Hiểu mình chính là hiểu con

Kính Gởi Ban Biên Tập

Đây là lần thứ hai con viết thư cho Ban biên tập(BBT). Lần trước con đã được BBT trả lời những thắc mắc cũng như những lo lắng. Qua đó, con có tìm được ít nhiều sự an tâm và cũng cố gắng tu tập theo những gì mà BBT đã chỉ dẫn.

Nhưng có lẽ cuộc đời là những con sóng, cứ tiếp nối xô bờ rồi lại trở ra xa. Cứ lăng tăng bận rộn không ngừng nghỉ. Ví dụ như: Khi con của con còn trong bụng, con đã cầu xin cho con của con mai khi ra đời được khỏe mạnh, lành lặn.  Khi đã qua giai đoạn đó, con lại mong khi con của con đi học sẽ học giỏi và có nhiều bạn bè. Bây giờ, khi cháu đã được 15 tuổi, biết có bạn, có bè thì sao con lại thấy lo.  Không biết, có phải vì lo quá không mà có lúc vợ chồng con như không hiểu con cái và ngược lại chắc con cái cũng chẳng hiểu cha mẹ. Nhưng hiểu sao bây giờ? Làm sao mà hiểu? Con vô cùng bối rối khi sống giữa hai phong tục tập quán. Một bên thì nói là thương thì phải cho roi cho vọt, kính trên nhường dưới, đi thưa về trình, tôn ti trật tự. Còn một bên thì bảo phải biết lắng nghe, coi lời nói của con quan trọng hơn lời nói của mình và hãy là bạn. Con vô cùng bối rối khi phải sống giữa đạo và đời. Đời nói rằng sống phải vượt qua tất cả, phải vươn lên dành thắng lợi. Còn đạo thì bảo rằng sống phải biết bao dung và cũng vươn lên nhưng để buông xả. Trong trường hợp này thì con dạy cháu cách nào cho có kết quả đây? Và xin thưa, trước nhất, con đã dùng phong tục Ta để dạy cháu và áp dụng đời để khuyến khích mình, khuyến khích con. Rốt cuộc, con chỉ thấy cháu tỏ ra sự khó chịu, cứng ngắc và không thân thiện trong tập quán của Ta. Con lo lắng và tỏ ra sân si. Cháu càng trở nên khó chịu và khó dạy bảo. Thấy khổ quá, nên con tự an ủi mình và lên mạng tìm hiểu tâm lý tuổi của cháu và bắt đầu sống theo Tây. Cháu có nhiều không gian và tự do hơn nên có lẽ rất thích. Vì lẽ thích đó nên cháu mặc sức vẫy vùng, bơi lội và rồi con thấy cháu bơi hơi xa. Con lo lắng và lại tỏ ra sân si, nhưng sợ cháu biết sẽ càng xa con hơn, nên con chọn cách xả bỏ những sân si đó để xem như mọi chuyện như không. Con mong một ngày cháu sẽ thay đổi. Cũng có lúc tâm con đối với cháu như mặt hồ phẳng lặng nhưng tận đáy lòng thì dậy lên những con sóng hoang mang. Trong trường hợp này,  để cho dễ chịu, để an lòng khỏi phải phiền muộn thì con sẽ vịn vào lý nhân quả, nghiệp duyên. Có đúng không BBT? Vậy thì con đang sống theo đạo hay con đang bất lực? Làm cách nào để tốt cho con của con đây? Con xin kính mong BBT cho con một lời dạy bảo. Con xin biết ơn nhiều lắm.

Con có một ít câu chuyện nhỏ muốn chia sẽ với BBT về cháu:
1. Khi con đưa cháu đi gặp chuyên gia tâm lý được lần thứ hai thì khi về cháu hỏi lại con rằng: Mẹ có nghĩ rằng vị chuyên gia tâm lý đó hiểu con tốt hơn ba mẹ không?
2. Khi con đang ở nhà bếp nấu nướng thì cháu xuống trò chuyện: Mẹ, có phải những  gì mà con đang sở hữu, có phải là quả như trong kinh Phật nói không? Con trả lời là phải. Rồi cháu lại nói rằng khi học giáo lý cháu hiểu những gì mà các anh chị huynh trưởng dạy và có phải mình được tái sinh không? Con trả lời là phải. Rồi cháu vừa hỏi vừa khẳng định rằng: Mình có sống bao nhiêu kiếp nhưng cũng chỉ có mỗi một linh hồn thôi phải không mẹ? Con nói thật, con chưa biết đúc kết một câu nói trong một cái ý đó cho đến khi cháu hỏi. Và con cũng trả lời là phải. Rồi cháu lại nói: Vậy chúng ta là những người đi trong luân hồi. Mẹ, con không muốn đi trong luân hồi. Có ai đi ra khỏi luân hồi không mẹ? Và con đã nói là chỉ có Đức Phật Thích Ca.

Cuộc nói chuyện được thêm một hồi nữa thì kết thúc.

Một lần nửa con xin chờ và kính nhận những cao kiến của BBT. Con chúc BBT luôn được khỏe và tin tấn.

Con, NT

 

Cô NT thân mến!

Đọc thư tâm sự của cô BBT thấy tấm lòng những người đang làm cha, làm mẹ, luôn lo lắng và mong mỏi điều tốt nhất cho con mình. Cháu hiện nay đang trong giai đoạn tuổi dậy thì nên cần phải được quan tâm chăm sóc nhiều. Tâm sinh lý phát triển thì cũng ảnh hưởng đến tánh tình, có khi chợt vui, chợt buồn hay lắm lúc muốn nổi loạn âu cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì trong lòng có rất nhiều thắc mắc và muốn được tự khám phá và học hỏi. Do vậy cha mẹ cần nhiều kiên nhẫn và khéo léo để giúp con đi qua giai đoạn tuổi đang lớn này. Nhưng giúp và chăm sóc như thế nào để cháu còn có không gian chơi đùa, không cảm thấy quá ngột ngạt bởi tình thương hay sự quan tâm thái quá. Đó là sự thực tập và cũng là một nghệ thuật, như những nhà chăm sóc cây cảnh, bonsai, hết sức kiên nhẫn và khéo léo từng chút một. Để hiểu được cháu hơn thì có lẽ trước hết thử đặt mình vào tâm trạng của cháu, nhớ lại tuổi thành niên ngày xưa của chính mình, có những băn khoăn, khó khăn nào và muốn được Ba Mẹ cư xử với mình ra sao, những đức tính nào mình thích nơi ba mẹ và điều gì đã từng làm mình cảm thấy khổ đau. Như vậy, mình sẽ dễ dàng chấp nhận một vài tánh khí thất thường hay thỉnh thoảng ương ngạnh của con. Thực ra, đây cũng là một sự thực tập. Hiểu con cũng là để hiểu chính mình và ngược lại khi mình hiểu được mình nhiều hơn thì sự truyền thông trong gia đình cũng trở nên đầm ấm và hòa hợp.

Vu Lan xóm Trung 2012

Sự thực tập của quý thầy và quý sư cô ở đây là giữ gìn chánh niệm, luôn tỉnh thức để nhận diện và soi sáng tâm mình, không để bị các nguồn năng lượng tiêu cực như tham-sân-si chi phối. Khi phát hiện ra là mình đang bị chúng dẫn dắt thì phải lập tức trở về với hơi thở, làm an dịu thân tâm trước rồi mới tiếp tục nói chuyện. Khi đó bầu không khí phải cởi mở và đầy tình thương thì mới bắc được nhịp cầu tin cậy, cảm thông. Truyền thông thật sự là phải không còn ranh giới. Ở đó chỉ có những lời ái ngữ và sự lắng nghe sâu sắc đầy thương yêu và hiểu biết. Nhờ chánh niệm thường xuyên vào hơi thở mà mình có khả năng giữ lòng bình an và nhận diện ra là mình đang sử dụng những nguồn năng lượng nào. Bực dọc, gắt gỏng, lo lắng hay giận hờn… như vậy phiền não. Sóng gió được chuyển hóa tại đây, ngay từ lúc đầu. Nếu cuộc nói chuyện không được thoải mái, thì có thể tạm ngưng và chờ dịp khác lại tiếp tục. Thực tập quan sát tâm lâu ngày từ từ sẽ thấy có nhiều chuyển biến. Có thể vấn đề của cháu không quá nghiêm trọng nhưng do mình quá lo, rồi mình nghĩ tới, nghĩ lui, nghĩ quá khứ, tương lai thành ra tâm mình trở nên lao nhọc. Tạo ra xung đột cho bản thân mình và cả cháu, như vậy là mình chưa khéo tu và làm thiệt thòi cho cả hai. Vấn đề không phải là dạy cháu theo kiểu Ta hay Tây, đúng hay sai mà là sự thực tập, để tứ đại (đất, nước, gió, lửa) trong mình hòa hợp và hòa điệu với con, cho có hạnh phúc.

Theo thư cô tâm sự thì hạt giống lo lắng đã có từ khi cháu chưa được sanh. Nếu cháu không được như cô mong ước là khỏe mạnh và có nhiều bạn thì sự lo lắng phiền muộn kể ra cũng có đôi chút căn cứ. Nhưng cháu đã có các điều kiện ấy mà cô vẫn cứ lo như thường thì cháu không phải là nguyên nhân chính, đừng quá gò bó kẻo tội cháu. Có những bậc phụ huynh cứ hay nhắc nhở, dặn dò và nghĩ là mình thương nên mới nói, nhưng đó có thể là tập khí của mình được trao truyền từ nhiều thế hệ trước. Nếu không biết thương đúng cách thì chỉ làm chúng thêm khổ mà mình cũng chẳng vui gì. Cuối cùng chúng không dám đến gần mình nữa thì đâm ra giận hờn, oán trách, tủi thân cho là chúng không nghe lời và hết thương mình. Đó cũng là hoàn cảnh rất phổ biến của nhiều gia đình.

Suy cho cùng nghệ thuật sống chung là để hiểu nhau, cảm thông nhau rồi thương nhau nhiều hơn, chứ thật ra ai mà không có mối ưu phiền trong lòng. Hiểu được như vậy rồi thì mình không muốn làm bất cứ điều gì để người khác phải khổ thêm. Tu là để chuyển nghiệp, để không bị những nhân duyên mà mình nghĩ là yếu tố ràng buộc đè nặng lên đời sống, mà cụ thể là các tâm hành như buồn, thương, giận, ghét, lo lắng, bất an… Đó chính là ba nghiệp tham sân si, khi có nhân duyên đầy  đủ chúng sẽ phát khởi. Đối tượng mà cô cần tu tập là chính những tâm hành này chứ không phải hoàn toàn ở cháu. Khi mình biết thực tập quan sát hơi thở có chánh niệm thì dần dần sẽ bớt lo lắng, bởi vì mình thấy được sâu sắc hơn nguyên nhân, gốc rễ của nó, rồi thì cái thấy này làm mình thay đổi thái độ trong cư xử, giải quyết vấn đề trong đời sống hằng ngày.

Rồi đây mỗi ngày cháu sẽ lớn lên và xa rời vòng tay của cô chú, đó là tiến trình của cuộc sống. Không cha mẹ nào có thể giữ và bảo bọc những đứa con thân yêu của mình mãi mãi. Chúng phải tự vấp ngã, khổ đau rồi qua đó mới lớn lên được. Những gì làm được trong khả năng thì mình đã cho và trao truyền hết lòng rồi, còn lại là quyền của chúng, mình không thể can thiệp được hoàn toàn cuộc sống của cháu đâu cô à. Nếu cô chú có khả năng sống hạnh phúc thì đó chính là gia tài lớn nhất mà cháu được thừa hưởng, và nuôi  lớn cháu. Còn thì nếu có một điều gì đó mình cho là bất lực thì đó chính là do mình chưa có khả năng hạnh phúc với chính mình và thấy được sự vận hành của đời sống. Vì vậy mà mình cần phải nổ lực tu tập để đạt đến. Điều này cần thời gian, tu tập và học hỏi rất nhiều.

Về vấn đề luân hồi, nghiệp, sinh tử cô có thể tìm đọc quyển sách Không Sinh Không Diệt Đừng Sợ Hãi đã xuất bản ở Việt Nam do Sư Ông Làng Mai viết thì sẽ được rõ hơn. Chúc cô chú có thêm sự nhẫn nại để dạy bảo cháu, gia đình ngày càng êm ấm và hạnh phúc.

Ban Biên Tập

Cô có thđọc thêm: Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy.