Văn nghệ sĩ

Gia tài văn chương Việt Nam của tôi

Thưa quý vị độc giả, tập 3 cuốn hồi ký 60 năm theo Thầy học đạo và phụng sự này tôi dành cho văn nghệ sĩ. Tập này tuy tôi viết ra mà không hẳn là hồi ký của tôi, có nhiều tấm lòng trong này, nhiều nhất là Thầy tôi. Vì như tôi đã kể trong tập Một, khi tôi vừa học xong tiểu học ở tỉnh nhỏ Bến Tre thì được vào Lycée Marie Curie ở Sài Gòn và học toàn bằng tiếng Pháp tới khi thi tú tài toàn phần, sau đó học cử nhân cũng bằng tiếng Pháp, làm luận án cũng bằng tiếng Pháp và rồi đi Pháp trình luận án cũng bằng Pháp văn, nên văn hoá Việt Nam tôi rất dở. Tôi chẳng biết Hoàng Cầm, Hồ Dzếnh, Xuân Diệu là ai, Nguyễn Du là ai! Trong khi tôi hát thuộc lòng những bài ca Pháp như Mon Beau Sapin, Petit Papa Noel, Colchiques dans les Prés, Une Chanson Douce, đọc vanh vách thơ Verlaine, Alfred de Musset, Lamartine, thuộc từng tình tiết Les Misérables của Victor Hugo, Les Mains Sales của Jean-Paul Sartre, Le Rouge et le Noir của Stendhal, thì tôi hoàn toàn không biết một bài dân ca Việt Nam, một nhà văn Việt Nam nào cả! Tất cả 100% gia tài văn hoá Việt Nam nhỏ xíu mà tôi có được hôm nay hoàn toàn nhờ ở Thầy tôi – Thầy Thích Nhất Hạnh.

Khi mới nhận được thư Thầy từ Hoa Kỳ trong khoảng thời gian Thầy đi khảo cứu về Tôn giáo tỷ giáo năm 1961, tôi “ngạc nhiên” nghe Thầy thuật: “Con biết không, hôm nay Đại học Princeton mời thầy nói chuyện chút ít về văn hoá Việt Nam, thầy bắt đầu bằng trình bày bản nhạc Về miền Trung của Phạm Duy: Người đi trên đống tro tàn… tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi! Và thầy xấu hổ quá vì ai cũng thấy thầy chảy nước mắt…” Tôi bâng khuâng, hơi khó hiểu. Dù là tan thân thiếu phụ nát đầu hài nhi nhưng đó chỉ là… bài hát mà! Sao Thầy lại rươm rướm nước mắt?

Tôi đọc tiếp “Đó là những hình ảnh thật, đang xảy ra trên đất nước mình, và nó cứ ám ảnh thầy hoài. Đất nước Việt mình khổ đau không phải chỉ có các xóm nghèo của con như xóm Mả Lạng sau rạp Quốc Thanh đâu. Trong khi con đang sống an bình ở Sài Gòn thì có những vùng đất nước mình bị bom đạn cày xới và tan thân thiếu phụ nát đầu hài nhi là những gì có thật đang xảy ra ở những vùng quê miền Trung xa xôi của đất nước. Con đã nghe bản nhạc Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy chưa? Mẹ thầy cũng là bà mẹ Gio Linh đó con ạ. Cũng vất vả và can cường lắm”. Tôi tin Thầy tôi, nên cũng có cảm thương, nhưng chỉ cảm thương trên mặt lý trí thôi.

Sau đó, vâng lời Thầy dạy tôi đã tìm mua đọc tiểu thuyết Đồng quê của Phi Vân, Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam để thấy được những nét đẹp đơn sơ dân dã và những tập tục rất đặc biệt của người dân quê Nam bộ. Để hiểu đồng bào lam lũ miền Bắc, Thầy dạy tôi tìm đọc Nhà nghèo của Tô Hoài. Thương cảm quá các bé nghèo, vì đói đi bắt cua bị rắn cắn chết. Tôi uất ức và xót thương khi đọc Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Để hiểu và thương người dân quê miền Trung, Thầy dạy nên đọc Nằm vạ của Bùi Hiển. Đọc sách tôi mới thấm thía, mới cảm nhận được những nép đẹp dân dã đơn sơ, cảm được sâu sắc những tình tiết oan ức, khổ đau của những người bất hạnh hơn tôi. Tôi hiểu thấu hơn những lời dạy dỗ của nội tôi, những căn dặn của ngoại tôi khi mùa đông về nhớ mua chiếu cho người nằm co ro ngoài chợ, nhớ lại ba má tôi vẫn thường giúp vốn giúp ruộng cho những tá điền nghèo khổ những ngày tôi còn bé thơ. Nhờ đọc những sách này mà tôi chạm được, tôi cảm thương sâu xa được với đồng bào nghèo khó bị áp bức. Tình yêu dân tộc, yêu quê hương trong tôi càng ngày càng cụ thể. Tôi không yêu nước một cách chung chung nữa mà tôi thấm thật sâu, quyết định phải làm gì cụ thể cho từng cá nhân đó, từng em bé mất cha mẹ đó, giúp tạo dựng cho từng gia đình đó có cơ hội có nghề nuôi thân và gia đình.

Vì thế trong chiến tranh Việt Nam tôi không đi biểu tình đả đảo hoan hô chính phủ này, đòi hỏi chính phủ kia. Những người đó hôm nay tốt như vầy, hứa chân thật như vầy, nhưng khi có quyền mà không tụng giới luật, không đàm luận cách áp dụng cụ thể những điều đã hứa vào thực tế, không nhẹ nhàng soi sáng cho nhau, thì dù đã phát nguyện đi theo đường hướng tốt đẹp nhưng chưa chắc gì họ thực hiện được và rồi cũng không đem lại lợi ích cho ai. Tôi cũng không kêu gọi hoà bình một cách chung chung mà tham gia nhiều công tác thiết thực. Tôi phổ biến những bài thơ của Thầy như:

Những đêm bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn 

Từng miếng cơm nhai, từng bầu sữa cạn.

Bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm, 

Nuôi nấng cho con nên hình nên vóc

Sáng nay một viên đạn đồng bắn con ngã gục 

Mẹ sống làm sao được nữa con ơi

Chị sống làm sao được nữa em ơi 

Thương yêu chừng nào vơi.

Tôi cũng làm đủ thứ công tác dù rằng nhỏ nhưng mà xây dựng cụ thể giúp được em bé này có cơm ăn có điều kiện đi học – học đời và học đạo đức, giúp được gia đình kia có nóc nhà, có hạt giống tốt để gieo trồng gặt hái tự nuôi. Nhưng tuần lễ nào dù phải làm việc 20 giờ mỗi ngày chúng tôi cũng quyết giữ một ngày tĩnh tu tại chùa Pháp Vân, tập dừng lại, để sự đời qua một bên, tụng giới, pháp đàm giới để giữ tâm an, giữ tâm tri túc (biết đủ) và để tâm không bị danh lợi kéo đi.

Những bài học văn hoá sống

Khi theo Thầy đi kêu gọi cho hoà bình tôi học thêm được rất nhiều về văn hoá Việt Nam nhờ nghe Thầy kể chuyện, thấy Thầy hành xử và được Thầy chỉ dạy chút ít việc này việc kia. Dần dần nếp sống Việt Nam thấm vào tôi cũng khá.

Ai khen thì mình khiêm nhượng đáp lại: “Dạ thưa con không dám ạ” (theo lối Việt) hoặc “Thank you” (theo lối Mỹ) hay “Merci infiniment” (lối Pháp).

Mình ở trong nhà với ai, dù không phải là cha mẹ, vẫn phải đi thì thưa cho biết con đi đâu, về cũng phải thưa con đã về.

Đi thưa về trình là vậy. Trẻ em Việt nào cũng được dạy “Con thương cha mẹ con để ở đâu?” Trả lời: “Dạ con để trên đầu”. Với người Việt cái đầu là chỗ thiêng liêng để thờ cha mẹ ông bà. Nói chuyện với người lớn người mình kính trọng thì không được sờ đầu vì làm vậy là vô lễ,…

Mời Thầy đi ăn cơm thì phải thưa: “Con thưa Thầy đi thời cơm”. Nhưng nếu sư em mời mình thì không được đáp: “À sư chị sẽ thời cơm!” Ý tứ từng chữ.

Những bài Thầy dạy chúng tôi tu thông qua Truyện Kiều cứ thấm dần dần. Cũng là truyện KIỀU nhưng không phải KIỀU của các giáo sư văn chương ở nhà, KIỀU này qua cái nhìn của thiền quán. Thầy chỉ cho chúng tôi thấy từng chữ, từng câu trong Kiều đẹp như một chuỗi ngọc. Ban đầu, chúng tôi yêu cầu Thầy mở lớp dạy cho có đầu có đuôi và nhân đó thu thanh cho những đệ tử ở xa Thầy cũng được học, nên đầu tiên chúng tôi có một loạt cassettes về những bài giảng Kiều qua cái nhìn thiền quán. Sau này vì thiên hạ thích thú quá, chúng tôi đánh máy ra thành sách Thả một bè lau. Cứ nghe Thầy dạy nhiều lần, thấm từ từ, từng câu từng ý, thâm thuý mà từ bi. Nhờ thế cô Tây con thời trung học của tôi dần biến mất. Bản chất Việt lộ ra rất Việt. Một ngày hè ở Paris, tôi mặc áo lụa trắng, tóc còn để dài kéo qua một bên, đi xe mobylette tới khu La Tinh mua tàu hũ và thăm các tiệm sách. Các bạn thanh niên Việt Nam tới trầm trồ: “Cô mặc áo lụa trắng khiến chúng tôi nhớ quê hương quá! Cám ơn cô con gái Việt Nam.”

Sau tháng 4 năm 1975, tôi tuyệt vọng và không còn hứng thú để sống nữa, chừng đó tôi mới tu thiệt!

Sau tháng 4 năm 1975, không còn các hoạt động cứu giúp cô nhi, tái thiết giáo dục tại các Làng của chúng tôi nữa. Khi không được phép làm bất cứ việc gì để giúp cô nhi và những đồng bào cực khổ, tôi tuyệt vọng vô cùng và nhiều lúc không còn hứng thú gì để sống cả.

Chừng đó, những điều Bụt dạy qua Kinh người biết sống một mình mới thật sự thấm thía. Tôi phải bám lấy hơi thở và phút giây hiện tại. Nếu rời phút giây hiện tại ở Phương Vân Am là tôi muốn ngủ yên để không còn thức dậy nữa. Trong nhiều tháng tôi thực tập miên mật thiền chỉ – DỪNG LẠI – chỉ bám vào hơi thở và sống từng phút giây với những gì đang xảy ra trong hiện tại. Hiện tại của tôi lúc đó, sau khi đóng hết hồ sơ cô nhi, nạn nhân chiến cuộc vào nhà kho trên gác Phương Vân Am, là những cánh đồng lúa mì trải dài lên đồi cao phía sau Am và rừng sồi xa xa trước mặt. Hiện tại của tôi lúc đó là vườn rau Việt Nam trên đất Pháp có ngò, tần ô, có cải bẹ to để muối dưa, có cà chua, đậu que và rất nhiều bí ngô, rhubarbe (cây đại hoàng). Hiện tại của tôi là khu rừng nhỏ cạnh Am, là ngọn đồi đầy hoa phục sinh (Paquerettes) – một loại cúc trắng nhỏ xíu, rồi cánh đồng ấy lại tràn ngập hoa nút vàng (Boutons d’or – Buttercups), là những cánh đồng hoa dại Chicorées xanh biếc, những cánh đồng hoa việt quất (Bleuets – Blueberries) xanh tím, ngọt lịm, rồi từ từ hoa anh túc (Coquelicots – Poppies) nở rộ đỏ chói quanh am. Nhờ tập không nghĩ đến Việt Nam nên tâm tôi từ từ bình an và thỉnh thoảng chợt nảy ra những cái thấy rất sâu và tinh tế. Ví dụ như tôi chợt có sáng kiến có thể giúp các trẻ em đói tại quê nhà mà không phải qua guồng máy ngân hàng Nhà nước bằng cách gửi nhiều gói hàng nhỏ cho những gia đình cha bị đi học tập, mẹ chết hay đang bị bệnh suyễn không nuôi nổi đàn con thơ. Như đã kể trước, tôi giúp mười gia đình rồi hai mươi rồi ba mươi, năm mươi gia đình… và có cả 38 nhóm nho nhỏ cùng làm như tôi.

Sáng kiến gửi niềm hứng khởi đến văn nhân, nghệ sĩ

Nhưng một hôm trong khi ngồi thiền, tâm tôi lại đi lạc vào khung trời Việt Nam, lại tuyệt vọng tự nhủ “Hàng trăm ngàn binh sĩ, sĩ quan Việt Nam Cộng hoà đang phải nằm trong các trại tù lớn, hàng trăm ngàn gia đình của từng người bị tù oan ức đó hiện sống ra sao? Vợ con những người đó đang nheo nhóc có ai đỡ đần không? Vài ngàn hộp quà cho các gia đình có cha đi học tập, mẹ bị bệnh của 38 tiểu ban nhỏ nhoi của tôi thì thấm vào đâu so với 50 triệu dân Việt Nam?” (Thời điểm 1975 – 1976 dân số Việt Nam mới khoảng 50 triệu người thôi).

Trong giờ thiền chỉ, không tìm cầu gì hết thế mà trong tâm tôi vọt ra sáng kiến: Hay là ta bắt đầu giúp những thành phần ưu tú, xuất sắc của xã hội Việt từ Nam ra Bắc. Nguyễn Du thì đất Việt chỉ sinh ra một lần. Một Nguyễn Trãi, một Lê Lợi, một Trần Thái Tông, một Trần Nhân Tông, một Bà Huyện Thanh Quan, một Nguyễn Đình Chiểu, một Shakespere, một Van Gogh, một Victor Hugo… Nhà văn nào cũng duy nhất, hoạ sĩ nào, nghệ sĩ nào cũng duy nhất. Vậy thì tại sao tôi không tìm cách giúp nhạc sĩ Lê Thương, thi sĩ Hoàng Cầm, thi sĩ Hồ Dzếnh, hay nhà văn Doãn Quốc Sĩ mà tôi vốn rất quý mến sau khi đọc Ba sinh hương lửa, Khu rừng lau, hay cụ Đào Duy Anh… Nhưng làm sao để liên lạc được với họ?Để mở đầu cho chương nói về công trình tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc, khơi lại nguồn hứng khởi nơi các văn nghệ sĩ, tôi xin bắt đầu bằng cách chép trọn một bài Thầy giảng tại Tu viện Lộc Uyển về nhạc sĩ Lê Thương, và sau này về Lưu Trọng Lư. Tôi sẽ chỉ thêm vào đây những chi tiết thiếu thôi.

Chân dung nhạc sĩ Lê Thương