Bài 19 – Quán duyên sinh

1.   
Thở vào, tôi để ý hơi thở vào /  Để ý hơi thở vào
Thở ra, tôi thấy hơi thở vào không còn nữa / Hơi thở vào không còn nữa

2.   
Thở vào, tôi thấy hơi thở vào phát sinh / Hơi thở vào phát sinh
Thở ra, tôi thấy hơi thở vào tiêu diệt / Hơi thở vào tiêu diệt

3.   
Thở vào, tôi thấy hơi thở vào do duyên sanh / Hơi thở vào do duyên sanh
Thở ra, tôi thấy hơi thở vào do duyên diệt  / Hơi thở vào do duyên diệt

4.   
Thở vào, tôi thấy hơi thở vào không từ đâu tới cả / Hơi thở vào không từ đâu tới cả
Thở ra, tôi thấy hơi thở vào không đi về đâu cả  / Hơi thở vào không đi về đâu cả

5.   
Thở vào, tôi thấy hơi thở vào không sinh cũng không diệt / Hơi thở vào không sinh cũng không diệt
Thở ra, tôi thấy hơi thở vào thoát ra ngoài sinh diệt / Hơi thở vào thoát ra ngoài sinh diệt

6.   
Thở vào, tôi để ý tới mắt tôi / Thấy mắt
Thở ra, tôi thấy mắt tôi do các duyên sinh khởi / Thấy mắt do duyên sinh

7.  
Thở vào, tôi thấy mắt tôi không từ đâu tới cả / Mắt không từ đâu tới
Thở ra, tôi thấy mắt tôi không đi về đâu cả / Mắt không đi về đâu cả

8.   
Thở vào, tôi thấy mắt tôi không sinh cũng không diệt / Mắt không sinh cũng không diệt
Thở ra, tôi thấy mắt tôi thoát ra ngoài sinh diệt / Mắt thoát ra ngoài sinh diệt

9.   
Thở vào, tôi để ý tới hình hài tôi /Thấy hình hài
Thở ra, tôi thấy hình hài  tôi do các duyên sinh khởi / Thấy hình hài do duyên sinh

10.   
Thở vào, tôi thấy hình hài tôi không từ đâu tới cả / Hình hài không từ đâu tới
Thở ra, tôi thấy hình hài tôi không đi về đâu cả  / Hình hài không đi về đâu

11.   
Thở vào, tôi thấy hình hài tôi không sinh cũng không diệt /  Hình hài không sinh cũng không diệt
Thở ra, tôi thấy hình hài tôi thoát ra ngoài sinh diệt / Hình hài thoát ra ngoài sinh diệt

12.   
Thở vào, tôi để ý tới tâm thức tôi / Thấy tâm thức
Thở ra, tôi thấy tâm thức tôi do các duyên sinh khởi  / Thấy tâm thức do duyên sinh

13.   
Thở vào, tôi thấy tâm thức tôi không từ đâu tới cả / Tâm thức không từ đâu tới
Thở ra, tôi thấy tâm thức tôi không đi về đâu cả  / Tâm thức không đi về đâu

14.   
Thở vào, tôi thấy tâm thức tôi không sinh cũng không diệt / Tâm thức không sinh cũng không diệt
Thở ra, tôi thấy tâm thức tôi thoát ra ngoài sinh diệt  / Tâm thức thoát ra ngoài sinh diệt

 

Bài tập này giúp ta thấy được tính cách không tới, không đi, không sinh và không diệt của vạn vật. Đây là một trong những phép quán mầu nhiệm nhất trong đạo Bụt.

Ban đầu ta thực tập quán sát để thấy sự có mặt của một hơi thở, để thấy sự phát sinh vá hoại diệt của một hơi thở. Bắt đầu thở vào, ta thấy hơi thở vào sinh, bắt đầu thở ra, ta thấy hơi thở vào ấy đã diệt. Sinh và diệt là hai trong những tướng (Phạn: Laksana) của hơi thở. Tiếp tục thực tập ta thấy hơi thở vào của ta phát sinh trên những điều kiện gọi là nhân duyên: phổi, những bắp thịt hô hấp, cơ thể, khí trời, mũi, cuống phổi, sinh mạng,…Thở ra, ta thấy sự chấm dứt của hơi thở vào, cũng do những nhân duyên ấy mà có, thêm vào những nhân duyên khác, như dung tích của các lá phổi (bây giờ đã đầy không khí, ta không thể hoặc không muốn thở vào thêm nữa)…Trong khi quán chiếu, ta thấy hơi thở ta khi sinh không từ đâu tới cả và khi diệt cũng không đi về đâu cả. Ta chỉ thấy hễ có đủ nhân duyên (điều kiện) thì nó sinh, và thiếu điều kiện thì nó diệt. Nó không tới từ một điểm nào đó trong không gian khi nó sinh, và nó không đi về một điểm nào đó trong không gian khi nó diệt. Và ta thấy được tướng “ không đến, không đi” (vô lai, vô khứ) của hơi thở.

Quán chiếu sâu thêm, ta thấy hơi thở không sinh không diệt mà chỉ hiển lộ và ẩn tàng mà thôi. Sinh nghĩa là từ không mà trở nên có, diệt là từ có mà trở nên không. Hơi thở của ta không phải từ không mà trở nên có. Vì nhân duyên (điều kiện) đầy đủ và thuận lợi cho nên nó được biểu hiện. Thiếu một vài nhân duyên, nó ẩn tang. Biểu hiện hay ẩn tang là đối với nhận thức ta mà nói. Không phải vì biểu hiện mà nó có, không phải vì không biểu hiện mà nó không. Những tướng sinh và diệt, có và không là do nhận thức của ta gán cho nó. Thực tướng của nó là không sinh, không diệt, không có, không không. Cái thấy này là phát khởi do công phu quán chiếu nhân duyên đến mức sâu sắc nhất.

Khi ta quán chiếu con mắt ta, cũng thấy rằng mắt ta được biểu hiện do nhân duyên. Mắt ta không từ đâu tới cả, cũng không đi về đâu cả. Mắt ta không phải vì biểu hiện mà có, không phải vì ẩn tàng mà không; mắt ta không phải vì biểu hiện mà gọi là có sinh, vì ẩn tàng mà gọi là có diệt. Hình hài và tâm thức ta cũng vậy. Tự tính của năm uẩn là không sinh, không diệt, không tới, không lui, không có và không không.

Sinh và diệt đều là huyễn tướng. Có hay không không phải là vấn đề (To be or not to be, that is not the question).