Tụi trẻ con hàng xóm
Trí Đức
Nhà tôi dọn về đây ở được hơn một năm. Thỉnh thoảng tụi trẻ con lại kéo nhau sang nhà chơi cùng với hai cô con gái. Bé nhỏ nhất thì khoảng hơn hai tuổi, lớn nhất tầm bảy, tám tuổi, còn lại khoảng bốn đến năm tuổi.
Giữa tháng năm, thời tiết đã oi ả. Cái nắng ban ngày như thiêu đốt, nung cả bầu không khí. Trên từng con phố, nơi có bóng mát là chỗ an trú tuyệt vời nhất cho mọi người. Từ bác xe ôm, người bán hoa quả, cho đến những người chờ đèn đỏ đều dừng lại.
Hôm nay tôi có nhiều việc nên gần tám giờ kém mới về đến nhà. Khi ngồi vào bàn ăn, cảm giác ban đầu là tôi không muốn dùng cơm vì oi quá, nhưng sau đó lại ăn rất ngon. Tụi trẻ con đang nô nghịch, cười đùa. Có hai bé trai gần ba tuổi đang tranh nhau chiếc xe gỗ “vespa”. Tôi lại ra làm ông trọng tài, đánh lạc hướng chúng bằng một trò chơi. Tôi đùn em bé đang ngồi xe một vòng, sau đó hướng dẫn em bé kia làm giống vậy. Tôi hỏi các bé: “Các con có thích không?”. Các bé trả lời là rất thích rồi thay phiên nhau đủn xe, không tranh nhau nữa. Một lát, có bé gái quát một bạn khác. Tôi cười với bé, hỏi: “Con có buồn khi có người quát con không?”. Em đã nói: Có ạ. Tôi nói: “Thế em nghe con mắng như vậy cũng buồn đó. Mà các con ai cũng đẹp như một bông hoa. Khi quát, nó lại thành hoa héo mất. Con có muốn thành hoa héo không?”. Em cười toe toét: “Không ạ”.
Tụi trẻ con xóm tôi như những bông hoa nhỏ, hồn nhiên lắm. Từ lúc chúng vào nhà chơi mà chẳng chào một câu. Lúc chơi thì hét rất to. Khi về thì đồ chơi không thu dọn. Giầy dép, chiếc để ngoài cửa, chiếc thì ngoài đường. Nhưng bây giờ các em sang chơi tiến bộ rất nhiều. Nhớ hồi trước, những lúc như thế này tôi thấy trong tâm mình khó chịu lắm. Chỉ muốn quát hoặc không cho chúng chơi nữa. Nhưng nhớ đến bài tập chánh niệm nên tôi dễ dàng nhận diện được sự khó chịu ấy và chuyển hóa nó: “Thở vào, tôi thấy trong tôi có sự khó chịu. Thở ra, tôi thấy sự khó chịu này cần được chuyển hóa”. “Thở vào mình là một bông hoa. Thở ra mình là hoa tươi mát”. Thật màu nhiệm, khi sự khó chịu được nhận diện, nó chợt tan biến.
Chợt nhận thấy các em không chỉ đơn giản được sang chơi mà các em cần được đón nhận những sự tươi mát từ gia đình nữa. Tôi càng hiểu hơn, sự quan trọng trong việc tu tập hàng ngày, dù chỉ là điều nhỏ nhất. Tâm chúng ta trưởng thành hơn là vì những điều đó.
Nhìn những đôi dép của các bé đã được xếp ngay ngắn, lòng tôi thấy vui vui. Mấy lần trước, khi các con vào nhà chơi, giầy dép tôi đều tự tay xếp lại. Lần này là các em tự bảo nhau xếp ngay ngắn và lại còn thích thú nữa là khác. Tôi đã khen các em biết làm việc nhỏ đó, vì việc này quá nhỏ mà ít ai để ý, trong đó có cả những người lớn như tôi.
Cầm chiếc dĩa, tôi lấy một miếng dứa trên bàn. Miếng dứa được để trong ngăn mát, lúc này ăn thật thích. Tôi thấy không thể thưởng thức được miếng dứa một cách ngon lành như thế nếu mình không ý thức được sự có mặt của nó. Khi tâm ta rong ruổi, khi tâm ta vướng bận vào quá khứ hay ngày mai thì lúc đó ta không thực sự có mặt trong hiện tại, mặc dù ta ngồi ở đó. Sẽ chỉ như một bóng ma, và miếng dứa cũng chỉ là một bóng ma.
Thực tập chánh niệm, đem tâm quay về với thân, từ những sự đơn giản nhất. Tôi vẫn thường để ý vào mỗi bước chân đi. Tôi vẫn thường để ý vào hơi thở, rồi nụ cười. Và có lẽ nó đã trở thành một thói quen mới như việc giữ thăng bằng xe. Thói quen tự nhiên này giúp tôi nhận diện ra những đám cỏ dại chưa được dọn trong tâm hồn, và thấy rằng cuộc sống này rất cần được HIỂU và THƯƠNG.