Quán chiếu tâm ý

Quán chiếu tâm ý

 

Tới đây ta bước sang lĩnh vực quán niệm về tâm ý. Nội dung của tâm ý là những hiện tượng tâm lý được gọi là tâm hành (cittasamskara), có khi gọi là tâm sở (mental formations). Cảm thọ cũng là tâm hành, nhưng đã được xếp riêng ra một loại, vì phạm vi của cảm thọ rất rộng. Tất cả những hiện tượng tâm ý khác như tưởng (tri giác), hành (tâm tư) và thức (nhận thức) đều là những tâm hành, đối tượng của phép quán niệm tâm ý trong tâm ý. Mỗi tông phái trong truyền thống đạo Bụt đều có bản thống kê riêng về các tâm hành. Tông Câu Xá liệt kê 46 loại tâm hành, Tông Thành Thật liệt kê 51 loại tâm hành. Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm chỉ đề cập tới một số tâm hành, đó là tham, giận, lầm lạc, tán loạn, khép kín, giới hạn, không có định, không có giải thoát, hôn trầm, kích thích, nghi ngờ và những tâm hành có nội dung ngược lại là không tham, không giận, không lầm lạc, tập trung, mở rộng, vô thượng, định, giải thoát, không hôn trầm, không kích thích và không nghi ngờ, kể ra là hai mươi hai thứ. Tụng bản II có liệt kê thêm tâm hành ô nhiễm, một danh từ có tính cách phổ quát và có thể bao hàm nhiều loại tâm hành có tính cách ô nhiễm. Tụng bản III có liệt kê thêm tâm hành ái dục như một loại tâm hành có nội dung khác với tâm hành tham dục. Ngoài ra, các tụng bản, trong những chương nói về quán niệm, quán thọ và quán pháp cũng nói đến một số các tâm hành khác, như niệm, chán ghét, an, bất an, tinh tiến, hỷ, lạc, nhẹ nhàng, buông bỏ, v.v.. tất cả những tâm hành đó đều là đối tượng của sự quán chiếu tâm trong tâm. Phương pháp quán tâm trong tâm cũng giống hệt như phương pháp quán thân trong thân và quán thọ trong thọ, nghĩa là nhận diện được sự phát sinh, có mặt và tàn hoại của những hiện tượng tâm ý được gọi là tâm hành. Mỗi khi ngọn đèn chánh niệm và quán chiếu được đốt lên, tâm hành đang có mặt sẽ chịu ảnh hưởng tốt của ánh sáng chánh niệm và quán chiếu ấy một cách tự nhiên và tính chất cũng như phẩm chất của tâm hành ấy sẽ được thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn dù đó là một tâm hành có bản chất xây dựng hay có bản chất phá hoại an lạc và giải thoát.


Bài tập thứ mười ba: đây là bài tập quán chiếu về tâm hành tham dục
. Tham dục tức là vướng mắc vào các loại dục vọng. Sắc, thanh, hương, vị và xúc là đối tượng của năm loại tham đắm, gọi là ngũ dục. Ngũ dục cũng có khi được liệt kê là: tài dục (ham giàu sang), sắc dục (ham dâm sắc), danh dục (ham danh vọng), thực dục (ham cao lương mỹ vị), thụy dục (ham ngủ vùi). Năm thứ tham đắm không những gây chướng ngại trên con đường học đạo mà còn tạo ra nhiều khổ đau cho thân tâm.

Bụt thường dạy rằng con người thường hay lầm lẫn tham dục với hạnh phúc. Trong kinh Magandiya (M.75), Bụt lấy ví dụ một người có bịnh hủi bị bắt buộc vào sống biệt lập ở trong rừng. Người này luôn  luôn cảm thấy ngứa ngáy, xốn xang rất khó chịu. Ông ta đào một cái hố, chất cành khô và những gốc cây xuống hố và đốt cháy cho đến khi hố đầy than hồng. Rồi ông ta đứng bên cạnh hố đưa mình mẩy tay chân lên trên hố than để hứng lấy cái nóng của than lửa đang cháy. Trong khi làm như thế, ông ta thấy rất đã ngứa và cảm thấy bớt khổ. Ngày nào không được hơ mình trên hố than rừng này, ông ta rất lấy làm đau khổ. May mắn cho ông ta mấy năm sau ông lành bệnh và trở về sống cuộc sông bình thường trong thôn xóm. Một hôm ông ta vào rừng thấy mấy người có bệnh hủi đang đưa mình mẩy của họ hơ trên hố than rừng. Ông thấy thương xót họ vô cụng. Hố tham rừng nóng quá, tới gần ông không chịu nổi. Nếu có ai tới trì kéo ông, bắt ông phải tới gần hố than để đưa mình hơ trên than lửa, ông sẽ đau khổ vô cùng. Cái mà ngày xưa ông cho là đã làm cho ông sung sướng bây giờ đối với ông là một sự khổ đau. Bụt nói : “ tham dục chỉ là một hố than rừng. Chỉ có những người bệnh mới thấy tham dục là hạnh phúc”. Hồi chưa xuất gia, thái tử Siddharta đã từng nếm đời sống của năm thứ dục lạc, và đã từng bị ép sống trong đời sống đó, nên  câu nói của Bụt đã phát xuất từ kinh nghiệm của người. Hạnh phúc chân thực, theo Bụt, là một cuộc sống ít ham muốn, ít tiêu thụ. Một cuộc sống thư thái, có tự do, một cuộc sống trong đó người sống có thì giờ và điều kiện tiếp xúc với những thực tại mầu nhiệm của cuộc sống.

Mỗi khi tâm ý về tham dục phát hiện, hành giả liền phát khởi ý thức về sự có mặt tâm ý ấy: “đây là tâm ý ham tài, đây là tâm ý ham sắc, đây là tâm ý ham danh, v.v…” “đây là nguồn gốc của sự phát sinh tâm ý ham tài, đây là nguồn gốc phát sinh của tâm ý ham sắc, đây là nguồn gốc phát sinh của tâm ý ham danh, v.v…” “đây là khổ thọ do tâm ý ham tài ham sắc làm phát sinh, đây là khổ thọ do tâm ý ham danh làm phát sinh, v.v…” kinh dạy là trong lúc những tâm ý tham dục không có mặt, hành giả cũng cần quán niệm về sự không có mặt của chúng: “lúc này là lúc không có mặt của tâm ý ham sắc, lúc này là lúc không có mặt của tâm ý ham danh, v.v…”  “đây là nguồn gốc sự vắng mặt của tâm ý ham sắc, đây là nguồn gốc sự vắng mặt của tâm ý ham danh, v.v…”  “đây là sự thảnh thơi đi đôi với sự vắng mặt của tâm ý ham tài, đây là sự thảnh thơi đi đôi với sự vắng mặt của tâm ý ham sắc, đây là sự thảnh thơi đi đôi với sự vắng mặt của tâm ý ham danh, v.v…”

Kinh luật có ghi chép việc thầy Baddhiya được nếm hạnh phúc của sự thảnh thơi nhờ thực tập quán chiếu về vô dục. Một đêm nọ, trong khi ngồi thiền dưới một gốc cây, tại tu viện Trúc Lâm, thầy Baddhiya bỗng nhiên thốt lên hai lần câu: “ôi, hạnh phúc!”. Sáng ra, một vị khất sĩ khác trình lên Bụt việc này, nghĩ rằng thầy Baddhiya tiếc nuối nếp sống dang vọng ngày xưa khi thầy còn làm quan tổng trấn. Chiều hôm ấy, sau buổi pháp thoại, Bụt gọi thầy Baddhiya lên và hỏi:

– Có phải hồi hôm trong giờ thiền tập thầy đã thốt lên hai lần câu “ôi, hạnh phúc!” không”

Thầy baddhiya bạch:

– Thế tôn, hồi hôm trong giờ thiền tập, quả là con đã thốt lên hai lần câu “ôi, hạnh phúc!”

Tại sao? Xin thầy nói cho đại chúng nghe.

– Bạch đức Thế Tôn, hồi còn làm tổng trấn, con sống trong giàu sang và quyền thế. Đi đâu con cũng có một đội binh đi theo để hầu cận và bảo vệ. Dinh phủ của con luôn luôn có binh lính canh gác ngày đêm, vòng trong vòng ngoài, vậy mà lúc nào con cũng cảm thấy lo lắng, sợ hãi, thiếu an ninh. Bây giờ đây, là một khất sĩ, con đi một mình trong rừng, ngồi một mình dưới cội cây trong đêm vắng, ngủ dưới một gốc tùng, không màn không chiếu, vậy mà con không hề có cảm tưởng nghi ngại và sợ hãi. Con cảm thấy một niềm thảnh thơi và an lạc mà chưa bao giờ con từng có hồi con còn làm tổng trấn. Con không sợ ai ám sát, con không sợ ai trộm cướp, bởi vì con không có gì để bị cướp đoạt và giành giật. Con sống thảnh thơi và vui thú như một con nai trong rừng. Trong giờ thiền định hồi hôm, con thấy rõ được niềm thảnh thơi vui thú đó nên con đã buột miệng thốt lên hai lần câu “ôi, hạnh phúc!” làm kinh động đến các bạn đồng tu. Con xin thành tâm sám hối trước Thế Tôn.

Bụt khen ngợi thầy Baddhiya. Người nói với đại chúng:

–  Khất sĩ baddhiya đang đi những bước vững chãi trên con đường tự tại và vô uý. Niềm an lạc của khất sĩ baddhiya, cả chư thiên cũng biết ước ao, huống nữa là người đời.

Trong duy thức học, vô tham được kể là một trong mười mặt của ham muốn. Vô tham là điều kiện tất yếu của niềm an lạc và thảnh thơi mà khất sĩ Baddhiya đạt được khi sống đời sống thiểu dục. Thiểu dục là ít ham muốn, là đẩy nhu yếu tiêu thụ đến mức thấp nhất. Vô tham là nền tảng của hạnh phúc chân thật, bởi vì trong hạnh phúc chân thật không thể vắng mặt yếu tố an lạc và thảnh thơi. Bụt là người đã từng sống trong những điều kiện vật chất đầy đủ nhất và xa hoa nhất. Người đã thấy bằng kinh nghiệm sống của Người rằng nếp sống nhiều dục vọng, dù là dục vọng được thỏa thuê, không phải là nếp sống hạnh phúc, vì vậy người đã từ bỏ nếp sống ấy. Lời dạy của người về vô tham đã phát xuất từ kinh nghiệm sống của người.


Bài tập thứ mười bốn: bài tập này là phép quán chiếu về cái giận
. Điều phục được cái giận của mình là một thành công lớn trên con đường tu tập. Kinh dạy khi cái giận phát sinh, mình biết là cái giận đang phát sinh, khi cái giận có mặt, mình biết là cái giận đang có mặt, khi cái giận bắt đầu dịu xuống mình biết là cái giận bắt đầu dịu xuống, khi cái giận không có mặt, mình biết là cái giận không có mặt. Nhận diện sự có mặt và sự vắng mặt của cái giận trong ta đem tới nhiều lợi ích. Cố nhiên là để cho công trình quán chiếu được chín chắn, ta có thể phối hợp nó với hơi thở có ý thức.

Ích lợi thứ nhất là thấy được rằng khi cái giận không có mặt thì ta có hạnh phúc hơn khi nó có mặt rất nhiều. Cái giận là những ngọn lửa bừng cháy, nó thiêu đốt tâm can ta, nó làm cho ta khổ não, nó khiến cho ta nói nghĩ và làm những điều mà ta sẽ hối hận khi cái giận đã đi qua. Cái giận đặt ta vào địa ngục và những thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp mà ta làm ra trong khi giận còn tiếp tục đưa ta về địa ngục dài dài. Địa ngục A Tỳ đâu chưa thấy nhưng ta có thể thấy rõ ràng rằng người đang giận đang sống thật sự trong một thứ hoả ngục. Sân hận và căm thù là chất liệu của thứ hoả ngục ấy.

Tâm ý vô sân cũng là một trong mười một tâm sở thiện. Vô sân là sự vắng mặt của giận dữ và căm thù. Vô sân là sự mát mẻ và khoẻ khoắn. Vô sân là nền tảng của từ và bi. Sự phát triển của tâm sở vô sân đưa tới từ và bi.

Ích lợi thứ hai là khi nhận diện được cái giận của ta thì cái giận ấy mất đi tính cách tác hại của nó. Chỉ khi nào giận mà không biết và không quán chiếu về cái giận của mình, thì cái giận ấy mới tha hồ tác hại. “Tôi đang thở vào và biết là cái giận đã phát sinh trong tôi” “tôi đang thở ra và biết rằng tôi đang là cái giận”.

Khi cái giận phát sinh nơi ta, ta hãy nắm lấy hơi thở để nhận diện nó và quán chiếu nó. Làm được như thế tức là ta đã làm phát sinh chánh niệm trong ta. Lúc đó, cái giận không còn độc chiếm ý thức ta nữa. Bên cái giận còn có chánh niệm. “Tôi biết là tôi đang giận”, chánh niệm ấy được phát khởi để cùng có mặt với cái giận, để bảo trợ cái giận. Chánh niệm không có chủ đích đàn áp hay xua đuổi cái giận. Đây là một nguyên tắc quan trọng vô cùng trong phép thiền tập, (xin xem lại bài tập thứ mười hai, trong đó có nói tới hai nguyên tắc bất nhị và bất bạo động). Chánh niệm như một cây đèn để soi sáng, chánh niệm không phải là một vị quan toà xét xử. Chánh niệm soi sáng cái giận, bảo trợ cái giận, săn sóc cái giận một cách ưu ái như một người chị săn sóc vỗ về một đứa em nhỏ. Trong đạo Bụt, ta học rằng con người là một hợp thể của năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Cái giận của ta là một tâm sở thuộc hành, đồng thời nó làm phát sinh một khổ thọ thuộc thọ. Cái giận của ta chính là ta lúc đó. Đàn áp cái giận tức là tự đàn áp mình, xua đuổi cái giận tức là tự xua đuổi mình, làm như thế ta chỉ tạo thêm mâu thuẩn và đè nén trong ta. Khi ta vui, ta là cái vui, khi ta giận, ta là cái giận, khi ta yêu, ta là cái yêu, khi ta ghét, ta là cái ghét. Khi cái giận phát sinh, ta ý thức được cái giận là một vùng năng lượng trong ta, và ta có thể chuyển hoá năng lượng này thành một thứ năng lượng khác. Muốn chuyển hoá, ta phải biết chấp nhận nó. Ví dụ ta có một thùng rác hữu cơ vừa bẩn vừa hôi, nhưng ta biết ta có thể biến thùng rác này thành ra phân xanh (compost) để trồng hoa, nghĩa là ta có thể biến rác rến thành những bông hồng. Mới nhìn thì ta thấy rác với hoa là hai thực thể riêng biệt và chống đối nhau nhưng nhìn sâu thì ta thấy trong rác có hoa và trong hoa có rác. Bông hoa thơm tho và sạch sẽ kia cũng chứa đựng rác trong tự thân nó, khi nhìn kỹ ta thấy điều đó. Chỉ cần một tuần lễ là hoa biến thành rác. Thùng rác hôi hám kia cũng chứa đựng những bông hoa và những cây rau quế, rau ngò thơm tho. Người làm vườn quen làm phân xanh mỗi khi nhìn vào rác có thể thấy được ngay điều đó, cho nên ông ta không hất hủi và gớm ghiếc thùng rác. Trái lại ông ta trân quý thùng rác và không có ý kỳ thị nó. Chỉ cần thời gian một vài tháng, ông ta có thể biến thùng rác ấy thành rau thơm hoặc những bông hoa. Đối với cái buồn cái giận trong ta, ta cũng  nên có cái nhìn và thái độ bất nhị của người làm vườn đối với bông hoa và thùng rác. Ta không sợ hãi và ruồng bỏ cái giận của ta. Ta biết nó là một thứ rác, nhưng ta cũng biết rằng ta có thể chuyển hoá nó. Ta cần nó như người làm vườn cần phân xanh. Biết chấp nhận cái giận của ta là ta đã bắt đầu có an lạc rồi. Từ từ ta sẽ chuyển hoá nó. Khi tâm sở giận phát hiện những tâm sở khác vẫn đang nằm tiềm phục trong chiều sâu của tâm thức ta. Chiều sâu đó, Duy thức học gọi là thức Alaya. Cái vui, cái buồn, cái yêu, cái ghét cũng có mặt trong ta lúc ta giận, nhưng chúng đang nép phục trong thức Alaya như những chủng tử (bija). Chỉ có giận là đang được phát khởi trên bình diện ý thức lúc đó. Nếu ta để cái giận hoành hành một mình thì nó sẽ gây nhiều đổ vỡ bên trong cũng như bên ngoài. Phát khởi chánh niệm tức là làm phát hiện tâm sở niệm (smrti) lúc ấy còn tiềm phục trong Alaya để nó trở thành người bạn đồng hành của tâm sở sân. Nếu ta theo dõi hơi thở, và bảo trợ cái giận của ta bằng chánh niệm thì tình trạng sẽ trở nên an toàn. Tuy cái giận còn đó, nhưng nó không đủ sức tác hại nữa. Nếư ta tiếp tục duy trì chánh niệm thì cái giận sẽ biến thể từ từ.

Ngay khi chánh niệm mới phát sinh, cái giận đã chịu ảnh hưởng (của chánh niệm) rồi. Chánh niệm như một ngọn đèn soi sáng, ta vừa mang đèn vào phòng thì đã có sự đổi thay trong phòng. Dưới ảnh hưởng của ánh sáng chánh niệm, cái giận bắt đầu biến thể. Khi mặt trời lên, ánh sáng mặt trời chỉ cần chiếu vào cây cỏ và vạn vật thôi và cây cỏ và vạn vật đều chuyển biến, nghĩa là đều phát triển và trở thành. Ánh sáng mặt trời dường như không làm gì hết nhưng quả thật nó làm rất nhiều. Dưới ảnh hưởng của mặt trời, cây cối làm ra chất lục diệp tố, màu xanh của cây cỏ chính là do mặt trời làm ra vậy. cây cỏ sinh trưởng thì các loài động vật mới có thực phẩm để sống còn. Bông hoa còn búp nhưng nếu mặt trời tiếp tục soi chiếu vào nó thì bông hoa sẽ nở. Ánh sáng mặt trời đi vào trong bông hoa, những quang tử (photons) ấy làm chuyển đổi bông hoa và khiến cho bông hoa xoè cánh. Chánh niệm của ta cũng có tác dụng tương tợ như ánh sáng mặt trời. Nếu ta kiên trì đem ánh sáng chánh niệm soi rọi vào các tâm tư ta thì các tâm tư ấy sẽ chuyển đổi và biến thể.

Cũng nhờ chánh niệm soi sáng nên sau một hồi quán chiếu ta thấy được gốc rễ cái giận của ta. Thiền quán là nhìn sâu vào mọi vật để thấy được tự tính của mọi vật. Tự tính của vạn vật là nhân duyên, nghĩa là những gốc rễ gần và xa đã đưa tới sự có mặt của mỗi sự vật. Nhìn vào tự tính của cái giận ta có thể thấy được những gốc rễ của nó như sự hiểu lầm (vô minh), sự vụng về, hoàn cảnh xã hội, ẩn ức tâm lý, tập tục hay điều kiện giáo dục… Những gốc rễ này có thể vừa có mặt trong ta vừa có mặt trong người, chúng đã đóng một vai trò tăng thượng duyên để cho cái giận phát sinh. Quán chiếu để thấy và để hiểu. Thấy và hiểu là những yếu tố giải phóng cho ta ra khỏi cái khổ bức bách của sự giận hờn. Thấy và hiểu đưa lại tâm từ và tâm bi, vốn là những giọt nước cam lộ làm mát dịu tâm hồn ta. Cái giận của ta, như ta đã biết, là một vùng năng lượng. Nhờ quán chiếu, ta thấy và hiểu được những cội nguồn của nó và ta chuyển năng lượng ấy thành năng lượng từ bi, một thứ năng lượng có tác dụng xây dựng và hàn gắn. Thấy và hiểu ta mới làm bật tung được gốc rễ của cái giận và khiến cho cái giận ấy không còn phát sinh nữa. Thường thường khi giận người, ta nghĩ, nói và làm những điều có tính cách gây đổ vỡ và thương tích trên kẻ khác và trên cả chính bản thân mình. Có người nói làm như vậy là để tiết hận, nghĩa là để giải toả bớt cái vùng năng lượng giận đang thiêu đốt tâm can ta. La mắng, đập phá, bắn cho nhau những mũi tên độc của ngôn ngữ, v.v… đều là những phương pháp tiết hận nguy hiểm. Có người muốn dùng những phương pháp “an toàn” hơn như vào phòng, đóng cửa lại, và dùng hết sức lực mình mà đánh trên một cái gối cho đến khi mệt nhoài. Cái cách đập gối này hiện có nhiều người đang xử dụng, nhiều nhà tâm lý trị liệu cũng cho bệnh nhân của họ áp dụng phương pháp đó. Cố nhiên sau khi đập gối đến mệt nhoài thì cái giận dịu xuống, và lúc bấy giờ người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn (cái mệt thì dễ chịu hơn cái giận). Tuy nhiên, gốc rễ của cái giận vẫn còn nguyên vẹn, và nếu gặp điều kiện thuận lợi, nó lại làm phát hiện ra những vùng năng lượng giận dữ khác. Cho nên phương pháp quán chiếu để thấy và hiểu được gốc rễ của cái giận mới là phương pháp có hiệu lực lâu dài.

Như ta đã biết, khi cái giận phát khởi, việc đầu tiên ta nên làm là trở về với hơi thở để bảo trợ cái giận của ta bằng chánh niệm. Ta tập trung tâm ý vào hơi thở để duy trì chánh niệm ấy. Ta đừng nghe và đừng nhìn vào người mà ta cho là nguồn gốc cái giận của ta nữa.Khi giận, ta có khuynh hướng không chịu trở về chăm sóc chữa trị cho cái giận của ta mà lại cứ muốn nghĩ đến người đã và đang làm cho ta giận, nghĩ đến những cái dễ ghét của người ấy, nghĩ đến những thô lỗ, xấu xa, tàn bạo, bất nhân, ác độc, v.v . . . của người ấy. Càng nghĩ tới, càng nghe và càng nhìn người ấy, ta càng làm cho cái giận của ta cháy lên phừng phừng. Những cái xấu xa và dễ ghét của người kia có thể hoặc có thật, hoặc do ta tưởng tượng ra, hoặc do ta phóng đại thêm lên, nhưng vì ta đang giận cho nên ta mới để ý tới những cái đó. Đúng ra vấn đề gốc của ta là cái giận trong ta, ta phải trở về lo lắng cho nó trước đã, ta phải làm như người chữa cháy, trở về tưới nước lên đám cháy mà đừng mất công đi tìm kẻ đốt nhà để lên án. “Tôi đang thở vào và biết rằng tôi đang giận” “tôi đang thở ra và biết rằng tôi phải dồn hết tâm ý tôi lại để chăm sóc cái giận của tôi. “Không nghe, không nhìn, không nghĩ về người kia (hoặc những người kia), không nói và không làm gì cả trong lúc giận, đó là để chú hết tâm ý vào việc quán chiếu cái giận của mình và cũng để tránh gây những đỗ vỡ mà mình sẽ hối tiếc sau này.

Ta nên mở cửa đi ra ngoài trời để thực tập thiền hành. Không khí mát mẻ bên ngoài và màu xanh của cây cỏ sẽ giúp ta rất nhiều. Ta thực tập: “thở vào, tôi biết cái giận còn đó” “thở ra, tôi biết cái giận là tôi, nhưng tôi đồng thời cũng là chánh niệm”. “Thở vào tôi biết cái giận là một cảm thọ khó chịu”. “Thở ra, tôi biết cảm thọ này đã sinh và sẽ diệt”. “Thở vào, tôi có đủ sức bảo trợ cảm thọ này”. “Thở ra, tôi làm cho cảm thọ này trở nên êm dịu”. Chánh niệm ôm lấy cảm thọ như một bà mẹ ôm lấy đứa con đang khóc và truyền vào cho con tất cả sự dịu dàng thương mến của mình. Đó là ý nghĩ của câu “an tịnh tâm hành”. Nếu bà mẹ dồn hết tâm ý vào đứa hài nhi trong khi ôm nó trong vòng tay mình, hài nhi sẽ cảm nhận được sự dịu dàng đó và sẽ dần dần trở nên an tịnh và cuối cùng nín khóc. Nếu chánh niệm thực sự là chánh niệm, có hoà ái, có bất bạo động, thì tâm hành (cảm thọ) cũng sẽ được an tịnh.

Để làm an tịnh cảm thọ khó chịu do cái giận gây nên, ta cũng có thể chú hết tâm ý tới phép thiền hành, điều hợp hơi thở với bước chân, chú ý tới sự xúc tiếp giữa bàn chân và mặt đất. Một lát sau cái giận có thể dịu lại và ta có thể bắt đầu quán chiếu tự tính của nó.

Ai cũng biết khoai tây sống ăn không được. Tuy nhiên nấu chín, khoai ăn rất thơm và ngon. Ta bắc nồi khoai lên bếp lửa và đậy nắp lại. Lửa ví cho chánh niệm, cần phải nuôi dưỡng một thời gian đủ làm cho khoai chín. Nắp nồi giữ cho hơi nóng đừng thất thoát ra ngoài, đó là ví cho sự duy trì định lực: đừng nói, đừng nghe, đừng nghĩ gì cả chỉ tập trung tâm ý vào hơi thở. Ngay từ khi nồi được bắc lên bếp, nước đã bắt đầu ấm. Khi ta bắt đầu phát khởi hơi thở ý thức trên cái giận, tuy cái giận vẫn còn, nhưng với sự có mặt của chánh niệm (lửa), cái giận (nồi khoai) đã bắt đầu có chuyển biến. Chừng ba mươi phút sau khoai chín, ta nhìn thấy rõ được bản chất của cái giận, và cái giận của ta được chuyển hoá. Bấy giờ ta mỉm cười được. Ta biết là ta có thể trở về đối diện với người mà trước đây ta nghĩ là nguyên nhân duy nhất làm phát sinh ra cái giận của ta. Ta có thể giúp được người ấy.

Cái giận của ta có gốc rễ nơi sự thiếu hiểu biết của ta về những nguyên nhân gần và xa đã đưa lại cho ta tính trạng bất như ý. Nó lại có gốc rễ nơi sự tham đắm, lòng tự ái, tính cách dễ bị kích thích và sự nghi ngờ của ta. Cách thức ta đối phó với những biến cố xảy ra phản ảnh tính trạng trí tuệ của ta cũng như tính trạng đam mê của ta. Những gốc rễ chính của cái giận nằm ngay trong ta, hoàn cảnh và kẻ khác không phải là những nguyên nhân chính.

Khi tai nạn động đất hoặc lụt lội, ta có thể chịu đựng được những thiệt hại do thiên tai gây nên, nhưng khi những thiệt hại đó được gây nên bởi con người thì ta lại không thể chịu đựng được. Trong ta phát sinh giận dữ và căm thù. Nếu ta biết rằng động đất và lụt lội đều có nguyên nhân của chúng, thì ta cũng có thể thấy rằng đàng sau những kẻ gây nên thiệt hại cho ta về vật chất cũng như về danh vọng cũng có những nguyên nhân gần xa mà ta phải thấy và phải hiểu. Ta phải thấy rằng tai nạn do người gây nên cũng là một loại thiên tai. Kẻ kia làm khổ ta vì kẻ kia vô minh, kẻ kia bị xâm chiếm bởi tham vọng và hận thù. Những kẻ kia đã cho rằng ta là kẻ thù, là nguyên do của những đau khổ của họ. Nếu ta nổi giận và đối xử với kẻ kia như một kẻ thù thì ta đang biến ta thành kẻ thù kia, ta và kẻ kia không khác.

để thực hiện được vững chãi trạng thái vô sân trong tâm tư và cả trong tiềm thức, ta phải tập từ bi quán.


Bài tập thứ mười lăm: từ bi quán là một phép quán để phát triển tâm từ và tâm bi,
nhưng cũng là một phép quán để đối trị sân hận và căm thù. Trong kinh Anguttaranikaya (V.161), Bụt có dạy “nếu tâm sân hận nổi lên, người khất sĩ có thể thực tập pháp từ quán, bi quán hay xả quán đối với người đã gây nên tâm niệm sân hận của mình. “Từ (maitri) là tâm nguyện muốn đem tới an lạc và hạnh phúc cho kẻ khác. Bi (karuna) là tâm nguyện muốn làm vơi đi khổ đau nơi kẻ khác. Đó là ý nghĩa của câu từ năng dữ lạc, bi năng bạt khổ. Từ và bi khi đã trở nên những nguồn năng lượng trong ta sẽ có tác dụng đem tới an lạc và hạnh phúc cho kẻ khác và cả cho bản thân của ta nữa.

Mỗi chúng ta đều có sẵn trong ruộng tâm những hạt giống của từ và bi mà chúng ta có thể làm nứt mầm và phát triển thành những nguồn năng lượng tốt đẹp và nhiệm mầu ấy. Từ và bi đều là tình thương, nhưng không phải thứ tình thương có tác dụng chiếm hữu, có tính cách độc tài và thường gây ra đau khổ cho mình và cho người mình thương. Từ và bi là những tâm trạng thương yêu không cần đền trả và không có điều kiện, bởi vậy không đem lại lo âu, chán chường và sầu khổ.

Bản chất của từ và bi là sự hiểu biết, nghĩa là sự nhận chân được tính trạng khổ đau của kẻ khác. Như vậy có nghĩa là ta phải tiếp xúc được với khổ đau của người khác. Những khổ đau này có thể là những khổ đau về thể xác, về vật chất hay về tinh thần, hoặc cả ba thứ hợp lại. Muốn tiếp xúc thực sự với khổ đau của kẻ khác, ta phải đặt ta vào địa vị của kẻ khác, vào “da thịt” của kẻ khác. Ta đi vào thân thể, cảm thọ và tâm hành của người ấy và chứng nghiệm được những khổ đau của người ấy. Một sự quán sát cạn cợt có tính cách bên ngoài không thể giúp ta thấy được một cách hiện thực những khổ đau ấy. Kinh dạy chúng ta phải đồng nhất ta với đối tượng quán chiếu: quán thân trong thân, thọ trong thọ và tâm hành trong tâm hành. Tiếp xúc được với khổ đau của người khác, tự khắc ta thấy phát hiện xót thương trong ta. Niềm xót thương ấy tức là bi vậy. Từ ngữ compassion có thể tạm dùng để dịch chữ bi. Nó có nghĩa là “chia xẻ sự khổ đau”. Là “cùng khổ đau với kẻ kia”. Từ ngữ xót thương cũng hàm chứa kinh nghiệm khổ đau do sự tiếp xúc  với khổ đau. Nhìn để thấy và để cảm nhận sự có mặt của khổ đau cùng bản chất của khổ đau, đó là công trình của thiền quán. Ngồi lại trong tư thế hoa sen, điều phục hơi thở và quán chiếu về một người, ta có thể tiếp xúc được với những khổ đau của người ấy và ta làm phát sinh trong ta năng lượng của tâm bi. Nhưng không phải ta chỉ có thể làm việc này trong tư thế thiền toạ. Ta có thể tới với người ấy, quán sát người ấy trong khi người ấy đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng và hành xử. Dấu hiệu của những đau khổ nội tâm và thân thể sẽ phát hiện rõ ràng dưới công trình quán sát của ta. Khi tâm bi đã phát sinh, ta phải tìm cách nuôi dưỡng và biểu hiện nó, nghĩa là ta phải chứng minh cho ta thấy đó thực sự là tâm bi chứ không phải chỉ là một cảm tưởng về tâm bi. Tiếp xử với người ấy, ta có những ý nghĩ, tư tưởng và hành động không trái ngược với tâm bi của ta, và có thể biểu hiện tâm bi của ta với người đó, và dù người đó có những ý nghĩ, lời nói và hành động không dễ thương, tâm bi của ta cũng không vì vậy mà bị suy suyễn. Thực tập như thế đến khi ta nhận thấy tình thương của ta không đòi hỏi người kia phải đền trả hoặc phải dễ thương, nói cách khác là khi ta thấy tính thương ta là một tính thương không có điều kiện thì ta biết rằng tâm bi của ta bây giờ đã là một tâm bi đích thực. Và lúc đó ta chỉ cần tiếp tục quán chiếu và đối xử để triển khai thêm tâm bi của ta. Đứng về phương diện bản thân, ta bắt đầu tiếp nhận những hiệu quả tốt đẹp của tâm bi: ta ngủ ngon hơn, ta thức dậy nhẹ nhàng hơn, ta không có ác mộng, ta không có lo lắng và sầu khổ, ta được mọi người và mọi vật chung quanh che chở và bảo vệ, những người và những vật được bao phủ trong tâm bi của ta đem lại cho ta nhiều niềm vui. Đứng về phương diện kẻ khác, ta thấy nhờ ảnh hưởng của tâm bi ta mà những đau khổ của họ được vơi đi, và cuộc đời dần dần bớt đen tối và sầu khổ.

Sau đó ta tập quán chiếu để tiếp xúc được những nổi khổ nằm sâu hơn trong đối tượng quán chiếu. Có khi người kia không có vẻ gì đang khổ, nhưng ta có thể thấy rằng người ấy có những nổi khổ đau ẩn dấu và thầm kín. Một người ăn mặc sang trọng, có nhà có xe, cũng có thể đang chịu đựng những khổ đau và có thể sẽ đi tự tử trong một vài ba ngày nữa. Ít ai mà không khổ đau, dù nhiều hay ít. Người đã và đang làm cho ta khổ đau, chính người ấy cũng đang khổ. Ta chỉ cần ngồi lại, điều phục hơi thở và quán chiếu, tự khắc thấy được những đau khổ của người ấy. Một ít những khó khăn và khổ đau của ta có thể là do sự vụng về của cha mẹ ta gây ra hồi ta còn thơ ấu. Nhưng chính cha mẹ ta cũng có thể đã là nạn nhân của những thế hệ ông bà đi trước. Đau khổ cũng có thể truyền lại từ đời này sang đời khác và cũng có thể luân hồi. Thấy được những điều ấy, ta không còn trách móc những người làm khổ ta, bởi ta biết những người ấy cũng là nạn nhân của những người khác. Quán chiếu là để hiểu biết, một khi đã hiểu biết, ta có thể tha thứ và bao trùm kẻ kia bằng tâm bi của ta.

Quán chiếu về những khổ đau của người đã và đang  làm cho ta đau khổ là một phương pháp quán chiếu rất thần hiệu. Nhờ quán chiếu ta biết được rằng người ấy đang khổ, rằng người ấy có thể đang nghĩ là người ấy sẽ bớt khổ nếu người ấy làm khổ được ta. Thấy được và tiếp xúc được với cái khổ của người ấy rồi, ta sẽ thấy niềm hận thù và cay đắng trong ta đối với người ấy không còn nữa, và ta lại còn mong muốn cho người ấy bớt khổ nữa. Lúc ấy là lúc nguồn suối của tâm bi đã khơi chảy. Ta được thấm nhuần nguồn suối ấy trước. Ta cảm thấy mát mẻ, nhẹ nhàng, có thể cười, có thể ngủ ngon. Ta không cần có đủ hai người mới làm được công việc hoà giải. Do công trình quán chiếu, ta hoà giải được với ta, và ta xem là vấn đề không còn nữa. Người kia sớm muộn gì cũng có thể thấy được thái độ và tâm tư của ta, và sớm muộn gì cũng được thừa hưởng sự mát mẻ của dòng suối yêu thương tuôn chảy tự lòng ta.

Bi quán thực hiện được thì từ quán trở thành một phép quán tương đối dễ dàng. Tâm từ là năng lực có tác dụng đem tới an lạc và hạnh phúc cho kẻ khác. Cố nhiên, cũng như tâm bi, tâm từ được khơi dòng từ bản thân hành giả đem lại an lạc và hạnh phúc cho hành giả trước hết. Ta biết rằng nếu ta không an lạc thì ta sẽ không có an lạc để chia xẻ cho kẻ khác. Vì vậy các pháp từ quán và bi quán đều có tác dụng vừa tự lợi vừa lợi tha.

Làm vơi bớt nổi khổ niềm đau nơi kẻ khác cũng đã là đem an lạc hạnh phúc cho kẻ ấy rồi. Tuy nhiên ta biết rằng cuộc đời này tuy có khổ đau mà cũng có mầu nhiệm. Sức khoẻ, sự an vui, khả năng xúc tiếp với những hiện tượng mầu nhiệm của cuộc sống như một buổi mai đẹp trời, một đêm trăng thu, một đoá hoa vàng, một cành trúc tím, một dòng nước trong, một bé thơ xinh đẹp, v v . . . Khi ta bị khổ đau giam hãm, ta không tiếp xúc được với những thực tại mầu nhiệm đó. Vì vậy bất cứ một lời nói, một ý nghĩ hay một hành động nào có thể tháo gỡ được khổ đau, có thể đưa lại những điều kiện cho sự vui sống, từ những quyền lợi như tự do, bình đẳng, cho đến những điều kiện tâm lý, tình cảm và xã hội cần thiết để con người được sống xứng đáng là một con người đều được gọi là từ và bi. Do công trình quán chiếu ta cũng thấy được những khổ đau của các loài động vật và của các loài thực vật nữa, và tâm từ và tâm bi của ta cũng sẽ bao trùm được các loài này một cách trọn vẹn. Từ và bi là những đoá hoa đẹp nhất nở trên căn bản hiểu biết và tiếp xúc. Mà thiền quán là yếu tố đưa tới sự tiếp xúc và hiểu biết ấy. Cũng như khi ta thực hiện tâm bi, khi thực hiện tâm từ ta phải đi đến với đối tượng mà ta quán chiếu. Tâm từ của ta phải là một nguồn năng lực có thật và có tác dụng chứ không phải là một điều ta tưởng tượng.

Kinh có nói trong khi thiền quán ta có thể gửi tâm từ và tâm bi đi bốn phương và bao trùm mọi loài chúng sanh trong các tâm ấy. Nhưng ta hãy cẩn thận, đừng hiểu lầm rằng từ quán và bi quán là ngồi yên và tưởng tượng rằng tâm từ và tâm bi của ta có thể được phóng đi trong không gian như những luồng sóng âm thanh hay những luồng ánh sáng. Âm thanh và ánh sáng phóng đi tới đâu thì có tác dụng đến đó. Từ và bi cũng vậy. Nếu từ và bi là chất liệu có thật thì khi phóng đi sẽ có tác dụng trên mọi loài. Nếu từ và bi chỉ là một thứ tưởng tượng (như một đám mây màu trắng đục toát ra và dần dần lan rộng bao trùm cả thế giới) thì sẽ không có tác dụng gì cả. Đám mây này chỉ là một đám mây tưởng tượng. Đám mây thật thì có thể làm mưa. Chính trong đời sống hàng ngày và bằng cách tiếp xử với mọi người mọi loài, trong đó có đối tượng quán chiếu của ta, mà ta biết được tâm từ và tâm bi của ta đã thật sự có mặt chưa và đã vững mạnh đến mức độ nào. Từ và bi luôn luôn được biểu hiện trong đời sống hằng ngày và trong cách tiếp xử ta với mọi vật. Tư thế thiền toạ không phải là tư thế  duy nhất trong đó ta có thể khơi mở được dòng suối từ bi.

Nhiều người cho rằng nếu không có thế lực và tiền bạc thì không thể thực hiện được lòng từ và lòng bi. Thật ra, khi đã có nguồn suối từ bi trong ta, ta có thể giúp cho nhiều người bớt khổ và đem lại cho họ rất nhiều hạnh phúc mà không cần tới tiền tài hay quyền thế. Mỗi một lời nói, một động tác hay một ý nghĩ của ta cũng có thể làm cho người kia bớt khổ và có thêm hạnh phúc. Một lời nói có thể an ủi, có thể gây được niềm tin, có thể làm tiêu tán sự nghi ngờ, có thể giúp cho kẻ kia tránh được lỗi lầm tai hại, có thể hoà giải xung đột, có thể khai mở lối thoát cho người, hoặc chỉ dẫn cho người con đường đi đến thành công và hạnh phúc. Một cử chỉ cũng có thể làm được những công trình tương tợ, có thể cứu được mạng người hay mạng vật, có thể giúp những người kia nắm lấy được cơ hội ngàn năm một thuở của họ. Một ý nghĩ cũng thế, bởi vì ý nghĩ luôn luôn đưa tới lời nói và hành động. Có chất liệu từ bi trong tâm thì mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm của ta đều có thể tạo nên phép lạ. Bởi vì hiểu biết là bản chất của từ bi, cho nên những lời nói và hành động do từ bi phát động sẽ là những lời nói và hành động phù hợp với tình trạng “yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau”, nghĩa là tình trạng muốn giúp mà vì vụng về chỉ làm cho người được thương thêm khổ. Người hành giả không thể không nhớ rằng thương yêu là một với hiểu biết.