Kinh Soi Gương

Đây là những điều tôi được nghe vào một thời mà tôn giả Đại Mục Kiện Liên đang cư trú giữa những người thuộc bộ tộc Bhagga, ở vườn Nai. Hôm ấy tôn giả Đại Mục Kiện Liên gọi các vị khất sĩ: “Này các bạn đồng tu.” Các vị khất sĩ trả lời: “Có chúng tôi đây, đại huynh.” Tôn giả Đại Mục Kiện Liên nói:

“Này các bạn đồng tu, giả sử có vị khất sĩ thỉnh cầu các vị khất sĩ khác, nói rằng: ‘Xin các bạn đồng tu hãy chuyện trò với tôi, tôi mong rằng tôi được các bạn đồng tu thương tưởng và chuyện trò với tôi.’ Nếu vị khất sĩ ấy là người mà kẻ khác khó nói chuyện với được, nếu vị ấy là người có những tính nết làm cho kẻ khác không nói chuyện với được, nếu vị ấy là người thiếu kiên nhẫn, thiếu cởi mở, không có khả năng tiếp nhận những lời phê bình, những lời khuyên bảo và dạy dỗ của các bạn đồng tu phạm hạnh, thì các vị này xét rằng không thể nói chuyện với vị ấy, không thể dạy bảo vị ấy, không thể đặt niềm tin vào vị ấy. Này các bạn đồng tu, vì những tính nết nào mà một vị khất sĩ bị nhận thức là một người mà kẻ khác khó nói chuyện với được?
Ở đây, này các bạn đồng tu, nếu một vị khất sĩ bị vướng vào tà dục, bị tà dục lôi kéo, thì đó là một nguyên do khiến các bạn đồng tu khó nói chuyện với vị ấy. Và đây là những nguyên do khác khiến cho các bạn đồng tu không nói chuyện được với mình: Hoặc vị ấy chỉ biết khen mình và chê người; hoặc vị ấy dễ nổi giận và bị cơn giận chi phối, rồi vì giận mà ôm ấp một nỗi hiềm hận; hoặc vị ấy vì hiềm hận mà trở nên cáu kỉnh; hoặc vị ấy vì hiềm hận mà nói những lời có tính cách cáu kỉnh; hoặc vị ấy lên án người bạn đồng tu đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm; hoặc vị ấy miệt thị người bạn đồng tu đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm; hoặc vị ấy chỉ trích trở lại người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm; hoặc vị ấy chất vấn trở lại người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm; hoặc vị ấy tránh né bằng cách hỏi người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm những câu hỏi khác, trả lời ngoài vấn đề, để lộ sự bực bội, giận dữ và bất mãn của mình; hoặc vị ấy không giải thích thỏa đáng hành động của mình cho người đã hỏi mình về lỗi lầm mình đã phạm; hoặc vị ấy thô tháo và có ác ý; hoặc vị ấy ganh ghét và xan tham; hoặc vị ấy mưu mô và lường gạt; hoặc vị ấy cứng đầu và tự kiêu; hoặc vị ấy có vẻ thế tục, vướng vào thế tục, không biết buông bỏ… Này các bạn đồng tu, đó là những thói tật làm cho một vị khất sĩ tự cô lập hóa khiến cho các bạn đồng tu không nói chuyện được với mình. (C)

Nhưng này hỡi các bạn đồng tu, nếu có một vị khất sĩ thỉnh cầu các vị khất sĩ: “Xin các bạn đồng tu hãy chuyện trò với tôi, tôi mong rằng tôi được các bạn đồng tu thương tưởng và chuyện trò với tôi.” Nếu vị khất sĩ này là người mà kẻ khác có thể dễ dàng nói chuyện với được, nếu vị ấy có những đức tính tốt khiến cho kẻ khác có thể dễ dàng nói chuyện với được, nếu vị ấy là người có kiên nhẫn, có cởi mở, có khả năng tiếp nhận những lời phê bình, khuyên bảo và dạy dỗ của các bạn đồng tu phạm hạnh, thì các bạn đồng tu sẽ xét rằng họ có thể nói chuyện với vị ấy, có thể dạy bảo cho vị ấy, có thể đặt niềm tin vào vị ấy. (C)

Này các bạn đồng tu, vì những đức tính, những nguyên do nào mà một vị khất sĩ được nhận thức là một người mà kẻ khác có thể dễ dàng tới và dễ dàng nói chuyện với được?
Ở đây, này các bạn đồng tu, nếu một vị khất sĩ không vướng vào tà dục, không bị tà dục lôi kéo, thì đó là một đức tính khiến các bạn đồng tu có thể dễ dàng tới với vị ấy và nói chuyện với vị ấy. Và đây là những đức tính khác khiến cho các bạn đồng tu có thể dễ dàng tới với mình và nói chuyện với mình: hoặc vị ấy không tự khen mình và chê người; hoặc vị ấy không dễ nổi giận và không bị cơn giận chi phối, rồi vì không giận cho nên không ôm ấp một nỗi hiềm hận; hoặc vị ấy vì không hiềm hận cho nên không cáu kỉnh; hoặc vị ấy vì không hiềm hận cho nên không nói những lời có tính cách cáu kỉnh; hoặc vị ấy không lên án người bạn đồng tu đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm; hoặc vị ấy không miệt thị người bạn đồng tu đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm; hoặc vị ấy không chỉ trích trở lại người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm; hoặc vị ấy không chất vấn trở lại người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm; hoặc vị ấy không tránh né bằng cách hỏi người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm những câu hỏi khác, không trả lời ngoài vấn đề, không để lộ sự bực bội, giận dữ và bất mãn của mình; hoặc vị ấy giải thích được một cách thỏa đáng hành động của mình cho người đã hỏi mình về lỗi lầm mình đã phạm; hoặc vị ấy không thô tháo và không có ác ý; hoặc vị ấy không ganh ghét và xan tham; hoặc vị ấy không mưu mô và lường gạt; hoặc vị ấy không cứng đầu và tự kiêu; hoặc vị ấy không có vẻ thế tục, không vướng vào thế tục và lại có khả năng buông bỏ… Này các bạn đồng tu, đó là những đức tính làm cho một vị khất sĩ được nhận thức là một người mà kẻ khác có thể dễ dàng tới với được và dễ dàng nói chuyện với được. (C)

Này các bạn đồng tu, vị khất sĩ cần phải đối chiếu tự ngã với tự ngã mà tư lượng như sau: “Người ấy vì có tà dục và bị tà dục lôi kéo, cho nên ta thấy người ấy không dễ chịu và ta không ưa thích người ấy. Cũng như thế, nếu ta có tà dục và bị tà dục lôi kéo, thì kẻ khác sẽ thấy ta không dễ chịu và họ sẽ không ưa thích ta.” Này các bạn đồng tu, sau khi biết rõ điều này, ta cần phải phát tâm như sau: “Tôi quyết định không ôm ấp tà dục, và không để cho tà dục lôi kéo.” Điều này cũng đúng và cũng cần được thực tập trong các trường hợp khác, như khen mình chê người, nổi giận và bị cơn giận chi phối, v.v…

Này các bạn đồng tu, vị khất sĩ cần phải đối chiếu tự ngã với tự ngã mà tư lượng như sau: “Trong giờ phút này, ta có đang ôm ấp tà dục và ta có đang bị tà dục lôi kéo hay không?” Và nếu trong khi tư lượng mà vị khất sĩ thấy được rằng: “Trong giờ phút này, ta đang có ôm ấp tà dục và ta đang bị tà dục lôi kéo” thì vị khất sĩ ấy phải tinh tiến để đoạn trừ tâm hành bất thiện ấy. Và nếu trong khi tư lượng mà vị khất sĩ thấy được rằng: “Trong giờ phút này, ta không đang ôm ấp tà dục và ta đang không bị tà dục lôi kéo” thì vị khất sĩ ấy hãy sống với tâm niệm hân hoan, và biết mình cần tu học tinh tiến để nuôi dưỡng thêm những tâm hành tốt đẹp như thế. Điều này cũng đúng và cũng cần được thực tập trong các trường hợp khác, như trong trường hợp không khen mình chê người, không nổi giận và vì vậy không bị cơn giận chi phối, v.v…

Này các bạn đồng tu, nếu trong khi quán chiếu, vị khất sĩ thấy rõ rằng trong tâm mình các tâm hành bất thiện chưa được đoạn trừ, thì vị ấy phải nỗ lực tinh tiến để đoạn trừ. Còn nếu trong khi quán chiếu, vị khất sĩ thấy rõ ràng trong tâm mình các tâm hành bất thiện đã được đoạn trừ, thì vị ấy hãy sống với tâm niệm hân hoan, và biết mình cần tu học tinh tiến để nuôi dưỡng thêm các tâm hành tốt đẹp như thế. (C)

Này các bạn đồng tu, cũng như một người thanh niên hay một cô thiếu nữ tuổi còn thanh xuân, còn ưa trang điểm, thường ưa nhìn mặt mình trong một tấm gương thật trong thật sáng hoặc trong một bát nước thật trong thật sáng. Nếu thấy một vết dơ nào trên mặt, người ấy sẽ lau rửa vết dơ ấy đi. Còn nếu không thấy một vết dơ nào trên mặt, người ấy sẽ lấy làm bằng lòng và sẽ tự bảo: “Tốt lắm, mặt ta rất sạch”. Cũng như thế, này các bạn đồng tu, trong khi tư lượng, thấy các tâm hành bất thiện còn chưa được đoạn trừ, vị khất sĩ sẽ tinh tiến đoạn trừ chúng. Còn nếu trong khi tư lượng, thấy các tâm hành bất thiện đã được đoạn trừ, vị khất sĩ sẽ được sống trong tâm niệm hân hoan, và biết mình cần tu học tinh tiến để nuôi dưỡng thêm các tâm hành tốt đẹp như thế.”Tôn giả Đại Mục Kiện Liên nói như thế. Các vị khất sĩ hân hoan tin tưởng và tiếp nhận những lời nói ấy của thầy. (CCC)


Kinh Soi Gương: Kinh này vốn tên là kinh Anumànasutta, kinh số 15 trong Trung Bộ (Majjhima Nikàya). Kinh này rất cần thiết cho hạnh phúc của những người xuất gia cùng sống dưới một mái tu viện. Trong tạng Hán, ta cũng có kinh Tỳ Khưu Thỉnh, nội dung tương đương. Kinh Tỳ Khưu Thỉnh là kinh 89 của bộ Trung A Hàm (26, tạng kinh Ðại Chính).