Mình là miếng đậu hũ?
(Sư cô Trăng Hiền Tâm)
Sư cô Trăng Hiền Tâm, người Hàn Quốc, xuất gia trong gia đình cây Dẻ Gai năm 2018. Hiện nay, sư cô đang tu tập và phụng sự ở xóm Mới, Làng Mai Pháp. Bài chia sẻ dưới đây của sư cô được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.
Tôi tỉnh dậy và thấy mình là một miếng đậu hũ trên băng chuyền trong một nhà máy chế biến thực phẩm ở làng quê hẻo lánh. Trắng muốt, vuông vắn, mềm mượt, từng miếng đậu hũ xếp ngay ngắn trên băng chuyền nối nhau thành hàng dài vô tận. Tôi nép mình giữa những miếng đậu khác, nhưng cũng lao vút đi trên băng chuyền như đang chơi trò trượt nước nóng trong một khu vui chơi. Bất kể nhìn trước, nhìn sau, ngước lên hay cúi xuống, chẳng có chỗ nào là không có đậu hũ. Không kịp có cơ hội tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra, theo bản năng, tôi bất giác co mình lại để trở thành một miếng đậu hũ. Tôi tự dặn lòng: “Mình là miếng đậu hũ”. Nếu người quản lý nhà máy phát hiện ra tôi là con người thì hẳn ông sẽ rất tức giận, thôi đành giả vờ là một miếng đậu hũ vuông vắn và nóng hổi vậy. Cuối cùng cũng đã đến chặng cuối của băng chuyền, tôi thừa dịp nhảy xuống rồi chạy thoát ra ngoài bằng cửa sau. Tôi cứ thế chạy mãi về phía cánh đồng cho đến khi dừng lại ngay rìa của một vách đá. Phía sau, ông quản lý hét lớn: “Cô không phải là đậu hũ, cô là con người mà”. Quá sợ hãi và hoảng hốt tôi khăng khăng: “Không, không, tôi là đậu hũ” rồi ngoan ngoãn trở lại vị trí cũ trên băng chuyền trong nhà máy.
Giải mã giấc mơ
Từ tấm bé, tôi đã nuôi mộng trở thành một học sinh giỏi và một đứa con ngoan. Theo lời khuyên của bố mẹ, từ nhỏ đến khi niên thiếu, đạt được nhiều giải thưởng và thành tích học tập xuất sắc là đỉnh điểm thành công đối với tôi. Hình ảnh về người phụ nữ lý tưởng và người công dân chuẩn mực mà xã hội định hình đã khiến tôi bị áp lực và trở nên căng thẳng.
Đến khi trưởng thành, tôi dặn lòng: “Từ giờ trở đi, tôi sẽ chỉ làm những gì mình muốn”, về chuyện học hành, nghề nghiệp, hay phong cách ăn mặc. Trong thời gian bảy năm làm việc tại đài truyền hình KBS và SBS ở Hàn Quốc, tôi đã sống theo cách mình muốn mà không quan tâm đến bất kỳ hình ảnh lý tưởng nào như hình ảnh miếng đậu hũ mà gia đình và xã hội muốn nhào nặn. Thời gian này, tôi vừa qua tuổi 20, những giấc mơ lặp đi lặp lại từ thời thơ ấu không còn xuất hiện nữa.
Mãi cho đến năm 2018: năm mà tôi trở thành một sư cô tại Làng Mai, chúng mới xuất hiện trở lại.
Lại một lần nữa giả làm miếng đậu hũ
Mặc dù là người tự nguyện đi theo con đường xuất gia, nhưng những năm đầu thời sadi của tôi là những năm tháng đầy thử thách. Thay đổi hoàn toàn một lối sống tôi đã quen thuộc trong hơn 30 năm đã làm cho cơ thể cũng như tâm hồn tôi bị sốc. Những ký ức khổ đau ngủ quên bấy lâu nay bắt đầu thức dậy. Gần như ngày nào tôi cũng chìm trong nước mắt. Thậm chí nhiều khi tôi chọn đi đường khác để tránh phải gặp mặt và xá chào quý sư cô lớn. Tôi công khai thể hiện sự bất mãn và khó chịu của mình, phàn nàn về sự phân biệt đối xử khi quý sư cô tỳ kheo mỗi người nhận được ba quả bơ, còn sadini như chúng tôi chỉ nhận được hai quả. Đọc hàng trăm uy nghi và giới luật, tôi càu nhàu: “Hình như là quá tiểu tiết, giống như trong quân đội vậy”. Những lời dạy dỗ ấy dường như muốn ép tôi trở thành miếng đậu hũ, màu sắc và hình dáng phải giống y như những người khác.
Mỗi tối trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi tự hỏi: “Liệu đây có phải là con đường dành cho mình?”. Rồi tôi nhận được câu thì thầm từ nội tâm: “Hãy cho mình cơ hội được trải nghiệm trong vòng năm năm, nếu không có kết quả gì thì mình luôn có thể quay lại với cuộc sống trước kia”. Nhưng hình như khối nghi ngờ trong tôi vẫn chưa được thuyết phục với quyết định năm năm ấy. Tôi tiếp tục phàn nàn về cuộc sống xuất gia, sự chống đối cứ tiếp diễn: “Quá khắt khe. Chẳng hợp lý gì cả. Mình có nên chuyển trung tâm không?”. Cứ thế tôi tiếp tục nuôi những suy nghĩ ấy, và cảm thấy khó chịu, bó buộc với những giới luật và uy nghi.
Lần đầu tiên tôi nhận thấy cách thức hoạt động của bản ngã trong mình. Lúc nào tôi cũng cho rằng mình đúng và người khác sai. Chẳng hạn như trước đây, mỗi lần muốn tìm câu trả lời, tôi đều nhờ Google, nhưng đành từ bỏ thói quen đó vì mỗi lần vào Internet để tìm hiểu về những chủ đề mà tôi quan tâm là một lần khó. Để được sử dụng Internet trong những ngày làm biếng, tôi phải xin phép để được cấp một mẩu giấy như sau: “Con được phép sử dụng Internet vì lý do …” Thật buồn cười! Tôi chống đối việc này bằng cách gần như không sử dụng Internet trong vòng hai năm.
Xin phép để làm những thứ khác cũng phức tạp như vậy. Đi ra ngoài tu viện, tôi phải xin phép Y chỉ sư, Giám niệm, Tri xa, và còn phải kiếm thêm một người khác làm đệ nhị thân đi cùng. Nếu trong mùa An cư thì còn phức tạp hơn, tôi phải làm thêm một bước nữa là đứng trước toàn thể đại chúng và trình bày lý do, địa điểm, đệ nhị thân, thời gian đi và về của tôi.
Điều tôi muốn nói ở đây không phải là than phiền về quy trình phức tạp, mà là để thấy cách thức bản ngã của tôi vận hành. Trong mỗi giai đoạn vận hành, tôi nghe thấy tiếng gào thét của bản ngã: “Chính tôi mới là người quyết định nên làm gì và không nên làm gì, tôi phải được ưu tiên trên hết”.
Bởi chẳng thích thú gì với những điều bó buộc, tôi ý thức là mình có thể từ bỏ chương trình năm năm và trở về với cuộc sống trước kia. Đó hẳn là sự lựa chọn dễ dàng. Tuy nhiên, thay vì làm như vậy, tôi đã chọn cách thật sự đương đầu với những thử thách. Đó là tháo gỡ hết những trở ngại thật sự làm cho tôi mất tự do. Những trở ngại ấy không đến từ công việc trong tu viện hay vì không có lương hàng tháng, mà vì những suy nghĩ trong đầu và phản ứng của cơ thể khiến cho tôi cảm thấy ngột ngạt. Vậy nên tôi tập trung ý thức, quan sát những gì đang xảy ra cho thân và tâm, phòng hộ sáu căn khi bản ngã của tôi gào lên: “Tôi đang ở đây, đừng có mà đánh trống lảng”. Nhờ đó mà sự phản ứng nóng vội trong tôi cũng nguội bớt đi một cách đáng kinh ngạc.
Lâu dần, thay vì kiểm tra tin nhắn ngay sau khi thức dậy vào mỗi sáng thì tôi đọc bài kệ “Thức dậy”. Bước xuống giường, tôi ý thức cái lạnh của sàn nhà dưới lòng bàn chân. Nhẹ nhàng và chánh niệm, tôi đi tới và mở cửa trong ý thức để không làm phiền những người cùng phòng.
Nếp sống thanh đạm của người xuất gia đã giúp cuộc sống của tôi trở nên đơn giản: ăn chỉ ý thức là mình đang ăn, cắt rau củ thì biết là mình đang cắt rau củ, nghe pháp thoại thì ý thức là mình đang nghe pháp thoại. Ngay cả những lúc bản thân không muốn ngồi thiền có hướng dẫn nhưng tôi cũng thả lỏng và để cho mình đi theo dòng chảy của tăng thân. Nhiều khi đánh mất mình trong những suy nghĩ miên man, tiếng chuông ngân lên ở tu viện chính là neo đậu giúp tôi dừng lại và trở về với mình.
Theo thời gian, hình ảnh của tôi trong quá khứ – ngồi trong tàu điện ngầm, lướt qua các trang tin tức trong khi vẫn theo dõi kênh truyền hình của Netflix bắt đầu mờ nhạt dần trong tâm trí. Giống như tên người thầy kính yêu của tôi – Thầy Nhất Hạnh (“Nhất Hạnh” nghĩa là “một hành động”), tôi tự cam kết với chính mình là trong khoảng thời gian năm năm này tôi sẽ rèn cho mình thói quen là chỉ tập trung làm một việc mà không làm nhiều việc cùng một lúc. Giống như sau ba mươi năm sống một lối sống hoàn toàn khác thì bây giờ chính là một kỳ nghỉ ngơi năm năm. Bắt đầu từ năm thứ tư, những va chạm trong đời sống cũng bớt đi phần nào, bởi thay vì than phiền và đổ lỗi cho hoàn cảnh và những người xung quanh, tôi tập trung quán sát và nhận diện chính mình. Tôi rất biết ơn những người bạn đã đồng hành và yểm trợ tôi trong khoảng thời gian ấy.
Tôi tập trung vào ba sự thực tập căn bản và cốt lõi: sống hòa hợp trong tăng thân; chế tác năng lượng chánh niệm hằng ngày bằng sự thực tập ý thức về hơi thở và ý thức về hình hài; và nhìn sâu vào tự tính tương tức của vạn vật. Thỉnh thoảng trong tôi vẫn còn sự nghi ngờ về phương pháp thực tập của Làng Mai, vì hơi khác so với truyền thống Phật giáo ở Hàn Quốc. Những vị thiền sinh mà tôi gặp ở Pháp quan tâm nhiều đến các pháp thực hành hơn là tìm hiểu sâu về những lý thuyết và giáo lý về kinh điển Phật giáo. Trong khi đó, ở châu Á, đặc biệt là ở Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Đài Loan, thường thì các sadi và sadini tập trung chủ yếu vào lý thuyết và kinh điển trong bốn năm đầu chương trình Đại học Phật giáo. Tôi cũng lo khi trở về Hàn Quốc, người Hàn sẽ nghĩ rằng tôi không đủ kiến thức về Phật Pháp. Cũng là một nhân duyên, khi tôi có cơ hội được kiểm tra hoa trái thực tập và cái hiểu của mình về đạo Bụt trong chuyến trở về Hàn Quốc để chăm sóc ba mẹ.
Trở về Hàn Quốc
Khi nghe tin ba được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư, tôi đã khóc như mưa. Tôi biết đây là lúc tôi cần trở về có mặt với ba mẹ. Với tình thương và sự yểm trợ của đại chúng, tôi được sắp xếp để về lại Hàn Quốc nhanh chóng. So với bốn năm trước, Hàn Quốc thay đổi nhiều, tốc độ phát triển của xã hội gấp gáp, và người người trở nên vô cảm lạnh lùng. Họ đi qua nhau như đeo trên mình một chiếc mặt nạ vô hồn, hiếm lắm mới bắt gặt một nụ cười. Cái nhìn của họ thờ ơ cứ như những ngón tay trần đông cứng giữa cái giá lạnh của mùa đông.
Được gặp lại ba mẹ là một niềm vui khó tả, nhưng sẽ hạnh phúc hơn nếu đó chỉ là một chuyến thăm nhà như bình thường. Mà không sao, điều quan trọng nhất là tôi đã được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Ba khác quá, tóc ba bạc nhiều, nhưng đôi mắt vẫn sáng ngời. Điều tích cực là tinh thần ba luôn lạc quan, yêu đời mà không bi thảm vì bệnh tật. Tôi cảm phục tinh thần lạc quan và niềm vui sống của ba, cố gắng làm hết những gì mình có thể mà không để kết quả làm mình thêm lo lắng.
Càng gần đến ngày phẫu thuật, không khí căng thẳng bao trùm. Ở Làng Mai tôi học được cách nhận diện và chăm sóc sự căng thẳng mà không để nó làm tê liệt thân tâm, vì căng thẳng sẽ chỉ làm mọi chuyện trở nên rối hơn. Tôi và ba đã cùng nhau học Phật Pháp trong thời gian ba bị bệnh.
Khi ba đang nằm trong phòng mổ của bệnh viện ở Seoul, tôi không để âu lo làm mình rối trí. Tôi nắm tay mẹ và hai mẹ con cùng nhau thở những hơi thở ý thức. Cạnh bên phòng mổ là phòng hồi sức cấp cứu – nơi những bệnh nhân đang đối diện với thập tử nhất sinh. Nhìn thấy khuôn mặt buồn bã của những gia đình có người thân đang cận kề cái chết đã khiến mẹ thêm lo. Để giúp mẹ, tôi mở nhạc kinh của Làng Mai cho mẹ nghe. Âm nhạc có thể vỗ về và an ủi những người không thể tự mình an ủi. Tôi nghĩ nó cũng đã giúp được mẹ phần nào.
Thật may mắn, ca phẫu thuật của ba thành công. Khi tỉnh dậy, điều đầu tiên ông nhắc đến là “mười hai nhân duyên”! Trong thời gian bệnh, khi học bài cùng nhau, ba đã nói tôi cần học thuộc lòng thuật ngữ Phật giáo này bằng tiếng Hàn. Những ngày chăm sóc ba trong bệnh viện trôi qua rất nhanh.
Mất vài tháng thì sức khoẻ của ba mới hồi phục. Ba cũng bắt đầu thể hiện tình cảm với tôi một cách tự nhiên và kể rằng ông đã nhớ tôi rất nhiều trong mấy năm tôi xa quê tu tập. Tôi cảm thấy mình như đang an cư ở nhà với ba trong khoảng thời gian ba hồi phục. Một trong những lý do là sau khi nghỉ hưu, ba tôi đã xây dựng một căn nhà trên núi cho cả gia đình, thành ra chúng tôi cứ như đang ở trong một ngôi chùa nép mình trên núi, vắng vẻ, bình an và tinh khiết.
Ngồi thiền buổi sáng, ăn cơm trong chánh niệm, thiền hành, tập thể dục, chăm sóc vườn, và nghe pháp thoại là những thời khóa hằng ngày của cả nhà. Ba muốn dạy cho tôi những thuật ngữ Phật giáo tiếng Hàn, các giáo lý căn bản của đạo Phật và tâm lý học ứng dụng, kể cả những những kinh sách thời xưa. Tuy thời khóa dày đặc như vậy, nhưng cả ba và mẹ đều hạnh phúc. Những lúc bắt gặp kinh điển và thuật ngữ Phật giáo mới lạ, tôi nhận ra rằng tôi đã học được những điều này tại Làng Mai. Hình thức tuy có thể khác nhau, nhưng nội dung thì giống nhau. Như những ngón tay khác nhau nhưng chúng đều cùng chỉ về hướng mặt trăng.
Pháp môn yêu thích của ba mẹ là thiền ôm. Đàn ông Hàn Quốc thường ít thể hiện tình cảm ra bên ngoài với con cái, ôm con là điều hiếm xảy ra. Nhưng mỗi ngày ba đều ôm tôi, và đôi khi thì hơi nhiều. Sau giờ ngồi thiền, sau giờ ăn sáng, sau giờ thiền hành, và sau giờ nghe pháp thoại… ông luôn muốn thể hiện tình thương bằng việc ôm con của mình. Có lúc tôi nói đùa với ba là ba chỉ được ôm con tối đa năm lần mỗi ngày. Tôi nhận ra chuyến trở về bất ngờ của mình không chỉ là để có mặt chăm sóc ba mà còn là để chữa lành cho chính mình.
Một lần nữa, liệu tôi có thật là đậu hũ?
Tôi muốn chia sẻ về một giấc mơ khác của mình. Giấc mơ ấy là một bí mật, nhưng vì trong tăng thân thì chẳng có gì bí mật cả, nên tôi sẽ kể bạn nghe. Đó là vào đêm trước khi tôi được thọ Giới lớn hồi đầu năm ngoái. Cá nhân tôi không cố gắng giải mã những giấc mơ như những hiện tượng bí ẩn, mà tôi nghĩ rằng giấc mơ phản ánh những gì xảy ra trong nội tâm. Trong giấc mơ, tôi và hai người bạn cùng ngồi trên một chiếc trực thăng và nhìn xuống một dòng sông lớn bị đóng băng, được bao quanh bởi núi non trùng điệp và những cánh rừng nhiệt đới.
Trong giấc mơ, tôi là một người đàn ông da màu. Đột nhiên, hai người bạn đưa ra ý tưởng: “Mình hãy cùng nhau nhảy xuống dưới dòng sông băng kia”. Sau khi quan sát kỹ, chúng tôi thấy ở giữa dòng sông có một lỗ đen, và màu nước cho thấy độ sâu của nó. Như vậy thì chẳng khác gì bảo tôi chết đi. Nhưng thật lạ, tôi cảm thấy có thể nhảy xuống cùng với hai người bạn vô cùng tin tưởng của mình. Không một chút do dự, chúng tôi nắm tay nhau và nhảy xuống hố nước đá lạnh căm đó. “Ùm!” Hết sức bất ngờ, nước không hề lạnh như tôi nghĩ, ngược lại còn ấm và trong veo như suối nước nóng. Khi mở mắt ra, tôi thấy một bạn trông giống Đức Bụt, còn người kia thì giống Thầy. Ở dưới nước nên chúng tôi không thể nói chuyện được nên chỉ nhìn nhau mỉm cười rồi cùng bơi lội thật thoải mái.
Một năm tập sự xuất gia và năm năm là người xuất sĩ của tôi trôi qua trong nháy mắt. Giờ đây tôi vẫn đang bơi trong suối nước nóng ấm áp của tăng thân. Giống như tôi chỉ mới được tắm gội thật kỹ và lâu, giũ sạch tất cả những bụi bẩn trong tâm, làm toàn thân tôi mát mẻ và nhẹ nhàng. Sau khi hoàn tất chương trình năm năm, tôi vẫn thấy mình có mặt đây trong tăng thân, cười đùa, sẻ chia và tu tập, y như trong một giấc mơ khác của tôi mà tôi sẽ kể với bạn khi có dịp…
Đến hôm nay, tôi vẫn còn hấp tấp, thỉnh thoảng hơi làm biếng, càu nhàu khó chịu làm quý sư cô có chút phiền lòng. Nhưng tôi vẫn thích cùng đi với tăng thân như một dòng sông với niềm tin vào Tam bảo càng ngày càng lớn mạnh. Sống chung và thực tập với nhiều người đa dạng về tính cách giúp tôi có cơ hội nhìn sâu vào bản ngã của mình. Suy nghĩ, lời nói và hành động của mỗi người trong tăng thân là những tấm gương phản chiếu giúp tôi thấy được chính mình từ nhiều góc độ khác nhau. Sống trong tăng thân không phải là điều dễ dàng, nhưng mỗi ngày tôi đều nhận ra rằng con đường này giúp cho bản thân mình ngày càng hoàn thiện hơn.
Vậy nên tôi lại tự hỏi mình: “Có thật sự mình là miếng đậu hũ công nghiệp kia, hay mình đã nhảy ra khỏi băng chuyền để thỏa thích vui đùa với những miếng đậu hũ khác bằng tất cả tâm hồn trẻ thơ?”.