Bếp lửa hồng sưởi ấm ngày mưa lũ
Huế mùa lũ lụt 2020
Tôi là người miền trung nhưng vốn sinh ra và lớn lên ở đất miền nam nên chưa bao giờ kinh qua nỗi khốn khó của những ngày bão lụt, có đi chăng nữa chỉ là những cảnh khổ tôi được biết qua báo đài. Nhân duyên có mặt ở Huế trong những ngày này đã cho tôi cơ hội hiểu một cách trực tiếp những nỗi khổ của người dân nơi đây trong những ngày mưa lũ.
Làm khách ghé thăm, tôi có dịp quan sát kĩ từng khung cảnh mưa gió rả rích ngày qua ngày ở đất kinh thành Huế. Công trình nhà bếp Ni xá Diệu Trạm đang xây dựng ngổn ngang cũng phải tạm dừng để chống lũ. Cái bếp dã chiến cũng đã phát huy hết công suất sáng tối với việc cắt gọt nấu nướng liên tục để chuẩn bị hàng trăm phần cơm đem đi cứu trợ cho những nơi ngập lụt sâu không có điện, không thể nấu được bữa cơm,… Tình thương trong bàn tay của những huynh đệ làm công tác hậu cần nấu cơm, hay những huynh đệ đem quà đi cứu trợ lũ lụt cũng thật cao quý, thân thương.
Tôi không đóng góp gì nhiều, chỉ góp được một phần rất nhỏ bé, yên bình của mình. Vào một buổi chiều mưa, tôi được tham dự chuyến đi cứu trợ cùng với quý thầy, quý sư cô chùa Từ Hiếu -Diệu Trạm. Khi đưa cơm vào con đường nhỏ trong thành nội Huế, vì không có ghe mà nước lũ đã rút bớt so với buổi sáng nên mấy anh chị em quyết định lội nước đi vào sâu bên trong. Nghĩ đến những người chưa có bữa cơm chiều, đang cần chút giúp đỡ kịp thời, nên trên con nước, huynh đệ chúng tôi hào hứng, hăng say, quên hết cái lạnh, cái dơ, chỉ còn lại niềm vui khi được hiến tặng, san sẻ khó khăn với mọi người. Trước cảnh khổ, tôi thấy nụ cười hạnh phúc nở, đó là dấu ấn của tình thương được biểu hiện. Đó là một chuyến đi rất đẹp trong cuộc đời tôi, là tuổi trẻ của tình yêu thương cuộc đời thật ý nghĩa.
Và thế là những chuyến xe, những chuyến đò nối tiếp nhau trong công tác cứu trợ lũ lụt. Tôi thấy quý thầy ở chùa Từ Hiếu, quý sư cô Ni xá Diệu Trạm làm việc với nhau tích cực, phân chia thành nhiều nhóm, đi đến nhiều nơi, có khi mỗi nhóm đi hai buổi mỗi ngày để giúp cho những người dân bị ngập lụt trong biển nước.
Cơn lũ năm nay lớn quá, khiến người dân miền trung, nhất là những nơi miền quê nghèo thật khốn đốn, thân đã khổ vì không có chỗ ngủ yên, không có được bữa cơm no, mà còn khổ tâm vì mất mát mùa màng; những con vật chăn nuôi cũng dường như không giữ được, nhiều cảnh thật đáng thương. Một chút quà nhỏ bé thôi đã khiến bao người dân vui mừng, cảm kích, trân trọng và biết ơn lắm. Tôi thấy lòng mình xót xa khi thấy những cảnh khổ trước mắt. Cảnh dân nghèo sống trên cụm ghe trôi nổi trên sông, các em nhỏ mừng vui hớn hở với những gói bánh, vài que kẹo mút, hình ảnh bà cụ già lội con nước đuổi theo ghe, đưa hai tay xin được giúp đỡ,… và rất nhiều những hình ảnh khác nữa đã chạm sâu đến lòng xót thương và khắc khoải khi biết rằng sự giúp đỡ của huynh đệ chúng tôi nhỏ bé lắm! Một ít gạo, mì gói hay một phần cơm nhỏ có kể là gì! Tôi chỉ biết thở cho bình an để nguyện cầu nhiều phước lành trở lại với dải đất miền Trung của đồng bào tôi, với quê hương Việt Nam tôi và cả thế giới.
Trong những khốn khó, nụ cười của huynh đệ chúng tôi vẫn nở bình an và yêu thương, mong đem tới chút niềm hy vọng, xua đi chút đau thương cho những cảnh đời khốn khổ.
“Ngày mai trông trời xa
Dù bao đói nghèo đang chờ ta
Dù bao tủi hờn ta còn đây
Dâng hiến đôi bàn tay”
Lời bài hát “Vui bếp lửa hồng” như tiếp tục thắp lên ngọn lửa tình thương, xin chuyền đi tất cả những tấm lòng nhân ái để tiếp tục hướng về, chung tay giúp vơi bớt những cảnh ngộ khốn cùng của đồng bào miền trung thân thương. Đã có rất nhiều trái tim Bồ tát xa gần hết lòng đóng góp đồng hành cho chương trình thiện nguyện này với nhiều tịnh tài, tịnh vật, và rất nhiều những thăm hỏi, khích lệ đáng quý. Nhờ vậy mà những tình thương của huynh đệ chúng tôi được hoá hiện thành những hành động, làm cho lý tưởng đạo Bụt đi vào cuộc đời thành sự sống. Xin tri ân vì tất cả, vì tình thương vốn là tương tức, mình là nhau thật đẹp.
Tối nay, tôi viết xuống đây vài cảm xúc rất mới nhưng có lẽ đã có đó từ rất lâu rồi.
Chân Tuyết Nghiêm