Viện Phật học Ứng dụng Á châu ở Hong Kong

Có một thầy Trung Quốc là thầy Tịnh Nhân, sau khi được dự khoá tu của Thầy bên Anh, thấy Thầy giảng cho gần 3000 người Anh ở London và dự khoá tu 700 người Anh tu năm ngày với Thầy, thầy phục quá nên đem sách Thầy về Trung quốc cho một học giả Phật tử rất được các nhà lãnh đạo Trung Hoa Lục Địa thường tham vấn ngay cả trong khi ngài Chu Ân Lai còn sống. Ông tên là Zhao Puchu (Triệu Phác Sơ), nay ông đã già, đã hưu trí nhưng tinh thần vẫn minh mẫn lắm. Ông đọc xong hai cuốn Con đường chuyển hoá (Transformation and Healing) và Buddha Body, Buddha Mind là đòi mời Thầy sang Trung Quốc dạy ngay. Nhờ vậy thầy Tịnh Nhân đã vận động cho Thầy đi dạy chính thức ở Trung Quốc và chuyến đi nào thì trạm đầu hay chót Thầy cũng ghé thăm Hong Kong. Nơi đây thầy Tịnh Nhân và thầy trưởng Ban trị sự ở HGK cũng mời Phật tử tới nghe khoảng 800 đến 1000 người. Lần thứ ba có được các chị Phật tử cư sĩ giàu có ở Hong Kong nhưng gốc Việt thấy mỗi lần Thầy mình qua Hong Kong giảng mà chỉ cho 1.000 người tới tu học thì hơi uổng nên muốn mướn một chỗ cho 10.000 người. Mướn một chỗ như vậy thì rất mắc, gần 100.000USD cho một đêm. Thầy mình nổi tiếng bên Mỹ chứ ở Hong Kong thì chưa có nhiều người biết. Chị Therese Khan đề nghị mướn hội trường lớn và vận động được ba ông nhà giàu ở Hong Kong là Li Ka-shing, Dr. Yeung và một người nữa, mỗi ông cho 50.000USD để thuê một phòng thuyết giảng cho 10.000 người trong một đêm. Đêm đầu thuyết pháp ở đại sảnh đó, người tới nghe không tới 10.000 người nhưng cũng được hơn 8.000 người. Bên Hong Kong người ta không bán vé.

Từ đó mỗi lần Thầy ghé Hong Kong là Phật tử ở đây mướn trung tâm lớn, lần nào cũng trên dưới 10.000 người đến nghe.

Thầy giảng được hai năm liên tiếp thì một hôm Dr. Yeung xin được gặp Thầy trước buổi giảng. Thầy không chịu, thầy bảo là trước khi giảng Thầy phải để tâm rất bình yên, phải thiền chỉ, thiền quán rồi mới ra thuyết pháp được cho hàng ngàn người nghe. Ông đó là một trong ba ông nhà giàu đã thuê phòng giảng cho mình. Năm sau ông xin gặp thì Thầy cho gặp.

Lúc đó mình mới mua một ngôi nhà to lập Viện Phật học Âu Châu nhưng chưa có tiền sửa chữa cho hợp tiêu chuẩn đón sinh viên vào học Viện Phật học Ứng dụng Âu Châu cho hợp pháp. Thầy nói, bây giờ có lẽ mình nên đi kêu gọi người Á Châu qua tiếp sức để mình đem đạo Bụt (là đạo của người Á châu) sang Âu châu để độ người Âu châu theo đạo Bụt là đạo của ông bà mình. Người Tây phương gốc theo đạo Thiên Chúa còn mình là nước Phật giáo. Thầy gặp ông Dr Yeung đó với mục đích kêu gọi ông đóng góp cho Viện Phật học Âu Châu – EIAB (European Institute of Applied Buddhism). EIAB thì có toà nhà quá lớn mà mình chưa đủ tài chính để sửa sang. Ông ta vừa gặp Thầy nói một câu đơn giản:

“Con gặp Thầy hôm nay để kính nhờ Thầy lập Viện Phật học Á Châu chứ không phải Âu Châu. Phật tử ở đây mà không tu tập theo pháp môn của Thầy giảng thì rất là uổng. Con muốn lập một Viện Phật học Á Châu và con có thể gửi các thầy đệ tử của Thầy đi dạy bên Trung Quốc nữa. Con có cơ sở ở Trung Quốc và có thể tổ chức cho Thầy được.”

Thầy hỏi:

“Vậy thì đạo hữu có một chỗ nào cho 120 vị ở tu không?”

Ông nói:

“Chỗ cho 120 người thì hơi sớm. Con có một chỗ, nếu các thầy ở được chùa này thì mình có thể lan ra từ từ.”

Hôm sau ông mời Thầy và một số thầy cô tới chùa Liên Trì trên đảo Lantau thì Chân Không giật mình. Chùa Liên Trì nằm sát chùa Bảo Liên, đó là hai ngôi chùa dựa trên vách núi rất đẹp. Hai ngôi chùa này là nơi rất đặc biệt trong đời của Chân Không. Năm 1968, Thầy gọi Chân Không sang Hong Kong để báo cáo cho Thầy nghe về tình hình bên nhà vì Thầy có ý định trở về Việt Nam. Chân Không đã đi hỏi quý Hoà thượng Thiện Hoa, Hoà thượng Thiện Hoà, Hoà thượng Thiện Minh, Hoà thượng Quảng Độ, Hoà thượng Quảng Liên… rồi mới qua báo cáo cho Thầy Nhất Hạnh. Quý thầy ở Việt Nam đề nghị thế nào Thầy Nhất Hạnh cũng phải ở lại, mà ở lại thì Thầy cần một phụ tá hành động giỏi, biết cách thu xếp và tổ chức như Chân Không. Thầy nói:

“Nếu Thầy ở với mấy người chưa góp phần xây dựng tranh đấu cho Hoà Bình mà đã đòi chức này chức nọ thì Thầy rất mệt. Nhưng con đã chứng tỏ đủ sức giúp thầy ở Thanh niên Phụng sự Xã hội, con đã chèo chống được rất giỏi… nên Thầy cần con ở lại để giúp Thầy.”

Chân Không không chịu:

“Ở nhà có 11.000 người ở chen chúc nơi sân Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội đang chờ con. Nhà họ bị oanh tạc và đang ở chung quanh đó, mỗi ngày con đi xin mấy chục tạ gạo cho họ ăn. Bây giờ con đi thì ai lo cho họ.”

Thầy nói:

“Gạo là của USAID cho. Hoa Kỳ bỏ bom tan nhà nát cửa nát đầu cha, tan xương mẹ… xong mình đi xin gạo của chánh quyền ấy… nên không có con thì người khác xin cũng được.”

Tối hôm đó Thầy ở chùa Bảo Liên còn Chân Không ở chùa Liên Trì. Sáng hôm sau hai Thầy trò đi thiền hành trên núi sau lưng chùa Liên Trì. Chân Không quán chiếu trong ba ngày thì lên đảnh lễ với Thầy xin ở lại. Trong cuốn Con đường mở rộng (Tập 1 hồi ký 60 năm theo Thầy học đạo và phụng sự), Chân Không có kể tại sao Chân Không ở lại với Thầy. Chùa Liên Trì là nơi Chân Không đảnh lễ Thầy và xin được ở lại để theo Thầy kêu gọi hoà bình và làm công tác xã hội. Nơi đó, 40 năm trước Chân Không đảnh lễ Thầy và 40 năm sau vị thí chủ này cúng dường cho mình chùa để làm Viện Phật học Ứng dụng Á Châu. Rồi ông cúng luôn chùa Trúc Lâm nhỏ hơn kế bên cho các thầy ở, tại vì số lượng các thầy ít hơn. Chùa Trúc Lâm cũng dựa trên vách núi linh thiêng này. Giữa chùa Liên Trì và chùa Bảo Liên có một ngôi chùa nhỏ, hơn nữa ở đó còn có bốn, năm chùa nhỏ có thể nhập lại thành chùa lớn. Hong Kong là xứ cấp visa thường trú rất khó khăn. Người Việt được cấp visa rất ít. Số lượng các sư cô là 14 người, còn bên các thầy là chín hay mười người. Chùa Liên Trì chỉ đủ chỗ cho khoảng 15 – 20 người ở rất chật nên cư sĩ tới dự khoá tu phải mướn chỗ bên ngoài gần chùa Bảo Liên. Chùa Trúc Lâm cũng vậy, chỉ đủ chỗ cho khoảng 10 – 12 thầy.

Thầy Pháp Khâm là cột trụ của Viện Phật học Ứng dụng Á Châu này. Chùa vẫn thuộc quyền sở hữu của Dr. Yeung nên mình không phải lo gì cả về cơ sở vật chất, chỉ lo tu học và giảng dạy. Dr. Yeung cúng dường toàn bộ tiền ăn và chi phí sinh hoạt căn bản của chúng xuất sĩ ở đây. Những ngày quán niệm của mình gồm cả người Việt và người Hong Kong. Chùa ở trên núi nên có xe buýt công cộng và cáp treo. Đường lên núi rất đẹp.