Cha

 

 

Sáng nay trời đất Pakchong tinh khôi như một bài thơ. Con nhẹ bước thiền hành cùng đại chúng; hình ảnh cha chợt hiện về trong hơi ấm bàn chân. Chỉ cần nhận diện cha đang có trong mỗi hơi thở, bước chân cũng đủ làm cho con hạnh phúc. Con nhớ Sư Ông dạy: “Mỗi động tác là một nghi lễ”, con trở về với hơi thở và thấy rằng mỗi bước chân thảnh thơi của con hôm nay là một nghi lễ của tình thương mà con gửi đến cha – con đang được đi những bước chân của cha!

Mẹ đã dạy con trai cứng cáp, dạy cho con gái dịu dàng. Món quà cha để lại là sự lặng im vững chãi của một người gánh vác sứ mệnh tiếp nối tổ tiên và trao truyền những điều thiêng liêng cho con cháu. Con thực sự nhận ra điều này khi cha đã nằm xuống – Cây đại thụ đã ngã, cả khoảng trời trống rỗng, con trở thành đứa trẻ mồ côi. Đã nhiều mùa Vu Lan con cài hoa hồng trắng trên ngực áo. Mẹ ra đi; cha cũng bỏ con ở lại. Những cột mốc đánh dấu sự côi cút, bất hạnh lớn dần thêm. Chẳng có bất hạnh, khổ đau nào giống nhau, nhưng mất cha là bất hạnh mở đầu cho mọi bất hạnh dù rằng con phải hiểu dưới bất kỳ lớp nghĩa nào. Mất cha, con đã thực sự mất đi tri kỷ từ khi con chào đời, bởi tri kỷ là hiểu biết, thương yêu mà trong cuộc sống này có ai hiểu con như lòng cha thầm lặng và cha là người tri kỷ mà chưa bao giờ con tỏ bày.

 

Cha thương yêu!

Một tiếng gọi muộn đủ để cho con quay về nương tựa trong tình thương và lòng tôn kính. Con hôm nay là công trình cha đã tạo dựng nên. Có mấy ai hiểu hết được tình thương và ước vọng mà cha mình để lại. Cái ước vọng mà tuổi thơ con được cha chở đi trên chiếc xe đạp hay đi bộ đón con sau những buổi tan trường, con chữ của con buổi đầu có giọt mồ hôi cha mằn mặn và những mơ ước gửi theo những con đường gập ghềnh. Quê mình nhiều dốc núi, cha lúc ấy như đỉnh núi nâng con lên để chạm với mây trời và ước mơ làm một con người chân chính.

Từ ấu thơ, cha là người thầy đầu tiên khơi nguồn cho con với bao mơ ước. Cha bao giờ cũng mạnh mẽ, phóng khoáng và dám chấp nhận. Những bước chân đầu tiên của con, cha là người động viên con và ngăn mẹ cứ để cho con bước. Con đã ngã, dấu tích là vết sẹo trên khuôn mặt theo lời mẹ kể, nhưng con nín khóc khi có bàn tay của cha nâng dậy và niềm tin rằng con có đủ dũng cảm để nước mắt đừng rơi. Vết sẹo ngày xưa đã lành, nhưng nghị lực và hơi ấm tình thương của cha đã theo con cùng năm tháng. Tuổi thơ con cũng lam lũ, vất vả như cuộc đời của mẹ cha. Nhưng chính cha đã dạy cho con đừng bao giờ bỏ cuộc;  hãy sống xứng đáng dù có đôi khi những nghiệt ngã của cuộc đời làm cho con chẳng thể chịu đựng được. Con hiểu, cuộc đời cha đã trải qua biết bao khó khăn nhưng cha luôn lạc quan đi tới; phải thế chăng mà những ruộng vườn, khoai sắn trên đất quê cằn cỗi cũng từ đó mà lên xanh, nuôi sự sống cho cha và con. Con biết ơn nụ cười của cha những khi mùa gặt thất bát, gió thổi rỗng cả trời nhưng lòng tin yêu cuộc sống chưa bao giờ cạn.

 

 

Mẹ mất sớm, cha trở thành người có hai đôi vai, gánh cả hai phần. Con không có bức ảnh nào về cha nhưng ký ức con đã chụp lại rất rõ những vết nhăn trên khuôn mặt cha do tần tảo và lo lắng cho đàn con. Con biết, khi nào con còn đủ sức lưu giữ những tình thương đó thì hình cha vẫn mãi trong con mà không có bức ảnh nào trên đời có thể thay thế. Chính những vết nhăn chi chít đó đã nâng con lên trong cuộc đời, bởi cũng có đôi khi, con thầm so sánh cha với cha của bạn bè con khi con ra thành phố học, có đôi khi khó khăn khiến con có chút nản lòng… Nhưng vầng trán của cha còn đó; con lại tiếp tục lên đường, xuôi ngược với ước mơ, hiển vinh trong khi cha là người chống đỡ những nhọc nhằn nơi quê nhà, lấy sự trưởng thành, hạnh phúc của chúng con làm niềm vui sống.

Con đã nhiều lần viết, nhiều lần tặng quà cho bao người nhưng con chưa bao giờ viết, chưa từng có một món quà nào xứng đáng cho cha. Ấy thế mà cha vẫn mỉm cười, hạnh phúc khi nhìn những bước con đi. Từ khi mẹ mất, mấy cha con chẳng con ngôi nhà xưa vì đã bán để lo thuốc thang cho mẹ, nhưng cha đã là ngôi nhà che nắng mưa cho chúng con bằng cả niềm tin. Những thành tích mà con có được, con cũng mong được một lần dán lên ngôi nhà, nhất là có thể làm mờ những vết nhăn trên trán cha. Nhưng đôi khi, ước mơ của con còn nhỏ lắm với lòng cha mong đợi; Cha mong con đi vững vàng trên chính đôi chân mình như một con người bản lĩnh, tự do.

Cha đã rất trân trọng những quyết định của con. Lúc nào cha cũng trầm tĩnh, vững vàng với một câu đã quen nhưng con đừng quên suy ngẫm: “Tuỳ ở con”. Cha đã dặn con phải nương tựa chính nơi con, phải bước bằng đôi chân của mình để vững vàng trước bao biến cố. Và con đã có không ít những lần vấp ngã, may thay, bàn tay cứng cáp và trái tim bao la của cha đã cho con đứng dậy. Cha vẫn đứng đó, trán có thể thêm nếp nhăn nhưng chưa bao giờ thôi truyền cho con niềm tin, nghị lực, cho con thêm những kinh nghiệm để vững bước vào đời. Có một lần, vì những khó khăn trong công việc, mệt mỏi trong cuộc sống, chứng kiến các anh đối xử tệ bạc với cha, con đã vung vãi những lời đau đớn, trách móc: “Tại cha thương yêu, hiền lành quá nên các anh trèo lên đầu như vậy đó. Bây giờ thì cha trách ai. Con chán hết mọi thứ rồi!” Đó có thể là lần đầu tiên con làm tổn thương cha. Cha lặng lẽ ra khu vườn, trời không gió bụi mà mắt cha đỏ hoe. Con đã làm tổn thương cha, chạm đến điều mà cha đã hy sinh cả đời: hết lòng thương yêu chúng con!

Cha chưa bao giờ đổi thay dù đàn con có đứa mang đến nỗi đau này hay nỗi đau khác. Con nhớ ngày đó, hối hận vì lỡ lời, con trở về định xin lỗi cha. Cha ngồi đó với chén trà và cha vẫn bình yên, như chén trà đầy ánh trăng đêm. Con đã chưa nói lời xin lỗi trong khung cảnh bình yên đó, con lặng lẽ ngồi đó. Cha đã cho con có cơ hội dừng lại để cảm nhận cuộc sống này, đã cho con biết bao điều tốt đẹp. Cho nên có lúc con ngồi thật yên bên ly trà, bên thềm yên lặng ta sẽ có dịp hiểu về cha, hiểu và biết ơn là cha đã về ngồi uống trà cùng con rồi đó. Đã có lúc, con thấy vị đắng ngọt của trà tan trong cổ giống như dư vị của đời cha. Bước trên con đường của Bụt, Tổ và tăng thân, con có cơ hội trở về để nhìn thấy hình ảnh của cha, nói như Mark Twain: “Cha tôi thật kỳ lạ. Tôi càng lớn bao nhiêu, cha lại càng tuyệt vời bấy nhiêu.” Có thể, con chưa cảm nhận sâu sắc những điều cha đã cho con, nhưng con biết con đang hạnh phúc vì ý thức được những gì cha đã cho con, kể cả những khó khăn canh cánh bên lòng mà đời cha đã chưa làm xong.

 

 

Mỗi sớm mai thức dậy, hai bàn tay con vốc nước rửa mặt. Con thấy bàn tay chai sần của cha. Cha đã trao truyền cho con hết thảy bởi chính người đã yêu cuộc đời này bằng tình yêu và muốn con lớn lên cũng bằng những yêu thương hào phóng, rộng rãi và cao đẹp. Cha trở nên cụ thể trong mỗi xương thịt của chính con trong mỗi bước thăng trầm. Con bây giờ là con của Bụt, Tổ, Sư Ông và tăng thân ôm ấp, chẳng khác nào tình thương cha đã dành cho con. Bằng hình hài cha mẹ đã truyền trao, con cúi đầu lạy xuống, con thấy tình thương của gia đình tâm linh và huyết thống đang tuôn chảy trong mỗi tế bào cơ thể của con. Ý thức được điều đó con càng yêu thương, tin tưởng con đường thương yêu đích thực mà con đang đi, bởi trên con đường này con đang được nắm tay Bụt, nắm tay Thầy Tổ và nắm tay cha để rong chơi, để sống cho vững vàng, sâu sắc, thành thơi, tự do như ước mơ cha từng gửi lại.

Cha ơi, con thương cha nhiều lắm! Trong con cha mãi như cha đã từng, và chỉ từng ấy thôi cũng đủ nuôi đời tu của con hạnh phúc rồi.

 

Chân Trời Văn Lang