Chuyển hóa tam độc
6 – Mong sao cho tôi nhận diện và thấy được cội nguồn của những giận hờn, tham đắm và si mê trong tôi.
Nhận diện tức là thấy sự có mặt của một vật gì và thấy được cội nguồn là thấy được cái bản chất của nó. Nó có mặt tự bao giờ, nó từ đâu tới và bằng những nguyên cớ nào mà nó đã tìm tới và đang có mặt trong ngày hôm nay? Chúng ta biết rằng đây không phải là một sự tuyên bố nói năng mà là một công trình quán chiếu. Chúng ta có những chất độc trong con người chúng ta. Ba chất độc chính mà Bụt hay nói tới là Sân, Tham và Si. Si tức là sự hiểu lầm, là sự thiếu hiểu biết, là sự u mê. Tham là sự đam mê và chạy theo những thèm khát như danh, lợi, tài, sắc. Sân là những giận hờn trong ta. Ngoài ra chúng ta còn những phiền não căn bản khác như: mạn, nghi… chúng đều là những chất độc trong lòng cả. Khổ đau của chúng ta có mặt căn cứ trên những lượng chất độc ấy. Chất độc ấy ít thì ta khổ đau ít, nhiều thì ta khổ đau nhiều. Trước hết dùng chánh niệm trong đời sống hàng ngày để nhận diện sự có mặt của những giận hờn tham đắm và si mê trong chính bản thân ta. Và ta phải thấy rằng nếu ta khổ đau là tại vì những chất độc đó chứ không phải là tại hoàn cảnh bên ngoài. Hoàn cảnh bên ngoài có thể là những điều kiện trợ giúp, nhưng đó không phải là những điều kiện căn bản. Trong bài Kinh mà chúng ta học kỳ trước có câu: “Với kẻ không giận hờn, cơn giận từ đâu tới?” Khi chúng ta không có chất độc của sân hận trong tâm thì cái giận không thể tới được. Cùng nghe một câu nói cùng chứng kiến một sự kiện, nhưng có người không hầm hầm nổi giận như những người khác, đó là tại trong tâm họ không có hạt giống của sự giận dữ, hoặc là tại hạt giống đó đã được chuyển hoá. “Với kẻ không giận hờn, cơn giận từ đâu tới?” Câu kinh này có nghĩa là nguyên do của niềm đau nằm ở chất độc có sẵn trong ta, chứ những cái chúng ta thấy và nghe chẳng qua chỉ là những điều kiện đánh động tới những chất độc đó mà thôi.
Cố nhiên là ta phải thành công rồi thì mới giúp được người khác. Khi chúng ta giận lửa giận phừng phừng cháy lên và thường thường trong những giây phút đó chúng ta không biết trở về để chăm lo và điều phục cơn giận. Chúng ta lại ưa phóng tâm ra ngoài để tranh đấu, để theo dõi cái điều kiện phụ thuộc nó vừa tưới tắm hạt giống của giận hờn trong ta. Cũng như khi nhà ta bị cháy, ta không chịu trở về để tìm cách dập lửa mà lại chỉ mong chạy theo cái người mà ta nghĩ đã đến đốt nhà ta để trừng phạt người ấy. Ta lắng nghe người kia, ta cãi lý với người kia, ta nhìn người kia để rồi cơn giận ta được tưới tắm thêm lên và kết cuộc là đám cháy càng lúc càng lớn. Bụt dạy rằng mỗi khi cơn giận phát khởi, ta phải trở về tự thân, phải dùng năng lượng chánh niệm để bảo hộ, ôm ấp, xoa dịu và quán chiếu bản chất của cơn giận ấy.
Tâm của chúng ta có hai phần: Phần dưới gọi là tàng, phần trên gọi là ý. Cái giận của chúng ta có một cội nguồn, hạt giống của nó nằm ở tàng, cái khối độc của sân hận nằm ở tàng, và có liên hệ với những khối si, tham, mạn và nghi. Những si, mạn, nghi và tham ấy đều có thể nuôi dưỡng cơn giận. Khi một câu nói hay một cử chỉ đánh động tới cơn giận của ta thì hạt giống giận phát hiện lên ý, tức là phần trên của tâm thức. Phần dưới giống như một nhà kho, còn phần trên giống như phòng khách. Từ dưới tàng phát hiện ra một nguồn năng lượng trên ý; nó phừng phừng đốt cháy và quang cảnh của phòng khách này bắt đầu thảm thương: mặt ta đỏ lên, hai con mắt ta sòng sọc, tất cả tươi vui mát mẻ biến đi đâu mất hết. Trong khi đó thì ý cứ phóng theo người kia để mà tranh đấu. Khi ta giận thì ta khổ, và ta cứ ngây thơ tin rằng nếu ta trừng phạt được người đó, nếu làm cho người đó khổ, thì tự nhiên ta sẽ khổ ít hơn. Niềm tin này rất con nít nhưng người lớn nào cũng có. Nói được một câu thật cay hoặc làm được một cái gì khiến cho người kia mất mặt hoặc đau khổ thì cơn giận của ta sẽ hết, và ta sẽ đã giận. Nghĩ như thế là một điều nguy hiểm. Khi ta nói một câu gì rất nặng có thể làm đau người đó, thì người đó sẽ khổ sẽ giận thêm, và người đó cũng sẽ tìm cách tự làm cho bớt khổ bằng cách nói và làm một cái gì cho thật nặng hơn để làm cho ta khổ thêm nữa. Như vậy hai bên tiếp tục leo thang trong việc làm cho nhau giận. Đó là chuyện xảy ra hàng ngày trong xã hội. Chúng ta ai cũng biết đó là một chuyện không nên làm, vậy mà chúng ta vẫn cứ làm. Bụt dạy khi cơn giận phát hiện, ta phải đóng hai cửa mắt và tai lại, và trở về để chăm sóc cái quang cảnh hoang tàn của bản thân do cơn giận tạo ra.