Bài 18 – Em bé bị thương
1. Thở vào, tôi thấy tôi là em bé năm tuổi / Thấy em bé
Thở ra, tôi cười với em bé năm tuổi là tôi / Cười với em bé
2. Thở vào, tôi thấy em bé năm tuổi là tôi rất mong manh, rất dễ bị thương tích
/ Em bé rất mong manh, rất dễ bị thương tích
Thở ra, tôi cười với em bé trong tôi với nụ cười hiểu biết và xót thương
/ Cười hiểu biết và xót thương
3. Thở vào, tôi thấy cha tôi là một em bé năm tuổi / Cha như em bé năm tuổi
Thở ra, tôi cười với cha tôi như một em bé năm tuổi / Cười với cha như em bé năm tuổi
4. Thở vào, tôi thấy em bé năm tuổi là cha tôi rất mong manh rất dễ bị thương tích,
/ Em bé là cha rất mong manh, rất dễ bị thương tích
Thở ra, tôi cười với em bé là cha tôi với nụ cười hiểu biết và xót thương
/ Cười với cha với nụ cười hiểu biết và xót thương
5. Thở vào, tôi thấy mẹ tôi là một em bé năm tuổi / Mẹ như em bé năm tuổi
Thở ra, tôi cười với mẹ tôi như một em bé năm tuổi / Cười với mẹ như em bé năm tuổi
6. Thở vào, tôi thấy em bé năm tuổi là mẹ tôi rất mong manh rất dễ bị thương tích
/ Em bé là mẹ rất mong manh, rất dễ bị thương tích
Thở ra, tôi cười với em bé là mẹ tôi với nụ cười hiểu biết và xót thương
/ Cười với mẹ với nụ cười hiểu biết và xót thương
7. Thở vào, tôi thấy những nỗi khổ của cha tôi hồi năm tuổi / Cha khổ hồi năm tuổi
Thở ra, tôi thấy những nỗi khổ của mẹ tôi hồi năm tuổi / Mẹ khổ hồi năm tuổi
8. Thở vào, tôi thấy cha tôi trong tôi / Cha trong tôi
Thở ra, tôi cười với cha tôi trong tôi / Cười với cha trong tôi
9. Thở vào, tôi thấy mẹ tôi trong tôi / Mẹ trong tôi
Thở ra, tôi cười với mẹ trong tôi / Cười với mẹ trong tôi
10. Thở vào, tôi hiểu được những nỗi khó khăn của cha tôi trong tôi / Khó khăn của cha trong tôi
Thở ra, tôi nguyện chuyển hóa cho cả cha tôi và tôi / Chuyển hóa cả hai cha con
11. Thở vào, tôi hiểu được những nỗi khó khăn của mẹ tôi trong tôi / Khó khăn của mẹ trong tôi
Thở ra, tôi nguyện chuyển hóa cho cả mẹ tôi và tôi / Chuyển hóa cả hai mẹ con
Bài tập này đã giúp cho nhiều người trẻ thiết lập lại được liên lạc tốt đẹp giữa bản thân và cha mẹ, đồng thời chuyển hóa được những nội kết được hun đúc từ tấm bé. Có những người không thể nghĩ đến cha hoặc mẹ mà không có niềm oán hận và sầu khổ trong lòng. Hạt giống thương yêu luôn luôn có sẵn trong lòng cha mẹ và trong lòng những người con, nhưng vì không biết tưới tẩm những hạt giống ấy và nhất là vì không biết hóa giải những nội kết đã được gieo trồng và không ngừng phát triển trong tâm cho nên cả hai thế hệ đều thấy khó khăn trong việc chấp nhận lẫn nhau.
Trong bước đầu, hành giả quán tưởng mình là một em bé năm tuổi. Vào tuổi đó, ta rất dễ bị thương tích. Một cái trừng mắt nghiêm khắc, một tiếng nạt, hoặc một tiếng chê cũng có thể gây thương tích và mặc cảm trong ta. Khi cha làm khổ mẹ hoặc mẹ làm khổ cha hoặc khi cha mẹ làm khổ nhau, hạt giống khổ đau được gieo vào và được tưới tẩm trong lòng em bé. Cứ như thế lớn lên, em bé sẽ mang nhiều nội kết khổ đau và sống với sự oán trách cha hoặc mẹ hoặc cả hai. Thấy được mình là một em bé dễ bị thương tích như thế, ta sẽ thấy tội nghiệp cho ta, ta sẽ thấy xót thương dâng lên thấm vào con người của mình. Ta cười với em bé năm tuổi bằng nụ cười của từ bi, của xót thương.
Sau đó, hành giả quán tưởng cha hoặc mẹ mình là em bé năm tuổi. Thường thì ta chỉ có thể thấy cha ta là một người lớn, nghiêm khắc, khó tính, chỉ biết sử dụng uy quyền để giải quyết mọi việc. Nhưng ta biết rằng trước khi thành người lớn, ông cũng đã từng là một chú bé con năm tuổi, cũng mong manh dễ bị thương tích như ta. Ta thấy cậu bé ấy cũng đã từng khép nép, nín im thin thít mỗi khi cha cậu nổi trận lôi đình. Ta thấy cậu bé ấy cũng đã là nạn nhân của sự nóng nảy, cau có và gắt gỏng của cha cậu ấy, tức là ông nội của ta. Nếu cần, ta có thể tìm tập ảnh gia đình ngày trước để khám phá lại hình ảnh của cậu bé năm tuổi ngày xưa tức là cha ta, hay cô bé năm tuổi ngày xưa tức là mẹ ta. Trong thiền quán ta hãy làm quen và mỉm cười thân thiện với cậu bé hoặc cô bé ấy, ta thấy được tính cách mong manh và dễ bị thương tích của họ. Và ta cũng sẽ thấy xót thương trào lên. Khi chất liệu xót thương được ứa ra từ trái tim ta, ta biết rằng sự quán chiếu bắt đầu có kết quả. Thấy được và hiểu được thì thế nào ta cũng sẽ thương được. Nội kết của ta sẽ được chuyển hóa dần với sự thực tập này. Với sự hiểu biết, ta bắt đầu chấp nhận. Và ta sẽ có thể dùng hiểu biết và tình thương của ta để trở về giúp cha hoặc mẹ để chuyển hóa. Ta biết ta có thể làm được việc này bởi vì sự hiểu biết và lòng xót thương đã chuyển hóa ta và ta đã trở nên dễ chịu, ngọt ngào, có thêm nhiều bình tĩnh và kiên nhẫn.
Kiên nhẫn và bình tĩnh là dấu hiệu của sự có mặt đích thực của tình thương.