Em kể chị nghe!

 

Anh chị em thương,

 

Sáng hôm nay tự nhiên em muốn nguồi chơi với mấy anh chị em quá! Em đang được “làm biếng” nên tha hồ mà chơi, mà kể chuyện cho mấy anh chị em nghe, bù lại những ngày em lười viết thư.

Ở bên này trời đang bắt đầu vào thu. Mùa thu bắt đầu âm thầm đến trong cái se se lạnh của đất trời ban mai. Trong màu vàng phơn phớt của những cây ven đường. Cái lạnh này làm em nhớ Hà Nội quá! Giờ này chắc mấy anh chị em đang tận hưởng những ngày nghỉ sau khóa tu người trẻ mồng 2 tháng 9 phải không? Khóa tu năm nay chắc là vui lắm nhỉ, có chuyện vui thì kể cho em nghe với, rồi em sẽ kể chuyện bên này cho nghe.

 

 

Bên này cũng vừa kết thúc Khóa Tu Người Trẻ được hơn một tuần. Khóa tu năm nay có chủ đề rất hay: “Chăm sóc thân tâm, chữa lành đất mẹ” – Healing yourself, healing the world. Anh chị em biết không, đã có hơn 200 người trẻ đến từ nhiều quốc gia khác nhau (Mỹ, Pháp, Đức, Italia, Tay Ban Nha, Hà Lan, Hàn Quốc, Hồng Kông…) nay được gặp gỡ và tu chung với nhau, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, khổ đau cũng như những thao thức, những ước mơ của tuổi trẻ. Hạnh phúc và cảm động lắm! Năng lượng của tuổi trẻ làm cho không khí của khóa tu thật sống động và tươi mát. Nhớ lại mà em còn thấy vui, thấy mình được nuôi dưỡng thật nhiều.

Em chưa thấy khóa tu nào ở Làng mà thiền sinh được chăm sóc kỹ như khóa tu người trẻ. Phải nói là được “cưng” mới đúng. Có tới 12 gia đình pháp đàm mà mỗi gia đình có tới 8-9 quý thầy, quý sư cô chăm sóc. Chương trình khóa tu thì nhẹ nhàng, sinh động, tạo ra nhiều không gian để các bạn trẻ được trở về tiếp xúc với chính mình, với những vết thương, niềm đau trong tự thân.

Em nhớ trong gia đình pháp đàm mà em tham gia có một bạn gái đến từ Anh. Trong buổi pháp đàm đầu tiên, bạn ấy chia sẻ: “đây là gia đoạn hạnh phúc và bình an nhất của mình”, gương mặt của bạn ấy hân hoan khi chia sẻ điều đó. Nhưng lạ thay, đến buổi thứ hai, thứ ba thì bạn có vẻ bất ổn, đôi mắt cứ nhìn xa xăm khi chưa chia sẻ gì nhiều… Rồi gần đến ngày cuối của khóa tu thì mọi thứ như vỡ òa trong người con gái nhỏ bé ấy. Những vết thương, những khổ đau bị đè nén, bị bít lấp lâu ngày nay có cơ hội được biểu hiện, cứ trào lên như những được sóng. Thương quá!

Ngẫm lại, nhiều khi mình không dám đối diện với chính mình và rồi ngày qua ngày, mình vẫn tự trang điểm cho mình bằng một khuôn mặt có vẻ như bình thường, có vẻ như không có chuyện gì xảy ra cả. Mình muốn mọi người thấy rằng: “tôi vẫn ổn, vẫn OK!…”  Mình sợ bị coi là “có vấn đề”, sợ mọi người nhìn mình bằng ánh mắt thương hại…

Dường như chỉ khi được thả mình vào một không gian thênh thang, được bao bọc bởi tình thương yêu của mọi người, mình mới có đủ can đảm để trở về, để đối diện với chính mình, để được là chính mình.

Em nhớ lại buổi pháp đàm hôm đó, ai cũng khóc hết, kể cả quý thầy, quý sư cô. Các bạn trẻ được thầy Pháp Đăng hướng dẫn phương pháp làm mới tự thân, làm mới với những người thương của mình đang ở xa. Phương pháp này thật là mầu nhiệm! Bây giờ em mới thấy được khả năng “trị liệu” của pháp môn Làm Mới. Hình ảnh các bạn làm mới với những  người thân trong gia đình mình mới đẹp làm sao! Trong không khí ấm áp, cởi mở của buổi chiều hôm đó, các bạn đã nói ra được những vụng về, những lỗi lầm do mình gây ra, đã làm cho ba mẹ mình phải khổ. Cảm động nhất là các bạn nói lên được nỗi đau của lòng mình, những nỗi đau khi bị bỏ rơi, khi không được hiểu, không được thương. Điều làm em thật sự học hỏi và biết ơn là các bạn đã nói ra mà không hề trách móc cha mẹ của mình mà lại đầy sự cảm thông và thương yêu. Các bạn đã phần nào nhận ra rằng ba mẹ của mình cũng đã phải đối diện, phải đi qua nhiều khó khăn, họ đã có những vết thương, những niềm đau vẫn chưa được chữa lành…

 

 

Em có cảm giác buổi Làm Mới như một cơn mưa mùa hè quét sạch những muộn phiền, nóng bức và để lại trong lòng mỗi người cảm giác thật nhẹ nhàng, mát mẻ. Nhìn khuôn mặt ai cũng bắt đầu thấy được nụ cười thay cho vẻ trầm ngâm, đăm chiêu của buổi ban đầu.

Ấn tượng nhất đối với em là một anh bạn đến từ Anh. Ban đầu em hơi shock khi thấy anh cầm một điếu thuốc và hút ngay trong khóa tu, một điều mà Ban Tổ Chức đã nhắc nhở từ buổi ban đầu. Nhưng may cho em, cảm giác không dễ chịu đó đã không làm cho em buồn lâu, vì ngay buổi chiều hôm đó em đã được nghe anh ấy chia sẻ về chuyện anh ấy đang cố gắng bỏ hút thuốc lá và anh ấy phải sử dụng một điếu thuốc giả giống y hệt điếu thuốc thiệt, nhưng nó chỉ là một món đồ chơi, cũng nhả khói như thường, rất ngầu! nhưng không có ảnh hưởng sức khỏe như hút thuốc thật. Cùng chung một gia đình pháp đàm với anh ấy em đã có cơ hội nghe được anh ấy chia sẻ về những khó khăn, mặc cảm trong mình. Anh nói: “anh đã làm cho những người thương của anh khổ nhiều…và sau khóa tu này, về nhà anh sẽ thực tập làm mới với những người thân.” Gương mặt anh ấy sáng rỡ và hồn nhiên như một cậu bé khi anh ấychia sẻ rằng: “anh như một người đang ở trong bùn nay được về tắm mát trong một dòng sông để gột rửa những mặc cảm tội lỗi của mình. Dễ thương quá phải không anh chị em?

Là một khóa tu người trẻ nên các chuyên đề thảo luận (workshop) cũng rất hấp dẫn… như chuyên đề giới trẻ và phương pháp thực tập để tránh nghiện ngập, tình yêu và tình dục, tuổi trẻ và phong trào Wake up…

Một nét hay trong chương trình khóa tu dành cho người trẻ đó là có một ngày các bạn nam sinh hoạt riêng ở xóm Thượng cùng quý thầy, còn các bạn nữ sinh hoạt riêng với quý sư cô tại xóm Hạ, các bạn nữ gọi là ngày Women’s Day. Các bạn đã được quý sư cô chia sẻ về những trải nghiệm của mình, những khó khăn để học chấp nhận chính mình và phương pháp thực tập như thế nào để tiếp xúc được và làm lớn lên nét đẹp của một người phụ nữ, nét đẹp mà bà, mẹ và bao thế hệ tổ tiên đã trao truyền cho mình.

Em cứ nhớ hoài buổi tối hôm đó, khi các bạn gái cùng nắm tay nhau nhảy múa theo theo một bài hát dân ca của người châu Phi. Trong lời nhạc nhẹ nhàng, du dương hòa vào tiếng lá bạch dương khe khẽ, các bạn vừa múa và tiến ra giữa vòng tròn, gắn một bông hoa mà mỗi người hái hồi chiều, mang theo rồi cài lên vòng hoa và từ từ hòa cùng nhịp múa đến trao cho một bạn nữ khác. Bây giờ nhìn ai cũng giống như những nàng công chúa với những chiếc vương miện bằng hoa xinh xắn. Tự nhiên trong lòng em dâng lên một cảm giác hạnh phúc, hạnh phúc đến nỗi em phải thốt lên với một sư chị: “chị ơi! Mình thật là đẹp khi mình được là chính mình, phải không sư chị?”

Khóa tu đã khép lại rồi mà trong em còn nhiều cảm xúc, nhiều niềm vui quá! Em viết hết bao trang giấy rồi mà hình như em vẫn chưa kể hết… Thôi em để dành cho thư sau nha. Chúc anh chị em luôn thương và hiểu nhau thật nhiều.

Em Khánh Duyên

Chánh niệm là suối nguồn hạnh phúc

GS Hà Vĩnh Thọ/ Chân Đại Tuệ

Gíám đốc trung tâm GNH tại thủ đô Thimphu, Bhutan

BBT chuyển ngữ

Khóa tu chánh niệm 4 ngày tại thủ đô Thimphu, Bhutan được tổ chức bởi các vị giáo thọ Làng Mai và một số cư sĩ của phong trào Wake up quốc tế.

Vị vua cao quý thứ tư của vương quốc Bhutan là người đầu tiên đưa ra ý tưởng về “Tổng chỉ số hạnh phúc quốc gia” – Gross National Happiness (GNH). Theo Ngài, chỉ số này đánh giá sự thịnh vượng của quốc gia một cách toàn diện hơn so với “Chỉ số hàng hóa quốc gia” – Gross National Products (GNP) và tin rằng sự phát triển tích cực của xã hội loài người chỉ có thể có được khi sự phát triển về mặt vất chất và tinh thần diễn ra song song, vừa bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau.

Để có được sự phát triển theo tinh thần Tổng chỉ số hạnh phúc quốc gia thì luật pháp, chính sách và hành động của chính phủ đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, có một điều quan trọng không kém, đó là sự chuyển hóa về nhận thức và quan niệm của chúng ta, nếu không có điều này thì chỉ số Hạnh phúc quốc gia không thể được áp dụng một cách triệt để.

Lấy ví dụ về việc tiêu thụ, chúng ta đều biết rằng các cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế cũng như về môi trường sinh thái mà nhân loại đang phải đối mặt đều có liên hệ mật thiết đến sự tiêu thụ quá mức và thiếu chánh niệm của chúng ta đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ có thể thay đổi một khi chúng ta tìm ra được những cách thức mới để nuôi dưỡng hạnh phúc trong tự thân mà không phải đi tìm hạnh phúc trong việc mua sắm và tiêu thụ.

Nếu nhìn sâu vào tình trạng tiêu thụ quá mức, chúng ta sẽ thấy được gốc rễ chính là lòng ham muốn và thèm khát không giới hạn. Nếu tiếp tục nhìn sâu vào gốc rễ của lòng ham muốn và thèm khát đó, chúng ta nhận ra một khoảng trống trong lòng mình, cảm giác vô nghĩa của cuộc sống, cảm giác cô đơn, lạc lỏng mà chúng ta đang cố khỏa lấp bằng cách mua sắm nhiều thứ hơn nữa và tìm kiếm những điều mới lạ. Thế nhưng sự thỏa mãn mà các điều kiện vật chất đó mang lại cho chúng ta lại rất có giới hạn. Xe hơi mới, máy tính mới, điện thoại thông minh đời mới hay thậm chí ngôi nhà mới cũng chỉ có thể làm cho ta thích thú trong một khoảng thời gian ngắn và sớm muộn gì thì cái cảm giác chưa thỏa mãn cũng sẽ quay trở lại. Khi đó chúng ta lại có nhu cầu mua thêm nhiều thứ nữa, chạy theo kiểu dáng đắt tiền hơn, mới mẻ hơn mà chúng ta cho rằng điều đó sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc hơn.

Cũng tương tự đối với các hiện tượng nghiện ngập, bia rượu hoặc ma túy chỉ mang lại cho chúng ta cảm giác dễ chịu và thỏa mãn trong một khoảnh khắc ngắn và ngay sau đó chúng ta luôn có cảm giác thèm khát, muốn tiêu thụ nhiều thêm nữa, và khi không được đáp ứng thì cảm giác thích thú ngắn ngủi đó sẽ trở thành đau khổ và tuyệt vọng.

Bằng cách này, chúng ta sẽ không bao giờ có thể chuyển hóa được cái cảm giác vô vị và trống rỗng bên trong mỗi chúng ta. Để trở thành một con người toàn vẹn và đạt được sự mãn nguyện hoàn toàn thì chỉ có thể bằng cách rèn luyện tâm ý mà thôi. Lòng từ ái, niềm an vui, thanh thản và cái nhìn bình đẳng, không phân biệt, cũng như trí tuệ và sự viên mãn là những cái mà ta không thể dùng tiền để mua được, mà phải cần tu tập và rèn luyện.

Thực tập chánh niệm là một trong những công cụ hiệu quả nhất để nuôi dưỡng và làm lớn mạnh những hạt giống đẹp và lành trong tâm thức chúng ta – đây là điều có tính chất quyết định hạnh phúc và sự an vui của chúng ta hơn bất cứ những điều kiện, hoàn cảnh nào từ bên ngoài.

Đó là lý do tại sao khóa tu đầu tiên của được tổ chức bởi Trung tâm nghiên cứu và thực tập những phương pháp tạo dựng hạnh phúc ở Bhutan kết hợp với Tăng thân Làng Mai có tên “Chánh niệm là suối nguồn của Hạnh phúc”. Chúng tôi hướng đến người trẻ vì đây là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi lối tiêu thụ Tây phương thông qua các phương tiện truyền thông như tivi và Internet. Thật là xúc động khi được chứng kiến những người trẻ mở lòng ra để tiếp nhận và thực tập chánh niệm trong các sinh hoạt như ngồi thiền, thiền hành, ăn cơm im lặng, thực tập chia sẻ từ trái tim và lắng nghe bằng lòng từ ái.

Có khoảng 500 thiền sinh đăng ký tham gia khóa tu này. Một vài người trong số họ trước đó chỉ đăng ký tham gia có một ngày nhưng rồi lại trở lại  trong những ngày sau đó. Tôi đã tiếp xúc với nhiều ông bố, bà mẹ chia sẻ rằng con của họ khi về nhà sau ngày đầu tiên của khóa tu đã thuyết phục bố mẹ đến tham dự khóa tu ngay ngày hôm sau.

Nhiều thiền sinh tham dự nói với chúng tôi rằng đó là những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của họ. Những người khác tâm sự họ chưa bao giờ cảm thấy được bình an đến như vậy. Hầu như tất cả các cánh tay đều giơ lên khi được hỏi ai muốn tiếp tục thực tập theo pháp môn này.

Lễ khai mạc của khóa tu được tổ chức long trọng với sự có mặt của Công chúa thuộc hoàng gia Bhutan, ông Dasho Karma Ura – Bộ Trưởng Bộ Lao Động và Nhân Sự, một vị giáo sư lỗi lạc của Trung tâm GNH, hai vị dân biểu quốc hội và nhiều khách mời cao quý khác.

Công chúa của Hoàng gia Bhutan đã khai mạc khóa tu bằng một bài diễn văn vô cùng sâu sắc và ấn tượng, đó thực sự là một bài pháp thoại sống động với lời kết là những câu nói bất hủ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Chúng tôi đã tặng cho Công chúa bức thư pháp do Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết với dòng chữ “Peace begins with your wonderful smile” (có nghĩa là: hòa bình bắt đầu với nụ cười tuyệt vời của bạn). Không có gì có thể chính xác hơn thế!

Có một vài vị dân biểu quốc hội tham gia cùng với người trẻ và sau khóa tu họ đến gặp tôi và đề nghị chúng tôi tiếp tục tổ chức những khóa tu tương tự ở các khu vực bầu cử của họ và trên tất cả các tỉnh còn lại của Bhutan. Vị Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục đã tham dự ngày cuối cùng và mời cả đoàn chúng tôi dùng bữa tối thân mật để chia sẻ về Chánh niệm ứng dụng trong trường học.

Tất cả các thiền sinh đều cảm thấy rất thích thú với khóa tu Chánh niệm được tổ chức bởi quý thầy, quý sư cô Làng Mai. Các bạn trẻ đều cảm nhận rằng dòng tâm linh đang thấm nhuần trong đất nước Bhutan có tác động rất lớn đến giới trẻ và mặc dù giới trẻ bây giờ chịu ảnh hưởng nhiều hơn so với các thế hệ trước bởi lối sống hiện đại qua màn ảnh tivi hoặc internet và các phương tiện truyền thông khác thì sức ảnh hưởng đó cũng không đáng kể và họ vẫn có thể dễ dàng tiếp xúc với những hạt giống đẹp và lành trong tự thân.

Dường như chánh niệm, thiền định và các giá trị đạo đức đều dễ hiểu và dễ tiếp nhận đối với giới trẻ Bhutan và họ cảm thấy hứng thú với những cách nhìn tích cực về cuộc sống. Bản tính hiền thiện vốn có nơi những người bạn trẻ này không bị che lấp nhiều bởi những thú vui tầm thường của cuộc sống. Một vài người trong số đó chia sẻ rằng khóa tu là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời của họ.

Các bạn trẻ vô cùng cảm động khi được xem phim về các hoạt động của nhóm Wake up. Họ nhận ra rằng những người trẻ ở Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới cũng đang thực tập Chánh niệm để có một cuộc sống lành mạnh, an bình và hạnh phúc.

Khi nhìn thấy những khuôn mặt rạng ngời của người trẻ tham gia khóa tu, chúng tôi cảm nhận rằng chánh niệm đích thực là suối nguồn của hạnh phúc! Thật tuyệt vời khi nhìn nhìn thấy những đôi mắt sáng long lanh, những nụ cười rạng rỡ và những khuôn mặt hạnh phúc. Cuối khóa tu, họ dường như không muốn về và bịn rịn không rời quý thầy, quý sư cô Làng Mai. Ấn tượng làm sao khi chứng kiến những giây phút đó! Dường như các bạn trẻ đã mong đợi khóa tu này từ rất lâu và trong lòng họ tràn ngập sự biết ơn và lòng nhiệt huyết.

Chúng tôi dự định sẽ thành lập một tăng thân trẻ nơi đây để họ có thể tiếp tục tu tập thường xuyên và chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ trở những sứ giả của trung tâm GNH khi mang chánh niệm về thực tập trong gia đình, trường học và xã hội.

 

Hoằng pháp ở Bhutan

 

Tháng chín vừa qua (2012), một số các vị Giáo Thọ của Làng Mai cùng với một số Phật tử trẻ trong phong trào Wake Up đã đến Bhutan để tổ chức những lớp tu học và huấn luyện cho giới giáo chức và sinh viên ở Vương Quốc này. Tại Bhutan hiện có một trung tâm nghiên cứu và thực tập những phương pháp tạo dựng hạnh phúc gọi là Center of Gross National Happiness (tổng chỉ số Hạnh Phúc Quốc Gia). Giáo sư Hà Vĩnh Thọ, một vị giáo thọ của truyền thống Làng Mai đã được chính quyền Bhutan mời đảm nhiệm chức vụ Giám Đốc Điều Hành trung tâm này. Hồi tháng tư năm nay, giáo sư Hà Vĩnh Thọ cũng đã đi tham dự buổi họp của Liên Hiệp Quốc tại New York, một buổi họp có chủ đích đưa vào việc thực thi nghị quyết số 65/309 về chủ đề hạnh phúc đã từng phê chuẩn trước đó. Thầy Nhất Hạnh hồi đó cũng đã được Thủ Tướng Bhutan, ngài Lyonpo Kinzang, trân trọng thỉnh mời tới tham dự buổi họp này, nhưng vì đang hướng dẫn các khóa tu ở Anh Quốc và Ái Nhĩ Lan nên Thầy không thể nhận lời. Giáo Sư Hà Vĩnh Thọ Giáo cũng đã chuyển tới Quốc Vương Jigma Khesar Namguyel WangChuck và Thủ Tướng Lyonpo Kinzang mỗi vị một tác phẩm Phật học của Thầy viết, và các vị cũng đã viết thư cám ơn Thầy.

Thành phần những vị trong chuyến đi hoằng pháp tại Bhutan này gồm có các thầy Pháp Dung, Pháp Siêu, Bảo Tích, các sư Cô Đẳng Nghiêm, Mai Nghiêm, Hội Nghiêm, Đàn Nghiêm và các vị cư sĩ trẻ Thúy Hân, Huyền Chi, Miranda và Robert.

Lễ khai mạc và bế mạc của các khoá huấn luyện đã được tổ chức với sự có mặt của một vị công chúa của gia đình hoàng gia, ông bộ trưởng bộ giáo dục, ông bộ trưởng nhân sự cùng nhiều vị bộ trưởng khác và rất nhiều các vị dân biểu quốc hội. Mỗi ngày đều có khoảng 150 người (thiền sinh) tham dự, trong đó có các giáo chức đại học trẻ, sinh viên, học sinh và cả những người thất nghiệp, những người nghiện ma túy và cả những cô vũ nữ và những người bị bệnh sida.

 

Thầy Pháp Dung tặng Thư Pháp cho Công chúa Kesang Choden Wangchuck

Có những vị dân biểu ở lại tham dự suốt ngày và đã đặt câu hỏi: làm thế nào để có thể tổ chức những khoá tu tập như thế này trong cả các tỉnh của Vương Quốc? Báo chí, truyền thanh và truyền hình nói tới rất nhiều về những khóa tu tập này. Giới thanh niên tới tham dự cảm thấy rất nhiều thích thú và bồng bột. Có người nói: “ Đây là ngày đẹp nhất trong cuộc đời tôi, từ trước đến giờ.”. Có người nói: “ Chưa bao giờ tôi cảm thấy được cái niềm bình an mà tôi có được hôm nay!” . Người khác: “ Phải đem những pháp môn này vào dạy trong tất cả các trường học.”

Chủ đề và nội dung các khóa tu tập mà tăng thân Làng Mai đưa ra tại Vương Quốc này là đạo đức học ứng dụng. Vào những ngày chót của các khóa huấn luyện, có nhiều bậc phụ huynh đã nói với các thầy và các sư cô rằng chính con cái họ ép họ phải tới tham dự cho biết. Khi được các thầy hỏi: những vị nào muốn được tiếp tục học hỏi và thực tập theo pháp môn này, thì tất cả đều đưa tay lên, không sót một người. Một đơn vị Wake Up đã được thành lập ngay tại chỗ để cung cấp sự thực tập đều đều cho giới trẻ mỗi buổi chiều. Giáo sư Hà Vĩnh Thọ, giám đốc trung tâm GNH (Gross National Happiness (Tổng chỉ số Hạnh Phúc Quốc Gia)) đã quyết định tổ chức những lớp huấn luyện cán bộ để lần lượt cung cấp sự thực tập này trong phạm vi học đường, gia đình và cộng đồng. Tiến Sĩ Saamdu Chetri  giám đốc của trung tâm đã quyết định sang năm, khi Thầy và phái đoàn về Thái Lan giảng dạy, ông sẽ đến để có cơ hội gặp gỡ và học hỏi với Thầy. Phái đoàn đã hoàn tất chuyến hoằng pháp tại Bhutan và hiện đang tiếp tục công trình giảng dạy tại Ấn Độ. Ở đây có trên 1000 giáo chức toàn quốc đã ghi tên tham dự khóa huấn luyện về đạo đức học Ứng Dụng.

 

Bhutan là một vương quốc thật đặc biệt. Dân chúng không sát sanh, không giết gà, heo, bò, hay câu cá để ăn thịt. Trong nước không có trộm cướp và bạo động. Đi ra khỏi nhà không cần khóa cửa. Rau trái thì được trồng 100% theo lối hữu cơ. Cần làm nhà ở thì vật liệu cất nhà đều do chính quyền cung cấp. Khám bệnh, chữa bệnh, thuốc men đều miễn phí. Đi học cũng miễn phí. Tại các miền núi xa xôi, nơi không có điện thì dân chúng được cấp phát những thiết bị để thu lấy năng lượng mặt trời mà sử dụng. Số lượng du khách được hạn chế triệt để để bảo tồn môi trường và phong hóa. Mỗi du khách đến Bhutan phải trả tới 200 đô mỹ kim một ngày, năm 2009, chỉ có 25480 du khách. Quốc Vương Jigma Khesar mới được truyền ngôi năm 2008, nhưng đã ban hành chế độ dân chủ lập hiến, và làm việc tận tụy ngày đêm để phục vụ cho dân. Có khi vua phải đi bộ cả trăm cây số đường núi để thăm viếng và ủy lạo những gia đình đang gặp khó khăn. Vua thương dân cũng như thương con, đúng theo mô thức của một vị Vua hiền ngày trước, biết sống đơn giản và làm việc tận tụy. Do đó, Vua cũng được dân chúng trong nước thương yêu hết mực.

 

Cụm từ Gross National Happiness đã được đức vua thứ tư của vương quốc Bhutan đưa ra tại đại hội đồng Liên Hiệp Quốc từ năm 1970 để so sánh với cụm từ thường dùng Gross National Product- nặng tính kinh tế mà nhẹ tính hạnh phúc.

 

Sau đây là một ít hình ảnh do phái đoàn gửi về từ thủ đô Thimpu.

Công chúa Kesang Choden Wangchuck nhận sách  của Thầy

Ngồi thiền cùng Tăng thân

Thở vào tôi biết tôi đang thở vào – Thở ra tôi biết tôi đang thở ra

Chánh niệm là suối nguồn của hạnh phúc>>

Thiên đường tuổi thơ

 

Lang đã về Làng Mai hai hôm rồi. Làng Mai mùa này tươi đẹp quá! Cây xanh, lá xanh và hoa thắm. Hoa cúc dại (daisy) nở khắp cả núi đồi. Mình mới đi xa có ba năm, mà Xóm Thượng có thật nhiều thay đổi. Nó đẹp hơn xưa. Xóm thượng có thêm một hồ sen lớn, thiền đường Nước Tĩnh vừa tu sửa lại lớn hơn, ấm cúng hơn. Xóm Thượng lại có thêm nhiều vườn hoa hồng và những con đường mòn uốn lượn quanh co. Phong cảnh thật là dễ thương! Lang cảm thấy hạnh phúc được trở về quê củ. Nơi đây là thiên đường tuổi thơ của Lang.

Sư Ông và đại chúng đang ở Đức. Mọi người muốn Lang bay thẳng qua Đức để thăm Sư Ông và tăng thân, nhưng Lang ưa về Làng Mai, vì nó có nhiều kỷ niệm đẹp đối với Lang. Từ từ, Lang sẽ gặp Sư Ông và mọi người sau.

Hiện giờ, Làng Mai có rất ít người, cho nên Lang cảm thấy thích cái không khí yên tĩnh, vắng người. Cây Linh Đan đang nở hoa thơm ngát. Chiều qua là ngày đầu tiên, Lang trở lại Làng sau nhiều năm đi xa. Việc đầu tiên là Lang đến ngồi trên chiếc đu treo ở dưới cây Linh Đan để đong đưa như hai mươi năm trước sư chú Thạch Lang đã từng đong đưa trong gió giữa ánh nắng ban mai trên chiếc đu ấy. Hoa Ty Dơn thơm ngào ngạt quyến rủ rất nhiều con ong, con bướm đủ các màu sắc bay về vui chơi, reo cười, đùa giởn tạo thành một khúc ca hòa tấu hùng vĩ.

–         Chào các bạn ong và các bạn bướm. Các bạn tấu khúc sao mà hào hùng thế! Cám ơn các bạn!

Lang đã tìm thấy thiên đường tuổi thơ. Ở đây, cái gì cũng mang đầy kỷ niệm đẹp của thời làm Sa Di. Đi tới đâu, Lang cũng cảm thấy yêu thương nơi ấy nghê! Lang thương từng ngọn lá, từng cành cây, từng tảng đá…

Bạn trẻ thân mến! Thế nào trong đời bạn cũng có một thiên đường như thế. Nó có thể là quê hương của bạn, con sông, bãi cát, đồi dương… Cõi bình minh hồn nhiên và thiên đường vô tư ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tâm hồn của bạn. Nó vẫn sáng ngời nơi trái tim mỗi người. Nó là thiên đường, là cánh đồng tâm linh có hoa lá xanh tươi, chim ca thông hát, có mây trắng trời xanh, vùng kỷ niệm tuổi thơ, và nó vắng bóng của suy tư, lo lắng, mơ tưởng hảo huyền. Nó vắng các chất liệu đam mê, vướng mắc và ham muốn. Bạn có muốn trở về cõi thiên đường ấy không? Nếu muốn, bạn thử thở vài hơi thở cho tâm hồn an ổn, mở rộng tấm lòng ra, không suy tư, không tính toán, không mong cầu gì cả. Bạn chỉ có mặt trong hiện tại. Hãy để tâm hồn các bạn cảm nhận sự sống, tiếp xúc với sự sống thì thế nào thiên đường sẽ hiển lộ.

Hôm nay rảnh rổi, Lang muốn chia sẻ một vài thực tập với bạn. Mình chia sẻ kinh nghiệm của chính mình, mà đồng thời, nó cũng là kinh nghiệm của bao nhiêu bạn trẻ khác, bởi thế mình dùng chữ “chúng mình” để nói lên một tâm sự chung.

Bạn có biết hay không? Chúng mình là những đứa con thất lạc (the lost children) của mẹ đất. Hằng ngày, chúng mình đi mà tâm hồn cứ bay bỗng vào hư không. Chúng mình dễ đánh mất trong lo âu, suy nghĩ, tính toán hoặc vướng mắc vào khổ đau, buồn tủi. Chúng mình thường đi bằng cái đầu, mà không đi bằng đôi chân. Do thế, chúng mình bị thất lạc (We are lost). Tâm hồn cứ trôi dạt lênh đênh trong nhiều đối tượng. Từ đó, chúng mình luôn có cảm giác bơ vơ, cô đơn, thiếu thốn và lạc loài. Bởi vì thất lạc, chúng mình không trở về được với chính mình và không cảm nhận, cảm giác được năng lượng bình an của đất mẹ, không nghe được tiếng gọi thiết tha của đất mẹ: “Về đi con, về với mẹ, về với con, về với sự sống.”  Đi mà lưu lạc, lưu vong như thế thì ngồi, ăn, uống, nói, cười và sống cũng thất lạc, lưu vong mà thôi, tức là tâm hồn bị thất lạc (lost), tâm hồn bị phóng thể (alienate). Chúng mình trở thành con ngợm ngợm (a zombie), thành người hành tinh (alien) trên trái đất thân yêu này. Sự sống của chúng mình không có trọn vẹn thật sự mà cứ mờ mờ, ảo ảo. Thân thể ở đây mà tâm hồn đã lưu lạc ở nơi khác, cho nên chúng mình ăn không biết ngon, uống không biết ngọt, đi trong căng thẳng, sống trong lo âu, ngồi trong bất an, ngủ trong ác mộng. ..

Những bài thơ dưới đây có thể nói lên một phần nào tâm trạng của chúng mình.

 

Quê nhà xa lắc xa lơ đó,

Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.

Tâm giao mấy độ kẻ thì phương Bắc,

Ly tán vì cơn gió bụi này.

Ngươi ơi buồn lắm mà không khóc,…

…Ngày mai ra sao rồi sẽ hay.

Ngày mai- có nghĩa gì đâu nhỉ?..

…Ta đi nhưng biết về đâu chứ?

Đã dấy phong yên khắp bốn trời.

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ,

Uống say mà gọi thế nhân ơi!.. (Nguyễn Bính)

 

Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng

Mắt theo hình sắc, mũi theo hương

Lang thang làm kiếp phong trần mãi

Ngày hết quê xa vạn dặm trường. (Trần Thái Tông)

 

…Về đi lữ khách đường xa lắm

Cát bụi sầu thương đã vướng nhiều. (Vô Danh)

 

 

Bạn trẻ thân mến! Đôi khi, chúng mình không bị thất lạc, nhưng chúng mình lại đi vòng quanh, tức là tâm hồn cứ luẩn quẩn, loanh quanh trong cuộc sống. Chúng mình hết buồn chán đến cô đơn, hết nhớ nhung tới thương tiếc, hết vui tươi lại tủi hờn, hết thương rồi tới ghét. Chúng mình mở nhạc, xem phim, lên mạng, lên xe chạy, đi thẩn thờ, ngồi mơ mộng, mong cầu, mơ ước, tính toán, vui vui, buồn buồn…

 

Mời các bạn đọc bài thơ “đi vòng quanh” nhé.

 

“Này người đang đi vòng quanh

Hãy dừng lại

Anh đi như thế để làm gì?

Tôi không thể không đi

Và vì tôi không biết đi đâu

Nên tôi đi vòng quanh.

Này người đang đi vòng quanh

Anh hãy chấm dứt việc đi quanh.

Nhưng nếu tôi chấm dứt việc đi

Thì tôi cũng chấm dứt tôi.

Này người đang đi vòng quanh

Anh không phải là sự  đi quanh

Anh có thể đi

Nhưng không cần đi quanh.

Tôi có thể đi đâu?

Anh hãy đi tìm anh

Anh hãy đi tìm người thương.’’

 

Cái gì thúc đẩy chúng mình đi vòng quanh. Đó là tập khí lăng xăng, thói quen lật đật. Tập khí như con ngựa hoang; nó đưa chúng mình đi, và chúng mình không có chủ quyền một tí nào cả. Chúng mình ngoan ngoãn chạy theo con ngựa ấy. Nhớ lại câu chuyện rất vui về con ngựa mà Sư Ông thường hay kể. “Có một người cỡi ngựa thật nhanh. Con ngựa phi như bay. Và có một người khác đang đứng bên đường. Khi con ngựa phi ngang, người đứng bên đường hỏi: “Anh chạy đi đâu mà nhanh thế?” Nguời ngồi trên ngựa trả lời: “Tôi không biết! Anh hãy hỏi con ngựa.””

Đi vòng quanh là những suy nghĩ lung tung. Tâm suy tư không ngừng nghỉ này, Bụt gọi là con khỉ. Nó cứ chuyền cành suy tư này đến suy tư nọ. Nó băn từ cánh rừng này qua cánh rừng nọ.

Đi vòng quanh là những mảnh vụn của những cuộc tình vu vơ. Đó là một mối tình tan vỡ, một cơn bệnh tương tư để lại nhiều nỗi đau da diết trong trái tim.

Đi vòng quanh là những ước mơ không thật tế. Đó là những tâm hồn cô độc, không biết đi về đâu. Trịnh Công Sơn có câu hát hay:

 

“…Ngày xưa lận đận

Không biết về đâu

Về đâu cuối ngõ?

Về đâu cuối trời?…”

“Hãy cứ vui chơi cuộc đời,

Đừng cuồng điên mơ trăm năm sau…”

 

Chúng mình cứ lên đường đi tìm hạnh phúc. Chúng mình cứ phóng xe chạy như điên, vì không biết đi đâu. Chúng mình muốn đi trốn khổ đau, sợ trống vắng, sợ yên tĩnh. Chúng mình gọi điện thoại liên tục, nói chuyện huyên thuyên, không dừng lại được, bởi vì chúng mình cảm thấy cô đơn. Có khi không biết làm gì, chúng mình đi tìm những trò giải trí (entertainment) như âm nhạc, lên mạng, xem phim… Càng đi tìm hạnh phúc ở cuối ngõ, cuối trời, chúng mình càng cảm thấy mệt nhoài, chán nản, nhất là khí hậu nóng nảy, đường xá buị bặm, xe cộ đông ngịt ở các thành phố.

Bạn trẻ thân mến! Chúng mình nên dừng lại sự đi vòng quanh. Hãy đi tìm chính mình, hãy trở về tiếp xúc với đất mẹ. Chúng mình phải đi con đường thực tế, mà đừng mơ tưởng tới việc giải thoát, giác ngộ xa vời đâu đâu. Trong khi đó, tâm tư cứ bay bỗng trong hư không của mơ ước, tư duy, lo lắng. Không ai đem lại hạnh phúc cho mình. Không ai cho mình nụ cười. Không ai có thể thương yêu mình. Không ai cho mình bình yên. Chúng mình phải trở về để sống hạnh phúc, nở được nụ cười mà thương yêu chính mình ngay bây giờ và ở đây. Giây phút này là hạnh phúc. Ngay đây là quê hương. Mẹ đất là nơi trở về của đứa con lưu lạc.

Con đường trở về ấy là mỗi bước chân. Bước chân, à sao quen quá, thế nhưng chúng mình vẫn cứ bỏ quên nó để tâm ý trôi bềnh bồng như mây trôi bèo dạt. Chúng mình để ý tới từng bước chân như lần đầu tiên được mẹ tập cho chúng mình đi. Bước chân ấy sao mà đầy cẩn trọng, nhiều chú tâm đến thế.  Hãy đi bằng hai bàn chân, chú ý tới sự xúc chạm giữa lòng bàn chân và mặt đất. Hồi ở chùa Đình Quán, Lang đã đi chân không cùng với các bạn Thảo, Thoa, Hoàng, Linh…. để trở về tiếp xúc với đất mẹ. Nhờ đi chân không nên cái cảm giác mát mẻ, yêu thương, tươi tỉnh của đất mẹ hiện về rất rõ trong hai bàn chân. Nắng mai hãy thử đi bằng hai bàn chân không để xem như thế nào.

Con đường trở về ấy là hơi thở. Hơi thở, ôi biết rồi, thế nhưng chúng mình vẫn thường quên để ý tới nó để cho tập khí lôi đi như con trâu kéo cái cầy. Chúng mình là cái cầy. Tập khí là con trâu. Chúng mình không muốn đi, muốn nghỉ ngơi, muốn ở yên, thế mà con trâu cứ lôi chúng mình đi. Nó bảo mở nhạc thì chúng mình phải bấm nút “play”. Nó bảo lên mạng thì chúng mình ngoan ngoãn nghe theo nó… Thật là tội nghiệp. Vì thế, đi đâu chúng mình cũng nhớ tới hơi thở. Hơi thở là dụng cụ trở về với sự sống dễ dàng nhất. Bởi vì, khi chú ý tới hơi thở, chúng mình làm ngưng lại những hoạt động khác của thân thể và tâm ý. Bao nhiêu suy nghĩ đều dừng lại, bao nhiêu lo âu đều tan biến… Bí quyết là chú ý ở bụng nơi huyệt đan điền. Nơi ấy xa lìa trung khu thần kinh, cho nên chúng mình thoát khỏi sự căng thẳng, sự kích thích của suy tính, lo âu, cảm xúc.

Con đường trở về ấy là cái cảm giác từ con tim, từ tâm hồn trong sáng. Chúng mình hãy dùng cái tâm hồn nhiên để sống. Tiếp xúc với sự sống bằng sự nhạy cảm, cái sắc bén với chút kinh ngạc, ngỡ ngàng giống như lần đầu tiên mới biết yêu thương. Cái nhìn sao trong sáng, mới mẻ mà ngây thơ. Ồ! Bông hoa đẹp lạ quá! Cảnh hoàng hôn này sao mà rực rỡ…

Con đường trở về ấy là thái độ (attitude) sống đối với chính mình và cuộc đời. Thái độ tiêu cực sẽ làm cho chúng mình đau khổ, chán nản. Thái độ tích cực làm cho chúng mình hạnh phúc, yêu đời. Thái độ cởi mở, tha thứ, hòa nhã, nhẹ nhàng, thương yêu sẽ làm cho chúng mình hạnh phúc. Ồ! Chị ấy dễ thương quá! Sao em vô tư trong sáng ghê! Sự sống đẹp quá. Cuộc đời yêu thương kỳ lạ… Ngược lại, thái độ cố chấp, hẹp hòi, bất hòa, nặng nề, thù ghét sẽ làm cho chúng mình đau khổ. Đời chán quá! Không có gì vui cả…

Con đường trở về ấy là bản tâm tự nhiên (natural mind). Cái tâm này là tâm không phán xét, không phân biệt, không chê trách, không suy tính. Nhìn cái gì, nhìn người nào, nó cũng vô tư dễ đưa tới sự thông cảm, nhẹ nhàng. Nghe lời nói mà nó không có chút xíu gì lên án hay trách móc. Cái tâm này bao la rộng lớn như không gian vô tận. Nó độ lượng như đất mẹ thân yêu có thể chấp nhận mọi thứ rác rến mà con người đổ vào.

Chúng mình hãy đi tìm chính mình, mà đừng mong chờ một hình bóng nào khác, dù người ấy là Bụt, là Thầy… Tình thương có sẵn trong trái tim của mỗi người. Hãy nghe lời anh Sơn: “Trái tim cho ta nơi về nương náu”, bởi vì trong trái tim ấy có tình thương. Hãy thức dậy đi (wake up), thì thế nào chúng mình cũng nắm trọn sự sống, tiếp xúc được với sự sống, mà sự sống có đầy ắp thương yêu và hạnh phúc. Bông hoa đang thương chúng mình bằng sự tươi đẹp của nó, không khí đang thương chúng mình từ nơi những hạt dưỡng khí trong lành, dòng sông đang thương chúng mình trong từng ly nước ngọt ngào, mặt trời đang thương chúng mình trong hương thơm, vị ngọt của thức ăn…. Chúng mình đâu có thiếu tình thương mà đi tìm. Càng đi tìm, càng dễ thất vọng, bởi vì lo đi tìm ngược xuôi cho nên chúng mình đánh mất sự sống, mà tình thương là sự sống.

Sống dậy trong từng giây phút, chúng mình chắc chắn sẽ nếm được vị ngọt ngào của yêu thương. Vì thế, hai câu cuối của bài thơ là: “Anh hãy đi tìm anh, anh hãy đi tìm người thương”. Nắng mai cũng là người thương, gió mát cũng là người thương, bông hoa cũng là người thương…  Người thương có mặt cùng khắp. Có tình thương trong lòng, chúng mình hết lưu vong.

Chúc bạn thành công trong cuộc trở về tìm lại chính mình.

Tình anh chị em, khát vọng và lẽ sống

BBT chia sẻ: Tháng tám vừa qua, một nhóm các bạn trẻ Tây phương đã thực hiện một chuyến đi về Việt Nam với ước nguyện thiệt dễ thương: "nối kết tình anh em trong đại gia đình Wake up". Chuyến đi thực tế này đã mang lại nhiều lợi lạc cho tất cả mọi người. Đã có rất nhiều bài viết ghi chép lại hạnh phúc cùng những khám phá mới mẻ của các bạn được đăng trên Wake up Vietnam. BBT xin gởi đến các bạn của trang nhà một bài chia sẻ nho nhỏ nhưng rất đỗi chân thành của Bart Bannink – một gương mặt trẻ, năng nổ và đầy thao thức trong đại gia đình Wake up Châu Âu.

 

 

Chuyến đi Việt Nam lần này đã mang lại cho tôi những khoảnh khắc thật tuyệt diệu. Đặc biệt nhất có lẽ là cảm giác lúc nào cũng được sống như trong một đại gia đình. Tây và Đông đã hòa nhập như chưa bao giờ chia tách.

Từ Sài Gòn cho đến Đà Lạt, Huế, Hà Nội, bất cứ nơi đâu tôi luôn có cảm tưởng rằng mình không xa cách với quê hương. Những cảm tình của tăng thân, tình anh chị em khiến cho tôi thật sự xúc động. Khi được đi cùng với các cô chú Tiếp Hiện, tôi thấy lòng bình an, êm ấm và không còn chút bất tiện hay khó xử nào. Cách đề cập vấn đề của chú S. rất thuyết phục và khuôn mặt chú lúc nào cũng thật rạng ngời. Nhờ có sự hỗ trợ của chú S. tôi chẳng cần thêm gì nữa để nhận ra có một mối liên hệ gần gũi giữa tôi với mảnh đất dấu yêu này. Được học hỏi trực tiếp từ tăng thân Tiếp Hiện quả là một kinh nghiệm quý báu. Tôi luôn cảm thấy được cảm thông, chấp nhận và vì vậy tôi lại càng kính trọng các cô chú nhiều hơn. Những hạt giống lành thiện trong tôi được tưới tẩm rất nhiều và hình ảnh của cô chú đã khiến tôi phải nhìn lại những khát vọng và mục đích sống thật sự của mình.

Các cô chú là học trò của Sư Ông, đã đi theo công tác thiện nguyện Hiểu và Thương trong suốt hơn 40 năm và cho đến hôm nay mọi người vẫn luôn tươi trẻ (ý tôi là về mặt tinh thần). Tôi biết rằng đoạn đường đã qua không phải chỉ rải đầy hoa cỏ nhưng sau bao nhiêu dâu bể trong trái tim họ vẫn luôn ngập tràn tình thương và khát vọng. Lời thề nguyện năm xưa vẫn còn đó. Đôi mắt họ vẫn sáng trong. Thật may mắn khi ở Huế hay Sài Gòn, anh em chúng tôi đều có dịp gặp gỡ các cô chú, cùng nói chuyện với nhau, cùng đi với nhau và thực tập cùng nhau.

Khi hỏi điều gì đã thúc đẩy và nuôi dưỡng cho các cô chú trong suốt một thời gian dài như vậy thì tôi luôn nhận được một câu trả lời tương tự. Tất cả đều chia sẻ rằng Tăng Thân chính là điều quý báu nhất. Và cách hay nhất là chúng ta phải tìm được một công việc vừa đủ để sống và đồng thời vẫn có thời gian để dựng xây Tăng thân. Những cảm tình khi làm việc với nhau như một gia đình sẽ khiến cho chúng ta đủ sức đi tới. Các cô chú có nói thêm rằng điều cần làm đầu tiên là chúng ta phải hiểu rõ bản chất của những khổ đau bên trong ta thì ta mới có khả năng thấu hiểu những khổ đau của người khác. Khi sự hiểu biết có mặt thì tình thương trong ta sẽ phát sinh và lớn mạnh. Năng lượng của tình thương sẽ giúp ta bước tới đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho hạnh nguyện của ta. Và để hiểu được khổ đau của bản thân, chúng ta cần phải chế tác được năng lượng chánh niệm. Để có được chánh niệm, chúng ta cần phải tới với Tăng Thân, phải dựng xây Tăng thân và tìm ra cho mình một nghề nghiệp chân chính (Chánh Mạng).

Chánh Niệm – Tăng Thân – Chánh Mạng như ba điểm trong một vòng tròn. Mỗi yếu tố sẽ bổ sung cho nhau, nuôi dưỡng nhau, tiếp sức cho nhau.

Các cô chú tuy có gia đình riêng nhưng không vì thế mà bỏ quên những công tác của mình. Và một điều quan trọng là những người thương của các cô chú cũng có chung một hạnh nguyện, luôn luôn yểm trợ, nâng đỡ nhau.

Trong các cô, các chú, có nhiều người đã trên 70 tuổi mà ngày qua tháng lại vẫn lái những chiếc xe máy để có thể tiếp tế thực phẩm, tiền bạc… cho những nhà trẻ Tình Thương. Những câu chuyện như vậy đã khiến tôi vô cùng cảm động. Điều này làm tôi liên tưởng đến hình ảnh của những vị lớn tuổi ở phương Tây. Khi trên độ tuổi 65, hầu hết mọi người đều không còn làm việc. Đó là một giai đoạn chuyển biến và cảm giác thật không dễ dàng chút nào. Giờ đây tôi đã thật sự thấu hiểu: Việc hiểu rõ mục đích thật sự trong cuộc đời – điều có thể khiến bạn bật dậy khỏi giường, bước ra khỏi nhà với năng lượng đầy tràn – chính là nhu yếu lớn nhất.

Tôi đã đi thăm những trung tâm dành cho người khuyết tật. Tôi đã thấy họ vẽ, họ may, họ làm nghề mộc… Họ tuy là khuyết tật về mặt thân xác nhưng tâm hồn họ vẫn còn nguyên vẹn một niềm tin. Họ vẫn còn mục đích để sống và cống hiến cho cuộc đời…Tôi hiểu ra rằng dù ở bất cứ trong một độ tuổi hay hoàn cảnh nào, không ai trong chúng ta muốn từ bỏ mục đích sống của mình.

Có biết bao nhiêu người ở Tây Phương giờ đây đang khổ đau vì những chứng bệnh về tinh thần (chẳng hạn như trầm cảm). Họ đến sở làm chỉ để kiếm tiền và rồi mắc kẹt trong chính những công việc đó. Họ không thích nhưng họ không thể nào thoát khỏi tình trạng như vậy. Rất có thể còn nhiều lý do đằng sau hiện tượng này. Tôi đã dừng lại mọi công việc của mình và quyết tâm dành một thời gian để quán chiếu, chiêm nghiệm về điều mà tôi thật sự muốn trong cuộc đời mình là gì?

Chuyến đi về Việt Nam đã tưới tẩm nhiều hạt giống lành thiện trong tôi. Đồng thời khi trải nghiệm trực tiếp niềm sướng vui, cảm giác thỏa nguyện khi ta sống một cuộc đời phụng sự thì những hạnh nguyện trong tôi càng trở nên mạnh mẽ hơn nữa. Bây giờ đây tôi không còn muốn đặt danh vọng, tiền tài hay bất cứ điều gì lên trên lý tưởng phụng sự nữa. Vì vậy cho nên, thay vì đem sự thực tập đạo Bụt ứng dụng vào đời sống mình và chờ trông những hoa trái giờ đây tôi lại muốn đem chính đời sống mình vào sự thực tập, tôi muốn hướng thượng đời mình theo lý tưởng phụng sự. Tôi nghĩ là làm như vậy thì những hoa trái của sự tu học sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để biểu hiện.

 

Quán chiếu về Chánh Mạng, hiểu sâu những hạt giống tốt khi ta sống theo Chánh Mạng sẽ làm ta có thêm lòng dũng cảm. Càng hiểu về lý tưởng của mình bao nhiêu thì ta lại càng có dũng khí dấn bước trên con đường của ta bấy nhiêu.

Tôi muốn đi mãi trên con đường này. Tôi muốn mở thêm rộng lớn con đường này. Còn bạn, bạn thì sao?

 

Anh ngữ: Bart Bannink

chuyển ngữ:Dạ Lai Hương.

nguồn: http://wkupvn.wordpress.com/2011/08/

Lá lành đùm lá rách

 

Nhìn nước ngập cả con đường, tràn cả bờ đê, nước dâng lên chiếm hết cả căn nhà hay nửa căn nhà, lòng con lại cảm thấy bồi hồi nhớ những trận lũ lụt ở quê nhà. Con nhớ đến cảnh nhà con bị lụt, nước dâng lên nhanh quá mà ba con lại không ở nhà. Con và em trai con thì còn quá nhỏ, chẳng biết giúp gì cho mẹ. Mẹ con phải tự sắp xếp mọi thứ. Trời về khuya lạnh lắm, không biết ba mẹ con ngồi trên sập bao lâu. Con chỉ nhớ là lâu lắm mà ba con vẫn chưa về, nước thì cứ dâng hoài. Hết nước uống, mẹ con phải mớm nước miếng cho hai chị em đỡ khát. Mẹ con bơi ra ngoài hiên hứng nước mưa để uống, nước thì chảy rất xiết.

Gia đình con chỉ là một chút xíu trong cả trăm ngôi nhà còn khổ hơn vậy. Con không còn thích lũ lụt nữa kể từ khi con ý thức được những cảnh thương tâm do lũ lụt gây ra.

 

Tiền trạm ngày lũ

Ngày 23-11, chúng con đi tiền trạm trước khi mời Đại chúng tham dự vào chương trình này. Chúng con được các bạn Volunteer dẫn đến hai địa điểm, có khoảng 300 người dân sinh sống ở khu vực này. Chúng con đi trên cây cầu gỗ được đóng bằng tay bắt từ ngoài đường lớn đi vào đây. Người dân ở khu vực này phải sống chung với mùi hôi nước thải rò rỉ từ nhà vệ sinh, rác vệ sinh lâu ngày không được xử lý chất thành chồng cao và luôn luôn bốc mùi. Chúng con không dám tỏ ra khó chịu với mùi hôi này vì rất thương cho họ khi phải hít thở với bầu không khí này.

 

Tiếp tục hành trình, chúng con đi xuồng đến khu vực Chợ Nổi. Xuồng đi chậm đủ cho chúng con ghi nhận những cảnh sống trên nước, sống trên thuyền và ở dưới gầm cầu. Có gia đình ngủ trên mái tôn có táng cây che chở. Lại có gia đình đóng những tấm gỗ lại với nhau nửa sống dưới thuyền nửa sống trên cây. Chúng con cũng có gặp gỡ những người có trách nhiệm trong khu vực đó. Nghe họ chia sẻ về hoàn cảnh trong khu vực này và những điểm mình có thể giúp họ như thực phẩm, thuốc men hay tinh thần…

Chúng con đã ngồi chơi, tâm sự hai tiếng trên nước rất vui và hào hứng. Chúng con về đến Pakchong lúc 20h30 pm, mệt nhưng “khoam sục mát mát”- rất hạnh phúc.

 

 

Gieo hạt từ bi

Ngày 25-11, 15 thầy và 15 sư cô cùng một vài bạn volunteer rời Pakchong lúc 4h sáng, đi gieo hạt từ bi! Chúng con chia ra ba nhóm, nhóm thì đi bệnh viện giúp chế thuốc chống mũi gắn vào những lọ thủy tinh nhỏ. Nhóm đi chợ mua thực phẩm, nhóm còn lại ở nhà làm áo phao với những chai nước uống rất vui mắt. Chúng con chuẩn bị cho 500 phần quà/mỗi người. Gồm có gạo, dầu ăn, nước tương, xà phòng, bao nilong đựng rác, thuốc xịt mũi. Có những gia đình không có bếp nấu ăn thì chúng con tặng cho mỗi gia đình thêm một bếp ga mini. Chúng con có đem từ Pakchong lên những viên lọc nước, tiếng thái gọi là “lúc bôn”, thành phần gồm đất mùn, trấu, phân bò và đường. Nó có tác dụng lọc những vi khuẩn trong nước rất hiệu quả. Chiều cùng ngày, chúng con đến khu vực “Shoom Shon Lãng wat wi sít” (Khết Ta Lìng Shan) BKK. Có 23 gia đình (60 người) cần sự giúp đỡ, chúng con đã nấu ăn và tặng 60 phần quà ở đây.

 

 

Hôm sau, 26-11 chúng con dậy sớm ngồi thiền chung với các bạn volunteer và chủ nhà (cũng là volunteer) ăn sáng và chuẩn bị đi tiếp đến một địa điểm khác xa hơn, đi xe ô tô nửa tiếng, đi xuồng thêm nửa tiếng nữa. Ở đó gọi là “Wat lãng bang” (Amphur Bang Yai) Nontaburi, có rất nhiều chùa ở đây, ngôi chùa chúng con đến là ngôi chùa thứ năm. Có 80 người sống tập trung trong chùa. Khu vực này có khoảng 400 người đang cư trú. Nước ở đây rất sâu. Nó vốn dĩ là một con sông nhưng bây giờ nước tràn về thành dòng lớn, mênh mông nước, cây cối thì từ từ chết do nước ngập lâu ngày. Có rất nhiều con nít và em bé ở đây. Bác lái xuồng nói rằng mấy ngày trước có thấy cá sấu bị xổng chuồng bơi trong khu vực này. Chúng con cũng ham thích thấy cá sấu nhưng nghĩ thì cũng run. Chúng con nấu ăn và tặng 440 phần quà/ mỗi người. Ăn trưa xong, chúng con cùng những người dân ở đó ngồi chơi, hát cho nhau nghe, chia sẻ và chụp hình với nhau. Con có cảm giác như chúng con đang đi gieo hạt cho Vườn ươm! Người dân Thái và dân Việt đã hòa quyện vào nhau. Tuy chúng con chỉ biết bập bẹ vài chữ tiếng Thái, có khi cũng chẳng hiểu là đang nói gì nhưng hát với nhau, cười cùng nhau cũng thấy vui rồi.

 

Ngày 27-11, “cặp ban”

Sáng nay, anh chị em chúng con thức dậy sớm cùng thiền đi với các bạn volunteer trong không khí một gia đình. Tiếp xúc với khổ đau bên ngoài, con thấy những khổ đau bên trong con rất bé nhỏ. Con nói đùa với các chị em rằng không biết mình cứu trợ họ hay họ cứu trợ mình đây! Sự tương tức Thầy dạy hoài mà lúc nào chạm đến cứ y như rằng mới tinh. Nhà vệ sinh, phòng ngủ, bãi cỏ, thức ăn, nước uống… cái gì con cũng thấy cần tri ân và có mặt đích thực với sự sống.

 

Chúng con kính cám ơn tấm lòng lân mẫn từ Sư Ông và Sư Cô đã thương và yểm trợ tiền cho chúng con đi giúp người. Cám ơn tấm lòng của những Mạnh Thường Quân ở khắp nơi đã giúp đỡ “Lá lành đùm lá rách. Lá rách đùm lá tả tơi.” Chúng  con cũng mong tiếp tục nhận được sự yểm trợ để có thể sẻ chia sự có mặt của mình với nhiều người ở nhiều nơi hơn.

Chúng con – Wake up group

Thailand – 28/11/2011

Từ Oxford đến Cambridge

 

Giao lưu với sinh viên các trường Đại Học Anh Quốc

Từ Imperial Colleege đến Đại học Luân Đôn (phần 1)

Từ Oxford đến Cambridge (phần 2)

thienhanhOxford.jpg


Đại học Oxford (từ ngày 13 – 14/3/2011)

Chia sẻ với những người bạn tại Hội Thân Hữu Hòa Giải Oxford (Oxford Fellowship of Reconciliation)

Tiến sĩ Millius Palayiwa, Giám đốc của Hội Thân Hữu Hòa Giải Oxford và các bạn thành viên chào đón quý thầy, quý sư cô Làng Mai rất nồng hậu. Họ vui mừng được gặp gỡ những đệ tử của Sư Ông Làng Mai, người mà họ đã từng gắn bó thân thiết, đồng thời họ muốn nghe quý thầy, quý sư cô chia sẻ về sự thực tập của mình trong đời sống hàng ngày. Thầy Pháp Uyển chia sẻ về những trải nghiệm và sự thực tập của mình khi tham gia vào quân đội Mỹ và phải chứng kiến bảy đồng đội của mình bị bắn  chết trong một trận đánh. Thầy Pháp Lai chia sẻ về cuộc sống trong Tăng thân. Thầy Pháp Lưu chia sẻ về những chuyển hóa của mình khi thực tập lắng nghe sâu. Sư cô Hiến Nghiêm chia sẻ về những gì mà mình đã làm để giúp quý thầy, quý sư cô ở Bát Nhã và những khó khăn mà Sư cô đã vượt qua với sự yểm trợ và tình thương yêu của Tăng thân. Cuối buổi chia sẻ, các bạn đã đặt rất nhiều câu hỏi cho quý thầy, quý sư cô về cuộc sống ở Làng Mai; làm cách nào để duy trì sự thực tập trong khi vẫn tham gia vào các công việc như giúp Bát Nhã; và làm sao để giúp trẻ em và thanh thiếu niên được bình an hơn trong thế giới ngày nay…

Trên trang web của Hội Thân Hữu Hòa Giải Oxford đã có lời nhận xét về buổi tối hôm đó như sau:

“Những đệ tử của Thầy Làng Mai đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình về nghệ thuật sống tỉnh thức của đạo Bụt. Họ cũng chia sẻ về việc xây dựng Tăng thân như một phương thức giúp thay đổi xã hội… Đối với phong trào hòa bình trên thế giới thì những khái niệm như Tăng thân (beloved community) hay một hướng đi tâm linh giúp nuôi dưỡng sự bình an trong chính mỗi người (inner peace) không còn là những điều mới mẽ. Điều đáng chú ý ở đây là làm sao tất cả những điều này cùng được thể hiện trong cuộc sống của những tu sĩ trẻ và trong lời dạy của vị Thầy nổi tiếng của họ. Thật thú vị và hứng khởi khi được biết về những người trẻ đã từ bỏ lối sống hưởng thụ cá nhân để theo đuổi con đường phụng sự và hành động, dựa trên nền tảng xây dựng Tăng thân và tu tập cùng nhau trên con đường tâm linh… Chuyến đi của nhóm Wake Up do quý thầy, quý sư cô Làng Mai tổ chức chính là lời kêu gọi hành động và thương yêu đối với tất cả những người trẻ trên đất nước chúng ta”.

 

Ngày tu tập chánh niệm tại Trường Mansfield, Đại học Oxford

dharmahallatOxford.jpgĐây là một ngày rất đặc biệt, vì Thầy Dhammasami, trụ trì của Oxford Vihara – một trung tâm tu tập theo truyền thống Theravada tại Oxford cùng một thầy phụ tá đã đến tham dự. Trong thời gian ở Oxford, Quý thầy, quý sư cô đã nghỉ tại Oxford Vihara và được thầy Dhammasami đón tiếp rất nồng hậu. Thầy Dhammasami là một trong những thành viên của Ủy ban đã mời Thầy Làng Mai tham dự Đại lễ Phật Đản Vesak tổ chức tại Thái Lan năm 2007. Thầy hiện là Giám đốc của Trung tâm thực tập chánh niệm của Oxford (Oxford Center for Mindfulness).

Buổi sáng hôm đó, quý thầy, quý sư cô đã cho pháp thoại về chủ đề Ngũ Lực (Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ). Thầy trụ trì Oxford Vihara cùng thầy phụ tá ngồi phía sau quý thầy, quý sư cô Làng Mai như những sư anh lớn đang có mặt để yểm trợ cho các sư em của mình.

Thầy Pháp Lưu mở đầu bài pháp thoại bằng phần chia sẻ về nguồn năng lượng thứ nhất, đó là Tín, niềm tin về phương pháp tu học có được dựa trên sự chứng nghiệm trực tiếp của chúng ta. Ta phải hỏi chính mình: phương pháp tu học này có mang lại hạnh phúc cho ta không? Có giúp cho ta tỉnh thức không? Tiếp sau Thầy Pháp Lưu, Sư cô Hành Nghiêm chia sẻ về nguồn năng lượng có được từ Chánh Tinh Tấn và phương pháp tưới tẩm những hạt giống tốt nơi ta và nơi người, hiến tặng sự có mặt đích thực cho những người xung quanh ta. Thầy Pháp Uyển chia sẻ về Niệm và về sự thực tập dừng lại, làm lắng dịu thân tâm, sử dụng thở ý thức để thực sự có mặt với những gì đang diễn ra trong ta và xung quanh ta. Thầy Pháp Linh chia sẻ về chánh định – nguồn năng lượng được sinh ra từ chánh niệm và sự khác biệt giữa chánh định và tà định (ví dụ như việc để hết tâm ý vào việc chơi game cả ngày lẫn đêm, quên ăn quên ngủ, đó là tà định, không phải là chánh định). Thầy cũng đồng thời chia sẻ về sự thực tập Vô nguyện, không mong cầu gì ở tương lai và sống trọn vẹn với những điều kiện hạnh phúc đã có đầy đủ trong phút giây hiện tại. Thầy Pháp Lai kết thúc bài pháp thoại với phần chia sẻ về hạnh phúc và tự do chân thực do tuệ giác mang lại; tuệ giác giúp chúng ta biết rõ điều gì nên làm và điều gì không nên làm để có được hạnh phúc và tự do.

Các bạn trẻ tham dự ngày tu tập chánh niệm cảm thấy rất xúc động khi được thực tập dừng lại, tận hưởng từng bước chân thảnh thơi và được ngồi ăn chậm rãi tận hưởng không khí tĩnh lặng và sự có mặt tươi mát của quý thầy, quý sư cô và những người bạn xung quanh. Các bạn còn được ngồi với nhau trong giờ pháp đàm để chia sẻ về những kinh nghiệm thực tập của mình, những khó khăn, lo lắng trong học hành, thi cử và tìm kiếm công việc trong tương lai…

Thầy trụ trì của Oxford Vihara và vị phụ tá đã tham dự tất cả các sinh hoạt của ngày quán niệm, ngay cả buổi ăn trưa quá ngọ lúc 1h chiều. Quý thầy cũng rất thích thực tập Thiền Buông Thư (quý thầy gọi đó là “Thiền ngủ”) và muốn áp dụng thiền buông thư vào trong chương trình cho trẻ em vào mùa hè tới.

 

Đại học Sussex, Brighton

sessexuBrighton.jpgRời Oxford, sau ba giờ đồng hồ trên tàu, quý thầy, quý sư cô Làng Mai đã có mặt tại Brighton và có một buổi tối gặp gỡ, chia sẻ với các bạn sinh viên trường đại học Sussex tại Trung tâm của Hội Quaker. Có 40 bạn trẻ tham dự, các bạn đều rất cởi mở và có tâm phụng sự, mong muốn đóng góp sức mình để thay đổi tình trạng thế giới hiện nay.

Sau khi cùng hát các bài thiền ca và thực tập thiền hướng dẫn, các bạn được nghe quý thầy, quý sư cô chia sẻ về chủ đề Tứ Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) – bốn yếu tố của tình thương chân thực. Quý thầy, quý sư cô đã chia sẻ với các bạn về cách thức chăm sóc thân tâm mình, chăm sóc những cảm xúc mạnh và khổ đau của mình; mình phải hiểu và thương mình trước khi có thể thương yêu và giúp đỡ một ai khác. Các bạn còn được thực tập thiền quýt cùng Thầy Lưu. Sau phần chia sẻ, quý thầy, quý sư cô dành thời gian để trả lời những câu hỏi của các bạn trẻ. Có nhiều câu hỏi được đặt ra như: tại Làng Mai, quý thầy, quý sư cô thực tập như thế nào để đối phó với cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu? Làm thế nào để có thể theo đuổi sự nghiệp của mình mà vẫn giữ được sự thực tập và có bình an trong tâm? Làm thế nào để phát khởi tình thương với những người đang gây tàn hại đối với thế giới? Làm sao để ta không đắm chìm trong khổ đau khi đối diện với những điều tồi tệ đang xảy ra trên thế giới? …

 

Đại học Cambridge

Thầy Pháp Linh và Sư cô Hiến Nghiêm từng là sinh viên của Đại học Cambridge. Lần này được về thăm trường cùng Tăng thân, Thầy Pháp Linh và Sư cô Hiến Nghiêm có cơ hội hiến tặng hoa trái tu học của mình để giúp các bạn sinh viên vượt qua những khó khăn và căng thẳng trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Tại Clare College thuộc đại học Cambridge, Quý thầy, quý sư cô Làng Mai đã có một buổi hội thảo với sinh viên. Buổi chiều hôm đó, quý thầy, quý sư cô cùng nhau cho pháp thoại dựa theo bài kệ:

ClareCollege.jpg

Đã về, đã tới

Bây giờ, ở đây

Vững chãi, thảnh thơi

Quay về, nương tựa.

Các bạn sinh viên đã được chia sẻ về sự thực tập trở về với hải đảo tự thân, trở về với ngôi nhà bên trong mình và làm sao để ngôi nhà đó luôn ấm áp, thân thương và trở thành một chỗ nương tựa mà ta luôn muốn trở về. Thầy Pháp Uyển chia sẻ với các bạn phương pháp thực tập lắng nghe chuông để trở về với chính mình (ở Cambridge các bạn có thể sử dụng tiếng chuông nhà thờ để thực tập mỗi ngày), và sử dụng hơi thở ý thức để chăm sóc những cảm xúc của mình. Khi đã trở về với chính mình, ta có thể nhìn rõ nguyên nhân của những ham muốn, thèm khát trong ta, và nhờ vậy ta mới có thể buông bỏ được chúng và thực sự có tự do. Thầy Pháp Linh chia sẻ thêm về những điều kiện hạnh phúc đã có đầy đủ trong ta và xung quanh ta; ta cần phải vượt thoát ý nghĩ “như vậy vẫn chưa đủ” và cần phải tìm kiếm thêm những điều kiện khác thì mới có thể hạnh phúc. Buổi hội thảo kết thúc với thiền buông thư do sư cô Hành Nghiêm hướng dẫn. Cuối buổi, các bạn sinh viên được tặng những tấm bưu thiếp với dòng chữ Đã về, Đã tới (I have arrived, I am home) do quý thầy, quý sư cô tự tay viết tặng.

Ra khỏi hội trường, các bạn còn được quý thầy, quý sư cô hướng dẫn đi thiền hành qua những con đường hai bên rực sắc vàng của hoa thủy tiên. Đến giờ chia tay, không ai chịu về hết, vậy là quý thầy, quý sư cô lại đứng hát cùng các bạn, nhưng rồi cũng không ai muốn về. Nhiều người đã đi theo quý thầy, quý sư cô sang trường Emmanuel để dự buổi giao lưu tối hôm đó.

 

Tại Emmanuel College (Sư cô Hiến Nghiêm từng là sinh viên của trường)

CambridgeUni.jpg

Buổi giao lưu với sinh viên của trường Emmanuel diễn ra với chủ đề “Những căng thẳng trong đời sống sinh viên và sự thực tập chánh niệm” (“Student Life, Stress and Mindfulness”). Sau phần thiền hướng dẫn, Thầy Pháp Linh đã chia sẻ về đời sống sinh viên trước đây của mình và Thầy đã thực tập như thế nào để ôm ấp những niềm đau, nỗi khổ và vượt qua cảm giác cô đơn trong lòng mình. Bằng cách tái lập truyền thông với gia đình, bạn bè và thầy cô giáo, Thầy đã tìm được nguồn hạnh phúc để nuôi dưỡng đời sống sinh viên của mình. Quan điểm về “tự lập” (independence) của Thầy đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Sư cô Hiến Nghiêm cũng chia sẻ kinh nghiệm vượt qua những căng thẳng trong trường học, rồi đến khi đi làm tại BBC và khi sống trong tu viện. Sư cô chia sẻ về sự thực tập hơi thở ý thức và thiền hành đã giúp Sư cô giữ được sự tươi mát của mình, tạo ra được không gian và tự do cho chính mình ngay trong những lúc căng thẳng. Thầy Pháp Lưu chia sẻ với các bạn rằng sự thực tập chánh niệm chính là để hiểu được nguồn gốc của những khổ đau và tìm thấy con đường thoát khổ, và Thầy đã trình bày với các bạn về Năm Giới – con đường đưa đến hạnh phúc chân thực.

Để có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu những khó khăn của các bạn sinh viên, quý thầy, quý sư cô đã chia ra thành nhiều nhóm tham vấn với các chủ đề khác nhau như: Ta sẽ làm gì với cuộc đời mình? Làm thế nào để đối diện với các cảm xúc mạnh? Thực tập Làm Mới như thế nào? Thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày như thế nào? Ta cần làm gì trước tình trạng khủng hoảng môi trường và xã hội toàn cầu đang diễn ra hiện nay? Các bạn sinh viên rất hạnh phúc được ngồi lắng nghe quý thầy, quý sư cô chia sẻ. Không khí tối hôm đó thật là thân mật và cởi mở. Đến 10h tối mà các nhóm vẫn chưa thể kết thúc được. Quý thầy, quý sư cô thực sự cảm thấy mình đã thâm nhập được vào đời sống của sinh viên Cambridge. Một điều mà quý thầy, quý sư cô nhận thấy rất rõ qua chuyến đi Anh lần này đó là các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên, rất lo lắng về khả năng kiếm việc sau khi ra trường. Họ gặp nhiều khó khăn vì áp lực này.

Chuyến đi giao lưu với sinh viên các trường đại học Anh quốc đã khép lại nhưng dường như

Giao lưu với sinh viên Anh Quốc

Đoàn thanh niên Phật tử Âu châu với ước mơ làm đẹp cuộc đời

DelegationintheCenterofOxford.JPG

 

Từ Imperial Colleege đến Đại học Luân Đôn

Với mong muốn kêu gọi người trẻ trên khắp thế giới cùng góp sức xây dựng một nếp sống tỉnh thức, lành mạnh và từ bi, trong thời gian qua, Tăng thân Làng Mai đã phát động phong trào Wake Up (Tỉnh dậy đi thôi, hỡi các bạn trẻ!) và thường xuyên tổ chức những khóa tu cho người trẻ tại nhiều nước, đặc biệt là ở châu Âu.

Với tinh thần đó, ngày 05.03.2011, quý thầy, quý sư cô Làng Mai đã lên đường đi Anh Quốc, bắt đầu chuyến đi giao lưu với sinh viên các trường đại học tại Vương quốc Anh kéo dài gần hai tuần (08 – 17.03.2011). Tham gia đoàn có các thầy: Pháp Lai, Pháp Uyển, Pháp Lưu, Pháp Linh và các Sư cô: Kính Nghiêm, Hành Nghiêm và Hiến Nghiêm. Phụ tá cho quý thầy, quý sư cô đợt này còn có 5 bạn trẻ thuộc phong trào Wake Up (2 người đến từ Đức, hai người đến từ Hà Lan và một người ở Anh). Các bạn muốn học hỏi từ quý thầy, quý sư cô kinh nghiệm tổ chức và hướng dẫn khóa tu để có thể cùng các bạn trong phong trào Wake Up đứng ra tổ chức những khóa tu dành cho người trẻ tại quê hương mình.

 

Imperial College, Luân Đôn

ImperialCollegeLondon1.jpgBuổi tối đầu tiên tại Imperial College, Luân Đôn đã thu hút 90 sinh viên và người trẻ đến tham dự, hầu hết đều là những nhà khoa học, và một phần ba trong số đó là người gốc châu Á. Sau khi được hướng dẫn một số bài thiền ca và thực tập lắng nghe chuông, các bạn sinh viên được nghe một bài pháp thoại ngắn của Thầy Pháp Lưu với chủ để “Để có được thân tâm an lạc – Từ một cách tiếp cận khoa học” (“A Scientific Approach to Wellbeing”).   Thầy chia sẻ rằng Bụt là một nhà khoa học và sự thực tập theo truyền thống đạo Bụt có tính cách khoa học, dựa trên nền tảng thực nghiệm. Nếu những nhà khoa học thường lấy một vấn đề cụ thể làm đối tượng nghiên cứu thì Bụt lấy đối tượng nghiên cứu của mình là KHỔ, Người muốn tìm cho ra những nguyên nhân mang đến khổ đau cho con người và muôn loài. Thầy cũng mời các bạn sinh viên tiến hành thực nghiệm với đối tượng là hơi thở và xem thử mình có khả năng tập trung quan sát hơi thở trong bao lâu, sau đó mọi người đều báo cáo lại kết quả nghiên cứu của mình.

Trong buổi tối này, các bạn sinh viên của Imperial College còn có cơ hội được “nếm” những bước chân bình an, nhẹ nhàng khi đi thiền hành cùng quý thầy, quý sư cô qua những hành lang đông đúc của trường đại học. Sau đó nhiều người chia sẻ:  họ thấy màu sắc xung quanh trở nên sáng hơn và các giác quan trở nên bén nhạy hơn nhờ sự chú tâm vào hơi thở và bước chân. Thú vị hơn nữa khi các bạn được Thầy Pháp Uyển hướng dẫn thiền ăn với quýt và bánh donut. Chưa bao giờ ở Luân Đôn người ta có thể thấy 100 cái bánh donut được ăn thật chậm rãi và dễ thương như vậy! Buổi tối kết thúc với phần trả lời những câu hỏi của các bạn sinh viên về cách thức thực tập trong đời sống hàng ngày của người trẻ, làm sao để không bị quá tải bởi việc học hành và sự thực tập chánh niệm trong khi tiêu thụ.

 

Đại học Leeds (9 – 10.03.2011)

leedbussinessschool.jpgTại Leeds, quý thầy, quý sư cô Làng Mai có một buổi tối giao lưu với sinh viên tại giảng đường của trường đại học, có khoảng 40 người tham dự trong đó có một số thành viên thuộc các Tăng thân cư sĩ ở York & Sheffield. Dưới hình thức một cuộc phỏng vấn, Thầy Pháp Uyển và Sư cô Hành Nghiêm đã tạo một không khí rất thoải mái và cởi mở khi giới thiệu cho các bạn sinh viên về phương pháp theo dõi hơi thở, thực tập chánh niệm trong khi đánh răng, nấu ăn, sử dụng điện thoại di động… Các bạn sinh viên đã rất hào hứng thực tập thiền hành chậm ngay trong giảng đường cùng Thầy Pháp Lưu và cảm nhận sự tiếp xúc sâu sắc giữa bàn chân và sàn nhà. Pháp môn thiền hành đã gây hứng thú đối với nhiều bạn trẻ và một số bạn quyết tâm dậy thật sớm để tham gia buổi thiền hành vào sáng hôm sau tại công viên nằm trong trường đại học.

Ngày hội “ Vì một tinh thần khỏe mạnh” (Mental Wealth Day)

mentalweathday.jpg.jpgSáng ngày 10.03.2011đã diễn ra ngày hội “ Vì một tinh thần khỏe mạnh” (Mental Wealth Day) với sáng kiến của Ed – một sinh viên vừa mới tốt nghiệp đại học Leeds và thường xuyên đến tu tập tại Làng Mai. Ed luôn mong ước có thể làm một điều gì đó để giúp hạn chế được không khí độc hại  tại các trường đại học, nơi càng ngày  càng có nhiều áp lực, căng thẳng dẫn đến tình trạng trầm uất, nghiện ngập… trở thành một môi trường lành mạnh cho sinh viên.  Quý thầy, quý sư cô Làng Mai đã có mặt ở đó để yểm trợ Ed tổ chức các buổi hội thảo về thực tập chánh niệm dành cho sinh viên cũng như các cán bộ phụ trách về chăm sóc sinh viên của trường. Quý thầy, quý sư cô đã mời các bạn sinh viên trong Ban Tổ Chức cùng đi thiền hành vào buổi sáng hôm đó và buổi thiền hành cuối cùng đã biến hành buổi thiền chạy (jogging meditation) vì… trời mưa.

Tại sảnh lớn của Trường đại học, Ed. và các bạn của Ed. đã tổ chức  một hội chợ về sức khỏe tinh thần (“Mental Wealth Fair”), tại đó có trưng bày các bức ảnh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Làng Mai. Ngoài ra còn có những slideshow hình ảnh về các khóa tu người trẻ và những tờ thông tin cần thiết. Những gian hàng của hội chợ có chủ đề như “Bạn đã làm gì để chăm sóc tâm  mình?” hay “Điều gì khiến cho bạn hạnh phúc?”. Quý thầy, quý sư cô đã có mặt tại hội chợ để giao lưu với các bạn sinh viên. Sự bình an và tươi mát của quý thầy, quý sư cô đã thu hút sự chú ý của hàng trăm sinh viên tham gia hội chợ. Chính vì vậy mà đại diện của nhiều trường đại học khác đã mời Tăng thân đến thăm trường của họ vào năm tới!

Buổi chiều cùng ngày, quý thầy, quý sư cô đã có buổi hội thảo trong hai giờ đồng hồ để chia sẻ với các bạn sinh viên và các cán bộ phụ trách về chăm sóc sinh viên của đại học Leeds về những phương pháp chế tác hạnh phúc và xử lý những cảm xúc mạnh. Sư cô Hiến Nghiêm đã chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng thi kệ để chế tác hạnh phúc trong đời sống hàng ngày, ví dụ như thi kệ Thức dậy, và kinh nghiệm ký hiệp ước với một đoạn đường mà mình thường đi mỗi ngày để thực tập thiền hành.

 

Trường Đông phương và Phi châu học (School of Oriental & African Studies), Đại học Luân Đôn (11 – 12.03.2011)

Một đêm giao lưu đáng nhớ

SchoolofOrientalAfrican.jpg Buổi tối giao lưu đã thu hút được 80 người trẻ tham dự, hầu hết đều là những người lần đầu tiên biết đến pháp môn Làng Mai. Chủ đề chia sẻ của buổi tối hôm đó là Niệm, Định, Tuệ. Thầy Pháp Uyển đã hướng dẫn các bạn sinh viên thực tập tiếp xúc với cơ thể và buông thư toàn thân bằng hơi thở ý thức để giảm căng thẳng sau một tuần học tập. Tiếp sau đó, Thầy Pháp Lưu và Sư cô Kính Nghiêm chia sẻ về Định và Tuệ, năng lượng được tạo ra bởi chánh niệm và dạy cho các bạn sinh viên bài hát “Happiness is Here and Now” (Hạnh phúc bây giờ và ở đây) với thông điệp hiện pháp lạc trú chính là hoa trái của Niệm, Định, Tuệ. Sư cô Kính Nghiêm cũng chia sẻ với các bạn về phương pháp lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ để giúp tái lập truyền thông trong gia đình. Cũng trong buổi tối hôm đó, các bạn trẻ đi cùng đoàn đã giúp quý thầy, quý sư cô tổ chức thiền trà trong không khí thân mật và ấm cúng. Sư cô Hành Nghiêm đã chia sẻ với các bạn về phương pháp nhận diện những nguồn hạnh phúc đang có mặt xung quanh ta trong đời sống hàng ngày và làm thế nào để ta có thể chia sẻ niềm hạnh phúc đó với những người mà ta thương yêu.

Để giúp các bạn sinh viên có cơ hội tiếp xúc và tham vấn trực tiếp về những khó khăn của mình, quý thầy, quý sư cô đã chia ra thành những nhóm nhỏ theo chủ đề: Đời sống của người xuất gia và chương trình đào tạo 5 năm tại Làng Mai, Đối diện với những cảm xúc mạnh, Phương pháp Làm Mới để giúp tái lập truyền thông, Xây dựng Tăng thân ở Anh và Những phương pháp thực tập căn bản trong đời sống hàng ngày. Cách thức tổ chức này tỏ ra rất hiệu quả và giúp các bạn sinh viên có cơ hội mở lòng chia sẻ và nhận được những lời chỉ dẫn từ quý thầy, quý sư cô để đi ra khỏi những khó khăn của mình. Buổi giao lưu chỉ diễn ra trong hai giờ đồng hồ nhưng đã mang lại rất nhiều hạnh phúc cho các bạn trẻ. Nhiều bạn đã khóc vì xúc động.

 

Theo dấu chân Thầy giữa lòng thành phố Luân Đôn

Ngay hôm sau, tại trường Đông phương và Phi châu học đã diễn ra một ngày tu tập chánh niệm với trên 130 người tham dự. Giảng đường đại học đã biến thành một thiền đường với năng lượng thật hùng hậu. Quý thầy, quý  Sư cô cùng nhau cho pháp thoại về đề tài “7 Yếu tố giác ngộ (Thất bồ đề phần)”, trong đó nhấn mạnh đến hơi thở ý thức, phương pháp chăm sóc vườn tâm, chế tác hỷ lạc và làm lắng dịu thân tâm… Sau buổi pháp thoại, các bạn sinh viên đã được Sư cô Kính Nghiêm hướng dẫn đi thiền hành vòng quanh khuôn viên của trường. Nhìn những bước chân chậm rãi, nhẹ nhàng của quý thầy, quý sư cô giữa lòng thành phố Luân Đôn đông đúc, nhiều người cảm thấy như mình đang được cùng Thầy và Tăng thân Làng Mai đi thiền hành tại Bloomsbury mùa hè năm ngoái. Trong buổi pháp đàm sau đó, một người bạn Ấn Độ chia sẻ rằng trong cuộc đời mình anh chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể dừng lại trong từng bước chân như vậy. Các bạn sinh viên còn được thầy Pháp Lưu hướng dẫn về thiền ăn, về cách ăn cơm trong im lặng và tận hưởng sự có mặt của nhau.

 

Năng lượng mầu nhiệm của thiền buông thư

Buổi trưa hôm đó, những người bạn trẻ đã được Sư cô Hành Nghiêm hướng dẫn thiền buông thư. Giảng đường chật kín người, ai cũng hoàn toàn thả mình vào không gian tĩnh lặng, bình an, buông hết những lo âu, căng thẳng trong thân tâm. Giờ buông thư vừa được bắt đầu vài phút thì bên ngoài có tiếng lao xao, ồn ào của hàng trăm phụ nữ đang đi biểu tình, đấu tranh cho nữ quyền, lại thêm tiếng máy cưa từ một công trình xây dựng gần đó. Vậy mà dường như không một bạn trẻ nào cảm thấy bị quấy rầy. Một vài người biểu tình ghé vào xem và họ không khỏi ngạc nhiên khi thấy cảnh tượng hàng chục người trẻ đang được quý thầy, quý sư cô “ru ngủ”, trông họ thật thư giãn và bình an.

 

Tận dụng tối đa cơ hội để tiếp xúc và lắng nghe các bạn trẻ

copy_of_10MM.JPG Sau khi làm nóng cơ thể với mười động tác chánh niệm, các bạn trẻ được chia ra thành bảy nhóm pháp đàm. Đây là cơ hội để các bạn mở lòng chia sẻ về những khó khăn trong cuộc sống và về những điều khiến cho họ xúc động nhất khi tham dự ngày tu tập chánh niệm cùng quý thầy, quý sư cô. Một bạn trẻ chia sẻ là mình đã hoàn toàn buông thư và ngủ rất sâu khi thực tập thiền buông thư. Có bạn thì chia sẻ rằng cả ngày hôm đó cô cảm thấy hoàn toàn được ôm ấp bởi năng lượng thương yêu và chăm sóc của quý thầy, quý sư cô. Một bạn trẻ khác lại cảm thấy hoàn toàn bất ngờ khi chứng kiến giảng đường thân quen nay bỗng trở nên mới lạ với sự có mặt bình an và tươi mát của quý thầy, quý sư cô. Và đến cuối ngày thì không một ai muốn về cả, mọi người đều nắm tay nhau và cùng hát “Không đi đâu, cũng không đến, không trước cũng không sau…”. Một giây phút thật xúc động và đáng nhớ!

Từ Oxford đến Cambridge (phần 2)

Viết tiếp những ước mơ cho mẹ

Mẹ à, vậy là đã hơn 10 năm kể từ ngày con từ Sài Gòn về quê để xin phép ba mẹ cho con được đi tu, trở thành một người xuất gia, con gái của Bụt. Bây giờ ngồi nhớ lại, cảm giác khi xưa lại trở về, như mới hôm qua đây thôi. Bởi mẹ chẳng bao giờ tin được con lại có quyết định khác thường như thế. Những giây phút ấy thật khó khăn với con khi phải thuyết phục ba mẹ. Mẹ khóc, mẹ trách, mẹ nói con bất hiếu. Còn con, con chỉ biết… khóc, những gì con nói ra lúc đó chẳng thể nào ngăn nổi cảm giác khổ đau của mẹ khi nghĩ rằng mình sẽ mất đi đứa con đầu lòng mà mình thương yêu.

Dù mẹ khóc như mưa nhưng đôi chân con vẫn bước, cảm nghe lòng quặn thắt. Nhưng tận sâu thẳm trong tâm hồn con lại có một niềm tin mãnh liệt rằng chỉ có con đường xuất gia này con mới có thể trả lời được những câu hỏi, những khó khăn, bế tắc trong lòng và thực hiện được ước mơ từ nhỏ: làm sao cho gia đình mình có nhiều tiếng cười hơn.

Mẹ của con – người chị cả của tám đứa em leo nheo lóc nhóc – từ nhỏ đã sớm biết giúp ông bà ngoại làm đủ mọi việc trong nhà và chăm sóc các em. Mẹ của con siêng năng lắm, chu toàn mọi việc, nhiều lúc còn phải dậy thiệt sớm nấu cơm mang ra đồng cho thợ cấy lúa nữa. Ôi, cái tuổi ăn tuổi ngủ ấy mà phải dậy sớm thì thiệt là tội nghiệp, có lúc mẹ vừa ngồi bên bếp củi, vừa thổi cơm, vừa ngủ gục, bị ông ngoại phát hiện thế là… bị đòn. Con đã được nghe mẹ kể rất nhiều về tuổi thơ cơ cực ấy. Ông ngoại khó, lời nói yêu thương ít hơn những tiếng la mắng, có lẽ đó là nguyên nhân mà đôi mắt mẹ thường buồn, hay nhìn xa xăm. Mẹ đâu được học nhiều, chỉ tới lớp ba trường làng, đủ để đọc, viết và làm toán cộng trừ nên làm sao mà không mặc cảm với chúng bạn cho được, mẹ nhỉ? Quê ngoại lúc đó còn nghèo, ở tận cùng của bản đồ hình chữ S, quanh năm người dân chỉ gắn bó với ruộng đồng, với con cá, con cua, nhà thì đông con, mẹ là chị cả, hi sinh thật nhiều.

Rồi mẹ gặp ba, chàng trai vùng đất thần kinh, về quê mẹ làm kế toán. Sau đó mẹ quyết định theo ba về tận vùng đất đỏ Long Khánh trên này chỉ mong thoát cảnh “bị đỉa đeo chân” (mẹ sợ con đỉa mỗi khi lội xuống ruộng). Và rồi ba chị em con lần lượt ra đời. Một thân một mình không bà con thân thuộc, chỉ với hai bàn tay trắng, làm sao tránh khỏi những lúc mẹ phải tự đương đầu với những khó khăn, gian nan trong cuộc sống gia đình. Nhiều lần con thấy mẹ cô đơn, mẹ khóc. Những khó khăn cứ chất chồng mà ít có người để sẻ chia, rồi như một định luật tự nhiên, chúng trào ra và mấy chị em con cùng “hưởng”.

Là chị đầu, con ảnh hưởng nhiều nhất từ những nỗi đau của mẹ. Lúc đó con giận, con buồn, con phân vân tự hỏi có lẽ mình được mẹ lượm ở đâu đó về nuôi nên mẹ mới không thương, nên mới la, đánh mình mỗi ngày như thế chứ. Trái tim con cứ xa mẹ dần, xa dần… Lớn lên, con buồn vì thấy mình vô cảm, mẹ đó mà sao thấy lòng không thương mẹ như bao nhiêu bài hát, bao nhiêu câu chuyện ca ngợi tình mẹ con thật đẹp xung quanh. Mình mâu thuẫn với chính mình quá!

Con đã từng ước mơ rằng sau này khi con lớn lên, con sẽ tìm và xây dựng cho mình một gia đình nhỏ hạnh phúc, sẽ yêu thương các con mình và không la mắng chúng nó như con từng bị ngày xưa. Ấy vậy mà lạ lắm mẹ à, con vẫn lặp lại những điều con không muốn với các em, cũng la, cũng giận, rồi các em sợ, xa con. Tại sao lạ quá vậy mẹ, mình cứ lập lại y chang những gì mà ông bà, cha mẹ mình có, mặc dầu mình không muốn, và hình như cái em bé khổ đau trong mẹ lại đang có trong con. Con buồn, con tự hỏi là mình phải làm sao để thoát khỏi em bé đó đây, làm sao cho gia đình mình yêu thương nhau hơn, tiếng cười sẽ thay thế cho những trách móc giận hờn. Con muốn tâm hồn mình được bình an, hiểu thương nhiều hơn. Ngày xưa, trước những khó khăn trong truyền thông của gia đình ngoại, mẹ đã chọn con đường ra ngoài tự lập khi còn rất trẻ. Còn con, con lại muốn mình đi một con đường mới, muốn sống vui, sống hạnh phúc hơn cho mẹ. Đó là lý do con chọn con đường tâm linh này.

Mẹ ơi, thật may mắn phước đức khi con có duyên lành được gặp Thầy và tăng thân với những phương pháp cụ thể dạy con trở về chăm sóc lại tâm hồn mình. Con tập thở, tập đi, tập ngồi yên cho thân tâm lắng dịu, học lắng nghe sâu để hiểu những cảm xúc suy tư trong mình, học nói lời hòa ái, dễ thương. Rồi tập nhận ra bao nhiêu thói quen đẹp lành mà con thừa hưởng được từ ông bà, ba mẹ, để nuôi lớn. Còn những điều chưa hay thì tập thay đổi, làm cho nó đẹp hơn. Con tập nhìn lại cuộc sống của gia đình mình trước đây, cách con tiếp nhận, cách con nói năng. Cứ thế mà đi qua bao nhiêu năm… Cho đến một ngày, sau giờ ngồi thiền cùng đại chúng về, con tiếp tục ngồi yên bên góc học, quán chiếu tiếp đề tài lúc nãy hãy còn dở dang, bỗng nhiên… con nhìn thấy một cô bé khoảng 8 – 9 tuổi đang ngồi trong lòng con và… khóc. Nhìn kĩ, con nhận ra là mẹ của mình, hình ảnh cô bé nhỏ qua lời kể của mẹ khi xưa. Nhìn em bé khóc, con bỗng giật mình khi hai hàng nước mắt cũng đang lăn dài một cách tự nhiên trên gương mặt mình. Cô bé khóc vì những khổ đau bao lâu nay bây giờ đã có người thấu hiểu, và người ấy không ai xa lạ, chính là con. Một cuộc tương phùng bất ngờ xảy ra sau ngần ấy năm, con có cảm tưởng một sợi dây vô hình giữa mẹ và con vừa được nối lại. Hạnh phúc trong con vỡ òa!

Kể từ phút giây ấy, hình ảnh mẹ trong con đã khác, con thương mẹ nhiều hơn. Biết rằng vì mẹ khổ mà chưa có cơ hội chuyển hóa nên làm con khổ lây. Bao nhiêu điều chưa nói ra được bao năm, nay con có cơ hội chia sẻ hết bằng cách nói không một chút trách móc, giận hờn qua từng lá thư con gởi về. Mẹ đọc và tiếp tục khóc. Mẹ nói lúc xưa còn trẻ, lo cơm áo gạo tiền tất bật, chưa có nhiều kinh nghiệm dạy con, lại chồng chất bao nỗi đắng cay một mình nơi xứ lạ, mẹ vô tình trút giận lên con, bây giờ biết thương thì nó đã đi xa mình rồi… Nghe mà sống mũi con cay cay…

Con tự nhủ nếu không được đi tu, chắc gì con đã chuyển hóa được những nỗi đau của mẹ và hiểu mẹ như bây giờ, mẹ nhỉ? Nhờ được học trở về lắng nghe những niềm đau, những vụng về của mình mà trái tim con mở ra, tình thương cùng sự chấp nhận cứ thế tự nhiên đến mà con không cần cố gắng một chút nào cả. Càng thực tập, càng hiểu mình, con lại càng gần với mẹ hơn. Hai mẹ con mình chia sẻ được với nhau thật nhiều điều: từ chuyện gia đình, chuyện xã hội, chuyện cuộc sống xung quanh. Con thấy mẹ vui hơn, hay cười, suy nghĩ cũng tích cực ra. Mẹ lại hay quan tâm đến những người khốn khó hơn mình, giúp được tí gì là mẹ làm mặc dầu nhà mình cũng không khá giả hơn ai. Mẹ biết quay về nương tựa năng lượng thương yêu của Đức Bồ tát Quan Thế Âm, cứ sáng sáng chiều chiều, mẹ lại thành tâm thắp nhang. Con hay gọi vui nơi đặt tượng Đức Bồ tát trước nhà mình là “góc yên bình” của mẹ, nơi mẹ hay trở về nương tựa, chia sẻ mỗi khi muộn phiền hay lo lắng bất an. Có lần con hỏi: “Vậy mỗi lúc thắp nhang, mẹ nguyện cầu gì?” Mẹ nói: “Thì cầu cho gia đình mình an vui, khỏe mạnh, cho con tu tập giỏi”.

Vậy là bây giờ mẹ không còn muốn kêu con về với mẹ như những năm đầu nữa rồi, mẹ cũng ít khóc hơn xưa. Những khi nghĩ về mẹ với bao hy sinh cho ba và tụi con, chẳng bao giờ thảnh thơi mà đi đâu lâu, cũng đâu có cơ hội đi đây đó nhìn cuộc đời rộng lớn ra sao, con lại ý thức hơn mà sống cho thảnh thơi và đi cho mẹ. Mỗi khi có cơ hội đi khóa tu, tới một vùng đất mới, con lại cố gắng mở mắt thật to, cảm nhận cho hết lòng vì biết mình đang đi luôn cho ước mơ của mẹ. Em bé trong mẹ được tung tăng, vui vẻ hồn nhiên trở lại bởi em bé trong con đang từng ngày được chăm sóc, được sống một cuộc đời mới, ý thức hơn, bình an hơn. Hai mẹ con mình như hai em bé, đang nắm tay nhau đi về phía mặt trời, nơi mà hai bên đường thơm nức mùi cỏ dại, có bướm, có hoa, có nụ cười tươi sáng cùng những bước chân thật an bình. Biết ơn vô cùng tình thương của Bụt, của Thầy, của Tăng thân để giờ đây, con có thể tiếp tục viết tiếp những ước mơ của mẹ, ước mơ tưởng chừng thật nhỏ nhoi mà khó thực hiện vô cùng.

Và bỗng nhiên con thấy cô bé nhỏ ngày xưa đang nhìn con… mỉm cười!

Con gái nhỏ của mẹ.