Cành mai năm ấy

Tưởng nhớ Nhất Chi Mai

Buổi sáng có mặt trời, ơi vũ trụ, ta muốn ôm người vào hai tay. Buổi sáng có chim hót và chị bán xôi đi ngang ngõ trúc, ơi quê hương, ta muốn ôm ngươi vào hai tay. Buổi sáng có chợ họp, ôi thế gian, ta muốn ôm ngươi vào hai tay. Chỉ còn hai mươi giờ nữa thôi, tôi đã không còn có mặt ở đây. Tôi sẽ giao tôi cho lửa.

Quê hương đẹp biết bao nhiêu. Ôi, còn nào chùa, nào lũy tre, nào vườn cau, nào giàn trầu, nào bến sông quen thuộc. Tôi muốn quay trở lui. Nhưng quay trở lui cũng không tìm thấy quê hương.

Đất quê hương, tôi đang đếm bằng những bước chân. Đất quê hương, bom đạn cày nát. Lời cầu nguyện cho những khu vườn xanh, có trúc đào, có xương rồng trước ngõ. Chắp tay tôi nhận chịu lửa đỏ như một lời cầu nguyện. Cho tôi thấy phố thấy nhà lần chót. Cho tôi thấy trời thấy nước thấy cây thấy cỏ lần chót. Cho tôi thấy trăng thấy sao. Cho tôi thấy người, thấy cô thấy bác thấy anh thấy chị thấy già thấy trẻ, thấy đồng bào cười nói. Cho tôi ôm tất cả vào hai vòng tay nhỏ. Tôi đã tìm thấy. Anh chị em ơi, tôi đi nhưng tôi còn ở lại. Sáng mai mặt trời mọc, thơ tôi sẽ tới với người.”

(trích tác phẩm Chân dung – Thiền sư Nhất Hạnh)

Năm 1096, trước khi an nhiên cõi trời phương ngoại, Thiền sư Mãn Giác đã để lại tặng đời một cành mai vô ngại, cành mai vượt thời gian, nở lên từ một tâm hồn thanh thoát. Đến hôm nay, cành mai đó vẫn sống rất thật, trong mỗi độ xuân về, trong mỗi lần xem mai nở, trong mỗi dịp được ngồi yên bên chén trà ấm bốn mùa mà nghe phảng phất đâu đây hòa vào hương trà lời Thiền sư nhắc nhở: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”. Cành mai đã đi vào cõi vô khứ lai, để rồi sẽ biểu hiện tiếp tục một cách mầu nhiệm dưới những hình thái khác, góc độ khác, ngay trên cõi đời này, khi nhân duyên vào độ chín. Và vì thế, mãi mãi, lời vị Thiền sư năm nao vẫn còn vang vọng, chớ có cho rằng khi xuân hết thì hoa tàn cả, nhìn cho kỹ đi, một cành mai đêm qua nơi sân trước vẫn tròn đầy.

“Xin tình thương tỉnh thức

Xin Việt Nam hòa bình”

871 năm sau, 1967, cành mai ngày ấy lại biểu hiện. Nhất Chi Mai – chị cả của dòng tu Tiếp Hiện do Thiền sư Nhất Hạnh sáng lập, ngày 16 tháng 05 đã khiến cho cả thế giới chiêm ngưỡng khí phách bi hùng của hương thơm nguyện phụng hiến mình vì nghĩa lớn, vì một Việt Nam hòa bình, vì một dân tộc biết thương yêu nhau, vì một thế giới biết nhìn về lẽ phải.

Được sinh ra trong gia đình khá giả, dù trong thời chiến tranh tàn khốc, chị Mai vẫn được đi về trên một chiếc xe hơi sang trọng. Tương lai chị thật tươi sáng. Tốt nghiệp đại học, chị theo con đường phụng sự xã hội, nguyện sống đời an vui cho đất Việt. Thế nhưng, Việt Nam vẫn cứ chiến tranh, máu xương vẫn mỗi ngày đổ xuống, điêu tàn tiếp nối điêu tàn, đâu đâu cũng nghe tiếng khóc than của đứa con thơ, của người vợ trẻ, tiếng khấn nguyện của những người già không biết con mình sống chết ra sao. Chị Nhất Chi Mai phải chứng kiến điều đó hằng ngày khi vẫn được nghe nói về từ bi, rao giảng về lòng bác ái, tuyên truyền về đoàn kết… có cái gì nghe thật xót xa. Chị không thù hận con người, đích thị trong chị chỉ có tình xót thương. Chị muốn ôm trọn tất cả, vì con người đáng thương, vì con người đang nô lệ cho hận thù, bạo động, nghi ngờ và lòng tham mà giày xéo lên nhau từng ngày. Mỗi ngày, chị tự dặn dò mình bằng cách đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần lời thơ của thầy mình trao gởi. Bài thơ trở thành một đề tài quán chiếu thật sâu sắc của chị:

“Xin hứa với tôi hôm nay
Trên đầu chúng ta có mặt trời
Và buổi trưa đứng bóng
Rằng không bao giờ em thù hận con người
Em vẫn phải nhớ lời tôi căn dặn :
Kẻ thù chúng ta không phải con người.
Xứng đáng chỉ có tình xót thương
Vì tôi xin em đừng đòi điều kiện
Có thể ngày mai
Trước khuôn mặt bạo tàn
Một mình em đối diện.
Hãy rót cái nhìn dịu hiền
Từ đôi mắt
Hãy can đảm

Dù không ai hay biết…”

(Trích Dặn dò –  thơ Sư Ông Làng Mai)

Những người xung quanh nghĩ rằng, chắc chị Mai thích bài thơ ấy quá, nên cứ suốt ngày ngâm nga cho qua thời giờ, cho khỏi nghĩ đến những công tác từ thiện, khỏi nghĩ đến chiến tranh, khỏi nghĩ đến những em bé nghèo ngửa bàn tay bé xíu xin chút tình thương với tấm thân đen đủi trần truồng và đôi mắt đã bớt long lanh. Vậy mà, chị lẩm nhẩm bài thơ ấy không phải để trốn chạy thực tại, mà để nghĩ về thực tại, nghĩ về cách để có thể hiến dâng cuộc đời mình cho một cuộc tỉnh thức lương tâm nhân loại, cho ước mơ một đất nước hòa bình.

“Và nụ cười em
Hãy để nở
Trong cô đơn
Trong đau thương thống thiết
Những người yêu em
Dù lênh đênh
Qua ngàn trùng sinh diệt
Vẫn sẽ nhìn thấy em.
Tôi sẽ đi một mình
Đầu tôi cúi xuống
Tình yêu thương
Bỗng trở nên bất diệt
Đường xa
Và gập ghềnh muôn dặm
Nhưng hai vầng nhật nguyệt
Sẽ vẫn còn

Để soi bước cho tôi”.

(Trích Dặn dò –  thơ Sư Ông Làng Mai)

Phật đản sanh lần thứ 2511, đúng ngày 8 tháng 4 âm lịch, cành mai kia đã nở. Nhất Chi Mai đã nở giữa biển lửa. Nhưng không phải biển lửa của hận thù. Mai đã tỏa hương giữa biển lửa, để hóa thân thành tình thương và tỉnh thức, cho con người thấy đường đi lên. Chị Mai đã tự thiêu.

Một buổi sáng chùa Từ Nghiêm lửa tỏa, lửa cháy lan thế kỷ, lửa xuyên thấu các hành tinh xa để vượt thời gian và mãi mãi không bao giờ tắt. Thế gian chấn động bởi ánh lửa như tiếng chuông đại hùng lực, đại từ bi. Lửa đốt rụi vô minh, tỵ hiềm, lòng tham cơ hội. Lửa kêu gọi nghĩa đệ huynh. Tự tay mình châm lửa đốt thân sau khi để lại 10 bức thư cho Ba Má, Thầy bạn và chính quyền, cái chết chừng đó thôi cũng đã là vô úy.

Sẽ có những người thóa mạ cái chết ấy, chị Mai tự biết điều ấy, nhưng điềm nhiên mặc kệ, có sao đâu. Chị không điên, không hành động dại dột, không phải vì cảm hứng. Chị đã suy nghĩ nhiều, đã chuẩn bị tất cả. Vì tình thương nhân loại, chị phải hành động. Vì thức tỉnh tình thương trong trái tim nhân loại, chị càng phải hành động. Vì Việt Nam hòa bình, chị lại càng phải hành động. Thế giới đã cúi đầu trước người Mẹ Việt Nam vừa tròn 33 tuổi. Cao Ngọc Phượng, một người em đồng giới Tiếp Hiện với chị, sau này trở thành sư cô Chân Không – một đệ tử lớn của Thiền sư Nhất Hạnh, đã trả lời người phương Tây khi họ thắc mắc về cái chết ấy thật cảm động: “Khi bạn muốn mua một món gì bạn phải trả tiền. Khi bạn muốn mua một món gì quý nhất mà tiền bạc không thể mua được như sự hiểu biết, sự thương yêu, sự nhân nhường nhau để đưa đến chấm dứt chiến tranh khổ đau thì bạn chỉ có thể trả cho người bạn đang đối thoại bằng cái gì quý giá nhất mà bạn có trên đời. Chị tôi không tự tử như nhiều người Tây phương đã tưởng. Không, chị tôi có học thức, có đầy đủ điều kiện để sống tiện nghi như các bạn (Tây phương) dù rằng nước Việt Nam đang chiến tranh. Nhưng chị muốn dâng cái quý nhất của con người trên đời để xin cái quý nhất của con người trên đời. Cái đó là sự sống”. Chị đã dâng sự sống quý nhất trên đời của chị để giữ lại sự sống quý nhất của một dân tộc.

Người bạn trẻ của nước Việt ơi, các bạn đang tiếp nối hồn thiêng sông núi mà bao thế hệ trước đã thao thức, đã hy sinh xương máu để giữ gìn, các bạn cũng là một cành mai. Chúng ta hãy làm sao để cành mai vươn lên giữa biển lửa. Cành mai ấy không được chết giữa biển lửa, càng không được chết vô nghĩa giữa bầu trời bình yên. Bao nhiêu người đã chết oan uổng như vậy rồi, mình đừng tiếp nối hạt giống ấy nữa. Mình mãi phải xứng đáng, đừng bao giờ cô phụ hồn thiêng sông núi.

Chị Nhất Chi Mai, kỷ niệm ngày chị có mặt vì hòa bình, cũng là ngày kỷ niệm một cành mai tỏa thơm trang sử Việt, em viết lại đây vài dòng như lời tri ân sâu sắc đến chị. Từ ngày biết chị, em chưa bao giờ thấy chị vắng mặt trong em, em chưa bao giờ thấy chị vắng mặt trong cành hoa của Thiền sư Mãn Giác. Rồi những cành hoa như chị sẽ được tiếp nối và biểu hiện, hôm nay và mai sau, như chị chưa bao giờ từng sinh mà cũng chưa bao giờ từng diệt. Những thế hệ sau chị sẽ tiếp nối và mời cành mai thơm trong chị biểu hiện như điều chị từng nhắc nhở: “Con đường dài mà chông gai quá, mỗi người nhân bản phải đi một đoạn đường gai chông, tiếp nối, bằng cách này hay bằng cách khác, mới mong hết được đường dài…”

Nguyên Tịnh.

Đồi Trị Liệu, 15.05.2012

 


 

LỜI TỰ THUẬT
SAU CÙNG CỦA NHẤT CHI MAI

Tôi viết tất cả 10 bức thư để lại.

Ngày mai tôi sẽ lo lắng một mình tôi buổi lễ tự thiêu.

Tôi cho các nhà báo, nhiếp ảnh hay và một ít bạn thân đến nơi tôi dự định mà không cho họ biết trước chuyện gì sẽ xẩy ra.

Tôi mua 10 lít xăng. Địa điểm tôi chọn là Chùa Từ Nghiêm, tôi có ý đến Nhà Thờ Đức Bà hay một nơi công cộng có tính cách lịch sử một chút, mà thôi.

Phía trước mặt tôi đặt hai bức tượng: Đức Mẹ Maria với hai bàn tay đưa ra. Đức Quán Thế Âm với đôi mắt dịu hiền. Cả hai nhìn tôi và ban ơn cho tôi tròn ước nguyện. Trước mặt và sau lưng tôi có hai biểu ngữ tôi viết:

“Con chắp tay quỳ xuống

Xin Đức Mẹ Maria

Đức Quan Âm, Phổ Hiền

Cho con và ước nguyện.”

Và:

“ Xin đem thân làm đuốc

Xin soi sáng U Minh

Xin Tình người thức tỉnh

Xin Việt Nam Hòa Bình”.

Cầu xin cho tôi can đảm, bình tĩnh mà ngồi yên trong lửa đỏ.

Tôi sẽ quỳ xuống chấp tay niệm Phật và thầm gọi “Việt Nam”.

Người tự thiêu cầu Hòa Bình
Thích Nữ Nhất Chi Mai
Tự: Nhất Chi
Pháp danh: Diệu Huỳnh.

 

THƯ GỬI THẦY
(Chị Nhất Chi Mai là một trong sáu người đầu tiên được thọ 14 Giới Tiếp Hiện với Thầy Làng Mai)

Việt Nam, 15 – 5 – 67.
Kính bạch Thầy,

Ngày mai con sẽ thiêu thân để cầu Hòa Bình cho Việt Nam. Con xin đóng góp với Thầy, với tất cả những nhà nhân bản Việt Nam và thế giới trong phong trào Mong Hòa Bình cho Việt Nam bằng tất cả những gì con hiện có.

Con mong tất cả an lòng, tiếng nói nhân bản, chính nghĩa sẽ được tiếp nối và kết quả không lâu.

ThuguiThayNhatChiMai.jpg
thư Nhất Chi Mai gởi Thầy

Kính thư,
Thích Nữ Nhất Chi Mai
Tự: Nhất Chi
Pháp danh: Diệu Huỳnh
Tự thiêu để cầu Hòa Bình Việt Nam
Mùa Phật Đản 2511 (5-1967)


____________________________________

Những bài có liên quan: