01 – Quyền lực đích thực

Xét theo tiêu chuẩn thông thường thì Federick là một người quyền thế. Là giám đốc của một hãng lớn, kinh doanh thành công, ông rất hãnh diện về thành công của mình. Tuy nhiên ông không có thì giờ cho ông, cho vợ ông – Claudia – và cho hai con trai còn nhỏ. Federick rất say mê công việc, luôn muốn làm thật nhiều, làm thật hay, luôn nhắm vào tương lai. Vì mải mê lo lắng cho công ty nên khi đứa con nhỏ đem bức hình mình vừa mới vẽ đến khoe bố thì ông chẳng để ý. Ông không còn khả năng thấy rõ con trai mình là hiện thân mầu nhiệm của sự sống. Về nhà sau một ngày làm việc, ông hỏi thăm Claudia qua loa. Ông không thực sự có mặt. Từ khi ông thành đạt, Claudia và các con dần dần cảm thấy ông xa cách.

Ban đầu thì Claudia yểm trợ Federick hết lòng. Claudia hãnh diện được là vợ của Federick. Bà rất vui khi tổ chức những buổi chiêu đãi bạn bè chồng. Cũng như Federick, Claudia tin rằng nếu nghề nghiệp thăng tiến, lương tiền dồi dào, nhà cao cửa rộng thì hạnh phúc sẽ được bảo đảm. Bà lắng nghe, tìm hiểu những khó khăn mà Federick gặp phải trong khi làm việc. Có khi hai vợ chồng thức tới khuya bàn thảo công việc. Họ chung sức chung lòng, nhưng mục tiêu của hai người không hướng về chính bản thân, về cuộc sống, hạnh phúc của chính họ hay của con cái; Federick và Claudia chỉ bàn thảo về những khó khăn, trở ngại trong hãng, về những lo sợ, phân vân của ông.

Claudia cố gắng hết lòng giúp chồng, nhưng rồi bà mệt mỏi, đuối sức vì Federick có quá nhiều bức xúc, bị công việc chi phối. Ông không có thì giờ cho chính mình, nói gì tới thời gian cho vợ con. Thật ra Federick cũng muốn gần gũi vợ con, nhưng ông tin rằng ông không có thì giờ! Mà đúng vậy, ông không có thì giờ để thở, để ngắm ánh trăng rằm hay để thưởng thức những bước chân của chính mình. Mặc dù trên danh nghĩa Federick là ông chủ, nhưng chính sự đam mê công việc của ông mới là “ông chủ”, nó chiếm cả một trăm phần trăm thì giờ và tâm trí của ông.

Claudia cô đơn. Federick không thực sự “thấy” sự có mặt của bà. Bà chăm sóc nhà cửa, con cái, đi giúp các hội từ thiện hoặc thăm viếng bạn bè cho khuây khỏa. Rồi bà ghi tên học đại học và bắt đầu hành nghề tâm lý trị liệu. Cuộc sống từ đó có đôi phần ý nghĩa, nhưng Claudia vẫn cảm thấy lẻ loi, thiếu nâng đỡ. Hai đứa con nhớ bố và thắc mắc tại sao bố chúng cứ đi vắng hoài.

Khi đứa con đầu của họ – Philip, phải vào bệnh viện giải phẫu tim, Claudia một mình săn sóc Philip suốt bảy giờ đồng hồ vì Federick không thể rời công ty. Ngay cả khi chính Claudia phải vào bệnh viện giải phẫu u lành tính, Federick cũng không vào thăm được.

Vậy mà Federick vẫn nghĩ rằng làm việc cật lực như vậy là đúng, là tốt. Ông nghĩ rằng ông đang làm việc vì vợ con và vì nhân viên dưới quyền, những người đang trông cậy nơi ông. Ông thấy mình có trách nhiệm phải làm tròn bổn phận. Công việc làm ông tự mãn, ông nghĩ rằng mình đã đạt được một thành tích nào đó. Federick hãnh diện vì đã thành công, vì là người đưa ra được những quyết định quan trọng, vì làm ra nhiều tiền.

Claudia đã khóc nhiều lần và khuyên chồng nên buông bỏ bớt công việc đi để dành thì giờ cho gia đình và tận hưởng cuộc sống. Bà chia sẻ với chồng rằng bà cảm thấy ông bị công việc giam hãm. Mà thật vậy, gia đình họ sống trong một khu biệt thự sang trọng có khu vườn xinh xắn và bãi cỏ xanh mướt. Federick thích làm vườn nhưng ông không có thì giờ ở nhà để ra vườn. Khi vợ năn nỉ thì Federick nói rằng ông rất thích thú với công việc trong công ty, và nếu không có ông thì công việc không chạy. Nhiều lần Federick an ủi Claudia rằng chỉ vài năm nữa, khi về hưu, ông sẽ có vô khối thì giờ dành cho bà và các con.

Nhưng chưa kịp về hưu, Federick đã chết vì tai nạn xe hơi khi mới năm mươi mốt tuổi, bỏ lại người vợ xinh đẹp, dịu hiền, bỏ lại hai đứa con ngoan ngoãn, thông minh và một tài sản kếch xù. Trước đây ông từng nghĩ không ai có thể thay ông giải quyết công việc được, thế mà chỉ ba ngày sau khi ông từ trần, công ty đã tìm ra người thay thế.

Tôi gặp Claudia trong một khóa tu chánh niệm và được bà kể cho nghe câu chuyện của chồng bà. Mặc dù Federick và Claudia không thiếu gì danh vọng, thành công và tiền bạc, nhưng họ đâu có hạnh phúc. Vậy mà nhiều người trong chúng ta cứ tin rằng nếu không có quyền lực về tài chính hay chính trị thì không thể nào có hạnh phúc.

Chúng ta đã hy sinh hiện tại cho tương lai. Chúng ta không có khả năng sống sâu sắc từng giây, từng phút trong đời sống hằng ngày.

Chúng ta thường nghĩ rằng khi có quyền lực thì có thể sai bảo người khác, nếu nghề nghiệp thành công thì sẽ có nhiều tiền và muốn làm gì cũng được. Nhưng nhìn sâu ta sẽ thấy Federick không có tự do, không có khả năng sống vui, không có thì giờ cho những người thương. Công việc đã cuốn hút Federick. Federick không có thì giờ để thở sâu, để nở nụ cười, để ngắm trời xanh và tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống.

Vừa thành công trong nghề nghiệp, vừa có quyền thế ở đời, lại vừa sống an lạc và thảnh thơi là điều có thể làm được. Vào thời của Bụt có một thương gia đệ tử tên là Cấp Cô Độc (Anathapindika). Cấp Cô Độc là một thương gia rất giàu có. Ông là người nhiều quyền thế và cũng giàu lòng nhân ái. Ông luôn biết cảm thông hoàn cảnh của nhân viên, khách hàng và các bạn đồng nghiệp. Nhờ tấm lòng rộng rãi nên ông đã được nhân viên giúp đỡ rất nhiều lần khi công việc kinh doanh đi xuống. Có lần cửa hàng của ông bị hỏa hoạn, chính những nhân viên và láng giềng của ông đã hy sinh xông vào chữa cháy. Họ bảo vệ ông vì họ coi ông như một người anh, một người cha. Nhờ thế mà ông làm ăn phát đạt. Khi ông bị phá sản, ông không bị điêu đứng vì bạn bè đã đóng góp giúp đỡ để ông nhanh chóng gây dựng lại cơ nghiệp. Cấp Cô Độc đã có một chiều hướng tâm linh trong khi tiến hành công việc kinh doanh. Cấp Cô Độc đã lôi cuốn được vợ con vào nếp sống thực tập tâm linh và chăm sóc những người nghèo khổ. Ông quả là một vị Bồ Tát với tâm từ bi rộng lớn.

Cấp Cô Độc là một người hạnh phúc không phải vì giàu sang mà vì tình thương. Tình thương là động lực chính của đời ông, là sức mạnh đưa ông đi tới. Ông luôn dành thời gian và sự quan tâm cho vợ con và những người xung quanh. Ông thân cận quý thầy, quý sư cô và các đạo hữu để cùng học hỏi, tu tập nâng cao hiểu biết và thương yêu. Cấp Cô Độc có nghĩa là “người cung cấp, giúp đỡ những người nghèo khó và cô đơn.” Người ta tặng cho ông mỹ danh đó là vì trái tim ông chứa đầy từ bi. Ông biết thương yêu săn sóc mình, thương yêu săn sóc gia đình và đồng bào. Giúp đỡ những ai đang gặp khó khăn là niềm hạnh phúc của ông, vì vậy ông có rất nhiều bạn tốt và được mọi người yêu mến.

Cấp Cô Độc đã đầu tư vào tình bạn, gia đình và những người xung quanh, cho nên ông có thì giờ để trân quý và chăm sóc những người ông thương. Ông rất hoan hỷ khi phụng sự Bụt và tăng thân. Mắt ông sáng lên khi nghe nói tới tăng thân. Mắt ông cũng sáng lên khi nghe nói tới những người nghèo khổ, hay tới những đứa con của mình.

Theo tôi, điều mà phần đông chúng ta gọi là mục tiêu tối hậu chính là tình thương. Nếu chúng ta chỉ biết ham danh, ham quyền thì chúng ta không thể có hạnh phúc như Cấp Cô Độc. Cấp Cô Độc vì lòng thương mà kinh doanh, tình thương là nền tảng. Chính vì thế mà ông sống rất hạnh phúc.

Lắm khi vì thương vợ, thương con, vì muốn giúp cộng đồng mà chúng ta dấn thân vào công việc kinh doanh. Ý định ban đầu rất tốt, nhưng dần dần chúng ta đánh mất hết thì giờ vì phải đeo đuổi thành công. Vì say mê quyền lực và danh vọng mà ta không còn chú ý tới gia đình, bà con, bạn bè. Cũng từ đó chúng ta bắt đầu mất dần hạnh phúc. Bí quyết để duy trì hạnh phúc là nuôi dưỡng tình thương mỗi ngày. Đừng để cho lòng tham quyền, tham danh thay thế tình thương. Mới đầu thì Federick cũng thương vợ, thương con. Ông đã bắt đầu sự nghiệp kinh doanh với tình thương đó. Nhưng rồi Federick đã tự phản bội lại mình vì ông đã đặt ham muốn thành công lên trên nhu cầu hạnh phúc. Nếu bạn tự xét lại và thấy rằng bạn đang mong muốn được thành công hơn là mưu cầu hạnh phúc thì bạn phải biết rằng bạn đang đi theo vết xe của Federick.

Quan niệm về quyền lực trong đạo Bụt khác hơn. Người Phật tử cũng nghĩ đến quyền lực, nhưng là một thứ quyền lực mang lại hạnh phúc chứ không gây đau khổ.

Thói thường thì ai cũng chạy theo tiền bạc và quyền lực chính trị. Rất nhiều người tin rằng nếu có được những thứ quyền lực đó thì có thể làm được rất nhiều chuyện và sẽ được hạnh phúc. Nhưng nếu nhìn sâu, ta sẽ thấy rằng những người đang theo đuổi quyền lực chính là những người rất đau khổ, đau khổ trước hết là vì phải tranh đua, bởi vì có biết bao nhiêu người đang đeo đuổi cùng một quyền lực như họ. Ta tin rằng quyền lực mà ta đang theo đuổi là hiếm hoi, khó đạt tới và chỉ có thể có được bằng cách loại trừ những người khác. Tuy nhiên, ngay cả khi có quyền lực rồi, ta lại cảm thấy quyền lực đó vẫn chưa đủ. Tôi đã gặp nhiều người giàu có, quyền thế và danh tiếng nhưng lại không mấy khi được hạnh phúc, thậm chí có người đã phải tự tử. Cho nên tiền bạc, danh vọng và quyền lực có thể đem lại một phần nào hạnh phúc nhưng không thể bảo đảm hạnh phúc hoàn toàn nếu thiếu yếu tố tình thương.

Ai có quyền lực bằng Tổng thống Mỹ? Tổng thống George W. Bush là tổng tư lệnh của một lực lượng quân sự hùng mạnh bậc nhất, là vị lãnh đạo của một quốc gia giàu có nhất thế giới. Không mấy ai nhiều quyền lực như ông. Nhưng không có nghĩa Tổng thống là một người hạnh phúc. Tôi tin rằng mặc dù với bao nhiêu cái-gọi-là quyền lực trong tay, Tổng thống Bush vẫn cảm thấy bất lực và đau khổ vô cùng. Ông ta đang ở trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”: Tiếp tục hay chấm dứt cuộc chiến ở Iraq? Tiếp tục cũng khó mà rút quân về cũng khó, chẳng khác gì bị hóc xương, “khạc không ra, nuốt không trôi.” Tôi không nghĩ rằng Tổng thống Bush thường ngủ được yên giấc. Làm sao mà ngủ yên được khi hàng trăm ngàn thanh niên nước mình đang ngày đêm hy sinh nơi trận địa. Làm sao tránh khỏi ác mộng khi hàng trăm ngàn người dân vô tội phải chết vì chính sách của mình. Bạn may mắn lắm vì bạn không phải là Tổng thống Hoa Kỳ, nếu không thì giờ này bạn đang vô cùng đau khổ. Một điều rất rõ ràng là nếu những nhà lãnh đạo chính trị không lấy lòng từ bi và hiểu biết làm căn bản hành động thì sẽ sử dụng quyền lực sai lạc và sẽ gây đau khổ cho đất nước mình cũng như cho các quốc gia khác.

Cách đây vài năm, vị chủ tịch và tổng giám đốc của một trong những công ty lớn nhất Hoa Kỳ đã đến Tu viện Thanh Sơn Vermont để thiền tập với tôi và các thầy, các sư cô trong hai ngày. Sáng hôm đó, tôi hướng dẫn một buổi thiền tập, ông cũng ngồi thực tập cùng đại chúng. Sau đó ông đã tới và tâm sự với tôi về cuộc sống của những nhà tỷ phú. Những nhà tỷ phú đau khổ, lo âu và nghi kỵ rất nhiều. Họ luôn luôn nghĩ rằng bất cứ ai đến với họ cũng chỉ vì tiền, cũng chỉ để lợi dụng. Họ không có bạn. Vị giám đốc ấy là một người nhiều uy thế chính trị và phương tiện tài chính, nhưng ông đã đến với chúng tôi để học cách tu tập quyền lực tâm linh. Tôi đã có dịp chia sẻ với ông cách an tịnh thân tâm, cách thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm. Ông hết lòng tham dự thiền tập, thiền hành và ăn cơm im lặng. Ông đã tự rửa lấy chén đĩa của mình sau khi ăn. Ông có một vệ sĩ nhưng ông không cho phép anh ta đi theo vào tu viện. Tôi đã tặng ông một cái chuông nhỏ để ông thực tập nghe chuông, sử dụng tiếng chuông để trở về với hơi thở và lắng dịu thân tâm trong những lúc khó khăn. Tôi không biết ông có tiếp tục thực tập như vậy được hay không bởi vì ông rất cô đơn trong môi trường kinh doanh, lại không có tăng thân nâng đỡ. Thế giới mà ông đang sống là một thế giới bận rộn, nhiều đòi hỏi vì nó dồn dập xoay chuyển.

Vậy thì chúng ta phải công nhận một sự thật là nếu không có tâm từ bi và không có một động lực thúc đẩy phụng sự bởi tâm từ bi, thì dù cho giàu có, quyền thế cách mấy cũng sẽ không có hạnh phúc. Bạn chỉ hạnh phúc khi bạn có thể liên hệ với những người khác và với sự sống chung quanh. Nếu không, bạn sẽ cô độc trong thế giới riêng của mình, không bạn tri âm, không người tri kỷ. Tình thương là rất thiết yếu cho hạnh phúc.

Điều này không những đúng cho từng cá nhân mà còn đúng cho một quốc gia. Nhiều quốc gia muốn phát triển trên phương diện kinh tế, vật chất. Theo tôi, định nghĩa của phát triển là hạnh phúc. Có thêm tiền để làm gì nếu vì thế càng thêm đau khổ? Chúng ta trở thành nạn nhân của chính sự thành công của chúng ta. Phải đo mức độ phát triển bằng hạnh phúc chân thật. Một quốc gia có thể là một cường quốc, rất giàu có, rất tiến bộ, nhưng nhân dân trong nước lại đầy đau khổ. Ý muốn phát triển kinh tế, vật chất trở thành quan trọng hơn sức khỏe của nhân dân. Không còn thì giờ để tự chăm sóc và chăm sóc người thương. Quả thật đáng tiếc. Theo tôi, một quốc gia văn minh là một quốc gia mà trong đó nhân dân có một đời sống sâu sắc, có thì giờ yêu thương, chăm sóc gia đình và cộng đồng.

 

Năm quyền lực tâm linh (Ngũ Lực)

Điều mà phần đông chúng ta gọi là quyền lực thì đạo Bụt gọi là tham dục. Có năm thứ tham dục. Đó là tham tiền (tài), tham danh (danh), tham sắc (sắc), tham ăn (thực) và tham ngủ (thùy). Trái lại, đạo Bụt nói tới năm thứ quyền lực chân thực, năm thứ đó là: tín, tấn, niệm, định và tuệ. Năm nguồn năng lượng này là nền tảng của hạnh phúc chân thực, kết quả của những thực tập cụ thể mà chúng ta sẽ được học trong cuốn sách này.

 

Sức mạnh của Đức tin (Tín)

Nguồn năng lượng thứ nhất là đức tin (tín). Có đức tin, chúng ta sẽ có sức mạnh. Trong Thánh kinh, Chúa Jesus nói rằng người có đức tin có thể di chuyển cả trái núi. Tuy nhiên, chữ tín ở đây nên dịch là “tự tin”, “tin cậy” thì hay hơn, bởi vì đó là một nguồn năng lượng ở trong ta chứ không phải hướng ra bên ngoài. Tổ Lâm Tế từng nói: “Quý vị thiếu tự tin, cho nên cứ mãi rong ruổi hướng ngoại tìm cầu. Quý vị phải tin rằng quý vị có khả năng thành Phật, có khả năng giác ngộ, thoát ly phiền não.”

Tín là tin rằng có một con đường đưa ta tới tự do, giải thoát và chuyển hóa phiền não. Nếu thấy được con đường này và đi theo thì sẽ có quyền lực. Những người không có đường đi thì cứ luẩn quẩn loanh quanh mãi. Họ đau khổ, họ không biết phải đi về đâu. Bạn cũng từng tìm kiếm một con đường, và bây giờ bạn tìm ra con đường ấy, vậy là bạn đã thấy được đạo rồi.

Nếu chứng nghiệm ít nhiều rằng con đường ấy dẫn tới một cuộc sống tốt lành thì bạn sẽ khởi lòng tin. Bạn sẽ rất sung sướng là đã có một con đường, khi ấy bạn bắt đầu có quyền lực. Quyền lực này sẽ không gây tác hại cho bạn hay những người xung quanh, trái lại đem tới cho bạn sức mạnh và năng lượng mà ai cũng có thể cảm nhận. Khi có lòng tin thì mắt bạn sáng ngời và bước chân bạn đầy tự tin. Đó chính là quyền lực. Bạn có thể phát huy quyền lực ấy từng giây từng phút mỗi ngày. Nó sẽ đem lại cho bạn rất nhiều hạnh phúc.

Nếu một pháp môn thực tập đem lại kết quả, nếu pháp môn ấy giúp ta thêm chánh niệm, định lực và vui thích, thì niềm tin của ta sẽ bắt nguồn từ đó chứ không phải do một người khác mách bảo. Đức tin và lòng tín nhiệm này không phải là tin vào lời nói suông, mà là tin vào kết quả cụ thể của sự thực tập. Khi bạn thực tập hơi thở chánh niệm thành công (sẽ được cắt nghĩa rõ trong chương 3 và Phụ lục A), bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, vững chãi và thảnh thơi, và lòng tin sẽ phát sinh từ kinh nghiệm đó. Đây không phải là mê tín, cũng không phải là nhờ cậy vào một ai khác. Năng lượng của niềm tin đem lại cho bạn rất nhiều hạnh phúc. Nếu không có niềm tin, không có năng lượng của sự tự tin thì bạn sẽ đau khổ.

Nhìn kỹ ta sẽ thấy rằng, năng lượng của sự tỉnh thức, từ bi và trí tuệ đã có sẵn trong ta. Thấy được năng lượng ấy đang tiềm tàng và là một phần của con người ta, ta sẽ tin tưởng vào nguồn năng lượng này. Nếu biết cách thực tập, ta sẽ chế tác được năng lượng của tỉnh thức, từ bi và trí tuệ để tự bảo vệ và giúp thành công trong mọi công việc.

 

Sức mạnh của tinh tấn (Tấn)

Thứ hai là năng lượng của sự tinh tấn. Khi thực tập có niềm vui thì ta bắt đầu có hứng thú để tu tập. Tuy nhiên, bạn phải duy trì sự thực tập đó một cách bền bỉ, không nên xao lãng. Phải thực tập đều đặn, thực tập mỗi ngày với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và tăng thân. Đó gọi là tấn. Nếu bạn thực tập ngồi thiền, thiền hành, thực tập hơi thở chánh niệm, ăn cơm chánh niệm mỗi ngày thì sự thực tập sẽ được nuôi dưỡng đều đặn, liên tục, và đó chính là sức mạnh thứ hai. Ta có khả năng chánh niệm nhưng không cần phải chứng tỏ rằng ta đang thực tập chánh niệm. Điểm quan trọng là không nên phô trương sự thực tập, mà thực tập chỉ vì sự bổ ích và thích thú cho chính mình. Ta thực tập và thực tập mỗi ngày. Có thế thôi.

Có bốn khía cạnh của tinh tấn.

Thứ nhất là khi một cảm xúc tiêu cực chưa phát khởi thì đừng tạo cơ hội cho cảm xúc ấy phát khởi. Theo tâm lý học Phật giáo thì tâm thức của chúng ta gồm có hai tầng: tầng dưới gọi là Tàng thức, tầng trên gọi là Ý thức. Ý thức là phần sinh hoạt bình thường khi ta còn thức. Tàng thức là phần tiềm thức.

Tàng thức của chúng ta được ví như mảnh đất trong đó chứa tất cả các loại hạt giống: hạt giống của tình thương, của niềm vui, hạnh phúc, tha thứ bao dung, của niệm, định, tuệ,… nhưng cũng có những hạt giống của giận hờn, hận thù, tuyệt vọng… Tàng thức chứa những hạt giống ấy và đồng thời cũng cất giữ chúng không để cho mất đi.

Khi những hạt giống ấy được tưới tẩm, chúng sẽ biểu hiện thành một loại năng lượng trên tầng ý thức và trở thành những tâm hành. Trong ta có hạt giống giận, nhưng khi hạt giống giận còn nằm dưới tàng thức thì ta không cảm thấy giận. Tuy nhiên khi bị chọc giận, tức là hạt giống giận bị tưới tẩm, chúng sẽ hiển lộ, và biến thành tâm hành giận. Năng lượng của cơn giận sẽ trào dâng và ta cảm thấy giận. Chúng ta có thể hình dung ý thức là phòng khách và tàng thức là nhà kho. Nếu những hạt giống vui tươi được tưới tẩm, chúng sẽ hiện lên trên tầng ý thức, làm đẹp cho phòng khách. Nếu ta tưới tẩm những hạt giống giận dữ, thù hận, thì phòng khách của chúng ta sẽ biến thành địa ngục cho chính ta và những người ta thương.

Tất cả chúng ta đều có hạt giống của giận hờn, tuyệt vọng, ganh tỵ. Một môi trường thiếu lành mạnh có thể khơi dậy những hạt giống ấy. Trái lại, trong một môi trường tốt, chúng sẽ không bị tưới tẩm một cách dễ dàng. Vậy thì chúng ta phải khôn ngoan chọn lấy một môi trường sống lành mạnh. Không nên tự mình tưới tẩm hay để cho những người chung quanh tưới tẩm những hạt giống tiêu cực trong ta.

Một bài báo, một cuốn phim hay, một chương trình truyền hình đầy bạo động sẽ đánh thức những hạt giống bạo động trong ta. Cho nên bước đầu tiên của tinh tấn là không nên tự mình hay để cho môi trường xung quanh khơi dậy những hạt giống tiêu cực ấy. Tinh tấn ở đây có nghĩa là thực tập tưới tẩm có chọn lọc. Vậy thì trong cuộc sống hằng ngày, nếu những hạt giống tiêu cực trong tàng thức còn chưa phát hiện thì phải cẩn thận đừng để cho các hạt giống ấy có cơ hội biểu hiện. Không cần phải đè ép, chỉ cần tránh tạo cơ hội. Trong gia đình hay trong cộng đồng, ta chỉ nên tiếp xúc với những âm thanh hay hình ảnh giúp khơi dậy những gì tốt lành. Tránh gần gũi những âm thanh hoặc hình ảnh kích thích những hạt giống của tham dục và giận hờn. Ta phải tinh tấn thực tập như thế và cần xây dựng một nhóm bạn bè cùng có mong muốn tu tập để tạo nên một môi trường tốt, hay nhờ những người trong gia đình giúp ta tự bảo vệ. Và ta cũng có thể bảo vệ những người thân bằng cách tạo nên một môi trường trong đó không có những yếu tố có thể tưới tẩm những hạt giống tiêu cực.

Khía cạnh thứ hai của tinh tấn là làm lắng dịu các hạt giống tiêu cực hoặc thay thế chúng khi chúng đã biểu hiện. Khi một hạt giống tiêu cực – hạt giống của tuyệt vọng, sân hận hay bạo động – bị khơi dậy, ta cần biết cách ngăn chặn và đưa chúng trở xuống tàng thức. Đừng để chúng biểu hiện quá lâu trên vùng ý thức, bởi vì để càng lâu chúng càng mạnh và sẽ gây đổ vỡ. Có nhiều cách lắng dịu hạt giống tiêu cực mà không cần phải đè nén hay tranh đấu. Hãy nhận diện chúng và mỉm cười với chúng. Bạn đừng để cho buồn tủi, sầu hận chế ngự, hãy thay thế chúng bằng cách đi dạo ngắm thiên nhiên, hay đi thiền hành hoặc tìm đọc một đoạn văn sâu sắc, nghe một bản nhạc êm dịu. Cũng giống khi mở nhầm một đĩa nhạc không hay thì ta đừng có cố nghe mà nên thay thế bằng một CD khác hay hơn. Thời của Bụt không có CD cho nên Ngài dùng hình ảnh thay chốt. Ngày xưa khi bàn ghế bị lỏng lẻo do cái chốt bị mục nát thì người thợ mộc thay vào một chốt mới. Cũng thế, ta có thể “thay chốt” một tâm hành đang làm ta khó chịu. Khi một ý nghĩ tiêu cực đầy tham dục hay sân hận biểu hiện ra, ta có thể dùng hơi thở có ý thức để mời lên một hạt giống lành mạnh. Nếu hạt giống lành mạnh đủ sức hấp dẫn thì hạt giống tiêu cực sẽ bị yếu đi. Nhưng phải nhớ rằng hạt giống lành mạnh phải đủ sức hấp dẫn, nếu không thì hạt giống tiêu cực sẽ chẳng chịu lùi bước và càng lấn lướt. Với tất cả khôn khéo, tinh chuyên, hãy thực tập như thế để chuyển đổi tình trạng, để đưa hạt giống tiêu cực xuống yên ngủ và mời hạt giống tích cực biểu hiện. Khi tâm hành tích cực biểu hiện thì phòng khách ý thức không còn chỗ cho những tâm hành tiêu cực xâm nhập.

Khía cạnh thứ ba của tinh tấn là luôn luôn mời các hạt giống tích cực lên vùng ý thức. Trong ta luôn có những hạt giống của giác ngộ, hiểu biết và thương yêu. Đó là một phần của bản tính bẩm sinh. Sống trong một môi trường lành mạnh, được bao bọc bởi thương yêu, ta sẽ có rất nhiều cơ hội giúp cho các hạt giống tích cực ấy biểu hiện. Vấn đề là làm sao giúp cho các hạt giống ấy biểu hiện khi chúng đang còn ở dưới tàng thức? Hãy đọc một đoạn sách, nghe một bản nhạc, hay nói một lời từ ái để tưới tẩm các hạt giống của từ bi, thương yêu. Hãy tổ chức đời sống sao cho những hạt giống tốt được chạm đến nhiều lần trong ngày, để cho chúng có cơ hội biểu hiện lên vùng ý thức. Điều này có thể được thực hiện rất nhanh. Luôn mời khách quý vào phòng khách và tình thế sẽ được thay đổi.

Khía cạnh thứ tư của tinh tấn là lưu giữ những tâm hành thiện ở trên phòng khách càng lâu càng tốt. Ta phải lưu tâm và nuôi dưỡng chúng. Thật tuyệt vời khi những tâm hành thương yêu, an vui đang ở trên vùng ý thức. Cho nên phải giữ lấy, mời chúng ở lại đó và đừng để cho chúng trở xuống vùng tàng thức. Có được một người bạn quý tới thăm và cùng chuyện trò trong phòng khách là một hạnh phúc lớn. Bạn phải cố thuyết phục người ấy ở lại càng lâu càng tốt, “Ngoài trời đang mưa, mời anh ngồi lại uống trà.” Những tâm hành ở trên vùng ý thức càng lâu thì hạt giống của chúng ở dưới vùng tàng thức càng lớn mạnh. Điều này đúng cho cả các tâm hành thiện (tích cực) hay bất thiện (tiêu cực). Ôm ấp tâm hành tham dục năm phút thì hạt giống tham dục có được năm phút để lớn mạnh. Vậy thì hãy đưa hạt giống của tham dục xuống tàng thức càng nhanh càng tốt và mời một hạt giống tốt, tích cực lên thay thế.

Sử dụng những phương tiện quyền xảo và các phép thực tập nói trên để chế tác chánh niệm, đó gọi là chánh tinh tấn. Chánh tinh tấn đem lại rất nhiều niềm vui, hạnh phúc cho ta và những người thương của ta. Những người có năng lượng tinh tấn là những người có rất nhiều sức mạnh, nhiều quyền lực. Họ có thể tự chuyển hóa – chuyển hóa môi trường mà họ đang sống và chuyển hóa cả thế giới.

 

Sức mạnh của chánh niệm (Niệm)

Thứ ba là sức mạnh của chánh niệm. Chánh niệm là năng lượng giúp ta thấy rõ những gì đang xảy ra trong hiện tại. Khi có chánh niệm thì ta thực sự có mặt, thực sự sống trọn vẹn và sâu sắc từng giây từng phút. Có thể chế tác chánh niệm bất cứ lúc nào, khi nấu ăn, rửa bát, dọn dẹp, khi đứng, khi ngồi, khi ăn cơm… Năng lượng của chánh niệm giúp ta biết nên làm gì và không nên làm gì. Năng lượng của chánh niệm cũng giúp ta tránh được khó khăn, lỗi lầm, bảo vệ và soi sáng ta trong tất cả hoạt động hằng ngày.

Chánh niệm là khả năng nhận diện bản chất của sự vật. Khi có chánh niệm thì ta biết rõ những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây. Trước một việc tốt, một hình ảnh đẹp, ta cảm thấy hạnh phúc. Chỉ cần chánh niệm sâu sắc sự việc ấy, hình ảnh ấy cũng đủ giúp nuôi dưỡng, chữa trị thân tâm. Chánh niệm cũng giúp ta ôm ấp, thoa dịu những chuyện không hay hoặc những hình ảnh không đẹp, cũng như giúp ôm ấp đau khổ, sân hận hay tuyệt vọng. Nếu biết cách ôm ấp đau khổ đủ lâu thì nỗi khổ sẽ thuyên giảm.

Mất chánh niệm (thất niệm) ta sẽ mất tất cả. Vì không có chánh niệm cho nên cách ta kiếm tiền và tiêu tiền, cách ta sử dụng danh tiếng, cách ta sử dụng quyền lực có thể tiêu diệt chính ta và những người khác.

Mỗi ngày ta đi lại, ăn uống nhưng ta không thật sự đi lại, ăn uống. Ta bị cuốn theo những dự án, lo âu và ta không có tự do nữa. Khi đi mà có chánh niệm, tâm an trú trong hiện tại, không tiếc nuối quá khứ, không lo lắng tương lai, ta sẽ tiếp xúc với mầu nhiệm của sự sống và mỗi bước chân là một bước nuôi dưỡng hạnh phúc. Với chánh niệm, ta sẽ có được một nếp sống an toàn không phải tiếc nuối. Chánh niệm giúp ta thấy rõ và gần gũi với những người ta thương. Chánh niệm là năng lượng giúp ta trở về với tự thân, sống dậy trong hạnh phúc đích thực.

 

Sức mạnh của sự tập trung (Định)

Chánh niệm đưa đến sức mạnh thứ tư, sức mạnh của sự chú tâm (Định). Khi uống trà thì hãy chỉ uống trà. Hãy thưởng thức trà. Xin đừng uống niềm đau nỗi khổ, đừng uống tuyệt vọng, lo âu, đừng uống dự án kế hoạch. Điều này rất quan trọng. Nếu không thì sẽ không nuôi dưỡng được thân tâm.

Có những sự việc ta chỉ thấy thoáng qua mà không rõ ràng. Ta phải sử dụng năng lượng của định để khám phá, để nhìn sâu vào bản chất của chúng. Khi gặp khó khăn, sợ hãi, buồn khổ hay tuyệt vọng, ta cần phải có năng lượng định thật dồi dào thì mới có thể nhìn sâu vào niềm đau nỗi khổ ấy và có đủ sức mạnh chuyển hóa chúng. Sức mạnh của định giúp ta thấy được nguồn gốc của khổ đau, từ đó đưa ta vượt thoát khổ đau. Đó chính là tuệ giác. Tuệ giác có khả năng giải phóng ta ra khỏi đau khổ.

Có nhiều loại định. Định thứ nhất là định Vô Thường. Quán chiếu Vô Thường chúng ta sẽ thấy rằng mọi sự mọi vật thay đổi không ngừng. Chúng ta có thể chết ngày mai hay bất cứ lúc nào. Vậy thì ta phải làm tất cả những gì có thể làm được để đem lại hạnh phúc cho những người ta thương ngay hôm nay. Đợi đến ngày mai thì e quá trễ. Định thứ hai là định Vô Ngã. Ta không có một tự tính độc lập gọi là Ngã. Quán chiếu Vô Ngã ta sẽ thấy rằng không bao giờ có chuyện chỉ mình ta đau khổ, mà luôn có thêm những người khác đau khổ theo ta. Khi ta khổ thì con ta, chồng (vợ) ta, bạn bè, đồng nghiệp của ta cũng cùng đau khổ với ta. Định thứ ba là định Tương Tức. Quán chiếu Tương Tức, ta thấy rõ mối liên hệ nhân duyên giữa tất cả mọi sự mọi vật. Ta cũng thấy rõ rằng nếu ta gây đau khổ cho ai thì người ấy sẽ gây đau khổ lại cho ta.

Quán chiếu bản chất Vô Thường, Vô Ngã và Tương Tức sẽ giúp chúng ta giác ngộ và đưa tới sức mạnh thứ năm, sức mạnh của tuệ giác.

 

Sức mạnh của tuệ giác (Tuệ)

Tuệ giác, nguồn sức mạnh thứ năm, là lưỡi gươm cắt đứt mọi đau khổ, sợ hãi, tuyệt vọng, sân hận và kỳ thị. Năng lượng của định, của tuệ giác giúp ta thấy rõ bản chất đối tượng của định. Định Vô Thường và định Vô Ngã đưa đến tuệ giác Vô Thường và tuệ giác Vô Ngã.

Vô thường không phải là một ý tưởng hay một quan niệm mà là một tuệ giác. Rất nhiều người trong chúng ta cố bám lấy ý niệm về thường còn, vững chắc. Khi nghe đến giáo lý vô thường họ đâm ra lo sợ. Nhưng vô thường không phải là tiêu cực mà có khi rất tích cực. Bất cứ điều gì cũng đều vô thường, kể cả bất công, nghèo khổ, ô nhiễm, và hiện tượng “trái đất nóng lên” (global warming). Trong cuộc sống ta có thể gặp phải hiểu lầm, bạo lực, xung đột, tuyệt vọng, nhưng vì vô thường nên chúng có thể được chuyển hóa nếu ta có tuệ giác trong nếp sống hiện tại.

Tuy nhiên lắm lúc ta quên hẳn vô thường. Trên lý thuyết ta biết rằng tất cả đều là vô thường, nhưng ta quên đi rằng một ngày nào đó người ta thương sẽ bệnh, sẽ chết. Ta quên đi rằng chính ta rồi cũng sẽ chết. Ta có xu hướng suy nghĩ như là ta sẽ sống mãi. Và vì vậy ta không có tuệ giác vô thường để sống đẹp từng giây phút, để trân quý người thương. Rất nhiều người trong chúng ta đã đau khổ cùng cực khi một người thương ra đi, không phải vì ta thương nhớ mà vì nuối tiếc rằng khi người thương còn sống ta đã không có thì giờ gần gũi và hết lòng săn sóc. Có thể ta đã đối xử với người ấy một cách bất công. Bây giờ người ấy không còn nữa và ta mang mặc cảm tội lỗi. Nếu có tuệ giác vô thường thì phải biết rằng một ngày nào đó người ta thương sẽ chết và hôm nay ta phải làm tất cả những gì có thể để đem lại hạnh phúc cho người ấy. Đừng đợi đến ngày mai. Ngày mai có thể quá muộn. Nếu biết sống theo tuệ giác vô thường ta sẽ không phạm quá nhiều lầm lỗi. Ta có thể hạnh phúc ngay bây giờ. Ta có thể thương yêu, săn sóc người ta thương ngay ngày hôm nay. Ta không bươn chải về tương lai để rồi đánh mất sự sống. Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại.

Bụt dạy vô thường như là một tuệ giác. Bụt không bi quan mà chỉ muốn nhắc nhở chúng ta rằng sự sống rất đáng quý và chúng ta phải trân quý sự sống từng giây phút. Duy trì định vô thường như vậy sẽ đem đến tuệ giác vô thường. Nhờ tuệ giác vô thường mà ta không bị tuyệt vọng, sân hận, tiêu cực cuốn đi, bởi vì tuệ giác vô thường cho ta biết phải nên làm gì và không nên làm gì để xoay chuyển tình thế. Nhờ vô thường mà không có gì không làm được.

Nếu không có tuệ giác, ta sẽ nghĩ rằng quyền lực là do ta tự tạo nên, chỉ cho riêng ta. Nhưng có một tuệ giác khác ta có thể đạt được, đó là tuệ giác vô ngã. Vô ngã không có nghĩa là ta không có mặt. Vô ngã chỉ có nghĩa là ta không có tự tính riêng biệt. Nguồn gốc của bao nhiêu đau khổ chính là do tâm phân biệt, phân biệt giữa mình và người, do ý niệm về một cái ngã riêng biệt. Giả thử bạn là cha mẹ, hãy nhìn con của bạn và bạn sẽ thấy rằng con trai hay con gái bạn chỉ là sự tiếp nối của bạn. Cũng như cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp, con cái là sự tiếp nối của cha mẹ. Trong con có tế bào của cha. Cha và con không phải là một người nhưng cũng không phải là hai người. Khi người cha nhận ra điều này, ông đã chứng được tuệ giác vô ngã, cha đau khổ thì con cũng đau khổ và ngược lại. Cũng vậy, giận con mình tức là tự giận mình, giận cha mình tức là tự giận mình. Rất rõ ràng. Một khi đã thực chứng tuệ giác vô ngã, khi không còn phân biệt giữa bạn và con trai, con gái bạn, cơn giận của bạn sẽ tiêu tan. Bạn đang tranh giành quyền lực, nhưng nếu biết quán chiếu vô ngã, bạn sẽ biết cần phải làm gì để có thể chấm dứt đau khổ của chính bạn và của những người liên hệ đến sự tranh giành đó. Bạn biết rõ rằng sân hận của họ là sân hận của bạn, đau khổ của họ là đau khổ của bạn, hạnh phúc của họ là hạnh phúc của bạn.

Khi cánh tay trái của tôi bị phong thấp đau nhức, tôi săn sóc, xoa bóp, tôi làm đủ mọi cách để cho cánh tay trái bớt đau nhức mà hoàn toàn không giận dỗi gì cánh tay ấy. Khi tôi có một đệ tử chưa dễ thương, tôi cũng thực tập như thế. Tôi không giận đệ tử của tôi mà chỉ gắng săn sóc người đệ tử ấy như tôi đã săn sóc cánh tay trái vậy. Bởi vì tôi biết rằng giận đệ tử tức là tự giận mình và chẳng giúp ích được gì. Nhưng chúng ta chỉ có thể hành xử khôn ngoan như thế khi chúng ta đã thực chứng được tuệ giác vô ngã.

Trong đạo Bụt có một tuệ giác gọi là tuệ giác Vô Phân Biệt (Xả). Xả là một trong bốn yếu tố của tình thương chân thực (Tứ Vô Lượng Tâm). Tôi thuận tay phải nên tôi làm hầu hết mọi việc bằng tay phải: đánh răng, thỉnh chuông, viết thư pháp. Tất cả những bài thơ của tôi đều được viết bằng bàn tay phải. Nhưng bàn tay phải của tôi không bao giờ tự hào và nói: “Này bàn tay trái, anh chẳng được tích sự gì. Một mình tôi làm tất cả mọi việc.” Và bàn tay trái của tôi không bao giờ có mặc cảm tự ti, không bao giờ đau khổ. Thật kỳ diệu. Hai bàn tay tôi luôn luôn sống hài hòa với nhau, hợp tác một cách toàn hảo. Đây chính là tuệ giác vô ngã sống động trong mỗi chúng ta.

Một hôm tôi đang đóng đinh để treo một bức tranh lên vách. Tay phải của tôi vụng về thế nào mà thay vì đóng vào đinh lại đi giáng cho ngón tay trái một nhát đau điếng. Ngay lúc ấy bàn tay phải của tôi lập tức buông ngay búa xuống và ôm chặt lấy bàn tay trái để chăm sóc. Bàn tay trái của tôi không hề giận dữ, trách móc, cũng không nói: “Này bàn tay phải, anh làm cho tôi đau. Tôi muốn công bằng. Đưa cái búa đây cho tôi!” Và bàn tay phải cũng không nói: “Này bàn tay trái, ta đang săn sóc cho ngươi, ngươi hãy nhớ lấy nhé!” Bàn tay trái và bàn tay phải của tôi không bao giờ suy nghĩ kiểu như vậy. Đó chính là tuệ giác vô phân biệt (Xả) một nguồn tuệ giác có sẵn trong ta, biết sử dụng tuệ giác ấy sẽ đem lại an hòa trong gia đình cũng như trong cộng đồng.

Nếu tín đồ Ấn giáo và Hồi giáo mà biết sử dụng tuệ giác vô phân biệt thì họ đã có thể sống hòa bình với nhau. Nếu người Do Thái và người Palestine cũng sử dụng tuệ giác vô phân biệt thì đâu xảy ra chiến tranh. Nếu Hoa Kỳ và Iraq xem nhau như anh em, như hai bàn tay của cùng một cơ thể thì họ đâu có tiếp tục giết nhau. Tất cả chúng ta đều phải trau dồi tuệ giác ấy. Tuệ giác ấy có công năng giúp ta giải tỏa sợ hãi, khổ đau, chia rẽ, cô đơn, và có thể giúp người khác làm như vậy.

Tuệ giác có được là nhờ hiểu biết. Trong ta có thể đã có sẵn hiểu biết, nhưng vì ta không có niệm, không có định, cho nên tuệ giác không có cơ hội phát hiện. Chúng ta phải tạo ra một môi trường thuận lợi cho niệm và định, cũng giống như muốn cho hoa mọc tươi tốt thì ta phải xới đất rải phân. Tuệ giác là một loại hiểu biết có được nhờ chánh niệm. Nếu ta tự đánh mất mình trong tiếc nuối quá khứ, trong lo lắng tương lai thì tuệ giác sẽ khó mà phát triển, và như thế thì khó mà biết cách hành xử cho đúng trong hiện tại.

Chính vì vô minh mà ta đau khổ. Khi có tuệ giác, ta có thể tiếp xúc sâu sắc với thực trạng của mọi sự, mọi vật và không còn sợ hãi, chỉ còn tình thương, chỉ còn chấp nhận tha thứ bao dung. Chính vì vậy mà ta gọi tuệ giác là một loại quyền lực, một sức mạnh siêu đẳng. Nếu bạn dành thì giờ để quán chiếu thực tại dưới ánh sáng của tuệ giác vô thường, vô ngã, bạn sẽ giác ngộ và tự giải thoát khỏi đau khổ và khó khăn. Tất cả bốn quyền lực (tín, tấn, niệm, định) nói trên đưa đến quyền lực siêu đẳng (tuệ), đồng thời cũng đưa đến hạnh phúc vô biên.