Ngày 27.10 là một ngày thật đẹp. Tăng thân Làng Mai đã có mặt tại thiền đường Nước Tĩnh, chùa Pháp Vân, xóm Thượng để hộ niệm và làm lễ xuất gia cho các vị Sa di và Sa di nữ mới. Trong thời gian làm tập sự, các giới tử đã biểu lộ được quyết tâm thực tập, mong ước giúp mình và độ đời của bản thân. Các vị giới tử đến từ 7 quốc gia khác nhau: Đức, Na Uy, Hoa Kỳ, Canada, Anh và Bỉ.
Buổi sáng ấy, sự biểu hiện nhiệm mầu như mặt trời ló dạng, màn sương được vén lên, khung trời thênh thang hiển lộ. Niềm tin vào con đường tỉnh thức trong các sư cô, sư chú mới được vun bồi thêm kiên định. Một vùng đất tâm linh mát mẻ, trong lành đang rộng mở đón những người con Bụt bước vào. “Đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ”, nét an vui hiển lộ trên từng gương mặt các sư cô, sư chú trong giờ phút xuống tóc. Mỗi lời phát nguyện cất lên trong giờ phút linh thiêng ấy là một đóa hoa lòng nở ra từ ngọn lửa bồ đề tâm, thành kính dâng lên Tam bảo. Khi những giọt nước cam lộ rưới lên mái tóc xanh của những người trẻ tuổi, ngay lập tức đã thấm nhuận lòng người, giúp mầm hiểu biết thêm xanh, hoa yêu thương thêm tươi thắm.
Nương vào hùng lực của tứ chúng, bảy cây Tulip đã biểu hiện nơi khu vườn tăng thân. Theo âm thanh niệm Bụt, theo từng lời kinh, nhịp mõ, sức sống dâng tràn trong mỗi cây. Đặt chân vào vùng đất tâm linh, các vị xuất sĩ mới để lại bao trần lụy sau lưng, tái sinh với những tên gọi mới: Chân Thắng Hạnh, Chân Nhất Ngân, Chân Quy Hạnh, Chân Nhất Quán, Chân Nhất Từ, Chân Tri Hạnh, Chân Tạng Hạnh. Mỗi tên gọi đều chan chứa tình thương, là tuệ giác từ sự nhìn sâu của tăng thân dành tặng cho các thành viên mới của gia đình áo nâu. Mong cho cây mọc một lần là vững chãi, hoa nở ra trường cửu với tháng năm, nguyện lòng kia sẽ còn mãi với thời gian.
Khi ánh nắng trải dài khắp núi đồi Thệ Nhật cũng là lúc nghi thức xuống tóc và truyền thọ giới pháp hoàn mãn. Bảy cây Tulip vươn cao trong thế giới bản môn. Xuân đã về rồi, giữa mùa an tĩnh.
(Trích từ sách Tri kỷ của Bụt của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
Trong buổi lễ Đối thú an cư, chúng ta đã đồng ý với nhau rằng sẽ thực tập nghiêm chỉnh thiền đi trong mùa An cư này. Chúng ta cũng biết rằng nếu ta thực tập được 100% thì rất dễ, còn nếu ta chỉ thực tập nửa vời thì sẽ không thành công. Thực tập được thành công thiền đi thì chúng ta sẽ thực tập được thành công trong những pháp môn khác.
Xuất sĩ cũng như cư sĩ, chúng ta đã quyết định phải thực tập thiền đi 100%, nghĩa là mỗi bước chân phải đi trong chánh niệm. Muốn có chánh niệm chúng ta phải ngưng sự suy nghĩ, bởi tư duy làm chúng ta bay bổng lên không trung, hay kéo ta đi về quá khứ hoặc hướng tới tương lai. Tư duy tuy đôi khi cũng hay nhưng thường thì không có lợi. Nó kéo ta đi về hướng thất niệm, làm tâm trí ta bị phân tán và suy nghĩ lung tung. Cách hay nhất để làm ngưng lại sự suy nghĩ là cột tâm vào hơi thở, dùng hơi thở làm đối tượng duy nhất của tâm, gọi là tâm nhất điểm. Tâm nhất điểm là định. Tâm ta chỉ để ý tới hơi thở và ta phối hợp hơi thở với bước chân. Hơi thở vào kết hợp với một, hai hay ba bước chân, hơi thở ra kết hợp với một, hai, ba hay bốn bước. Khi ta cột sự chú tâm vào hơi thở và bước chân thì tự nhiên tư duy ta sẽ ngưng lại. Tùy theo ý ta muốn mà ta có thể an trú trong trạng thái “không tư duy” đó trong thời gian mười, mười lăm hay hai mươi phút hay hơn nữa.
Mỗi khi đi ta không nói chuyện cũng không suy nghĩ. Không nói chuyện trong khi đi là điều chúng ta đã thực tập mấy chục năm nay, vì nếu nói chuyện trong khi đi thì ta không thể để tâm vào bước chân và hơi thở. Và nếu suy nghĩ thì ta cũng không có cơ hội để chú tâm vào bước chân và hơi thở. Sự suy nghĩ đã mang chúng ta ra khỏi giây phút hiện tại. Không phải trước đây chúng ta không thực tập “không suy nghĩ trong khi đi”, nhưng năm nay chúng ta sẽ chú trọng nhiều tới phần “không suy nghĩ trong khi đi thiền”. Nói thẳng ra là: Khi đi thiền hành thì thầy không được suy nghĩ, sư chú không được suy nghĩ.
Đây là lời nhắc nhở vào mỗi buổi sáng sau thời công phu: “Xin đại chúng ý thức là đất Mẹ luôn có mặt và đang nâng đỡ từng bước chân của chúng ta. Chúng ta phải đem hết thân tâm một trăm phần trăm đầu tư vào mỗi bước chân của mình để tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống, để được nuôi dưỡng và trị liệu. Khi đi thì không nói chuyện và dừng suy tư. Nếu cần nói hoặc lắng nghe điều gì thì xin dừng lại. Cám ơn đại chúng cùng thực tập và yểm trợ cho sự thực tập chung này.”
Ta phải thấy được mỗi bước chân là phép lạ. Ta còn sống đây, còn đủ hai chân để đi và còn hai lá phổi để thở, đó là một sự mầu nhiệm. Bước đi mà ý thức rằng mình đang còn sống và đang bước đi trên hành tinh xinh đẹp này đó là một sự giác ngộ. Có những người đi như bị ma đuổi, đi trong sự quên lãng và thất niệm. Còn ta biết đi trong tỉnh thức. Mỗi bước chân là ta đang thực hiện “địa hành thần thông”. Thần thông không phải là đi trên mặt nước mà là đi trên mặt đất. Chỉ cần nhớ là ta đang còn sống đây, ta đang có mặt thật sự và đang bước những bước thảnh thơi, an lạc. Tia nắng đó, hạt sương kia đều rất đẹp. Nếu ta tư duy thì ta sẽ đánh mất cơ hội để tiếp xúc với chúng. Chỉ cần dừng tư duy thì những mầu nhiệm đang sẵn có đó, tất cả đều là của ta.
Những cơn gió nhẹ thoảng qua đưa sắc thu trở về. Trong những ngày này ở Làng, tất cả các người con đệ tử xuất gia cũng như tại gia đều hướng về vị Thầy cao quý – Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong ngày tiếp nối của Người. Trong thông điệp Ngày Tiếp nối, Thầy đã chia sẻ: “Các con phải thực sự tiếp nối Thầy trong từng hơi thở và từng bước chân.”
Với ý thức sáng tỏ đó, sáng ngày 10 tháng 10 tứ chúng Làng Mai đã vân tập về thiền đường Nước Tĩnh, chùa Pháp Vân, Xóm Thượng để làm lễ đối thú, khai mạc khoá tu An cư kiết đông 2024-2025. Ba hồi chuông trống Bát nhã vang lên hoà với không khí trang nghiêm của thiền đường tạo nên một nguồn năng lượng hùng tráng, thu nhiếp thân tâm cho mùa an cư – 90 ngày hạ thủ công phu. Một lòng nguyện trở về thực tập đầu tư vào mỗi bước chân, mỗi hơi thở trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi để thực sự là sự tiếp nối đẹp của Thầy.
Mùa an cư năm nay, tại chùa Pháp Vân – Xóm Thượng có 38 vị Tỳ kheo, 12 vị Sadi, 67 vị cận sự nam, tổng cộng là 117 vị; tại chùa Cam Lộ – Xóm Hạ có 41 vị Tỳ kheo ni, 4 vị Thức xoa ma na, 4 vị sadi ni và 22 vị cận sự nữ, tổng cộng là 71 vị; tại chùa Từ Nghiêm – Xóm Mới có 40 vị Tỳ kheo ni, 2 vị Thức xoa ma na, 1 vị Sadi ni và 17 vị cận sự nam và nữ, tổng cộng là 60 vị. Như vậy, số người an cư tại đạo tràng Mai Thôn trong mùa an cư kiết đông năm nay là 248 vị (142 xuất sĩ và 106 cư sĩ), tất cả đều sẽ an trú, tu tập miên mật trong 90 ngày.
Tri kỷ của Bụt
Trong mùa an cư này, đại chúng sẽ cùng nghe lại những bài giảng của Thầy từ mùa an cư kiết đông 2012-2013 với chủ đề “Tri kỷ của Bụt”. Đại chúng sẽ tận dụng ba tháng an cư quý giá để học hỏi và áp dụng những điều Thầy dạy để thực sự là Tri kỷ của Bụt – Tri kỷ của Thầy. “Bụt dạy chúng ta ai cũng có Phật tính. Như vậy chúng ta ai cũng có khả năng trở thành một người Tri kỷ của Bụt.”
Trong buổi lể đối thú, thầy Pháp Hữu – trụ trì chùa Pháp Vân, Xóm Thượng đã chia sẻ niềm biết ơn sâu sắc vì có cơ hội để được dừng lại và được cùng tăng thân tu tập để nuôi lớn chí nguyện tiếp bước trên con đường thực tập:
“Con cũng ý thức sâu sắc về khổ đau do chiến tranh, thiên tai, bạo động và sự phân biệt đối xử xảy ra ở khắp nơi. Ý thức này nhắc nhở con rằng sự tu tập của chúng ta quan trọng biết chừng nào. Cùng nhau, chúng ta có cơ hội ôm ấp những nỗi khổ niềm đau ấy nơi chính mình và nơi những người khác bằng thương yêu và hiểu biết. Nó làm mới lại cam kết của chúng ta trong sự thực tập chuyển hóa những hạt giống bạo động trong chính mình bằng cách sống như thế nào để “tự thân ta chính là hòa bình” vì tổ tiên, xã hội và các thế hệ tương lai. Bằng cách này, chúng ta có thể góp phần xây dựng một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động.
Mùa an cư là thời gian để chúng ta an trú trong sự có mặt đơn thuần và chánh niệm, vô cùng thiết yếu cho sự tu tập của chúng ta. Đây là cơ hội để chúng ta sống chậm lại, nuôi dưỡng tình huynh đệ, và yểm trợ cho nhau trên con đường chuyển hóa. Trong tinh thần ấy, con nguyện vun bồi sự cởi mở và tâm ban đầu của mình để được nuôi dưỡng và làm mới trở lại.”
Thầy Pháp Ứng, một vị giáo thọ lớn của Làng cũng có những lời chia sẻ động viên, khích lệ tinh thần thực tập của đại chúng trong thời gian ở yên quý giá:
“Đây là giây phút hạnh phúc. Với lý tưởng, chúng ta cùng nhau thực tập nuôi lớn sự bình an trong ta, chúng ta nguyện bước chân nào cũng đặt trong chánh niệm.
Đất Mẹ vẫn luôn có mặt cho chúng ta, nương tựa vào đất Mẹ để đất Mẹ ôm ấp những nỗi khổ của tất cả chúng ta cũng là khổ đau trên thế giới. Chúng ta có khả năng chuyển hoá bằng cách tưới tẩm và gieo trồng hạt giống hoà bình, tình thương trong mỗi người.”
Sư cô Chân Đức, một vị giáo thọ lớn đại diện cho Thầy đã chia sẻ khi nhận lời tác bạch từ sư cô Hội Nghiêm, chùa Cam Lộ, Xóm Hạ: “Mong đại chúng có nhiều tiến bộ trong sự thực tập của mình, để được điều đó chúng ta cần tinh tấn và thực tập hết lòng. Mỗi khi bước lên cầu thang, nếu không có chánh niệm, chúng ta sẽ đi xuống và bắt đầu lại. Chúng ta chọn và cam kết một sự thực tập mà mình có cảm hứng. Cảm ơn đại chúng đã có mặt ở đây và để cùng tu và thực tập trong ba tháng an cư.”
Trong 90 ngày hạ thủ công phu, là thời gian ở yên, thời gian trở về thúc liễm thân tâm, đầu tư vào sự thực tập căn bản hằng ngày qua cách đi, đứng, nằm, ngồi để chuyển hoá những tập khí và vun bồi thêm chất liệu tâm linh trong mỗi người xuất sĩ. Hạnh phúc và may mắn thay khi những người con Bụt vẫn luôn gìn giữ và tiếp nối truyền thống này từ Bụt, từ Tăng đoàn Nguyên thuỷ và từ Thầy. Chúng con đang mang Bụt, Tổ và Thầy đi về tương lai.
Hôm nay là Ngày tiếp nối của Sư Ông Làng Mai, đó là một cách gọi khác của ngày sinh nhật. Sư Ông thích gọi ngày tiếp nối hơn, vì nó giúp lấy đi ý niệm mình từ không mà trở nên có hay ý niệm về một cái ‘ta’ riêng biệt. Ăn mừng ngày tiếp nối Sư Ông tức là ăn mừng sự tiếp nối Sư Ông nơi mình. Nếu mình có tiếp nối được gì từ Sư Ông, thì mình hãy ăn mừng.
Viết đến đây, tôi cảm thấy rất xúc động bởi vì Sư Ông có quá nhiều thứ để chúng ta tiếp nối, mà chắc chắn là không một mình ai có thể tiếp nối hết được, dù đó là một tăng thân cũng không thể tiếp nối hết được. Sự nghiệp của Sư Ông không những chỉ đang được tiếp nối trong hiện tại mà sẽ biểu hiện dưới rất nhiều hình tướng trong tương lai, không phải vài trăm năm mà hàng nghìn năm. Chỉ cần nhìn vào lịch sử phát triển của đạo Bụt là có thể biết được. Bên cạnh đó, những yếu tố về địa lý, văn hóa và ngôn ngữ không còn là một trở ngại.
Tăng thân Làng Mai khắp nơi, xuất sĩ cũng như cư sĩ đang tổ chức ăn mừng ngày tiếp nối Sư Ông. Ở Làng Mai thì ba xóm sẽ tổ chức ăn mừng Ngày tiếp nối Sư Ông vào chiều mai trong ngày quán niệm của bốn chúng tại Xóm Hạ. Ăn mừng để nhớ về Sư Ông và để nuôi dưỡng mình trong sự có mặt của Tăng thân. Sư Ông biểu hiện thật rõ khi Tăng thân đến bên nhau, như cách mà Bụt Thích Ca đã gọi tất cả các pháp thân của mình trong mười phương trở về để mở cửa bảo tháp của Bụt Đa Bảo. Huynh đệ đến bên nhau là Thầy đã có mặt.
“Mình sẽ cùng nhau trăm ngàn đời nữa
Thành ngân hà sáng ngời giữa không gian
Còn gì cao quý hơn tình yêu ấy
Cùng trời cuối đất rọi khắp mọi nơi
Chiều chiều sớm sớm muối dưa chay lòng
Thầy mãi cùng con mơ giấc Đại Đồng”
Đó là đoạn cuối trong trích đoạn Thầy mãi cùng con mơ giấc Đại Đồng trong Trường Ca Thầy Về của thầy Pháp Cẩn. Bài hát được các sư cô trẻ ở Diệu Trạm trình bày trong ngày tiếp nối Sư Ông hôm nay. Chắc chắn khi hát bài này các sư cô đã rất hạnh phúc, và vì thế cho nên người nghe cũng đã có rất nhiều hạnh phúc. Bài hát này lời ca rất trầm hùng không thua gì bài Thệ Nhật Yêu Thương do thầy Pháp Thiên sáng tác. Có những lúc cao vút, như câu:
Mây tan dần, tung gió ngàn, cháy lóe sáng vì sao băng.”
Cứ mỗi năm, đến ngày tiếp nối Sư Ông tôi lại thích nghe hai bài này. Nghe cho đến khi đã mới thôi. Có thể nói, cho đến bây giờ thì bài Thệ Nhật Yêu Thương là bài hát về Sư Ông được nhiều người tâm đắc nhất. Bản cover bài này mà tôi thích nhất là do quý thầy, sư cô Làng Mai hát vào năm 2019 trong ngày tiếp nối Sư Ông tại Xóm Mới. Hát đúng cái chất của bài hát.
“Vượt trùng khơi đến đây
Khơi nguồn dòng Tào Khê
Thấm mát đất trời Phương Tây
Thệ Nhật Sơn – vòng tay rừng thiêng ôm lấy người con đất Việt.”
Lời ca thật nhẹ nhàng, du dương như tiếng sóng vỗ dạt dào, như dòng Tào Khê, một dòng biếc chảy mãi về phương Đông, nhưng giờ đây được khơi nguồn ở phương Tây. Dòng cam lộ trong tịnh bình của đức Quan Âm có khả năng tẩy sạch dấu phong trần cho chúng sinh nay được khơi nguồn tại Thệ Nhật Sơn. Núi đồi, cho đến cây cỏ ở đây đã dang tay ôm lấy người con ưu tú của nước Việt. Vòng tay ấy đã lớn dần theo từng năm tháng để có thể ôm lấy huynh đệ khắp năm châu, là nơi trở về của không biết bao nhiêu người trong hơn bốn mươi năm qua. Có lẽ vì,
“Từ lâu lắm Thầy đã ở đây
Cống hiến bao đêm tuổi trẻ, ánh sáng khát khao vút lên
Tâm linh xưa vang vọng mãi …”
Thầy là người giữ gìn ngọn lửa tâm linh đã có từ ngàn xưa để soi đường cho tất cả chúng con ra khỏi rừng mê.
“Một am tranh tháng ngày thong dong bước
Bàn tay gieo hạt để mùa xuân nắng ấm”
Các bậc tổ sư từ xưa tới nay vẫn vậy, vẫn thích ở với một am tranh, có không gian, có núi đồi, có mây lồng trước sau, có rừng cây bao quanh. Sự bình dị và gần gũi ấy là nếp sống của các vị. Sư Ông đã sống đơn giản để có đủ thì giờ chăm sóc, vun bón những hạt giống tốt lành trong vườn tâm mọi người. Bàn tay yêu thương ấy có đủ sự cần mẫn, kiên nhẫn, đợi chờ. Thương yêu không bao giờ biết mỏi.
“Ngàn thủy tiên vươn mình trong nắng
Ngàn Bồ Tát tùng địa dõng xuất
Từ Pháp Thân Tạng mang lời thề năm xưa đi vào cuộc đời”
Bằng tình thương và trí tuệ, Sư Ông đã gọi chúng ta thức dậy, từ trong kho tàng của pháp thân với những lời nguyện xưa vàng đá, để cùng nhau đi vào cuộc đời. Bắt đầu với những bước chân thong dong gieo từng hạt nắng, Sư Ông làm sống dậy những mùa xuân để những mảnh vườn khô héo có thể hé nở những bông hoa thủy tiên tươi thắm, mỗi bông hoa như một vị bồ tát đem lý tưởng thương yêu đi vào cuộc sống, cho đến tùng địa dõng xuất, là một hình ảnh thật vi diệu, nói lên được cái dũng khí của một vị bồ tát.
“Đại dương sâu lan tràn nước mắt
Bàn tay yêu thương
Gọi nắng cho thêm hồng cánh đồng xanh mát thơm mùi mạ non
Hóa từ muối mặn đại dương.”
Nếu khổ đau là vô tận thì lòng từ bi của một vị Bồ tát cũng không có ngằn mé. Nếu cần tạo ra bao nhiêu cánh cửa mới để giúp cho mọi người trở về tiếp xúc với nếp sống tỉnh thức thì Sư Ông không bao giờ ngần ngại. Dù con đường có khó khăn thì tình thương ấy có dư để ôm lấy những chông gai. Cái đức lớn của một vị bồ tát là không sợ hãi trước khổ đau của cuộc đời, bởi vì trong ánh sáng của tương tức thì đại dương mênh mông cũng là cánh đồng xanh ngát, khổ đau và hạnh phúc tương tức.
“Đoàn quân nâu
An ban trường kiếm
Dù phong ba, bão táp hay biển lửa
Vững niềm tin sắt son
Khải hoàn ca
Khúc hát vô sinh.”
Cuộc đời dẫu có phong ba, bão táp thì ‘đoàn quân nâu’ sẽ dùng hơi thở chánh niệm làm thanh kiếm để chặt đứt những phiền não buột ràng mình và cho cuộc đời. ‘An ban thủ ý’ là tinh hoa của thiền tập đạo Bụt đã có từ ngàn xưa, nay được Sư Ông khai mở và trao truyền. “An ban là đại thừa của các vị Bụt dùng để tế độ chúng sanh đang lênh đênh chìm nổi.” Sư Ông cũng đã dùng cổ xe lớn ấy của các vị Bụt để đưa chúng ta vượt qua những núi sâu, biển lửa. Có thanh bảo kiếm trong tay rồi, chúng ta không còn lo sợ gì nữa.
Khúc hát vô sinh là khúc ca có khả năng làm sống dậy một mùa xuân. Sư Ông đã ca khúc hát ấy và chúng ta sẽ tiếp tục ca khúc hát ấy. Cuộc đời này cần lắm những mùa xuân. Nếu không có mùa xuân thì có gì đáng để chúng ta tạo dựng nữa đâu?
Con đã đi tìm Thầy khi mặt trời vừa rạng ánh bình minh
Hay trong đêm tối con bàng hoàng thức giấc
Con đã tìm Thầy từ khi con còn là đất,
Là núi, là mây, là cây cỏ chốn rừng thiêng.
Con đã tìm Thầy như đi tìm chốn bình yên
Trong những nỗi khổ đau cùng cực nhất
Và rồi khi hạt mưa xuân thấm nhẹ trên mặt đất,
Con đã thấy Thầy trong hơi thở, bước chân con.
Thầy ơi, Thầy vẫn lặng lẽ ngồi thật yên,
Cạnh bên con trong những lần con chênh vênh cùng tột.
Thầy đã bao giờ bỏ mặc con đâu.
(thơ – sư cô Trăng Từ Hiếu)
Ngày quán niệm Chủ nhật 13/10, Tứ chúng Làng Mai đã cùng có mặt với nhau mừng Ngày Tiếp nối của Thầy. Giờ phút này, chúng con bày tỏ niềm biết ơn sâu sắc đến Thầy. Người đã dạy cho chúng con nghệ thuật thương yêu và đã soi sáng con đường của nếp sống chánh niệm, tỉnh thức. Ngồi ở đây, chúng con cảm nhận nguồn năng lượng vững mạnh tuôn chảy êm đềm, nhẹ nhàng trong mỗi chúng con. Năng lượng của Thầy, tình thương và ước mong của Thầy vẫn còn đó rất rõ ràng.
Thiền đường Hội Ngàn Sao như sáng hơn, đẹp hơn và ấm áp bởi nhiều bàn tay chăm sóc, trang trí của quý sư cô. Những quyển sách của Thầy với nhiều ấn bản ngôn ngữ khác nhau được triển lãm rất khéo léo và phong phú. Bên trái thiền đường là góc triển lãm thư pháp, nhiều bức thư pháp tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp được trưng bày rất thiền vị, hòa nhã. Cạnh đó là chiếc bàn viết thư pháp với các dụng cụ và lọ hoa nhỏ xinh đặt trên bàn. Bức hình vẽ Thầy cầm trên tay bông hồng vàng tươi, tô điểm phía sau. Thầy đã để lại cho chúng con vô vàn di sản quý giá qua các quyển sách, những bài pháp thoại và thiết thực nhất là Tăng thân.
“Có khi nhìn trời, nhìn trăng, nhìn sao, nhìn cây, nhìn cỏ, nhìn các sư cô, sư chú, Thầy thấy rằng: Thực tại đẹp hơn bất cứ giấc mơ nào mà mình có thể mơ tưởng. Thấy rõ ràng rằng sự thực tập của mình, con đường mình đi đã đem lại cho mình rất nhiều hạnh phúc. Được sống với tăng thân, được sống với các bạn từ mấy mươi nước tới, được sống với người tại gia và người xuất gia, cùng nhau thực tập con đường của vững chãi, của an lạc, của thảnh thơi, đó đã là một nguồn hạnh phúc lớn. Nó có thể lớn hơn bất cứ một ước mơ nào, vì đây không phải là ước mơ, đây là sự thực.”
Chúng con nguyện duy trì con đường ấy qua từng hơi thở, từng lời nói, cách suy nghĩ và hành động của chúng con. Sự có mặt của Thầy vẫn luôn luôn còn đó trong chúng con.
Có mặt cho nhau – Có mặt cho Thầy
Trong không khí ấm ấp quây quần bên Thầy, đại chúng đã mời Ni Trưởng Chân Không – một trong những sự tiếp nối đẹp của Thầy. Ni Trưởng là người đệ tử xuất gia đầu tiên của Thầy và đã đi theo con đường của Thầy hơn 60 năm. Ni Trưởng đã tiếp nối Thầy qua sự thực tập hướng dẫn pháp môn Làm mới và Thiền buông thư và đặc biệt là giọng hát của Ni Trưởng. Trong nhiều buổi pháp thoại công cộng và hội nghị, diễn thuyết, Thầy đã từng mời Ni Trưởng hát và bây giờ đại chúng xin mời Ni Trưởng cất tiếng hát để cúng dường lên Thầy và tăng thân. Ni Trưởng đã hát bài “Ý thức em mặt trời tỏ rạng” – bài hát Thầy tự sáng tác trong thời gian kêu gọi hoà bình và có nhiều đau khổ, tuyệt vọng từ bên ngoài. Bài hát này chỉ có những hình ảnh đẹp và thanh bình, sự tươi mát và những mầu nhiệm của cuộc sống sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và trị liệu những thương tích trong lòng.
“Thức dậy hôm nay em thấy trời xanh
Chắp tay em cám ơn đời mầu nhiệm
Cho em hăm mươi bốn giờ tinh khôi
Cho em bầu trời bao la…”
Sự có mặt của Ni Trưởng như cây đại thụ, luôn bao dung và che chở cho đại chúng được nương tựa nơi bóng mát từ bi. Giọng hát ngọt ngào, êm dịu của Ni Trưởng như dòng suối mát khiến cho mọi người cảm thấy rất gần gũi với Thầy.
Sau đó, đại chúng mời thầy Pháp Hữu chia sẻ – người đã có nhiều cơ hội thân cận với Thầy trong nhiều năm. Thầy Pháp Hữu mở lời: Thầy luôn dạy rằng trong những ngày tưởng nhớ, chúng ta nên thực tập như thể thấy người mình thương vẫn đang hiện diện, không phải trong quá khứ mà là ngay trong giây phút hiện tại. Vì vậy, hôm nay con xin phép được nói chuyện với Thầy, vì Thầy đang có mặt trong từng hơi thở của tăng thân.
Con muốn bắt đầu với sự chánh niệm. Dù được ở bên một thiền sư, Thầy chưa bao giờ tạo áp lực hay ép con phải giống như Thầy. Người ta có thể tưởng tượng rằng khi ở gần Thầy, mình sẽ cảm thấy không đủ tốt, hoặc phải cố gắng để hoàn hảo. Nhưng điều Thầy luôn trao cho con là sự chăm sóc dịu dàng và một cách hiện diện rất nhẹ nhàng.
Một trong những việc đầu tiên mà những người thị giả phải học là pha trà. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng tâm trí của chúng con thường làm cho mọi thứ trở nên phức tạp. Con nhớ có một lần, Thầy bảo: “Pháp Hữu, pha cho Thầy một ấm trà.” Trong lòng con rất muốn làm một thị giả hoàn hảo, nên con vội vàng làm thật nhanh, và khi chuẩn bị rót trà, Thầy ra hiệu dừng lại. Ngay lúc đó, trong đầu con nảy ra những suy nghĩ như: “Mình không đủ giỏi, mình không chánh niệm.” Nhưng Thầy chỉ nhẹ nhàng nói: “Pháp Hữu, ấm trà cũng cần ngồi thiền. Bất cứ thứ gì ngồi thiền đều tốt hơn.” Rồi Thầy và con cùng ngồi với ấm trà, thở chánh niệm. Sau một lúc, Thầy nói: “Giờ thì được rồi. Đã có tuệ giác.” Chúng con cùng thưởng thức trà, và Thầy bảo con hãy nhớ khoảnh khắc này mỗi khi cuộc sống trở nên khó khăn. “Chỉ cần nhớ đến ấm trà. Bất cứ thứ gì ngồi thiền đều tốt hơn.”
Thưa Thầy, qua bao nhiêu tháng năm ở trong tăng thân – tác phẩm tuyệt vời của Thầy – con đã nhìn thấy vẻ đẹp trong niềm tin của Thầy vào pháp môn, và cũng là trong chính bản thân con. Mỗi khi con đứng trước quyết định khó khăn, bị cảm xúc hay tức giận chi phối, con nghe giọng Thầy nhắc nhở: “Chỉ cần lắng nghe và để mọi thứ lắng xuống để con có thể nhìn rõ hơn.”
Và thưa Thầy, Thầy biết không? Con vẫn ở đây, 23 năm sau. Điều con trân quý nhất ở Thầy là sự bình dị. Chúng ta có thể có hình ảnh về một vị thiền sư vĩ đại, nhưng con yêu quý nhất những khoảnh khắc Thầy rất đời thường và vui vẻ. Sau một buổi giảng pháp kéo dài hai tiếng, Thầy trở về am thất và nói: “Thầy cần đi vào ‘happy room’,” rồi Thầy còn nói đùa với con về sự kiên nhẫn của Thầy. Những khoảnh khắc ấy, dù rất đơn giản, nhưng lại khiến con cảm thấy thật gần gũi với Thầy.
Chính qua những hành động bình dị đó, con nhận ra rằng những điều bình thường nhất lại là điều phi thường nhất. Nhiều khi con tự hỏi làm sao Thầy có thể hiền lành đến vậy, ngay cả khi đối diện với những học trò cứng đầu, hay những tình huống khó khăn. Có lúc, chính con cảm thấy tức giận thay cho Thầy vì nghĩ rằng chúng con chưa đạt tới tiêu chuẩn mà Thầy mong muốn. Thế nhưng, Thầy vẫn luôn chọn lòng từ bi. Dù trải qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống, Thầy vẫn không chọn con đường cay đắng, mà luôn chọn tình yêu làm nền tảng.
Khi lớn lên bên Thầy, con không thực sự tin vào hòa bình, nhưng nhờ cách sống của Thầy, nhờ những hành động đơn giản mà Thầy đã trao truyền, con bắt đầu tin tưởng vào hòa bình. Ngay cả khi chúng con làm trái quy tắc, như khi chúng con tám chuyện trong lúc đi thiền hành cùng Thầy, sau 10 bước chân chánh niệm đầu tiên. Thầy cũng không la mắng mà lại dùng sự dịu dàng để chuyển hóa năng lượng, dạy chúng con biết yêu thương và hướng dẫn một cách nhẹ nhàng.
Thầy đã nhắc chúng con rằng giấc mơ của Thầy không chỉ là của riêng Thầy, mà Thầy đã trao truyền nó cho tất cả chúng con. Con cảm ơn Thầy vì đã cho chúng con được sống trong giấc mơ của Thầy, và cũng cho chúng con không gian để có giấc mơ của riêng mình. Thầy đã khuyến khích chúng con là chính mình, đón nhận sự độc đáo của mình, và trở nên xinh đẹp theo cách của riêng mỗi người.
Thầy ơi, con nghĩ rằng con có thể đại diện cho Thầy trong một câu nói: Chúng con sẽ tiếp tục cố gắng hết sức để nuôi dưỡng nhau và cùng nhau xây dựng tăng thân này.
Có rất nhiều vị thiền sinh đã thay đổi cuộc sống của họ khi đưa sự thực tập vào cuộc sống hàng ngày, bạn Albert là một trong số đó. Albert chia sẻ: Tôi muốn dành vài phút để chia sẻ về sự chuyển hóa trong cuộc đời tôi và cách tôi gặp Thầy, trong bối cảnh mối quan hệ giữa tôi và ba tôi, Henning Karcher, người đã qua đời năm ngoái.
Chính ba tôi là người đầu tiên giới thiệu tôi đến Làng Mai và pháp môn của Thầy khi ông tặng tôi một trong những cuốn sách của Thầy, You are here. Đó là lúc tôi bắt đầu tự mình thực tập. Lớn lên ở nhiều quốc gia khác nhau vì công việc của bố mẹ – bố tôi là người Đức, còn mẹ tôi đến từ Philippines – câu hỏi về sự thuộc về hay không thuộc về luôn tồn tại trong tôi. Pháp môn của Thầy đã giúp tôi bắt đầu trở về với chính mình, tìm nơi nương tựa ở Tăng thân và cuối cùng là ở chính bản thân mình.
Tôi bắt đầu thực tập với các Tăng thân Wake Up ở Boston và New York. Vào năm 2018, tôi vô cùng biết ơn khi được gặp Thầy trực tiếp tại Làng Mai Thái Lan. Sư cô Chân Không cũng có mặt và đã mời các bạn cư sĩ dùng bữa sáng với Thầy, đó là một trải nghiệm rất xúc động đối với tôi.
Sau đó, để kỷ niệm 10 năm của EIAB, tôi đã tham dự một khóa tu cùng ba, nơi chúng tôi cùng trải nghiệm pháp môn của Thầy. Đó là một trải nghiệm rất mạnh mẽ khi được nghe giáo lý của Thầy bằng tiếng Đức, được dịch sang tiếng Anh, và chứng kiến sự nhiệt tình của ba tôi khi dịch từ tiếng Đức sang tiếng Anh.
Năm 2021, ba tôi bị bệnh và không bao giờ hồi phục hoàn toàn. Sự suy sụp của ba rất khó khăn, nhưng tôi đã chăm sóc ba với rất nhiều tình yêu thương. Trong những ngày cuối đời của ba tại bệnh viện, tôi đã mở bài niệm Bồ tát Quan Thế Âm để yểm trợ ba trong những ngày tháng cuối đời. Giờ đây, trong khóa tu mùa an cư này, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn khi được đến Làng Mai, nơi năng lượng từ bi của Thầy vẫn luôn hiện diện để hướng dẫn và yểm trợ cho chúng tôi.
Thầy luôn có mặt để giúp chúng con vượt qua những thời khắc khó khăn, để yểm trợ chúng con, và để dạy chúng con cách yêu thương và ôm ấp chính mình. Thầy thường nói: “Nếu con muốn khóc, hãy khóc, và Thầy sẽ khóc cùng con. Những giọt nước mắt của con sẽ chữa lành tất cả.” Những lời này như thể hiện tinh thần của bài thơ Nhất Như mà Thầy đã viết:
“Em hãy nhìn
Để thấy tôi có mặt
Nếu muốn khóc
Em hãy khóc đi
Biết rằng
Tôi cũng đang khóc cùng em
Nước mắt ấy
Sẽ chữa lành thương tích
Nước mắt em
Cũng là nước mắt tôi.”
Giây phút này, chúng con tràn ngập niềm biết ơn, vì chúng con may mắn đã có con đường và vẫn luôn có Thầy trong tăng thân. Có mặt cho Thầy cũng là cơ hội chúng con có mặt cho nhau. “Đã về, đã tới. Bây giờ ở đây…”
Sáng ngày 10 tháng 10, tứ chúng Làng Mai vân tập về thiền đường Nước Tĩnh, chùa Pháp Vân xóm Thượng để làm lễ đối thú An Cư kiết đông. Buổi lễ được bắt đầu trong không khí trang nghiêm và yên tĩnh của giờ tĩnh toạ bên nhau, ngồi yên để thấy rằng may mắn thay sự sống mầu nhiệm, sự bình an, sự an lạc trong phút giây này là tặng phẩm quý giá nhất chúng ta có thể hiến tặng cho thế giới, cho những người thân yêu và cho tất cả mọi loài.
Trong 90 ngày hạ thủ công phu, là thời gian ở yên, thời gian trở về thúc liễm thân tâm, đầu tư vào sự thực tập căn bản hằng ngày qua cách đi, đứng, nằm, ngồi để chuyển hoá những tập khí và vun bồi thêm chất liệu tâm linh trong mỗi người xuất sĩ. Hạnh phúc và may mắn thay khi những người con Bụt vẫn luôn gìn giữ và tiếp nối truyền thống này từ Bụt, từ Tăng đoàn Nguyên thuỷ và từ Thầy. Chúng con đang mang Bụt, Tổ và Thầy đi về tương lai.
Trong Kinh Pháp Cú Hán tạng có một bài kệ nói lên tinh thần dũng liệt phi thường của những người xuất sĩ trẻ:
“Thiếu tráng xả gia
Thịnh tu Phật giáo
Thị chiếu thế gian
Như nguyệt vân tiêu.”
Học hỏi từ bài kệ này, Sư Ông Làng Mai đã đặt cho thế hệ đệ tử tiếp nối những Pháp tự với chữ Trời và chữ Trăng. “Người xuất sĩ dù là còn trẻ nhưng hết lòng thực tập Phật pháp thì cũng giống như một mặt trăng soi sáng thế gian trong khung trời không có mây ám.” Những Sư chú, Sư cô trẻ ngày nào bây giờ đang tiếp nối công trình của Sư Ông, lãnh phần việc của một vị y chỉ sư dìu dắt và nâng đỡ các sư em y chỉ đệ, y chỉ muội. Tại Tu viện Vườn Ươm – Làng Mai Thái Lan, quý vị xuất sĩ trẻ như là thầy Chân Trời Trong Sáng, sư cô Chân Trăng Ngàn Phương đang đóng vai trò gạch nối xưa-nay.
Và, dòng sông tiếp tục chảy. Các Sư cô, Sư chú mới vừa được xuất gia tại Tu viện Vườn Ươm – Làng Mai Thái Lan (thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Mai Trắng) vào ngày 14/07/2024 với Pháp tự có chữ Hạnh cho quý Sư cô và chữ Nhất cho quý Sư chú là những minh chứng của những giọt nước long lanh hoà vào dòng lớn. Pháp tự của các Sư em thuộc gia đình Xuất gia Cây Hoa Mai Trắng này lần lượt là: Quý sư chú : Chân Nhất Hội, Chân Nhất Hậu, Chân Nhất Hoà, Chân Nhất Ngôn, Chân Nhất Minh, Chân Nhất Ngộ, Chân Nhất Phương, Chân Nhất Bảo. Quý sư cô: Chân Sắc Hạnh, Chân Sinh Hạnh, Chân Sách Hạnh.
Còn trẻ, ôm ấp chí nguyện giúp đời giúp người, lựa chọn một con đường thực tập lối sống giản dị chân thành, những Sư cô, Sư chú mới là thành viên mới nhưng đồng thời là nhựa sống nuôi dưỡng cả Tăng thân. Thực tập cùng Tăng thân, ta sớm thành tựu con đường hạnh phúc.
Buổi chiều cùng ngày, đại chúng đã tổ chức buổi thiền trà chào đón các sư em mới đã được chính thức là con của Bụt, con của Thầy và của Tăng thân.
Trong thông điệp Ngày Tiếp nối, Thầy đã chia sẻ: “Các con phải thực sự tiếp nối Thầy trong từng hơi thở và từng bước chân. Suốt sáu mươi năm qua Thầy đã liên tục trao truyền những kinh nghiệm, những thao thức và những hoài vọng của Thầy cho bao nhiêu người qua cách Thầy nói năng, đi đứng, ăn uống và chấp tác trong chánh niệm, qua những cuốn sách Thầy đã viết, qua những lời Thầy thuyết giảng, hoặc trước quần chúng đông đảo, hoặc cho từng nhóm nhỏ hoặc cho từng người. Các con đã tiếp nối Thầy được đến bao nhiêu rồi?”
Để mừng ngày Tiếp nối của Thầy, BBT xin chia sẻ những mẩu chuyện, những hoa trái thực tập mà các vị đệ tử xuất gia và tại gia đang tiếp nối Thầy. Như là món quà dâng lên Thầy trong ngày đáng nhớ này.
Nước Bích lắng trong, ngàn sông có nước ngàn sông trăng hiện…
(Sư cô Chân Hoa Nghiêm)
Ngày tôi xin Sư Ông xuất gia, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình thích đi tu vì đời sống ở Làng vui quá, không có gì phải lo lắng. Mỗi ngày được ngồi thiền, thiền hành với đại chúng, ăn cơm trong im lặng, và mỗi tuần được nghe Sư Ông cho pháp thoại. Tôi không tìm cầu một công việc hay tranh giành một địa vị gì quan trọng, cũng không nghĩ đến tiền bạc, cuộc đời thật đơn giản và hạnh phúc biết bao.
Có lần Sư Ông nói với tôi: “Ngoài kia, người ta có nhiều khổ đau lắm, họ rất cần sự giúp đỡ của mình con à. Cho nên con tu học cho đàng hoàng”. Tôi gật đầu chắp tay thưa: “Dạ”. Lúc đó tôi chỉ biết vâng dạ mà đầu óc của tôi thì rỗng không. Theo thời gian, tôi có cơ hội đi qua nhiều trung tâm, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa cũng như đời sống đa dạng của người dân địa phương. Dù khác biệt quốc gia, chủng tộc, màu da, tầng lớp, ở đâu con người cũng không tránh khỏi những khổ đau trong cuộc sống.
Tôi về Bích Nham đã được gần mười năm. Sống trong một cường quốc như nước Mỹ, tôi nghĩ rằng khổ đau sẽ ít hơn so với các nước nghèo trên thế giới. Nhưng tôi đã lầm. Khổ đau ở đây đầy ắp như biển Đại Tây Dương. Tôi đã tiếp xúc với gia đình có đứa con trai tự tử, có đứa con gái tự tử. Tôi lắng nghe những em thiền sinh có vết thương do cha mẹ lạm dụng tình dục hay lạm dụng bằng sự bạo động. Có những vị cảm thấy thật cô đơn trong đời sống của họ. Có những người trẻ đã từng sa lầy trong nghiện ngập, vui chơi trác táng, v.v. Dĩ nhiên là cũng có những mặt đẹp của cuộc sống. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là một đất nước dù hùng mạnh vẫn có mặt trái của nó.
Thời gian gần đây, ngày quán niệm mỗi tuần đều đông nghẹt người. Các thanh thiếu niên trẻ về càng lúc càng đông. Tôi hiểu được là nhu yếu tu học rất mạnh, vì thế giới càng ngày càng có nhiều xung đột, chiến tranh, nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái, môi trường khí hậu thay đổi bất thường, thiên tai …; bệnh trầm cảm, căng thẳng khiến cho nhiều người trẻ tự tử. Thỉnh thoảng tôi nghe có người trẻ tự tử ở New York hay ở Washington D.C. Áp lực phải kinh khủng lắm mới khiến người ta tự kết liễu đời mình như vậy. Ngoài ra cũng có nhiều bệnh hoang tưởng trong xã hội.
Mới đây nhất tôi đã tiếp xúc trực tiếp với một thiếu nữ, em nói với tôi rằng: “Có một ác quỷ trong con cứ xúi giục con phải tự đâm mình hay treo cổ. Con sợ hãi quá nên chạy đến đây”. Tôi đã khuyên em niệm Bồ tát Quan Thế Âm khi tiếng nói đó vang lên trong đầu, đó là sự hoang tưởng thôi. Dù đã cố gắng giúp em, nhưng sau khi em rời khỏi Bích Nham, tôi nghe tin em đã tự đâm mình. May mắn là em đã được cứu thoát. Là cha mẹ, là anh chị của các em, chúng ta phải làm gì để giúp con em mình vượt qua cơn bão cảm xúc. Thiết nghĩ rằng đợi cơn bão đến rồi mới tìm phương cứu chữa thì có quá trễ hay không?
Khi tôi thấy quý thầy, quý sư cô trẻ tiếp xúc vui vẻ với các bạn trẻ, làm bạn đồng hành với họ trong sự thực tập cũng như trong công việc, tôi thấy lòng rất vui. Tôi mong Bích Nham có thêm nhiều quý thầy và quý sư cô trẻ về đây tu học.
Tôi thấy rõ sự có mặt của tôi ở nơi này. Tôi thấy rõ là mình không phải chỉ tu để đạt đến mục đích giác ngộ cho riêng cá nhân mình. Mà sự hiện hữu và sự thực tập của tôi là để giúp làm vơi bớt khổ đau cho những người đang cần đến sự giúp đỡ, cần đến sự thương yêu. Mỗi khi đi xa về, tôi cảm thấy Bích Nham là một chốn thật bình yên, là nhà của mình đây. Đêm nay trăng thật sáng ngoài khung cửa sổ làm tôi nhớ đến năm nào tôi đã cùng ngồi với Sư Ông trên một băng ghế dài ngắm trăng. Sư Ông nói với tôi: “Mình có tự do mới thấy được vầng trăng sáng…”.
Có phải Sư Ông muốn nói với tôi rằng chỉ khi nào mình không bận bịu chuyện gia đình, chuyện xã hội, trong lòng mình không chất chứa những ham muốn, mong cầu, phiền muộn thì lúc đó mình sẽ tiếp xúc được vầng trăng sáng? Như hai câu kệ Sư Ông đã viết tặng tu viện Bích Nham:
“Nước Bích lắng trong, ngàn sông có nước ngàn sông trăng hiện Non Nham tú lệ, mỗi lần nhìn lại mỗi lần mới tinh”
Tôi muốn nói với Sư Ông: “Thầy thương kính của con, con rất hạnh phúc vì mỗi ngày con đã thấy rõ hướng đi và biết nơi mình đang đến. Lòng biết ơn của con đối với Thầy, với chư Tổ, với gia đình tâm linh, đối với cha mẹ, với gia đình huyết thống không bao giờ cạn trong con. Sang năm là Đại tường của Thầy, nhưng con biết rằng Thầy đang rong chơi trời phương ngoại, Thầy vẫn còn đó mãi trong lòng chúng con”.
Giấc mơ đại đồng
Phạm Minh Hương (Chân Thu Lâm)
Cuộc đời là một hành trình trải nghiệm và chế tác hạnh phúc hay khổ đau là tùy thuộc vào chính mình. Mãi khi đến Làng Mai con mới kinh nghiệm được điều đó.
Sư Ông có chia sẻ: tu tập là để mình trở nên đẹp hơn chứ không phải để trở thành một thầy tu trong gia đình hay một thầy tu trong công ty. Mình phải là một chủ tịch công ty có hiểu và có thương để thực hiện bổn phận mà cuộc đời đã trao tặng cho mình. Con thấy Sư Ông trong từng lời dạy, từng lời chia sẻ của quý thầy, quý sư cô; trong những câu kinh bằng tiếng Việt trong sáng; trong lời mỗi bài thiền ca; trong nếp thực tập chánh niệm của cuộc sống hàng ngày ở Làng. Những câu thư pháp bên con đường thiền hành đã đánh thức những hạt giống trong con. Con chợt nhận ra hạnh phúc từ những điều thật đơn giản nhưng vô cùng mầu nhiệm. Con có hỏi thầy Pháp Niệm: “Thưa thầy, điều gì là vĩ đại nhất ở Sư Ông? Thầy trả lời: “Di sản lớn nhất Sư Ông để lại là tăng thân. Sư Ông có một giấc mơ đại đồng, giấc mơ về hạnh phúc cho muôn loài và giấc mơ về sự giác ngộ tập thể.”
Con đã hiểu được sứ mệnh của con, sứ mệnh được tổ tiên trao truyền, sứ mệnh được Sư Ông đánh thức. Lúc đó ở Việt Nam, con thấy chưa có nhiều người hiểu được tầm vóc của Sư Ông và những gia tài tâm linh mà Sư Ông cùng Tăng thân đang gìn giữ cho đất nước. Con quay về Việt Nam và liên tục tổ chức các chuyến đi đến Làng Mai Thái Lan cùng với những người bạn, những doanh nhân đang tìm cầu một con đường để có thể làm đẹp bổn phận của mình. Từ một người muốn chạy trốn khỏi cuộc sống và trách nhiệm công việc, con đã tìm thấy con đường. Đó là con đường tiếp nối Sư Ông xây dựng một giấc mơ đại đồng. Giấc mơ trong đó các doanh nghiệp đều biết thực tập, phụng sự cho đất nước đi lên. Những vướng mắc trong con tự nhiên được cởi trói, những câu hỏi trong con tự được trả lời. Con không còn cần bất cứ lời giải đáp nào nữa.
Từ năm 2016, nhiều khóa tu Doanh nhân hạnh phúc được tổ chức. Rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã đưa thực tập chánh niệm vào công ty và con cũng học được rất nhiều từ những chia sẻ của họ. Trong các khóa tu, mọi người ai cũng rạng ngời hạnh phúc, biết ơn Bụt Tổ, biết ơn Sư Ông và quý thầy, quý sư cô Làng Mai đã mang đến cho doanh nhân sản phẩm của hạnh phúc đích thực.
Bây giờ, mỗi lần cùng quý thầy, quý sư cô tổ chức khóa tu Doanh nhân hạnh phúc, con đều được nếm niềm vui khôn tả khi thấy những người tham gia khóa tu thấy được những điều con đã thấy, hiểu được những điều Sư Ông dạy để chế tác niềm vui, đối diện và chuyển hóa được khổ đau. Tăng thân doanh nhân chúng con mỗi năm lại đón thêm những thành viên mới, có thêm gia đình tăng thân mới và hạt giống giác ngộ đã được lan tỏa ở chính quê hương tâm linh Việt Nam nơi Sư Ông đã luôn hướng về và dành trọn cuộc đời gìn giữ. Con đã có con đường. Con đường cùng tăng thân xây dựng giấc mơ đại đồng, cùng thực tập để hướng tới hạnh phúc và giác ngộ cho tất cả mọi người.
Bấy nhiêu thôi là đã đủ
(Thầy Chân Pháp Dung)
Về Việt Nam lần này, tôi dùng cuộc đời của Thầy làm đề tài quán chiếu cho mình. Tiếp xúc với môi trường Thầy đã từng sống, tìm hiểu những hoàn cảnh Thầy đã từng đi qua, và học hỏi từ những quyết định Thầy đã từng làm. Thầy chưa bao giờ muốn đệ tử trở nên giáo điều và sống theo một mớ những khuôn khổ cứng nhắc. Thầy chỉ muốn đệ tử có chánh niệm và biết phải làm gì để tự mình xử lý một cách nhu nhuyến trước sự thay đổi của hoàn cảnh.
Học và tìm hiểu cuộc đời của Thầy và của các vị tổ sư, chúng ta đem lịch sử soi chiếu vào hiện tại. Đó không phải là những gì xưa cũ chỉ thuộc về quá khứ. Bởi vì những điều đó có ảnh hưởng rất lớn lao đến hiện tại và định hình tương lai của chúng ta. Vì vậy chúng ta cần tự hỏi mình rằng cuộc đời của liệt vị vẫn tiếp tục liên quan đến thế hệ của chúng ta như thế nào. Đó là một câu hỏi rất quan trọng.
Thầy đã dạy chúng ta biết cách an trú trong xứ sở của giây phút hiện tại, một xứ sở không biên giới. Ngày hôm nay, ngồi giữa lòng một tăng thân xuất sĩ và cư sĩ đến từ hơn 30 quốc gia, chúng ta thực sự thấy được sự thực tập an trú trong giây phút hiện tại có thể giúp ta vượt thoát cả không gian lẫn thời gian như thế nào.
Khi cùng nhau đi thiền hành tại chùa Tổ, ta chỉ cần an trú trong từng bước chân và trong từng hơi thở ý thức. Ta không cần làm gì thêm nữa cả. Như vậy là chúng ta đang tiếp nối Thầy rồi. Khi người dân Việt Nam nhìn thấy một tăng đoàn quốc tế đang đi từng bước trong chánh niệm xung quanh hồ bán nguyệt, họ sẽ nhận ra ngay lập tức đó là những đệ tử của Thầy. Chúng ta chỉ cần làm bấy nhiêu thôi là đã đủ.
Tình Thầy là ánh trăng đầy
(Sư cô Chân Hội Nghiêm)
Lúc Thầy còn sống, con rất thích được ngồi yên bên Thầy nên mỗi khi có những giây phút rảnh con thường vào cốc Thầy, đảnh lễ Thầy rồi ngồi yên và đi kinh hành. Đứng nhìn ra khung cửa sổ, con ý thức Thầy cũng đã từng đứng đó ngắm mây, ngắm nắng, ngắm mưa, ngắm nhìn đồi thông, hoa cỏ. Con cảm nhận nguồn năng lượng bình yên sâu thẳm của Thầy vẫn còn đó. Cám ơn Thầy đã để lại cho chúng con nguồn năng lượng quý giá ấy. Dường như Thầy ra đi mà không mang theo một thứ gì cả. Thầy đã để lại tất cả cho chúng con như một gia tài vô giá. Nơi nào Thầy đi qua chúng con cũng cảm nhận được nguồn năng lượng bình an ấy. Cái giây phút linh thiêng khi sáu ngọn lửa châm vào nhục thân của Thầy trong buổi lễ Trà tỳ đã làm con vỡ oà. Vỡ oà để được bình an trở lại. Vỡ òa để thấy Thầy mới mẻ, dưới muôn vàn hình thức khác.
Thầy kính thương, Thầy thường ca ngợi:
Bụt là vầng trăng mát Đi ngang trời thái không Hồ tâm chúng sanh lặng Trăng hiện bóng trong ngần.
Con thấy Thầy cũng là một vầng trăng mát. Mỗi lần gần ánh trăng ấy là con thấy mát mẻ thanh lương, bình an tĩnh tại, tự do và thanh thoát. Trăng trên trời còn có lúc tròn lúc khuyết, còn vầng trăng của Thầy thì không bao giờ vơi, khuyết. Quả thật tình Thầy là ánh trăng đầy.
Thở cười con bước theo thầy Hiểu thương con thấy tràn đầy niềm vui Hạt bồ đề, quyết đem vùi Mai thành cổ thụ chở che cho đời Bao dung tha thứ vun bồi Thân tâm chuyển hóa luân hồi còn đâu Thầy ơi, con nguyện khắc sâu Anh em bốn biển năm châu là nhà Cùng nhau chung sống thuận hòa Uy nghi giới luật nở hoa nơi này Tình Thầy là ánh trăng đầy Tình huynh đệ, áng mây bay giữa trời Ta có nhau tự muôn đời Bây giờ tiếp nối rạng ngời tương lai.
Con sẽ tiếp nối Thầy điều gì nhỉ? Con nhớ ngày Thầy dạy con làm trụ trì, lúc đó hai thầy trò đang ngồi trong thư viện ở Sơn Cốc. Bói Kiều cho con xong Thầy bảo: “Làm trụ trì hay không không quan trọng. Cái quan trọng là con phải có tự do”. Con thấy con thực tập điều này chưa giỏi, nên con phát nguyện sẽ tiếp nối Thầy đức tính tự do, tự tại. Vì không có tự do thì con cũng sẽ không có bình an và hạnh phúc được, phải không Thầy! Cám ơn Thầy đã là Thầy của chúng con, đã dạy cho chúng con biết thở, biết cười, biết bước những bước chân an lạc thảnh thơi, biết sống một nếp sống tĩnh lặng, thiểu dục tri túc, biết thương yêu trân quý, biết nhẫn nại bao dung, biết sống sâu sắc trong giây phút hiện tại. Con sẽ luôn mang Thầy trong lòng, Thầy kính thương của tất cả chúng con.
(Thư viết dâng Thầy nhân ngày tiếp nối 11/10/2024)
Lộc Uyển, ngày 05 tháng 10 năm 2024
Thầy kính thương!
Còn ít ngày nữa là kỷ niệm ngày của Thầy. Mấy hôm nay trong con đi lên vài hình ảnh kỷ niệm cũ ở Làng hồi Thầy còn khoẻ. Con nhớ có một lần quý sư cô xóm Hạ tập múa cùng nhau bài “Thầy đi tìm con” để làm quà dâng lên Thầy nhân ngày tiếp nối. Sư cô Thuần Tiến con đóng vai Thầy, sư cô mặc chiếc áo ấm y như của Thầy, đội mũ len, đi đôi guốc cũng giống của Thầy nữa. Ngay khi sư cô xuất hiện Thầy ngạc nhiên đến tròn xoe mắt, rồi Thầy mỉm cười nhẹ như hơi mắc cỡ tí. Đám nhỏ chúng con đứng làm hàng cây thông đung đưa trong gió nên thấy hết khoảnh khắc ấy và cùng nhìn nhau cười. Năm ấy Thầy đón sinh nhật cùng các sư con ở Sơn Cốc rất vui và ấm áp. Món quà sinh nhật mà Thầy nhận, có khi là bài múa, có khi là chiếc lồng đèn do các con tự đục lỗ bằng ống tre, bằng lon nước, có khi là mô hình của xóm Hạ, của Sơn Cốc được cắt dán hoặc dựng lên từ rong rêu, cỏ cây trong vườn… Thầy đều đón nhận bằng cả trái tim và nụ cười hiền.
Mỗi năm đến ngày tiếp nối Thầy, chúng con là nhân vật háo hức hơn cả, vì muốn được xem năm nay Thầy sẽ đón nhận món quà đặc biệt gì, vì năm nào cũng có bất ngờ hết. Và thật sự mỗi năm đại chúng ai cũng ồ, à với những món quà được dâng lên. Tuy không cao sang, không hoa lệ, nhưng thế mới thấy tài năng của huynh đệ và tình thương mà các con ở khắp nơi hướng về Thầy.
Mùa tiếp nối cuối cùng con được đón bên cạnh Thầy là lúc Thầy sắp về Thái Lan. Năm đó chúng con được đi chợ hoa cúc cùng Thầy, tuy Thầy không nói gì nhưng hình ảnh Thầy trò đi dạo cùng nhau ở vườn hoa thật đẹp.
Năm ấy xóm Hạ làm chung một quyển sổ album hình của từng sư con đã từng chụp cùng Thầy và viết thư tâm tình với Thầy. Đó là một kỷ niệm rất tuyệt vời khi con được lên ý tưởng và quý sư cô đã rất yểm trợ để cùng làm.
Có rất nhiều sư em nhỏ đã từng biết đến Thầy, đọc sách Thầy, nghe pháp thoại Thầy qua Youtube từ rất lâu. Thầy đã gieo nhân duyên với các sư em lâu lắm rồi Thầy ạ.
Đến sau này con mới được biết, ngôi làng được vinh danh là làng của “thầy tu và thầy giáo” – nơi con được sinh ra, lớn lên và thấm nhuần giáo pháp của Bụt, ngôi làng ấy được un đúc nhờ chương trình “Hiểu và Thương”, là ngôi làng thí điểm mà Thầy đã cùng các tấm lòng và trái tim không biên giới gầy dựng nên. Con càng thấm hơn việc “cứ gieo hạt giống” mà Thầy thường dạy. Việc của người tu là gieo những hạt giống lành, đủ duyên hạt giống sẽ nẩy mầm, không cần phải lo lắng, không cần phải mong cầu.
Con cũng thực tập theo lời Thầy dạy, sự nghiệp của mình là gieo xuống những hạt giống của chánh niệm, thương yêu và vui sống, hạt giống của an lành, không kỳ thị và không sợ hãi. Con cũng không mong cầu nó sẽ nẩy mầm khi nào, ở đâu, với ai,… bởi con thấy ngày xưa Thầy chỉ thấy cần làm, nên làm thôi, Thầy đâu có nghĩ tương lai sẽ có quá chừng sư con của Thầy được lớn lên từ đó.
Thầy biết không?
Trong tờ lịch bàn của ngày 11/10 năm nay là hình ảnh Thầy ngồi dưới gốc tùng ở Sơn Cốc và đang ngắm nhìn, đang lắng nghe các sư con của Thầy tập hát, tập tụng kinh cùng nhau. Xung quanh Thầy là những chậu cúc đồng đang khoe sắc. Con nhớ rõ hình ảnh năm ấy ở Sơn Cốc, Thầy ngồi xem sư em Pháp Linh tập tụng kinh bài mới ra lò cho đại chúng 3 xóm 4 chùa. Không khí rất vui và ấm áp. Trong tờ lịch có câu thơ:
“Nước bích lắng trong
ngàn sông có nước ngàn sông trăng hiện
Non nham tú lệ
mỗi lần nhìn lại mỗi lần mới tinh”.
Con rất thích hai câu thơ này. Lần đầu tiên có sư em nhờ con viết thư pháp câu “Ngàn sông có nước ngàn sông trăng hiện”. Con đã rất đánh động rồi. Khi con đọc cả hai câu, trọn ý, con càng thích hơn.
“Mỗi lần nhìn lại, mỗi lần mới tinh”
Chính sự thực tập này đã cho con rất nhiều hứng khởi, rất nhiều niềm vui và tươi mới trong sự tu học và xây dựng tăng thân của mình. Lúc nào cũng cho con một cái nhìn rất mới để học hỏi, để làm mới, để cảm thấy thích thú và do đó sự tu học của con luôn được mới mỗi ngày Thầy ạ.
Tu việc Lộc Uyển sẽ đón chào hai sư em của Tăng thân. Dòng chảy vẫn cứ chảy, dòng sông vẫn cứ lưu nhuận như thế. Có lúc hùng hồn, mạnh mẽ, có lúc êm đềm, hài hoà, dịu nhẹ. Nhưng trong mạng mạch ấy, con thấy được pháp môn thực tập vẫn đang chạm đến trái tim của từng người.
Trong bài Sám pháp địa xúc sáng nay sư em con đọc, có rất nhiều đoạn hay và con cũng thấy được rằng “không biết nhờ phước duyên nào mà kiếp này không chỉ mình con, mà cả gia đình con được may mắn làm đệ tử Đức Thế Tôn, làm đệ tử Thầy và tham dự vào sự nghiệp của chư Bụt, chư Tổ và của Thầy”, Thầy ạ.
Mỗi lần quán tưởng đến việc con được làm một người tu, được làm đệ tử Thầy, được có một tuổi trẻ quấn quýt bên Thầy, được học, được chơi, được thương, được phụng sự theo đúng với trái tim mình mong muốn, con chỉ thấy mình quá đỗi may mắn trong cuộc đời. Những khó khăn, những buồn tủi kia cũng không còn là gì quá to lớn nữa. Càng thực tập con càng thấy buồn cười với chính mình, với một tuổi trẻ quá đỗi “máu lửa” mà cũng thiệt hay ho, cho con nhiều bài học nhớ đời, để càng ngày con càng dễ cảm thông, dễ thấu hiểu và tâm lý hơn. Con thấy mình chín từng ngày, từng chút một. Bỗng thấy thương thêm quý sư chị của mình.
Thầy thương kính!
Hôm nay Lộc Uyển nắng rất đẹp, trời xanh trong, chuẩn bị một chiếc nôi êm giữa núi rừng Đại Ẩn để đón chào hai sư em Chân Nhất Quang và Chân Nhất Trì, gia đình hoa Lilac (Ceanothus) biểu hiện ngày 06 tháng 10 năm 2024. Giờ phút này đại chúng hai xóm Trong Sáng và Vững Chãi đang rất háo hức gói quà cho hai sư em, chuẩn bị cho buổi lễ, con thấy Thầy cũng đang mỉm cười rất ấm áp để đón chào tin vui này ạ.
Hướng về Thầy với rất nhiều sự ấm áp và thương yêu.
Với từng bước chân của sự hiểu biết và tình thương hướng về đồng bào miền núi phía Bắc, quý thầy, quý sư cô cùng một số nhà hảo tâm của chương trình “Hiểu và Thương” đã tận tay trao những phần quà đến nhiều gia đình có hoàn cảnh neo đơn, đặc biệt là các học sinh vùng cao. Những món quà tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng tâm nguyện chia sẻ những khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần, đến từ nhiều thầy và sư cô đang tu học tại các tu viện khác nhau của Làng Mai, cũng như từ những người con Việt sống trong và ngoài nước.
Chương trình “Hiểu và Thương” trong đợt hỗ trợ này được thực hiện nhờ sự chung tay góp sức của nhiều Phật tử và người dân địa phương. Từ ngày 12/9 đến ngày 26/9, quý thầy và sư cô đã thay mặt chương trình đến thăm hỏi, trao quà, và dành thời gian động viên bà con khắc phục cuộc sống sau bão lũ và sạt lở đất nghiêm trọng tại huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên), huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) và tỉnh Hà Giang.
Bất chấp đoạn đường xa xôi, khó khăn và nguy hiểm, đoàn đã đến thăm hỏi, vui chơi, và trao nhiều phần quà thiết yếu cho các em nhỏ tại các trường mầm non, tiểu học ở huyện Bảo Yên, huyện Sapa (tỉnh Lào Cai) và huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái). Đoàn còn trao tặng thiết bị, đồ dùng cần thiết, hỗ trợ các dự án khoan giếng nước và xây dựng bếp ăn, giúp các thầy cô giáo vùng cao chăm sóc và giảng dạy học sinh tại các điểm trường bán trú và nội trú bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ.
Những nụ cười rạng rỡ, ánh mắt long lanh đầy vui sướng của các em nhỏ vùng cao khi được học những bài hát mới, chơi đùa cùng quý thầy và sư cô, cầm trên tay những chiếc balo sắc màu yêu thích, những cuốn vở, bút viết hay thử đôi ủng mới để đi học trong những ngày mưa gió, và được ăn những bát cơm đầy ắp… đều mang lại niềm vui và hạnh phúc cho quý thầy, quý sư cô và tất cả những người chung tay góp sức cho chương trình “Hiểu và Thương.”
Trên suốt những đoạn đường đến các điểm trao quà, hình ảnh các đoàn xe cứu trợ từ nhiều tỉnh thành khắp cả nước đã nối dài những sợi dây tình thương, tạo nên sự gắn kết, tựa như những cánh tay nối dài. Đó là biểu hiện cụ thể của Bồ Tát ngàn mắt ngàn tay từ khắp mọi miền đất nước, hoặc là sự tiếp nối đẹp đẽ của những Thanh niên phụng sự năm xưa.
Trên những chiếc xe vượt núi đồi, với từng bước chân cẩn trọng, vững chãi và đầy tình thương, đoàn đã vượt qua những đoạn đường sạt lở, trong khi tiếng hát của các em nhỏ vẫn vang vọng khắp núi rừng: “Bên trái tôi đây là bạn tôi, anh em tôi; bên phải tôi đây là bạn tôi, anh em tôi; trước mặt tôi đây là bạn tôi, anh em tôi; xung quanh tôi đây là bạn tôi, anh em tôi…”