Thiền cho tuổi thơ (phần II)
Thầy Chân Pháp Đăng
Ngồi chơi
Các em ơi! Chúng mình dừng lại bên hồ một chút để ngồi chơi nào. Các em ngồi cho thoải mái và buông thư. Ở tư thế xếp bằng, các em đan hai chân với nhau, ngồi như thế chúng mình tạo nên được sự vững chãi của trái núi. Đây là thế ngồi hoa sen (liên hoa tọa). Ngồi vững chãi rồi, giờ chúng mình vừa thở, vừa mỉm cười trong vài phút cho vui nhé.
Thở vào, thở ra.
Thở vào, thở ra.
Thở vào, thở ra.
Các em cảm thấy sao?
– Ồ! Hơi thở tuyệt vời. Hơi thở bình an. Hơi thở khỏe nhẹ. Hơi thở dễ chịu vô cùng. Uả! Vậy sao chúng em cứ hay quên đi hơi thở kìa. Thật là không thể nào hiểu nổi.
Các em ạ! Có những cái quý nhất trên đời mà chúng mình lại hay xem thường. Có thể vì nó vốn có mặt thường xuyên với chúng mình nên chúng mình không còn để ý đến sự quý giá của nó nữa. Hơi thở nuôi dưỡng chúng mình và cho chúng mình sự sống, nhưng chúng mình thường không chú ý và trân quý hơi thở. Uổng ghê không! Bây giờ, chúng mình thở một lần nữa cho khỏe.
Thở vào này, thở ra này.
Thở vào khỏe, thở ra nhẹ.
Thở vào vui, thở ra cười.
Nhẹ, cười.
Nhẹ, cười.
Nhẹ, cười.
Các em thấy, thở có vui không?
– Ồ! Vui ghê. Thở khỏe thật.
Các em à, chúng mình lại có giờ phút hiện tại. Hiện tại quý báu biết bao! Hiện tại là sự sống. Hiện tại có nắng, có suối, có cây, có không khí, có hơi thở, có mẹ, có tình thương… Có hiện tại, chúng mình có tất cả điều kiện hạnh phúc. Cám ơn hiện tại. Hiện tại tuyệt vời vô cùng tận.
Các em thương yêu ơi! Chúng mình an trú ở nơi đây nhá. Nơi đây sao yên tĩnh đến thế. Các em có cảm thấy yên không?
– Dạ có. Yên lắm.
Nơi đây có hồ sao mai, có hồ bán nguyệt, có hoa tím, có mấy con cá đang lội… Ở đây có cả sự sống, có cả chúng mình nữa. Vậy thì, vui quá là vui rồi! Còn gì vui hơn nữa, phải không? Giờ chúng mình tập thở thêm một lần nữa nhé.
“Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giờ phút đẹp tuyệt vời.”[2]
Tĩnh lặng, mỉm cười
Tĩnh lặng, mỉm cười
Tĩnh lặng, mỉm cười.
Bây giờ, các em cảm thấy như thế nào?
– Chúng em an trú được rồi. Anh Lang có thấy chúng em mỉm cười không?
Vâng! Nụ cười tươi đẹp lắm. Có gì đâu để mà lo, có gì đâu để mà suy nghĩ. Sự sống đẹp tuyệt vời. Thế mà, con người cứ hay lo lắng, hồi hộp, hấp tấp, chạy ngược, chạy xuôi mãi hoài! Tội nghiệp ghê! Họ lận đận một đời, rồi có giữ được cái gì đâu! Tất cả sẽ theo dòng thời gian mà thay đổi, đổi thay, có hoàn không, còn lại hai bàn tay trắng. Chỉ có niềm vui, cái đẹp, tình yêu và hạnh phúc của người biết thưởng thức sự sống sẽ còn mãi trong trái tim của họ. Các em là người may mắn, đang tập nghệ thuật sống để tạo ra chất liệu quý báu của thương yêu và hạnh phúc. Các em hãy vui lên!
Biết ngồi yên, biết đi chơi nên chúng mình có nhiều niềm vui đơn sơ, nhỏ bé, nhưng hạnh phúc vô cùng. Cám ơn giờ ngồi chơi. Cám ơn con suối. Cám ơn nắng vàng. Cám ơn các chị bướm. Cám ơn lá xanh. Cám ơn mặt trời. Cám ơn tất cả, tạo cơ hội cho chúng mình vui chơi.
Tiếng chuông huyền diệu
Nghe một tiếng chuông, chúng mình thở vào, thở ra ba lần. Các em chú ý đến tiếng chuông từ đầu đến cuối. Không suy nghĩ, không làm gì cả, chỉ lắng nghe thôi. Anh Lang thỉnh lên một tiếng chuông, và chúng mình thực tập nhé.
Boong, boong, boong, boong,……
“Thở vào. Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe.
Thở ra. Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.”[3]
Thở vào, lắng nghe
Thở ra, nhất tâm.
Thở vào, lắng nghe
Thở ra, nhất tâm.
Các em thấy sao?
– Dạ, vui lắm. Tiếng chuông hay lạ kỳ!
Tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt. Người gọi:
– Con ơi! Thở đi con. Hãy về với chính con bằng hơi thở. Đừng buồn nữa, đừng lo âu nữa,…
Chúng mình thử lắng nghe một lần nữa.
– Dạ vâng, cám ơn anh Lang.
Boong, boong, boong,….
Thở vào, tiếng Bụt gọi.
Thở ra, chúng con thở đây.
Thở vào, Bụt gọi. Thở ra, thở.
Thở vào, Bụt gọi. Thở ra, thở.
– Cám ơn, Bụt nhắc nhở chúng con thở.
Nghe chuông hết lòng, tiếng chuông sẽ đi thẳng vào tâm, làm lắng đọng nỗi suy nghĩ, niềm lo âu. Tiếng chuông đưa tâm chạy rong về với thân. Tâm các em chỉ còn lại tiếng chuông. Lúc ấy, thân tâm tĩnh táo, lặng lẽ. Tiếng chuông với các em là một. Các em là tiếng chuông. Các em có Bụt ngay ở trong lòng.
[2] Từng bước nở hoa sen
[3] Thơ Nhất Hạnh
(Vẽ tranh minh họa: Sư cô Trăng Tuyết Hoa)
Bài có liên quan: Thiền cho tuổi thơ (phần I)
(còn tiếp)