Nguyện đi trên con đường của Bụt
Tâm Hùng Lâm
Trên trời cao giờ này là những ngôi sao cô đơn. Trời Cần Thơ là vậy. Khi ánh đèn thành phố sáng lên thì bầu trời càng mênh mông và cô tịch. Tôi đã nhìn thấy trăng hôm nay, trăng khuyết nửa vòm. Tôi đã đợi ánh trăng này từ đầu tháng 4, vì tôi biết khi trăng tròn vành vạnh sẽ báo hiệu đến ngày Vesak – kỷ niệm ngày Bụt biểu hiện trên trần gian này.
Theo truyền thống Phật giáo tại hầu khắp các quốc gia như: Sri Lanka (Tích Lan), Miến Điện, Thái Lan, v.v. ngày trăng tròn Vesak được gọi là ngày tam hợp với ba sự kiện lớn: “Ngày Thái tử Siddhartha ra đời – người sau này được gọi là Bụt, ngày Bụt thành đạo, ngày Bụt nhập Niết bàn dưới cội Sa-la”.
Ngắm nhìn bầu trời le lói với vài ngôi sao cô đơn thấy gần mà xa lắm, mặt trăng thì đang như thẹn thùng, mắc cỡ,…tôi chợt đặt ra cho mình một câu hỏi, đây là câu hỏi đầy suy tư, rằng: “Bụt trong mình đã sinh chưa?”. Bụt là biểu hiện của tình thương và tỉnh thức; Bụt là khả năng lắng nghe mà không phán xét; Bụt là người cha hiền lành, là người thầy với gương mặt thân thương và ánh mắt trìu mến… Bụt trong tôi hơn hết còn là một con đường.
Sư Ông Làng Mai từng dạy: “Lắng nghe với tâm từ bi có thể làm người khác bớt khổ”. Tôi chợt nghĩ: Thời xưa ấy, lúc Bụt còn tại thế hẳn Bụt cùng với tăng đoàn đã thực tập vô cùng hùng tráng pháp môn lắng nghe này. Đọc qua kinh điển Nikaya hay A Hàm trên trang Làng Mai, tôi thấy thương Bụt quá. Tình thương ấy giống như một đứa con nhỏ thương cha, giống như một người xa quê lâu ngày chợt muốn ôm hôn đất Tổ. Trong kinh từng kể lại rằng không hiếm khi Bụt ngồi nghe rất lâu các thầy ngoại đạo chất vấn, các thầy ấy có khi không dễ thương lắm, vậy mà Bụt ngồi nghe im lặng và chăm chú đến thế. Có lẽ vì Bụt biết họ có nỗi khổ riêng, họ cần ai đó lắng nghe hơn là trả lời câu hỏi của họ.
Trong quyển Open Heart, Clear Mind (Rộng mở tâm hồn và Phát triển trí tuệ) của Ni sư Chodron có viết: “ Buddha was once an ordinary person like us, with the same problems and doubts we have. By following the path to enlightenment, he became a Buhhda”, tôi tạm hiểu là “Bụt cũng từng là một con người bình thường như chúng ta, Bụt cũng có những khổ đau và hoài nghi như chúng ta vậy. Nhờ đi trên con đường tỉnh thức nên Ngài trở thành Bụt – Bậc Tỉnh thức vẹn toàn”. Đến đây, tôi thấy mình có một niềm tin mãnh liệt rằng sau gần 2559 năm trôi qua, giáo lý của Bụt vẫn còn đó, và nếu đi trên con đường Bụt đã đi thì tôi và các bạn có thể trở thành Bụt như Bụt Thích Ca vậy đó.
Mấy hôm nay đi ngang các chùa, Tịnh Xá, Thất, Thiền viện…tôi thấy cái nhộn nhịp rất riêng của chốn thiền môn. Mọi người như đang chờ đợi, có lẽ cái chờ đợi ấy giống tôi, chờ ngày Vesak.
Giờ đây khi biết rằng: “Bụt của hơn 2500 năm trước đã sinh, con xin nguyện học tập con đường của Bụt, nguyện áp bàn chân nhỏ bé của con, có khi thong dong cũng nhiều khi mệt mỏi, lên dấu chân nơi Bụt đã đi qua. Con nguyện lúc nào cũng nuôi dưỡng chánh niệm, để con luôn được ở gần Bụt”.
Tối nay con nấu trà tươi thơm lắm. Con ngồi thiền im lặng như núi xanh, thảnh thơi như mây trắng, trước mặt con là chén trà tươi, trên bàn Bụt cũng có chén trà thơm như vậy,… Con biết tối nay con đã được uống trà cùng với Bụt.
Cần Thơ, 25/05/2015.