Hiểu biết và thương yêu

Hôm nay là ngày 16 tháng10 năm 1994, chúng ta ở tại Xóm Hạ trong khoá tu mùa thu. Sáng nay chúng ta học tới bài thực tập thứ hai về phép quán tứ vô lượng tâm.

Trong bài tập thứ nhất chúng ta thấy rằng hai loại năng lượng Từ và Bi đã được phát hiện trong khi chúng ta thực tập thiền quán. Trong bài tập thứ hai này ta cũng sẽ thấy như thế.

4. Mong sao cho tôi biết nhìn tôi bằng con mắt hiểu biết và thương yêu

May I learn to look at myself with the eyes of understanding and love

5. Mong sao cho tôi nhận diện và tiếp xúc được với những hạt giống của niềm vui và hạnh phúc trong tôi.

May I be able to recognize and touch the seeds of joy and happiness in myself

6. Mong sao cho tôi nhân diện và thấy được cội nguồn của những giận hờn, tham đắm và si mê trong tôi

May I learn to identify and see the sources of anger, craving and delussion in myself

Cũng như bài tập thứ nhất, bài tập này ban đầu cũng có dáng dấp của một sự mong ước. Nhưng sau khi nói ra được những mong ước đó như là những yếu tố nền tảng của hạnh phúc thì chúng ta sẽ bước tới một bước nữa để đi vào thực tập. Đây là những ước mong có thể thực hiện được, và thực hiện theo trình tự hiểu và thương. Hiểu biết và thương yêu là hai yếu tố căn bản trong sự thực tập và chúng ta đã biết rằng hiểu biết là chìa khoá để mở cửa thương yêu. Trong tiếng Pháp chúng ta có chữ connaissance (biết) và Compréhension ( hiểu). Cái biết có khi có tác dụng chận đứng, tại vì đôi khi kiến thức của ta chỉ là những ý niệm và những cái tưởng (tri giác) của chúng ta. Những ý niệm và những cái tưởng ấy lắm khi làm hại chúng ta. Còn cái hiểu thì khác; cái hiểu có tính cách trực tiếp mà không phải là những ý niệm. Cái hiểu là kết quả của kinh nghiệm trực tiếp của ta đối với sự vật, đối với đối tượng hiểu biết. Động từ comprendre của Pháp gồm có tiền từ com và động từ prendre, tức là cầm lấy. Com tức là ta đồng nhất với cái đó, trở thành một với cái dó. Khi mà ta còn là hai đối với cái đó thì ta chưa có cái hiểu biết (compréhension). Khi chủ thể hiểu biết và đối tượng hiểu biết vẫn còn là hai cái riêng biệt, thì lúc đó chưa có hiểu biết thực sự, cho nên ý sâu của comprendre là trở thành một với đối tượng của sự hiểu biết. Muốn hiểu người nào ta phải đi vào trong da thịt của người đó, ta phải trở thành người đó thì cái hiểu biết kia mới là cái hiểu biết sâu sắc và trực tiếp.

Trong Kinh Tứ Niệm Xứ, Bụt luôn luôn nói về quán niệm trong tinh thần đó. Ngài nói quán niệm thân thể trong thân thể, quán niệm cảm thọ trong cảm thọ, quán niệm tâm trong tâm quán niệm pháp trong pháp. Quán niệm có nghĩa là không đứng ngoài nhìn vào. Ta đồng nhất ta với đối tượng quán niệm để có được cái hiểu trực tiếp. Và vì vậy cho nên danh từ hiểu ở đây có nghĩa là cái kinh nghiệm trực tiếp. Nó không phải là những kiến thức thâu thập được từ sự học hỏi. Hiểu đây tức là prajna (bát nhã). Trong đạo Bụt chúng ta phân biệt: trí (prajna) và thức (vijnana). Thức bị ngăn cản bởi những ý niệm những cái tưởng (phần lớn là vọng tưởng), còn trí là đi trực tiếp tới đối tượng và có những kinh nghiệm trực tiếp về đối tượng. Chính cái kinh nghiệm trực tiếp đó, cái hiểu đó là chìa khoá để mở ra cánh cửa của yêu thương… Nó mở được cửa trái tim. Kiến thức không mở cửa trái tim được. Chỉ có sự hiểu biết mới mở được mà thôi. Thương yêu ở đây nghĩa là Từ, Bi, Hỷ và Xả. Nội dung của thương yêu là nội dung của tứ vô lượng tâm, một niềm thương yêu không có kỳ thị, không có vướng mắc, một sự thương yêu đích thực.

Hiểu biết và thương yêu (trí và bi) là yếu tố thực tập căn bản trong đạo Bụt. Khi truyền Tam Quy cho các bé chúng ta không cho các bé tiếp nhận năm giới. Chúng ta chỉ cho các bé tiếp nhận Hai Lời Hứa. Hai Lời Hứa thuộc về hiểu biết và thương yêu. Các bé cũng phải học cả đời mới hiểu được Hai Lời Hứa đó vì hai lời hứa đó cũng bao trùm cả năm giới, cả 14 giới và cả 250 giới. Lời hứa đầu: Con xin hứa mở rộng lòng thương để bảo vệ sự sống khắp mười phương, nguyện che chở cho mọi người mọi loài. Lời hứa thứ hai: Con xin hứa mở rộng tầm hiểu biết đ th thương yêu và chung sống với mọi người và mọi loài… Nếu không có hiểu biết thì không có thương yêu và ta sẽ không thể chung sống với các loài. Tuy đơn giản nhưng hai lời hứa bao trùm hết tất cả giáo lý của đạo Bụt. Vì vậy tuy Hai Lời Hứa là pháp môn của thiếu nhi nhưng cũng là sự hành trí của tất cả chúng ta. Muốn mở cửa trái tim thương yêu ta phải có chìa khoá của sự hiểu biết. Chiếc chìa khoá đó phải là một chiếc chìa khoá có thật; Chiếc chìa khoá ta cầm trong lòng bàn tay và chìa khoá đó là sự quán chiếu. Từ Bi quán là một phép quán chứ không phải là một sự chúc tụng, một lời ước nguyện, và vì vậy cho nên ta phải ngồi, phải phóng năng lượng của chánh niệm vào đối tượng để soi sáng để nhận diện, để thấy. Cái đó gọi là quán.