Tôi chợt mỉm cười với so sánh dí dỏm: “Con đi xuất gia, hay con đi xuất giá…Thì suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Mà con thì lúc nào cũng nương vào mẹ như rễ cây luôn tìm về mạch nước. Đúng là con an – mẹ an, con vui – mẹ vui.
Nắng trưa đầu thu với nắng ấm rất dễ chịu, từ dãy cư xá dành cho cư sĩ, các bà mẹ tay trong tay, tươi cười thong thả đi thiền hành về nhà ăn. Tóc trắng lòa xoài trên đôi kính lão, bà mẹ Tây phương mặc áo xanh quần hồng chống gậy đi bên bà mẹ Việt Nam với áo nâu nón lá, có bà đeo ba lô rất “ngầu”. Tôi lại mỉm cười thầm nghĩ: sung sướng thay những bà mẹ này, thu xếp đời sống tất bật về tu viện thăm con, được thong thả rong chơi chắc cũng nếm được chút ít vị an lạc.
Bà E., người Mỹ, bối rối trước các món ăn Việt Nam, sợ cay nên món gì cũng hỏi, ngay cả món …. chè. Món quà quý bà tặng Làng Mai là người con trai duy nhất, cao to gấp đôi bà. Thầy phải cúi gập người lại mỗi khi muốn ôm mẹ.
Mẹ O. tâm sự: Ra phi trường đón con từ Làng về sau sáu năm, nhìn con ôm các chú dì, chị…..khóc vì tủi thân. Nhưng món quà quý mà thầy dâng lên mẹ là vào ngày Vu Lan, trong bài pháp thoại, câu đầu tiên thầy nói: ” Con được như hôm nay là nhờ mẹ”, thì lần này chị …. khóc vì sung sướng.
Mẹ H nói: “Nhìn thầy chia sẻ trên YouTube, khi mọi người cười thì em khóc, khi mọi người khóc thì em cười”. Ôi tâm tình người mẹ kín đáo mà mãnh liệt, chỉ mẹ và con mới biết.
Đang ngồi chơi với các mẹ, tôi thấy bao nhiêu quý thầy quý sư cô trẻ đến ríu rít như chim non ôm các mẹ “Cám ơn các má mi (mommy) đã đến đây với chúng con”. Bạn xem có con đi tu lời ghê không? Đi có một mà bây giờ có bao nhiêu con, chẳng bù con đi xuất giá, chỉ được có một mà nhiều khi thành không.
Trong khóa tu này, tôi được chứng kiến lễ xuất gia của ba vị người Tây phương, tất cả đều ở tuổi dưới 25. Tôi có dịp chuyện trò với cha mẹ các vị này. Họ rất hạnh phúc.
Tôi như cảm nghe được lời tâm tình của những vị xuất gia trẻ: Mẹ ơi! Hãy về đây buông bỏ hết lo âu vướng mắc của cuộc đời. Mẹ con ta sẽ giúp nhau chuyển hoá khổ đau có từ bao đời, sẽ tiếp nối con đường hiểu và thương. Mẹ không cần phải làm gì cả. Con không cần phải làm gì cả. Mẹ con ta chỉ cần quay về với hơi thở có ý thức và đi những bước chân an lành trên mặt đất.
“Về đây lữ khách đường xa lắm
Cát bụi sầu thương vướng đã nhiều
Thanh thản ngủ trong lòng đạo cả
Cho hồn thơ ấu được nâng niu”.
Hôm nay khoá tu chấm dứt. Chắc ai ai cũng có chút gì mang về trú xứ của mình. Bạn ơi xin gói món quà quý đó vào tim, mạch sống của tim sẽ nuôi dưỡng chúng ta đi về tương lai để không phụ ơn Sư Ông đã khai thông suối nguồn của thương yêu.
Tôi tri ơn quý thầy quý sư cô của tu viện Mộc Lan đã cho tôi về đây góp mặt trong những ngày đoàn tụ đầy ý nghĩa này, để giờ đây có giây phút trải lòng mình trên trang giấy chia sẻ cảm nghĩ này.
Rủ nhau về Mộc Lan bạn nhé.
(Đỗ Thủy)