Sáu câu thần chú ái ngữ
Mỗi khi ta cảm thấy cô đơn, không được ai nâng đỡ thì hãy nhớ rằng đó chỉ là một ý niệm. Ý niệm ấy không đúng sự thật. Hãy nhìn hàng cây ngoài sân. Cây đang nuôi dưỡng ta bằng vẻ đẹp, tươi mát, và dưỡng khí. Sự có mặt nuôi dưỡng ấy cũng là một hình thức của yêu thương. Không khí mát ngoài trời, thảo mộc nuôi dưỡng, dòng nước chảy vào lòng bàn tay từ vòi nước, tất cả đều nâng đỡ, hỗ trợ ta.
Nhiều người khác đã hỗ trợ ta, thương yêu ta bằng nhiều cách mà không cần nói ra rằng, “Tôi thương yêu anh”. Có nhiều người không bao giờ nói với ta câu “Tôi thương yêu anh”, nhưng ta biết rằng họ thương yêu chúng ta. Khi còn là một sa di trẻ, tôi có một vị thầy mà tôi biết rất rõ là thầy tôi yêu thương tôi, nhưng không bao giờ nói với tôi câu “Thầy thương con”. Thói thường là như thế. Nếu nói ra câu thương yêu, lời thương yêu thì cơ hồ sẽ đánh mất đi một điều gì linh thiêng. Đôi khi, ta cảm thấy biết ơn một ai nhưng ta muốn tỏ lòng biết ơn không chỉ bằng câu “Xin cảm ơn”. Hãy để ý có những cách mà người khác đã bộc lộ thương yêu mà không nói lên lời thương yêu. Cũng như thân cây, họ đã nâng đỡ, thương yêu ta bằng nhiều cách khác.
Cũng như thế, người mà ta thương yêu không biết rằng ta thương yêu họ. Nhiều lúc chúng ta muốn nói cho một ai biết là chúng ta lo lắng, thương yêu họ nhưng chúng ta không biết nói lời thế nào để cho người kia hiểu thấu tâm tình của ta.
Sáu câu thần chú là sáu câu thể hiện ái ngữ, để chứng tỏ cho một ai đó là chúng ta biết người ấy có đó trước mắt ta, là chúng ta cảm thông và lo lắng cho người ấy. Trong đạo Bụt, chúng ta gọi sáu câu ấy là sáu câu thần chú, sáu câu làm nên phép lạ bởi vì chúng có thể làm cho hạnh phúc hiển hiện tức thì.
Cũng như các thực tập khác, bạn hãy bắt đầu bằng hơi thở chánh niệm để thực sự có mặt. Rồi bạn đến với người kia, hoàn toàn trong chánh niệm, quyết tâm truyền thông với tâm thương yêu. Bạn có thể thở vào thở ra ba lần trước khi nói lên câu thần chú. Thở vào thở ra ba hơi thở là cần thiết. Ba hơi thở sẽ làm cho bạn bình tĩnh và cũng làm cho người kia bình tĩnh. Cho nên bạn biết rằng khi đến với một ai, bạn phải tươi mát, bình an và cống hiến cho người đó sự tươi mát và bình an.
Muốn cho câu thần chú có hiệu quả thì trước hết phải thở hơi thở chánh niệm, phải tươi mát trước khi nói câu thần chú. Hãy nhìn vào mắt người kia và nói lên câu thần chú. Câu thần chú có thể rất ngắn, chỉ có năm ba chữ nhưng khi nói lên bạn thực sự có mặt với người thương của bạn.
Câu thần chú thứ nhất
Câu thần chú thứ nhất là: “Anh đang có mặt đây cho em”.
Đây là món quà quý nhất mà mình có thể dâng hiến cho người mình thương. Không có gì quý hơn là sự có mặt. Dù cho mua tặng người thương một món quà đắt tiền cũng không có món quà nào quý hơn sự có mặt. Sự có mặt của ta đem đến tươi mát, vững chãi, tự do và bình an. Món quà ấy sẽ tăng thêm hạnh phúc cho người ta thương và cho chính ta. “Anh đang có mặt đây cho em.”
Thương yêu một ai là có mặt đó cho người mình thương. Có mặt là một nghệ thuật. Bạn có mặt đó một trăm phần trăm cho người bạn thương hay không? Sử dụng hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm, đem tâm về với thân để phục hồi chính mình và có mặt thực sự trong hiện thực, bây giờ và ở đây. Được như thế, có mặt cho mình và người mình thương là một hành động thương yêu.
Bạn cũng có thể sử dụng câu thần chú ấy cho chính bạn. Khi tự nói lên câu “Anh đang có mặt đây cho em” có nghĩa là tôi đang có mặt cho tôi. Tâm tôi trở về với thân tôi và tôi ý thức là tôi có một cơ thể. Đây là một phép thực tập thương yêu chính mình. Nếu bạn có khả năng có mặt với chính bạn thì bạn có khả năng có mặt với người thương của bạn.
Đây là một thực tập rất dễ chịu. Thở vào thở ra để đem tâm về với thân là một hành động rất dễ chịu. Bạn thưởng thức hơi thở, bạn thưởng thức cơ thể bạn, tâm thức bạn và câu thần chú đó sẽ có ảnh hưởng đến những người chung quanh bạn.
Bạn không cầu mong rằng sự thực tập của bạn sẽ được đáp ứng. Người kia không cần phải nói lại với bạn một điều gì cả. Khi nói lên câu thần chú, cả hai bên đều được lợi. Câu thần chú sẽ giúp bạn và người kia trở về với chính mình và về hiện tại với thời khắc mà bạn nói lên câu thần chú. Cho nên ảnh hưởng được tăng gấp đôi. Chúng ta thường nói thương yêu bắt nguồn từ hiểu biết, nhưng làm sao ta có thể hiểu nếu ta không có mặt? Tâm của ta phải có mặt bây giờ và ở đây trước khi nói lời yêu thương. Vậy thì định nghĩa thứ nhất của tình yêu là sự có mặt. Làm sao ta có thể thương yêu nếu ta không có đó? Thương yêu là có đó. Chòm cây ngoài cửa sổ đang có đó, hỗ trợ ta. Ta có đó cho ta và cho người ta thương như thân cây kia. Thực tập chánh niệm là nền tảng của tình yêu. Ta không thể yêu thương đúng nghĩa và sâu đậm nếu không có chánh niệm. Mặc dù khi ta nói câu “Anh đang có mặt đây cho em”, người kia không cần phải có mặt ở đó. Ta có thể sử dụng điện thoại. Cầm điện thoại trong tay, ta thở vào thở ra vài hơi thở để trở về với mình, với tâm bình an. Khi điện thoại reo, ta tiếp tục thở trong chánh niệm. Khi người kia bắt máy, ta sẽ hỏi người kia có rảnh một hai phút hay không. Rồi ta sẽ nói lên câu thần chú “Anh đang có mặt đây cho em”. Nếu ta có thực tập thì cách ta nói sẽ chứng tỏ cho người kia là ta đang bình tĩnh, và thực sự có mặt.
Câu thần chú thứ hai
Không nên sử dụng câu thần chú thứ hai này nếu chưa thực tập câu thần chú thứ nhất và thực sự có mặt. Vì chỉ khi đã thực sự có mặt bây giờ và ở đây thì ta mới có thể nhận diện sự có mặt của người kia. Câu thần chú thứ hai là: “Anh biết em có đó, anh rất hạnh phúc”. Ta muốn cho người thương của ta biết rằng sự có mặt của người ấy là rất quan trọng cho hạnh phúc của ta.
Câu thần chú thứ hai xác nhận rằng ta đã thực sự thấy người ấy. Đây là một điều tối quan trọng bởi vì nếu có một ai không ngó ngàng tới ta thì ta không thể nào cảm nhận được là người kia thương yêu ta. Ta có thể nghĩ rằng người thương của ta đang vì bận tâm tới một việc gì cho nên không thấy được ta. Người thương của ta có thể đang lái xe mà tâm lo nghĩ về những chuyện gì khác và không biết rằng có ta ngồi một bên trong xe. Ta không được người kia chú ý tới. Thương yêu có nghĩa là ý thức sự có mặt của người mình thương và ghi nhận rằng sự có mặt của người ấy là quý báu vô cùng. Ta sử dụng năng lượng của chánh niệm để ghi nhận và ôm ấp sự có mặt của người ta thương. Ôm ấp trong chánh niệm như thế sẽ làm cho người kia tỏa rạng như một bông hoa.
“Tôi biết em có đó và tôi rất hạnh phúc.” Câu thần chú này xác nhận lại một lần nữa rằng người kia là rất quan trọng cho ta. Câu thần chú thứ hai này, cũng như câu thần chú thứ nhất, chỉ có hiệu quả nếu ta theo dõi hơi thở có ý thức khi nói. Hãy tưởng tượng là người kia không có mặt lúc đó, người kia đã đi xa hay quá vãng. Ta có thể cảm thấy thiếu sót. Bây giờ người kia đang có đó trước mắt ta và ta rất hạnh phúc. Vì vậy mà ta phải thực tập câu thần chú thứ hai này để tự nhắc nhở rằng sự có mặt của người kia là một món quà rất quý báu cho ta.
Khi một ai nói với ta là người ấy thương yêu ta nhưng không đếm xỉa gì tới ta, không biết rằng ta có mặt tại đó thì ta không thể nào cảm nhận tình yêu của người ấy. Cho nên, nếu ta thương yêu ai thì phải ghi nhận rằng sự có mặt của người ấy là vô cùng quý giá cho ta. Câu thần chú thứ hai này cần được thực tập mỗi ngày, nhiều lần trong ngày. “Tôi biết em có đó và tôi rất hạnh phúc.”
Câu thần chú này, cũng như câu thần chú thứ nhất, có thể nói lên bất cứ lúc nào – trong sở làm, trong bữa ăn, hay qua điện thoại. Ta cũng có thể gửi qua email cho một người ở xa, hay lâu không gặp. Hai câu thần chú ấy nếu chưa quen nói thì khi nói ra lần đầu có vẻ “ngượng ngập”, nhưng khi thấy rõ hiệu quả thì dễ nói ra hơn. Với hai câu thần chú này, ta và người kia có thể cảm thấy hạnh phúc ngay lập tức, nhanh hơn cả ly “cà phê uống liền” (instant coffee). Nhưng ta phải nhớ một điều, một câu thần chú chỉ có hiệu quả khi ta biết thể hiện sự có mặt của mình và nói lên trong chánh niệm.
Câu thần chú thứ ba
Hai câu thần chú thứ nhất và thứ hai có thể nói lên bất cứ lúc nào, trái lại, với câu thần chú thứ ba, bạn chỉ nói lên khi cảm thấy người kia đang đau khổ. Câu thần chú thứ ba này có thể giúp người kia bớt đau khổ ngay. “Tôi biết em đang đau khổ, và vì vậy tôi đang có mặt cho em.”
Nhờ có chánh niệm mà ta có thể biết rằng có điều gì không hay, không tốt đã xảy ra cho người ta thương. Mỗi khi người ta thương đau khổ, ta có xu hướng muốn làm một việc gì để giúp người ấy. Nhưng ta không cần phải làm gì nhiều, ta chỉ cần có mặt đó cho người ta thương. Đây là tình yêu chân thật. Tình yêu chân thật cần có chánh niệm.
Khi ta đau khổ mà người ta thương không hề biết tới, ta sẽ đau khổ nhiều hơn. Trái lại, khi người kia biết là ta đang đau khổ và có mặt ở đó với ta thì ta sẽ bớt đau khổ tức thì. Không phải mất nhiều thì giờ. Vậy thì ta hãy sử dụng câu thần chú này để giúp người khác bớt đau khổ.
Câu thần chú thứ tư
Câu thần chú thứ tư là câu khó nhất cho những người nhiều tự ái. Ta sử dụng câu thần chú thứ tư này khi ta đau khổ và tin rằng người kia đã làm cho ta đau khổ. Điều này thỉnh thoảng có thể xảy ra. Nếu có một người mà ta không gần gũi gì mấy và không mấy để tâm đã nói ra một điều gì hay làm một việc gì trái chống thì ta sẽ không đau khổ gì lắm. Nhưng nếu người mà ta thương yêu nói lên lời chỉ trích, trách móc thì ta sẽ vô cùng đau khổ. Nếu vì đau khổ và không nhìn sâu vào nỗi khổ của mình, mở lòng thương mình và thương người ấy thì ta sẽ có ý trừng phạt người đã làm cho ta khổ. Khi ta đau khổ thì ta thường nghĩ rằng lỗi là do ở người kia bởi vì người ấy đã không hiểu rõ hay thương yêu ta đủ. Nhiều người trong chúng ta thường có xu hướng muốn trừng phạt người khác. Một lý do khiến ta muốn trừng phạt người khác là để chứng tỏ rằng ta có thể sống mà không cần đến người ấy.
Nhiều người đã phạm lỗi lầm ấy. Chính tôi cũng phạm lỗi lầm ấy. Nhưng mà chúng ta học được bài học. Chúng ta muốn chứng tỏ cho người kia biết rằng không có người ấy thì chúng ta vẫn sống còn như thường. Đó là một cách gián tiếp để nói rằng: “Tôi không cần anh”. Nhưng sự thật không phải là như thế. Sự thật là khi đau khổ chúng ta cần đến những người khác.
Khi đau khổ, ta phải nói cho người khác biết là ta đau khổ và cần được giúp đỡ. Thường thì chúng ta làm ngược lại. Ta không muốn tìm giúp đỡ nơi người khác. Vì vậy, ta cần đến câu thần chú thứ tư: “Tôi đang đau khổ, xin hãy giúp tôi!”.
Nếu ta không thực tập câu thần chú ấy thì ta sẽ đau khổ. Nếu có người nhận biết là ta đang đau khổ, muốn an ủi ta và hỏi ta: “Anh đang đau khổ phải không?” thì ta có xu hướng trả lời: “Đau khổ à? Tại sao tôi lại đau khổ?”. Ta biết rằng nói như thế là không thật. Ta đang khổ hết mức mà vẫn giả vờ là không khổ. Ta chối bỏ sự thật để trừng phạt người kia. Nếu người ấy đến đặt bàn tay lên vai ta thì ta hất tay người ấy đi. “Để tôi yên. Tôi có can chi đâu!”. Nhiều người trong chúng ta đã phạm lỗi lầm như thế. Nhưng chúng ta có thể học hỏi.
Khi thực tập câu thần chú thứ tư này, ta sẽ xử lý ngược lại. Ta phải thừa nhận đau khổ của ta. Câu thần chú này có thể nói dài hơn nếu cần: “Tôi đang đau khổ. Tôi muốn anh biết cho tôi điều đó. Tôi không hiểu tại sao anh lại nói như thế, làm như thế. Xin nói cho tôi biết và xin giúp tôi”. Đó là tình yêu đích thực. Câu “Tôi không đau khổ, tôi không cần ai giúp” không phải là ngôn ngữ của tình yêu đích thực. Mai đây, khi ta cho rằng ta đau khổ vì một ai đó thì hãy đọc lại câu thần chú thứ tư này để biết là ta phải xử lý như thế nào.
Theo thực tập tại Làng Mai, ta có quyền đau khổ hai mươi bốn giờ nhưng không được lâu hơn. Thời hạn chót là hai mươi bốn giờ và ta phải thực tập câu thần chú thứ tư này trước thời hạn đó. Ta có điện thoại. Ta có máy vi tính. Tôi tin chắc rằng mỗi khi ta quyết định nói ra hay viết vào máy niềm đau nỗi khổ của ta thì ta sẽ cảm thấy nhẹ bớt khổ đau tức khắc. Nếu ta không đủ bình tĩnh để thực tập câu thần chú thứ tư thì hãy viết lên giấy tâm tư đau khổ của mình và để lên bàn hay một nơi nào để người kia có thể thấy và đọc được.
Câu thần chú này có thể chia ra làm ba phần.
Phần thứ nhất của câu thần chú là “Tôi đang đau khổ và tôi muốn anh biết cho tôi điều đó”. Đó là chia sẻ tâm tình với người mình thương. Chia sẻ lúc hạnh phúc cũng như lúc đau khổ.
Phần thứ hai của câu thần chú là “Tôi sẽ cố gắng”. Nghĩa là “Tôi sẽ thực tập chánh niệm và khi tôi giận, tôi sẽ không nói lên điều gì có thể gây xúc chạm cho tôi và cho người kia. Tôi sẽ thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm và nhìn sâu vào niềm đau nỗi khổ của tôi để tìm ra cội nguồn của khổ đau. Tôi nghĩ rằng anh đã làm cho tôi đau khổ nhưng tôi biết rằng tôi không nên tin chắc là như thế. Tôi sẽ nhìn sâu để xem đau khổ của tôi có phải là do một ý niệm sai lầm hay không. Có thể anh đã không cố ý nói ra những lời lẽ như thế, anh không muốn hành động như thế. Tôi sẽ cố gắng thực tập nhìn sâu hết lòng để nhìn ra cơn giận của tôi và ôm ấp cơn giận của tôi với tất cả sự hiền dịu.”
Phần thứ hai của câu thần chú này cũng là “lời mời người kia cùng thực tập như mình”. Khi người kia nhận được bức thư thì người ấy có thể tự nhủ: “Trời ơi, tôi không biết là anh ta đã đau khổ như thế. Tôi không biết là tôi đã nói gì hay làm gì mà anh ta đã đau khổ như thế”. Đó là một lời mời mọc để người kia thực tập nhìn sâu. Nếu một trong hai người tìm ra được nguyên nhân thì người ấy phải tức thời đến với người kia để nhận lỗi và xin lỗi rằng mình đã không khéo léo và để cho người kia bớt khổ.
Vậy thì phần hai của câu thần chú này là nhằm khuyến khích cả hai bên thực tập nhìn sâu để biết việc gì đã xảy ra và tìm hiểu nguyên nhân chính xác đã gây nên đau khổ. Đây là một lời ghi nhận rằng người kia đang tỉnh thức và đang thực tập hết lòng, cũng như ta đang thực tập hết lòng.
Phần thứ ba của câu thần chú là “Xin giúp tôi”. Phần này có ý nghĩa là ta không thể tự mình tìm ra nguyên do. Cả hai bên cần giúp nhau. Đây có thể là phần khó nhất của câu thần chú.
Tóm lại, câu thần chú thứ tư là: “Tôi đang đau khổ. Tôi muốn anh biết cho tôi điều đó. Tôi cố gắng hết lòng. Xin hãy giúp tôi”.
Câu thần chú thứ năm
Câu thần chú thứ năm là “Đây là giây phút hạnh phúc”. Khi gần một người ta thương, ta có thể nói lên câu thần chú này. Đây không phải là tự kỷ ám thị hay là mơ ước bởi vì những điều kiện của hạnh phúc đang có đó. Nếu ta không chánh niệm thì ta không thể nhận ra. Câu thần chú này cũng nhắc nhở ta đã may mắn có được biết bao điều kiện hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta thở và cảm thấy rất dễ chịu. Chúng ta đang còn có nhau. Chúng ta có bầu trời xanh và quả địa cầu nuôi dưỡng. Cùng ngồi, cùng đi với người kia bạn có thể đọc lên câu thần chú này để cảm thấy là bạn hạnh phúc biết chừng nào.
Để biết được đây là một giây phút hạnh phúc đòi hỏi chúng ta phải có chánh niệm. Ta cũng như người thương của ta có thừa điều kiện để được hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Nhờ chánh niệm mà giây phút này đã trở thành giây phút mầu nhiệm. Chúng ta có thể thực tập để chế tác hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Tại sao chúng ta trông chờ để được hạnh phúc? Tại sao cứ mãi trông chờ? Với chánh niệm, ta có thể có hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây.
Câu thần chú thứ sáu
Ta sử dụng câu thần chú này khi có một ai khen ngợi hay chỉ trích ta. Trong cả hai trường hợp đều có thể áp dụng như nhau.
Câu thần chú thứ sáu là “Anh có thể đúng một phần nào”.
Tôi có lẫn ưu điểm cũng như khuyết điểm. Nếu ai khen, tôi sẽ không quá tự hào mà quên những yếu kém của tôi. Nếu ai chỉ trích, tôi sẽ không bị ám ảnh mà không biết rằng tôi còn có những điểm tích cực.
Khi ta chỉ nhìn vào những gì tốt đẹp nơi một người khác, ta có xu hướng bỏ qua những gì không mấy tốt đẹp nơi người ấy. Là con người, chúng ta đều có ưu điểm và khuyết điểm. Cho nên, nếu có ai ca tụng ta quá lời, cho rằng ta là tuyệt hảo thì ta có thể nói: “Bạn có thể đúng một phần nào đấy thôi. Bạn cũng biết đấy, rằng tôi còn có những yếu kém”. Như thế, ta sẽ giữ được thái độ khiêm nhường. Ta sẽ không trở thành nạn nhân của ảo tưởng tự cao bởi vì ta biết là ta không hoàn hảo. Đây là một điểm quan trọng. Khi nói lên câu thần chú thứ sáu, ta tỏ thái độ khiêm nhường.
Cũng vậy, nếu có ai chỉ trích ta, ta có thể trả lời rằng người ấy chỉ mới thấy được một phần của sự thật mà không thấy những ưu điểm của ta. “Bạn chỉ mới nói lên một phần sự thật mà thôi. Trong tôi còn có những ưu điểm nhưng bạn không thấy đấy thôi!”
Nếu có ai chỉ trích ta thì ta có thể trả lời: “Anh chỉ nói đúng một phần nào thôi. Tôi cũng có nhiều điểm tích cực”. Ta có thể trả lời như thế trong im lặng hay nói lên bằng lời nhã nhặn: “Anh chỉ thấy một phần của tôi thôi, không phải toàn phần của tôi. Trong tôi có nhiều điều tích cực hơn nhiều lắm”.
Câu thần chú thứ sáu là sự thật. Ta không nói dối và không khiêm nhường giả dối. Ta chỉ nói lên câu thần chú, nói cho người kia nghe hay nói thầm với mình. Trong ta có nhiều đức tính tốt đẹp mà cũng có nhiều thiếu kém. Ta chấp nhận cả hai. Nhưng chấp nhận như thế không cản trở ta phát triển những đức tính tốt hay ngăn ngừa những thiếu kém.
Chúng ta có thể sử dụng phương pháp ấy khi suy xét một người khác. Ta chấp nhận người khác cũng như ta chấp nhận chính ta. Ta biết rằng những gì người ấy biểu hiện chỉ là một phần của người ấy. Trước khi phán xét la mắng một người khác, ta phải nhìn sâu. Có người rất nhạy cảm. Chỉ một lời trách móc nhẹ cũng đủ làm cho người ấy khổ sở. Chúng ta chấp nhận chính mình với tất cả yếu kém và sẽ được bình an. Ta không phán xét ta. Ta chỉ chấp nhận. Tôi có những đức tính và những yếu kém, nhưng từ từ tôi sẽ cải thiện. Nếu nhìn vào ta như thế thì ta cũng sẽ nhìn người khác như thế, nghĩa là không phán xét. Mặc dù người kia có nhiều yếu kém nhưng người ấy cũng có nhiều tài năng, nhiều điểm tích cực. Không ai là không có những điểm tích cực. Cho nên nếu có ai phán xét ta một cách sai lầm thì ta phải nghĩ rằng người ấy chỉ nói đúng một phần nào mà thôi. Người ấy chỉ thấy một khía cạnh nào đó của ta chứ không phải toàn thể con người của ta. Và ta không vì thế mà đau khổ.
Chúng ta có thể sử dụng sáu câu thần chú này để thắt chặt mối quan hệ của chúng ta với người khác. Elizabeth, một người bạn của tôi, gần đây có chia sẻ với tôi rằng cô ấy đã sử dụng các câu thần chú ấy trong nhiều trường hợp. Cô có một người chị lớn hơn cô một tuổi. Hai người cùng lớn lên. Nhưng qua năm tháng, khi trưởng thành Elizabeth có tính hay “lên tiếng dạy dỗ” chị, khuyên bảo chị làm này nọ, khiến cho người chị lắm khi phản ứng mạnh.
Nhờ thực tập chánh niệm mà Elizabeth đã ý thức hơn về những điều mình sắp nói. Cô biết thay đổi thói quen là rất quan trọng. Khi đến thăm chị, Elizabeth thực tập câu thần chú thứ hai: “Em biết chị có đó và em rất hạnh phúc”.
Elizabeth cảm nhận sự có mặt của chị cô ấy, trong thâm tâm cô ấy trân quý sự có mặt của chị trong đời sống của mình, và biết rằng chị mình đã cố gắng hết lòng.
Elizabeth cũng đã áp dụng câu thần chú trong đời sống vợ chồng. Mới đầu, mỗi khi chồng nói một điều gì làm cô bực mình thì cô tức thì phản ứng với ý muốn trừng phạt. Bây giờ thì cô đã dịu dàng đến với chồng và sử dụng câu thần chú thứ tư: “Anh nói gì mà em không hiểu lắm. Anh nói lại cho em nghe đi!”. Chồng của Elizabeth sẽ trả lời và thường thường thì cô khám phá ra rằng lời chồng nói không liên quan gì mấy tới mình. Nhiều lúc chỉ là vì một chuyện gì khác. Câu thần chú này đã “mở cửa” để cô thấy việc gì đang xảy ra cho chồng.
Nhiều khi Elizabeth nói với chồng một điều gì khiến chồng phản ứng mạnh và cô đã phản ứng trở lại. Nhưng rồi cô thực tập câu thần chú thứ ba: “Em biết anh đang đau khổ và em có mặt đây cho anh”. Cô hỏi chồng: “Anh giận có phải là vì điều em nói hay không? Em thực sự muốn biết chuyện gì đã xảy ra. Em xin lỗi. Em không có ý làm cho anh giận. Anh cho em biết để em hiểu vì sao điều em nói đã làm cho anh giận”.
Elizabeth cũng nói với tôi về một việc xảy ra khi cô ở Làng Mai. Tại vườn hoa trong làng, cô đã hái những cánh hoa hồng sắp rụng để nấu trà. Một bác làm vườn thấy thế đã nặng lời trách cô, đáng lẽ ra là để hoa cho tất cả mọi người cùng ngắm. Elizabeth trả lời rằng cô không hái những cánh hoa tươi mà chỉ hái những cánh hoa héo. Nhưng bác làm vườn vẫn không bằng lòng. Elizabeth đến tham vấn một sư cô trong làng. Sư cô cắt nghĩa rằng gần đây có người đã ngắt hoa hồng cho riêng mình và bác làm vườn rất bực mình. Sư cô nói, “Chỉ vì chị gặp lúc bác làm vườn đang bực mình”. Sau đó, Elizabeth đã tới gặp bác làm vườn và nói, “Tôi đã hiểu tình trạng đã xảy ra trước đây. Từ nay, nếu bác muốn, tôi sẽ không ngắt hoa nữa đâu!”. Bác làm vườn đang chuẩn bị một chuyến đi sang Đức. Elizabeth thực tập câu thần chú thứ nhất: “Tôi có mặt đây cho bác” và nói với bác làm vườn rằng trong thời gian ông vắng mặt, cô ấy tình nguyện tưới vườn và chăm sóc các cây hoa hồng.
Một thiền sinh khác của khóa tu chia sẻ rằng anh đã rất đau khổ trong khóa tu. Anh đã thực tập câu thần chú thứ tư: “Tôi đang đau khổ, xin giúp tôi” và nói với người bạn cùng phòng rằng anh không muốn nói chuyện nhiều mà chỉ muốn có không gian cho riêng mình. Điều này giúp những người bạn cùng phòng hiểu chuyện gì đã xảy ra, không lấy làm phiền lòng và chấp nhận rằng anh ta không muốn gần gũi thân mật với các bạn cùng phòng. Biết được ý muốn của anh bạn thiền sinh và nhu cầu được giúp đỡ của anh đã giúp ích rất nhiều.
Câu thần chú thứ sáu là một câu mà ai cũng có thể thực tập được trong gia đình. Trẻ em cũng thực tập được. Lắm lúc trẻ em cảm thấy bất lực trong gia đình. Với chánh niệm, chú tâm và thực tập câu thần chú thứ sáu, các em đó có phương cách xử lý. Nói lên câu thần chú thứ sáu với tất cả thương yêu và sự có mặt của mình, các em có thể thay đổi tình hình – có khi rất căng thẳng – tức khắc. Câu thần chú ấy cũng giúp cho cha mẹ nói lên những lời yêu thương thay vì nghiêm khắc khi nói chuyện, dạy dỗ con cái. Khi gia đình không có quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái, cả hai bên đều đau khổ, câu thần chú thứ sáu là cơ hội thực tập ái ngữ, lắng nghe sâu và mở lối truyền thông. Nhờ đó mà có sự cảm thông, hiểu biết nhau và tình yêu sẽ là tình yêu chân thật vì đã được xây dựng bằng sự hiểu biết.
Truyền thông với tâm thương yêu trong các quan hệ tình cảm
Sử dụng được sáu câu thần chú với người mình thương là xây đắp một mái ấm. Lắng nghe mình với tâm thương yêu là trở về với mái ấm. Sử dụng truyền thông với tâm thương yêu với người thương là mời người ấy trở về với mái ấm. Bởi vì người thương của ta cũng cần một mái ấm, một nơi để ẩn trú. Khi ta đã có một mái ấm để trở về thì ta sẽ có thể giúp người kia. Ta vững tin và giúp người ấy vững tin. Người ấy sẽ tìm về với ta như là một tổ ấm, nương tựa ta để xây đắp một mái ấm cho riêng mình.
Ta không cần một chiếc iPhone để làm việc đó. Ta cần đôi mắt để nhìn người ấy với thương yêu. Ta cần đôi tai để lắng nghe với thương yêu và cái miệng để nói lời ái ngữ. Khi người thương của ta có thể trở về với mình thì mối quan hệ của ta với người ấy là một quan hệ chân thật, bởi vì ta và người ấy đều cùng trở về với chính mình dưới một mái ấm. Đừng ngần ngại dành cho người kia một không gian riêng để họ có thể trở về lắng nghe mình. Khi ta cũng có không gian cho riêng ta thì ta có thể tìm thấy mái ấm trong ta và cả trong người kia. Đây là một mái ấm chung cho cả hai người cùng chia sẻ. Mái ấm là nền tảng của tất cả mọi quan hệ của ta. Nếu ta muốn giúp cộng đồng xã hội, hay quốc gia thì trước hết ta phải có một mái ấm để làm cứ địa. Khi ta đã có một mái ấm thực sự trong ta và trong mái ấm đó ta cảm thấy hạnh phúc, vững chãi, an ninh thì khi đó ta có đủ điều kiện để đi ra giúp đỡ và xây đắp một cộng đồng đầy từ bi, thương yêu.