Làm sao con có thể mỉm cười
Câu hỏi:
Có đôi lúc bên trong con thường xuất hiện sự ganh tỵ, đố kỵ với một ai đó, rồi tự trách bản thân không cố gắng phấn đấu, chỉ biết sống mà không có sự nỗ lực vươn lên. Con nhận diện được sự ganh tỵ, đố kỵ ấy, nhưng không biết làm thế nào để dung hòa.
Và rồi con cũng trở nên ít cười hơn hẳn, không còn vui vẻ như ngày trước, thường hay suy nghĩ nhiều. Dẫu biết rằng thế sự này là vô thường.
Nhưng khi nhìn thấy những nụ cười hạnh phúc, hiền lành của Sư Thầy, Sư Cô thì bên trong con lại trở nên hồi hộp, thổn thức và một niềm vui khó tả. Con thật ngưỡng mộ những nụ cười ấy, dịu dàng và ấm áp. Con nhớ mãi những nụ cười dịu dàng mà Sư Thầy, Sư Cô mang đến.
Con luôn tự hỏi “điều gì đã làm nên những nụ cười ấy?” , và đó là thứ mà con đang tìm kiếm. Con rất mong nhận được hướng dẫn từ Sư Thầy, Sư Cô.
Trả lời:
Cảm ơn em đã hỏi một câu hỏi hay và cảm ơn em đã mang lại cho quý thầy, quý sư cô một nụ cười 🙂
Em biết không, ở đây ngoài trời đang mưa. Mưa mau lắm. Những sợi mưa như sợi bạc đan dày không gian. Ngoài khung cửa, vô vàn những giọt nước đang đọng nơi những cái đuôi lá đỏ của cây mận Nhật, những lá xanh cây dâu tằm và liên tục rớt xuống, lóng lánh. Tiếng mưa du dương trên nền lá, ấm áp trên nền đất và lắc rắc giọt nơi hiên… Mình không thể không mỉm cười em ơi 🙂
Em à,
Nếu em đã từng có niềm vui khi nhận lấy nụ cười của quý thầy, quý sư cô, nếu em thấy những nụ cười ấy là dịu dàng, ấm áp thì những nụ cười ấy không còn “ở ngoài” em nữa. Những nụ cười ấy quý thầy, quý sư cô đã trao em rồi, giờ đây em có thể mỉm cười như vậy. Mình đã là tri kỷ của nhau rồi. Em biết đấy, tri kỷ là những người hiểu nhau, thương nhau. Em thương nụ cười của quý thầy, quý sư cô. Em hiểu được nụ cười ấy có là vì niềm hạnh phúc, vì tấm lòng hiền lành, ấm áp, dịu dàng. Vậy thì quý thầy, quý sư cô tri ân em và có thêm một nguồn hạnh phúc để có thể mỉm cười.
Em thấy không, mình có thật nhiều hạnh phúc nếu mình biết nhận ra. Mỗi giây, mỗi phút với thực tập chánh niệm mình có thể nhận ra được suối nguồn của thương yêu, của hạnh phúc. Mấy dòng mail của em không phải chỉ là một câu hỏi. Quý thầy, quý sư cô khi đọc mail của em đã nhìn thấy thật nhiều điều trong đó có thể nuôi dưỡng được mình. Nhận ra được những gì đẹp đẽ, tích cực không phải là mình tự kỷ ám thị hay lạc quan vô lối mà là một sự thực tập, thực tập “Như lý tác ý”.
“Tác ý” tức là khơi dậy những ý nghĩ, tư duy, là nhìn sâu để hiểu và “như lý” nghĩa là theo hướng đúng đắn, là như thật. Nhiều khi mình nhìn nhận sự việc, con người, hoàn cảnh,… không phải “như thật” mà thực ra là theo những định kiến, những nội kết sẵn có trong mình. Ví dụ mình nhìn thấy một người ăn mặc không được chỉnh tề cho lắm thì mình nghĩ: “Cái cô đó mà ăn mặc như vậy chắc là không phải người trung thực”. Trong khi đó người ấy có thể là một người trung thực hoặc trong tình huống đó đã hành động trung thực. Nhưng mình đã vì một nội kết, một định kiến mà có một kết luận, mình dán cho người đó một cái nhãn. Đó không phải là “như lý tác ý”, đó là “phi như lý tác ý”. Trong khi đó nếu mình không bị nội kết ngăn trở thì mình có thể nhận ra những điều khác hơn, ví dụ “tuy cô đó ăn mặc như vậy nhưng cô đó đã hành động lương thiện”, …
Thực tập chánh niệm được liên tục thì mình sẽ không bị chạy theo những thói quen suy nghĩ tiêu cực em à. Chánh niệm là ánh sáng giúp mình nhận diện ra những ý nghĩ, những tư duy hay cảm thọ. Nhận diện được rồi thì mình cũng mỉm cười thôi; “Chào bạn ganh tị, tôi nhận ra bạn rồi…”. Nụ cười lúc này là một dấu ấn, dấu ấn của chánh niệm, của sự nhận biết. Mỉm cười được rồi thì mình cũng chào thôi: “… và tạm biệt bạn nha”. Như vậy đồng thời nụ cười sẽ làm khơi dậy một điều khác nữa; lòng bao dung và chấp nhận. Sự ganh tị là mình, nên mình không loại trừ chính mình, không ruồng bỏ mà mỉm cười buông hạt giống ganh tị, để hạt giống ấy đi xuống, và lòng bao dung, sự chấp nhận đi lên.
Sư Ông thường ví dụ rằng ý thức của mình như một phòng khách và chánh niệm là người chủ. Nếu chánh niệm luôn có đó thì sẽ nhận ra được người khách nào mình muốn mời vào chơi lâu lâu (ví dụ như lòng bao dung, chấp nhận) và người khách nào mình sẽ chào tạm biệt (như sự ganh tị…). Như vậy mình sẽ rất thảnh thơi, không cần phải đấu tranh gì hết, cũng không phải là một sự thoả hiệp nữa. Khi mình buông xuống được thì lúc đó mình sẽ thực sự thấy được vô thường, chứ không phải là dùng khái niệm vô thường để đàn áp hay loại bỏ những ý nghĩ của mình.
Em thương,
Khi em nhận ra nụ cười của quý thầy, quý sư cô là hạnh phúc, là hiền lành, là ấm áp thì trong chính em cũng có những điều này đó em. Nếu không có những hạt giống này thì em làm sao hiểu được đó là hạnh phúc, là hiền lành… phải không em? Vậy thì hạt giống đó ai cũng có nhưng để biểu hiện lên thành nụ cười thì thực tập của mình là phải khơi những hạt giống đó lên và tưới cho những hạt giống đó nảy nở thêm trong vườn tâm của mình. Những nụ cười của quý thầy, quý sư cô cũng là nước mát để giúp em tưới cho những nụ cười của mình, em hãy nhận lấy và đừng để cho uổng phí nghe em.
Mình không cần đợi đến khi nào có những tâm hành hay cảm thọ tiêu cực thì mới mỉm cười, phải không em? Mình có thể nhận ra vô số những điều kiện hạnh phúc mà mình đang có ngay trong giây phút hiện tại: một giọt nước trong, một tiếng chim hót, một tờ lá bay, tình thương đang có trong mình, một hành động đẹp của người bên cạnh,… hoặc mỉm cười với tuổi trẻ của mình, với những gì tốt đẹp mà ba mẹ đã trao truyền cho mình, mỉm cười vì biết ơn rằng mình đang có hai con mắt sáng, vì mình có… hàm răng còn chắc, biết ơn đôi chân vẫn đưa mình đi, biết ơn đôi bàn tay, biết ơn trái tim… Mình có thể giữ những tâm hành, cảm thọ này ở lâu với mình được. Em có thể thực tập mỗi tối, trước khi ngủ thay vì đọc hay nghe một cái gì đó thì em có thể nhớ lại những khoảnh khắc đẹp, những tâm ý tốt và mỉm cười.
Rất mong là em sẽ thực tập cùng quý thầy, quý sư cô nụ cười mỗi ngày. Đây là một sự thực tập rất nuôi dưỡng. Em có thực tập thi kệ buổi sáng không? Thức dậy với một nụ cười trên môi: “Thức dậy miệng mỉm cười. Hai bốn giờ tinh khôi. Xin nguyện sống trọn vẹn. Mắt thương nhìn cuộc đời”. Mỗi câu kệ đi theo một hơi thở vào hoặc một hơi thở ra. Xin gửi em đường link này, nếu mà em có thực tập rồi thì hay quá:
https://langmai.org/thien-
Thương chúc em thực tập thành công và quý thầy, quý sư cô rất hạnh phúc vì có thêm một người tri kỷ.
Thương và tin cậy,
sư cô Trăng Linh Mẫn