Hãy là em bé 5 tuổi
Con kính chào quý thầy và quý sư cô Làng Mai,
Năm nay con 23 tuổi và còn đang học. Năm 2009, con đã được tiếp xúc với pháp môn của Sư Ông, con rất thích và đã dành thời gian để thực tập. Sau này do bận rộn với việc nhà và công việc học tập, con không có nhiều thời gian để thực tập nữa và càng ngày con càng nhận thấy tâm tính của mình thay đổi theo hướng tiêu cực.
Từ trước con là một cô bé rất ngoan hiền, nhưng từ lúc 21 tuổi trở đi, con ngày càng trở nên lì lợm, cứng đầu, tâm hồn lúc nào cũng muốn nổi loạn, hay cáu giận và nhiều lúc muốn đập phá lung tung, cảm thấy trong người lúc nào cũng có vật cản gì lớn chặn lại, rất khó chịu. Gần đây nữa, con thấy mình rất vô cảm và lạnh lùng, không thương nhớ gì đến những người đã giúp đỡ mình, không cảm động hay đau lòng trước cảnh ngộ đáng thương, không muốn gặp ai và cũng không muốn nói chuyện với ai cả, con mất niềm tin với tất cả mọi người. Con không tin ai và không tin cả chính mình, con cảm thấy sợ hãi nhiều điều mà dường như tất cả những cái đó con không thể nhận diện được. Con cảm thấy mình chơi vơi và đang rơi vào vực thẳm, con thấy con có biểu hiện của sự trầm cảm. Trong con luôn tồn tại hai trạng thái trái ngược nhau, một cô bé với nhiều khát vọng hoài bão giúp đời – một cô bé không có niềm tin sống, trầm cảm. Mặc dù xung quanh con vẫn có nhiều thiện tri thức muốn giúp đỡ con, họ cũng tu tập theo pháp môn của Sư Ông, họ rất tinh tấn và đầy năng lượng bình an, con cũng đã chia sẻ với họ nhiều về trạng thái của con, nhưng con vẫn không đi ra được khó khăn của chính mình.
Nay con viết email này, con rất mong nhận được sự chia sẻ từ quý thầy và quý sư cô của Làng…hãy giúp con thấy được mình, và trở thành người có thể cống hiến cho xã hội khi còn trẻ.
Sư Cô Tự Nghiêm trả lời:
Chào em,
Em biết không, trong ai cũng có một cô bé thánh thiện với trái tim đầy yêu thương. Cô bé ấy có nhiều khát vọng và hoài bão giúp đời. Có thể em đã có thời gian giúp đỡ và sống hết lòng với mọi người, nhưng đáp lại thì không như em mong muốn. Cho nên trong em “có sự chùn bước, vô cảm, lạnh lùng…, không muốn nói chuyện và gặp ai, mất niềm tin với mọi người cũng như chính mình”.
Xã hội ngày nay có quá nhiều thông tin tiêu cực mà mình chưa kịp thanh lọc, theo thời gian những thông tin đó trở thành “lẽ đương nhiên”, và mọi người quen hành xử với nhau bằng cách đó. Những thông tin và cách hành xử đó đấu tranh, mâu thuẫn với “tính thiện trong em”. Mâu thuẫn giữa nên hay không nên, muốn cởi mở và sống hết lòng nhưng không thể, phải dè chừng, tính toán mà không được, hay không muốn mà bắt buộc phải làm thường dẫn đến tình trạng như em “trở nên lì lợm, cứng đầu, lúc nào cũng có vật cản gì đó chặn lại, rất khó chịu”.
Hơn nữa, mọi người có quá nhiều nhu yếu cần thỏa mãn như: việc làm tốt, danh vọng, vật chất của cải… Để được nó, mọi người phải chạy đua, tranh giành, thậm chí lừa gạt nhau. Đồng thời, trong học tập cũng chịu nhiều áp lực mà thực tế thì chương trình học thì không được ứng dụng nhiều vào đời sống hằng ngày. Cuối cùng thì: cố gắng…mệt mỏi…chán nản.
Tất cả những gì được biểu hiện đều có nghuyên nhân của nó. Để đưa đến tình trạng như bây giờ có nghĩa là em đã tiếp xúc với những vấn đề đó đã khá lâu. Lâu dần thì nó trở thành một phần trong cuộc sống của mình, đến nỗi mình không thể nhận diện được nó đến từ đâu.
Em có để ý hình ảnh ly nước táo không? Lúc mới xay, đổ ra ly thì nước táo sẽ hoà vào nhau, nhưng để yên một tí thì nó sẽ lắng xuống. Tâm mình cũng vậy. Không cần cố gắng tìm kiếm. Điều cần làm bây giờ là dẹp sang một bên mọi cảm thọ em đang có như: khó chịu, nghi ngờ, muốn đập phá, cứng đầu, lì lợm…Em hãy ngồi xuống một nơi nào đó thật thoải mái và buông thư toàn bộ cơ thể, mĩm một nụ cười tặng cho mình, theo dõi sự vào ra của hơi thở. Em chỉ cần để ý nó thôi, không cần phải nhọc lòng mất sức gì cả. Thay vì những lúc mệt mỏi, buồn bực như vậy ta hay có xu hướng đi tìm gì để ăn, tìm gì để nghe, để xem thì đối tượng của em bây giờ là hơi thở của em. Cảm nhận sự dễ chịu của hơi thở vào ra thật nhẹ nhàng khoan khoái. Chỉ cần ngồi yên như vậy trong vài phút thôi thì em sẽ có được một con người mới. Điều quan trọng là đừng nôn nóng và cố suy nghĩ tìm câu trả lời. Hãy tập cảm nhận và nhận diện những điều đơn giản trước, như cảm nhận và tận hưởng hơi thở. Khi làm chủ được hơi thở của mình tức là em bắt đầu làm chủ được em. Khi em làm chủ được mình thì em có thể dừng lại được những tư duy tiêu cực và không nuôi dưỡng khi chúng phát khởi. Hơi thở là một người bạn trung kiên nhất của mình đó em, em phải biết giữ gìn và nuôi dưỡng nhé, kể cả lúc em rất hạnh phúc.
Em hãy tập chia sẻ những khó khăn của mình với những người thân yêu của mình khi mình cảm thấy ngột ngạt và đầy ắp trong lòng. Xung quanh mình ai cũng dễ thương, ai cũng là những vị Bồ Tát sẵn sàng đó cho mình. Dù có lúc vị Bồ Tát này khó chịu chút, bực bội chút, nhưng trong chúng ta ai cũng có liệu Bồ Tát và cả những chất liệu chưa phải Bồ Tát lắm. Cho nên khi em làm chủ được mình thì em sẽ rất mở lòng cho những cái đẹp, cái hay và những tâm ý tích cực phát khởi, đó là tính Bụt trong em đang biểu hiện.
Em biết không, em có nhiều thiện tri thức vậy mà không mở lòng ra học hỏi mà cứ để mình rơi vào trạng thái như em đang là, thì quả là đáng tiếc thật. Hãy dẹp qua một bên cái hiểu-cái biết của riêng mình mà học cái hay-cái đẹp của xung quanh nhé em. Có đôi lúc mình rơi vào khó khăn cũng chỉ tại mình đánh mất niềm tin vào mình và vào người xung quanh. Hãy như là đứa bé 5 tuổi, lòng thật trong thật sáng để thấy cái gì cũng đẹp, cái gì cũng hay và cái gì cũng có thể làm cho mình hạnh phúc được cả.
Vậy nhé em, chị tin rằng một người trẻ như em chắc chắn sẽ vượt qua dễ dàng trở ngại này để đi lên và giúp được đời như em mong muốn.
Giúp cho mình trước nhé!
Mỗi người bình an – hạnh phúc thì cuộc đời tức khắc bình an và hạnh phúc.
Gởi em bài kinh này tham khảo thêm nhé: Kinh Diệt trừ phiền giận