Quán chiếu cảm thọ

Quán Chiếu Cảm Thọ

 

Bài tập thứ mười hai: bài tập này tiếp nối bài tập thứ mười một và có công năng giúp ta thấy được gốc rễ và bản chất của những cảm thọ trong ta.

Cảm thọ (dễ chịu, khó chịu, trung tính) của ta có thể có nguồn gốc sinh vật lý hay tâm lý. Khi ta quán chiếu cảm thọ, ta tìm ra được những nguồn gốc ấy. Ví dụ sáng hôm nay, bạn có cảm giác khó chịu đi đôi với sự mệt mỏi và cau có. Quán chiếu cảm giác đó bạn thấy rằng nó là kết quả của sự thức khuya và thiếu ngủ của bạn. trong trường hợp này cảm thọ có gốc rễ sinh vật lý. Khi ta vì hiểu lầm, vì giận hờn hay vì ganh tị mà có những cảm thọ khó chịu, đó là trường hợp cảm thọ có nguồn gốc tâm lý.

Tuy nhiên biết được nơi phát xuất của cảm thọ (sinh vật lý hay tâm lý) chưa đủ. Ta cần quán chiếu thêm để có thể thấy được quá trình của sự hình thành của những cảm thọ ấy và để biết được bản chất chân thực của chúng. Biết được bản chất chân thật của một cảm thọ không những ta có thể thấy gốc rễ của nó mà ta còn thấy luôn cả hoa trái của nó nữa.

Khi bạn nhắp một ngụm rượu cognac, hay kéo một hơi thuốc lào chẳng hạn, bạn có thể có một cảm thọ dễ chịu. Nếu bạn quán chiếu về cảm thọ đó, bạn thấy được nguồn gốc sinh vật lý của nó. Bạn cũng thấy được nguồn gốc tâm lý của nó. Bạn biết rằng không phải ai hút thuốc lào và uống rượu cognac cũng có cảm giác dễ chịu như bạn. (Có người động tới hai thứ ấy thì sẽ ho sặc sụa, và cảm giác của họ sẽ là cảm giác khó chịu). Vậy cái gốc rễ của cảm thọ kia không phải đơn giản như bạn tưởng lúc ban đầu. Những yếu tố tập quán, thời gian và tâm lý… đều có mặt trong ấy. Trong cái bản chất của cảm thọ, có bản chất của tập quán, tâm lý, sinh lý và vật lý của bạn, của xã hội bạn, và của những sản phẩm mà bạn tiêu thụ. Nhìn vào cảm thọ dễ chịu của bạn, thế nào bạn cũng thấy được bản chất của rượu hay của thuốc lá. Nhìn vào ly rượu, bạn có thể thấy được những loại ngũ cốc và thảo mộc đã làm ra rượu. Bạn có thể thấy được tác dụng của rượu trong cơ thể bạn, bây giờ và trong tương lai. Bạn cũng có thể thấy liên hệ giữa ngụm rượu và những tai nạn xe cộ xảy ra hàng ngày. Bạn thấy được liên hệ giữa sự tiêu thụ rượu với nạn thiếu ăn trầm trọng trên thế giới. Chúng ta đã xài phí một số lượng ngũ cốc khổng lồ cho việc chế tạo rượu và thịt, trong khi tại nhiều nơi trên thế giới trẻ em và người lớn chết vì thiếu gạo và bột mì. Giáo sư Perrault, viện trưởng viện thống kê kinh tế tại Paris nói: Nếu tây phương bớt ăn thịt và uống rượu lại chừng 50% thì nạn đói trên thế giới đã có thể giải quyết được. Nhìn vào bất cứ một vật gì với con mắt thiền quán ta cũng có thể thấy được gốc rễ và hoa trái của vật ấy. Quán chiếu một cảm giác, ta cũng có thể thấy được gốc rễ và hoa trái của cảm giác ấy. Quán chiếu cảm thọ có thể đưa tới những cái thấy thật sâu sắc về tự tính của sự sống và của vạn vật.

Khi ta nghe những lời người khác khen ngợi ta, ta có thể có lạc thọ. Lạc thọ này cũng cần được quán chiếu. Cố nhiên ta có quyền chấp nhận một lạc thọ nhưng ta phải quán chiếu để biết rõ tự tính của những cảm thọ ta. Trong khi quán chiếu, ta có thể thấy được rằng những lời khen ngợi kia là những lời tâng bốc quá đáng không được căn cứ vào sự thật, do đó ta khám phá ra rằng lạc thọ của ta được phát sinh trên căn bản vô minh và ngã ái, một thứ lạc thọ có tác dụng đưa ta đi sâu thêm trên con đường của ảo tưởng. Thấy được như vậy, lạc thọ kia tan biến, ta trở về với hai chân chấm trên mặt đất của thực tại, nguy hiểm của ảo tưởng không còn và ta trở nên lành mạnh. Lạc thọ mà ta có trong khi uống rượu mạnh cũng sẽ tan biến khi ta quán chiếu và thấy được gốc rễ và hoa trái của nó. Những lạc thọ loại này khi tan biến có thể nhường chỗ cho một thứ lạc thọ khác phát sinh: đó là ý thức của sự trở về với tính cách lành mạnh và tính thức nơi ta. Lạc thọ này quả thực là lành mạnh vì nó chỉ có tác dụng nuôi dưỡng mà không có tác dụng phá hoại.

Trong trường hợp ta thấy rằng những lời khen ngợi kia đi đôi với sự thật, ta cũng cần tiếp tục quán chiếu về lạc thọ do chúng gây ra. Công phu quán chiếu giúp ta tránh được sự tự hào và tự mãn, bởi chính sự tự hào và tự mãn bít lấp con đường tiến thủ của ta. Ta thấy rằng nếu tiếp tục tinh tiến ta có thể thực hiện được nhiều tiến bộ khác nữa, và những lời khen kia, thay vì làm cho ta tự hào và tự mãn, có thể trở thành những yếu tố khích lệ ta. Quán chiếu như thế, lạc thọ trở nên lành mạnh và có thêm nhiều tác dụng nuôi dưỡng.

Quán chiếu cảm thọ, ta có thể thấy được tính cách tương đối của chúng. Bản chất của một cảm thọ có thể thay đổi tuỳ theo cách nhận thức của ta. Trong khi làm việc, một người nào đó có thể thấy rằng làm việc là một cực hình, và đối với người ấy không làm việc mới  thật là có hạnh phúc. Tuy nhiên, có những người ở không thì bứt rứt, khó chịu, muốn tìm được một việc gì đó để làm. Được làm việc, đối với người này, là một niềm vui, một lạc thọ, trong khi đối với người kia là một khổ thọ. Thường thường, chúng ta không ý thức được những điều kiện của hạnh phúc mà chúng ta hiện có, vì vậy chúng ta thường chạy tìm hạnh phúc ở một chỗ khác hoặc nơi tương lai. Được thở là một hạnh phúc. Chỉ khi nào ta bị nghẹt mũi hoặc bị hen suyễn ta mới thấy rõ được điều đó. Được thở không khí trong lành là một hạnh phúc. Chừng nào ta bị sống trong một thành phố mà không khí ô nhiễm, ta mới giác ngộ điều này. Được thấy hình dáng và màu sắc của vạn vật là một hạnh phúc. Những người mất thị giác thấy rất rõ điều ấy. Có hai bàn tay lành lặn, có hai bắp chân khoẻ mạnh có thể chạy và nhảy, được sống trong một xứ tự do, được đoàn tụ với gia đình, v.v.. Tất cả những điều đó, và hàng vạn điều khác nữa đang có mặt trong ta và quanh ta là những yếu tố của hạnh phúc mà ít khi ta nhớ đến, vì vậy hạnh phúc tuột khỏi tầm tay chúng ta. Chúng ta vô tình dẫm đạp trên những yếu tố của hạnh phúc ấy để đi tìm những yếu tố khác mà ta cho là thật sự cần thiết cho hạnh phúc. Thường thường chúng ta chỉ biết hối tiếc khi những yếu tố của hạnh phúc mà ta đã có bây giờ không còn nằm trong tầm tay của chúng ta nữa.

Ý thức về sự có mặt quý giá của những yếu tố đó chính là thực tập chánh niệm. Ta có thể xử dụng phương pháp quán niệm hơi thở để làm sáng tỏ sự có mặt đó.

 

“Thở vào, tôi biết là tôi đang có hai con mắt sáng”.
“Thở ra, tôi biết là tôi đang có hai bàn tay nguyên vẹn”
“Thở vào, tôi biết tôi đang ôm con tôi trong vòng tay”
“Thở ra, tôi biết tôi đang ngồi sum họp với gia đình quanh bàn ăn”

 

Những bài tập nho nhỏ ấy nuôi sáng chánh niệm và đem hạnh phúc lại cho đời sống hàng ngày thật nhiều.

Hạnh phúc và an lạc trước hết là ý thức rằng mình có những điều kiện để có hạnh phúc và an lạc. Chánh niệm vì vậy là yếu tố tất yếu và căn bản của hạnh phúc. Nếu anh không biết rằng anh có hạnh phúc thì điều này có nghĩa là anh không có hạnh phúc.

Chỉ có những người đang nhức răng mới thấy rõ được rằng không nhức răng là hạnh phúc. Phần lớn chúng ta đang không bị nhức răng, vậy mà chúng ta không có hạnh phúc. Tại sao? tại vì chúng ta không có ý thức về sự không bị nhức răng của chúng ta, nói gọn hơn là tại vì chúng ta không thực tập chánh niệm.

Khi một cảm thọ đã phát sinh trong ta, ta biết nó đã phát sinh. Khi cảm thọ ấy tiếp tục có mặt, ta biết nó đang tiếp tục có mặt. Ta nhìn sâu vào nó để có thể thấy được bản chất của nó (lạc thọ, khổ thọ hay xả thọ), gốc rễ của nó (sinh lý, vật lý, tâm lý) và hoa trái của nó (tâm lý, sinh lý, xã hội). Và ta có thể luôn luôn xử dụng hơi thở ý thức để làm công việc quán chiếu này.

 

“Thở vào, tôi biết một cảm thọ dễ chịu vừa phát sinh trong tôi”
“Thở ra, tôi biết cảm thọ dễ chịu này đang tiếp tục có mặt”
“Thở vào, tôi biết cảm thọ này có nguồn gốc sinh lý hay tâm lý”
“Thở ra, tôi thấy được gốc rễ của cảm thọ dễ chịu này”
“Thở vào, tôi thấy được ảnh hưởng của cảm thọ ấy trên sức khoẻ tôi”
“Thở ra, tôi thấy được ảnh hưởng của cảm thọ ấy trong tâm thức tôi”

 

Khi những phiền não như giận hờn, mê đắm, ghen tuông, lo lắng v.v… xuất hiện trong ta, tâm và thân ta thường bị chúng lây chuyển và sai sử. Những tâm lý ấy tạo ra những khổ thọ trong ta, và làm cho sự vận hành của thân và tâm ta náo động, do đó ta mất đi sự an lạc và thanh tịnh. Trong kinh quán niệm hơi thở. Bụt dạy ta nắm lấy hơi thở để phát khởi ý thức về sự có mặt của những khổ thọ ấy rồi từ từ điều phục chúng.

 

“Tôi đang thở vào và ý thức rằng tôi đang có một khổ thọ”
“Tôi đang thở ra và có ý thức rõ rệt về khổ thọ ấy”

 

Nếu hơi thở của chúng ta nhẹ nhàng và an tịnh (đó là nhờ công phu thực tập) thì thân và tâm ta cũng nhờ đó mà nhẹ nhàng và an tịnh từ từ lại.

“Tôi đang thở vào và làm an tịnh cảm thọ trong tôi”
“Tôi đang thở ra và làm an tịnh cảm thọ trong tôi”

 

Cứ như thế, hàng giả tiếp tục dùng hơi thở để quán chiếu và để an tịnh hóa cảm thọ của mình. Đến khi thấy được bản chất, cội nguồn và hậu quả có thể có của cảm thọ ấy, thì hành giả thoát ra được ngoài sự khống chế của nó. Cảm thọ ấy đã biến tính nhờ công phu thiền quán.

Cái sợ cũng như cái giận đều là những vùng năng lượng phát xuất từ cơ sở tâm sinh lý ta. Những khổ thọ do chúng tạo nên cũng là một loại năng lượng. Phương pháp của Bụt dạy không phải là phương pháp đàn áp cái sợ, cái giận hay những khổ thọ do cái sợ và cái giận gây nên. Không đàn áp, không trốn chạy, không xua đuổi, người hành giả dùng hơi thở để tiếp xúc và chấp nhận cảm thọ của mình, bởi vì người ấy biết cảm thọ ấy, cái giận ấy hoặc cái sợ ấy chính là mình, chính là năng lượng phát xuất từ cơ sở tâm sinh lý của mình. Đàn áp chúng tức là đàn áp chính mình, trốn chạy chúng cũng là trốn chạy chính mình. Phương pháp này dựa trên nguyên lý bất nhị của đạo Bụt. Bất nhị có nghĩa không phải là hai thực thể riêng biệt. Khổ thọ của ta và ta là một. Đó không phải là hai kẻ thù. Ta phải tiếp xúc và chấp nhận khổ thọ của chính ta trước khi chuyển hoá nó thành một thứ năng lượng có tính cách lành mạnh và có công năng nuôi dưỡng ta.

Ta phải đối xử với khổ thọ ta một cách ưu ái và bất bạo động. Bất bạo động ở đây có nghĩa là không xua đuổi, không đè nén, không đàn áp. Chỉ có cách ấy ta mới có thể chuyển hoá được nó. Khổ thọ của ta có thể soi sáng cho ta thật nhiều nhờ công trình quán chiếu ấy và ta sẽ thấy rằng nếu không trải qua những khổ thọ như khổ thọ ấy, ta sẽ không có được cái nhìn thấu triệt và tâm lượng rộng rãi như ngày hôm nay.