Cái một chứa cái tất cả
Trong cái một có cái tất cả
Thiền đường của chùa Sơn Hạ tên là thiền đường Thánh Mẫu Maya. Maha Maya là Mẹ của Bụt. Bên Cơ Đốc giáo, Mẹ của Chúa Jésus là thánh nữ Maria và người ta thờ phụng Mẹ Maria rất nhiều. Trái lại, bên Phật giáo, người ta ít thờ phụng Mẹ Maya mà thờ phụng Mẹ Quan Âm nhiều hơn.
Mỗi người trong chúng ta, ai cũng có một bà mẹ ruột (genetic mother). Nhưng chúng ta cũng có những bà mẹ khác như mẹ đỡ đầu, mẹ nuôi, hay mẹ kế. Bây giờ ta có một kiểu mẹ khác gọi là mẹ gửi (mère porteuse) – mẹ mình không mang thai được nên nhờ một người đàn bà khác mang thai và sinh giùm.
Trong đạo Bụt, Maha Maya là mẹ ruột của Đức Thích Ca, nhưng bà không sống lâu. Sau khi sinh ra, Siddharta được em ruột của bà Maha Maya là bà Prajapati nuôi lớn. Siddharta có mẹ đẻ và mẹ nuôi tức dì của Bụt. Dì của Bụt sau này đi xuất gia làm đệ tử của Ngài, tức làm con tinh thần của Bụt. Maha Prajapati là vị Tỳ kheo ni đầu tiên của giáo đoàn, là đệ nhất Ni trưởng Kiều Đàm Di. Tuy bà là đệ tử của Bụt nhưng Bụt vẫn xem bà là mẹ của mình.
Trong văn học Phật giáo, Mẹ của tất cả các vị Bụt là Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajñā-paramita). Bát Nhã Ba La Mật Đa là trí tuệ, là Mẹ của các vị Bụt. Ở Ấn Độ, người ta tạc tượng Prajñā, mẹ của Bụt, gọi là Phật Mẫu. Trí tuệ được nhân cách hóa thành người đàn bà như Phật Mẫu Đại Chuẩn Đề.
Nhìn cho kỹ, trái đất chúng ta đang ở đây cũng là một bà Mẹ, Bụt Thích Ca cũng là một đứa con của địa cầu. Địa cầu tươi mát này, tức Bồ tát Thanh Lương Địa, cũng là Mẹ của Bụt. Bụt có nhiều mẹ và mình cũng có nhiều mẹ. Nhưng có sự liên hệ gì giữa mẹ ruột, mẹ nuôi, mẹ tinh thần và mẹ địa cầu hay không? Chúng ta nên tìm hiểu điều này. Trong kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka-sutrā), chúng ta thấy Mẹ Maya trở thành địa cầu, trở thành hành tinh xanh. Bà Mẹ này không phải là Mẹ của một vị Bụt mà là Mẹ của tất cả các vị Bụt, tại vì địa cầu của chúng ta cho ra đời nhiều vị Bụt và Bồ tát. Chúa Jésus cũng là một người con của trái đất, Mẹ Maria cũng là con của địa cầu này. Chúa là con của Mẹ Maria và Chúa cũng là con của trái đất là chuyện có thật. Jesus is the son of God and the son of man. Chúa là con của loài người, và vì loài người là con của trái đất nên chúa Jésus cũng là con của trái đất.
Kinh Hoa Nghiêm có kể một câu chuyện rất hay: Một người trẻ nọ tên Thiện Tài Đồng Tử (Sudana), là một đệ tử rất trẻ của Bồ tát Văn Thù. Bồ tát Văn Thù Sư Lợi muốn đệ tử của mình đi học với nhiều thầy. Thiện Tài Đồng Tử đã có cơ hội học với 53 vị thầy, trong đó có mẹ của Bụt là bà Maha Maya. Sau khi Thiện Tài Đồng Tử đi tham vấn các vị thầy, có một vị nói:
- Em đã gặp bà Maya chưa? Nếu em chưa gặp bà thì chưa đủ. Em phải gặp bà vì bà là một giáo sư rất giỏi.
Thiện Tài Đồng Tử hỏi:
- Con đi tìm bà Maya bằng cách nào? Biết đâu mà đi tìm mẹ Maya?
Vị giáo thọ nói:
- Em không cần phải đi đâu hết! Em chỉ cần ngồi tại đây, ngay trên mặt đất và thực tập địa xúc. Em ngồi trên mặt đất và ý thức rằng mình đang ngồi trên mặt đất. Em đi vào thiền định địa xúc thì sẽ gặp được Mẹ Maya.
Thiện Tài Đồng Tử nghe lời, ngồi xuống tại chỗ, đem chánh niệm và chánh định tiếp xúc với trái đất một cách rất sâu sắc. Tự nhiên Thiện Tài Đồng Tử thấy một đóa sen ngàn cánh từ dưới đất đi lên, và mình đang được ngồi trên một cánh của đóa sen đó. Chưa hết ngạc nhiên, Thiện Tài ngẩng đầu lên thì thấy có một người đang ngồi trên một cánh sen khác và nhận ra người đó là mẹ của Bụt, Maha Maya phu nhân. Bà Maya đang ngồi trên một cánh sen khác và nhìn Thiện Tài mỉm cười. Kinh Hoa Nghiêm đã dùng những hình ảnh huyền thoại và thi ca để diễn tả những tư tưởng rất uyên áo. Khoa học dùng toán học, còn Phật học thì dùng huyền thoại, hình ảnh và thi ca để diễn tả tuệ giác của mình. Thiện Tài Đồng Tử thấy bà Maya, trong lòng rất hoan hỷ: Thì ra tìm bà Maya dễ như vậy sao! Không cần phải đi đâu xa, chỉ cần ngồi yên và đi vào thiền định là thấy được mẹ của Bụt. Thiện Tài Đồng Tử chắp tay đảnh lễ và cầu xin bà dạy cho mình. Maha Maya phu nhân nói:
- Này người trai trẻ, con có biết không, ngày mà ta có mang Siddharta, ta hạnh phúc vô cùng, chưa bao giờ ta được hạnh phúc như vậy. Ta có cảm tưởng là có một vị Bụt trong bụng mình. Không có niềm vui nào lớn bằng. Ta cảm thấy mình không còn ước muốn, không còn lo lắng gì nữa cả. Ta thấy đầy đủ và rất hạnh phúc tại vì ta biết trong ta có một vị Bụt.
Chuyện này chúng ta cũng có thể làm được, tại vì ta biết rằng có Phật tánh (Buddha nature) trong con người của mình. Chúng ta phải đọc kinh với trí tuệ. Đây không phải là chuyện của bà Maya hay của Thiện Tài Đồng Tử; đây là chuyện của anh, của chị, của tất cả chúng ta. Ta có đang hạnh phúc không? Ta có biết ta có một vị Bụt trong tự thân hay không? Ta đang mang thai một vị Bụt, cho dù ta là đàn ông hay đàn bà. Ta có khả năng thành Bụt, đó là Phật tánh.
Trái đất của ta là một bà Maya, Mẹ của rất nhiều đức Bụt. Trái đất của ta cũng đang có hạnh phúc, trong bụng của bà không phải chỉ có một vị Bụt mà có rất nhiều vị. Nhiều khi tôi cũng thấy như vậy, trong bụng của tôi có rất nhiều con, có thể có hàng trăm, hàng ngàn người, và người nào cũng có thể thành Bụt. Đây không phải chỉ là chuyện của bà Maya, của trái đất, của Thiện Tài Đồng Tử mà là chuyện của anh, của chị, của tôi. Mỗi người trong chúng ta đều là một bà mẹ có những đứa con trong lòng mình. Câu chuyện bà Maya nói với Thiện Tài Đồng Tử rất thú vị, bà nói:
- Này người trai trẻ, lúc đó có rất nhiều vị Bồ tát từ cõi trời tới và muốn chui vào trong bụng ta để thăm Siddharta, để xem con ta có thoải mái trong đó hay không?
Đây là một huyền thoại thi ca rất hay có thể diễn tả được tính tương tức, tương nhập của đạo Bụt:
- Này người trai trẻ, ta chưa kịp đồng ý thì những vị Bồ tát đó đã chui vào trong bụng ta. Con có biết không, trong đó có rất nhiều không gian, ta biết rằng không những hàng trăm vị Bồ tát có chỗ ngồi trong đó, mà nếu có cả triệu Bồ tát tới thăm Siddharta thì cũng có không gian cho họ.
Một hình ảnh huyền thoại thi ca rất đẹp đã diễn tả được sự bao la của cái tất cả trong cái một, cái vô cùng lớn trong cái vô cùng nhỏ. Thiện Tài Đồng Tử khi nghe câu nói đó chắc chắn là hạnh phúc vô cùng.
- Này Sudana, con có biết ta là Mẹ của Bụt không? Ta không phải chỉ là Mẹ của các vị Bụt trong hiện tại, mà ta còn là Mẹ của các vị Bụt trong quá khứ và trong tương lai.
Cái nhìn bất nhị
Chúng ta phải tập nhìn bằng con mắt bất nhị. Ta có tuệ giác gọi là bất nhị mà ta không biết sử dụng. Ý thức của chúng ta có tính cách phân biệt, chia sự vật ra thành từng cặp đối lập. Đó gọi là phân biệt trí (分 別 智), vikalpa-jñāna. Ví dụ như chúng ta cho rằng tay trái không phải là tay phải và tay trái có thể tồn tại ngoài tay phải. Đó là sự phân biệt (discrimination). Nhưng ta không biết rằng tay trái nương vào tay phải để hình thành. Chúng ta phân biệt tâm và vật, danh thân và sắc thân. Danh thân (名 身), nāmakāya là tâm, là thọ, tưởng, hành, thức của mình. Sắc thân (色 身), rūpakāya, là hình hài của mình. Chúng ta phân biệt một bên là hình hài (sắc) và một bên là tâm lý (danh). Danh từ khoa học gọi là psychosoma. Psycho là tâm và soma là vật. Sự thật là tâm không thể có được nếu không có vật, tâm và vật là hai mặt của một thực tại. Không có vật thì không có tâm và không có tâm thì không có vật.
Trong khi đó, khoa học chia thành hai ngành, một ngành chuyên về tâm, gọi là tâm lý học và một ngành nghiên cứu về thân, gọi là sinh lý học, giống như tâm và thân là hai cái tồn tại ngoài nhau. Thực ra nếu lấy tâm đi thì không có thân và nếu lấy thân ra thì tâm cũng không còn. Thân và tâm dựa vào nhau mà thành lập như mặt trái và mặt phải, lấy một mặt đi thì mặt kia cũng không còn. Vì vậy chúng ta phải thấy tâm ở trong vật và vật ở trong tâm, đó gọi là Vô Phân Biệt Trí (無 分 別 智), nirvikalpa-jñāna. Có Vô Phân Biệt trí, chúng ta biết tâm và vật nương nhau mà có, như trái và phải, như trên và dưới. Có khi Vô Phân Biệt trí còn được gọi là Bất Nhị Trí, advaya-jñāna, tức tuệ giác không chia chẻ làm hai: trong và ngoài, vật chất và tinh thần. Hiện nay nhiều nhà khoa học vẫn còn vướng vào ý niệm: tâm thức là cái ở trong và thế giới được nghiên cứu là vật ở ngoài, tức tâm thức là chủ thể và thế giới khách quan là đối tượng. Khi nào còn sự phân chia giữa chủ thể và đối tượng, giữa tâm và vật thì khi đó còn sự kỳ thị, phân biệt. Muốn đi được xa, nhà tu hành cũng như nhà khoa học phải biết sử dụng Bất Nhị Trí hay Vô Phân Biệt Trí. Trong lĩnh vực khoa học, người ta đã bắt đầu thấy được điều đó. Nếu không buông bỏ sự phân biệt thì khó mà đi vào khám phá được thực tại.