Chương 16: Làm lại từ đầu

  

Tôi như một cây cao bị cắt tận gốc

Chúng tôi không còn dịp lập thêm các trung tâm tái thiết và phát triển như đã làm, dù trước đó vẫn mơ tưởng rằng khi chiến tranh chấm dứt, các công tác sẽ gia tăng rất nhanh, rằng không còn bom đạn, anh em chúng tôi mặc sức mà xây dựng và các bạn Tây Phương nhất là Thụy Điển sẽ giúp đỡ rất nhiều, đó là chưa kể Hà Lan, Tân Tây Lan cũng đồng ý giúp như Thụy Điển qua các giáo hội địa phương, bạn của Phật Giáo.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tiền của Ủy Ban Tái Thiết và Phát Triển Xã Hội của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do Hòa Thượng Thiện Hòa đứng tên gửi ở ngân hàng để thực hiện trọn vẹn nhiều chương trình xây dựng xã hội và phát triển bị ngưng chặn sử dụng, rồi bị nhà nước tịch thu hết. Trước đó 5 ngày chúng tôi gửi từ Pháp số tiền 175.428 mỹ kim về cho Hòa Thượng Thiện H­òa Trưởng Ban Tái Thiết và Phát Triển của GHPGVNTN, là số tiền gửi cho 9.746 cháu cô nhi của 42 tỉnh Nam Việt Nam, các cô nhi này là những cháu còn may mắn được sống với bà ngoại hay bà nội hay với người cô dì nghèo mà không sống trong cô nhi viện. Mỗi cháu mỗi tháng chỉ được 6 dollars. Bảy tám quý trước tháng 4 năm 1975, khi nhận được tiền mỗi quý, Hòa Thượng Thiện Hòa cho người chuyển đến tỉnh Giáo Hội rồi tới sư cô Trưởng Ký Nhi Viện địa phương, quý cô phát luôn cho từng cháu có người bên này bảo trợ (mỗi ba tháng một lần).

Tháng 6 năm 1975 bà Dương Quỳnh Hoa, Bộ Trưởng Bộ Xã Hội Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam tuyên bố đóng cửa tất cả các chương trình cứu trợ phát triển xã hội đang làm việc phụng sự trước tháng 5 năm 1975. Dĩ nhiên Ủy Ban Tái Thiết và Phát Triển Xã Hội của GHPGVNTN, trường TNPSXH, các ban Từ Thiện của các chùa cũng nằm trong số những chương trình đó. Bà Quỳnh Hoa nói: “Chuyện lo cho những người khổ là chuyện của nhà nước, của Bộ Xã Hội Chính Phủ Lâm Thời. Quý vị không cần phải lo.”

Cái gì cũng quá mới với một chính phủ mới nên họ phải lo xa là sẽ không kiểm soát được. “Thà đóng cửa hết các chương trình xã hội rồi mở ra từ từ cho dễ kiểm soát”. Với mắt thương nhìn cuộc đời, chúng tôi tập nghĩ như thế để không bức xúc. Nhưng Công An bắt giam thầy Giám Đốc Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội hơn hai tháng rồi mà vẫn chưa thả. Anh Lê Nguyên Thiều thì mỗi sáng xách hồ sơ TNPSXH lên Công An trình bày, 7 giờ tối trở về nhà. Cứ như vậy suốt cả tháng.

 

Đổi trắng thay đen

Một hôm có giấy báo là ngày 7 tháng 7 năm 1975 tới, Công An Thành Phố sẽ lên soát Văn Phòng và toàn Trung Tâm TNPSXH ở Phú Thọ Hòa. Anh Thiều mời anh Mười Anh, Trưởng Ban Tôn Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh lên làm chứng nhân dùm chúng tôi vì anh Thiều ngại họ quăng tài liệu xấu vào rồi vu oan chúng tôi làm chính trị để có cớ đóng cửa chương trình. Anh Mười Anh có đem máy ảnh chụp hình trong thời gian khám xét. Nhưng lạ quá! Công An gì mà lục soát, quăng thô tháo giấy tờ hình ảnh cứu trợ của chúng tôi rồi vơ vét như ăn cắp tất cả những thứ gì quý giá, từ máy chụp ảnh, đồng hồ tường, đồng hồ bàn đến máy đánh chữ, cả những cây bút máy, giấy trắng văn phòng phẩm thứ tốt chưa xài đến thuốc men loại còn tốt, cái gì bán được là họ vơ vét hết. Các anh em văn phòng TNPSXH xin làm biên bản những gì họ lấy, nhưng họ không làm. Anh Mười Anh ngồi im lặng chụp hình. Chúng tôi an tâm nghĩ anh sẽ báo cáo trung thực, vì bề gì chúng tôi cũng biết rõ anh Mười Anh vốn đã từng ăn nhờ ở đậu nơi các chùa Sài Gòn trong thời gian chiến tranh, biểu tình, trốn chính phủ. Nhưng sau đó khi có dịp được đọc báo cáo đăng trên báo Công An về cuộc khám xét ngày 7 tháng 7 năm 1975 đó, các anh em TNPSXH mới vô cùng sốc. Theo báo Công An ra tháng 8 năm 1975, anh Mười Anh nói rằng anh chụp được những tấm ảnh trong đó chính các tác viên xã hội của Trường TNPSXH đã nhào vào thô tháo ăn cướp những vật dụng của Trường họ!!!

Vài mươi năm sau, càng quán sát, nhìn sâu nhiều chuyện éo le xảy ra trên đời này, tôi học nhiều bài học về các tập khí xấu đổi trắng thay đen của những người làm chính trị theo nghĩa xấu, bên nhà nước Cộng Sản Việt Nam cũng có mà bên tập thể Việt Kiều chống cộng cũng có. Vì thế tôi nghĩ: có thể anh Mười Anh không báo cáo sai, anh báo cáo trung thực nhưng vì “tập khí xấu đổi trắng thay đen” của những người thiếu liêm khiết, nếu đã chủ trương đóng cửa Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội thì họ để tất cả các chi tiết có thật như ăn cướp đồng hồ tường, văn phòng phẩm, ăn cướp thuốc men, nhưng thay vì nói Công An ăn cướp thì đổi trắng thay đen nói anh em tác viên TNPSXH ăn cướp. Điều này cũng xảy ra trong bài báo Công An viết về sự kiện Bát Nhã năm 2009, đổi trắng thay đen, chụp mũ “Sư Bà Chân Không” mà vì không chính niệm nên để nhầm hình Hòa Thượng Thanh Chỉnh (!). Để chụp mũ những người tranh đấu cho nhân quyền, họ cũng đổi trắng thay đen nhiều thứ. Bây giờ đây, nhìn cho sâu thì người xấu và người tốt có mặt cùng khắp, bên Cộng Sản cũng như bên Chống Cộng. Bên Cộng Sản có những người hay dùng thủ đoạn xấu nhưng cũng có những người rất liêm sỉ, rất tốt, xứng đáng là những viên trân châu của văn hóa Việt Nam như nhóm các nhà văn Cộng Sản trong Nhân Văn Giai Phẩm, những người Cộng Sản như Phùng Quán, Đào Duy Anh, Hoàng Cầm, Lê Đạt… Bên Chống Cộng có nhiều người rất liêm trực và thanh bạch như Doãn Quốc Sỹ, Lê Thương và nhiều nhà văn trốn từ Miền Bắc như Duyên Anh, Hoàng Hải Thủy…, nhưng cũng có những người sẵn sàng trắng trợn bóp méo sự thật như trường hợp năm 1977, một tờ báo Việt Kiều ở Paris nổi tiếng chống Cộng cũng trắng trợn bóp méo sự thật về chương trình cứu trợ thuyền nhân trên biển Máu Chảy Ruột Mềm của Thầy chúng tôi. Chuyện là anh Antoine (người giúp chúng tôi việc xếp và phân phối 2.000 cái quần Jeans mà hãng sản xuất quần Jeans Levis ở Singapore gửi cho thuyền nhân) báo cáo với tờ báo ấy trung thực những gì xảy ra khi tôi đi cứu trợ – Antoine nói có thu thanh, nếu cần đưa ra toà thì sẽ thấy anh không nói như tờ báo kia bóp méo như vậy – nhưng vì có ác tâm không thua gì tờ báo Công An kia nên tờ báo chống cộng này ghi đúng hết chi tiết những gì Antoine kể, chỉ sửa đoạn “tôi xin chị Battick Mai cho tôi biên nhận những thức ăn chị mua cho thuyền nhân để tôi trình thủ quỹ người Singapore là anh Willie Tay của Chương Trình Máu Chảy Ruột Mềm” thành “Battick Mai đòi tôi trình biên nhận những số tiền xài cả 200.000 dollars, và vì tôi không có một biên nhận nào nên chị ấy chửi tôi thậm tệ” (điều này hoàn toàn do tờ báo chống cộng ác tâm thêm vào, chị Battick Mai có nhắn tin chị sẽ ra tòa làm chứng nếu tôi muốn). Thật ra buổi chiều hôm đó, chị Battick Mai đang quá đau lòng, tôi và Antoine cũng thế, vì cả nhóm chúng tôi mới đi suốt cả ngày sang Mersing Mã Lai, chứng kiến 62 thuyền nhân bị Cảnh Sát Mã Lai đuổi ra biển và thấy mình quá bất lực. Sáu mươi hai người này cũng báo cáo là chính mắt họ thấy 61 thuyền nhân trên một chiếc thuyền khác bị đuổi ra biển chết chìm trước mắt họ. Về tới văn phòng chiều hôm đó mặt ai cũng như mới đi đám ma tập thể về. Khi nghe tôi nhắc xin biên nhận để trao cho ông thủ quỹ Willie Tay, chị Battick Mai bỗng nổi giận la lên: “Xưa nay tôi đi cứu trợ thuyền nhân bỏ ra hai ba trăm dollars đâu có biên nhận. Nay cô mới nhờ tôi mua có năm cần xé cải su và năm cần xé trứng vịt mà bày đặt đòi biên nhận”. Tờ báo chống cộng ghi ngược lại, nói chị Battick Mai đòi xem biên nhận tôi xài gì với tiền tôi lạc quyên được cho thuyền nhân hay là tôi đã ăn tiêu bậy bạ ở đâu rồi nên không có tờ biên nhận nào! Tôi là phó chủ tịch kêu gọi đóng góp cho thuyền nhân, thiên hạ hưởng ứng thì Hội WCRP (World Conference on Religions and Peace) bỏ tiền vào quỹ của Chương Trình Máu Chảy Ruột Mềm của WCRP do thủ quỹ Willie Tay giữ. Phó Giám Đốc đâu có thì giờ giữ tiền, làm sổ như người thủ quỹ. Tôi ký giấy cho chị Battick Mai tới gặp thủ quỹ lãnh ba trăm đô thì tôi nhắc chị phải đưa cho Willie Tay biên nhận xài bao nhiêu tiền cho trứng vịt, bao nhiêu cho cải su để thủ quỹ dễ làm việc. Chị Mai là người rất tốt nhưng rất bình dân theo cách các bà mẹ Việt Nam, khiêng năm cần xé cải su và năm cần xé hột vịt ai cũng thấy, cần gì biên nhận! Tôi biết chị đang buồn chuyện 61 người chết và 62 người sắp bị đuổi ra biển bên Mersing, nên giận quàng qua chuyện kia rồi lên tiếng la lối tôi. Cũng không sao. Tôi đã học cái hạnh của đất từ Thầy chúng tôi, thái độ của người biết tu thì tốt nhất là không cãi lại, để chị chửi cho nhẹ người, bớt buồn trước đã, sau đó từ từ tôi giải thích, chị sẽ hiểu và thương tôi ngay và sẽ làm theo. Vì vậy nên tôi rút vào phòng, để cho chị chửi tôi dữ dội cho nhẹ. Chi tiết Antoine cung cấp thì đúng nhưng tờ báo chống cộng chỉ cần đổi ngược vài chi tiết theo lối báo Công An Việt Nam nói về TNPSXH thì thiên hạ đọc là tin ngay.

Mười ngàn cảm tình viên, trợ tác viên, tác viên và thân hữu của TNPSXH của Ủy Ban Tái Thiết và Phát Triển chờ đợi để tái thiết và xây dựng đất nước, sau khi đọc bài về Ủy Ban Tái Thiết của Giáo Hội và về Trường TNPSXH trên Báo Công An theo lối đổi trắng thay đen những chi tiết như thế thì biết ngay. Biết là TNPSXH, những người trẻ tuổi mang bồ tát hạnh lớn trong lòng, dễ thương như vậy mà còn bị bôi trắng thành đen ngay trên mặt báo như vậy, bởi chủ trương của một chánh phủ như thế, thì các bạn biết không còn cách gì hơn là đi lánh nạn. Đã gần ba tháng qua thầy Giám Đốc TNPSXH, cũng là Tổng Thư Ký Ủy Ban Tái Thiết và Phát Triển của GHPGVNTN, thầy Từ Mẫn vẫn còn ở tù. Các anh Lê Nguyên Thiều, sư chú Phạm Đăng Phú, sư chú Phạm Phước, sư chú Châu Văn Thọ… phải trốn luôn, không trình diện mỗi ngày trước Công An nữa.

Sau đó, thầy Từ Mẫn, Giám Đốc trường TNPSXH được thả ra là nhờ Hòa Thượng Đôn Hậu phải đích thân đến làm giấy bảo lãnh. Anh Thiều thì đành phải vượt biên, nhờ lòng tốt của bà mẹ vợ cho mượn vàng. Anh và vợ con trốn được trong một chiếc thuyền và vượt biển đến một hòn đảo ở Phi Luật Tân, liên lạc được với chúng tôi. Chị Thiều mới có mang cháu thứ ba. Trong trại tị nạn Palawan anh đọc được quyển sách Trái Tim Mặt Trời của Thầy nên sảng khoái quá anh nhất định đặt tên cháu là Lê Nhật Tâm [Trái Tim (tâm) Mặt Trời (nhật)]. Còn ba sư chú kể trên đành ra đời. Riêng gia đình tôi, em Thanh tôi báo cáo lại rằng Công An cứ tới hỏi gia đình có biết tôi làm việc cho ông sư Thích Nhất Hạnh mà chắc chắn ông này là tình báo mật của chính phủ Hoa Kỳ không? Họ hỏi tôi có liên lạc về, có hỏi han nhờ cậy chi không? Gia đình tôi không phải là gia đình duy nhất bị phỏng vấn. Các bạn làm việc trong ban Văn Phòng cũng bị quản lý chặt chẽ. Những ngày đầu tháng 5 năm 1975, tôi điện thoại về, dặn gia đình đừng đi đâu hết, để tôi và Thầy sẽ trở về nước nay mai. Mọi người nghe vậy đều cấm tuyệt tôi không nên trở về Việt Nam vì tên tôi đã nằm chung với tên “đại phản động tình báo Hoa Kỳ CIA là Thầy”. Nghe những tin như vậy tôi tuyệt vọng vô cùng.

Từ năm 13 tuổi tôi đã gắng đem niềm vui cho trẻ em đánh giày, bán báo và bán dạo bằng những bữa đãi ăn các em, tìm học bổng cho các em đến trường, dành hết tiền tôi dạy kèm trẻ để cấp học bổng cho các em bán báo, đánh giày đó. Gặp Bụt, gặp Thầy tôi như diều gặp gió, có cơ hội giúp bao nhiêu đồng bào nạn nhân chiến cuộc dù trong không khí đau thương tràn ngập của chiến tranh. Trong hoàn cảnh bi đát nào, tôi vẫn làm được chút gì đó ích lợi cho sự sống, tìm được người bảo trợ cho một em cô nhi, cho ba em, cho 22 em, rồi hàng chục ngàn cô nhi. Từ là một người trẻ, một mình tự tìm cách giúp đời, nay tôi có cả ngàn bạn trẻ trong phong trào Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội cùng theo đuổi một lý tưởng phụng sự, cùng sống cuộc sống thanh bần mà hạnh phúc. Các bạn tôi dù sống cận kề cái chết cũng vẫn giữ vững niềm tin và tình thương, “dù con người có móc mật moi gan em, đày ải em vào hang sâu tủi nhục thì em vẫn phải nhớ lời tôi căn dặn, kẻ thù chúng ta không phải con người” (Thầy chúng tôi dạy vậy). Rồi đất nước ngưng tiếng bom đạn. Hàng ngàn, hàng chục ngàn các bạn tôi ở Tây Phương, những bồ tát Tây Phương lâu nay đã lặng lẽ giúp bao nhiêu cô nhi Việt Nam mà các cháu không hề biết đến họ, đang sẵn sàng huy động hàng trăm ngàn người trong xứ họ để giúp đỡ các công tác tái thiết và phát triển ở Việt Nam. Nhưng các bạn tôi ở Việt Nam thay vì đi xây dựng hăng say cho đất nước, thì người đang bị tù, người lưu lạc trốn chui trốn lủi như tội phạm trên chính đất nước mình.

Tim tôi như bị bóp nát bởi những cách hành xử thô tháo ấy, tôi muốn hét lên nhưng chỉ nghẹn ngào thành những giọt nước mắt.

Tôi như cái cây cao to, bị cắt ngang không còn gì để sống, không còn cảm thấy một niềm vui tối thiểu nào để tiếp tục sống. Mỗi lần nghĩ đến Việt Nam tôi tràn ngập tuyệt vọng, chỉ muốn ngủ luôn một giấc dài để không thức dậy nữa.

 

Thở đi con!

Thầy cứ nhắc “Thở đi con, chỉ thở và bám vào phút giây hiện tại thôi. Thầy đi thiền hành này, đứa nào đi với thầy?”

Đang đi thiền hành Thầy lại đánh thức thêm “các con có thấy cây hai bên đường xanh quá không? Nhìn xem, cây thông này mình đặt tên là cây thông Thanh Từ nè, xanh, cao, to và mạnh mẽ như sự tu tập của thầy Thanh Từ đó, tụi con đồng ý không?”

Thấy tôi đứng thẫn thờ như người mất hồn, Thầy nhờ: “Đi ra đây làm vườn với thầy. Trồng dùm thầy mấy cây xà lách này lại, cấy cách nhau năm tấc cho mỗi cây có chỗ thở nhé.” Thầy chỉ chúng tôi cách trồng cà rốt, trồng ngò, trồng cải, những vồng cải xanh to mơn mởn.

Chao ôi, ngò chi mà cọng lớn vậy? To như ngò tây persil mà dòn thơm đúng mùi ngò Việt Nam. Thầy bảo chúng tôi bẻ và ngửi xem để kéo chúng tôi về phút giây hiện tại với những mầu nhiệm của nó. Mobi, Krisana, chú Thanh Hương, Pierre, Neige, Hằng và bé Minh Tâm ai cũng vui. Chỉ có tôi là không muốn sống nữa.

Thầy nhắc “Ngò nè, tần ô tía tô, kinh giới, thơm quá, mai mình làm xuân quyện ăn nhé…”

Hôm sau lại thấy tôi nằm dàu dàu như người muốn chết, Thầy nói như reo vui: “Nắng đẹp quá, đứa nào đi lên thăm cây thông Thanh Từ với thầy?” và Thầy bắt Krisana phải kéo tay tôi đi thiền hành với đại chúng cho bằng được.

 

Mười hai tu sĩ tự thiêu ở Phụng Hiệp, Cần Thơ ngày 2 tháng 11 năm 1975

Vào đầu năm 1976, có một vị nữ cư sĩ Phật tử đến khóc với Thầy chúng tôi rằng khi vừa được thị thực đi Pháp đoàn tụ với con của bà có quốc tịch Pháp, bà đến chào các tôn đức thì được thầy Quảng Độ gửi cho bà một xấp thư của thầy Huệ Hiền. Thầy Huệ Hiền gửi cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thư thỉnh nguyện nhà nước tôn trọng tự do tôn giáo hơn, trước khi thầy tự thiêu với 11 bạn đồng tu và đệ tử. Vì sợ bị bắt lại thì không gặp được con trai ở Pháp nên bà không dám đem theo. Bà hy vọng đến giải thích cho thầy Thích Nhất Hạnh, thầy có thể làm được gì giúp đỡ. Thầy tin bà ấy nhưng đành chịu vì không có thông tin rõ ràng. Thích Huệ Hiền và 11 người tự thiêu? Ở đâu? Tôi viết thư hỏi em Mười tôi, dĩ nhiên là tôi nói tiếng lóng nhưng Mười hiểu được. Vài tuần sau tôi nhận được một cuốn sách bìa cứng «Sự Nghiệp Vĩ Đại của Chủ Tịch Hồ Chí Minh». Đang tuyệt vọng vì chế độ độc tài ở Việt Nam nên tôi quăng cuốn sách vào sọt rác tức thì. Ai ngờ đó là công trình của anh Thiều ngồi đóng bìa cứng cuốn sách ấy mà bên trong có thư, hình ảnh và thư thỉnh nguyện của 12 người tự thiêu.

 

Hình ảnh những người tự thiêu                      

 

Thư thỉnh nguyện

 

                            Di bút thầy Huệ Hiền

 

Mãi tháng 8 năm 1976 khi anh chị Năm của tôi được xuất cảnh chính thức đi Pháp (vì ngày xưa khi đi học và tốt nghiệp ở Pháp, chị Năm tôi vẫn giữ quốc tịch Pháp), em Mười tôi có ý định táo bạo là gửi tài liệu 12 người tự thiêu ở Phụng Hiệp theo hàng hóa của anh Năm mà không dám cho anh chị Năm biết vì sợ anh chị lo sợ. Cô Mười đề nghị đem gửi dùm anh chị Năm các kiện hàng gửi kèm theo chuyến đi. Cô Mười lái xe chở các kiện hàng chứa chén bát cổ của gia đình anh chị Năm đến hải quan, công an hải quan duyệt xét từng cái bình trà cổ, từng lọ sứ xưa, mở giấy ra xem cẩn thận, xong họ đậy lại, em tôi được phép dùng băng nhựa màu nâu bịt kín thùng lại, Công An kiểm tra đóng dấu, chứng nhận đã duyệt xét xong, em tôi được phép chở sang bên cân hàng. Ra xe, không còn Công An quanh mình, em Mười lấy con dao bén xẻ một đoạn chừng 10 phân ngay trên chỗ có băng nhựa mà Mười dán khi nãy, nhét các bức thư của thầy Huệ Hiền, hình ảnh thầy Quảng Độ cho, rồi lại lấy cùng một loại băng nâu dán chồng lên chỗ vừa xẻ xong nên không bị phát hiện. Anh chị Năm bay tới Pháp rồi, Mười mới dám đánh điện tín báo tin có “quà” cho tôi trong kiện hàng đồ cổ. Tôi đem trình Thầy tài liệu, Thầy ngồi thiền quán thật lâu. Rồi Thầy dạy tôi điện thoại cho Đại Sứ Quán Việt Nam, báo tin thầy Thích Nhất Hạnh muốn mời ông Đại Sứ đến văn phòng chúng tôi uống trà để Thầy cần trình một việc trọng đại liên hệ đến quốc dân vì chúng tôi mới nhận được tài liệu có 12 tu sĩ tự thiêu ở Việt Nam. Ý của Thầy là sẽ yêu cầu ông Đại Sứ trình với cấp lãnh đạo nhà nước nên có chính sách cởi mở với tôn giáo hơn. Lúc này các tu sĩ trẻ đều bị bắt đi lao động và bỏ áo tu, các chùa không có quyền tập họp tụng kinh, cư sĩ không được đến chùa đông đảo và không được ở qua đêm thọ bát quan trai nếu không có giấy phép. Thầy nghĩ rằng nếu nhà nước chịu ra một nghị quyết thỏa đáng, công nhận những nhu cầu đơn giản của Phật tử như thầy Huệ Hiền thỉnh nguyện – chỉ yêu cầu các cấp chính quyền địa phương nên tôn trọng những tự do căn bản của nhà chùa – thì Thầy sẽ không công bố những tài liệu của thầy Huệ Hiền vì nhà nước đã thực thi rồi. Nhưng văn phòng Sứ Quán nói: ”Không bao giờ có chuyện tự thiêu đòi nhân quyền. Chúng tôi có văn phòng đại diện Chính Phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tại đây, ai muốn đến thì cứ đến chứ chúng tôi không đi đâu hết“. Tôi lễ phép thưa Thầy chúng tôi là thầy tu nên xưa nay rất ngại đến cửa quan, nhưng vì chuyện này trọng đại quá nên mạo muội mời ông Đại Sứ hay vị đại diện đại sứ đến cũng được. Văn phòng Đại Sứ vẫn giữ lập trường không đến. Trước khi chấm dứt cú điện thoại, tôi có nói một câu: “Bác Hồ nói nhà nước là đầy tớ của nhân dân, có bổn phận phục vụ nhân dân, nay nhân dân thỉnh mời được uống trà với đại diện chính phủ mà nhà nước (tôi không dám dùng chữ «đầy tớ») không chịu đến!“ Thế là Thầy đành phải làm Urgent Press Release (Thông Báo Khẩn gửi báo chí), có đầy đủ hình ảnh, tên đạo, tên đời của 12 vị tu sĩ tự thiêu tại Phụng Hiệp Cần Thơ ngày 2 tháng 11 năm 1975, có thư thỉnh nguyện của thầy Huệ Hiền trước khi tự thiêu, có cả băng casette nhạc và lời thầy Huệ Hiền hát nữa. Ngày hôm sau, ngày 9 tháng 9 năm 1976, ba hãng thông tấn và bốn tờ nhật báo lớn ở Pháp là Le Monde, Le Figaro, The International Herald Tribune và La Croix đều đăng bản tin lớn nhiều cột về tin này.

 

 

Thông tấn nào cũng điện thoại hỏi tôi vì sao tới giờ này – mười tháng sau – mới công bố. Tôi trả lời vì chế độ kiểm duyệt quá khắt khe nên chúng tôi chỉ biết tin này bằng lời truyền miệng thôi, tới nay mới có bằng chứng rõ ràng. Hơn nữa chúng tôi thấy Việt Nam mới có hòa bình, chưa được vào Liên Hiệp Quốc nên chúng tôi mong nhà nước sửa sai hơn. Vì không muốn đập phá và nói xấu nên mới yêu cầu ông Đại Sứ đến để đề nghị những gì cần hoàn thiện hơn, có dân chủ hơn, có tự do tôn giáo hơn nhưng ông Đại Sứ từ chối! Các bài báo đều báo cáo những lời tôi nói, cũng ghi lại cả việc phóng viên điện thoại hỏi Sứ Quán xem tôi có nói thật về việc mời ông Đại Sứ mà ông không đến không, và ghi là Sứ Quán không trả lời về việc này.

Đúng như Thầy chúng tôi thấy, đáng lý tháng đó Việt Nam được vào Liên Hiệp Quốc nhưng LHQ chưa sẵn sàng chấp nhận Việt Nam làm thành viên, mãi sáu bảy tháng sau Việt Nam mới được vào LHQ. Có thể đó là lý do trong Viện Bảo Tàng Tội Ác Chiến Tranh ở Tp. HCM có hình thầy Nhất Hạnh và hình tôi khiến cho các bạn Tây Phương sốc quá. Nhiều ký giả ngoại quốc đã đến hỏi nhà nước tại sao thầy Nhất Hạnh có hình trong “tội ác chiến tranh? Thầy kêu gọi hòa bình mà? Thầy đã được Mục Sư Msrtin Luther King đề nghị giải Nobel Hòa Bình mà?“ Sau vài năm, hình Thầy không còn trong bảo tàng viện đó nữa, nhưng còn hình tôi. Nghe những tin tức như thế và cách hành xử như thế của nhà nước, tôi càng tuyệt vọng. Lúc đó là cuối năm 1975.

Mãi đến năm 2005 (30 năm sau), nhà nước mời Thầy về Việt Nam, có 100 đệ tử xuất sĩ của Thầy và 100 thiền sinh cư sĩ Tây Phương đi theo. Khi viếng thăm Viện Bảo Tàng Tội Ác Chiến Tranh mọi người hết sức ngạc nhiên thấy hình tôi vẫn nằm trong đó! Khi trở về Pháp năm ấy, thấy nhà nước vẫn còn tử tế, thấy ông Đại Sứ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có đến Làng Mai tham dự ba ngày tu học, Thầy chúng tôi đã thỉnh cầu ông lấy ra bức hình ấy của tôi trong Bảo Tàng Viện Tội Ác Chiến Tranh. Sau đó họ lấy ra thật, mặc dù thư trả lời của ban giám đốc Bảo Tàng Viện từ trong nước gửi cho ông Đại Sứ nói là không hề có chuyện đó. Nhưng các bạn tôi có chụp hình. (Xin đính kèm đây!)

 


Bên trên là dòng chữ Thích Tâm Châu, hàng dưới tên Cao Ngọc Phượng. Hình này nằm ở Bảo Tàng Viện Tội Ác Chiến Tranh tại TP Hồ Chí Minh.

 

Rồi lại có tin hàng trăm ngàn binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa từ cấp úy trở lên được mời đi học tập nhưng sau đó bị chở đi mù mịt tung tích, các gia đình cũng không biết chồng con mình bị đưa đi đâu. Bao nhiêu văn nghệ sĩ ưu tú Miền Nam cũng bị bắt đi học tập cải tạo mà gia đình không biết tìm nơi đâu.

Nhiều quá, nhiều quá với trái tim nhỏ bé của tôi. Tôi tập đặt mình trong trái tim người lãnh đạo đất nước hiện tại để hiểu vì sao? Càng nghĩ tôi càng rối lên.

Thầy chúng tôi dạy «Con phải cứu con trước đã, phải có bình an, phải có vững chãi, rồi mới biết phải làm gì?» Vâng lời Thầy tôi chỉ biết bám lấy hơi thở.

 

300 tấn gạo gửi cho trẻ em mồ côi trong Chương Trình Cô Nhi Việt Nam

Cứ bám vào hơi thở và phút giây hiện tại, từ từ tôi bớt buồn và có sáng kiến gửi gạo về Việt Nam qua Hội Lưỡi Liềm Đỏ Thái Lan. Anh Sulak Sivaraksa có nhiều bạn tả khuynh rất thân với chính quyền Hà Nội, hứa chuyển giao tận tay các Hòa Thượng 3.000 bao gạo 100 ký. Ngày qua ngày chờ đợi, 300 tấn gạo không bao giờ tới cả. Chỉ có một điện thư của Sulak nói gạo đã tới Sài Gòn, Bộ Xã Hội hứa sẽ chuyển giao cho nhà chùa nhưng Hòa Thượng Thiện Hòa vẫn không nhận được gì. Trong khi đó tin tức từ quê nhà nghe thật khó tin: hàng trăm ngàn sĩ quan, văn nhân nghệ sĩ, những người thuộc quân đội Việt Nam Cộng Hòa đều bị đi học tập cải tạo hết. Từ sĩ quan trở lên đều bị đi “học tập ở những trại cải tạo nằm thật xa trong núi”. Hạ sĩ quan thì ở thời gian ngắn hơn? Ngắn hơn là bao nhiêu? Họ vẫn bị ở tù nhưng từ thiếu úy trở lên là bị đưa đi đâu không ai biết cả, gia đình không liên lạc được.

Gửi những số tiền nhỏ qua ngân hàng về cho các Ni Sư chăm sóc các cháu

Có những nguồn tin rất bức xúc: có những người Việt Nam nghe tin gia đình bị ức hiếp quá, ức quá, định ôm bình xăng vào đốt phá tòa đại sứ Việt Nam và đã bị nhà cầm quyền Pháp bắt. Nhưng tôi thì có sáng kiến khác. Trong khi nghe ngóng tin, tôi được biết là Việt Nam vì thái độ muốn cai quản hết về kinh tế xã hội chính trị nên thiếu ngoại tệ trầm trọng. Nhà nước kêu gọi kiều bào gửi tiền về ủng hộ gia đình trong nước qua ngân hàng để nhà nước có ngoại tệ. Tôi cũng gửi 100 dollars cho ni sư Huỳnh Liên ở Sài Gòn, 100 dollars cho ni sư Như Huyền ở Quảng Ngãi, 100 dollars cho sư bà Thể thanh ở Cam Ranh, 100 dollars cho sư bà Viên Minh ở Nha Trang… Không ngờ những số tiền nhỏ như vậy đã không tới tay chư tôn đức mà còn đem phiền phức cho quý ni sư. Họ bị Công An theo dõi, như Sư bà Thể Thanh dùng chữ: các anh trồng cây si trước chùa, mặt đỏ ké khó chịu quá. Thôi em ơi, đừng gửi gì nữa cả nhé.

 

Tôi làm liều vào hang cọp

Tháng 11 năm 1975 tôi điện thoại xin gặp ông Lãnh Sự Sứ Quán Việt Nam tại Paris vì tôi cần gửi một số tiền về nhà cho cô nhi Việt Nam, điều này sẽ đem một số ngoại tệ lớn cho đất nước. Ông Lãnh Sự hỏi lý do, tôi trình qua điện thoại là tôi muốn gửi 150 ngàn mỹ kim về Việt Nam cho cô nhi qua Lãnh Sự Quán. Họ xin số điện thoại và bảo chờ họ điện về nước xin phép. Một tháng sau, họ báo tin được phép rồi và sẵn sàng tiếp tôi. Tôi đi một mình với hai thùng hồ sơ, nhất là hai hộp phiếu, mỗi hộp có 700 phiếu (hồi này chưa có máy tính nên không vào hồ sơ đơn giản như ngày nay!), mỗi phiếu ghi tên tuổi, địa chỉ của một cô nhi, sống với bà nội bà ngoại hay bà thím, tiền gửi qua ni sư nào trong nước. Bên dưới là địa chỉ, số điện thoại của người bảo trợ, ở nước nào. Mặt kia của tấm phiếu ghi ân nhân đã đóng tiền tháng nào tới tháng nào… Tôi giải thích cô nhi trong Chương Trình bảo trợ cô nhi này của Phái Đoàn Phật Giáo không phải là cô nhi ở Cô Nhi Viện. Cô Nhi Viện đã có nhà nước lo. Từng cháu trong phiếu này được một ân nhân bảo trợ, ví dụ em Nguyễn Văn Tơi có ông Van Den Berg ở Hà Lan bảo trợ, hay em Lê Thị Tố có bà Marie Anne Cortine ở Marseille Pháp bảo trợ, hình cháu được bà treo trong nhà, con của bà còn bé mà cũng bỏ ống từng 50 centimes, từng đồng franc, để mỗi tháng bà gửi cho chúng tôi 25 Francs (tương đương 6 dollars). Tiền chúng tôi gửi về qua Giáo Hội Trung Ương, Ủy Ban Tái Thiết và Phát Triển Xã Hội, từng quý ba tháng. Giáo Hội gửi tiền về cho Ni Sư Cát Tường ở Thừa Thiên hay Ni Sư Như Huyền ở Quảng Ngãi, hay Ni Sư Thể Thanh ở Cam Ranh… Các vị này biết tường tận cháu nào ở địa chỉ nào, đang ở với bà nội hay dì, hay cô. Ni sư trưởng Ký Nhi Viện sẽ trao tận tay từng cháu tiền của ân nhân. Đó là điều kiện duy nhất chúng tôi hứa với ân nhân. Sáu dollars, hay 25 Francs, Phái Đoàn Phật Giáo bên này không lấy 5% hay 10% chi phí như các ban từ thiện xã hội Tây phương hay làm. Các cháu lãnh đủ 18 dollars mỗi quý theo tỷ giá của tháng đó. Cháu hay bà nội sẽ viết thư cám ơn ân nhân. Ân nhân thương cháu Lê Văn Huy thì sẽ thương luôn đất nước Việt Nam, sẽ giúp thêm chương trình xây trạm xá, bệnh viện hay trường học tùy theo khả năng họ. Mỗi tháng chúng tôi có hơn 9.000 ân nhân gửi tiền như vầy sẽ đem về cho Việt Nam mỗi ba tháng ít nhất 150.000 mỹ kim ngoại tệ. Cần ngoại tệ, có được ngoại tệ mà mình không bị lệ thuộc một cơ quan giàu có nào. Nếu người nào chống nhà nước không muốn bảo trợ nữa thì chỉ mất 6 dollars thôi, rồi có người khác sẽ cho. Xin quý vị lấy thử vài lá phiếu trong hai hộp này và điện thoại hay gửi thư hỏi thăm, điều tra xem đúng bà này, ông này là người lương thiện chỉ cho 25 Francs hay 8 guilders, 6 dollars hay 2 pounds rưỡi không. Con số 9.000 em cô nhi này là ở Miền Nam. Nếu quý vị muốn chúng tôi bảo trợ con em những liệt sĩ của Mặt Trận Giải Phóng hay của Miền Bắc, chúng tôi sẽ điều nghiên và sẵn sàng tiếp tục làm cho chương trình rộng lớn thêm với sự hợp tác của nhà nước. Chương trình sẽ trải dài từ Nam ra Bắc. Đây không phải là chuyện bố thí. Chúng tôi làm việc này để thức tỉnh các cháu bên này rằng Âu Châu xa hoa quá, bên kia có những bạn cũng xứng đáng không thua mình mà bỗng nhiên bom bỏ trên ngôi nhà xinh xắn của các bạn trẻ đó, họ đang an vui bỗng dưng mất cha, mất mẹ, rồi côi cút bơ vơ. Giúp người trẻ Tây Phương tiếp xúc với những hoàn cảnh đau thương để họ tỉnh dậy, sống cho có đạo đức hơn. Ân nhân cho các cháu cô nhi Việt Nam tiền, nhưng chúng tôi thì cho con cháu họ bên này ý thức trách nhiệm, có thêm đạo đức. Các ông ngồi nghe say mê thích thú và không ngần ngại, viết ngay cho tôi một biên nhận trên giấy rất đẹp, có tiêu đề của Đại Sứ Quán Việt Nam. Thư các ông hứa trao tận tay số tiền 150.000 mỹ kim (bằng check) mà tôi ghi chuyển đến Hòa Thượng Thích Trí Thủ, lúc này là Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, để gửi cho 9.760 cô nhi mà Hòa Thượng có danh sách.

 

       Biên nhận của sứ quán Việt nam

 

Lúc này tư nhân chưa có máy photocopy nhưng các tiệm sách lớn đã có. Tôi đi mướn in 300 tờ biên nhận của Sứ Quán và gửi cho Hòa Thượng Trí Thủ cùng 300 ký nhi viện đang chăm sóc hơn 9.000 cô nhi của chương trình, báo tin chương trình đã được chấp nhận và Sứ Quán sẽ gửi tiền về cho Hòa Thượng.

Cầm tờ biên nhận của Sứ Quán trong tay, Hòa Thượng Trí Thủ chống gậy xin gặp Đại Diện Bộ Trưởng Ngoại Giao ở TP Hồ Chí Minh nhưng không được gì. Anh Thiều báo là Hòa Thượng gắng đi Hà Nội, rồi trở lại Sài Gòn nhưng cuối cùng không có đồng nào hết. Nhà nước nói đã trao tiền cho những người lo cho các cô nhi viện. Trao cho người nào? Ông Bộ Trưởng không biết.

 

 

Cuối cùng, sáu tháng sau, Hòa Thượng phải đánh cho chúng tôi một điện thư như sau: Không nhận được tiền của các cháu gửi qua Sứ Quán. Cũng không nhận được 300 tấn gạo gửi qua Hội Lưỡi Liềm Đỏ Thái.

 

 

  

Chúng tôi photocopy hai tờ: Biên nhận của Sứ Quán hứa trao 150 ngàn mỹ kim và tờ điện thư từ Bưu Điện TP Hồ Chí Minh của Hòa Thượng Thích Trí Thủ báo tin không nhận được gì cả. Và thế là qua các Ủy Ban ở Pháp, Thụy Sỹ, Ý, Đức, Anh, Nhật Bản, Tân Tây Lan, Úc, Hoa Kỳ, Thụy Điển, Na Uy… ân nhân của chín ngàn cô nhi Việt Nam chấm dứt chương trình cứu giúp Việt Nam.

 

Dự án tái sinh ở Thái Lan để tiếp tục hạnh nguyện cũ

Từ Phương Vân Am tôi phải đi Hà Lan để giúp chia tiền gửi tặng 100.000 Guilders cho Bangladesh, 200.000 guilders cho đức Hồng Y Helda Camara, ngài đang có nhiều chương trình xã hội ở Brazil – tôi có ý sẽ đi Brazil xem công tác của ngài sau đó. Tôi đề nghị Pierre và Neige lập văn phòng Comité Pour les Enfants du Vietnam ở Compiègne để giúp cho Bangladesh. Tôi có sáng kiến sẽ đi Bangladesh và Thái Lan để được ‘’tái sinh’’, bắt đầu làm công tác giúp trẻ em đói ở Bangladesh, giúp trẻ em đường phố ở Thái Lan. Tôi xin phép Thầy đi Thái Lan hai tuần để điều nghiên. Qua Thái Lan, vì không biết tiếng Thái nên tôi phải nhờ các bạn Thái như Krisana, Tuk, PaiSản, Wisit… nhưng họ làm việc phất phơ quá. Khi ở Việt Nam, nhờ ai việc gì mà các em làm thiếu trách nhiệm thì tôi không bao giờ trách (vì tất cả đều làm trong tinh thần tự nguyện, em đó chưa tự nguyện thì không nên trách!) tôi tự làm lấy thôi. Nhưng ở Thái Lan thì không như vậy được vì tôi không biết nói và hiểu tiếng Thái. Tôi tự nghĩ có thể văn hóa Thái Lan là như thế, tôi mới đến đây vài tuần, không nên lên án và phê bình chi về cách làm việc của các bạn người bản xứ. Tôi nghĩ đến 37 năm kinh nghiệm của tôi trên đất nước tên là Việt Nam đó, tôi được nuôi lớn trong văn hóa dân gian của dân tộc đó, mở miệng ra là tôi nói thứ tiếng Việt ngọt ngào như chim hót líu lo. Văn hóa Việt đã ăn sâu trong từng thớ thịt tôi. Tôi là chuyên viên lo cho trẻ em thiếu may mắn, trẻ em đường phố, trẻ em đói kém từ năm tôi 13 tuổi. Bây giờ đây 37 tuổi, tôi phải biết cách giúp người Việt, dù hoàn cảnh nào, dù khó khăn nào tôi cũng sẽ tìm ra cách giúp đồng bào tôi. Tôi chợt có niềm tin lớn như vậy và quyết định không đi Bangladesh, không đi Brazil làm gì nữa. Phải trở về tìm thêm cách giúp Việt Nam thôi, vì tôi đã được lớn trong văn hóa Việt, đã là chuyên viên có khả năng trong văn hóa này. Nhưng giúp bằng cách nào? Tôi lại nghẹt thở, nghẹn ngào.

 

Quay về nương tựa từng hơi thở từng hành động nhỏ nhặt trong ngày

Có một hôm thấy tôi đau buồn hoài, không nguôi, Thầy nói rất mạnh: Con phải tự cứu lấy mình thôi, thầy có vững chãi mấy thì cũng không thể bơi dùm con. Phải bám lấy hơi thở và giữ tâm định lại trong giây phút hiện tại, nhìn sâu để thấy cái giá trị, cái mầu nhiệm của giây phút ấy trong từng công việc hằng ngày như rửa chén, lau nhà, làm vườn…, không được rời phút giây hiện tại. Con nghe không?”

Để giúp tôi, Thầy đã nhờ anh Cao Thái trả hết tiền nhà, đóng cửa Văn Phòng ở 69 Bd Desgranges 92330 Sceaux, Paris. Thầy mời cả tăng thân, nhờ anh Cao Thái, Pierre, Neige, chú Thanh Hương, chú Thiện Thắng, anh Bính… chở hết hồ sơ về Phương Vân Am, để thầy trò không nhận điện thoại, để tôi không thấy hồ sơ cô nhi mỗi ngày, không nhận tin tức Việt Nam rồi đau buồn và tuyệt vọng. Thầy nhờ các bạn đóng thùng tất cả hồ sơ cô nhi, tài liệu cứu trợ, hồ sơ liên lạc với Giáo Hội PGVNTN, với các tỉnh Giáo Hội của tôi, bỏ lên gác Phương Vân Am khóa cửa lại. Thầy trò chỉ sinh hoạt trong năm phòng còn lại: một phòng trên gác làm chỗ ngủ cho Pierre, anh Cao Thái và 4 phòng bên dưới gồm cả phòng lớn mới xây làm thiền đường. Với sự thực tập vững chãi trong môi trường mới, Thầy vượt qua những đau buồn khá dễ dàng mà còn phải vớt từng đứa như tôi, như chú Thanh Hương, như anh Bính… Nhưng em Bùi Thị Hương thì quyết định thử đi các cộng đồng tu học khác như Communauté de l’Arche để học hỏi và sau này gặp được người bạn đời là một giáo sư Triết người Pháp rất tri kỷ. Vì thế sau này khi tham vấn cho những thiền sinh đang sống trong một hoàn cảnh vô cùng tuyệt vọng, tôi hay khuyên họ bỏ nhà cũ, tới sống ở một môi trường mới. Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần (hình ảnh, âm thanh, mùi, vị,…) mới, môi trường mới, hạt giống mới gieo vào, làm lành từ từ những vết thương cũ.

Về đây, những vết thương của chúng tôi mau lành là nhờ không gian thênh thang của Am Phương Vân. Trước mặt am, bên kia đường, sau một cánh đồng lúa khác là khu rừng sồi ửng vàng đỏ khi thu về và phủ tuyết trắng rất diễm lệ khi đông đến. Đến chỗ mới này, Thầy cứ nhắc chúng tôi trở về với hơi thở chánh niệm. Điều đó giúp đỡ tôi rất nhiều. Bởi vì hễ tôi rời hơi thở và tâm tôi đi xa hơn phút giây hiện tại là tâm lại trở về Việt Nam, lảng vảng câu hỏi “các cháu cô nhi bây giờ ra sao? Tụi nó sẽ nghĩ là tôi bỏ đói tụi nó rồi. Chắc các cháu nghĩ là cô không thương, không còn gửi tiền của người đỡ đầu cho nữa. Các cháu sẽ thắc mắc là ba má nuôi đã hứa sẽ giúp con hoài cho tới khi con lớn mà? v.v..”, và thế là tôi lại tuyệt vọng.

 

Chút tiểu sử về Phương Vân Am

Nguyên nhân có am này là do Hội MIR mời tôi đi dự hội thảo ở một nông trại vùng Massif miền Trung nước Pháp hồi tháng 7 năm 1971 và tôi có dịp nhìn lại những dây bí rợ leo lên những vách tường đá với những bông bí vàng mời gọi, có dịp nhìn lại hàng cà chua, giàn đậu que, giàn dưa leo lủng lẳng trái, thật cảm động. Hỏi thăm thì anh chủ trại nói anh mua ngôi nhà đổ nát như vầy có 5.000 Francs thôi và các bạn trong nhóm bất bạo động của anh tái thiết lại từ từ. Tôi nhớ cảnh thầy trò Phái Đoàn Phật Giáo ở Paris phải nuôi rau húng trong từng chậu bằng đất nung, để ở ngoài cửa sổ, tội nghiệp cho thầy trò nhà mình quá. Tiền dạy học của Thầy ở Sorbonne dư sức mua một ngôi nhà 5.000 Francs như vầy hay hai ba chục ngàn cũng được. Về tới Paris tôi thưa với Thầy ước mơ như thế. Thầy rất tâm đắc ý này. Thế là Thầy nhất định cuối tuần đó tìm tới những dịch vụ bất động sản (Agence Immobilière) để nhờ họ tìm dùm một ngôi nhà bỏ hoang như vậy cách Paris khoảng 60 đến 100 cây số. Nông dân Pháp bán nhà ở quê để lên thành thị làm thợ và những nghề lao động khác rất đông. Họ muốn kiếm nhiều lợi nhuận hơn là sống cuộc đời nông dân nhỏ ở nhà quê, sống chết chỉ tùy thuộc vào thiên nhiên. Vì thế nước Pháp mất một nông dân mỗi 15 phút. Người của dịch vụ bất động sản đưa thầy trò chúng tôi đi cả buổi chiều mà Thầy không vừa ý ngôi nhà nào. Nhưng cuối cùng tìm được một ngôi nhà bỏ hoang ở giữa con đường liên tỉnh nối thành phố Troyes và Sens. Ngôi nhà nằm đơn độc trên đồi cao nhìn ra xa xa là rừng Sồi đã ngả màu vàng đỏ sang thu rất đẹp. Sau lưng ngôi nhà là ruộng lúa, bên phải cách đó 500 mét là đồng cỏ mà một nông trại dùng cho bò ăn. Sau lưng là đường lên đồi cao có rừng thông. Không có ai là hàng xóm cả. Nhà bỏ hoang đã lâu vì ông chồng bà chủ nhà chết nên chưa sửa chữa chi, bà cần tiền nên bán rẻ. Bà mua 25.000F mà chỉ bán 15.000F. Nhà khoảng 5.000F cũng có nhưng phải ở xa hơn, cách Paris khoảng 300 cây số mới có giá đó. Thầy trò bàn nhau nếu quá xa thì làm sao mỗi tuần Thầy về nghỉ ngơi mà vẫn dạy học được ở Sorbonne và làm việc cho Phái Đoàn PGVN. Thôi mua đắt hơn một chút cho rồi – 15 000 Francs. Tháng sau thì mua xong, Thầy đặt tên nơi này là Phương Vân Am. Cả Phái Đoàn Phật Giáo kéo nhau về thăm “cơ ngơi” mới. Ôi hoa đồng cỏ nội đẹp vô cùng, nhưng đêm về, lần đầu tiên thầy trò chúng tôi biết một ngôi nhà trên đất Pháp mà vách tường không xây kín mít như các chung cư ở Paris thì lạnh như thế nào. Đêm tháng 10 thôi mà lạnh quá sức tưởng tượng. Ngày hôm đó đi xem nhà mới gồm có Thầy, anh Sáu, tôi, Mobi, Hương, Neige, Krisana, Thoa, Lợi, Pierre và chú Thanh Hương. Lò sưởi giữa nhà, củi chất đầy, đốt thành lửa đỏ rất đẹp nhưng đứng cách đó một thước đã lạnh run. Chúng tôi nhảy tưng tưng cho đỡ lạnh mà vẫn run cầm cập! Anh Sáu đi chợ mua cho Thầy một lò sưởi điện, lửa đỏ rực mà chỉ ấm khi đưa tay kề sát. Cuối cùng cả đoàn đành phải quay về Paris ngủ sau khi liên lạc được với ông thợ hồ địa phương – ông Dolat – nhờ ông tráng xi măng ráp cửa mới, bít hết các khe hở trên vách tường thì mới dám ngủ lại đêm để Thầy không bị cảm. “Cốc” của Thầy là cái chuồng bò kế bên, vách đá giống như nhà chính. Vì là chuồng bò nên hai bên không thông nhau. Nhờ thế mà rất tiện làm “cốc” cho Thầy để không ai làm phiền Thầy khi Thầy cần viết lách hay dịch kinh. Phòng chính có lò sưởi, thông với một phòng kế bên dành cho bên nữ ngủ gồm có Krisana, Neige, Hằng, bé Minh Tâm (con của Hằng và Trần Quang Hải, cháu nội giáo sư Trần Văn Khê) và tôi. Bên nam thì ngủ chung ở phòng chính có kê bục gỗ dài theo tường và sàn gỗ lót thảm moquette ấm. Khi có đông người thì lên bớt trên gác với Pierre. Chúng tôi xây thêm nhà bếp và cầu tiêu theo kiểu mới với rất nhiều cửa kính cho có ánh sáng. Anh Cao Thái, chú Thiện Thắng hay Thanh Hương khi về thì sử dụng phòng trên gác với Pierre và Charles, bạn của Pierre. Thầy trò nhà này chỉ mướn thợ phần tối thiểu, còn lại việc nào làm được đều tự làm thợ hồ, thợ mộc, thợ điện hết. Tôi không ngờ Thầy cũng rất giỏi về nghề bắt điện, bắt đèn, sửa máy móc. Đúng là mấy cái di thể tài ba về máy móc của anh Thích – một người anh ruột của Thầy đã từng tự sáng chế làm máy chụp hình từ ngày xưa – nay biểu hiện thật rõ trong Thầy. Thầy tự sửa máy in, máy sưởi, sửa điện, bắt điện, nghề nào Thầy cũng làm được.

 

 

                  Tôi đang cuốc đất trồng rau ở Phương Vân Am.

 

Cuối năm 1975, sau khi thất bại ê chề với cách gửi tiền và gửi gạo về Việt Nam, Thầy quyết định đóng cửa Văn Phòng Phái Đoàn ở Paris và kéo về ở luôn Phương Vân Am. Thầy cho cất thêm một thiền đường làm toàn cửa kính to vì thiền đường cũ bên trong tuy có lò sưởi đẹp thật nhưng quá nhỏ. Sáng sáng sau giờ ngồi thiền thầy trò hay ngồi uống trà chung và Thầy luôn chia sẻ cho chúng tôi những tuệ giác của Thầy sau những buổi thiền quán như những pháp thoại nhỏ thật thâm sâu và cảm động. Những bài thơ như Tươi Son Bền Sắt Thầy tặng tôi dịp sinh nhật 39 tuổi của tôi vào năm 1977 để dạy tôi tập sống như trong bài thơ:

 

Trăng sao vẫn đẹp đêm rằm

Bãi dương vẫn mướt sóng tùng vẫn xao

Lòng quê dù có khát khao

Hoa mai vẫn cứ đồi cao gọi mời

Tháng Tư lá lục hoa cười

Cho trăng thêm tuổi, cho đồi thêm xuân

Vườn xanh cây mướp trổ bông

Trẻ thơ đùa giỡn trước sân nắng đào

(là bé Minh Tâm cháu nội giáo sư Trần văn Khê và bé Thủy, bé Long con của các thuyền nhân gửi chúng tôi để họ đi tìm việc ở Paris)

Chợ Văn bán sách lầu cao

(Thầy trò in và bán sách Lá Bối Hải Ngoại mà không xuống phố, chỉ bán khi có ai gửi tiền về Am Phương Vân đặt và mình gửi sách cho họ)

Muối dưa đắp đổi hôm nào cũng vui

Xót quê lòng có ngậm ngùi

Tin quê dồn dập tới lui chẳng ngừng

Chùa kia vắng tiếng chuông ngân

Trẻ kia cha mẹ gửi thân tù đày

Văn nhân nghệ sĩ bó tay

Con thơ nheo nhóc chẳng ai ngó ngàng

Sóng xô nghiêng Vịnh Thái Lan

Bao nhiêu tuổi ngọc chìm làn nước sâu

(Tin ở Việt Nam, chùa chiền bị tịch thu, thầy tu bị bắt đi lao động, hầu hết văn nghệ sĩ bị vào tù, bao nhiêu người vượt biên chết trên biển!)

Tâm hương lòng vẫn nguyện cầu

Nỗi đau dường ấy làm sao đỡ đần?

Trước sau xin chớ ngại ngần

Những bàn tay ấy tình thâm vẫn tròn

Giữ cho bền sắt tươi son

Giữ cho tâm lặng giữa cơn ba đào

Còn đây nắng gọi đồi cao

Còn đây những gốc anh đào trước sân

Còn đây trăng đẹp đêm Rằm

Còn đây dương mướt sóng tùng năm xưa

 

Phương Vân Am có chín người ở, nhưng người nào cũng chỉ có một chiếc túi ngủ thôi. Chỉ có Thầy là có một chiếc giường vì bên cốc đá của Thầy sàn nhà hơi thấp, sợ Thầy bị hơi đất ẩm bốc lên sẽ bệnh. Khi má tôi sang Pháp bà cũng ngủ túi ngủ như tất cả mọi người, trong phòng phía bên trong với tôi.

Giờ chấp tác của chúng tôi cũng đầy việc. Thầy thì in và tự đóng từng cuốn kinh Nhật Tụng gửi cho các trại tị nạn. Thầy cũng góp nhặt những bài dạy học Pháp văn, Anh văn, tự đặt bố cục, dàn trang rồi in ra để gửi cho đồng bào ở các trại tị nạn.

Cuối cùng, để cho người Tây Phương dễ nhớ, Thầy dạy chúng tôi gọi nơi này là Les Patates Douces hay Sweet Potatoes (Khoai Lang) để nhớ tới người dân nghèo Việt Nam, chỉ có khoai lang là món rẻ tiền nhất ăn thay cơm khi đói. Còn người Việt thì vẫn gọi nơi này là Am Phương Vân.

 

Nhà xuất bản Lá Bối Hải Ngoại

Cuộc sống ở Phương Vân Am rất an lành, thiền tập yên lặng và thâm sâu. Những ngày đầu, thầy trò chúng tôi đang chữa trị những vết thương lòng nên không dám nghe nhạc, dù là nhạc Trịnh Công Sơn hay nhạc Phạm Duy, sợ chạm vào những kỷ niệm của thời chiến tranh. Nhưng từ từ chúng tôi nghe được những bài dân ca Miền Bắc, Miền Nam, Miền Trung mà Phạm Duy sưu tầm. Nhờ thế mà sau này khi có Làng Mai, do đã rất rành những điệu dân ca ba miền, tôi viết lời tu học cho Lý Đan Đệm, Lý Bến Tre của Miền Nam, những bài như Lý Ngồi Thiền: Trời vừa hửng sáng, chuông chùa ngân, chuông chùa ngân. Bước đi nhẹ nhàng thanh thản, bước vô, bước vô thiền đường, điệp khúc: Ôi thảnh thơi nhẹ nhàng, nhẹ nhàng, nhẹ nhàng an vui, An vui thảnh thơi ngồi yên. Thiền đường buổi sáng, trăng còn treo, trăng còn treo, nở ngay nụ cười tươi mát, bước chân dẫm lên thực địa, điệp khúc.

Thời gian này Thầy chúng tôi viết những truyện ngắn như Một Bó Hoa Đồng, Tùng, Bưởi, Lan, Thiều. Hội FOR Hoa Kỳ có nhã ý gửi tặng chúng tôi một máy Varityper, tuy là đánh máy nhưng mẫu chữ hiện ra giống chữ in máy sắp chữ in typo, chỉ không có dấu Việt Nam thôi. Thế là tôi bắt đầu tập sử dụng máy này đánh máy cho Thầy truyện ngắn Một Bó Hoa Đồng, sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập 3. Quyển Việt Nam PGSL tập 1 và 2 đã in ở Việt Nam nên quyển 3 tôi phải tiếp tục đánh máy để ra mắt độc giả đang chờ đợi. Thầy vốn sẵn có nét chữ rất thanh và đẹp nên Thầy dùng cây bút họa sĩ nét nhỏ loại số 1 để bỏ từng dấu sắc dấu huyền, hỏi, ngã và nặng. Vì máy in của Thầy ở Am Phương Vân là máy in hạng bét, loại máy các văn phòng lớn chỉ dùng để in đỡ vài trăm bản nên có thể dùng bản bằng giấy thay vì bản bằng kẽm như các nhà in lớn. Tôi cũng đánh máy quyển Phép Lạ của Sự Tỉnh Thức, Trái Tim Mặt Trời và thế là nhà xuất bản Lá Bối hải ngoại bắt đầu xuất bản những cuốn sách đầu tiên sau đây: 1/ Kinh Nhật Tụng cho trại tị nạn; 2/Tự Học tiếng Anh và Pháp cho các thuyền nhân ở trại tị nạn; 3/ Giọt Nước Cánh Chim (tuyển tập truyện ngắn trong đó có những truyện ngắn của Thầy như Một Bó Hoa Đồng, Giọt Nước Cánh Chim và vài truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam); 4/ Phép Lạ của Sự Tỉnh Thức.

Năm 1974 là năm có những cuộc chiến ác liệt nhất. Thấy các anh em tác viên xã hội phải đương đầu nhiều quá với những bức xúc trong công tác, Thầy viết Phép Lạ của Sự Tỉnh Thức, dưới hình thức một bức thư cho anh Lê Nguyên Thiều, nội dung là những thực tập chánh niệm để dạy cho Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội cách giữ tâm cho bình an. Sách được in ở Việt Nam cuối năm 1974 dưới tựa đề Ý thức em, mặt trời tỏ rạng. Nhưng vì từ 1975 ở Hoa Kỳ có cuốn The Miracle of Mindfulness là bản tiếng Anh nên Thầy để tựa mới là Phép Lạ của Sự Tỉnh Thức cho vui. Thầy viết cuốn Phép Lạ của Sự Tỉnh Thức và cuốn Trái Tim Mặt Trời tại Phương Vân Am. Đây là hai cuốn sách đầu tiên được tôi đánh bằng máy Varityper, còn Thầy thì bỏ dấu chữ Việt, lên trang và tự in bằng máy ở nhà in nhà. Thầy vừa là thợ in, thợ bỏ dấu chữ Việt, lên trang, làm bản kẽm bằng giấy, nướng, in, xén, xếp thành sách, trình bày bìa, in bìa, vào sách và xén thành cuốn sách rất đẹp.

Phong cảnh thiên nhiên chung quanh Am Phương Vân đẹp vô cùng. Có lẽ nhờ thầy trò chúng tôi sống chánh niệm nên mới thấy như thế. Một hôm đi thăm ông Xã trưởng ở Fontvannes, chúng tôi nói “phong cảnh ở đây đẹp quá chừng!” Bà Xã rất ngạc nhiên: “Ở đây mà cô thấy đẹp à?” Tôi im lặng mỉm cười, e có nói chắc bà cũng không hiểu. Nhưng quả thật nếu không có chánh niệm để ngắm cái đẹp của thiên nhiên, nếu sống cạn cợt vô tâm như vợ ông xã trưởng Fontvannes thì có lẽ những vết thương lòng của thầy trò chúng tôi về đất nước sẽ lâu lành hơn nhiều. Dưới cái nhìn chánh niệm, tuần lễ nào cũng có một loại hoa dại mới. Tuần này thì cánh đồng cỏ quanh nhà vàng rực bông pissenlit, tuần sau là bông cúc trắng nhỏ, tuần tới là hoa nút vàng (Bouton d’or hay Butter cup) tiếp đến là hoa chicorée như những hoa cúc nhỏ mà xanh màu trời nhuộm biếc cả cánh đồng, rồi tới hoa bleuets xanh tím sẫm, kế đến là cả cánh đồng hoa coquelicots cánh mỏng mong manh đỏ rực, rồi đến hoa đậu màu tím đỏ thật đẹp. Mùa thu thì rất nhiều những cây sồi già lá đổi màu vàng ươm rồi đỏ ửng duyên dáng đến nồng nàn đứng kề bên những cây thông bụ bẫm mạnh mẽ xanh mướt rải rác giữa rừng sồi. Mùa đông về, ngay khi chưa có tuyết thì sáng nào sương muối cũng phủ mịn màng trên lá hoa cỏ làm thành những lớp ren trắng mong manh thật đẹp. Khi tuyết xuống, mặc áo ấm đi dạo trong rừng mới thật là cảnh tiên. Từ cành cây này sang cành cây kia thường có những sợi tơ nhện mà ta không thấy rõ, đợi khi tuyết rơi mịn màng phơi phới, những sợi tơ nhện kia trở thành những tấm màn ren mỏng, mịn màng mong manh như tơ trời, mắc từ cành này sang cành khác như những chiếc voan trắng của các bà tiên… đẹp ơi là đẹp. Đất của Phương Vân Am chỉ có ba ngàn thước vuông nhưng chúng tôi không làm hàng rào nên đồng cỏ, đồng lúa, rừng cây nào cũng “của” chung cả và chúng tôi ý thức mình là một phần trong tổng thể thiên nhiên nuôi dưỡng và trị liệu cho thầy trò chúng tôi. Thiên nhiên mông mênh, núi, đồi, rừng đều là “của” chung, thầy trò tha hồ đi thiền hành. Có những bữa nhận được nhiều tin Việt Nam bức xúc quá, tôi buồn và tuyệt vọng, phải đi cả nửa giờ mới định được tâm trong bước chân, rồi đi bộ tiếp luôn hai ba giờ tôi mới nghe nhẹ người đi.

 

Tôi tìm ra được cách mới giúp người khổ tại Việt Nam

Vài tuần sau khi từ Thái Lan về, tôi thực tập buông xả, vô nguyện, cứ tập sống thật tinh chuyên trong phút giây hiện tại, trồng rau xà lách, rau húng, ngò, tần ô, tía tô, kinh giới, rau răm, tập thưởng thức từng mùi vị đặc biệt khác nhau của từng loại rau thơm… Tôi phụ Thầy đánh máy mấy tác phẩm mới của Thầy, nấu ăn giặt giũ, lúc nào cũng giữ tâm 100% với phút giây hiện tại. Tôi thực tập hoàn toàn vô nguyện. Hễ tôi vừa khởi một niệm khác hơn công tác trong phút giây hiện tại là tâm lại kéo tôi về Việt Nam với những tin tức rất bức xúc và khó tin. Tại sao lại có thể như thế được? Tại sao thiên hạ có thể hành hạ đồng bào mình đến như thế. Tại sao người Việt Nam mà có thể hành xử với những nhân tài của đất nước là văn nghệ sĩ một cách tồi tệ thế? Tôi không hiểu được.

Một hôm trong giờ ngồi thiền, tôi chợt nhớ ra một câu trong bức thư em tôi gửi cho tôi từ Việt Nam “Thuốc chị gửi về cho má, em chỉ để dành thuốc hạ huyết áp, những thứ còn lại em đem bán được khá tiền, đỡ cho gia đình lắm. Chín (là tôi!) có biết không, tiền má gửi ngân hàng đã bị tịch thu hết rồi, tiền của em, của anh chị Năm, chị Bảy, anh chị Tám gửi ngân hàng đều mất hết. Gia đình mình – theo Tây học – không có thói quen giữ tiền tiết kiệm bằng vàng như anh chị bà con mình ở quê. Nay thì họ giàu nhất và mình thì nghèo nhất vì hiện giờ dân trí thức như mình là tay không, tiền tiết kiệm gửi các ngân hàng đều hoàn toàn bị tịch thu. Các chị bà con ở quê, ai có giữ tiết kiệm bằng vàng cứ thong thả xài từng chỉ vàng. Gia đình mình có ngày không còn gì ăn, không còn một xu nào. Em phải đem ra chợ trời bán bớt, khi thì cái radio, khi thì mấy chục con búp bê của Chị, khi thì tám chín cái đồng hồ Seiko ngày xưa mình mua chưa xài, khi thì cái máy nghe đĩa hát cũ của anh Sáu, khi thì trọn bộ chén dĩa vaisselle Chín mua định cho TNPSXH trước khi đi. Vì thế nên thuốc của Chín gửi về em bán đi cũng khá tiền, đủ mua gạo ăn cả tháng. Một hộp Campolon, Chín biết em bán được bao nhiêu không? Đủ mua 30 ký gạo! Rồi Aspirine PH8 – 15 ký gạo, Becozyme hộp chích – 25 ký gạo, Bécozyme viên – 10 ký gạo…”

Khi đọc thư đó tôi vẫn dửng dưng, chỉ nhớ là lần sau sẽ gửi nhiều thứ thuốc khác xem có bán được ít tiền mua gạo cho cả nhà không. Nhưng trong giờ ngồi thiền sáng nay, chợt nhớ tới lời em tôi về việc đổi thuốc Campolon thành 30 kg gạo, Multivitamines 15 kg…, tôi có sáng kiến ngay. Tại sao tôi không gửi thuốc cho các tác viên xã hội ở gần nhà các cháu, chỉ cho họ cách đổi thuốc ra tiền và gạo rồi đem tới cho cháu này hay cháu kia. Sướng quá. Thế là tôi chuẩn bị thực hiện ngay việc gửi thuốc cho các gia đình cực khổ ở Việt Nam để họ đổi thuốc thành tiền. Nhưng Thầy có dạy, khi có chút tuệ giác nào đó thì khoan thực hiện ngay. Để đó, tập nhìn sâu hơn chút nữa. Hôm sau tôi lại nhớ khi gửi tiền về cho sư bà Thể Thanh, sư bà nói mấy anh “trồng cây si mặt đỏ gay dễ sợ lắm”- nói tránh các anh Công An cứ tới hỏi loanh quanh. Thế thì nếu họ biết mình gửi thuốc về cho từng sư bà, sư cô, từng tác viên, họ sẽ làm khó dễ sư bà và các bạn. Tôi nhìn sâu thêm và có sáng kiến là mình sẽ “chết” luôn trong hình tướng và tên tuổi mình từ đây. Nghĩa là trên tất cả những gói quà nhỏ mình gửi về, họ tên của người gửi sẽ tùy thuận để cùng họ với người nhận, để người nhận có thể khai là bà con xa gần chi đó. Ví dụ người nhận là Mai Thị An thì người gửi là Mai Thị Hoa, người nhận là Nguyễn Đức Nhơn ba của Nguyễn Đức Sơn thì mình để tên người gửi là Nguyễn Thị Ngọc Phương. Người nhận là Thái Kim Phượng (vợ anh Trụ Vũ) thì người gửi là Thái Thị Chơn. Vui quá, quà gửi đi, thư trở về đầy chân tình mà người nhận không biết tôi là ai. Tôi cũng đâu phải là tôi đâu? Trái tim thương yêu đó là của cả giòng họ, của đất nước phù sa mầu mỡ và rộng rãi. Quà đó là của các ân nhân gửi cho các cháu. Tiền bị chặn ở ngân hàng thì tôi tìm cách gửi về cho các cháu, tiền tôi còn giữ dù một xu cũng không phải của tôi. Tôi xài rất kỹ, một con tem phí phạm cũng không dám xài.

 

 

Ngày xưa làm việc giúp 20.000 cô nhi chiến tranh, tôi chỉ biết tên, họ, hoàn cảnh các em cô nhi và con số cô nhi. Tôi chỉ gửi tiền cho quý Sư Bà, Ni Sư phân phát cho các cháu chứ không có thì giờ viết thư cho từng cháu như bây giờ. Trên hộp quà lần nào tôi cũng dạy các cháu ý thức rằng cháu còn có mẹ là điều vô cùng mầu nhiệm, rằng được đi trên mảnh đất phủ đầy lá tre của quê hương là một hạnh phúc mà hiện giờ tôi không có. Tôi dạy các cháu hôn mặt đất bằng hai chân tôi trong hai chân cháu. Rồi càng nhìn sâu cách làm việc gửi quà về giúp Việt Nam tôi càng có sáng kiến. Tặng vật chất không hay bằng tặng tinh thần nên tôi luôn luôn viết thêm bức thư gửi kèm theo thuốc, nhắc các cháu nhớ những đức hạnh của Sư Bà này, trân quý sự hiện diện của Ni Sư kia giữa gia cảnh khó khăn của các cháu như hiện thân của một vị bồ tát. Tôi gửi thuốc và viết lời cám ơn từng

bạn mà xưa nay tôi nghe nói lúc nào cũng thương người khổ, bảo bọc cho các cháu côi cút nên tôi gửi những thuốc này. Trong một hộp quà đúng một ký lô có 2 hộp thuốc Campolon, 2 hộp Multivitamines, 2 hộp Eucalyptine trị ho, 2 hộp Aspirine PH8, hai hộp Optalidon trị cảm cúm nhức đầu, 2 hộp Fansidar trị sốt rét, 2 hộp Bépanhène, 2 hộp Durabolin, 2 hộp thuốc ho Terpine Gonnon. Tôi xin họ giữ mỗi loại một hộp cho gia đình họ, còn bán hộp kia đi để đổi thành gạo cho gia đình nào côi cút nghèo khổ nhất, nhờ họ tả cho tôi nghe rõ ràng gia cảnh, tên họ và địa chỉ gia đình cơ cực đó để tôi có thể gửi trực tiếp mà không phiền họ. Và như vết dầu loang, trong vòng chưa đầy vài tháng tôi đã có hơn 200 địa chỉ những gia đình thật cơ cực.

 

Tôi tập “tái sinh” trong 38 nhóm giúp trẻ em Việt Nam

Một hôm, thấy tôi “say sưa” gói quà cho các gia đình nghèo khổ ở Việt Nam, Thầy “đánh thức” tôi dậy: “Này Phượng, con phải tập là nếu tối nay con bị đứng tim chết thì con cũng nhẹ nhàng mỉm cười ra đi, không tiếc nuối gì cả, con nghe không?”

Tôi giựt mình. Không! tôi sẽ không ra đi bình an nếu tôi chết tối nay đâu. Ai sẽ tiếp tục gửi quà cho các cháu nghèo khổ ở Việt Nam đây? Ai sẽ gửi quà cho các vị bồ tát của tôi ở Việt Nam để phân phối đến các cháu cơ cực đây? Tim tôi đau nhói nhưng vẫn phải tập như Thầy dạy. Tôi cứ để cho câu hỏi của Thầy rơi vào tàng thức và tiếp tục nuôi dưỡng định tâm bằng cách an trú trong phút giây hiện tại trong từng hành động hằng ngày.

Thế rồi một hôm tôi hé tìm ra giải pháp là tôi phải tái sinh thôi. Tái sinh liền bây giờ trong các cháu về tu học. Tôi rất ý thức là công tác của tôi sẽ bị lộ nếu 200 bức thư đều gửi từ Phương Vân Am. Vì vậy tôi phải đi cầu cứu các cháu về thăm Phương Vân Am, nhờ các cháu chia việc với tôi, chia thành nhiều nhóm để có nhiều địa chỉ khác nhau. Tôi để thì giờ chia sẻ ưu tư với các cháu, chỉ cách cho các cháu làm việc, chỉ cho các cháu cách viết thư thật khiêm cung, coi người nhận quà như những ân nhân giúp mình đem quà cho các cháu đói kém, xem người cần giúp như cánh tay trái bị khó khăn mà mình là tay mặt đến giúp, không xem mình như người làm ơn. Con của chị Bảy tôi có Bùi Thanh Vũ, Bùi Ngọc Thúy tình nguyện, con chị Tám tôi có Nguyễn Thị Bích Nga tình nguyện, con em Mười tôi có Bùi Cao Thanh Trang, con gái lớn của bác Nguyễn Đình An (anh của Thầy) là cháu Nguyễn Anh Hương. Các cháu về tu học có Trương Diễm Thanh, Võ Giao Trinh, Võ Thị Tri Thủy (con gái nhà văn Võ Hồng) và Nguyễn Thị Bích Thủy, con anh Nguyễn Công Hoan. Phần đông các cháu mới vừa qua xứ lạ với tư cách thuyền nhân hay được người bảo lãnh nên những người hàng xóm tốt bụng thường tặng cháu một số tiền để mua sắm. Tôi thì cung cấp cho các cháu các loại thuốc kể trên vì tôi mua giá sỉ. Các cháu lấy tiền đó của ân nhân để mua tem gửi về một số địa chỉ các bạn nghèo của cháu hay những bạn nghèo tôi vừa xin được, cũng tặng thuốc, cũng tìm cách tưới hoa người nhận quà để họ không mặc cảm. Rồi khi có thư cám ơn của những gia đình cơ cực ở Việt Nam, các cháu dịch ra tiếng Pháp hay Anh để gửi lại cho những vị đã tặng tiền cho mình trước đấy. Người bạn Thụy Sỹ đó hay người bạn Pháp đó thấy mình nghèo mà lại giúp người nghèo hơn nên rất cảm phục và lại tìm thêm ân nhân mới cho các gia đình cơ cực ở Việt Nam mà mình có thư cám ơn và nói rõ gia cảnh. Phần đông đối tượng chúng tôi giúp lúc này thường là cha đi học tập, mẹ vừa nuôi cha ở tù (vì nghe nói trong trại học tập cải tạo, tù nhân ăn đói lắm, gia đình phải thăm nuôi thường xuyên, gửi thêm thức ăn và thuốc bổ) vừa nuôi năm con hay bảy con mà đứa lớn nhất mới 12 hay 13. Dần dần các cháu tự làm được và giỏi thêm ra. Ba cháu con của em Mười tôi là Thanh Trang, Thanh Tâm và bé Thơ mới 12, 10 và 8 tuổi mà sau giờ học ở trường các cháu tự nguyện đi quét lá mùa thu cho các lâu đài bên Thụy Sỹ để có thêm tiền gửi về cho các bạn nghèo ở Việt Nam. Cháu Nguyễn Anh Hương con bác An chẳng hạn, sau này lập Ủy Ban nuôi hàng ngàn em bé thiếu ăn… Từ từ chúng tôi có 22 rồi 27 rồi 30 và rồi 38 nhóm tăng thân nhỏ gửi quà cho các cháu thiếu ăn, mỗi nhóm giúp từ 30 đến 50 gia đình. Vì thế mỗi tháng vài ngàn gia đình ở Việt Nam được cô cháu chúng tôi gửi quà, đủ loại hộp, đủ các thứ tuồng chữ, địa chỉ khác nhau. Tôi dần dần tìm lại được nụ cười và biết rõ rằng nếu tối nay tôi có bị đứng tim chết thình lình thì tình thương của tôi vẫn tiếp tục trôi vào những trái tim và những bàn tay ngọt ngào của các cháu.

Trong khi tôi dò dẫm tìm cách vượt khó khăn để sống sót sau tai nạn lớn này thì Bùi Thị Hương, cũng làm việc với tôi tại Phái Đoàn Hòa Bình GHPGVNTN, vượt khỏi hoàn cảnh khổ đau này bằng cách khác. Bùi Thị Hương là tác viên xã hội lớp đầu tiên. Sau vụ mấy người lạ mặt mang mấy mươi quả lựu đạn quăng vào cư xá nữ TNPSXH ở Phú Thọ Hòa năm 1967, Hương bị thương tưởng chết vì hơn 600 mảnh lựu đạn ghim hẳn trong người. Hương được đưa đi Nhật điều trị ở Hiroshima, phải mang chân giả. Khi Hương chuẩn bị về Việt Nam để phụng sự thì tôi mời em sang Paris vài tháng giúp tôi lo chuyện các cháu cô nhi để khi về Việt Nam sẽ làm nhịp cầu giữa Phái Đoàn, các bạn hải ngoại và các cháu trong nước. Chiến tranh chấm dứt như thế cũng khiến Hương chới với. Hương đã tìm cách vượt khó khác với tôi. Khi cả tăng thân Paris dời về Phương Vân Am, Hương xin phép không ở Phương Vân Am lâu mà xin được đi thử thăm viếng những cộng đồng tu học khác như Communauté de l’Arche để học hỏi thêm về cách tu của người Pháp. Sau này Hương gặp được người bạn đời là một giáo sư Triết người Pháp rất dễ thương và trân quý Hương. Tôi biết Hương cũng rất đau đớn và tuyệt vọng như tôi nhưng Hương phản ứng cách khác. Có một hôm Hương trở về Phương Vân Am đề nghị tôi đọc những tuệ giác tuyệt vời trong bản dịch tiếng Anh mới của Upanishads. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng không nói gì, chỉ phấn khởi khoe với Hương về các công tác mới tôi làm với mấy chục nhóm các bạn nhỏ từ Việt Nam sang. Tôi rủ Hương bắt đầu một nhóm nhỏ nhưng Hương phản ứng rất mạnh khiến tôi thật bất ngờ: “Thôi, đủ lắm rồi, em không đụng tới những việc xã hội đó nữa đâu”. Tôi đau như có nhát dao đâm vào tim, nhưng tôi biết trái tim của em cũng tan nát vì tình trạng tăm tối của Việt Nam lúc đó. Sau đó Hương lại ra đi. Lần cuối cùng tôi được tin Hương là năm 1988, khi Hương sắp về Việt Nam thăm gia đình. Hương tự đề nghị là sẵn sàng làm những gì tôi cần, đọc tới đây tôi mừng quá tưởng tìm lại được người em đồng chí mà tôi thương, nhưng bên dưới chót bức thư Hương ghi rõ: nhưng xin chị đừng nhờ em những gì có dính đến chính trị. Tim tôi lại đau nhói. Tôi làm cái gì? Gửi lén lút thuốc men về Việt Nam để đổi gạo nuôi các cháu đói là chính trị mất rồi bởi vì nếu Công An biết người chủ trương gửi thuốc là tôi, cô đầu đàn phụ tá cho ông sư Nhất Hạnh thì thuốc sẽ bị tịch thu và các cháu sẽ vào tù mất. Tôi đang làm chính trị đây, thôi đành vậy! Giã từ em Bùi Thị Hương thân yêu của tôi. Tôi không trách Hương mảy may nào, bởi vì tôi không bị 600 mảnh lựu đạn trong người, bị mất hết một chân, phải đi bằng chân giả như Hương. Sau khi Hòa Ước Paris ký xong tháng 3 năm 1973, Hương sang Pháp làm việc trong Phái Đoàn Phật Giáo để giúp tôi lo cho hàng ngàn cô nhi chiến tranh và cũng để chuẩn bị về Việt Nam phục vụ cùng với các bạn TNPSXH trong nước. Hòa Ước đã ký kết rồi! Nhưng chiến tranh mới thật sự chấm dứt vào tháng 4 năm 1975, hai năm sau “hòa ước” đó, một cách phũ phàng như thế, để rồi công sức của thầy trò, anh chị em trong Phái Đoàn trở thành mây khói. Hương có quyền lật trang sử mới của cuộc đời Hương. Và từ 1988 tôi không trả lời gì hết những bức thư Hương gửi cho tôi nói chuyện triết học. Mãi lâu sau, năm 2005, khi được theo Thầy trở về Việt Nam, tôi mới biết rằng nhạc sĩ Lê Thương vì quá hứng khởi, nghĩ tôi là em ca sĩ Cao Thái – cũng là bạn của Lê Thương – không có gì hiểm nguy nên nhạc sĩ không dấu với một số bạn bè về tình bạn giữa nhạc sỹ và tôi. Tin ấy đã lọt đến tai Công An nên anh Lê Thương bị mời lên Công An “làm việc” luôn mấy tháng. Hèn chi mà lúc sau này tôi ngạc nhiên và hơi buồn thấy anh lơ là chuyện viết thư cho tôi, tôi không dám hỏi thăm, chỉ tự nghĩ không biết mình có vụng về gì hay không. Nghe như thế tôi mới hiểu và thương Hương thêm. Bùi Thị Hương một mặt thì muốn giúp tôi, nhưng một mặt khác thì sợ nếu liên quan đến tôi là gặp hiểm nguy nên dặn trước: Xin đừng nhờ em việc gì có dính đến chính trị. Hiểu như thế nên tôi cũng vẫn thương Hương. Tôi nghĩ tôi chỉ có thể làm việc lại như xưa khi nào chính quyền Việt Nam không còn coi Thầy chúng tôi như là “người đáng sợ” nữa!