Hoa yêu thương giữa vùng bão lũ
Tình thương lên tiếng gọi
Mưa bão liên tiếp từ đầu tháng 10 đã khiến cho người dân các tỉnh miền Trung, đặc biệt là các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi oằn mình chạy lũ. Hàng trăm ngàn ngôi nhà chìm trong biển nước; nhiều khu vực bị cô lập, chia cắt. Nhà sập, tài sản, lương thực, thực phẩm, vật nuôi, thóc giống không còn. Nhiều gia đình trắng tay, nhiều hộ lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất.
Trước tình cảnh đó, ngay từ đầu mùa mưa bão, quý thầy ở chùa Từ Hiếu và quý sư cô Ni xá Diệu Trạm đã cùng với nhau phân chia thành nhiều nhóm, đi đến nhiều nơi ở Huế và Quảng Trị để giúp cho những người dân bị ngập lụt. Đoàn đã tặng 5121 phần quà tại các điểm bị ngập lụt ở Huế và 1875 phần quà tại các huyện Cam Lộ, Triệu Phong và Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị.
Sáng ngày 27.10, quý thầy, quý sư cô lại tiếp tục chia làm hai đoàn cứu trợ để đến với bà con ở Quảng Bình và các huyện miền núi ở Quảng Trị. Trước đó một ngày, nghe tin bão số 9 đang đổ bộ vào miền Trung, nhiều người cũng hơi lo ngại và khuyên đoàn nên hoãn chuyến đi cứu trợ. Nhưng rồi quý thầy, quý sư cô vẫn quyết định lên đường, vì biết rằng bà con vùng lũ đang trông chờ hàng cứu trợ mỗi ngày. Khó mấy cũng đến với bà con!
Nụ cười ta trao cho nhau
Tại Quảng Bình
Đoàn đã đến thăm và tặng quà cho người dân tại các huyện bị ngập nặng nhất của Quảng Bình như Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa và Lệ Thủy. Mưa lớn kéo dài đã làm cho hàng chục ngàn nhà dân nơi đây ngập sâu trong nước. Ở những nơi này, người dân phải tất tả chạy lũ 3-4 lần trong suốt một tháng. Nước ngập từ 1,5 đến 2m. Có những nơi như xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa), toàn bộ nhà dân đều bị ngập lút mái.
Để đến các điểm được coi là “rốn lũ” như xã Tân Hóa, xã Quảng Minh, đoàn phải đi bằng thuyền để đem quà cứu trợ đến cho người dân nơi đây. Nước lũ chảy xiết khiến cho một chiếc thuyền chở hàng cứu trợ của đoàn (gồm gạo và các nhu yếu phẩm) suýt bị đắm.
Khó khăn là vậy nhưng điều làm cho các thành viên trong đoàn cảm thấy ấm lòng là hình ảnh bà con hết lòng phụ giúp quý thầy, quý sư cô bốc vác hàng từ thuyền lên bờ rồi chuyển đến các điểm để phát quà. Các o, các dì với thân hình nhỏ nhắn như vậy mà ai cũng đòi vác trên mình 2-3 bao gạo, làm cho các thanh niên trong đoàn cũng phải trầm trồ thán phục.
Đi đến đâu, món quà đầu tiên mà quý thầy, quý sư cô trao cho bà con là nụ cười, là tình thương yêu, là tinh thần lạc quan để vượt qua những khó khăn, mất mát. Thầy Từ Hải nói với bà con: “Mình đã khổ cả đời rồi, bây giờ mình phải cười lên, cười thì mới có sức mà đi qua khó khăn”. Rồi thầy mời các thầy các sư cô trong đoàn hát tặng bà con những bài thiền ca, trong đó có bài Hiểu và Thương:
“Anh em ta từ bốn phương trời
Chị em ta từ khắp năm châu
Không phân biệt màu da tôn giáo
Cùng về đây xây đắp yêu thương…”
Thầy cũng khuyến khích bà con hãy thương yêu và giữ gìn đất Mẹ bằng những hành động rất nhỏ trong đời sống hàng ngày của mình như hạn chế dùng túi ni-lông, tránh xả rác và cố gắng giữ gìn môi trường sống xung quanh mình.
Thầy Pháp Ứng thì hướng dẫn bà con cùng hát và thở theo bài Thở vào – Thở ra, để tiếp xúc với yếu tố tươi mát, vững chãi, tĩnh lặng và không gian thênh thang trong lòng mình.
Rất đông bà con ở Quảng Bình là người theo đạo Công giáo, nhưng vẫn thấy rất gần gũi với quý thầy, quý sư cô – những người con Bụt. Niềm vui và tình thương yêu lan tỏa qua những bài hát. Gương mặt ai cũng nở ra như một đóa hoa. Có người đã xúc động chia sẻ: “Con thương quý thầy, quý sư cô quá! Đường xá khó khăn, cách trở như vậy mà quý thầy, quý sư cô vẫn tìm đến với bà con!”. Ở nhiều nơi đoàn đến, khi nhận quà xong, bà con vẫn nán ở lại đến phút cuối cùng để chia tay và nói lời cảm ơn đến quý thầy, quý sư cô.
Ở những huyện miền núi như Tuyên Hóa, Minh Hóa, nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng. Có những điểm như xã Ngư Hóa (huyện Tuyên Hóa), quý thầy, quý sư cô trong đoàn đã chuẩn bị tinh thần là không thể chuyển quà đến cho bà con vì đường bị sạt lở, xe không vào được. Nhưng thật may mắn là các cán bộ địa phương đã kịp thời cho thông đường để đoàn xe cứu trợ có thể đem quà đến cho người dân nơi đây.
Đoàn cũng đã đến thăm và tặng quà cho đồng bào người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa – vùng biên giới với Lào. Đến được với đồng bào nơi đây thật là một chặng đường dài. Đoàn phải đi xuồng máy khoảng 2 cây số giữa trời mưa bão. Đồng bào người Rục thì cũng phải đi 7-8 cây số mới đến được điểm tập trung để nhận quà cứu trợ. Tính đến thời điểm đoàn vào, nơi này đã bị cô lập 25 ngày rồi. Rất ít đoàn cứu trợ đến được nơi đây. Quý thầy, quý sư cô phải phát quà giữa trời mưa, chỉ đủ một tấm bạt trải dưới đất để gạo và các nhu yếu phẩm rồi một tấm nữa phủ lên trên che mưa. Khi biết sẽ nhận được gạo, bà con ai cũng rất vui, vì tới thời điểm đó, bà con chỉ nhận được mỳ gói mà thôi. Sau khi tặng quà cho đồng bào tại địa điểm tập trung, quý thầy, quý sư cô nhờ người dân chở bằng xe máy đi khoảng hai cây số đường rừng, sau đó lại qua một chuyến đò nữa mới đến được bản Ón – bản gần nhất mà đoàn có thể đến thăm. Quý thầy, quý sư cô có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu về đời sống của đồng bào nơi đây. Đồng bào Rục ở Thượng Hóa vốn sống trong rừng sâu, hang đá chỉ quen với việc săn bắt, hái lượm, rồi được chính quyền địa phương vận động, đưa về địa bàn này định cư. Thế nhưng, trải qua thời gian dài, cuộc sống của người dân vẫn còn rất khó khăn do chưa quen với việc trồng trọt, chăn nuôi. Đoàn đã tặng cho ba gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi hộ 2 triệu đồng.
Sau sáu ngày liên tiếp, đoàn đã tặng được 10.248 phần quà cho người dân Quảng Bình. Trung bình mỗi phần quà trị giá 485.000 đồng (gồm 200.000đ tiền mặt cùng với gạo và một số nhu yếu phẩm khác):
– Huyện Quảng Ninh: 2.577 phần quà + 8 trường hợp đặc biệt
– Huyện Quảng Trạch: 1.027 phần quà. Đoàn có ghé thăm Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần và tặng các bệnh nhân nơi đây 10 triệu đồng cùng với gạo và một số thực phẩm khác.
– Huyện Bố Trạch: 172 phần quà + 1 trường hợp đặc biệt
– Huyện Minh Hóa: 1.502 phần quà + 3 trường hợp đặc biệt
– Huyện Tuyên Hóa: 2.244 phần quà
– Huyện Lệ Thủy: 2.626 phần quà + 25 trường hợp đặc biệt
Ngoài ra đoàn còn đến thăm và tặng thêm cho 37 hộ gia đình gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mỗi hộ 2 triệu đồng.
Tại Quảng Trị
Ngày 29.10 – Sau hai ngày mưa bão tưởng không thể di chuyển được, cuối cùng đoàn cứu trợ do quý thầy chùa Từ Hiếu và quý sư cô Ni xá Diệu Trạm tổ chức đã có mặt tại hai huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị: huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa. Tại hai huyện này, mưa lớn khiến nước sông dâng cao gây chia cắt, cô lập nhiều thôn, xã trên địa bàn. Đoàn đã tặng 1000 phần quà tại 3 xã: Đakrông (400 phần), Mò Ó (200 phần) và Hướng Hiệp (400 phần). Mỗi phần quà gồm 200.000 đ tiền mặt, 1 bao gạo (12,5 kg) cùng với chăn, sữa, thuốc, quần áo ấm cho trẻ con. Ngoài ra, đoàn còn hỗ trợ cho 8 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ngày 30.10 – Đoàn đến thăm bốn xã A Bung, A Vao, A Ngo và Tà Rụt của huyện Đakrông. Bốn xã này là vùng bị sạt lở nặng nhất và hoàn toàn bị cô lập. Rất ít đoàn cứu trợ tiếp cận được vùng sâu này. Khi đoàn đến thì đường vẫn sạt lở và khá nguy hiểm. Người dân nơi đây hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số như Vân Kiều, Pa kô, Tà Ôi… Đại đa số là hộ nghèo, đời sống của đồng bào nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Đoàn đã tặng 2000 phần quà cho người dân của bốn xã; ngoài ra còn hỗ trợ cho 10 gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Ngày 31.10 – Đoàn tiếp tục hành trình đến các xã vùng sâu của huyện Đakrông: xã Húc Nghì, Ba Nang và thị trấn Krông Klang. Đường đi đến các xã miền núi này thật gian nan, mỗi ngày đoàn phải đi 200 cây số (cả đi lẫn về). Đồng bào đến nhận quà cũng đi một chặng đường dài, cả đi và về phải mất một ngày vì đường núi khó khăn và phải gùi trên vai. Đoàn đã tặng được 1100 phần quà cho đồng bào của ba xã này.
Ngày 1.11 – Đoàn đã tặng 2600 phần quà cho bà con ở bốn xã của huyện Hướng Hóa (xã Ba Tầng, xã Thanh, xã Lìa và xã Hướng Lộc) và bốn trường mầm non của huyện Đakrông.
Ngày 3.11 – Đoàn đã vào được các xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa như Hướng Linh, Hướng Phùng, Hướng Tân, Húc. Các xã này đang trong tình trạng bị cô lập do lũ quét. Đường vào các xã đã bị sạt lở nặng, rất nhiều cầu và đoạn đường bị lũ cuốn trôi. Đường đi khá nguy hiểm, đoàn phải di chuyển bằng xe ben, nhưng khi thấy gương mặt chờ đợi của đồng bào nơi đây thì mọi mệt mỏi của đoàn đều tan biến. Phải tận mắt chứng kiến mới thấy được sức tàn phá của bão lũ khủng khiếp đến nhường nào. Rất nhiều ngôi nhà bị bão đánh sập hoàn toàn; người dân phải dựng chòi ở tạm trên núi, rất thương tâm. Tại xã Húc, đã xảy ra liên tiếp các vụ sạt lở đất và đã có nhiều người chết. Đoàn đã tặng 1518 phần quà cho 4 xã này cùng với người dân ở thị trấn Khe Sanh. Ngoài ra, đoàn cũng hỗ trợ thêm cho 7 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đoàn cũng tặng 400 phần quà cho người dân của xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong.
Sau năm ngày, đoàn đã tặng tổng cộng 9400 phần quà cho người dân của các huyện miền núi tỉnh Quảng Trị.
Ấm áp tình người
Chúng tôi rất biết ơn tấm lòng của rất nhiều thân hữu xa gần đã cúng dường tịnh tài, tịnh vật để chúng tôi có thể thay mặt quý vị đem những món quà tình thương ấy đến với đồng bào vùng lũ. Những chiếc chăn, những bộ quần áo cho trẻ em, thuốc men, đèn pin, áo phao, những hộp muối vừng, v.v. chứa đựng biết bao tình thương và tấm lòng san sẻ. Khó khăn, khổ đau của người dân thì ngút ngàn, nhưng tình thương, sự cảm thông, chia sẻ của mọi người từ khắp nơi gửi về sẽ giúp đồng bào miền Trung nguôi ngoai những đau thương và sớm vượt qua những khó khăn hiện tại để sớm ổn định cuộc sống.
Khi quý vị đọc được những dòng chia sẻ này thì một nhóm quý thầy, quý sư cô đang trên đường đến với đồng bào ở Quảng Nam và Quảng Ngãi. Để tiếp tục đồng hành cùng tăng thân trong hành trình hướng về miền Trung trong mùa bão lũ, xin quý vị gửi về địa chỉ sau:
Chúng tôi xin thành kính tri ân.
Về các hoạt động cứu trợ của Làng Mai, chúng tôi sẽ đăng chính thức trên Trang nhà Làng Mai và Facebook Làng Mai. Để yểm trợ chương trình, quý vị có thể Share (chia sẻ) bài từ Facebook Làng Mai. Kính cám ơn sự yểm trợ của tất cả mọi người.