Nhập Lưu, ngày bình thường
Bạch Thầy kính thương,
Hai chị em chúng con về đến Nhập Lưu vào một buổi tối trời khá lạnh. Đón chúng con trên đường là một chú gấu túi (wombat) chạy ục ịch phía trước một đoạn khá xa, trong ánh đèn xe. Sư chị con phải cho xe đi chậm lại để chờ chú tấp vào lề. Ai cũng muốn chú quay lại để thấy mặt nhưng thật tiếc là chú chỉ cắm cúi chạy về phía trước. Tuy vậy, niềm vui và sự phấn khởi chú mang lại cho chị em con vẫn rất nhiều.
Bước xuống xe, không khí lạnh buổi tối phả vào mặt làm con tỉnh táo. Hai tuần đầu tiên sau khi đến Úc, chị em con cách ly ở Perth trong một khách sạn. Cả hai tuần không được bước ra khỏi căn phòng mười sáu mét vuông nên không khí mát lạnh, trong lành là một món ăn thật ngon lành cho hai lá phổi của con.
Chúng con đã sử dụng thời gian cách ly một cách rất thích đáng bằng cách áp dụng sự thực tập hiện pháp lạc trú, nhận diện những điều kiện hạnh phúc đang có sẵn, kết nối với tăng thân địa phương và sử dụng cơ hội sống chung để chị em hiểu nhau hơn.
Vừa lạ vừa quen
Tu viện Nhập Lưu được dời về chỗ mới vào tháng Sáu, ngay trước mùa an cư. Khi chúng con đến, tu viện chỉ có năm sư cô, trong đó có sư cô Trung Chính về an cư ba tháng. Sau an cư sư cô về lại Lộc Uyển để tham dự Đại giới đàn, vì vậy tu viện chỉ có tất cả là sáu sư cô, tính cả hai chị em chúng con.
Những ngày đầu bỡ ngỡ, vừa lạ vừa quen. Lạ là có nhiều cái khác với xóm Mới, nơi chị em con đã tu học trong nhiều năm. Từ cái máy giặt, nhà bếp, nhà ăn, thùng rác chuyển hóa, cho đến số lượng xuất sĩ khá là nhỏ so với đại chúng bên Làng. Nói chung, nhiều thứ cần phải làm quen. Còn một cái “lạ” nữa là ở đây khi ra phố thấy ai cũng… nói tiếng Anh. Mấy tuần đầu, khi những người Úc thân thiện gặp mình chào “hello”, con vẫn còn theo thói quen trả lời “Bonjour”. Trả lời xong, ngẩn ra, cười quê quê!
Quen là diện tích đất ở đây hơi tương tự xóm Mới, tuy địa hình hơi dốc một chút. Đất không rộng lắm, chỉ vừa đủ để con thưởng thức không gian, vừa đủ để một người hơi lớn tuổi leo hết dốc trong tu viện mà chân không quá mỏi. Thời khóa, pháp môn, sinh hoạt nơi đây được duy trì đều đặn nên con thấy mình có thể hòa chúng ngay mà không cần một sự cố gắng nào.
Chúng con may mắn có cơ hội được tham gia an cư trong vài tuần cuối. Mùa đông lạnh nhưng đại chúng vẫn theo thời khóa miên mật. Sáng nào cũng có cư sĩ tham dự ngồi thiền tụng kinh trực tuyến, trừ ngày thứ hai làm biếng. Sau khi sư chị Sinh Nghiêm về nhập chúng thì có thêm thời khóa tập khí công sau giờ công phu. Ban đầu, sư chị chỉ có ý định tập để cho bố mẹ tham gia cũng như tự thân được tập đều đặn, nhưng rồi có nhiều người tập chung và thời khóa này đã trở nên rất được yêu thích. Bây giờ, sư chị đã xây dựng được một nhóm gồm có cả các vị cư sĩ thay phiên nhau hướng dẫn mỗi sáng.
Quà tặng từ thiên nhiên
Thiên nhiên nơi đây thật ưu đãi chúng con. Sáng hay chiều, lúc nào cũng có các chú Kangaroo đến thăm những bãi cỏ xanh xung quanh ni xá. Tu viện có nhiều hồ nước nhỏ nên các chú vịt trời đang mùa nuôi con tìm về rất đông. Quan sát các chú vịt trời, chúng con dần dần nhận diện chúng. Có những cặp không con, có khi một con vịt lẻ loi, đi một mình, có khi chỉ một con vịt mái nuôi đàn con năm đứa.
Con đặc biệt chú ý đến một cặp bố mẹ nuôi hai con vịt con bởi chúng chiếm cứ cả một vùng rộng xung quanh ni xá. Dần dần chúng đã cho các sư cô đến khá gần, còn các con vịt khác đến là bị đánh đuổi đi ngay. Quan sát cách chúng nó nuôi dạy con rất thú vị. Hai cha mẹ cứ đi theo con, con đi đâu, cha mẹ đi theo đó chứ không bắt con đi theo mình. Chỉ đi theo để quan sát và bảo vệ. Có vẻ như những con vịt không có con muốn đến để bắt vịt con của người khác về nuôi. Khi có vịt khác đến gần nhưng vẫn còn trong vùng an toàn, hai cha mẹ vịt bèn đi xen giữa con và vịt lạ, không hành động gì cả chỉ đi về hướng ngược lại để vịt con đi theo. Chỉ khi nào mấy con vịt con ngây thơ cứ xăm xăm mải mê ăn mà đi về hướng “địch” thì chừng đó hai con vịt lớn mới đánh đuổi vịt lạ mà thôi.
Có những lúc chị em chúng con đứng mải mê nhìn thế giới động thực vật sinh động xung quanh mình thật lâu và cảm thấy được nuôi dưỡng rất nhiều. Hôm nọ, một sư cô đứng quay phim con nhím đang tìm thức ăn trên bãi cỏ thì tự nhiên con nhím ngước nhìn sư cô, rồi tiến lại dũi mỏ vào bàn chân sư cô.
Đồng lòng
Ở đây, dù có mấy chị em nhưng thời khóa và sự thực tập không có gì khác so với thời gian con ở xóm Mới. Có những thực tập nho nhỏ mà con thích từ hồi còn sadi vẫn được duy trì làm cho con rất hạnh phúc. Thí dụ như sau khi thỉnh chuông ăn cơm im lặng rồi thì mình không vào khất thực nữa mà phải đợi sau hai tiếng chuông mới vào để không động chúng. Nhờ vậy nên ai cũng cố gắng đi đúng giờ.
Chúng con về được vài tuần thì có khoá tu online. Covid vẫn đang hoành hành khắp nơi trên nước Úc. Không thể tổ chức hai khóa tu, một bằng tiếng Anh, một bằng tiếng Việt tại tu viện như dự định lúc ban đầu được nữa nên chúng con gộp lại, tổ chức chỉ một khoá tu hai ngôn ngữ. Lần đầu tiên có khoá tu online nên chúng con hơi dè dặt, chẳng biết khả năng của mạng lưới Wifi ở đây có đủ sức đảm đương hay không nên không dám nhận nhiều thiền sinh, chỉ giới hạn tối đa 100 đến 110 người. Nhiều người đăng ký trễ, không được tham dự nên rất buồn làm chúng con khá áy náy. Mới ban đầu chúng con sợ “bị ế” nên nhờ trang nhà Làng Mai cả Anh lẫn Việt quảng bá khóa tu cho rộng rãi. Thế là thiền sinh từ Nhật, Trung Quốc, Nam Phi, v.v. cũng đăng ký làm số lượng tăng lên khá nhanh. Một số người ở Úc để “thủng thẳng rồi hãy đăng ký”, không ngờ những người ở ngoài Úc đăng ký trước nên họ không còn chỗ.
Tất cả chỉ có sáu sư cô, vừa làm ban tổ chức, ban ghi danh, cho pháp thoại, hướng dẫn pháp đàm, thảo luận theo chuyên đề (workshop), ngồi chuông các thời khoá hàng ngày, làm thiền buông thư, và còn nấu ăn nữa. Vậy mà khoá tu đã diễn ra rất suôn sẻ và thành công. Đó là nhờ sự yểm trợ hết lòng của các vị thiền sinh cư sĩ trong việc thông dịch và kỹ thuật. Rất nhiều hoa trái của sự thực tập đã được thiền sinh ghi lại, gửi đến trang nhà Nhập Lưu để chia sẻ, nuôi dưỡng và tạo cảm hứng cho người khác. Chúng con thấy mình thật may mắn được tham dự vào dòng chảy này.
Nuôi dưỡng
Mùa xuân ở xứ sở Kangaroo này bắt đầu vào khoảng tháng Mười. Nhìn từng nụ hoa, chiếc lá từ lúc mới nhú trên cành đến lúc nở bung ra, con thấy sức sống của đất trời thật mầu nhiệm. Không hiểu sao con rất thích thưởng thức lá non, có khi còn hơn cả hoa nữa. Ở Úc phần nhiều đất đai là sa mạc, mưa ít nên nhìn thấy cây cối ở đây nảy lộc đâm chồi, tự nhiên thấy lòng biết ơn chi lạ! Màu xanh của lá ở đây cũng khác so với ở châu Âu, không mơn mởn mà có gì đó hơi khắc khổ một chút, nhưng con thấy nó đẹp bởi vì nó mang trong mình sự chịu đựng, kiên trì và nhẫn nại. Cùng với hệ thống rễ, những chiếc lá này miên mật làm việc để nuôi cây. Không có chúng, cây không thể lớn được.
Năm ngoái, xóm Mới phát động phong trào trồng cây thay cho những cây mận chết trên đồi. Mỗi sư cô nhận một, hai, hay nhiều cây hạnh nhân để chăm sóc, tưới nước khi cây còn nhỏ. Ban chăm sóc in tên từng sư cô và còn gắn dải ruy băng rất đẹp để mỗi sư cô buộc vào cây của mình. Sau khi trồng cây xuống, buộc bảng tên đó lên cây, tự nhiên ai cũng thấy có sự gắn bó lạ lùng. Đôi lúc ra nhìn vườn mận, thấy thấp thoáng bóng áo nâu của các sư cô đi thăm và chăm sóc cây của mình mà lòng vui chi lạ. Có người đi thiền hành còn tranh thủ bọc theo chai nước để tưới cây. Con cũng không ngoại lệ. Ra thăm cây, nói chuyện với nó, làm hàng rào xung quanh để dê, cừu của hàng xóm không vào gặm lá, gặm cành. Lòng mừng vui khi thấy xuân tới, thời tiết ấm lên và lá non bắt đầu nhú ra mơn mởn.
Hôm đó con ra thăm cây, thấy những chiếc lá non bị côn trùng gặm nham nhở, có lá chỉ trơ lại những sợi gân mỏng manh. Nhìn vào con biết cây không thể nào sống tiếp. Cây còn nhỏ, lại ít lá quá. Trong lòng con thấy buồn buồn vì không cứu được nó. Cũng như tâm bồ đề của chúng con, từ thuở ban sơ là một tế bào, đi qua nhiều kiếp, nhiều thế hệ, đã từ từ thành một hạt giống, ươm mầm và nhú lên màu xanh. Có thể bây giờ tâm bồ đề của con và của nhiều huynh đệ vẫn còn đang trong giai đoạn búp non, cần phải qua nhiều giai đoạn, nhiều kiếp nữa mới trở nên dũng mãnh và viên mãn như các bậc long tượng trong sơn môn, như Hòa thượng Hư Vân, như Thầy. Tuy nhiên, sự có mặt của những búp non này vẫn rất mầu nhiệm. Không có búp non thì sẽ không có lá, không có hoa. Lá non vô cùng quan trọng. Nếu lá non bị gặm nhấm như cây hạnh nhân của con thì không còn hy vọng là cây sẽ sống, nói chi đến việc cắm rễ trong tăng thân.
Công phu hàng ngày và những thanh quy tưởng như lặt vặt lại là loại thuốc chống côn trùng hiệu quả để cho lá non không bị gặm nham nhở dẫn đến sự kiệt quệ của cả cây phải không thưa Thầy? Tuệ giác tích tụ qua kinh nghiệm hàng ngàn năm của các thế hệ cao tăng đi trước thật là bất khả tư nghì. Nơi tu viện mới con đang ở chỉ có sáu chị em, nếu không có công phu tu tập hàng ngày miên mật bảo hộ thì thật khó để đi đường dài.
Buông bỏ
Trước khi về đây, hai chị em con dặn nhau cần thực tập mở lòng cho những cái gì mới đi vào, đừng nên mỗi chút mỗi nhắc lại “bên xóm Mới, bên Làng là vậy, là vậy nè”. Thế mà trong những ngày ở đây, lâu lâu hai chị em lại bắt gặp mình nói câu y chang như vậy.
Ở Úc có loại khuynh diệp da láng. Mùa hè là mùa chúng “lớn vỡ da” (decorticating), nghĩa là nhựa cây căng tràn và cây phải nứt da cũ ra cho cây được lớn lên. Những dải dài da cũ mắc trên cây, khô cứng lại, chờ gió lớn thì rơi xuống. Chúng con hay lượm vào nhen lửa trong mùa đông. Nhiều lúc đi thiền hành, nhìn những cây khuynh diệp lột vỏ cũ để lộ ra lớp vỏ mới xanh non mà con thấy mình như được nhận một bài pháp thoại về sự buông bỏ. Cây càng lớn thì các dải vỏ cũ càng dài và càng nhiều. Quá trình lớn vỡ da này không bao giờ ngừng lại. Chỉ khi lớp vỏ ngoài chịu nứt ra, rơi xuống thì cây mới có thể lớn lên được.
Những gì con đã biết, đã làm, đã kinh nghiệm có thể dễ dàng trở thành một thành trì vững chãi cho con ẩn núp. Và con có thể sẽ mất cơ hội được “vỡ da” để lớn lên.
Ngày thường
Nhóc 16 tuổi. Mùa Giáng sinh và Năm mới này được (hay bị!) gửi lên Nhập Lưu với các sư cô. Bố mẹ và em trai mỗi tuần lên thăm nhóc một lần. Ở đây nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới được sáu tuần, gia đình định cho nhóc ở đây hẳn sáu tuần nhưng các sư cô cẩn thận, chỉ nhận hai tuần thử trước xem sao.
Nhóc bị nghiện trò chơi điện tử. Sau kỳ nghỉ lễ sẽ lên lớp 12 mà vẫn thấy mình chưa có hướng đi nào rõ rệt. Trước khi lên đây, nhóc chuẩn bị tinh thần đến giờ ăn ra ăn, giờ chấp tác ra chấp tác. Ngoài ra sẽ không ngồi thiền, không tiếp xúc với ai. Lúc đầu hỏi gì nhóc cũng trả lời nhát gừng. Vậy mà chưa đầy một tuần sau nhóc đã vui vẻ cười nói với các sư cô, đã bắt đầu thiền hành và tham gia thiền toạ. Nhóc chia sẻ trong pháp đàm: “Thấy các sư cô cũng bình thường chứ không như con tưởng”.
Nhóc vẫn còn con đường dài phía trước để đi, nhưng giờ gương mặt đã vui vẻ, nhẹ nhàng, bước chân bớt kéo lê. Vậy là nhóc đã thành công rồi đó!
Thầy kính thương, những câu chuyện chuyển hóa của thiền sinh sau khi đến tu học với Làng Mai, dù ở đâu đều na ná như nhau. Ở Nhập Lưu chúng con cũng không ngoại lệ. Có những thiền sinh khi mới đến gương mặt buồn bã, u ám, nước mắt cứ chực rơi. Chúng con không làm gì đặc biệt ngoài thời khóa hàng ngày. Những “món hàng thường lệ” của thầy trò Làng Mai: thiền tọa, kinh hành, tụng kinh, ăn trong im lặng, thiền hành, pháp thoại, pháp đàm, thiền hướng dẫn được làm tới làm lui năm này qua năm khác. Vậy mà chỉ sau vài hôm tu tập trông họ đã rất khác. Nhìn thấy họ trở lại, đem bạn bè, người thân đến cùng tu, chúng con thấy mình chỉ cần sống đời thường nhật trong tu viện “như bao người đang sống, thắp mặt trời làm trái tim chung”(Bình an, Sư cô Giải Nghiêm) là đã đủ để tạo nên cái đẹp, cái lành.
Người ta bảo rằng những người lớn tuổi hay sống bằng kỷ niệm. Kỷ niệm đẹp hay không đẹp, người ta vẫn cứ hoài niệm như thường. Vậy người tu “lớn tuổi” có khác gì không nhỉ? Con chắc họ cũng sống bằng kỷ niệm. Một sư em hỏi con sống ở đây thấy ra sao, có lạnh lắm không? Con nói với sư em rằng vì mình biết mình sống ở đây, đây là nơi mình sống, cho nên mình làm bạn với cái lạnh, với cái nóng, với thời tiết ở đây. Con đang sống nơi đây, nơi giây phút hiện tại, con đang tạo cho mình một hiện tại đẹp, để “về già”, con sẽ không đi ngược lại với lẽ thường tình, vẫn sống bằng kỷ niệm nhưng là những kỷ niệm đẹp.
Từ ngày được làm con xuất gia của Thầy, con đã sống hết mình như vậy. Nhìn lại những năm tháng đã qua trong cuộc đời người xuất sĩ, con muốn học theo thầy Ương Quật Ma, nói rằng: Từ ngày con được sinh ra trong giáo pháp, con thường sống hiện pháp lạc trú. Mong rằng nhờ sự thực đó mà khi sống bằng kỷ niệm(!), con có thể kể về những ngày tháng đã qua và sẽ tới của con với nhiều niềm vui, nhiều cái đẹp, cái lành.
( Sư cô Chân Trăng Mai Thôn )