Kỹ thuật và tâm linh
Bạn trẻ thân mến!
Thời đại kỹ thuật tối tân này, con người tạo ra một hệ thống mạng lưới cực kỳ tinh vi mà vĩ đại. Mạng lưới biến không gian mênh mông trở thành một thư viện khổng lồ chứa đựng tất cả thông tin. Nó là cả một chân trời tri thức, biết bao nhiêu là nghiên cứu, khám phá, sáng tác của loài người. Mạng lưới còn có thể giúp bạn liên hệ với bất cứ người nào đang có mặt trên mặt đất này.
Ngoài những khám phá khoa học, kỹ thuật, các tác phẩm văn chương, hội họa, âm nhạc, công nghệ truyền thông đăng tải trên mạng lưới, con người còn đăng tải các chương trình, phim ảnh, sách vở không lành mạnh xuất phát từ sự thèm khát, dục vọng hoặc nhu yếu làm giàu của giới doanh nhân. Đệ tử Bụt nếu không cẩn thận, không cầm lấy giới luật mà lạc vào các chương trình này thì coi như công trình tu học bấy lâu nay bị phá vỡ, giống như dã tràng xây nhà trên cát, chỉ cần một đợt sóng biển thôi cũng đủ phá tan hết nhà cửa.
Các loại máy móc điện tử này cũng tạo ra nhiều khó khăn cho bạn. Ai cũng tìm mọi cách để có tiền mua sắm máy móc tối tân như ipod, itouch, iphone… Tới khi có máy tối tân và thuê bao mạng lưới rồi, bạn trở nên bận rộn. Máy móc, mạng lưới là các con nghiện không khác gì một thứ ma túy, chi phối hết thời gian, không gian, tâm tư của bạn. Càng đi vào cái ổ nhền nhện của mạng lưới, bạn càng khao khát nó, do thế càng ngày chất nghiền của bạn càng tăng.
Nói như thế không phải chúng ta lên án khoa học kỹ thuật hay mạng lưới toàn cầu. Vì thiếu kiến thức, thiếu bản lãnh, thiếu sự hướng dẫn, đa số tuổi trẻ vào mạng lưới đều bị lạc vào các chương trình giải trí không lành mạnh hoặc đọc tin tức không cần thiết cho đời sống tâm linh, đưa tới tâm trạng chán nản, u trệ, tối tăm. Bạn không còn thích thú nơi sự thực tập hàng ngày như ngồi thiền, thiền hành, tụng kinh, bái sám, pháp đàm. Người tu mà không tu tập chánh niệm, thiền định thì không phải là đệ tử Bụt. Giống như ca sĩ mà không ca hát thì không phải là ca sĩ, họa sĩ mà không hội họa thì không phải là họa sĩ, bác sĩ mà không khám bệnh thì không phải là bác sĩ…
Công phu thực tập hàng ngày là các món ăn tinh thần đã được Bụt, Thầy, Tổ chế biến, dọn ra thật ngon lành. Bạn có thể tuỳ ý chọn món nào thích hợp với khẩu vị của bạn. Nếu đệ tử Bụt mà không thực tập công phu tức là bạn tự bỏ đói nếp sống tâm linh, giống như thân thể không có thức ăn thì từ từ nó sẽ héo mòn, ốm yếu, bệnh tật.
Tu tập là con đường trải nghiệm rõ ràng, chứ không phải đi trong mây mù. Giáo pháp của Bụt là đến để thấy, cho nên 'thấy' là quan trọng. Thuật ngữ trong kinh điển là kiến. Như thật kiến là thấy rõ, thấy thật, thì bạn mới biết tu đúng chánh pháp. Bụt, Tổ, Thầy đã hướng dẫn các pháp môn rõ ràng, thực tế, bạn cứ như vậy mà thực tập mỗi ngày. Không có gì phải mặc cảm cả, trái lại bạn phải có niềm tự tin, bởi bạn đã có kinh nghiệm thật về hơi thở, bước chân, ngồi yên, quán chiếu, dừng lại…
Thực tập chừng nào, bạn có tự do, hạnh phúc, thảnh thơi chừng ấy. Đôi khi tập khí, thói quen năm xưa trở về lôi bạn đi một đoạn đường tối tăm, khiến cho bạn mất hết an lạc, thảnh thơi, niềm vui. Nhưng không vì vậy mà bạn tự trách móc, mặc cảm, bỏ cuộc. Chỉ cần ngã chỗ nào, bạn tìm cách đứng dậy ngay nơi ấy mà bước tiếp con đường thực tập. Quan trọng là có thực tập hay không mà thôi, bạn ạ. Không ai thực tập dùm cho bạn đâu. Không ai sống đời sống cho bạn đâu. Đừng có mong chờ người khác ban cho bạn hạnh phúc, niềm vui, tự do. Đừng than vãn sao bạn khổ quá! Có thực tập, bạn đi về cõi sáng tỉnh thức, nguồn gốc của an lạc, tự do. Không thực tập, bạn đi về nẻo đen tối, nguồn gốc của khổ đau.
Tu tập là con đường dài đi về với đỉnh núi cao chót vót, nơi ấy bạn sẽ thấy tất cả những gì dưới kia, nơi tận tâm hồn u tối của cuộc đời, mà cũng chính là của mỗi chúng ta.