Bụt có khổ không?

(Trích pháp thoại của Thầy ngày 31/10/2013 tại xóm Thượng – phần II)

 

 

Pháp thoại công cộng tại Paramount Theatre, Oakland

Trong chuyến đi hoằng pháp tại Bắc Mỹ năm nay, có nhiều chuyện để kể từ từ. Nếu Thầy quên thì các vị khác sẽ bổ túc cho Thầy.

Cần có thêm vài ngàn người xuất gia nữa…

Một trong những điều mình thấy là số người muốn ghi tên tham dự các khóa tu và những buổi thuyết giảng rất đông. Ví dụ như buổi thuyết giảng công cộng tại Oakland, nhà hát chỉ chứa được 3200 người thôi nhưng khi mình mở đăng ký trực tuyến qua Internet cho người ta ghi danh tham dự khóa tu thì chỉ bốn giờ sau là hết chỗ, không mua vé được nữa. Rất nhiều người muốn tới nghe mà không có chỗ, do đó mình phải mời họ lên mạng để nghe trực tuyến. Có một tổ chức tên là Sounds True phụ trách về việc thông báo và ghi tên những người lên mạng để nghe. Hôm đó Sounds True báo cáo rằng số người lên mạng để nghe pháp thoại trực tuyến là 35000 người. Điều đó chứng tỏ rằng số người muốn tu học rất đông. Tất cả các khóa tu đều như vậy.

Trong khi đó phương tiện của mình để đáp ứng được nhu cầu tu học hiện nay lại rất hạn chế. Có những khóa tu mình chỉ có thể tiếp nhận được chừng 1000 người thôi hoặc ít hơn, nhưng luôn luôn có 700 – 800 người ở trong danh sách chờ đợi (waiting list). Như khóa tu ở Hồng Kông đầu tháng năm năm nay, mình chỉ có thể đáp ứng được cho 1300 người thôi, trong khi đó số người muốn tới tu rất đông. Tại tu viện Lộc Uyển, Bích Nham, Mộc Lan cũng vậy.

Trong những khóa tu ấy, Thầy có nói chuyện về tình trạng của Tăng đoàn Làng Mai. Thầy nói rằng ở châu Âu, nước nào cũng muốn có một khóa tu mỗi năm nhưng ước nguyện đó vẫn chưa thành đạt. Hiện nay, tại châu Âu chỉ có 3 nước: Pháp, Đức, Hà Lan là có khóa tu hàng năm. Còn những nước khác như Ý, Tây Ban Nha… nhiều lắm là hai năm mới có một khóa tu. Đó là vì tăng đoàn không có đủ người để gửi đi, mình thiếu các vị giáo thọ. Vì vậy Thầy kêu gọi phải có thêm vài ngàn người xuất gia nữa mới tạm đáp ứng được nhu cầu tu học. Thầy nói rằng trong quý vị ngồi đây, nếu ai thấy ngoài đời không có chuyện gì đáng làm thì nên đi xuất gia để mà phụng sự. Tại vì chỉ trong một khóa tu 6 ngày mà đã có rất nhiều người chuyển hóa và hòa giải được với gia đình. Người ta hạnh phúc lắm.


Cõi Tịnh Độ hay nước Chúa không phải là nơi không có khổ đau

Trong chuyến đi lần này, có những điều Thầy nói làm cho thiên hạ sốc rất nhiều. Những điều này đơn giản thôi, nhưng đối với họ rất mới lạ. Ví dụ như: trong cõi Tịnh độ của Bụt, cõi thiên đường của Chúa có đau khổ không? Hầu hết mọi người đều tin rằng ở cõi Tịnh độ hay ở cõi thiên đường thì làm gì có đau khổ nữa? Nhưng theo giáo lý tương tức của đạo Bụt, không có khổ đau thì không có hạnh phúc. Không có bùn thì không có sen. Nếu muốn có những bông sen thơm và tinh khiết thì phải có bùn mới được. Có bùn mới làm ra sen. Hạnh phúc và khổ đau cũng vậy. Chính nhờ cái bùn của khổ đau mà mình làm ra được bông sen của hạnh phúc. Vì vậy, Thầy nói rằng: “theo tôi, nước Chúa không phải là chỗ không có khổ đau. Nếu không có khổ đau thì cũng không có hạnh phúc. Chắc chắn là như vậy”.

Thầy cũng nói: “Nếu quý vị gửi con của quý vị tới những chỗ không có khổ đau thì con của quý vị sẽ không có cơ hội học hỏi để hiểu và để thương. Nếu không có hiểu và thương thì mình không phải là một người có hạnh phúc. Và muốn học hiểu, học thương thì mình phải tiếp xúc với khổ đau. Cõi Tịnh độ hay nước Chúa không phải là chỗ không có khổ đau, mà là chỗ người ta biết học hỏi từ khổ đau, biết sử dụng khổ đau để chế tác hạnh phúc cũng như người biết sử dụng bùn để nuôi sen.”

Chuyện ở nước Chúa mà có khổ đau là chuyện mà lâu nay người ta không nghĩ tới, không ai tin như vậy. Hầu hết mọi người đều tin rằng đã là nước Chúa, đã là Thiên quốc rồi thì chắc chắn là không còn khổ đau nữa. Nhưng sự thật mà mình quan sát được là nếu không có khổ đau thì cũng không có hạnh phúc. Khổ đau và hạnh phúc đi với nhau như một cặp bài trùng, không có cái này thì không có cái kia, cũng như một tờ giấy có mặt trái và mặt phải vậy. Mình không thể lấy mặt trái ra khỏi mặt phải. Mình không thể nói: anh tới đây lấy mặt trái đi về Bordeaux, còn chị lấy mặt phải đi về Toulouse. Đó là điều không thể làm được. Hai cái chỉ muốn ở chung thôi, không có cái này thì cũng không có cái kia.

Nếu không có dưới thì cũng không có trên, không có phải thì không có trái, nếu không có thì không có không, nếu không có khổ đau thì không có hạnh phúc. Rất rõ ràng. Đó là sự thật 100%. Vậy nên chúng ta đừng có ảo tưởng tìm tới một cõi không có khổ đau. Không! Tịnh độ và nước Chúa là những nơi có khổ đau, chắc chắn là như vậy. Nhưng ở những nơi đó người ta biết cách khổ, biết cách sử dụng khổ đau để chế tác hạnh phúc. Thầy có dạy rằng khi quý vị biết cách khổ thì quý vị khổ rất ít. “If you know how to suffer, you suffer much less”. Câu này họ thích lắm. Nếu mình biết cách khổ thì mình khổ rất ít, và mình lại có thể làm ăn khá hơn: mình có thể sử dụng khổ đau đó để chế tác thành hiểu và thương để làm nền tảng cho hạnh phúc.

Bụt có khổ, nhưng vì Bụt biết cách khổ cho nên Ngài khổ rất ít

Thầy có kể rằng ngày xưa khi còn trẻ, thầy cũng tin như mọi người là khi mình thành Bụt rồi thì mình không còn khổ nữa. Nếu thành Bụt rồi mà còn khổ thì thành Bụt để làm gì? Đó là lý luận của mình. Nhưng nếu mình thấy được sự thật là khổ đau và hạnh phúc tương tức thì mình có một cái nhìn rất khác. Thành ra sự thật là Bụt có khổ, nhưng vì Bụt có tuệ giác và tình thương lớn, và vì Bụt biết cách khổ cho nên Bụt khổ rất ít. Thầy nghĩ rằng Bụt cũng có nhức đầu, đau bụng, nhức mỏi chứ không phải là không. Nói rằng Bụt không đau bụng, nhức đầu, không nhức mỏi là không đúng. Tại vì đã có hình hài thì phải có những chuyện đó thôi. Nhưng vì Bụt có trí tuệ và từ bi lớn, và vì Bụt biết cách khổ cho nên Bụt khổ rất ít.

Có thể có những người không đồng ý với Thầy. Họ nói: nếu thành Bụt mà còn khổ thì thành Bụt để làm gì? Đó là lý luận của đa số. Nhưng Thầy thấy rất rõ là Bụt cũng khổ như mình nhưng Bụt khổ rất ít, tại vì Ngài có quá nhiều trí tuệ và từ bi. Nếu cần khổ thì Ngài cũng khổ. Ví dụ như nghe tin đệ tử thương yêu của mình là thầy Xá Lợi Phất tịch thì Bụt có buồn không? Bụt có phải là một tảng đá đâu? Khi đệ tử thương của mình qua đời mà Bụt tỉnh bơ thì đâu được. Chắc chắn là Bụt có khổ nhưng vì Bụt có sẵn tuệ giác về vô thường, vô ngã, biết rằng thầy Xá Lợi Phất đang tiếp tục có mặt trong các sư em của thầy, thì Bụt khổ ít hơn các thầy khác nhiều. Bụt khổ ít hơn thầy Ananda, có phải vậy không? Cho nên sự thật Thầy trao truyền là Bụt có khổ nhưng Ngài khổ rất ít. Ngài biết cách khổ. Cũng như Thầy vậy, Thầy cũng khổ nhưng Thầy khổ ít hơn nhiều người khác. Ví dụ nếu mình biết giáo lý về mũi tên thứ hai. Mũi tên thứ hai là sự lo lắng, sự bực bội của mình, nó làm cho mình khổ gấp mười lần, và vì vậy đừng để cho mũi tên thứ hai cắm vào thì mình đã bớt khổ nhiều rồi, huống hồ mình lại còn có những phương pháp khác.

Khi thành Bụt rồi thì mình còn phải tu nữa hay không?

Khi còn là một thầy tu trẻ, Thầy còn có một câu hỏi nữa là: khi thành Bụt rồi thì mình còn phải tu nữa hay không? Thực tế trong kinh nói rất rõ là Bụt cũng có ngồi thiền, đi thiền hành và thực tập an ban thủ ý như các thầy khác. Thành ra mình hỏi tại sao thành Bụt rồi mà còn phải thực tập nữa, còn phải tu nữa? Tu là để thành Bụt, tại sao thành Bụt rồi còn phải tu nữa? Đó là những câu hỏi rất thực tế.

Câu trả lời cũng dễ thôi, nhưng tại sao mình loay hoay mất bao nhiêu năm mà tìm không ra. Đó là vì hạnh phúc cũng vô thường. Bụt có rất nhiều hạnh phúc, và vì hạnh phúc của Bụt cũng vô thường như hạnh phúc của mình cho nên Ngài phải tiếp tục tu để tiếp tục chế tác hạnh phúc. Thí dụ như mình đạp xe đạp, mình đạp mấy cái thì xe chạy, nhưng nếu mình không tiếp tục đạp thì xe đâu chạy nữa. Hạnh phúc của Bụt cũng vậy. Ngài biết cách nuôi dưỡng hạnh phúc cho nên hạnh phúc của Ngài kéo dài. Còn mình không biết nuôi dưỡng hạnh phúc cho nên hạnh phúc của mình rất ngắn ngủi.

Bởi vậy cho nên thành Bụt rồi mà Bụt cũng phải thực tập thôi. Ngài cũng thực tập an ban thủ ý, Ngài cũng thực tập thiền hành, thiền tọa, ăn cơm im lặng như mình vậy để nuôi dưỡng hạnh phúc của Ngài. Câu trả lời rất dễ, vậy mà trước đây mình cứ dại dột cho rằng: đã thành Bụt rồi thì còn tu nữa để làm gì?

Thầy nói những điều  này bằng một ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu cho nên thiền sinh dễ hiểu và dễ chấp nhận. Những cái ban đầu gây sốc cho người ta rốt cuộc rồi người ta cũng hiểu và chấp nhận được.

(còn tiếp)

Bài viết có liên quan:

Có Bụt trong xe