Sự thành lập của Trái Đất

Trái đất được thành lập

Chúng ta hay có thói quen nhân cách hóa mọi thứ. Ví dụ như tự do, chúng ta nghĩ tới tự do như một vị thần, nên ta tạc tượng Nữ thần Tự Do. Khi gió thổi mạnh, chúng ta tưởng tượng ra một vị thần đang làm ra gió gọi là thần Gió. Khi nghe tiếng sấm sét, chúng ta nghĩ ra một vị thần gọi là thần Sấm Sét. Văn hóa nào cũng có khuynh hướng đó. Tình thương cũng được nhân cách hóa thành ra một bà mẹ, Mẹ Maria hay Mẹ Quan Âm. Chúng ta có thần Tự Do, thần Công Lý, có Mẹ Maria, Mẹ Quan Âm. Trong nhiều nền văn hóa, chúng ta đã xem Mặt trời là một vị thần linh. Trong văn hóa Ấn Độ, Mặt trời là một vị thần tên Surya, ở Trung Quốc là thần Thái Dương và ở Âu châu là Suna. Chúng ta có khuynh hướng nhân cách hóa mọi thứ.

Khi nghĩ tới sự thành lập vũ trụ, chúng ta nhân cách hóa sự thành lập đó bằng hình ảnh một Thượng đế, một vị hóa công, tức người đã tạo dựng ra thế giới. Hành tinh của chúng ta, ta gọi là Đất Mẹ, ta cũng nhân cách hóa trái đất. Chúng ta nghĩ đất là Mẹ như một con người và mặt trời là một ông cha. Trong những ơn ta muốn tỏ lộ có ơn trời che và đất chở (thiên địa phú tài chi ân).

Trái đất của chúng ta đã có mặt vào khoảng 5 tỷ năm. Lúc đầu nó chỉ là một khối lửa như mặt trời bây giờ. Trong gần 4 tỷ năm trên trái đất không có sự sống, tại vì quá nóng. Nhưng từ từ, lửa phun ra tạo thành hơi nước, hơi nước làm cho vỏ ngoài của trái đất lạnh và cứng lại. Từ từ bầu khí quyển được hình thành và sự sống bắt đầu xuất hiện dưới nước. Nhờ bầu khí quyển và từ trường phóng ra từ trái đất mà có đủ sức ấm, nhờ sức nóng do mặt trời chiếu dọi mà đại dương không đóng thành băng. Bầu khí quyển ngăn cản những tia phóng xạ cực tím nên sự sống từ từ xuất hiện trên mặt đất. Trong một tỷ năm cuối, sự sống được phát hiện dưới hàng triệu chủng loại, từ cây cối đến thú vật. Con người xuất hiện rất trễ trên trái đất. Có một lần trái đất bị một thiên thể lớn bằng sao Hỏa va chạm, tạo ra một cú sốc rất lớn. Một phần của thiên thể hòa nhập với trái đất, một phần hợp với một phần nhỏ của trái đất văng ra và trở thành mặt trăng. Mặt trăng xoay chung quanh trái đất theo một quỹ đạo. Trái đất bị tai nạn – bị những thiên thể trong không gian va chạm như vậy bốn năm lần. Tới lần trái đất bị va chạm cuối cùng thì những loài khủng long đang sống trên mặt đất bị hoàn toàn tiêu diệt, loài bò sát khổng lồ cũng chết hết, chỉ còn lại những loài động vật có vú sống được và tiếp tục phát triển.

 

Sự xuất hiện của con người

Con người xuất hiện rất trễ trong lịch sử của sự sống. Lúc đầu có một loài vượn ở Phi châu đứng thẳng lên và hai tay của nó được tự do. Nó bắt đầu biết sử dụng những khí cụ nên trí óc phát triển rất nhanh. Loài vượn đứng thẳng xuất hiện và từ từ trở thành nhiều chủng loại của con người. Nhờ khối óc nên con người trở nên thông minh, sáng tạo ra nông nghiệp, kỹ thuật và ảnh hưởng tới trái đất một cách rất hiệu quả. Trong lịch sử của sự sống, chưa có loài nào trên thế giới có thể ảnh hưởng lên trái đất một cách lớn lao như vậy. Và con người bắt đầu nhân cách hóa, con người nghĩ rằng: Thượng đế, tức lực lượng tạo ra trời đất, phải có hình dáng của một con người.

Trong kinh điển nói: Thượng đế tạo ra con người dưới hình ảnh của Ngài. Nhưng trên thực tế thì chính con người đã tạo ra Thượng đế. Đó gọi là nhân cách hóa. Trong đạo Bụt, chúng ta nói tới Phật tánh, tức khả năng hiểu, thương và tỉnh thức. Chúng ta nói tới Phật tánh, không những của con người mà còn của những loài khác, vì vậy trong Thiền tông có công án: Con chó có Phật tánh hay không? Chúng ta có tụng một bài kinh, trong đó có câu: Tình dữ vô tình đồng thành Phật đạo – tất cả các loài, dù hữu tình hay vô tình, đều có thể thành Phật. Không những con chó, con nai, con thiên nga, con cá, con chim có thể thành Phật, mà cây trúc đào, cây xoài, cây chanh cũng có thể thành Phật. Cỏ cây, đất đá đều có thể thành Phật, đó là tình dữ vô tình đồng thành Phật đạo.

Nhưng con người có khuynh hướng muốn coi mình cao hơn hết mọi loài. Con người nhìn mọi loài bằng con mắt phân biệt, nghĩ rằng Phật, Thánh hay Thượng đế chỉ có thể là con người mà thôi.