Ngày chánh niệm tại chùa Trúc Lâm ở Cây Quéo
Tiền thân của những buổi họp mặt tăng thân trẻ học theo thầy Nhất Hạnh là họp ở tận chùa Trúc Lâm Cây Quéo xa hơn Gò Vấp nữa. Nếu các bạn bảo tôi tả chùa Trúc Lâm ra sao thì tôi hoàn toàn không nhớ có chánh điện thờ Bụt gì, Bụt Thích Ca hay Bụt A Di Đà? Cứ xe gắn máy tôi vừa vào cổng chùa Trúc Lâm, rẽ xéo bên tay mặt là cốc bằng lá của thầy Châu Toàn xây cho thầy Nhất Hạnh. Cốc bằng tre và lá thôi nhưng rất thanh bạch. Thầy ngồi sau bàn viết và chúng tôi hai ba chị em đèo nhau vào thăm Thầy. Có khi sáu đứa, có khi chín đứa ngồi luôn dưới sàn xi măng, nghe say mê Thầy chia sẻ một bài thơ hay vài tư tưởng cách mạng làm mới đạo Phật.
Hồi này, khoảng tháng 12 năm 1964, sau những ngày cứu lụt vất vả trên sông Thu Bồn, dù bận bịu mấy thì chúng tôi, đám thanh niên sinh viên cũng có nửa ngày chánh niệm tại chùa Trúc Lâm ở ngã ba Cây Quéo, Gò Vấp. Đây là chùa của thầy Châu Toàn và thầy Đồng Bổn. Nơi này có chiếc am lá của thầy Nhất Hạnh mà sáng nào tôi cũng mang sữa nóng mua ở tiệm sản xuất sữa tươi, nấu nóng sữa, khử trùng và cho vào chai còn nóng hổi. Tiệm này ở góc đường Trần Quý Cáp và đường Trương Minh Giảng. Sáu giờ sáng tôi ghé qua Trương Minh Giảng lấy sữa, đi xe Velo Solex lên tận chùa Trúc Lâm đem cúng cho thầy Nhất Hạnh một chai sữa nóng rồi mới quay xe về lại Đại học Khoa học. Riêng sáng Chủ nhật thì chúng tôi ở luôn tại chùa Trúc Lâm Cây Quéo. Cả ba bốn chục đứa kéo nhau về chùa Trúc Lâm, bàn bạc về chuyện cứu trợ. Thầy Đồng Bổn kho nồi mít non. Nồi mít chỉ có xì dầu, nước dừa, nấu thật lâu cho mít thật mềm, béo, thanh bạch. Không có nấm rơm, nấm mèo, không nấm đông cô. Không có tàu hủ kho chung. Vậy mà ngon ơi là ngon. Thầy Châu Toàn thì chưng dọn chùa thật nghệ thuật. Một đoá hoa, một cành trúc mà cũng gợi cả cơn gió mùa xuân. Thầy Châu Toàn cắm chỉ một đoá hoa, một cành trúc nằm ở góc chùa thôi mà ôi, thật đẹp. Thầy Nhất Hạnh nằm trên võng trên hành lang chùa. Chúng tôi bu quanh Thầy để nghe Thầy đọc những bài thơ trong Chắp tay nguyện cầu cho Bồ câu trắng hiện.
Em Nghiêm Thị Bạch Tuyết với tên nhỏ là “Út Mít” kéo ra từ túi móc trên xe hàng chục hộp lon xin tiền lẻ ở các tiệm vùng Sài Gòn cho nạn nhân bão lụt năm Giáp Thìn 1964. Tôi cũng thuật sơ cách tôi chia quà trên những làng nghèo cơ cực dọc theo sông Thu Bồn. Cô bé Tuyết Út Mít này, cô bé Uyên này, cô em Thanh xinh xắn của tôi này, cô nào cũng trút ra một số hộp lon. Chỉ có Út Mít là oai nhất, nhiều hộp lon xin tiền cắc nhất. Đây nè, còn nữa… chú em Tài này, anh Huệ Dương này, có khi có cả ba chàng bác sĩ của làng tình thương là bác sĩ Trâm, bác sĩ Nguyên và bác sĩ Quyền. Thỉnh thoảng cũng có cả chị Mỹ Hạnh xinh xắn này, có anh dược sĩ Bảy này, dược sĩ Xuân Lan – ý trung nhân của bác sĩ Hồ Văn Quyền, chị Đỗ Thị Nga – dược sĩ đại thí chủ của làng.
Tuyết đem trút ống lon sữa bò ra và đếm tiền trao cho chị Uyên làm thủ quỹ ghi sổ xong thì các anh chị em chúng tôi ngồi nghe thầy Nhất Hạnh đọc thơ: Ruột đau chín khúc, Đừng biến mảnh vườn xanh xưa thành mồi ngon lửa dữ. Có khi Thầy dạy Uyên hát cho Thầy nghe. Giọng hát của Uyên rất mong manh, lung linh như ngọn đèn trước gió nhưng không tắt, không giống ca sĩ nào hết nên đại chúng rất ưa giọng ca của cô sinh viên đang học Dược này. Tình cảm cô Uyên cũng thanh tú như giọng hát của Uyên. Ghi xong tổng số tiền nhận được trong tuần thì cả nhà chuẩn bị phụ thầy Đồng Bổn dọn ra cơm trắng ăn với món mít kho ngọt lừ, với rau cải xanh mới hái trong vườn chùa. Mọi người được ăn cơm picnic với món mít luộc ngon và béo ngậy ai cũng thích. Các anh Quyền, Trâm, Nguyên rất ưa cơm chay của thầy Đồng Bổn. Chị Bích, chị Điệp, Kim Chi, Phùng Thăng thì ưa các bình cắm hoa rất nghệ thuật của thầy Châu Toàn. Trương Thị Nhiên thì đúng là bà mẹ Việt Nam, lặng lẽ đi pha một “ấm” trà to tướng cho mọi người. Tình thầy trò huynh đệ anh chị em thương nhau như con một nhà.
Ngày Chánh niệm tại chùa Trúc Lâm ở Cây Quéo là thế. Còn bây giờ tôi đi quanh Chùa Lá xem nơi nào đủ chỗ cho cả “bè lũ” ngồi uống trà quanh Thầy và uống từng lời dạy dỗ của Thầy đây? Chị lớn là tôi sau khi đi quanh Chùa Lá tôi đã lẩm nhẩm tính thầm, chắc là chỗ tụ tập uống trà chung là ngồi dưới nền xi măng bao quanh Thầy như ở Trúc Lâm Gò Vấp thôi. Rồi chỗ nào chắn bớt hành lang quanh chùa để làm “phòng ngủ, che đủ kín để làm phòng cạo gió cho Thầy?” A may quá, thầy Đồng Bổn đã cho thợ xây căn nhà nhỏ bằng xi măng, gạch xám và nóc tôn để làm chỗ ngủ cho thị giả của Thầy. Mấy ngày đầu thì chú Tâm Thái và Nhất Trí làm thị giả. Căn nhà xi măng là cho thị giả, phía tuốt sau làm nhà bếp tạm nấu ăn cho quý thầy khi ghé ngang Chùa Lá sau khi dạy xong ở Viện cao đẳng chùa Pháp Hội, tương đối gần hơn về tận Trúc Lâm Cây Quéo. Ban đầu tôi nhờ chị Bảy của tôi may gấp những tấm màn dài phủ xuống tận đất như một tấm vách ngăn một góc chùa. Phía gần phòng thị giả ở ngôi nhà xi măng nóc tôn, tôi nhờ chị Bảy may hai chiếc màn lam 3 mét bề cao như vách tường dài phủ thêm một góc nhỏ sau vách làm bàn Phật để làm phòng ngủ của Thầy. Kế đó là phòng họp của thầy Nhất Hạnh, thầy Thanh Văn, anh Phúc và Uyên, Thanh, Phượng, chị Mai.