Nó đây rồi!
Sư chú Chân Trời Ruộng Đức, đến từ Malaysia, xuất gia trong gia đình Cây Bạch Quả vào năm 2019. Sư chú hiện đang tu tập và phụng sự với rất nhiều niềm vui tại chùa Sơn Hạ, Làng Mai Pháp.
( Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh )
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, vậy là con đang bước vào năm thứ ba của thời sadi. Nhìn lại chặng đường đã qua và bồ đề tâm của mình, con tự hỏi: “Mình ở đây để làm gì? Mỗi ngày trôi qua liệu mình có tỉnh thức hơn một chút nào không?”
Hồi còn là cư sĩ, con tham gia các hoạt động thiện nguyện, tặng thực phẩm, áo quần, thuốc men và các vật phẩm thiết yếu cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Con nghĩ sự giúp đỡ ấy có thể giúp họ cảm thấy hài lòng và hạnh phúc, nhưng thật sự thì không phải như vậy. Điều đó chỉ giúp ích một phần mà thôi. Sau khi nhận những vật phẩm ấy, họ vẫn cảm thấy chưa hài lòng, và trông mong sự hỗ trợ khác. Chúng con lại tiếp tục tìm cách giúp họ thêm. Lúc ấy con chưa biết đến sự thực tập và con thấy mình chỉ đang tạo thêm gánh nặng cho chính mình. Thấy họ không hạnh phúc, lòng con cũng cảm thấy không vui. Con bắt đầu tự hỏi: “Tại sao lại như vậy?”
Sau một thời gian thực tập tại Làng Mai, niềm vui và hạnh phúc của con ngày một lớn lên. Con học cách lắng nghe tiếng nói từ nội tâm và học hiểu thêm về chính mình. Con nguyện sẽ chăm sóc chu đáo cho khu vườn tâm của con và khám phá thêm về cuộc sống.
Cũng vào dịp này năm ngoái, ba của con qua đời. Mẹ và các anh chị em cần sự có mặt của con nên con đã xin đại chúng được về Malaysia thăm và yểm trợ gia đình. Con rất biết ơn tăng thân đã cho con cơ hội quý giá này. Trong thời gian thăm nhà, con cảm thấy môi trường bên ngoài đầy cám dỗ nhưng cũng đầy áp lực và thử thách. Sau vài tuần xa tu viện, con bỗng thấy nhớ tăng thân. Mỗi ngày con đều ngồi thiền sáng tối và thực tập thiền hành, nhưng con vẫn dễ dàng bị năng lượng xung quanh kéo đi. Con thường xuyên tự nhắc nhở mình phải thực tập quay về với tự thân. Con nhận ra tăng thân là nơi để con nương tựa, thực tập cùng tăng thân dễ hơn thực tập một mình. Nhờ được nuôi dưỡng trong nguồn năng lượng tập thể ấy, thân tâm con được thanh lọc mỗi ngày. Dù khó khăn thử thách vẫn còn nhưng con biết tăng thân vẫn luôn có mặt và yểm trợ cho con.
Khoảng vài tháng trước, con chuyển xuống Sơn Hạ sau một năm sống ở xóm Thượng. Thời gian đầu, thích nghi được với môi trường nơi đây không phải là chuyện dễ dàng đối với con. Nhất là khi con còn chưa biết cách chăm sóc cho mình. Nhưng nhờ sự chỉ dạy và nâng đỡ của hai vị y chỉ sư là thầy Nguyên Tịnh và thầy Pháp Áo mà con dần dần biết cách chăm sóc khổ đau của mình. So với xóm Thượng thì Sơn Hạ khá ẩm ướt và lạnh. Mùa đông về, nhiệt độ bắt đầu giảm, phòng ốc trở nên rất lạnh. Vậy mà y chỉ sư của con chẳng bao giờ dùng đến máy sưởi. Ước gì con cũng thực tập được như vậy.
Biết con sợ lạnh, y chỉ sư đã cho con đổi chăn dày hơn. Bây giờ con có thể ngủ thẳng giấc. Đôi khi con cũng tự nghĩ: giờ này ngoài kia đang có rất nhiều người đói khổ, nhất là trẻ em, không có đủ cơm ăn và áo ấm để mặc. Con rất may mắn khi có đủ những điều kiện để hạnh phúc và để đi tới trên con đường thực tập.
Sống trong tăng thân, con có nhiều cơ hội thực tập: thỉnh chuông đại hồng, hô canh sáng, hướng dẫn thiền hành, ngồi chuông hướng dẫn cho buổi ngồi thiền. Con là người khá rụt rè, nhưng nhờ những cơ hội ấy mà con dần vượt qua được sự nhút nhát của mình. Sự chuyển hóa ấy cho con thêm niềm tin và động lực thực tập.
Mùa an cư này con được chăm sóc vườn rau, đó là một món quà ý nghĩa đối với con. Con muốn chia sẻ niềm hạnh phúc khi được làm việc cùng với y chỉ sư trong vườn. Mới đầu con nghĩ rằng vườn là nơi cung cấp rau cho đại chúng, nhưng thật ra đó không phải là mục đích chính.
Bắt tay vào việc, thầy Pháp Áo dùng máy để quất cỏ, sau đó thầy Nguyên Tịnh và con cùng nhau nhổ lên. Đất trong vườn được xới, làm cho tơi ra, và được đánh luống. Chúng con tưới nước cho đất mềm và ẩm hơn. Đất không canh tác gần cả năm, khá khô và cứng nên phải mất rất lâu để thấm nước. Lúc đó thầy Pháp Áo cười và nói với con: “Sư em chỉ cần tưới nước cho nó mỗi ngày thôi”. Ồ! Giống như thầy muốn nói điều gì đó với con, nhưng đó là điều gì?
Chỉ sau hai ngày làm việc ở vườn xanh, con đã buông bỏ được rất nhiều căng thẳng và đau nhức trong thân tâm. Mấy luống đất sau khi được tưới nước vài ngày rồi bón thêm phân gà thì trở nên mềm và dễ thấm nước hơn.
Thầy y chỉ sư của con gieo hạt và dặn con tưới nước mỗi ngày. Vài ngày sau, hạt bắt đầu nảy mầm. Những mầm non theo nhau lớn rất nhanh. Để đủ không gian cho các bạn, thầy đã bứng một số cây con và trồng sang luống khác.
Một buổi chiều, vào giờ chấp tác, khi đang chăm chú tưới nước cho những luống rau mầm thì bỗng nhiên con thấy các mầm non nhỏ xíu đang mỉm cười với con. Ôi! Thật là tuyệt! Lần đầu tiên con cảm nhận rõ như vậy. Đây là một giây phút rất hạnh phúc, chắc hẳn đây cũng là điều mà thầy muốn nói với con.
Lúc rau mầm lớn lên cũng là lúc cỏ mọc cao hơn. Con chỉ lo chăm chỉ tưới rau mà chẳng để ý gì đến cỏ dại. Vào một buổi sáng, trong lúc uống trà, biết là con quên nhổ cỏ nên thầy mỉm cười và nói: “Sư em chỉ biết tưới rau thôi”. Sau đó, con nhận ra rằng dù chăm sóc rau nhưng mình cũng cần phải nhổ cỏ. Chiều hôm ấy, khi đang nhổ cỏ với thầy Nguyên Tịnh, con phát hiện ra rằng con không thể nhổ cỏ xung quanh các luống rau mầm được vì rễ của rau cũng rất yếu lại dính vào rễ cỏ. Con chỉ có thể cắt tỉa cỏ xung quanh mà thôi. Thầy Nguyên Tịnh cười và nói rằng chắc phải đợi thêm cho đến khi cây rau đủ mạnh thì con mới có thể nhổ cỏ. Con lắng nghe và kiên nhẫn chờ đợi để rau lớn thêm.
Đến cuối thu, nhìn thấy những cây rau Arugula (rau rocket) đang úa từ từ, con nhổ cỏ và nhổ luôn rau Arugula. Rễ cỏ đâm xuyên chằng chịt với rễ rau. Phải khéo léo lắm con mới có thể gỡ riêng ra từng thứ và trồng lại rau Arugula. Chỉ sau vài ngày, những chiếc lá non xanh bắt đầu nhú lên khiến con rất hạnh phúc. Nhìn chúng, con tự hỏi: “Liệu mình có làm được như vậy với khổ đau của chính mình không?”
Một buổi chiều khi đang thu hoạch rau, thầy Pháp Áo nói với con là kể từ hôm nay con cần phải bắt ốc sên trong vườn vào mỗi buổi sáng và buổi tối. Những chiếc lá rau đầy lỗ là chứng tích cho bữa ăn no nê của các bạn ốc sên. Sau lời dạy của thầy, trong lòng con cảm thấy rất tò mò. Cuộc đời con liệu có liên hệ gì đến những chú ốc sên? Kể từ hôm ấy, sáng tối con đều ra vườn để tìm kiếm câu trả lời. Con bắt được hơn một nghìn con ốc sên mà câu trả lời vẫn chưa thấy xuất hiện. Trong buổi ngồi thiền tối, khi đang quán chiếu về hơi thở, tự nhiên hình ảnh của mấy con ốc sên đi lên trong con. Và con nhận ra đây có thể là thông điệp mà y chỉ sư muốn gửi gắm tới con, nhưng con cũng muốn kiểm tra xem có chắc là như vậy không. Đêm hôm ấy, con ở trong vườn rau, tiếp tục bắt ốc sên. Không lâu sau con đã thấy được điều mà con chưa bao giờ thấy. Niềm vui tràn dâng. Đúng rồi! Nó đây rồi!
Nhờ cơ hội được làm việc trong vườn rau, con nhận ra rằng làm việc không tách rời sự thực tập. Chăm sóc vườn rau, con cũng đang chăm sóc cho mình và mọi người. Chuyện gì xảy ra với vườn rau cũng là xảy ra cho con. Đó là điều mà y chỉ sư muốn con thực tập. Con cần học cách chăm sóc mình, tìm thức ăn nuôi dưỡng niềm vui và hạnh phúc trong đời sống hàng ngày, tưới tẩm và nuôi lớn những hạt giống thiện lành cũng như chăm sóc những hạt giống bất thiện khi chúng phát khởi.
Con cũng cần thường xuyên trở về lắng nghe tiếng nói từ nội tâm mình để có thể hiểu thêm về những người bạn bé nhỏ trong con, những người bạn đã đồng hành cùng con bấy lâu. Trong quá khứ, vì không biết nên con đã bỏ bê các bạn. Mỗi khi các bạn xuất hiện thường mang theo những cảm giác khó chịu, nên con thường tìm cách chạy trốn mà không muốn đối diện, đón nhận. Nhưng bây giờ con biết con cần phải nhận diện và dành thời gian có mặt cho các bạn mỗi khi các bạn xuất hiện. Đây cũng là cơ hội để con bày tỏ tình thương, sự quan tâm, và để thiết lập mối liên hệ với các bạn. Con dần hiểu thêm về chính mình và ba mẹ, hiểu hơn những khổ đau trong quá khứ. Bởi vì khổ đau hiện tại của con cũng chính là khổ đau của ba mẹ – những khổ đau mà ba mẹ đã chất chứa và mang theo trong nhiều năm tháng. Con sẽ tiếp tục thực tập cho ba mẹ.
Chánh niệm là suối nguồn của hạnh phúc. Năng lượng chánh niệm giúp con có thể nhận diện, chăm sóc và chữa lành khổ đau. Khi khổ đau được chăm sóc và chữa trị bằng năng lượng của từ bi và thương yêu thì con vẫn có thể tận hưởng những mầu nhiệm của cuộc sống mà không bị kéo đi bởi những khổ đau ấy. Phương pháp chăm sóc khổ đau cũng chính là phương pháp trị liệu. Một khi sự trị liệu xảy ra thì con đã bắt đầu chuyển hóa. Con nhận ra mình không cần phải làm gì nhiều để chuyển hóa khổ đau, vì khổ đau cũng có tính chất hữu cơ. Chỉ cần để cho năng lượng an lành nuôi dưỡng con mỗi ngày, giúp con trở nên nhẹ nhàng và thư thái hơn. Con có thể thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên và thực tập cùng với tăng thân. Nhờ vậy mỗi khi đau khổ xuất hiện, con có khả năng nhận diện và ôm ấp. Thực tập như vậy rất hiệu quả. Giống như y chỉ sư của con đã dạy: “Khi cây rau đủ mạnh thì cũng dễ nhổ cỏ hơn”.
Khổ đau có liên hệ tới những suy nghĩ mà con phát khởi trong ngày. Con có xu hướng suy nghĩ tiêu cực và khó mở lòng học hỏi những cái thấy khác biệt của những người đồng sự. Nhiều lúc con chỉ muốn người khác làm theo cách của mình. Con nói năng, hành xử thiếu chánh niệm làm những người ấy buồn khi làm việc với con. Con thấy những năng lượng tiêu cực ấy không vận hành riêng biệt mà chúng kết nối với nhau và hoạt động cùng lúc. Khi những cái thấy sai lạc kết hợp với những tâm hành bất thiện sẽ làm phát sinh những cảm thọ khó chịu. Thỉnh thoảng nó ảnh hưởng đến các bộ phận trên cơ thể và khiến con cảm thấy không dễ chịu. Nếu như con không có ý thức thì chúng sẽ tiếp tục nuôi dưỡng lẫn nhau, hết lần này đến lần khác, và làm cho con khổ đau đêm ngày. Một khi nhận diện được những tri giác của mình và có khả năng dừng lại, con có cơ hội để tự hỏi: “Có chắc như vậy không?” Thực tập như vậy con trở về được với chính mình. Nhờ thực tập như lý tác ý, năng lượng tiêu cực sẽ được năng lượng chánh niệm, năng lượng thương yêu chăm sóc và chuyển hóa. Khi năng lượng tích cực có mặt, con cảm thấy dễ chịu và cách nhìn nhận của con cũng trở nên tích cực hơn. Hàng ngày, con cần duy trì sự thực tập để khám phá thêm về chính mình. Thực tập là một quá trình liên tục. Con rất biết ơn hai vị y chỉ sư của con, vì hai thầy biết rõ sự thực tập nào cần thiết đối với con trong thời gian này. Con cũng nhận ra tầm quan trọng của sự thực tập nương tựa y chỉ sư.
Con vẫn còn rất non nớt trong sự thực tập nên con hy vọng các vị y chỉ sư và tăng thân tiếp tục hướng dẫn, chỉ dạy cho con. Mỗi buổi sáng, khi có cơ hội được uống trà và nghe chim hót cùng y chỉ sư, con rất hạnh phúc. Đây cũng là dịp để con giải tỏa những thắc mắc trong sự thực tập. Nhờ tình thương, sự hiểu biết của y chỉ sư mà con có thể đón nhận và học hỏi rất nhiều. Đối với con, đó là những giây phút quý giá nhất trong cuộc đời.
Trước đây, con cứ nghĩ hạnh phúc ở đâu đó ngoài kia, nếu muốn có hạnh phúc thì con phải theo đuổi cái đó. Nhưng khi có được thứ ấy rồi, con lại không cảm thấy hạnh phúc, con vẫn tiếp tục tìm kiếm những hạnh phúc khác. Vào một buổi sáng, đang ngồi uống trà yên lặng với y chỉ sư, bỗng nhiên con nhận ra hạnh phúc đang có mặt ngay ở đây và bây giờ. Lòng con cảm thấy biết ơn và an tịnh. Hạnh phúc chính là đây. Mình còn trông đợi gì nữa? May mắn biết dường nào khi được làm một người xuất sĩ và sống trong tăng thân này. Một tăng thân mà Sư Ông, quý thầy, quý sư cô lớn đã dày công thành lập và xây dựng. Con có thể thấy được bao nhiêu điều kiện và nhân duyên đã hội tụ để cho tăng thân biểu hiện như ngày hôm nay. Con sẽ trân quý cuộc sống nơi đây cùng những điều kiện mà Sư Ông và tăng thân đã trao cho con.
Cách đây không lâu, con nhận được hai công án từ y chỉ sư. Một là: “Thằn lằn và rắn có thể ăn một số nhưng không thể ăn hết ốc sên”. Hai là: “Tại sao những con ốc sên chỉ ăn rau mà không ăn cỏ?” Một lần nữa là câu hỏi tại sao vậy? Hai công án này, con vẫn đang quán chiếu, hy vọng con có thể tìm ra câu trả lời và kể cho mọi người nghe tiếp câu chuyện của con.