Phỏng vấn thầy Pháp Nguyện: Sư Ông lúc nào cũng hướng về đất nước và con người Việt Nam
Thầy Pháp Nguyện đã từng có cơ hội được làm thị giả của Sư Ông Làng Mai trong vài năm. Từ đó đến nay, Thầy đã cùng Tăng thân tổ chức thành công các cuộc triển lãm thư pháp của Sư Ông tại một số thành phố lớn trên thế giới. Thầy cũng là người biên soạn cuốn sách “Hương thơm quê mẹ” và tham gia tổ chức các sự kiện nhân dịp ra mắt cuốn sách và triển lãm thư pháp lần này tại Việt Nam.
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn của Báo Người Đô Thị với thầy Pháp Nguyện nhân sự kiện ra mắt sách và triển lãm thư pháp của Sư Ông Làng Mai tại thành phố Hồ Chí Minh.
Là người tổ chức triển lãm thư pháp cho Sư Ông tại Thái Lan năm 2019 và biên soạn cuốn sách Hương thơm quê mẹ, thầy có thể chia sẻ về việc viết thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh và những triển lãm trước đây trên thế giới?
Bắt đầu vào mùa thu năm 2010, sau chuyến hoằng pháp tại Hồng Kông, một bác sĩ ở Hồng Kông đã tổ chức cho Sư Ông một triển lãm thư pháp. Đó là triển lãm thư pháp và ra mắt sách thư pháp đầu tiên của Sư Ông. Sau triển lãm đầu tiên thành công đó, đã có chuỗi triển lãm diễn ra ở Canada, Pháp, Đức, Mỹ, Thái Lan… Cuốn sách thư pháp được tái bản lần thứ hai và ra mắt ở Đức.
Năm 2019, triển lãm thư pháp một lần nữa diễn ra ở Thái Lan và cuốn sách được tái bản có lần thứ ba. Mỗi lần tái bản thì nội dung cũng được làm mới. Đây là lần đầu tiên triển lãm và ra mắt sách thư pháp của Sư ông tại Việt Nam. Cuốn sách này, tuy là cuốn thứ tư, nhưng có thể nói nội dung lại giàu có nhất, với gần 70 bức thư pháp Việt, Anh. Đặc biệt, trong cuốn này có tấm thư pháp “Một ngón chân nhúc nhích” lần đầu tiên được xuất hiện trước công chúng.
Nghe rất đơn giản nhưng đây là tấm thư pháp kỷ niệm của Làng Mai. Trong một lần nhập viện tại bệnh viện Agen miền nam nước Pháp, bàn chân phải của Sư Ông không cử động được trong một thời gian ngắn. Nhưng vào một buổi tối, đột nhiên một ngón chân của Sư Ông đã nhúc nhích được. Điều này đã làm cho Sư Ông và quý thầy, quý sư cô rất hạnh phúc.
Sau khi xuất viện, Sư Ông đã viết tấm thư pháp này tại nội viện Phương Khê để nhắc nhở chúng ta biết trân quý những điều kiện mà mình đang có, dù chỉ một ngón chân hay một ngón tay đang nhúc nhích. Đây là tấm thư pháp cuối cùng được Sư Ông viết vào ngày 15.10.2014. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta quên đi những điều vô cùng đơn giản xung quanh mình, có thể là người thương đang ở bên cạnh, nhưng ngày qua ngày, mình cảm thấy điều đó thường đi. Khi sức khỏe còn, tim đang đập, chân đang đi, đôi lúc mình không biết trân quý, đến khi có chuyện xảy ra, mình mới biết trân quý.
Tấm thư pháp mang thông điệp nhắc nhở quý thầy, quý sư cô và mọi người biết trân quý những điều xung quanh mình, dù đó là điều đôi khi rất nhỏ nhoi. Người biết biết ơn, là người có hạnh phúc. Người biết đủ là người giàu có nhất, hạnh phúc nhất trên đời.
Song song đó là rất nhiều tấm thư pháp chuyển tải các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày, giúp mình thực tập mỗi ngày để hạnh phúc và bình an hơn. Ví dụ tấm Thở và cười, Uống trà đi. Uống trà là một nghệ thuật, uống trà là để có mặt, để ngồi yên. Mỗi buổi sáng, trước khi đi làm, mình ngồi yên, thưởng thức một chén trà, thì lúc đó mình đang có mặt, đang tiếp xúc với giây phút hiện tại. Chính giây phút tiếp xúc với hiện tại đó là giây phút bình an chứ không phải là vô chùa thắp cây nhang mới là bình an.
Về nghệ thuật thư pháp. Ở Việt Nam, Nhật, Trung Hoa, có rất nhiều người viết thư pháp đẹp. Thư pháp Sư Ông viết chứa đựng sự tu học của Sư ông. Sư Ông viết thư pháp có niệm, định, tuệ. Khi Sư Ông đặt cây bút xuống, lúc đó, Sư Ông hoàn toàn có mặt trong giây phút đó. Khi Sư Ông viết xong, chữ thư pháp đó đi ra bằng tình thương. Đúng như tinh thần trong câu thư pháp của sư Ông “Lắng nghe để hiểu, nhìn kỹ để thương“. Mỗi câu thư pháp là để mọi người nhìn vào đó và thực tập đời sống thiền định.
Trong những năm đầu thành lập Làng Mai, từ những năm 1982, Sư Ông viết những bức như Thở đi con, An lạc từng bước chân, Từng bước nở hoa sen để cho mọi người đi mà nhớ quay về. Có những lúc mình đi nhưng mình thất niệm, đầu óc nghĩ này nghĩ nọ, tự nhiên thấy những bức thư pháp Sư Ông viết treo trên đường đi, mình liền nhớ phải trở về với hơi thở, với bước chân. Mục đích ban đầu của những bức thư pháp mà Sư ông viết là như vậy.
Khi treo thư pháp ở tu viện, thiền sinh thích và xin thỉnh về: “Thầy ơi, thầy viết cho con bức để con về con treo ở nhà”. Thức dậy miệng mỉm cười. Hăm bốn giờ tinh khôi. Xin nguyện sống trọn vẹn. Mắt thương nhìn cuộc đời. Ví dụ mấy câu này treo ở phòng ngủ, sáng thức dậy, mọi người nhìn thấy và bắt đầu ngày mới với những công việc hằng ngày.
Qua thời gian, trải qua 20 – 30 năm, nét chữ thư pháp của Sư Ông thong dong hơn, thảnh thơi hơn, mang nhiều ý nghĩa hơn. Cá nhân Pháp Nguyện đi theo Sư Ông trong 6 năm, nhìn thấy rất rõ sự chuyển hóa trong từng nét chữ của Sư Ông. Không phải là nét chữ đẹp hơn mà nét chữ thong dong hơn, tự tại hơn. Ở Làng, mỗi khi Sư Ông dạy cho quý thầy, quý sư cô viết thư pháp, Sư Ông nói: “Cuộc đời vốn phức tạp quá rồi, các con không cần phải làm cho cuộc đời phức tạp hơn, nên viết thư pháp sao để người ta nhìn vô đọc được liền, hiểu liền, không cần phải bay múa gì cả, không phải nhìn vô để đoán chữ này là chữ gì”. Nhìn vô nét chữ thư pháp của Sư ông thấy được chiều sâu của công phu thiền tập.
Thông điệp của cuốn sách Hương thơm quê mẹ là gì, thưa thầy?
Mấy chục năm sống xa quê hương, dù ở nơi đâu, Sư Ông lúc nào cũng hướng về đất nước và con người Việt Nam. Tình thương của Sư Ông lúc nào cũng gửi gắm trọn vẹn cho quê hương. Trong cuốn Hương thơm quê mẹ, 68 bức thư pháp thể hiện tinh thần, giá trị đạo đức của con người, văn hóa, dân tộc Việt Nam. Mình có thể tìm ra những phương pháp rất cụ thể và đơn giản để thực tập nếp sống tỉnh thức trong cuộc sống hằng ngày.
Hương thơm quê mẹ mang ba yếu tố. Trước hết đó là văn hóa, đạo đức, tinh thần, giá trị con người Việt Nam. Đất nước Việt Nam có nền văn hóa giàu đẹp. Nhưng quê hương Việt Nam không chỉ giới hạn trong khuôn khổ lãnh thổ Việt Nam. Quê mẹ cũng là quê hương. Quê mẹ gần nhất là Việt Nam nhưng quê mẹ cũng là hành tinh xanh, là quả địa cầu của mình.
Xa hơn nữa, quê mẹ còn là quê hương đích thực có trong từng hơi thở của mình. Khi nào tâm của mình hoàn toàn có mặt với thân, mình trở về với giây phút hiện tại, đó là lúc mình tìm được quê mẹ đích thực của mình. Quê hương đích thực của mình, mình không cần đi đến một nơi xa vời, một vùng đất hứa. Khi bạn hoàn toàn có mặt trong giây phút hiện tại, khi đó đất hứa chính là nơi đây.
Sư Ông có chia sẻ cảm nhận của mình về triển lãm thư pháp đầu tiên của mình tại Việt Nam không, thưa thầy?
Từ 2008 đến 2014, Pháp Nguyện là một trong những thị giả thân cận của Sư Ông, phụ giúp Sư Ông nhiều trong việc thư pháp. Sư Ông cũng bày tỏ mong muốn sau này có một triển lãm thư pháp tại Việt Nam, đi theo đường hướng của văn hóa, chứ không phải tôn giáo. Trong bộ thư pháp được triển lãm lần này tại Việt Nam, phần nhiều những bức thư pháp tiếng Việt đã được Sư Ông viết riêng cho Việt Nam, và được chuẩn bị trước khi Sư Ông bệnh.
Cuốn thư pháp này đặc biệt ở chỗ có những bức chưa từng xuất hiện ở đâu hết. Kể từ khi Sư Ông bệnh và kể từ bức thư pháp cuối cùng vào năm 2014. Sau bảy năm, đến nay, mọi thứ mới đủ điều kiện, đủ duyên để có mặt tại Việt Nam. Trước khi tổ chức triển lãm, quý thầy quý cô cũng có thưa với Sư Ông, xin phép tổ chức. Sư Ông đã rất vui.
Sau triển lãm ở Sài Gòn, sự kiện sẽ tiếp tục diễn ra ở Hà Nội, và sau đó, nếu tình hình dịch bệnh ổn hơn thì sẽ mang các bức thư pháp đến Thái Lan, Pháp.
Sư ông viết thư pháp bằng tiếng gì là nhiều nhất, với những bức song ngữ Anh – Việt thì Sư ông viết tiếng nào trước?
Phần nhiều thư pháp của Sư ông là tiếng Anh. Bao nhiêu năm nay Sư Ông ở nước ngoài, phần đông người đến tu học cũng là người Tây phương, người Việt đến Làng Mai cũng không bao nhiêu so với người nước ngoài. Để giúp thiền sinh, Sư Ông viết tiếng Anh, tiếng Pháp. Ví dụ như câu “Be beautiful, be yourself” Sư ông viết bằng tiếng Anh trước sau đó Sư ông dịch qua tiếng Việt “Ta có là ta thì ta mới đẹp“. Nhưng cũng có những câu bắt đầu bằng tiếng Việt trước, trong một buổi đi thiền hành ở Xóm Hạ, cái câu tiếng Việt: “Đã về, đã tới” xuất hiện trong đầu Sư Ông trước. Đã về, đã tới, đó là về với ông bà tổ tiên, về với đất mẹ, về trong giây phút hiện tại. Sau đó, Sư Ông mới phóng tác sang tiếng Anh, tiếng Pháp. Nhưng ở cuộc triển lãm này, quý thầy quý sư cô mang về những bức thư pháp tiếng Việt nhiều hơn.
Về sự phát triển của các không gian thiền định, Làng Mai trên thế giới, Sư Ông và quý thầy ở Làng Mai có nghĩ đến một tương lai gần ở Việt Nam không?
Sư Ông dạy rất kỹ, với cá nhân thầy. Sư Ông nói rằng ở Làng Mai mình không chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, không xây chùa cao móng lớn, mà chỉ chú trọng con người và sự tu học. Sư Ông dùng hình ảnh khay đào và trái đào để nói về việc này. Khay đào dùng để đựng trái đào. Nếu khay đào đẹp, bự, làm bằng những chất liệu sang trọng, bằng ngọc, gỗ, đá quý… mà không có trái đào để chưng thì cái khay đó trở nên vô nghĩa. Nếu bạn đầu tư vô cái chùa mà không tu học thì cũng vô nghĩa. Sư Ông dạy các con phải tập trung vào việc tu học mỗi ngày, chính đó là trái đào, là bài pháp sống, là nguồn cảm hứng để mọi người tu học. Còn lại, mọi chuyện khác phải tùy duyên, phải biết kiên nhẫn chờ đợi.