Dấn thân cũng là quay về nhìn sâu vào chính mình

Trong khóa tu trực tuyến vào tháng 10 năm nay, thầy Pháp Dung đã chia sẻ về sự thực tập dấn thân bằng cách nuôi dưỡng sự có mặt, vững chãi và sáng tỏ trong tự thân. BBT xin được giới thiệu với quý thân hữu những nội dung chính trong bài pháp thoại. Hy vọng quý thân hữu sẽ có nhiều lợi lạc khi đọc những chia sẻ này. Bài viết được chuyển ngữ từ tiếng Anh.

 

Hạnh nguyện của Sư Ông trong suốt cuộc đời mình là tìm cách làm vơi bớt những khổ đau của con người, của xã hội. Những lời dạy của Người về sự thực tập có mặt trong giây phút hiện tại, chế tác sự vững chãi và sáng tỏ của tâm ý, đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trước tiên, một trong những pháp môn căn bản và cốt lõi mà Sư Ông đã trao truyền là sự thực tập Đã về, đã tới. Pháp môn này đối trị các căn bệnh của xã hội. Một trong những căn bệnh mà chúng ta gặp phải là tình trạng chúng ta không hạnh phúc với bản thân mình trong hiện tại. Đạo Bụt có thể đóng một vai trò tuyệt vời ở đây, bởi vì đạo Bụt dạy chúng ta quay về để thương yêu và chăm sóc cho chính mình. Đây là điều mà Pháp Dung đã học được khi đi tu. Pháp Dung đã học cách chăm sóc chính mình, chăm sóc nơi mình ở, dọn dẹp cho ngăn nắp giường ngủ, lau rửa chén bát, chuyển hoá rác, v.v. Tất cả những việc làm đó đều là hành động thương yêu. Đây là điều mà Pháp Dung đã học được từ Sư Ông.

Có một sư chú chia sẻ với Pháp Dung rằng sư chú cảm thấy mình “đã về, đã tới”, nhưng đối với sư chú chỉ như vậy thôi thì chưa đủ. Sư chú thấy chúng ta không thể chỉ an trú thôi mà cần phải dấn thân để góp phần tạo nên sự thay đổi trong xã hội. Sức ép của xã hội làm cho chúng ta phải chạy theo cái này hay cái kia. Đôi khi ta quên mất những thực tập căn bản để chăm sóc chính mình.

Pháp Dung muốn giới thiệu một động từ mới để nói lên tinh thần của sự dấn thân. Trong tiếng Anh, khi nói về sự dấn thân ta dùng từ engagement. Pháp Dung muốn thay chữ “e” bằng chữ “i”, khi đó ta sẽ có chữ ingagement (nghĩa là: quay về với chính mình, nhìn sâu vào bên trong mình). Là một tăng thân toàn cầu, tất nhiên chúng ta cần biết những gì đang diễn ra trên thế giới cũng như cần dấn thân (engage) để góp phần vào sự thay đổi tốt đẹp của xã hội. Tuy nhiên ta không thể quên một việc rất quan trọng là quay về và nhìn sâu vào bên trong mình. Muốn xã hội thay đổi, ta cần quay vào bên trong ta và tự hỏi: “ta có gì để cống hiến, để đóng góp trước những biến chuyển của xã hội?”

Quay về và nhìn sâu vào bên trong chính mình (Ingagement) là một sự thực tập thiết yếu, và nền tảng của nó là sự có mặt. Một trong những cái hay nhất ta có thể cống hiến là sự có mặt đích thực của mình, và đó chính là chánh niệm. Đây là điều mà Sư Ông đã dạy chúng ta từ trước đến nay. Ngày nay, sự thực tập chánh niệm đã được rất nhiều người biết đến và một trong những cách để ta chia sẻ sự thực tập này với người khác, chính là bằng sự có mặt đích thực của ta.

 

 

Chúng ta đang có mặt cho chính mình và cho gia đình của mình không? Ta có đang có mặt trong bữa ăn không? Ta có đang có mặt trong khi rửa chén không? Có những cái trong đời sống mà bấy lâu nay ta coi là hiển nhiên nhưng nó lại chính là một đặc ân của cuộc đời, ta có nhận ra điều đó không?

Mở vòi nước ra là có nước liền, đó là một đặc ân căn bản mà môi sinh đã ban tặng cho ta. Khi ta có một chốn an ổn để trở về, một cái chăn, một cái giường để ngủ, ta có thực sự có mặt và trân quý những điều kiện đó hay không?

Sự có mặt của ta chính là một món quà mà ta có thể hiến tặng. Đây là một điều đặc biệt quan trọng trong thời điểm hiện nay.

Thứ hai là định. Nói khác hơn, đó là sự vững chãi của ta. Đôi khi đang lái xe, chúng ta nghe tin tức và bị ảnh hưởng bởi các tin tức đó. Ta không còn lái xe vững vàng như trước khi nghe tin tức nữa. Sự thực tập giúp ta trở nên vững chãi hơn, và đó cũng chính là một món quà ta có thể hiến tặng cho người khác. Như thế, cùng với nhau như một cộng đồng tu học, chúng ta có thể đem lại sự thay đổi tích cực cho xã hội bằng sự vững chãi của mình.

Thứ ba là tuệ giác, nói cách khác đó là sự sáng tỏ và cẩn trọng. Tuệ giác cho phép ta thấy được một cách rõ ràng tất cả những gì đang tác động và ảnh hưởng đến ta trong từng giây phút. Ta chỉ có thể thấy được điều ấy khi ta vững vàng và thực sự có mặt trong giây phút hiện tại.

Thầy Pháp Dung đã mời quý thầy hát bài “Chế lấy mây, gầy lấy nắng” (thơ: Mai Thảo, nhạc: thầy Pháp Niệm):

Hãy chế lấy mây và gầy lấy nắng

Chế lấy đừng vay mượn đất trời

Để khi nhật nguyệt còn xa vắng

Đầu hè vẫn có ánh trăng soi

Chúng ta cần phải tự chế tác năng lượng, niềm vui cho mình bằng sự thực tập. Khi ta ngồi yên và thở là ta đang chế lấy mây và gầy lấy nắng. Khi đó ta thực sự có mặt với ánh trăng và với tất cả những cái đẹp đang hiện diện trong ta.

Đương nhiên ai trong chúng ta cũng có những khổ đau, thử thách và căng thẳng. Quanh ta có những phiền toái của kiếp người, nhưng bản thân ta cũng là một phép lạ, một sự mầu nhiệm. Ta là một phép lạ mà phải mất đến hàng triệu năm mới có thể tượng hình. Trong ta có cả hai vầng nhật nguyệt. Đôi khi chúng ta quên điều ấy, và sự thực tập của ta là có mặt cho những mầu nhiệm đó. Bạn có thực sự có mặt cho bông hoa ở trước mặt mình hay ở ngoài vườn không?

Sự có mặt, vững chãi và sáng tỏ là ba yếu tố quan trọng mà chúng ta cần nuôi dưỡng trong đời sống hàng ngày.