Quán chiếu tự thân
4 – Mong sao cho tôi biết nhìn tôi bằng con mắt hiểu biết và thương yêu
Đối tượng quán chiếu ở đây là bản thân của ta. Chưa chắc ta đã biết thương ta, chưa chắc ta đã hiểu được ta. Đó là trường hợp của hầu hết mọi người.
Kỳ trước chúng ta đã học một kinh ngắn nói về thương yêu tự ngã. Có những người tưởng là mình thương mình nhưng kỳ thực trong đời sống hàng ngày những gì mình nói, nghĩ và làm phần lớn đều trở lại làm hại mình. Mình là kẻ thù của bản thân chứ không phải là người thương của bản thân. Chúng ta có thể đang làm như vậy. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta suy nghĩ, nói năng, và hành động nhưng những tư tưởng câu nói và hành động đó có thể đang làm hại bản thân của chúng ta mà chúng ta không biết. Bài quán chiếu này là để nhìn thấy cái bản thân của ta. Làm thế nào để ta hiểu được ta và như vậy ta mới có thể thương ta. Tây phương cũng có nói “connais toi toi même!” (anh phải hiểu anh!). Đó là chìa khoá. Chúng ta đã biết rằng nếu chúng ta không hiểu và thương được bản thân thì chuyện hiểu và thương một người khác trở thành rất khó khăn. Hiểu biết được tự thân là thấy được tính trạng sắc thọ tưởng hành và thức của chính mình. Hiểu được thì có thể chấp nhận được và ta bắt đầu có an.
Có an mới có lạc. Có nhiều người suốt đời không chấp nhận được bản thân. Họ luôn luôn đứng về hướng chống đối họ. Họ tự trách cứ họ, họ làm khổ bản thân họ, họ làm tình làm tội bản thân họ, đó cũng là vì họ không hiểu được bản thân họ. Ngồi lại, thắp sáng chánh niệm, chiếu vào năm yếu tố là sắc, thọ, tưởng, hành và thức của mình để thấy được những cội nguồn của tính trạng năm uẩn đang có mặt. Thấy được cội nguồn tức là thấy được bản chất, thấy được tự tánh. Chữ tôi (mong sao cho tôi… ), sau này sẽ được chuyển ra người ấy. Chúng ta nhớ ràng người ấy có bốn loại: người thân, người rất thân, người dưng và người ghét. Tuần trước, chúng ta đã nghe một câu nói rất quan trọng, đó là khả năng thương yêu người khác tuỳ thuộc vào khả năng thương yêu bản thân. Thương ta được tới đâu thì thương người được tới đó. Chúng ta chỉ có thể thương người tới mức chúng ta thương chúng ta. Và vì vậy khi ta còn khước từ bản thân ta, khi ta còn mỗi ngày làm hại bản thân ta thì ta đừng nói đến chuyện thương yêu và chấp nhận những người khác. Tác phẩm Thanh Tịnh Đạo Luận nói rằng sở dĩ ta bắt đầu bằng người thân trước mà không bắt đầu bằng người ghét trước là tại vì đối với những người thân và rất thân thì ta dễ làm phát sinh tâm Từ và tâm Bi hơn. Ví dụ được dùng trong Thanh Tịnh Đạo Luận là muốn đốt lửa cháy, ta phải dùng rơm cỏ trước, và khi rơm cỏ đã cháy lên thì những cành nhỏ mới cháy, và khi những cành nhỏ đã cháy rồi thì những cành lớn mới cháy, và sau đó ngay tới những thanh củi còn ướt hoặc còn tươi cũng có thể cháy luôn. Bắt đầu bằng những thanh củi ướt thì không bao giờ thành công được.
Trước khi chúng ta quán chiếu về người ấy, dầu là người thân vừa, người rất thân, người dưng hay là người ghét, ta phải tự quán chiếu ta, phải nhìn vào năm uẩn của ta. Với chánh niệm ta có thể nhận diện được tư tưởng hàng ngày của ta, lề lối suy tư của ta, rồi tới những lời nói của ta, sau cùng tới những hành động của ta. Trước hết ta hãy nói về đường lối chúng ta suy tư và nội dung tư tưởng. Đây là sự thực tập chánh tư duy – một trong tám yếu tố của bát chánh đạo. Có khi chúng ta nghĩ quanh nghĩ quẩn, có khi chúng ta yếm thế bi quan, tranh chấp sầu não kỳ thị hoặc ganh ghét. Tư duy như thế thì thế nào lời nói và hành động của chúng ta cũng sẽ biểu lộ những cái tư duy ấy. Kết quả là trong đời sống hàng ngày ta tự làm hại ta và làm hại những người khác. Vì vậy nên dùng chánh niệm để soi sáng vào tư duy hàng ngày là công phu thực tập của chúng ta… Khi một tư tưởng hoặc một ý niệm không đúng chánh pháp xuất hiện, tư tưởng hoặc ý niệm ấy sẽ mang đến những giận hờn, những kỳ thị những tham đắm. Chúng ta phải biết phải nhận diện những tư tưởng và ý niệm đó, và khi nhận diện rồi ta mỉm cười. Tư tưởng đó sẽ ngừng.
Trong đời sống hàng ngày, mỗi khi nghe hay thấy một điều gì thì chúng ta thường tác ý. Tác ý là chú ý tới một sự kiện, một đối tượng. Tác ý là manaskara, là một trong năm tâm sở biến hành. Nếu không có chánh niệm thì chúng ta đâu biết tác ý đó là tác ý như lý hay là phi như lý. Như lý tác ý (yoniso manaskara) là tác ý tới những đối tượng có thể đem lại an lành, sáng suốt và thương yêu cho chúng ta. Ta phải có tăng thân, phải có chánh niệm thì trong đời sống hàng ngày ta mới thường có như lý tác ý, nghĩa là chúng ta có cơ hội tác ý tới những đối tượng có tác dụng đem lại lợi lạc, giải thoát, niềm vui và hạnh phúc. Còn những loại tác ý khác ngược lại, sẽ làm cho tâm chúng ta buồn khổ, giận hờn và kỳ thị. Những loại tác ý ấy gọi là phi như lý tác ý hay bất như lý tác ý (ayoniso manaskara). Ngày xưa tôi có viết một cuốn truyện với nhan đề Nẻo Về Của Ý. Nẻo Về Của Ý có nghĩa là những nẻo đường của ý đi. Ý (manas) ở trong đạo Bụt thường được ví dụ với một con khỉ leo trèo thoăn thoắt từ cành cây này sang cành cây kia. Ý có thể đưa ta tới một thế giới rất buồn khổ, đau đớn và đen tối; vì vậy nên ta phải biết theo dõi ý, theo dõi con khỉ của tâm ý. Nẻo Về Của Ý là nẻo về của tâm ý. Ta phải thắp sáng ngọn đèn chánh niệm để thấy được nẻo đi đường về của tâm ý ta, đừng để cho nó mỗi ngày nhiều lần đi về phía phi như lý, không có lợi lạc. Khi chúng ta nghe một câu chuyện hay thấy một sự kiện câu chuyện hay sự kiện đó thường đưa đẩy chúng ta tới một tác ý, và tác ý ấy có thể là như lý hay phi lý như lý. Nếu có chánh niệm ta nhận diện được tác ý ấy liền. Nếu tác ý ấy là như lý thì ta nuôi dưỡng nó. Nếu chánh niệm cho chúng biết tác ý ấy là không như lý thì tự nhiên chúng sẽ buông bỏ liền đối tượng. “Ta biết rồi, ngươi là một tư tưởng không có lợi lạc cho ta và cho các bạn ta trong đời sống hàng ngày.” Chánh niệm là Bụt, soi sáng xa gần. Chánh niệm soi sáng đường đi nẻo về của tâm ý. Khi chúng ta biết duy trì những tâm ý thanh tịnh và an lạc thì ngôn ngữ và hành động của chúng ta sẽ biểu lộ được niềm an lạc và thanh tịnh đó. Ngôn ngữ và hành động ấy làm lợi ích cho bản thân và cho những người xung quanh. Chúng ta là người thương của bản thân và của những người khác, chúng ta không phải là kẻ thù của bản thân và của những người khác.
Sau đó chúng ta lại dùng chánh niệm để soi sáng lời nói của chúng ta. Nói lời nào, ta biết ta đang nói lời đó. Có những cái ta đã tự cam kết là không nói, vậy mà đột nhiên ta thấy ta đang nói. Sở dĩ điều này xảy ra được là do có một sức mạnh ghê gớm bên trong sức mạnh của tập khí. Và những lúc đó chỉ có chánh niệm của ta cứu được ta thôi. Nó giúp ta ngưng lại. Không có chánh niệm thì ta sẽ tiếp tục nói, nói xong thì gây tan vỡ. Gây tan vỡ ở trong ta và ở ngoài ta. Chánh ngữ là một yếu tố khác của bát chánh đạo.
Hành động của thân thể cũng là sự biểu lộ của tư duy ta, và khi ta làm gì dầu là một cái nhìn, một cái hất tay hay là một sự đứng dậy, tất cả đều biểu lộ tư duy của ta, biểu lộ cái giận, cái buồn, cái thương, cái ghét, cái chánh niệm hay cái thiếu chánh niệm của ta cả. Chánh niệm được thắp lên để ta thấy là ta đang làm gì, đang đứng lên như thế nào, đang ngồi xuống như thế nào đang nhìn như thế nào, đang cau mày như thế nào… Chỉ có chánh niệm, chỉ có Bụt mới soi sáng cho ta được. Khi được soi sáng, ta mới biết rằng hành động ấy có lợi ích cho bản thân hay đang làm hại bản thân. Làm hại bản thân cũng là làm hại những người khác, và làm hại những người khác cũng là làm hại bản thân. Và vì vậy cho nên câu đầu của bài tập này là nguyên tắc quán chiếu: mong sao cho tôi biết nhìn tôi bằng con mắt hiểu biết và thương yêu (May I learn to look at myself with the eyes of understanding and compassion). Khi ta sử dụng được chiếc chìa khoá của hiểu biết để mở được cửa yêu thương thì tự nhiên ta chấp nhận được ta và chấp nhận được những người xung quanh. Nếu chưa chấp nhận được những người xung quanh nghĩa là ta chưa chấp nhận được chính mình. Nếu ta có tranh chấp có chiến tranh với những người xung quanh, điều đó cũng có nghĩa là ta đang có một cuộc tranh chấp, một cuộc chiến tranh tiềm tàng bên trong bản thân.
Từ nhãn thị chúng sanh nghĩa là lấy con mắt thương yêu nhìn mọi người. Chúng sanh đây bao gồm cả bản thân. Ngạn ngữ Việt Nam có câu thương người như thể thương thân, câu đó nếu xét lại cho kỹ ta sẽ thấy rằng tác giả tự coi như đã thương thân rồi cho nên mới khuyên rằng phải thương người như mình đã tự thương. Nhưng chưa chắc ta đã đi tới được điểm đó, tức là điểm tự thương. Chưa thương thân thì đừng nói chuyện thương người. Cái người làm khổ ta nhiều nhất là ai? Là chính ta. Vì vậy cho nên thương thân là một phép thực tập rất lớn. Kinh Pháp Hoa chỉ nói từ nhãn thị chúng sanh mà không nói bi nhãn thị chúng sanh. Từ bao gồm Bi và bao gồm cả Hỷ và cả Xả. Từ cũng bao gồm cả trí, tức là sự hiểu biết. Vì phải phân tích để quán chiếu cho nên ta cần gọi tên trí và bi cho rõ ràng: đó là hiểu biết và thương yêu. Thật ra hiểu biết và thương yêu là hai mặt của cùng một thực tại. Một mặt là hiểu biết một mặt là thương yêu. Bỏ một mặt đi thì không còn mặt kia nữa. Cũng giống như đồng xu, có bên sấp bên ngửa. Bỏ bên sấp đi thì không còn bên ngửa. Bi và trí đi đôi với nhau.