Lên núi học thở
Những chia sẻ sau khóa tu “Thắp sáng đèn tâm” tại Thái Lan, từ ngày 23 – 27/2/2015
Thế là chúng tôi đến đất Thái. Đoàn chúng tôi gồm 18 thành viên, cả lớn lẫn nhỏ. Bé nhất là Thùy Dương học lớp 3, rồi Minh Anh học lớp 4, Sỹ Tuấn học lớp 7. Tất cả chúng tôi được quý thầy và quý sư cô đón rất chu đáo tại sân bay và chạy thẳng về Pack Chong với quãng đường 300 km. Tốc độ cho phép là 120 km/h, nhất là trời đêm, vắng, nên xe chạy khá nhanh. Về đến nơi đã nửa đêm. Ai cũng mệt sau một chuyến đi dài. Có bạn còn nghĩ, nếu chỉ cần đi thêm 10 phút nữa thôi chắc xỉu luôn.
Ấy vậy mà những nụ cười rất tươi, rất hiền, rất thân thiện của hàng chục quý thầy, quý sư cô đứng đợi sẵn làm cho mệt mỏi tan biến hết. Bạn Phương Túy lần đầu tiên thấy một sự đón tiếp chân thành, ấm áp và tràn ngập yêu thương đến vậy. Bạn thốt lên: “Về đến nhà thật rồi”, mặc dù đây là lần đầu tiên tham gia khóa thiền nơi đây. Từ nơi xe dừng bánh đến nơi ngủ nghỉ chỉ khoảng trăm mét, vậy mà quý thầy vẫn mang xe ra để chở đồ giúp các thiền sinh. Dù đã khuya nhưng quý sư cô vẫn mời mọi người vào ăn, vào uống kẻo đói và khát. Hình như đây là xứ sở của những nụ cười và tâm yêu thương.
Trời đêm nơi Pack Chong nhiều sao lắm. Sao ở đây sáng và trong, lung linh và huyền ảo. Đêm đã khuya nhưng hình như không ai muốn ngủ. Tôi lang thang ngắm sao trời, bởi ở Hà Nội hay Sài Gòn chưa khi nào tôi thấy sao sáng và đẹp, trời trong và thanh đến vậy. Tôi lắng nghe tiếng côn trùng kêu. Tôi thong thả thiền hành với từng bước đi nhẹ nhàng, chánh niệm. Mũi tôi thưởng thức mùi thơm từ đủ các loài hoa tỏa hương đêm. Hương hoa đêm hình như cũng lắng dịu hơn và thơm nhẹ nhàng hơn.
Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống một tảng đá. Tôi thở một hơi rất nhẹ và sâu. Tôi đã về nhà rồi. Tôi đang ngồi ở nhà mình, ngôi nhà của chính mình trên đất Thái. Ngôi nhà nơi đây là ruộng đồng và đồi núi, là sắn và ngô, là xoài và tre, là núi đá và gió mát với diện tích trên dưới 20 héc ta. Ngôi nhà mà chúng tôi đã về tới nơi là địa điểm mà chúng tôi cùng nhau hành thiền và tu tập trong năm ngày tới. Không hiểu sao, Pack Chong xa là vậy mà cuốn hút chúng tôi đến thế, kéo lôi chúng tôi như mật ngọt. Đây là lần thứ tư tôi về đây. Tôi thì đã dần nhận ra. Có những bạn mới đến lần đầu nhưng vẫn thốt lên bốn từ “Đã về tới nhà”. Lạ thật.
Đêm nay tôi ngủ trên tầng hai của chiếc giường nhỏ nhắn đáng yêu, giống hệt chiếc giường tôi đã nằm suốt ba năm cấp 3 tại trường chuyên ngoại ngữ, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Hà Nội ngày xưa. Tôi ngủ một giấc rất sâu, không mộng mỵ. Mấy cháu nhỏ trong đoàn lại thích ngủ lều giữa rừng. Cháu Sỹ Tuấn báo tôi, ngủ trên giường thì ở Hà Nội đêm nào mà cháu chẳng ngủ, sang đây cháu phải ngủ trong lều, giữa rừng cây và xung quanh là núi đá mới sướng. Đêm đầu tiên tất cả đều ngủ rất ngon. Thu Hồng, Phương Túy và Ngọc Quân bảo rằng, đây là đêm ngủ ngon nhất từ bé đến giờ. Lạ thật. Có lẽ bởi các em đã được về nhà. Về nhà thật rồi.
Đến khóa tu lần này chúng tôi được gặp anh chị em Phật tử đến từ mọi miền đất nước như Hải Phòng, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Nguyên, … rồi miền Trung, Tây nguyên, miền Nam, miền Tây. Có những gương mặt thân quen, cũng có nhiều khuôn mặt mới. Thật thú vị.
Trong mỗi khóa tu, tôi rất thích thú khi được giao lưu với bạn bè từ muôn nơi đến tu học. Khóa tu nào cũng vậy, thời khóa của khóa tu đều có các bữa ăn theo miền. Các khu vực miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên, Nam bộ, TP HCM được ăn chung và sinh hoạt riêng. Mục đích là để làm quen, hiểu nhau và gắn kết với nhau hơn, để sau này, khi về nhà, cùng nhắc nhau thực tập, yểm trợ cho nhau. Việc thực tập không chỉ có 5 ngày hay một tuần mà là cả cuộc đời. Tôi thành tâm biết ơn những người bạn đến từ mọi miền đất nước. Họ quả thật rất muốn thay đổi cuộc đời, muốn thực tập sống trong chánh niệm và tỉnh thức nên mới dành những ngày Tết quý báu này để đến đây, bên nhau cùng tu học.
Tôi thật sự khâm phục và biết ơn các bạn đến từ Huế. Chiếc xe khách 45 chỗ chạy đến Lào thì hỏng. Lái xe phải bắt xe quay lại Việt Nam để mua phụ tùng thay thế. Mua được, quay lại đến biên giới thì cửa khẩu đã đóng cửa. Thế là phải đợi đến hôm sau. Trọn một ngày đêm chờ đợi, ăn mỳ gói, đến nơi đã rất muộn và mệt mỏi nhưng các thiền sinh đến từ Cố đô vẫn rất vui vẻ và tham gia ngay các sinh hoạt cộng đồng và thực tập rất hết lòng. Các thiền sinh đi bằng máy bay từ Hà Nội và Sài Gòn sang thật là may mắn. Thế mới biết tu không có dễ. Tôi thành tâm biết ơn các bạn đạo xứ Huế đã góp phần cho khóa tu được vẹn toàn và đầy đủ, để có gia đình khúc ruột miền trung thân thương với khóa tu. Huế là trung tâm đạo Phật lớn của cả nước. Không thể thiếu Huế mà.
Chúng tôi đi thiền hành trong núi rừng mênh mông, đầy nắng và gió. Những bước chân dưới những tán cây xanh, phía trên là bầu trời bao la và ánh mặt trời ấm áp làm ai cũng thích thú. Thích thú nhất có lẽ là nhóm thiền sinh đến từ Hà Nội và phía Bắc, vừa xa cái lạnh mùa đông hôm qua. Chúng tôi thầm biết ơn mảnh đất đẹp và mát, xanh và tràn đầy năng lượng PackChong này.
Trong khóa tu “Thắp sáng đèn tâm”, chúng tôi được gặp, được nghe nhiều quý thầy, quý sư cô nói pháp thoại. Khi thì ở thiền đường lớn, lúc thì ở gia đình pháp đàm nhỏ, có khi lại ở gia đình theo miền, rồi từng nhóm riêng theo yêu cầu. Mỗi bài pháp như những lời nhắc nhở, những luồng gió mát thấm sâu vào tâm can chúng tôi như những gáo nước được tưới cho cây giữa mùa hè, như những trận mưa thấm sâu vào đất. Nếu không tưới nước, không có mưa, sao hạt nẩy mầm được. Mà có nẩy lên mầm xanh cũng phải chết vì khô hạn.
Tôi rất thích cách phân tích của sư cô Hạnh Liên rằng hạnh phúc gồm hai từ là “hạnh” và “phúc”. Hạnh tức là hành. Muốn có hạnh phúc phải hành động, phải tự tạo ra hạnh phúc cho chính mình. Phước là phúc mà trong phúc có điền, tức là đất. Mình phải biết gieo trồng trên đất tâm của mình. Nếu mỗi chúng ta biết gieo trồng, tưới tẩm mảnh đất tâm của mình mỗi ngày thì hạnh phúc khắc tự đến.
Nhưng nghệ thuật để có hạnh phúc là gì? Bí quyết hạnh phúc đầu tiên là hơi thở. Chúng ta mải miết lao theo cuộc sống mà quên mất hơi thở. Hơi thở là bây giờ và ở đây. Chúng tôi bên nhau trong năm ngày để cùng nhắc nhau thở, để thở cùng nhau. Trừ những thiền sinh mới, tất cả đều biết thở là quan trọng. Biết là thế nhưng bao người vẫn thở như cái máy, thở vô thức, thở mà không biết mình thở. Về đây, trong môi trường thiền tập, mỗi khi nghe tiếng chuông, mọi hành động của tất cả mọi người đều được dừng lại. Tất cả cùng quay về với hơi thở. Thở nhẹ và êm.
Ban đầu chỉ có 70 người đăng ký khóa thiền mà con số cuối cùng là 250 thiền sinh. Vượt mọi tưởng tượng của ban tổ chức. 250 thiền sinh chúng tôi về đây và được 180 quý thầy và quý sư cô đón tiếp. Vậy là ngôi nhà chung của chúng tôi trong năm ngày Tết có đến 430 thành viên. Gia đình chúng tôi có đông không ạ? Đông vậy mới vui. Nhà của chúng tôi là thế mà. Năm nay chúng tôi cùng vui Tết với nhau, cùng đón xuân bên nhau.
Miệng mỉm cười thật tươi, tôi nhẩm trong đầu mình bài hát:
Pack Chong – Sài Gòn tháng giêng Ất Mùi 2015
(Chia sẻ của TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty sách Thái Hà)
Mùng 4 tết Ất Mùi, tôi lủi thủi vác ba lô một mình sang đất Thái “lên núi học thở”. Hơi thở chánh niệm được Thiền sư Nhất Hạnh chọn làm phương pháp thực tập căn bản cho học trò. Tôi đã được đọc một vài trong số hàng chục tác phẩm do Thiền sư trước tác. Giờ đây, chưa đầy hai giờ bay và thêm bốn giờ đi xe bus từ Bangkok về trung tâm Làng Mai ở tỉnh Nakornratchasima, tôi sẽ được sống trong thở và cười.
Làng Mai Thái Lan tọa lạc trong khuôn viên 15ha, bao quanh là vùng núi đồi có khí hậu tương đối ôn hòa. Khóa thực tập này mang tên “Thắp sáng đèn tâm”, có gần 250 thiền sinh tham gia nên một dãy lều dã chiến được dựng lên làm chỗ ở. Tôi thuộc nhóm “trẻ trâu” nên được sắp xếp ở trong dãy lều. Vọng tưởng “bị hắt hủi” đã khởi lên trong đầu óc của kẻ phàm si như tôi, nhưng sự thực đây là may mắn lớn cho chúng tôi, bởi không đâu lý tưởng hơn để được ngắm trời mây cây lá giữa bạt ngàn thiên nhiên.
Thời khóa bắt đầu bằng buổi thiền tọa lúc 5h30 sáng. Không khí núi đồi lúc sáng sớm tinh khôi quyện trong hơi thở tỉnh thức, chắc hẳn không hành giả nào không được nếm trải “Tịnh độ là đây”. Có hôm, buổi thiền tọa sáng được thực tập ngoài trời nơi cốc Sư Ông. Khi ấy, trời đất và con người không còn ranh giới chia tách, vậy nên, tâm thức mỗi thiền sinh sơ cơ có điều kiện được theo hơi thở vào hơi thở ra thấm ướt những giọt đầu tiên của tính tương tức. Bằng trí năng có thể dễ dàng diễn giải về tương-tức-tương-tục, về vô-ngã-vô-thường, nhưng để thâm nhập vào tuệ giác này là cả con đường hành trì đầy chướng ngại, thử thách, và sự dõng mãnh tinh tấn là phẩm chất không thể thiếu cho những ai muốn lên đường. Ngày nay, sự ngộ nhận đã diễn ra không ít khi hiện tượng “khẩu đầu thiền” (thiền nơi cửa miệng) tràn ngập không gian Internet và trong những câu chuyện đời thường. Mới biết tâm người ưa làm học giả và ngại làm hành giả.
Ngoài thiền tọa được xem là thuận tiện nhất cho việc thực tập hơi thở chánh niệm, thì thiền hành (thiền đi), thiền buông thư (thiền nằm), thiền lạy, v.v. cũng là những phương thức rất quan trọng và hữu ích. Tại Làng Mai, buổi thiền hành diễn ra vào thời điểm mặt trời đang thong thả vươn lên sau dãy đồi. Từng bước chân chậm rãi thả trên con đường mòn vô cùng thảnh thơi. Tôi thấy một anh bạn để chân trần và bước từng bước thong dong nhưng đầy tỉnh giác trong buổi thiền hành. Ắt hẳn anh là người hạnh phúc nhất trong chúng tôi, bởi anh đang được tiếp xúc trọn vẹn và sâu sắc với mặt đất tươi mát cùng khí trời tinh nguyên buổi bình minh.
Tăng thân xuất sĩ Làng Mai phần nhiều là quý thầy, quý sư cô còn rất trẻ. Tại trung tâm Làng Mai Thái Lan, trên dưới 170 vị sinh hoạt, thực tập và chia sẻ năng lượng hiểu và thương cùng nhau. Có lẽ nhờ ở năng lượng này mà vị nào cũng đầy sức sống và lạc quan. Nhiều thiền sinh chúng tôi khi lần đầu đến đây đều ấn tượng bởi những nụ cười rất an vui trên những khuôn mặt trẻ trung, rạng rỡ và tràn đầy nhựa sống của các vị tu sĩ. Có thể gọi những nụ cười này là “đặc sản” của Làng Mai vậy. Ắt hẳn, “đặc sản” này phần lớn được vun trồng, chăm bón bởi chính sự thực tập an trú vào hơi thở, vào giây phút hiện tại mầu nhiệm. Và một phần có lẽ nhờ vào sự cởi mở trong nếp sinh hoạt của Làng Mai, với nhiều hoạt động hỗ trợ khác thích hợp với người trẻ như: hát thiền ca, chơi thể thao, làm thiện nguyện, v.v.. Tôi được nghe nhiều thiền sinh chia sẻ là họ đến đây để nạp thêm năng lượng cho chính mình, và cũng để tiếp nhận năng lượng của Tăng thân đem về sử dụng ở quê nhà, hầu giúp công việc được thực hiện thuận lợi, hanh thông.
Hơi thở chánh niệm được Thiền sư Nhất Hạnh không quản mệt mỏi xiển dương trong suốt cuộc đời hành trì của Ngài. Thật đơn giản để thực tập nhưng năng lực nuôi dưỡng và trị liệu của hơi thở chánh niệm thì vô cùng to lớn, đem lại tinh thần an tịnh và cơ thể khỏe mạnh cho người thực tập. Và để tiến xa hơn trên con đường hạnh phúc chân thật, sự kết hợp hơi thở chánh niệm với thực tập nhận diện đơn thuần sẽ giúp hành giả sống trọn vẹn và đích thực với cuộc sống này. Và bây giờ, ở đây, tôi an tịnh mỉm cười với câu hỏi mà vài người bạn vui tính đã “lì xì” cho tôi dịp năm mới: Có “khùng” không khi đầu năm đầu tháng lại tốn tiền chỉ để “lên núi học thở”?