Thầy đã kiếm được mảnh đất đó với ước muốn thành lập một nơi tĩnh cư như thế nào?
Vào khoảng Vu Lan năm 1957, tôi nói với chị Diệu Âm: “Chúng tôi mất chiếc neo cuối cùng rồi. Có lẽ đức chúng tôi đang còn mỏng quá. Chúng tôi phải trở về trong một cái vỏ cứng để tu luyện trong một thời gian đã. Chị kiếm cho chúng tôi một nơi ẩn dật đi”.
[…] Và Nguyên Hưng ơi, chính trong những giờ đàm luận ấy mà chúng tôi thấy nẩy sinh trong óc cái ước muốn và dự định thành lập một khu tĩnh cư trên rừng Đại Lão. Khu ấy sẽ rất yên tĩnh, sẽ ít ai đến được. Khu ấy sẽ rộng, sẽ có đủ núi đồi, suối, vườn, tĩnh đường, thư viện, thiền thất. Chúng ta cần một nơi như thế, có phải không Nguyên Hưng? Chúng ta phải có một nơi như thế để quay về. Để chữa cho lành những vết thương rướm máu. Để nuôi dưỡng bồi đắp lại những gì chúng ta đã phí phạm. Để chuẩn bị cho một cuộc hành trình khác. Niềm tin, sự trong trắng của tâm hồn chúng ta đã bị hao tổn một cách nặng nề. Chúng ta nhận thức được điều đó, và chúng ta quyết định tìm con đường phải đi. Phải trị liệu, phải bồi đắp, phải nuôi dưỡng trước đã. Nếu không, chúng ta sẽ mất chúng ta. Tôi đã ước ao có một nơi do chúng ta tạo dựng, đích thực là của chúng ta. Như thế chúng ta mới thực hiện được công trình “tu luyện” cần thiết. Bởi vì chúng ta sẽ không thể làm được gì nếu vẫn phải sống mãi cái đời ăn gửi, nằm nhờ.
Nguyên Hưng biết, hồi đó, chúng ta đã có vào khoảng trên hai vạn cuốn sách. Núi rừng, cây, suối, thiền thất và thư viện hấp dẫn chúng ta như một dòng nước mát đối với kẻ bộ hành trong sa mạc, như gói quà trong rổ chợ của bà mẹ đối với đứa con thơ. Tôi đã bàn với Thanh Tuệ, với chị Diệu Âm. Thế là chúng tôi nhất định thực hiện cho kỳ được. Cái đời bấp bênh của chúng ta phải được rẽ qua một hướng mới.
[…]
Ngày xưa có người đành lòng lên ở chỗ nhiều thú dữ để dù rằng có bị thú dữ ăn thịt đi nữa thì cũng không đau khổ bằng sống dưới một sự cai trị hà khắc nhiều khốn đốn. Rừng Đại Lão tuy rằng không phải là một nơi đầy thú dữ, một nơi sơn lam chướng khí độc địa – trái lại; là một nơi rất đẹp, rất yên tĩnh, rất kỳ thú – nhưng còn chúng ta, cái gì đã khiến chúng ta bỏ thành thị bỏ xóm làng mà lên đây? Chúng ta, nhất là Lý và tôi, không được chế độ chấp nhận. Mà không được chế độ chấp nhận là bởi vì chúng tôi thao thức muốn nói những điều mà chúng tôi cho là sự thực. Nguyên Hưng ơi, tôi thấy rằng cái chân hoặc cái thiện bao giờ cũng phải đi với cái cường nữa thì mới có thể có chỗ đứng trên trái đất này. Ngày xưa học thơ ngụ ngôn của La Fontaine, tôi rất bất bình khi nghe nói rằng lý luận của kẻ mạnh là lý luận hay hơn cả. La raison du plus fort est toujours la meilleure! Tôi giận ứ cả cổ. Tôi ghét con chó sói lắm. Tôi vẫn tin rằng câu ấy là một câu nói mỉa mai, chớ không phải là một chân lý. Nhưng mà đã mấy mươi năm qua rồi, cuộc đời đã bao nhiêu lần cho tôi biết rằng đó là một chân lý, dù là một chân lý đáng ghét. Chân lý mà không có sức mạnh thì không có chỗ đứng. Sức mạnh không hẳn là bạo lực. Nhưng mà anh phải mạnh. Chúng ta chỉ có những cây bút nhỏ, làm sao chúng tôi chống chọi lại với một chế độ, hả Nguyên Hưng?
Và tất cả chúng ta, nào Mẫn, nào Hiện, nào Hương, nào Tuệ, nào Hưng, và bao nhiêu người khác nữa cũng không tìm được chỗ đứng của chúng ta trong tổ chức Phật giáo. Chúng ta mang tiếng là những người gieo rắc tư tưởng phản giáo lý truyền thống, những người quá khích, những người chỉ biết phá hoại. Chế độ không dung được ta mà truyền thống cũng không dung được ta. Cổ họng chúng ta bé bỏng. Nói chuyện thống nhất Phật giáo, nói chuyện hiện đại hoá lễ nhạc, giáo dục, hoằng pháp, nói chuyện về một nền Phật giáo nhân bản và dân tộc, những điều ấy chúng ta đã theo đuổi từ gần tám năm nay. Những hạt giống đã gieo, một cách vô cùng khó khăn. Trong khi chờ đợi, chúng ta gặp toàn những giông tố, những ghét ghen, những thành trì cố chấp hủ bại.