Bài 22 – Quán chiếu vô ngã

1.   
Thở vào, tôi thấy sắc thân tôi / Thấy sắc thân
Thở ra, tôi cười với sắc thân tôi / Cười với sắc thân

2.   
Thở vào, tôi thấy sắc thân này không phải là tôi / Thân này không phải là tôi
Thở ra, tôi thấy không có cái tôi nào làm sở hữu chủ sắc thân này  / Không có cái tôi làm chủ thân này

3.   
Thở vào, tôi thấy cảm thọ /Thấy cảm thọ
Thở ra, tôi cười với cảm thọ / Cười với cảm thọ

4.   
Thở vào, tôi thấy cảm thọ này không phải là tôi / Cảm thọ này không phải là tôi
Thở ra, tôi thấy không có cái tôi nào làm sở hữu chủ cảm thọ này / Không có cái tôi làm chủ cảm thọ này

5.   
Thở vào, tôi thấy tri giác / Thấy tri giác
Thở ra, tôi cười với tri giác / Cười với tri giác

6.   
Thở vào, tôi thấy tri giác này không phải là tôi / Tri giác này không phải là tôi
Thở ra, tôi thấy không có cái tôi nào làm sở hữu chủ tri giác này / Không có cái tôi làm chủ tri giác này

7.   
Thở vào, tôi thấy tâm hành / Thấy tâm hành
Thở ra, tôi cười với tâm hành /  Cười với tâm hành

8.   
Thở vào, tôi thấy tâm hành này không phải là tôi / Tâm hành này không phải là tôi
Thở ra, tôi thấy không có cái tôi nào làm sở hữu chủ tâm hành này / Không có cái tôi làm chủ tâm hành này

9.   
Thở vào, tôi thấy nhận thức / Thấy nhận thức
Thở ra, tôi cười với nhận thức / Cười với nhận thức

10.   
Thở vào, tôi thấy nhận thức này không phải là tôi / Nhận thức này không phải là tôi
Thở ra, tôi thấy không có cái tôi nào làm sở hữu chủ nhận thức này  / Không có cái tôi làm chủ nhận thức này

11.   
Thở vào, tôi biết tôi không bị giới hạn bởi năm uẩn này / Không bị giới hạn bởi năm uẩn
Thở ra, tôi biết năm uẩn này không bị giới hạn bởi tôi  bởi tôi / Năm uẩn này không bị giới hạn

12.   
Thở vào, tôi biết thân này không sinh cũng không diệt / Thân không sinh cũng không diệt
Thở ra, tôi biết tôi cũng không sinh không diệt / Tôi không sinh không diệt

13.   
Thở vào, tôi cười với tính bất sinh bất diệt của thân / Cười với tính bất sinh bất diệt của thân
Thở ra, tôi cười với tính bất sinh bất diệt của tôi  / Cười với tính bất sinh bất diệt của tôi

 

Đây là một bài tập quán chiếu về vô ngã. Thân, cũng như các căn khác là mắt, tai, mũi, lưỡi và ý đã không phải là tôi (ngã) mà cũng không phải vật sở hữu (ngã sở) của một cái tôi nằm ngoài sáu căn hoặc năm uẩn. Năm uẩn là thân thể, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức. Năm uẩn không phải là tôi mà cũng không phải là vật sở hữu của một cái tôi có mặt biệt lập ở ngoài năm uẩn. Theo định nghĩa của Phật học, tôi (ngã) là một thực thể (entité) bất biến tồn tại độc lập ngoài những thực thể khác, mà cũng theo Phật học, không làm gì có một cái tôi như thế, bởi vì trong sự thực không thể có một cái gì độc lập, bất biến, có thể tồn tại ngoài những hiện tượng khác.Vậy chữ tôi ở trong bài tập này có nghĩa là gì và là ai? Cố nhiên tôi đây chỉ cho hành giả, vốn là một tập hợp của năm uẩn, một dòng hiện tượng chuyển biến liên tục không có cá thể riêng biệt. Nếu hiểu được như thế thì sự dụng tiếng tôi sẽ không có gì nguy hiểm. Nếu ý thức minh mẫn rằng ngã là một cái gì được kết hợp bằng những yếu tố không phải ngã (vô ngã) thì ta có thể sử dụng được danh từ ngã mà không cần e ngại, như khi Bụt hỏi thầy A nan: “Thầy có muốn về núi Thứu với tôi không?”

Có những kiến chấp như sau về ngã:

1. Sắc là ngã (thân này là tôi)-chấp ngã
2. Sắc không là ngã mà là vật sở hữu của ngã (thân này là của tôi)-chấp ngã sở
3. Sắc nằm trong ngã và ngã nằm trong sắc (sắc tuy không phải ngã nhưng nằm trong ngã, ngã không phải sắc nhưng nằm trong sắc)-chấp tương tại
4. Sắc không phải ngã cũng không phải là một cái gì biệt lập với ngã-chấp phi tức phi ly
5. Vũ trụ là ngã, ngã là vũ trụ (ngã vĩnh cửu với vũ trụ vì ngã là vũ trụ)-chấp ngã tức thể giới

Điểm quan trọng cần chú ý là vô ngã quán tuy nhắm tới sự nhổ bật gốc rễ ý niệm về sự tồn tại của một bản ngã thường tại bất biến nhưng không nhắm tới thiết lập ý niệm về hư vô đoạn diệt. Cả hai kiến chấp về thường (eternalisme) và đoạn (annihilationisme) đều là những cạm bẫy mà Bụt dạy phải tránh. Thường kiến (sassata-ditthi) và đoạn kiến (uccheda-ditthi) là cơ bản của những tà kiến. Thoát được hai thái cực đó, ta có thể ung dung tự tại sử dụng tiếng tôi như Bụt đã sử dụng “thân này không phải là tôi”, hoặc “tôi không phải là thân này”. Thế giới và vũ trụ cũng vô thường và sinh diệt, đồng nhất tôi với thế giới cũng là một ý tưởng vô minh, hoặc vướng vào thường kiến, hoặc vướng vào đoạn kiến. Thực tại là bất sinh bất diệt, không mình không người, không tới không đi: chứng nghiệm được thực tại ấy mới thực sự phá vỡ được kiến chấp về ngã. Kẻ chỉ biết lặp đi lặp lại giáo điều “vô ngã” một cách máy móc có thể chỉ là người đang bị đi lạc vào đoạn kiến.