Khi tôi giận …
Tâm Hùng Lâm
Cơ thể tôi nóng lên, cơ tim như thắt chặt lại, mặt tôi nóng ran. Tôi cảm giác hình như mình đang chìm trong cái nhìn hoang dại – bởi không gian mà tôi tri giác giờ chỉ toàn là sự oán ghét biểu hiện và rất ít sự dễ thương. Lúc ấy, có lẽ tôi không còn là tôi dễ thương nữa, có khi cũng chẳng khác loài Atula hung dữ.
Tôi quên đi bài học buông thư, tôi quên mình còn có một hơi thở để quay về. Lúc ấy, tôi thấy lẻ loi quá, không một ai bên cạnh để hát cho tôi nghe bài hát “thở vào, thở ra, là hoa tươi mát, là núi vững vàng…”, cũng chẳng ai xem tôi là bông hoa để biết rằng tôi đang cần được tưới tẩm. Thật sự tôi đã để cho cảm giác giận dữ chế ngự mình như thế. Ôn từng nói: “Khi con giận thì hãy nhớ đi thiền hành. Khi thở vào, con có thể bước ba bước, thở ra có thể bước ba hay bốn bước (tùy theo chiều dài hơi thở của con), ngay lúc đó con đã tạo ra năng lượng để chuyển hóa cơn giận một cách khéo léo nhất”. Thế mà sau vài ngày rời Dưỡng Chân Tuệ Uyển, tôi lại để cho cơn giận làm mình mất đi lý trí, mất đi oai nghi, mất đi sự dễ thương trong mắt của đứa em. Xin lỗi em rất nhiều.
Sư Ông từng dạy: “Hạnh phúc có nghĩa là ít đau khổ. Nếu không chuyển hóa được đau khổ thì không thể nào có hạnh phúc”. Khổ đau có thể hiểu là có quá nhiều sự giận. Có khi tôi thấy mình như một đứa trẻ, đứa trẻ này rất hay hờn giận lung tung, cũng có khi nó bị chứng tự kỷ ám thị nên sinh ra cái vỏ bọc không dám chia sẻ với ai hết lòng, ngoại trừ người nó tin tưởng lắm.
Nói đến cơn giận có nghĩa là nói đến sự mất chánh niệm. Nếu ngay lúc có một trạng thái sân phát khởi trong tâm, mình biết mình đã có sự sân hiển lộ. Người có trí sẽ tìm cách chế ngự, thì ngay lúc ấy có lẽ tâm hành không phải chịu sự chi phối quá nhiều của ngoại cảnh. Lúc giận, tôi chỉ nghĩ đến cơn giận, tôi thấy mình có đầy đủ cái lý để mình có quyền giận! Và ngược lại, người kia sai hết, hay ít nhất cũng sai hoặc cũng vô tâm, và chính suy tưởng ấy kéo tôi đi dài trong sự tức giận vô lý.
Dù có diễn giải thế nào thì sự sân giận cũng là vô nghĩa. Nó làm ảnh hưởng đến bản thân, lại làm cho bạn bè xung quanh khó chịu.
Giờ đây, khi đã ngồi lại lặng lẽ giữa không gian bao la, tôi biết chỉ khi lòng mình tràn đầy năng lượng yêu thương thì thân tâm mình thấy khỏe lắm. Mình tựa như bông hoa xinh tươi, mà bông hoa ấy lại vừa được tưới tẩm bởi giọt nước cam lộ và được tạo hóa thưởng cho một cơn gió ngọt ngào.
“Thở vào, tôi thấy gốc rễ của giận nơi tự ái và u mê
Thở ra, tôi cười với niềm tự ái và u mê của tôi”.
Giờ đây, khi đi, đứng, nằm, ngồi con nguyện sống chánh niệm, không để tâm lang thang đi về miền phương nào. Khi chén cơm trên tay, con nguyện lúc thọ thực hạnh phúc được chế tác, gửi đến mọi người thương bên con, để mọi người luôn hạnh phúc. Khi con đang tức giận, xin người thương của con quán tưởng con là hoa đang thiếu đi giọt nước, xin người đừng tưới tẩm thêm ánh nắng khổ đau, xin người hát con nghe bài ca về đất Mẹ – nhẹ nhàng và sâu lắng.
Tâm Hùng Lâm