Kinh nhạc – Tiếng hải triều
Những bài nhạc kinh trong tuyển tập Phạm Bối Tiếng Hải Triều này không phải là những bản nhạc để hát trong các buổi sinh hoạt cộng đồng mà là những bài kệ tán, xướng tụng, sám nguyện,hồi hướng và kinh văn để sử dụng trong các buổi hành lễ, chúc tán và công phu, cử hành ở chốn thiền đường hoặc nơi Phật điện, trong không khí kính cẩn và trang nghiêm.
Lời kinh được lấy từ sách Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000, hoàn toàn bằng quốc văn, dễ hiểu, trong sáng và đẹp đẽ, khi được phổ nhạc có thể thấm sâu vào tâm thức và tưới tẩm được những hạt giống từ bi, hiểu biết và hạnh phúc đã có sẵn trong ta. Tuệ giác và tình thương nhờ đó mà lớn mạnh mỗi ngày. Những lúc mệt mỏi, buồn chán, ta cũng có thể nằm thư giãn để cho nhạc kinh đi vào cơ thể và tâm thức, làm lắng dịu những nỗi khổ niềm đau và giúp ta khôi phục được niềm vui và sức khoẻ. Các bạn hãy thử đi và sẽ thấy hiệu quả của nhạc kinh rất mầu nhiệm.
Phạm Bối có nghĩa là nhạc phổ vào lời kinh. Vào đầu thế kỷ thứ ba, thiền sư Tăng Hội đã sáng tác tại Giao Châu một tác phẩm kinh nhạc lấy tên là Nê Hoàn Phạm Bối. Đó là tập nhạc kinh có sớm nhất ở nước ta và cả ở châu Á. Nhạc kinh vang dội như tiếng hải triều đánh thức ta dậy và rửa sạch những phiền muộn âu lo trong ta, vì vậy cho nên tập kinh nhạc này được gọi là Phạm Bối tiếng hải triều.
Tu Viện Lộc Uyển – tháng 9 năm 2007
Nhạc Sĩ Anh Việt người tỉnh Kiên Giang, từ hồi còn rất trẻ đã viết nhạc ca tụng tình yêu, ca tụng tổ quốc. Sau ngày được gặp nữ sĩ Tố Oanh, người Huế, pháp danh Chơn Quý, có duyên được đến chùa Từ Hiếu quy y với Thiền Sư Thanh Quý, và được người cho pháp danh là Trừng Minh. Trong những thập niên 90, tại tiểu bang California, nhạc sĩ và phu nhân, Tố Oanh, đã đến tham dự những khóa tu chánh niệm do tăng đoàn Làng Mai tổ chức cho các Phật tử Hoa Kỳ và Việt Nam và bắt đầu biết thực tập theo pháp môn Làng Mai. Trong những khóa tu này, Anh Việt rất siêng đệm đàn Mandoline cho các thầy và các sư cô Làng Mai hát những bài thiền ca do tứ chúng của Đạo Tràng Mai Thôn sáng tác. Sau đó có cảm hứng, Anh Việt đã bắt đầu phổ nhạc những bài thơ và bài kinh của Làng Mai. Nhạc thơ và nhạc kinh của Anh Việt có phong thái nhẹ nhàng, an lạc, khương kiện, không hề có nét sầu đau tủi hận, cho nên đã được đồng bào trong nước và ngoài nước ưa thích. Nhiều bản đã được đưa lên Trang Nhà Làng Mai và tại quê hương Phật tử đã học và hát theo rất nhiều. Nghe nhạc kinh, chúng ta cảm thấy lắng dịu, an ổn, niềm tin được nuôi dưỡng, hạt giống lành trong tâm thức được tưới tẩm. Công đức của Anh Việt thật vô lượng. Tôi cầu Đức Thế Tôn gia hộ cho Anh Việt có sức khỏe dồi dào và sống lâu để sáng tác thêm nhiều nữa trong dòng nhạc tâm linh.
Nhất Hạnh