Vượt lên nỗi sợ ma
Con xin được hỏi
Kính thưa quý thầy và quý sư cô làng mai!
Lúc nhỏ, con rất thường hay sợ ma và hiện giờ cũng còn như vậy, mỗi khi con đi dạo vào ban đêm thì nỗi sợ và lo lắng lại ập đến. Con không biết tại sao con lại sợ và làm thế nào cho hết sợ. Kính mong quý thầy và quý sư cô từ bi chỉ dạy cho con một phương pháp.
Sư cô Tuyết Nghiêm chia sẻ:
Bạn Dũng thân mến!
Nỗi sợ hãi là một trong những căn bệnh rất phổ biến trong đời sống của chúng ta. Có khi ta sợ đói, sợ khát, sợ không được thương, sợ thất bại, sợ bị mắng… rất nhiều nỗi sợ có mặt trong chúng ta, có những cái chúng ta thấy được và có thể có nhiều cái khác chúng ta chưa có cơ hội được thấy. Và có lẽ sợ ma là một nỗi sợ rất bình dân của người Việt Nam. Trong thực tế có thể mình chưa bao giờ gặp ma, nhưng mình đã sẳn những nỗi sợ hãi khi nghe đến. Thật là khó hiểu bạn nhỉ!
Mình đã sẳn có những hạt giống sợ, mà nguyên nhân của nỗi sợ là từ đâu? Tổ tiên của chúng ta ngày xưa cũng đã có rất nhiều sợ hãi, sợ đói, sợ khát, sợ chiến tranh,… Bạn có tin sự tiếp nối không? Bạn có tin rằng trong bạn có và đang mang theo tổ tiên của bạn không? Có thể mình cũng đang mang những nỗi sợ của ông bà, cha mẹ, tổ tiên của chúng ta sâu trong hành động, lời nói… Đó là sự thật mà Sư Ông vẫn thường dạy, mình được tiếp nối rất nhiều từ tổ tiên của mình từ những hạt giống rất đẹp của hiểu biết, thương yêu, lòng dũng cảm…hoặc cũng có thể những hạt giống của giận hờn, buồn tủi, lo lắng và sợ hãi…đang có nơi mình cũng là phần nào sự tiếp nhận của mình từ tổ tiên. Bạn hãy nhìn sâu vào điều này qua đời sống của bạn, gia đình bạn. Và bạn có thể chứng minh được phần nào điều này bằng sinh học di truyền.
Dũng thân mến!
TN từ nhỏ đã rất sợ ma, nhưng cũng từ lúc nhỏ TN đã rất thích rèn luyện cho mình có tính dũng cảm và niềm tin. Nhớ có lần TN phải một mình đi trên con đường quê rất tối, không một bóng người. Bước qua đoạn đường đó là TN lạnh cả xương sống vì những tưởng tượng trong đầu. Có rất nhiều câu chuyện ma về con đường đó đã nằm lòng trong trí tưởng tượng của TN. Lúc đó, TN ý thức rõ là mình rất sợ. Nhưng TN nghĩ ngay đến bài học đạo đức lớp 2 về lòng dũng cảm, nghĩ tới đó, mình có thêm sức mạnh vì trong lòng mình rất muốn mình là người dũng cảm. “Người dũng cảm thì đâu có biết sợ!” Mình thầm nhắc cho mình điều đó. Thế rồi TN cứ thầm niệm Bồ Tát Quan Thế Âm. Lúc đó TN chỉ biết làm theo quán tính của một đứa con nít mà không nghĩ sâu về mục đích điều mình làm. Nỗi sợ không mất đi nhưng nó được lắng xuống và cái tưởng tượng về ma được thay thế bằng sự có mặt của Bồ Tát. Bồ Tát có mặt qua lòng chuyên chú niệm và hướng về của mình lúc đó. Bây giờ nghĩ lại TN mới nhận thấy được trong cái hành động theo quán tính đó là một cách thực tập rất hay để mình làm lắng dịu nỗi sợ hãi trong mình. TN đã niệm Bồ Tát lúc đó có thể vì TN tin rằng năng lượng của Bồ Tát có thể che chở cho mình. Sức mạnh niềm tin nơi cái lành, cái thiện, sẽ cho mình có được bình an. Nếu có ma thật đi nữa thì nó làm gì đến mình. Và hơn hết là khi mình chuyên niệm thì cái đầu của mình sẽ không tiếp tục đi theo những tưởng tượng của mình nữa. Cái tưởng của mình thường là gốc của cái sợ hãi, như khi mình thấy cái cây rung rinh trong bóng tối, mà mình tưởng rằng có ai đó đang đứng trên cây có thể lao vào mình bất cứ lúc nào, hoặc đi giữa đường thấy sợi dây lại tưởng con rắn, có vậy mà sợ “vỡ cả mồ hôi”.
Dũng thân, TN kể cho bạn nghe về kinh nghiệm tuổi thơ và nhìn nhận hiện tại của TN, mong rằng nó hữu ích cho bạn. Ngày trước thì TN thường niệm Bồ Tát Quan Âm, còn bây giờ thì trước những nỗi sợ hãi, bất an thì TN thường niệm hơi thở. Bạn có bao giờ tìm hiểu về niệm hơi thở chưa? Đó là một cách thực tập nếu bạn bỏ nhiều thời gian để học hỏi và thực tập thì chắc chắn sẽ cho bạn nhiều hữu ích. TN chỉ xin chia sẻ một chút thôi và hi vọng bạn có cảm hứng để tìm hiểu nhiều hơn về sự thực tập này. Sự hướng dẫn cụ thể có rất nhiều trên các sách của Sư Ông, hoặc trên trang nhà trong mục tu học- pháp môn thực tập … TN chúc bạn thực tập thành công vì ma là trong tâm bạn và phải tự bạn làm chủ cho được nỗi sợ của mình, có vậy bạn sẽ có cơ hội hiểu được sâu nỗi sợ của mình. Khi mình hiểu được nỗi sợ của mình, thì bạn sẽ tự biết được mình có thể làm gì để hết sợ. Tuyết Nghiêm tin rằng bạn có thể trở thành người dũng cảm.
Thân chào bạn!