Làm sao để có hạnh phúc thực sự trong hiện tại?

? Con là một người chuyên thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm theo huớng dẫn trang nhà Làng Mai. Hiện nay con có một tri giác làm con cảm thấy khó hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Con thấy rằng mỗi thứ mình tiếp xúc xung quanh đều có dính dáng đến những khổ đau của người khác trong quá khứ nên con không cảm thấy hạnh phúc  với những cái mình đang tiếp xúc.  Kính mong quý thầy cô giúp để con có thể  sống đời sống của mình một cách sâu sắc.

* TL:

Nhuận Sự thương quý!

Khi biết Nhuận Sự đang thực tập hơi thở và bước chân theo sự hướng dẫn của trang nhà Làng Mai, sư cô thấy vui và được nuôi dưỡng bởi sự thực tập ấy. Hiện nay mạng lưới có quá nhiều chương trình hấp dẫn và lôi cuốn nhiều người. Có người nhận ra được những chương trình nuôi dưỡng mình thì tìm đến với những lãnh vực tâm linh hay văn hóa nghệ thuật hoặc đạo đức học, nhưng cũng có những người chưa đủ khả năng nhận ra sự lợi hại của các chương trình nên đã bị những gì không nuôi dưỡng mình lôi cuốn theo và bị chìm ngập vào những thế giới ảo ảnh, khó có cơ hội thoát ra được. Nhuận Sự thật là người may mắn, sư cô xin tán dương tinh thần tự tìm hiểu và thực tập ấy.

Tri giác là lĩnh vực thuộc về tâm, chúng cũng rất vô thường, luôn thay đổi tùy theo hoàn cảnh và sự thực tập của chúng ta. Cùng một sự kiện xảy ra nhưng có người nhìn chúng  bằng  cặp mắt thoáng hơn và thấy vấn đề nhẹ nhàng, nhưng người khác thì nhìn bằng cách khác và thấy vấn đề đó nặng nề hơn. Nhuận Sự nói về sự vật  xung quanh đều dính dáng đến những khổ đau của người khác và không thấy hạnh phúc khi tiếp xúc với sự sống. Nhưng mình có phương pháp thực tập để không bị đánh mất hạnh phúc của mình trong hiện tại.

Trong đạo Bụt có nói đến bốn ân: Ân cha mẹ sinh thành và nuôi nấng mình; Ân thầy cô đã dạy dỗ, chỉ dẫn cho mình hướng đi lành mạnh; Ân bạn bè đã tác thành cho mình và cuối cùng là ân mọi loài chúng sanh, cây cỏ, cầm thú và đất đá. Thầy của sư cô cũng đã từng dạy các đệ tử rằng: “Chừng nào mình còn biết ơn thì chừng đó mình còn có hạnh phúc”. Nếu Nhuận Sự biết rõ là trong khi làm đường, những người công nhân làm việc nặng nhọc rất cực khổ, bụi bặm và nóng bức.v.v.. có những người qua đời trong khi làm việc như trong vụ cầu Cần Thơ chẳng hạn. Nhận thức được điều này nên mỗi lần cất bước đi, chúng ta nên đi cẩn trọng hơn, đi bằng đôi chân có ý thức và trái tim biết ơn những người đã làm nên con đường này. Trong khi đi, chúng ta gởi năng lượng thương yêu đến cho mọi người. Mỗi bước chân của chúng ta là một dấu ấn thương yêu và biết ơn in xuống mặt đường.

“…Hãy đặt những bước chân như hôn vào mặt đất

Như dấu ấn son của vị quốc vương

Truyền lệnh đem  chánh niệm về ngự nơi đây

Cho sự sống có mặt

Cho sức lực dâng đầy

Cho nhiệm mầu biểu hiện

Cho an lạc thân tâm…”

Nhuận Sự đã thực tập hơi thở và bước chân, đó là sự thực tập rất căn bản nhưng rất cần thiết cho chúng ta. Hơi thở và bước chân có ý thức giúp chúng ta nhận diện được những gì đang xảy ra chung quanh ta và trong lòng ta. Trước đây vì chưa biết cách thực tập nên mình chỉ đi trong mặc cảm tội lỗi, khổ đau và day dứt và đi như bị ma đuổi thì bây giờ, mình thực tập đi có chánh niệm hơn. Với hơi thở nhẹ nhàng, mình bước những bước chân rất vững chãi, rất cẩn trọng, có mặt 100%  trong  từng bước chân của mình trên những con đường mình đi qua. Năng lượng thương yêu và lòng biết ơn của mình qua sự thực tập chánh niệm sẽ chuyển hóa được năng lượng khổ đau của những người làm đường.

Khi một người có đau khổ thì chúng ta nên đem đến cho họ những lời trách móc, đỗ lỗi, đau khổ hay là đem những lời thương yêu, an ủi vỗ về, sự bình an đến cho họ? Nếu mình đem khổ đau đến thêm cho người đau khổ thì chẳng khác nào một người đang mang đồ nặng nề, mình không mang giúp người ta mà còn gởi thêm cho người kia những đồ vật khác nặng hơn khiến người đó vốn đã mang nặng lại càng bị nặng hơn thêm, đưa đến tình trạng ngã quỵ trên đường. Cũng vậy, nếu biết những người công nhân làm đường có quá nhiều khổ đau và đã để lại trên đoạn đường đó những khổ đau rồi mà mình lại còn đi trên con đường ấy với những bước chân khổ đau nữa thì rất tội cho đoạn đường đó cũng như tội cho những người đã vì chúng ta mà vất vả gian nguy trong khi làm đường. Khi chúng ta cho ra một nguồn năng lượng khổ đau, tiêu cực thì chẳng khác nào các nhà máy công nghiệp cho ra các chất khí thải độc hại, nó làm ô nhiễm môi sinh và đưa đến sự bệnh hoạn cho mọi người. Cách thực tập của chúng ta là trở về với hơi thở chánh niệm để thực tập chuyển hóa những nỗi khổ đau thành sự an lạc.

Chúng ta không chỉ đi cho chúng ta mà chúng ta còn đi cho mọi người trên thế giới, đi cho những ai chưa có khả năng đi trong bình an và niềm biết ơn. Chúng ta đi cho Tổ tiên chúng ta, đi cho cha mẹ chúng ta và đi luôn cho những người bị tàn tật. Bởi lẽ tất cả chúng ta đều có sự tương tức lẫn nhau. Khổ đau của người kia cũng chính là khổ đau của chính mình, hạnh phúc của chính mình cũng là niềm vui của người kia.

Chúng ta đang có một đôi chân khỏe mạnh vững vàng thì tại sao chúng ta không đi cho vững vàng an lạc. Để đến khi chùn chân mỏi gối rồi thì có muốn đi cho vững vàng cũng rất khó. Chúng ta phải thực tập đi bằng hai chân của chúng ta mà không nên đi bằng cái đầu suy nghĩ, tính toán, dự định hay khổ đau và trách móc. Thực tập chế tác hạnh phúc cho mình ngay trong hiện tại để sau này, khi nhớ về quá khứ mình không cảm thấy hối tiếc là mình đã sống thờ ơ, đã đánh mất hiện tại và sống thiếu ý thức và niềm biết ơn.

Điều này cũng liên quan tới vấn đề thực tập ăn uống. Nếu biết để có được bữa ăn cho chúng ta thì có biết bao nhiêu người vất vả, con trâu phải kéo cày, người làm ruộng phải chân lấm tay bùn, sâu bọ bị xịt thuốc.v.v.. Vậy không lẽ chúng ta không dám ăn? Chúng ta ăn nhưng ăn trong chánh niệm, ăn với sự biết ơn mọi người và mọi loài và ăn không phải vì tham miếng ngon vật lạ. Chúng ta biết chọn cho mình những thức ăn thức uống lành mạnh hơn, ít bị ảnh hưởng tới mạng sống và những khổ đau của loài khác, ít bị ảnh hưởng đến sự ô nhiễm của môi trường xung quanh.

Ăn vì muốn nuôi dưỡng tình thương, ăn để nguyện nuôi sống tổ tiên trong ta và nuôi dưỡng con cháu của chúng ta sau này. Nếu chúng ta thực tập ăn như vậy thì thức ăn mới trở thành chất dinh dưỡng để nuôi thân tâm. Còn biết rằng sự ăn uống của mình có ảnh hưởng đến khổ đau của người khác, chúng ta ăn với tâm niệm tội lỗi và mặc cảm, ăn trong đau khổ thì thức ăn ấy dù được nấu bằng những thứ bổ dưỡng nhưng nó cũng sẽ trở thành độc tố và làm ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng ta. Vấn đề không phải là ăn hay không ăn, vấn đề là phải biết ăn như thế nào để nuôi dưỡng chính mình và người khác.

Nhuận Sự thương quý! Cái hay là mọi sự mọi vật đều vô thường và tri giác cũng vậy,  chỉ cần mình thay đổi cách nhìn (tri giác) và thực sự trở về nhìn sâu vào mọi sự mọi vật để thấy rõ sự tương quan giữa mình và tất cả sẽ giúp mình sống sâu sắc hơn. Tất cả mọi suy tư, cách hành sử của chúng ta có mang nội dung của chất liệu thương yêu và sự hiểu biết, lòng biết ơn và ý thức trách nhiệm sẽ mang lại rất nhiều niềm vui và lợi ích cho mọi người mọi loài, giúp chúng ta nuôi dưỡng hạnh phúc trong ta ngày càng lớn thêm trong từng giây từng phút. Chúc Nhuận Sự có nhiều cái thấy mới và niềm vui trong quá trình tìm hiểu và thực tập.