Để bớt mặc cảm


Con xin được hỏi:

Con là một cô gái khuyết tật, con bị lệch vai và chỉ cao 1m38. Dù cố gắng sống vui tươi, lạc quan nhưng nỗi mặc cảm, tự ti vẫn không thể nào tránh khỏi. Có những người trêu chọc, chế giễu con nhưng cũng có những người thương yêu và đồng cảm với con. Con tự an ủi mình rằng “Tuy bị  khuyết tật nhưng mình vẫn may mắn hơn bao người khác. Mình vẫn được học tập và lao động bình thường tuy sức khỏe yếu”.  Thương gia đình, con đã cố gắng học và có được tấm bằng đại học loại khá. Nhưng bằng khá mà làm gì khi xã hội không chỉ đòi hỏi bằng cấp mà còn đòi hỏi phải có ngoại hình, phải là con ông cháu cha, phải có tiền đút lót mới xin được việc. Mà những thứ ấy con đều không có! Con chán tất cả, mọi cố gắng sống vươn lên của con đều bị vùi dập, bị phân biệt. Xin hãy cho con một lời khuyên. Con là một người Công Giáo.

 

Sư cô Lĩnh Nghiêm xin được chia sẻ cùng bạn:

Em thương yêu,
Tôi nhận được thư của em khá lâu rồi nhưng hôm nay tôi mới sắp xếp được thời gian để ngồi trò chuyện với em.

Tôi muốn kể cho em nghe về một cô gái. Cô gái ấy rất bất hạnh. Cô bị câm và điếc, chưa hết, cô ấy còn bị mù nữa. Thế nhưng cô gái ấy đã vượt lên số phận, đã trở thành một người có trình độ học vấn phi thường, đã biết nhiều ngoại ngữ hơn nhiều người lành lặn khác, cô trở thành một nhà hùng biện xuất sắc và đi thuyết giảng ở nhiều nơi trên thế giới. Cô được xếp vào một trong hai người độc đáo nhất của thế kỷ 20. Cô gái ấy tên là Hellen Keller.

Khi mới sinh ra Hellen Keller cũng lành lặn và đẹp đẽ như những đứa trẻ khác, nhưng một cơn sốt quái ác lúc một tuổi rưỡi đã cướp đi của Hellen Keller quyền được trông thấy những người thân yêu của mình, không cho cô nhìn ngắm những màu sắc lung linh và những hình ảnh kỳ diệu trong cuộc sống. Phũ phàng chưa đủ, cuộc đời lại tước mất quyền lắng nghe và quyền nói năng của cô. Suốt thời thơ ấu, cô chưa từng biết thế nào lời ru của mẹ hay tiếng gọi của cha. Cô lớn lên trong tối tăm, mù mịt, sợ hãi và giận dữ. Trong cô luôn thường trực những cơn cuồng nộ ngút trời. Cô đập phá những thứ gần mình và cào cấu bất cứ ai tới gần bên cô. Cô đã sống hoang dại như một con thú nhỏ, có lẽ khi ấy cuộc sống của cô còn khốn khổ hơn cả những con thú vì cô không thể nhìn thấy gì, không thể nghe thấy gì, không biết những gì đang xảy ra xung quanh mình và cũng không thể giao tiếp được với bất cứ ai.

Cho tới năm lên sáu tuổi, bố mẹ Hellen Keller mời được một cô giáo trẻ chuyên dạy trẻ em khuyết tật tên là Anne Sullivan về làm gia sư cho cô. Suốt một năm trời vất vả cố gắng nhưng việc dạy dỗ cho một đứa trẻ vừa mù, vừa câm, vừa điếc vẫn chẳng có một tí tẹo khả quan nào. Thật vô cùng khó khăn ! Không thối chí, cô giáo Anne tiếp tục miệt mài ngày đêm dạy cho cô học trò nhỏ của mình. Một ngày nọ, cô giáo dẫn Hellen Keller tới một chậu nước, cô đưa một tay của Hellen Keller đặt vào miệng mình, tay kia của Hellen Keller cô nhúng xuống nước và miệng cô giáo phát âm từ  « nước ». Hellen Keller không hiểu gì hết, nhưng cô giáo không nản lòng, cứ tiếp tục làm như vậy rất nhiều lần và chăm chú quan sát nét mặt của Hellen Keller. Rất lâu sau đó, khi cô giáo  phát âm từ « nước », cô thấy nét mặt của Hellen Keller chợt sáng lên. Cô bé dường như đã hiểu. Cô giáo tiếp tục đưa bàn tay nhỏ xinh của Hellen Keller đặt thẳng vào trong miệng của mình để Hellen Keller cảm nhận được sự cử động của lưỡi và răng khi tiếng nói được phát ra. Hellen Keller chợt hiểu ra rằng cái mềm mềm, mát mát mà cô đang được nhúng tay vào có ý nghĩa tương đương với những rung động trên một vật thể (miệng cô giáo) mà cô đang sờ. Cô giáo tiếp tục đặt tay của Hellen Keller lên những vật thể khác và tay kia đặt lên miệng mình đồng thời phát âm tên của vật thể ấy. Hellen Keller tỏ ra rất sung sướng khi phát hiện ra mọi thứ mà cô chạm vào đều có một « cái tên ». Từ kinh nghiệm ấy, Hellen Keller bắt đầu lao vào tìm hiểu thế giới xung quanh mình bằng cách đặt tay lên miệng cô giáo.

helenkellerannesullivan18981.jpg
Hellen Keller và cô giáo Anne Sullivan

Có một lần cô giáo Anne tặng cho Hellen Keller một con búp bê và viết lên lòng bàn tay của Hellen Keller chữ « búp bê ». Hellen Keller rất thích thú với cách thể hiện ấy, từ đó ngoài cách đặt tay Hellen Keller lên cổ mình, cô giáo còn viết lên tay của Hellen Keller. Sau 3 tháng, thông qua ngôn ngữ động tác tay và sờ xem cử động môi của cô giáo Anne, Hellen Keller đã học được hơn 400 từ đơn cùng một số đoản ngữ.
Khó khăn nhất là khi học nói, ban đầu Hellen Keller chỉ phát ra được những tiếng ú ớ, đó là những tiếng gió mà không thành được âm. Một thời gian sau Hellen Keller có thể phát âm và bắt đầu nói được. Tiếp đó cô bắt đầu học chữ nổi. Cô rất ham học, cô đọc sách nhiều tới nỗi cô chỉ ngưng khi mười đầu ngón tay của cô bật máu vì miết trên những trang sách chữ nổi. Với niềm đam mê học hỏi của mình cô nhanh chóng hấp thụ được một nguồn tri thức khổng lồ trong nhiều lĩnh vực: toán, lý, hóa, sinh vật, địa lý, vượt xa cả những người bình thường. Cô còn tập bơi và cưỡi ngữa nữa.

Năm  26 tuổi Hellen Keller được bầu vào chức chủ tịch Hội Người Mù tiểu bang  Massachusetts.
Năm 40 tuổi cô thành lập Hội Người Mù toàn nước Mỹ (Hội vẫn tồn tại cho tới ngày nay).
Cô cũng tham gia biểu tình chống chiến tranh và đồng sáng lập tổ chức dân quyền ACLU.
Cô đã để lại cho đời 12 cuốn sách và nhiều bài báo khác.

Hellen Keller tuy là một người khuyết tật nhưng bà rất lạc quan và thiết tha yêu cuộc sống. Bà tạ thế năm 87 tuổi. Cả cuộc đời mình, bà đã cống hiến trọn tâm lực cho sự nghiệp phúc lợi đem lại niềm vui cho những người khuyết tật. Bà đi thuyết giảng khắp nơi để trao cho những người khuyết tật trên thế giới một thông điệp : dù bạn đang ở trong hoàn cảnh đen tối tới nhường nào, dù cho thân thể bạn có khiếm khuyết tới mấy thì bạn cũng vẫn có thể sống hạnh phúc và hữu ích trong cuộc đời.

Em thân mến,

Trong tất cả mọi người ai cũng có hạt giống mặc cảm. Chúng ta thường nghĩ rằng tâm mặc cảm bắt nguồn từ những thiếu kém của bản thân. Ví dụ mặc cảm vì mình có một thân hình không như ý muốn, mặc cảm vì mình nghèo, mặc cảm vì trình độ học vấn của mình không cao, mình học trong một trường đại học không nổi tiếng, mặc cảm vì mình không khéo léo, .v.v… Có tới hàng trăm, hàng ngàn lý do khiến cho mình rơi vào mặc cảm. Thông thường, chúng ta cứ tưởng rằng nếu hoàn cảnh được cải thiện thì chúng ta sẽ hạnh phúc lắm và không còn mặc cảm nữa. Đây là một cái thấy không đúng đắn. Giả sử mình mặc cảm vì có một chiều cao khiêm tốn. Nhưng nếu mình có một chiều cao như ý rồi thì mình sẽ lại mặc cảm về cái khác ví dụ đôi mắt chưa đẹp, sống mũi chưa cao, làn da chưa sáng, hàm răng chưa đều… Một học sinh phổ thông mặc cảm vì mình thi trượt tốt nghiệp, nhưng nếu thi đỗ thì bạn học sinh đó lại có thể mặc cảm vì mình không đỗ đại học, đỗ đại  học rồi có thể lại mặc cảm với bạn bè vì mình học trong một trường đại học không danh tiếng. Thế nên, tâm hành mặc cảm không phải do ngoại cảnh đem tới mà là do chính trong tâm ta phát khởi. Tâm hành mặc cảm xuất phát từ sự sợ hãi và lòng ham muốn. Mình sợ người ta không thương mình, sợ người ta không coi trọng mình, sợ rằng đời sống của mình không được đảm bảo… Mình ham muốn, có rồi lại muốn có nhiều hơn, có cái này rồi lại mơ ước có thêm cái kia, mà không biết an trú hạnh phúc với những gì mình đang có. Vì vậy nên người ta hay chạy theo tìm cách thay đổi hoàn cảnh bên ngoài mà ít khi quay lại quán chiếu để tháo gỡ những nút thắt trong tâm của mình. Mà càng lao theo những cái bên ngoài thì tâm mình càng xao động, niềm ham muốn và sợ hãi càng phát sinh.

Hãy nên hài lòng và cảm thấy may mắn với những gì mình đang có, mà đừng chạy theo những hào nhoáng bên ngoài. Một người được nhiều người thương yêu không phải vì vẻ ngoài của người ấy đẹp đẽ. Vẻ đẹp bên ngoài có thể bắt mắt người khác lúc ban đầu nhưng chính trái tim đẹp mới là cột trụ vững chắc để mình có được chỗ đứng bền lâu trong lòng mọi người. Khi trong tâm mình phát khởi tình thương với những người xung quanh, mình có lòng biết ơn và sẵn lòng giúp đỡ mọi người thì mọi người sẽ cảm được điều ấy và sẽ đối xử lại với mình cũng bằng tình thương, niềm tin cậy và sẵn lòng giúp đỡ mình khi mình cần.. Khi mình được thương yêu và biết rằng mình được thương yêu thì tự động tâm mặc cảm sẽ vơi đi. Có những người đang được sống trong một hoàn cảnh tốt nhưng người ấy không biết là mình đang được sống trong một  hoàn cảnh tốt; được mọi người thương yêu mà không biết rằng mình được mọi người thương yêu nên người ấy cứ đau khổ hoài.

Trong xã hội, có những công ty coi trọng hình thức bên ngoài, nhưng cũng có những công ty biết chiêu dụng người tài. Nếu mình thực sự có đạo đức và  năng lực thì không sợ gì thiếu việc làm.

Tóm lại, để đối trị với tâm mặc cảm thì em hãy tập sống hài lòng với những gì mình đang có và mở rộng tâm thương yêu.

Chị có niềm tin nơi em, một cô gái rất giàu nghị lực. Ngoài một vài người vô tâm trêu đùa, giễu cợt em ra thì em vẫn được rất nhiều người thương yêu và đồng cảm. Điều đó chứng tỏ rằng em là một cô gái hiền lành, tốt bụng. Mà em biết không, những người trêu chọc em họ chỉ trêu em cho vui thôi chứ không hẳn là họ cố ý làm cho em đau khổ đâu. Nhưng vì trái tim của họ chưa biết nghe, biết cảm nên họ không biết rằng những cách đùa dại dột ấy đã biến thành những trò ác độc làm cho người khác đớn đau. Mỗi khi bị trêu chọc em hãy trở về theo dõi hơi thở và thầm niệm danh hiệu đức Bồ Tát Quan Thế Âm, nếu em là người theo đạo Công Giáo em hãy thầm gọi Mẹ Maria. Năng lượng từ bi của những Người Mẹ Của Thế Gian ấy sẽ gia hộ cho em được bình an. Hãy nhìn những người trêu chọc em bằng con mắt tha thứ, bao dung em nhé.

Thương yêu và tin cậy