Kẻ thù giấu mặt
Đang bận với bản thiết kế dang dở bày ra giữa bàn ta chợt nghe tiếng bước chân khe khẽ, rồi dừng lại. Tò mò, nhưng mặc kệ ta chẳng thèm lưu tâm ngẩng đầu lên nhìn hay để ý chi. “Hẳn ai đang đứng nhìn để trầm trồ, thán phục ta đây và không chừng đó cũng có thể là kẻ muốn học lóm tay nghề của ta”. Nghĩ thế ta ung dung cúi đầu làm tiếp với dáng điệu tỏ vẻ như quan trọng lắm. Chợt một giọng nói nhỏ nhẹ vang lên bên tai ta: “Chú ơi, bản vẽ này có điểm không chính xác rồi!” Nghe thế tự nhiên cơn giận, tự ái ở đâu ùn ùn kéo đến có mặt trong ta. “Chà nhóc con nào mà lại dám lên mặt dạy đời ta đây, phải cho nó một bài học mới được”, ta thầm nghĩ.
Ngẩng đầu lên nhìn ta thấy trước mắt mình là một cô bé, phải một cô bé, tuổi chừng ngoài đôi mươi đang đứng đó quan sát bản vẽ của ta một cách chăm chú. Có thể cô ấy bằng tuổi em gái ta hay cũng có thể bằng tuổi con gái đầu của ta. Bực mình ta lớn tiếng : “Này cô bé kia, cô có biết đây là đâu không hả? Ai cho phép cô vào đây vậy? Mời cô đi ra ngoài chơi! Đây không có bánh kẹo, đồ chơi cho cô đâu!”.
Nói xong ta cúi xuống tiếp tục công việc của mình và cứ tưởng rằng cô bé sẽ sợ sệt, xấu hổ bỏ đi nơi khác không quấy rầy ta nữa. Ai ngờ giọng nói kia lại tiếp tục cất lên, lời nói nhẹ nhàng nhưng không kém phần kiên quyết, mạnh mẽ: “Thưa chú, bản thiết kế này có điểm chưa hợp lý ạ!”. Bực bội ta ngẩng phắt đầu nhìn lên. Ừ, thì vẫn là cô bé với áo sơ mi trắng váy đen cùng khuôn mặt không trang điểm, còn tóc thì được tóm gọn lại ở sau lưng. “Đồ “vắt mũi chưa sạch” này muốn gì đây, biết gì ngoài chuyện shopping và ba cái chuyện tình cảm vớ vẩn mà bày đặt chớ, phải dạy cho nó bài học đừng xen vào chuyện người khác mới được”, ta thầm nhủ. Dừng tay, dắt cây viết vào tai ta quát hỏi: “Láo xược, cô bé có biết ta là ai không và đây là bản vẽ đang vẽ cái gì không mà dám lên tiếng bảo là không chính xác thế hả? Ra ngoài ngay, đừng có đứng đó mà làm tốn thời gian của ta!”. Nhoẻn một nụ cười cô bé khẽ nói: “Xin lỗi, vì cháu đã tự tiện vào phòng quấy rầy công việc của chú!”. Rồi khuôn mặt có đôi mắt to tròn, trong sáng với vầng trán cao biểu lộ sự thông minh ấy lại tiếp lời: “…nhưng mà cháu vẫn xin chú vui lòng nhìn lại bản vẽ. Ở cái góc bên trái, cái chỗ trên cùng ấy!”. Nói xong cô bé mỉm cười cúi chào rồi đi ra cửa.
Đang lúi húi nhìn ngắm lại công trình của mình thì anh bạn làm cùng phòng bước vào, đến bên cạnh vỗ vỗ vào vai ta rồi hỏi: “Này cậu, lúc nãy tiếp đãi sếp có đàng hoàng không đấy hử? Sếp khen cậu làm việc chăm chỉ, hết lòng lắm đấy!”. Ngạc nhiên ta hỏi: “Sếp…mà sếp nào?”. “Giỡn hoài, trưởng phòng mới của tụi mình, người cậu đã gặp rồi đó! Nghe nói cô ấy đã tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc ở nước ngoài, có nhiều công ty muốn mời cô về làm việc nhưng sếp chỉ muốn về phục vụ quê cha đất tổ thôi. Tuy còn nhỏ nhưng nghe mọi người nói sếp có nhiều kinh nghiệm và giỏi lắm đó cậu à!”. Thắc mắc trong đầu ta tự hỏi: “Từ sáng đến giờ ta có gặp ai lạ đâu ngoài cô bé con kia tự tiện vào phòng rồi lên tiếng chê bai ta. Chả lẽ…cái người ta cho là “vắt mũi chưa sạch” ấy lại là sếp mới của ta!”. Ngồi phịch xuống ghế, ôm đầu ta nhớ lại mọi chuyện.
Ừ, đúng cái cách quan sát tổng quát bản vẽ, cái giọng điệu và cái cung cách nói chuyện ấy không thể là một cô bé được, vậy mà ta hồ đồ không chịu nhìn ra. Vả lại nơi này đâu phải ai muốn vào cũng được đâu, và hơn hết nếu không có ngành nghề chuyên môn thì nhìn vào bản vẽ có biết có hiểu gì đâu…
Thằng bạn lay lay hai vai ta hỏi tướng lên: “Này cậu, bịnh hả?” Ừ, ta bịnh thật rồi! Cái tự ngã của ta đã làm cho ta bịnh.Đã mấy năm rồi ta luôn là một kĩ sư giỏi của công ty. Những bản vẽ ta thiết kế ra luôn nhận được lời khen ngợi của bạn bè và sự ưa chuộng của khách hàng. Và cũng đã lâu rồi chưa ai nói với ta rằng ta làm như thế là chưa đúng, chưa chính xác hay chưa hợp lý cả. Bởi thế nên ta cứ nghĩ mình là một người giỏi, một người có tài không có ai bằng hoặc hơn ta cả. Do vậy ta mới bị “bịnh”. Cái bệnh kiêu ngạo này nó ngấm ngầm rồi giết chết ta từ từ như căn bệnh ung thư hay HIV vậy, có thể hơn cả thế nữa, vậy mà ta nào hay nào biết.
Nhớ lại những lời nói và hành động lúc nãy của mình với sếp mới, ta thấy hổ thẹn và giận mình vô cùng.Vì cứ cho rằng đó là cái thấy cái biết của ta, cái danh dự của ta cho nên hễ ai đụng đến là ta xù lông nhím lên như thế đấy! Và cũng bởi chính anh bạn trá hình ấy mà ta có sự biện hộ, thanh minh, phân biệt, chê bai, chỉ trích,…ở trong tâm. Từ từ ta đã đánh mất đi sự tự chủ, nhìn lại của chính mình. Anh bạn ấy có mặt theo ta như bóng theo hình làm cho ta giận, ta khổ khi ai đó trái ý nghịch lời với ta, nhất là khi kẻ ấy nhỏ tuổi hơn hay kinh nghiệm sống trong đời kém thua ta, ấy vậy ta nào biết gì!
Đẹp mặt chưa, ai biểu cứ vênh váo lên rồi nói năng hồ đồ! Đúng là “ếch ngồi đáy giếng”mà không biết thân biết phận chi! Xấu hổ quá, ngày mai gặp lại sếp ăn nói như thế nào đây! Đáng đời cho cái thói ngạo mạn! Thật là một bài học nhớ đời cho ta, nhờ thế ta mới “tỉnh” ra không còn “mê” nữa. Bài thơ được đọc đâu đó từ thuở nào chợt trở về trong ta:
“Đệ tử Gotama
Hãy đoạn trừ kiêu mạn
Con đường kiêu mạn này
Chỉ đưa về khổ thú
Kẻ kiêu mạn ngấm ngầm
Cũng đi về địa ngục
Huống chi là những kẻ
Vênh váo nhìn cuộc đời
Học đạo thấy đường ngay
Tâm ta sẽ an lạc
Tu tập phép chánh niệm
Đạt được phép tam minh
Kiêu mạn đoạn trừ xong
Mới thành công thực sự.”
Ừ, đúng rồi, nếu ta biết “bảo hộ thân và ngữ, thanh lọc tâm ý mình”thì chắc chắn “tâm ta sẽ không buông lung”và như thế ta sẽ không bị mắc phải chứng “bịnh” này. Lúc ấy ta sẽ thấy rõ được rằng những tài năng hay những gì mình làm được đó là nhờ vào sự có mặt sự góp sức của tất cả mọi người, của vạn vật chứ không là của riêng ta. Nếu chỉ có một mình ta thì thử hỏi ta có tồn tại được không chứ đừng nói là làm nên được điều này điều nọ.
Thời gian thấm thoát như thoi đưa, mạng sống của con người rồi cũng sẽ giống như ngọn nến hết tim hay như ngọn đèn trước gió, vậy mà ta cứ mãi giận hờn, trách cứ, tự ái,…Thật đáng tiếc thay cho ta khi ta đã lỡ hẹn với sự sống mầu nhiệm xung quanh mình trong giây phút hiện tại, cũng như đã để tuột khỏi tầm tay những thứ cuộc sống đã ban cho mình do ngã mạn, cố chấp để phải tìm kiếm, mong cầu rồi khổ đau.
Còn kẹt vào tự ngã là ta còn khổ, còn làm người khác khổ. Biết neo vào hơi thở, biết đem tâm về với giây phút hiện tại và giữ nó thật lặng yên như mặt nước hồ thu thì sẽ thấy (không chỉ thấy mà phải thực sự sống, thực sự tiếp xúc) được người trong mình, mình trong người và các hiện tượng khác. Lúc ấy bình an, hạnh phúc, tự do chân thật sẽ tự tìm đến với ta thôi.
“Mặc cảm hơn kém bằng
Tạo ra nhiều rối rắm
Ba mạn đã vượt rồi
Tâm không còn khuynh động.”
4. Tiếng lòng
5. Về Nhà