Khóa tu Wake Up: “Ta có là ta, ta mới đẹp”

 

THÔNG ĐIỆP KẾT NỐI

Thương gửi các bạn trẻ Việt Nam!

Quý thầy, quý sư cô rất vui mừng thông báo đến các bạn trẻ Việt Nam về khóa tu Wake Up được tổ chức tại trung tâm thực tập Làng Mai Thái Lan, dành cho các bạn trẻ trong khu vực Châu Á. Đặc biệt dành riêng cho các bạn trẻ ở độ tuổi từ 18-35.

Khóa tu được diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 28/06-02/07/2014,và chủ đề của khóa tu là “TA CÓ LÀ TA, TA MỚI ĐẸP”. Mặc dù đây là khóa tu cho các bạn trẻ ở Châu Á, nhưng nếu các bạn thiền sinh Tây Phương có cảm hứng muốn tham dự để nâng cao giá trị tinh thần và làm giàu có thêm đời sống tâm linh thì cũng xin mời các bạn đến ghi danh để tham dự với chúng tôi.

Là những người trẻ đang cùng leo đồi thế kỉ 21, quan điểm nào về cái đẹp mà chúng ta sẽ phải khơi dậy? Vẻ đẹp bề ngoài hay cái đẹp phát xuất từ trái tim? Tất nhiên mỗi người chúng ta, kể cả người nam và người nữ đều yêu thích cái đẹp và mong muốn mình được xây dựng trên nền tảng của cái đẹp. Nhưng đã bao giờ chúng ta nhìn lại con đường nào mà chúng ta đang đi thực sự mang đến cho chúng ta cái đẹp bền lâu?

Ngoài những áp lực không ngừng và biết bao sự cạnh tranh để đạt được một chút thành công trong học đường cũng như trong công sở , chúng ta còn có những cái hơn thế nữa. Nếu bạn muốn khám phá cái đẹp nào chúng ta đang sở hữu trong tự thân của mình và cống hiến cho xã hội.

Quý Thầy, quý Sư Cô mời các bạn đến để cùng tận hưởng những giây phút bình an và tĩnh lặng cũng như khám phá những cái đẹp bên trong và xung quanh chúng ta tại Trung Tâm Thực Tập Quốc Tế Làng Mai Thái Lan, nơi mà các bạn có thể tiếp xúc với  cái đẹp của nếp sống bình dị và tự nhiên, các bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho chính mình thông qua kinh nghiệm trực tiếp mà các bạn gặt hái được trong những ngày các bạn đến thực tập tại tu viện.

Cùng với những TU SĨ TRẺ và các thành viên Wake Up của trung tâm Làng Mai Thái Lan, chúng ta sẽ cùng học hỏi và tận hưởng những hoa trái của sự thực tập chánh niệm hằng ngày.

Nghệ thuật của nếp sống chánh niệm là nhận diện và trân quý những cái đẹp đang có sẵn bên trong và xung quanh chúng ta. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể làm đẹp cho mình bằng sự thực tập trở về để chăm sóc cho những cảm thọ hoặc cảm xúc của chúng ta, ngay cả những khó khăn mà chúng ta đang gặp phải trong đời sống hằng ngày, nhưng chúng ta chưa tìm ra cách để chăm sóc tốt cho chúng.

Chúng ta không chỉ học cách làm đẹp cho chính mình bằng những cái bên ngoài mà chúng ta cũng sẽ chế tác ra cái đẹp khác từ bên trong qua những hoạt động rất đơn giản như ngồi thiền, đi thiền hành, ăn cơm im lặng, thiền ca, nghe pháp thoại hoặc tham dự pháp đàm cũng như chúng ta sẽ có những giây phút cho thân và tâm của chúng ta hoàn toàn được nghỉ ngơi…….

Khi đến với khóa tu, các bạn được tùy tâm cúng dường để yểm trợ về chi phí điện, nước, thực phẩm mỗi ngày cho trung tâm Làng Mai Thái Lan.

Chúng ta sẽ cùng học hỏi và làm tất cả những điều này trong một nếp sống đơn giản ,một môi trường lành mạnh và đầy ắp tiếng cười.

Kính thương!

Quý Thầy, Quý Sư Cô Làng Mai Thái Lan.

 

ĐĂNG KÝ CHO KHÓA TU

Hạn chót để đăng ký khóa tu là ngày 20 tháng 06 năm 2014. Số lượng là 70 người trẻ cho cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Một vài điểm xin các bạn trẻ đến dự khóa tu cần lưu ý để yểm trợ khóa tu:

–  Các bạn có thể mặc quần áo thường, thoải mái, để dễ ngồi thiền trên sàn nhưng kín đáo để yểm trợ năng lượng cho khóa tu.
–  Vui lòng mang theo dù cá nhân, nón, đèn pin, kem chống muỗi và thuốc cá nhân (nếu cần).
–  Vui lòng mang theo chai đựng nước uống riêng của bạn.

 

Những bạn trẻ nào muốn đăng ký tham dự khóa tu này, xin tải tập tin đính kèm về và điền đầy đủ thông tin cá nhân của mình vào tất cả các cột trong tập tin đó.

Sau khi điền đầy đủ thông tin, các bạn hãy gửi vào các địa chỉ sau theo vùng mà bạn muốn tháp tùng để đi cùng. Ví dụ: Bạn đang sống ở một tỉnh thuộc miền trung như ĐÀ NẴNG hay QUẢNG TRỊ…, bạn có thể gửi mail đến cho Thầy Từ Thông theo địa chỉ bên dưới. Cho các tỉnh thuộc những vùng khác thì các bạn cũng làm tương tự. Và nếu các bạn có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến khóa tu thì các bạn cũng có thể đặt câu hỏi thông qua những địa chỉ e-mail này.

+ Miền Nam(Sài Gòn): Anh Châu Thương

Số điện thoại: 0909.022.082

Địa chỉ email: letrungbao09@gmail.com

+ Miền Trung (Huế): Thầy Từ Thông

Số điện thoại: 0983.039.305

Địa chỉ email: chuatuhieu1848@gmail.com

+ Miền Bắc (Hà Nội): Chị Vân

Số điện thoại: 0913.054.455

Địa chỉ email: troixanhmaytrang76@gmail.com

Các khóa tu Wake Up

Khóa tu Việt Wake Up 2024 “Dám sống chân thật” tại Bắc Mỹ
Khóa tu Wake Up: “Ta có là ta, ta mới đẹp”
Khóa tu được diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 28/06-02/07/2014 tại Trung tâm Làng Mai quốc tế Thái Lan
Viet Wake Up North American Tour
Đơn ghi danh khóa tu Wake Up tại Thái Lan
Từ ngày 28/6 – 2/7/2014
Khóa tu Wake Up: You are therefore I am
Khóa tu từ ngày 5 – 9/12/2014 tại khu cắm trại Chiang Dao, Chiang Mai, Thái Lan
Khoá tu với chủ đề “Về Nhà”
Việt Wake Up 2015 – Đón mừng sự sống
Khóa tu Việt Wake Up 2015: Tuổi trẻ, tình yêu và lý tưởng
Từ ngày 16 – 23/10/2015, tại Làng Mai, nước Pháp
Việt Wake Up Bắc Mỹ 2017
Từ ngày 9.3 – 2.4.2017

Tìm lại chính mình

Con ngổi lặng yên và mỉm cười trên chuyến xe bus cuối cùng về lại thành phố sau khi kết thúc khóa tu “Tìm lại chính mình”. Lúc đó, con nhận thức rất rõ rằng mình đã mệt như thế nào nhưng cũng thấy được niềm hạnh phúc khó tả trào dâng trong lòng. Thầm cảm ơn chư Bụt, Tổ cùng vũ trụ đất trời và toàn thể đại chúng giúp cho khóa tu được diễn ra và thành tựu. Con biết mình đã xúc động đến nhường nào khi nói lời tri ân trước đại chúng và cất lên bài ca “Không đến, không đi” chào tạm biệt. Ba ngày trôi qua là một thực tại sống động tuyệt vời chứ không phải là giấc mơ của chúng con nữa. Hỷ lạc đến với chúng con như là một sự tất yếu sau chuỗi ngày cùng làm việc bên nhau, tu học bên nhau và đặc biệt cùng bước đi trên con đường phụng sự, con đường để tìm lại chính mình, con đường để thức tỉnh mục đích sống…

Một nửa trong nhóm tình nguyện viên chúng con đến tu viện Toàn giác trước khóa tu một ngày để chuẩn bị. Các bạn trẻ, người đi xe máy, kẻ ngồi xe bus rất hăng hái và nhiệt tình. Phần đông các em là sinh viên vừa thi xong và năm học vừa kết thúc nên không có gì vướng bận cả. Đến nơi thì đã trưa nên chúng con được các cô bác công quả ở tu viện thết đãi bữa cơm chay thật ngon với canh chua măng, rau lang luộc và cháo nấm tràm. Tất cả đều là cây nhà lá vườn. Sau đó chúng con bắt tay luôn vào công việc của mình. Buổi chiều hôm ấy chấp tác thật là vui. Anh chị em chúng con trước lạ sau quen, hòa nhịp vào công việc, ai cũng mong trời ngày mai không mưa…

Một nửa tình nguyện viên còn lại phụ trách điều động xe và hướng dẫn thiền sinh tập trung đi vào sáng sớm ngày hôm sau. Anh em làm việc nhịp nhàng đến nỗi khu ghi danh không khỏi ngỡ ngàng khi thấy mọi người tập trung về tu viện rất trật tự và xếp hàng ghi danh khá nghiêm túc.  Các sư thầy, sư cô cũng đã tập trung về từ sớm để yểm trợ cho chúng con.

 

Không khí trong ngày khai mạc khóa tu thật tươi vui nhộn nhịp cùng với thời tiết mát mẻ khiến cho tất cả anh chị em chúng con hạnh phúc vô cùng. Nhóm ghi danh thống kê được khoảng hơn 200 thiền sinh tham gia trong ngày đầu tiên của khóa tu. Tất cả đều hoàn tất trước giờ pháp thoại khai mạc khóa tu và hướng dẫn tổng quát của Thầy Pháp Đăng. Các bạn trẻ rất thích thú với thời khóa sinh hoạt phong phú cùng với việc chia danh sách theo gia đình pháp đàm. Trẻ em cũng có riêng chương trình sinh hoạt và có hẳn ban phụ trách gồm tình nguyện viên và các sư cô. Hầu hết các thiền sinh đều chú ý tới những câu kệ trang trí khắp nơi từ thiền đường đến hành đường và khu vệ sinh. Mỗi câu kệ là một bài pháp sống động cho các bạn trẻ thực tập trong khóa tu.

Ngày tu học đầu tiên đã kết thúc bằng buổi thuyết trình năm giới tân tu vô cùng thực tế và sinh động của anh chị em chúng con cùng với các sư thầy sư cô. Không có bất cứ một giáo lý hay chủ thuyết nào mà tất cả đều là những trải nghiệm thực tế và những chứng minh vô cùng khoa học về sự lợi lạc và hạnh phúc có được từ việc thực tập và hành trì năm giới tân tu…

Ngày tu học thứ hai, sau khi ngồi thiền sáng, đại chúng được quý thầy cô hướng dẫn trì tụng năm giới tân tu. Buổi thiền hành đầu tiên của khóa tu đã thu hút hầu hết các bạn thiền sinh tham gia. Con đường thiền hành đi qua suối mang đậm chất thiên nhiên giúp các bạn trẻ đưa bước chân trở về với hơi thở tiếp xúc với thực tại nhiệm mầu. Buổi pháp thoại hôm đó của Thầy Pháp Đăng dành cho các em nhỏ và bạn trẻ thật sống động. Cho đến giờ này con vẫn còn ghi dấu hình ảnh cậu con trai 9 tuổi của mình từ thiền đường chạy ào ra ôm chầm lấy con và thì thầm bên tai con rằng “Con rất hạnh phúc khi đã có Má.” Sau đó thì cậu khoe với Má rằng con đã được Thầy dạy thiền ăn chuối và lần đầu tiên trong đời con ăn hết một quả chuối to và cảm nhận được cái ngon của chuối. Ôm con trai vào lòng, con cảm nhận niềm hạnh phúc vô biên của người mẹ. Trong thiền đường, lũ trẻ thực tập thiền ôm với Ba Mẹ. Các tiểu sư cô thiền ôm với các Sư chị. Đâu đó có tiếng khóc thút thít của những em không được may mắn còn hay có ba mẹ…

Thiền sinh tiếp tục đến tu học trong ngày thứ hai mỗi lúc một đông. Thú thật là ban tổ chức chúng con không khỏi lo lắng vì chỗ ngủ và tắm giặt còn thiếu thốn. Thế nhưng chúng con thực sự xúc động khi thấy đại chúng vô cùng hoan hỷ cùng thực tập tri túc trong ba ngày hai đêm ở đó. Những bài kệ nhỏ dán ở khu vực nhà bếp và nhà vệ sinh đã giúp cho đại chúng ý thức hơn về sự thực tập chánh niệm trong các sinh họat của mình. Thiền đường mà cũng là nơi nghỉ đêm của thiền sinh nhanh chóng được dọn dẹp gọn gàng và tọa cụ được sắp xếp ngăn nắp cho thời khóa công phu mỗi buổi sáng. Trưa hôm đó sau giờ pháp thoại, trời mưa to như trút nước. Ban hành đường chúng con buộc phải bưng thức ăn khất thực vào lại trong bếp. Một nửa thiền sinh ngồi lại thiền đường hát thiền ca. Số còn lại tập trung về thư quán đang trưng bày kinh sách và đồ lưu niệm. Các em thiếu nhi cũng quây quần bên nhau ca hát cùng với các sư cô. Tất cả tạo ra một bức tranh thật đẹp trong mưa về sự hòa hợp và an vui thảnh thơi của đại chúng…

Con rất thích bài pháp thoại chiều mưa hôm đó Sư Bá ban cho đại chúng. Với bước chân chậm rãi và thanh thoát, ánh mắt như đang cười và giọng nói ấm áp bao dung, Sư Bá dạy dỗ bọn trẻ chúng con ý thức rõ mục đích sống của mình, ý thức rõ những điều kiện hạnh phúc mình đang có sẵn để biết trân quý. Bọn trẻ ngồi yên lắng nghe, và người lớn cũng lặng tĩnh mà chiêm nghiệm. Riêng con chỉ biết thầm thì hai tiếng tri ân và xin nguyện thực tập hạnh buông xả để không bị kẹt tay như con khỉ trong câu chuyện ngụ ngôn kia. Có một bạn vừa nghe xong bài pháp thoại là chia sẻ ngay với con rằng trước khi đến với khóa tu bạn suy nghĩ rất nhiều về những dự án kinh doanh và điều đó đã làm cho bạn mất ngủ cả đêm. Nghe xong bài pháp thoại, bạn như bừng tỉnh và tự dặn lòng phải ngồi yên và tĩnh tâm trở lại, không để bị lôi kéo bởi những dự án kinh doanh kia nữa…

Chương trình văn nghệ tiếp theo bài thuyết trình “Làm mới” trong buổi tối ngày tu thứ hai đã thu hút rất đông sự tham gia của đại chúng. Các bạn trẻ rất thích hát thiền ca. Thiền đường tràn ngập sắc màu của tà áo dài truyền thống, áo nâu và áo lam. Ấn tượng nhất vẫn là các tiết mục của gia đình trẻ em và các sư cô trẻ hồn nhiên trong sáng.

Ngày tu học thứ ba, thời tiết thật đẹp. Đại chúng được đi thiền hành qua suối giữa khí trời mát mẻ. Một nhóm các sư cô trẻ trong gia đình thiếu nhi phải về sớm đã tập trung trước tượng đài Quan Âm chào tạm biệt. Những giọt nước mắt, những vòng tay thân ái tình tăng thân khiến con cảm động vô cùng. Sau buổi thiền hành ngày tu thứ ba, con được diễm phúc theo chân Thầy Pháp Đăng và Cô Phúc Nghiêm cùng các bạn tình nguyện viên vào nhà bếp gặp gỡ Thầy Giác Hưng để nói lời cảm ơn các Thầy và các cô chú ở tu viện đã giúp đỡ rất nhiều cho khóa tu. Thầy chia sẻ rằng hạnh phúc lớn nhất của Thầy là nhìn thấy đại chúng tựu về để cùng nhau tu học. Thầy còn bảo với các Phật tử ở chùa hãy cố gắng theo thời khóa của khóa tu để thực tập cách đi trong chánh niệm, ăn trong chánh niệm.

Bài pháp thoại cuối cùng của Thầy Pháp Đăng khơi mở cho đại chúng tìm thấy nguồn ánh sáng trong tâm thức của mình. Sự thực tập buông bỏ luôn cả cái đúng hay sai giúp cho chúng con trở về với chính mình. Thầy giúp chúng con nhận ra những ám ảnh trong cuộc sống để có thể thực tập nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa những ám ảnh đó. Bài giảng của Thầy rất thuyết phục người trẻ vì chứa đựng những dẫn chứng rất sinh động và những trải nghiệm trong thực tế của Thầy. Trưa hôm đó chúng con được ăn cơm theo gia đình pháp đàm để các gia đình có cơ hội ngồi lại bên nhau chia sẻ và nói lời chào tạm biệt.

Khung cảnh tu viện trưa hôm ấy thật ấm áp. Mỗi gia đình là một vòng tròn hòa quyện vào thiên nhiên núi rừng cây cỏ. Ánh mắt, nụ cười và tình cảm dành cho nhau trong suốt khóa tu khiến cho thời gian như dừng lại để cùng với đại chúng lắng đọng và lắng nghe nhau. Buổi thiền trà kết thúc khóa tu ấm áp đạo vị khiến cho chúng con ai nấy cảm động đến rớm nước mắt. Chiều hôm ấy đại chúng ngồi kín cả thiền đường trong tĩnh lặng với chén trà trên tay. Sư cô Phúc Nghiêm hát bài thiền trà hay quá đỗi. Các em thiếu nhi cùng hòa điệu bài hát “Đi như một dòng sông” và trao thư “làm mới” đến tận tay Ba Mẹ của mình. Một lần nữa, con lại xúc động nghẹn ngào khi cầm lá thư cảm ơn và xin lỗi của con trai mang lại trao tận tay mình…

Con rất biết ơn khóa tu “Tìm lại chính mình”. Là một trong những tình nguyện viên, con thật hạnh phúc khi có cơ hội được cống hiến và phụng sự. Một sự khởi đầu dù có nhiều khó khăn nhưng cũng là bùn để nuôi dưỡng cho sen. Một bạn đồng tu đã chia sẻ rằng: “Chúng ta hãy cùng nhìn lại những bóng hình, những hàng chữ, những bông hoa, những thau nước… Tất cả không phải tự nhiên mà có. Điều kiện vật chất cho mấy ngày tu chưa thật sự hoàn hảo. Nhưng nếu nhìn cho kỹ thì chúng ta sẽ thấy rằng những anh chị em trong ban tổ chức đã cố gắng rất nhiều. Các anh chị đó đã đến sớm hơn, đã làm nhiều hơn, đã bớt đi thời gian tu tập của mình. Đó là gì nếu không phải là tinh thần phụng sự? Đó là gì nếu không phải là tình thương? Đã có nhiều lắm tình thương của mọi người, trong đó có quý thầy cô giáo thọ, quý thầy cô tại chùa địa phương, quý cô chú Phật tử chăm lo việc nấu bếp, quý mạnh thường quân yểm trợ cho khóa tu, quý anh chị trong ban tổ chức, các bạn sinh viên, các bạn đồng tu tình nguyện phụng sự…” (Khai Minh)

Đúng vậy! Con đường Hiểu và Thương chính là con đường chúng con đang đi. Cũng chính là con đường giúp chúng con tìm lại chính mình và cũng là để thức tỉnh mục đích sống của chúng con.

Sài Gòn 27.6.2013

Chân Xuân Tản Viên

Để tham gia tăng thân trên mạng?

Thân mời bạn tham khảo thêm  bài viết “Tăng thân trên mạng, tại sao không?”. Xin email banbientap@langmai.org nếu các bạn có ý nguyện xây dựng một tăng thân trên mạng sau một thời gian thực tập.

Sau đây là các bước hướng dẫn để bạn có thể đến cùng chúng tôi trên mạng. Tuy nhiên xin bạn nhớ cho là dù phương tiện truyền thông có tuyệt vời đến đâu đi nữa, Tăng thân mạng không phải là một vấn đề đơn thuần về kỹ thuật. Chúng ta kết nối để gặp gỡ và học hỏi lẫn nhau. Chúng tôi hy vọng là vấn đề kỹ thuật từ từ trở thành chuyện phụ để chúng ta có thể tập trung sự chú ý của mình vào việc thực tập với tăng thân. Hy vọng rằng tăng thân trên mạng sẽ giúp cho việc hình thành những tình bạn tâm linh, một món quà quý giá cho tất cả chúng ta.

Kỹ thuật:

Tăng thân trên mạng dùng Google+ Hangouts. Đây là phần mềm miễn phí, cho phép khoảng 9 người đồng thời cùng kết nối. Nó có một số tiện ích như là có thể xem một bài  pháp thoại của Thầy mà vẫn có thể thấy hết tất cả những người khác trên Hangout. Vì đây là một sản phẩm của Google cho nên rất nhiều người đã có login sẵn rồi. Mọi người có thể liên lạc trao đổi với nhau ngoài những lúc tăng thân chính thức họp mặt. Ngoài ra Google+ Hangouts còn có thể được sử dụng trên điện thoại di động nên những người không có máy vi tính cũng kết nối được.

Bạn cần một lời mời bạn tham gia vào một trong hai tăng thân trên mạng của chúng tôi. Bạn có thể lấy lời mời này bằng cách tham gia vào tăng thân Plumline trên Google+. Cứ 4 hay 5 tuần một lần, chúng tôi sẽ “mở cửa” đón các bạn mới tham gia vào Plumline. Xin mời bạn làm theo những hướng dẫn dưới đây:

Tham gia vào Plumline:

Xin làm theo các bước sau đây:

1) Cài Chrome vào máy vi tính của bạn để làm công cụ lướt Web (google.com/chrome). Nếu máy bạn đã có Chrome sẵn thì xin  bỏ qua bước này.

2) Vào trang plus.google.com

3) Tìm Plumline

4) Bấm “Follow” trên trang Plumline

5) Chấp nhận lời mời khi bạn nhận được (bạn có thể phải chờ khoảng 2 tuần hay hơn một chút)

6) Bấm “Join” (nút màu xanh dương ở trên cùng) để đi vào trang plus.google.com

7) Cho phép Google cài đặt phần mềm này vào máy của bạn.

Hướng dẫn tham gia những buổi họp mặt của tăng thân mạng:

Chúng tôi hy vọng rằng các buổi họp mặt của tăng thân mạng là một “nơi chốn” quan trọng để chúng ta có thể yểm trợ lẫn nhau dù chúng ta đang sinh sống ở bất cứ nơi đâu. Để làm được như vậy, chúng tôi tha thiết kêu gọi các bạn hãy thật sự tham gia buổi họp mặt bằng cách không làm những việc khác (thí dụ như ăn uống, lướt web …) trong khi đang ở trên Hangout. Chúng tôi mời các bạn ở lại trọn thời gian sinh hoạt mà không bỏ dở nửa chừng. Khi chúng ta cùng thực tập, một tiếng động nhỏ cũng có thể bị tăng âm lên thành rất lớn, do vậy xin bạn hãy tắt âm thanh đi bằng cách bấm mute ở Audio (trừ khi bạn muốn nói cái gì đó). Xin để cho tiện ích Video làm việc. Rất mong sẽ gặp bạn ở Hangout.

Tăng thân trên mạng – Tại sao không?

BBT chuyển dịch từ nguyên bản tiếng Anh “Together Online” ghi lại chia sẻ của Thuỷ Cù (Chân Trú Lạc) và Alipasha Razzghipour (Chân Lưu Lượng) do Mindfulness Bell thực hiện, số ra Đông Xuân 2013. BBT đặt tựa bằng tiếng Việt với mong ước rằng chia sẻ này sẽ đem hứng khởi đến cho các bạn trẻ để tìm cho mình một tăng thân cùng thực tập. Nếu tại địa phương của bạn không có tăng thân để gặp mặt, bạn có thể lên mạng để cùng tu với những người bạn ở khắp mọi nơi, những người có chung nhu yếu thực tập với tăng thân. Hay hơn nữa, bạn có thể thành lập một tăng thân mạng để mời những người khác cùng tu chung với mình. Mong lắm thay. Chúc bạn may mắn. BBT


 

Thủy: Con đã nảy ra ý xây dựng một tăng thân trên mạng khi con đến Làng Mai hồi tháng Tư năm 2011. Con đã may mắn có được 1 tiếng rưỡi tham vấn với thầy Pháp Ứng trong thời gian con ở tại Xóm Thượng. Con đã chia sẻ với thầy về việc xây dựng tăng thân, về những vấn đề mà tăng thân chúng con đang gặp phải, và về việc làm sao mình có thể yểm trợ những người không đến thực tập được với tăng thân vì đường xá xa xôi hoặc vì hoàn cảnh gia đình. Thầy Pháp Ứng gợi ý con sử dụng mạng lưới Internet để đem tăng thân đến với người khác, thầy cũng nói thêm là trước đây đã có người làm như vậy rồi. Thế là một hạt giống đã được gieo xuống.

Ali: Đầu năm 2011, mong muốn được thực tập trong con thật là mãnh liệt. Tăng thân địa phương của con chỉ gặp nhau mỗi tháng một lần, như vậy không đủ cho con. Con phát tâm tìm những tăng thân khác cũng thực tập theo truyền thống của Làng Mai. Thực tập trên mạng là một chọn lựa. Con cũng không chắc là trên mạng thì mình có thể chể tác ra năng lượng của tình huynh đệ hay không, nhưng con lại nghĩ biết đâu mình sẽ làm được.

Thủy: Sáu tháng sau con gặp Ali trong một khóa tu ở Sydney. Chúng con đã quen nhau được vài năm rồi nhưng không liên lạc với nhau nhiều vì không cùng thực tập ở một tăng thân. Vào ngày cuối của khóa tu, Ali với con cùng đi dạo, chúng con ngồi trên một mỏm đá lớn trên đầu thác và cùng thưởng thức cảnh đẹp của cánh rừng trải dài phía dưới. Chúng con chia sẻ về kinh nghiệm khi thực tập trong Tăng thân, trao đổi ý tưởng và ước mơ về một tăng thân lý tưởng. Chúng con cũng nói cho nhau biết là thực tập theo truyền thống Làng Mai có ý nghĩa như thế nào đối với bản thân. Cuối cùng con được biết là Ali cũng có cùng thao thức về việc thành lập một tăng thân trên mạng như con.

Ali: Khi con nói chuyện với Thủy trong khóa tu tháng Mười dạo đó, con thấy rất hào hứng. Con nghĩ, nếu có hai người nghĩ đến chuyện này thì chắc là thế nào cũng có những người khác cũng có cùng một mối quan tâm. Trong khi chờ đợi (để tìm ra những người có cùng thao thức), con đã lập nên một trang nhà có tên là peacefulpresent.org để yểm trợ cho những ai muốn thành lập một tăng thân tại địa phương của mình. Họ có thể sử dụng các tài liệu trên trang nhà này (bài hát, pháp thoại, thiền hướng dẫn …) để bắt đầu.

Thủy: Ban đầu cũng khá khó khăn. Lần gặp đầu tiên trên mạng không khá lắm bởi vì đường truyền Skype không ổn định và không được trung thực lắm (âm thanh, hình ảnh …). Chúng con chuyển qua dùng Google+ và cùng đề ra cho tăng thân một thời khóa trong đó có thiền toạ, hát thiền ca, nghe pháp thoại và pháp đàm.

Ali: Sau vài lần làm thử con thấy rất được chuyển hóa, không khác gì mấy so với khi thực tập cùng tăng thân địa phương, tuy vậy không có nhiều người tham dự lắm. Khoảng chừng hơn hai chục người tham gia trên Google+ thôi, thế nhưng trên thực tế thì không có người nào thực tập thường xuyên hết. May mắn là Thủy trấn an con rằng nếu mình tiếp tục thực tập thì thế nào người khác cũng sẽ đến với mình.

Thủy: Không lâu sau đó, Chị Tri và chú Les cùng gia nhập vào nhóm. Đột nhiên tăng thân trở thành hoàn chỉnh. Chúng con đã quen biết với các vị đó trước đây rồi vì đã cùng tham dự các khóa tu với nhau, tuy nhiên khi bắt đầu thiền tập chung trên mạng, tự dưng chúng con trở thành gắn bó với nhau hơn. Giờ thì chúng con giống như anh chị em một nhà, dù là đến từ nhiều nhánh khác nhau nhưng thật ra là cùng mọc trên một thân cây. Chúng con có thể ngồi thiền chung, nghe pháp thoại của Thầy, chia sẻ từ trái tim mình, thực tập địa xúc và cùng hát thiền ca với nhau. Chúng con cùng có những trận cười, những chia sẻ thật sâu sắc và cả những lúc thật ngây ngô nữa. Chúng con cảm thấy như mình đang cùng đi trên một con đường đúng đắn vì đã có được nhiều hạnh phúc và niềm vui qua những lần thực tập cùng nhau trên mạng. Đã có nhiều người khác đến tham dự với chúng con – như là các bạn ở tăng thân ở Blue Mountain (Úc), ở Paris (Pháp); các bạn khác từ Ba Lan và Đức. Hiện tại chúng con đã có được hai tăng thân trên mạng, Tăng thân Heart (Trái Tim) và  Tăng thân Tĩnh Lặng (Stillness).

 

Gặp nhau vui quá: Les, Chị Tri, Chân Trú Lạc, Chân Lưu Lượng – Sydney

Ali: Trong quá trình xây dựng tăng thân và thực tập trên mạng, con đã gặp được một tăng thân mạng thực tập theo truyền thống của Thầy, đó là tăng thân Plumline. Con có nói chuyện với Elaine, người đã sáng lập ra tăng thân này và nhận ra rằng tốt nhất mình nên kết hợp thực tập chung để được yểm trợ hơn là đi một mình. Khi chúng con mới gặp, gia đình Plumline chỉ có 2 nhóm, bây giờ thì đã có 9 nhóm rồi.

Thủy: Ali đề nghị là chúng con nên tăng thời gian thiền tọa lên 30 phút mỗi ngày. Khi ngồi trong thiền đường cùng với đại chúng, trong tĩnh lặng mình có thể cảm được năng lượng tập thể của tăng thân đang yểm trợ mình. Trên mạng cũng vậy. Con đã không nhận ra điều đó cho đến khi Ali phải đi một chuyến công tác xa. Ngồi một mình thật là cô đơn. Thế nhưng bất cứ khi nào Ali tìm được một chút thời gian để tham dự, dù lúc đó là 3 giờ sáng ở Mỹ hay 3 giờ chiều ở London, con cũng đều cảm được sự có mặt và năng lượng mà anh ấy mang đến cho buổi tọa thiền.

Ali: Thực tập trên mạng sẽ không bao giờ có thể giống như thực tập bên ngoài, khi mình có thể gặp nhau. Tuy vậy cũng có những cái hay riêng của nó. Con hay đi đây đi đó cho nên tăng thân mạng cho phép con có thể duy trì sự thực tập cùng với mọi người. Hôm nay con ngồi với tăng thân khi đang ở London; tuần tới con lại có thể thực tập cùng tăng thân khi đang ở Hongkong. Chúng con vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng của việc thực tập trên mạng. Biết đâu một ngày nào đó chúng con sẽ có thể cùng được ngồi thiền với chúng xuất sĩ vào buổi sáng và cả vào buổi tối.

Thủy: Con thường hay nghĩ đến nhóm tăng thân trên mạng này. Ali sẽ chuyển đi London vào năm tới nên cũng không biết được là mọi chuyện sẽ như thế nào. Tuy vậy, con có nhiều hy vọng, con ý thức rằng đây là một cành nhỏ trên một cây mận lớn, và mỗi chúng con là một đóa hoa đang nở; khi nào đủ duyên thì trái mận sẽ thành hình. Kính tri ân Thầy, nhờ Thầy mà một nhành mận đã mọc lên trên mạng.

Alipasha Razzaghipour (Chân Lưu Lượng) đồng sáng lập tăng thân Plumline Heart vào năm 2012 cùng Thủy Cù (Chân Trú Lạc). Chân Trú Lạc là một thành viên của tăng thân Sen Búp, Sydney, Australia từ năm 2001.

Cách gia nhập tăng thân trên mạng: Xin bấm vào đây

Bài hát từ trái tim

Thường thường câu mà người ta hay hỏi một người xuất gia trẻ là: “Tại sao thầy/sư cô đi tu?” Khi được hỏi câu này, tôi thấy mình trả lời mỗi lúc mỗi khác. Câu trả lời tùy thuộc vào tâm trạng của tôi ngày hôm đó và tùy đối tượng. Dù gì đi nữa thì câu trả lời nào cũng đều đúng cả. Điều đó chứng tỏ rằng không có một cái gì thật là rõ ràng, cũng không có một khoảnh khắc nào thật đặc biệt xảy ra để mở cánh cửa cho bạn đi vào cuộc đời tu hết. Càng nhớ lại, tôi càng thấy rõ ràng hơn. Tôi cho rằng việc tôi đi xuất gia là một quá trình liên tục, bắt đầu từ tình thương không biên giới và không ngằn mé của một người mẹ dành cho con trai của mình. Tuy nhiên, có một vài điều đặc biệt sâu đậm trong ký ức của tôi mà tôi muốn chia sẻ với bạn.

Lần đó, trong một chuyến đi cắm trại do Gia đình Phật Tử Việt Nam tổ chức, có một cuộc cãi vã khá quyết liệt giữa hai vị huynh trưởng. Lúc tình hình trở nên căng thẳng, đột nhiên người lớn tuổi hơn tuyên bố: “Tôi đi thở đây.” Thế rồi anh ấy biến mất giữa những lùm cây. Với cái tuổi 13, tôi chỉ có thể chờ đến mức tối đa là 15 phút rồi chạy theo anh. Tôi thấy anh ngồi dưới một gốc cây với khuôn mặt tươi cười, bình thản, không có vẻ gì giống với cái anh mà lúc nãy vừa la lối om sòm. Sau này anh giải thích là khi anh ở trong một tu viện tại miền Nam nước Pháp, anh đã học được cách làm sao để đối trị với cơn giận.

Thế nhưng lần gặp gỡ đầu tiên giữa tôi và quý thầy quý sư cô Làng Mai là một việc xảy ra ngoài ý muốn.

 

 

Phép lạ của tình huynh đệ

Làm gì có chuyện tôi đi một cách không hề chống đối như vậy! Khóa tu thiền? Mà lại vào đầu mùa hè nữa chứ! Nhưng dù tôi có chống đối cách mấy cũng vô hiệu. Cuối cùng chúng tôi (má tôi và hai anh em) đi đến một thỏa thuận như sau: nếu anh tôi và tôi chịu tham gia khóa tu một tuần thì hai đứa sẽ có nguyên một tháng hè cho mình mà không phải học thêm, không phải đi trại thiếu niên, không cần phải viết sổ báo cáo gì hết.

Buổi hướng dẫn tổng quát thật chán ngắt. Sao lại không chán cho được? Một ngàn người ngồi đó, nghe mấy thầy nói bằng tiếng Việt. Trong 20 chữ tôi hiểu chừng 1 nhưng lại quá tự ái để xin thông dịch (dĩ nhiên là hồi đó dễ gì mà tôi thú nhận như vậy). Hát trước pháp thoại hay. Chuông cũng hay. Có một cái gì không diễn tả được khi trong phòng hoàn toàn tĩnh lặng – và nếu bạn đã từng ở trong một căn phòng toàn bạn bè người Việt không thôi thì bạn sẽ hiểu tại sao đó là một việc rất hiếm hoi.

Tôi đi tới một căn phòng có bảng đề “Chương trình Thiếu niên” với cái vẻ rất điển hình của bọn con trai tuổi teens: đôi vai thì so lại và cặp mắt thì có vẻ thách thức. Coi lại trong túi lần nữa để chắc ăn là máy nghe CD và tai nghe có sẵn, tôi bước vào phòng.

Vài ngày sau, không ai có thể nhận ra anh chàng trẻ tuổi có một khuôn mặt rạng rỡ và một nụ cười không tắt trên môi lại chính là tôi. Chương trình Teens thật là quá tuyệt vời! Ai mà biết được là mấy thầy và sư cô lại có thể ….ngon lành như vậy! Họ thậm chí còn dẫn chúng tôi đi biển nữa – họ còn xắn ống quần lên và nhảy sóng và chơi tạt nước nữa chứ! Thế nhưng diệu kỳ nhất chính là cảm giác của tình huynh đệ với các bạn khác trong nhóm. Khó ai tin được chỉ trong vòng 5 ngày thôi tôi đã trở nên thật cởi mở, thấy mình được bao dung, ôm ấp bởi mấy đứa trẻ tôi mới gặp lúc đầu tuần? Tôi thì không thể tin rồi đó – các bạn khác cũng không tin. Chính trong sự đáng kinh ngạc mà kỳ diệu đó, chúng tôi đã tiếp tục cùng nhau chia sẻ, cười đùa và học hỏi.

Đường về San Francisco từ San Diego khoảng 8 tiếng. Khi về đến gần nhà, tôi thức giấc: “Mẹ, con có một câu hỏi.” Mẹ có vẻ hơi bất ngờ vì tôi đã giữ yên lặng gần như suốt dọc đường. “Sao mình lại chờ lâu vậy mới đi khóa tu hở mẹ?”

Chạy theo sự tiêu thụ

Thật là quá mệt mỏi. Cảm giác này theo tôi lên giường ngủ mỗi đêm, và chực sẵn vào buổi sáng khi tôi thức dậy. Năm thứ nhất ở trường đại học đúng như tôi chờ đợi. Cái tôi thao thức là tìm một hướng đi phù hợp, có ý nghĩa thật sự cho cuộc đời mình. Thay vào đó, tôi lại được dạy phải làm sao để “thành công”: làm sao để kiếm ra tiền và giữ tiền. Đó là chưa kể việc tôi phải lo lắng về tiền thuê nhà, bài vở, đơn xin việc làm, quần áo, tiệc tùng, bạn bè và những cái khác nữa mà tôi sẽ phải làm trong suốt cuộc đời. Tôi đã coi nhẹ hạnh phúc của trái tim để chạy theo sự tính toán của lý trí. Tôi bắt đầu cảm thấy chán đời. Bạn bè nói cho tôi biết là nhìn tôi có vẻ xuống sắc quá cho nên tôi cần phải đi chơi nhiều hơn. Thầy cô giáo bắt đầu khảo bài vở tôi nộp trễ, mấy đứa bạn cùng phòng rủ tôi đi chơi vào tối thứ Năm.

Thiếu thực tập và sự yểm trợ của tăng thân, tôi bắt đầu thật sự bị ảnh hưởng. Khóa tu ở Làng Mai như đã xảy ra vào một thời quá xa xôi; tôi bây giờ quá “ngon lành”, quá già dặn để đứng trong vòng tròn, nắm tay và ca hát. Mấy cái đó dễ gì có tác dụng ở ngoài đời.

Thế nên thay vì quay trở lại với tự thân, với hơi thở, và chăm sóc cảm thọ của mình, tôi đi chơi. Mới đầu tiệc tùng có vẻ đầy nhiệt tình, phấn khích, thậm chí cả hạnh phúc nữa. Rồi nó trở thành môt cái gì giống như sự bắt buộc. Bạn bè gặp nhau, thay vì hỏi thăm “Bạn có khỏe không?”, hay “Hôm nay bạn thế nào?”, thì chúng tôi lại hỏi nhau “Tối qua như thế nào?” Không đủ can đảm và không đủ chánh niệm để đối diện với những đau khổ trong tự thân để dừng lại, tôi bị cơn xoáy của tiêu thụ cuốn đi.

Tự dưng tôi sốt ruột chờ bộ phim mới nhất ra mắt, cuốn sách hay CD mới nhất được trình làng, hoặc một cái nhà hàng mới mở. Cuộc sống trở nên nhỏ hẹp lại trong việc tìm ra những phương tiện để thỏa mãn nhu yếu tiêu thụ trong tôi. Sau này, trong lá thư bày tỏ nguyện vọng đi xuất gia, tôi đã ví việc chạy theo sự tiêu thụ của mình như là một ngày trong khu vui chơi. Đứng xếp hàng ba tiếng đồng hồ để chờ đến lượt trượt chơi trên đường sắt có toa lộ thiên với những đường ngoặc và đoạn dốc, vào trượt được 25 giây hưng phấn rồi leo xuống lại và tiếp tục xếp hàng.

Liều thuốc giải nhiệm mầu

Một ngày nọ tôi nhận được một lá thư qua đường bưu điện. Lá thư đó do má tôi gửi. Quá bực mình vì tôi cứ tránh không nói điện thoại, sau cùng má tôi đã viết tất cả những gì bà cảm nhận lên giấy: tất cả có 18 trang. Ba trang đầu bày tỏ sự lo lắng cho sức khỏe của tôi; ba trang kế đầy những lời an ủi và khích lệ. Sáu trang tiếp theo gồm các bảng và sơ đồ tỉ mỉ về chi phí của tôi ở bậc đại học. Và 5 trang cuối cùng tiết lộ rõ ràng tất cả những gì mà má tôi đã trải qua khi mới đặt chân lên nước Mỹ: cuộc vật lộn không vẻ vang gì khi đi qua bậc trung học như một người từ hành tinh khác tới; phải chịu trách nhiệm cho sáu người em vừa trai vừa gái, phải thích nghi với một đất nước hoàn toàn xa lạ – tệ nhất là tất cả những cái này má tôi đã phải trải qua khi không nói được ngôn ngữ địa phương.

Lá thư đó quả là một liều thuốc giải độc thần diệu cho tôi. Má tôi tự tay viết và vẽ sơ đồ, nó quả thật đã cụ thể hóa lòng mẹ thương con là như thế đó. Đọc lá thư, tiếp nhận được nội dung của nó, tôi nhận ra đau khổ của chính mình. Cái đau khổ mà những năm  qua tôi che dấu bằng tiêu thụ, tiệc tùng và cả tư vấn nữa, nay đã được phơi bày. Tôi không còn là nạn nhân của sự tự thương hại, không tự lực và thờ ơ nữa. Đọc lá thư của má, lòng tôi đã bắt đầu được mở ra trở lại. Đồng thời tôi cũng không còn viện cớ “đó chỉ là chuyện của trẻ con” nữa.

Không lâu sau đó, tôi lái xe về phía Nam để đến tu viện Lộc Uyển. Tôi tiếp tục viếng Lộc Uyển thường xuyên, cứ vài tháng một lần. Tôi lái xe lên xuống dọc theo bờ biển California để về đó vào các cuối tuần hoặc vào các kỳ nghỉ xuân. Vào một trong những chuyến đi như vậy, tôi mở hết cửa sổ xe trong khi loa vang vang một CD cổ điển của làng Mai có tên là Rivers thì tự dưng tôi như được thức tỉnh. Cho đến thời điểm ấy, tôi đã lái xe đi về trên con đường cao tốc này hơn 50 lượt nhưng chưa bao giờ nhận ra cái đẹp khi mặt trời lên ở bên tay trái và  cái đẹp của những ngọn núi cao vút nằm bên tay phải của tôi. Đẹp quá! Tại sao tôi có thể lái xe ngang qua đây bao nhiêu năm trời mà không hề nhìn thấy chúng? Tim tôi tự dưng tràn đầy một niềm vui rộng lớn không bờ bến. Chính vào giây phút đó, tôi đã phát nguyện là mình sẽ làm bất cứ một cái gì có thể để được tiếp tục sống thật đầy trong mỗi giây mỗi phút, để mắt tôi không còn bị che, và tai tôi không còn bị điếc trước những nhiệm mầu xung quanh tôi, và trước sự sống nữa! Đó là một bước, dù là một bước nhỏ, mà tôi đã bước từ đó đến Làng Mai, nơi mà cánh tay của tăng thân đang dang ra để đón tôi vào.

Thầy Pháp Siêu rất nhiệt tình trong việc chia sẻ giáo pháp với người trẻ. Thầy đặc biệt thích uống trà và chơi với các huynh đệ khác. Thầy hiện đang sống và thực tập tại chùa Pháp Vân, Xóm Thượng, Làng Mai.

BBT chuyển ngữ từ bản tiếng Anh “The Heartsong” đăng trên Mindfulness Bell.

Bạn đạo

Bài viết của sư cô Hành Nghiêm

Trích từ tạp chí Mindfulness Bell số ra Mùa Hè 2012

BBT chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh Spiritual friends – Waking up in community

Mindfulness Bell – Summer 2012

“Wake Up! Young Buddhists and non-Buddhists for a Healthy and Compassionate Society” (Đoàn Thanh Niên Phật Tử và không-Phật tử cho một Xã hội Lành Mạnh và Từ Bi) là mạng lưới kết nối toàn cầu dành cho các bạn trẻ, những người thực tập sống trong chánh niệm. Nó bắt nguồn từ một đề nghị rất khiêm tốn của Thầy (Sư Ông Làng Mai) về việc người trẻ nên tự mình tạo ra một hướng đi như vậy cho chính họ.

Tại sao? Tại sao người trẻ lại cần phải có một hướng đi cho chính mình? Cái gì là những thử thách đặc thù nhất mà chỉ có thế hệ của họ mới phải đương đầu? Trong xã hội đương đại, các phương tiện truyền thông đại chúng và  quảng cáo đã có những ảnh hưởng quá lớn trong cách suy nghĩ và lối sống của chúng ta. Rất dễ để chúng ta bị kẹt vào việc tin rằng những cái mà ta thấy, nghe hay học được từ họ là chính bản thân mình, là suy nghĩ của mình, hoặc cuộc sống lý tưởng đã được vẽ ra cho mình là cái mà mình đã tự nghĩ ra. Mặc dù truyền thông đại chúng đã giúp cho sự thông tin giữa người với người trở nên dễ dàng hơn trước nhưng trên thực chất, chủ nghĩa cá nhân càng ngày càng phát triển. Kết quả là, có bao nhiêu người trong chúng ta cảm thấy cô đơn, lạc lõng, đầy tuyệt vọng, giận ghét đất nước của mình, tinh thần mệt mỏi, hết năng lượng và không có khả năng kết nối với một bậc lãnh đạo tinh thần?

 

Kết nối

Dù cho mỗi chúng ta biết rõ rằng phim ảnh và truyền thanh truyền hình không phải là thật, ta vẫn có thể bị chúng ảnh hưởng như thường – nhưng nếu chúng ta biết đóng một vai trò chủ động trong cách tạo dáng cho cuộc sống của chính ta, giống như người thợ gốm tạo dáng cho cái bình hoa, thì chúng sẽ không ảnh hưởng ta được nữa. Ta có thể duy trì  sự kiên định bằng cách tiếp xúc với hoài bão của mình trong cuộc sống, với “bài hát của trái tim mình”.  Sự ý thức về cái gì là quan trọng trong đời của mình sẽ giống như ngôi sao Bắc Đẩu hướng chúng ta đi về nẻo mà mình muốn bước. Ta cũng có thể đóng một vai trò chủ động trong việc chuyển hóa những “cục đất sét” của mình (là những sự kiện bất hạnh mà mình phải đi qua trong cuộc sống) làm chúng trở thành hữu ích và đẹp đẽ. Tôi biết là nếu mình trung thực với chính mình, giữ cho được điều đó thật là một thử thách lớn, nhưng nếu mình có những người bạn tinh thần tốt thì thế giới sẽ thay đổi ngay.

Trong khi quán chiếu về lý do tại sao nên có một phong trào Wake Up và một đoàn thể hỗ trợ cho người trẻ, tôi nhận ra rằng sở dĩ cuộc đời mình được chuyển hóa là vì tôi được một đoàn thể như vậy quan tâm chăm sóc. Tôi muốn chia sẻ quan điểm của mình, với tư cách của một người trẻ, về hiệu quả của việc sống trong một đoàn thể mà ở đó tôi đã được hướng dẫn để đi trên con đường của bình an, hạnh phúc và của thương yêu.

Một đoàn thể đáng tin cậy

Đoàn thể của tôi gồm có những người thực tập toàn thời, chủ yếu là xuất sĩ. Đó là một cộng đồng quốc tế, nói nhiều thứ tiếng và có nhiều đức tin khác nhau. Cái làm chúng tôi kết nối lại với nhau là vì ai cũng muốn làm cho cuộc sống mình trở thành có ý nghĩa, có hạnh phúc và có bình an. Chúng tôi đã cam kết sống theo một lối sống dành riêng cho nghệ thuật sống chánh niệm. Càng lúc tôi càng tri ân thời khóa hàng tuần và sự yểm trợ của quý thầy quý sư cô trên con đường  thực tập – đó là những thiện tri thức mà cũng là gia đình tôi có thể tin cậy được.

 

Sư cô Hành Nghiêm cùng tăng thân xuất sĩ tại Trung tâm Phật Học Ứng dụng Á châu – Hongkong


Đoàn thể của tôi chưa phải là hoàn hảo. Là một thầy tu đâu có nghĩa không còn là con người nữa, tất cả chúng tôi vẫn còn những yếu kém của mình: giận dữ, trầm cảm, quá tải và hết xí quách. Ngoài ra chúng tôi cũng vẫn phải đối phó với các vấn đề về quản lý, chính trị, tài chánh và các phi lý khác trong cuộc sống. Tuy nhiên, ngoài các thứ đó ra, may mắn thay chúng tôi còn có sự thao thức muốn sống  một cuộc đời tốt đẹp và có ý nghĩa, muốn xây đắp tình huynh đệ. Công cụ quý giá để thực hiện những thao thức đó là thở trong chánh niệm, ăn trong chánh niệm, thiền hành và thiền tọa.

Đoàn thể của tôi như một cái cây và tôi là hoa trái được lớn lên, được chín tới một cách tự nhiên. Không ai xịt thuốc diệt trùng để làm cho hoa trái to và đẹp ra trong khi chất lượng bên trong thì không màng tới. Trái lại, tôi phát triển một cách tự nhiên bằng phương pháp trồng trọt hữu cơ. Khi sống chung với những người khác, tôi đang học sống chung với chính mình. Quán sát những người khác, tôi học hỏi cách sống một mình và chấp nhận bản thân mình. Những cái khác tôi giao cho Bụt.

Cùng nhau trong mỗi giây mỗi phút

Tương tự như việc cộng đồng xuất sĩ đang yểm trợ và nâng đỡ tôi, phong trào Wake Up cũng có thể yểm trợ và nâng đỡ các bạn trẻ – những người muốn được kết nối với những người khác và muốn sống một cách trọn vẹn. Nó hiến tặng các bạn trẻ một cộng đồng quốc tế bao gồm những người cùng chung chí hướng có khả năng trân quý những thử thách mà họ đang đối diện. Phong trào này có thể hiến tặng tất cả những ưu việt của một cộng đồng cho người trẻ trên toàn thế giới –  nó giúp kết nối một số lượng đông đảo các bạn trẻ có tâm huyết đang muốn làm ra những sự thay đổi và đang muốn sống một cuộc sống đơn giản mà hạnh phúc.

Và bạn, bạn cũng có thể sống cuộc sống mà bạn muốn sống, bằng cách không để cho những quan điểm của chính mình lôi kéo mà chỉ nên học hỏi từ các quan điểm đó mà thôi. Hãy tự tin và nhẹ nhàng với chính mình. Nếu bạn cần sạc pin thêm, hãy nhớ lại những gì có thể nuôi dưỡng được tâm thương yêu của bạn. Hãy tự đãi mình bằng một buổi thiền cuối tuần, cắm trại giữa thiên nhiên, hoặc chơi với bạn bè. Tổ tiên của chúng ta cũng đã từng mơ được thành công, tuy vậy họ cũng đã biết đến tầm quan trọng của sự dừng lại, uống tách trà cùng với xóm giềng. Bởi họ không làm cho mình quá bận rộn với những thứ máy móc vi tính hay các tiện ích khác nên họ đã có thể ý thức đến giới hạn của chính mình. Họ biết khi nào nên nhờ đến sự giúp đỡ của những người lân cận.

 

Đường lên chùa đẹp quá!!!

Xin hãy đến với nhau – thậm chí nếu bạn chỉ có bốn hoặc năm người, vậy cũng đủ rồi. Tất cả chúng ta đều phải thực tập với cái mà mình có.  Thực tập là cái không bao giờ chấm dứt. Tập lắng nghe một người nào đó chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của họ là một việc mà bạn không thể nào làm một lần hoặc hai lần là thuần thục, đó là việc bạn phải làm lần này  qua lần khác.  Dần dần bạn sẽ học lắng nghe một cách khôn khéo hơn, có trí tuệ hơn, và đó chính là điểm khác nhau duy nhất giữa một người có thực tập và một người không thực tập.

Bạn không cần phải là một thiền sư. Một câu mà hiện giờ tôi đang thực tập là: “Cứ bám chặt kế hoạch lúc ban đầu.” Một khi bạn đã có tăng thân để cùng thực tập, bạn hãy nhớ mình đang là một hành giả mà không phải là một vị thánh. Bạn sẽ có những lúc lên lúc xuống, chuyện đó rất bình thường.  Trung kiên với kế hoạch lúc ban đầu: thực tập chánh niệm. Biến những giây phút hạnh phúc cũng như những giây phút khổ đau mà bạn phải đi qua thành một cuộc phiêu lưu bạn nhé.

Sư cô Hành Nghiêm hiện đang sống và thực tập tại trung tâm Phật Học Ứng dụng Á châu, đảo Lantau, Hongkong.

Chuyến viếng thăm đặc biệt

Trường tiểu học Phật pháp (Dharma Primary School) là một trường tiểu học và nhà trẻ cộng đồng ở Brighton, Anh quốc. Ở đây học sinh được học trong một môi trường rất an toàn và nuôi dưỡng. Hàng ngày, song song với việc học các môn học thông thường trong chương trình giáo dục quốc gia , các em còn được dạy các phương pháp hành thiền và thực tập chánh niệm, được thầy cô giáo khuyến khích và hướng dẫn để các em phát triển khả năng quán chiếu nhìn sâu, phát khởi lòng từ bi, định và tuệ. BBT xin giới thiệu một bài viết được đăng trên http://www.dharmaschool.co.uk vào ngày 22.10.2012, nhân dịp quý thầy và sư cô Làng Mai đến thăm và hướng dẫn thiền tập cho các em học sinh và thầy cô giáo tại đây.

 

Hôm nay trường chúng tôi đón một nhóm 5 thầy và 3 sư cô từ Làng Mai đến thăm. Quý thầy và sư cô đã chơi 2 tiếng đồng hồ với các em học sinh, đã hát, kể chuyện và chia sẻ với các em một vài bài thực tập căn bản về chánh niệm nhưng rất là hữu hiệu.

Sư cô An Nghiêm nhắn nhủ chúng tôi về sự hữu dụng của việc “thỉnh chuông” vì nó có thể nhắc nhở ta trở về tập trung tâm ý. Các em đã bàn thảo để tìm ra những cách sử dụng chuông chánh niệm ở trường học, và lúc nào thì có thể sử dụng nó để giúp ích cho mình: “giúp tập trung dễ hơn trước khi làm bài tập”, “giúp làm mọi người dịu xuống khi có một cuộc cãi vã” và “giúp mình tiếp xúc với cảm thọ thật sự của mình”. Sau đó sư cô mời các em lần lượt “thỉnh chuông” làm các em rất thích thú.

 

“Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe, tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm”

Sư cô An Nghiêm hướng dẫn các em thỉnh chuông


Thầy Pháp Lưu mời quít cho từng người, và rồi chúng tôi học cách lột vỏ quít, ăn quít một cách chậm rãi trong chánh niệm, thưởng thức màu cam tươi sáng của vỏ quít, mùi thơm và tiếng dòn tan của vỏ quít khi chúng tôi kê sát trái quít vào tai và nhẹ nhàng lột vỏ làm thành một dải dài trước khi bỏ một múi quít vào miệng và nhấm nháp hương vị của nó.

Chúng tôi cũng học cách “vỗ tay yên lặng” và cách trở về với chính mình bằng cách theo dõi hơi thở và hát những bài làm chúng tôi phấn khởi như là “Thở vào Thở ra” (Breathing in, Breathing out), hoặc “Tôi yêu thiên nhiên” (I love nature).

Tôi yêu thiên nhiên, thiên nhiên thật là tuyệt vời

Rừng cây là lớp học, trái đất là mái trường

Cây cối là thầy cô, thú vật là bè bạn

Và trong trường học này tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào nhau.

Năng lượng của tăng đoàn  ấm áp, sự vui tính của họ tỏa lan qua chúng tôi (rất dễ lây), tất cả chúng tôi đã rất thưởng thức buổi chiều hôm đó. Chúng tôi thật tri ân quý thầy quý sư cô đã dành ra thời gian của một chuyến đi khá bận để ghé thăm trường và hy vọng là các vị sẽ trở lại thêm nữa.

(nguyên bản tiếng Anh)

Wake Up

Thầy Pháp Lưu

Sau khi tốt nghiệp đại học, sống và làm việc vài năm ở Tây Ban Nha và Pháp, Thầy Pháp Lưu xuất gia vào năm 2003 tại Làng Mai. Thầy được Sư Ông Làng Mai truyền đăng giáo thọ vào năm 2011. Thầy đã tham gia hướng dẫn các khóa tu ở Châu Âu, Châu Á và ở Mỹ. Thầy đã lớn lên trong những cánh rừng và bên những dòng sông của miền Tây Connecticut. Hiện tại thầy đang sống và hành trì ở chùa Pháp Vân, làng Mai, Pháp Quốc. Bài viết sau đây của thầy, được đăng trên Mindfulness Bell số 60 Hè 2012, sẽ giúp các bạn hình dung rõ hơn về xuất phát của phong trào Wake Up và tấm lòng của Sư Ông dành cho người trẻ.

Thiền hành với Sư Ông (Thầy Pháp Lưu đi phía sau, bên phải)

Tháng Năm 2008, thầy Pháp Thanh, thầy Pháp Hộ, thầy Pháp Xả và tôi đến gặp Sư Ông ở Hà Nội trước khi trở về Mỹ. Từ lúc chúng tôi đến cho tới khi chúng tôi bước ra cửa để rời đi, Sư Ông chỉ bàn một chuyện duy nhất: làm sao để chúng ta có thể chia sẻ sự thực tập với người trẻ? Thời gian này tôi đang sống ở Lộc Uyển (chùa làng Mai ở Escondido, Mỹ), ở đó có rất nhiều người trẻ lui tới. Chúng tôi đã tổ chức những khóa tu cho các trường học, cho teens, thậm chí có một nhóm sinh viên đại học đã đến ở lại thực tập cả nửa tháng. Tuy nhiên cái mà Sư Ông muốn bắt đầu là một trào lưu thực tập cho người trẻ khắp nơi trên thế giới. Quay về làng Mai vào mùa hè, Sư Ông lại tiếp tục đề cập tới chuyện đó. Thầy Pháp Linh và Sư cô Hiến Nghiêm, lúc ấy vừa mới xuất gia, tiếp nhận một cách đúng lúc thông điệp đó của Sư Ông, nên không lâu sau đó đã cùng với nhiều thầy và sư cô trẻ khác cùng với sự tiếp sức của các bạn thiền sinh, đã lập nên một trang web, làm những bộ phim, và tìm ra nhiều cách khác để tiếp cận các bạn trẻ. Rồi một hôm thầy Pháp Linh điện thoại cho tôi, hỏi tôi có muốn làm người liên lạc chính cho Wake Up ở bên Mỹ không. Wake Up đã bắt đầu hiện diện trong trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội của Sư Ông và Sư cô Chân Không ở Việt Nam rồi, và nó đã được tiếp tục trong các khóa tu cho người trẻ ở Làng Mai. Chương trình Wake Up thế là đã bắt đầu được hình thành.

Namo Avalokiteshvaraya – Thầy Pháp Linh (người Pháp, đàn), Thầy Pháp Lưu (người Mỹ, trống)

Tôi bắt đầu nhận ra là vấn đề không nằm ở chỗ là mình chỉ chia sẻ pháp môn thực tập chánh niệm với người trẻ; vì như vậy giống như tôi đã biết hết tất cả rồi, tôi chỉ cần trao cho họ những trí huệ đã chứng ngộ của tôi thôi. Nhưng không phải như vậy. Wake Up là cùng nhau tìm ra đáp số cho những trăn trở chung của chúng ta về cộng đồng môi sinh, về sự đa dạng trong văn hóa, về tâm nguyện. Ngoài ra nó còn liên quan đến những bế tắc đã làm cho chúng ta có một nền tảng chung về hạnh phúc và về đau khổ. Và tất cả những vấn đề nêu trên không có cách nào để giải quyết dứt khoát một lần.

Nương tựa vào sự Hòa hợp

Tinh thần của Wake Up là gì? Đó một  tâm nguyện cộng đồng để cùng nhau tìm hướng ra cho mọi việc, bằng thân và bằng tâm của mình, cố gắng hết lòng, trong từng giây từng phút. Có nghĩa là mình trở lại với hơi thở khi bị căng thẳng và nương tựa vào cái thấy sáng suốt của người khác, dù có khi mình nghĩ ý kiến của mình là hay nhất. Cũng có nghĩa là mình thức tỉnh để thấy được sự có mặt và tâm nguyện của anh chị em mình, ngay cả những khi mình bất đồng ý kiến để tìm ra được sự hòa điệu dù là chúng ta có sự khác biệt về nguồn gốc văn hóa, giống nòi, giới tính và tầng lớp xuất thân.

Các chuyến Wake Up được “đo cắt theo ni” để có thể đáp ứng được nhu cầu về vật chất, tinh thần và kinh tế của người trẻ. Thường thì chúng tôi dùng thời gian dành cho tăng đoàn chia sẻ trong các chuyến hoằng pháp cho Wake Up để giới thiệu những thực tập cơ bản nhất của Làng Mai cho các bạn trẻ. Chúng tôi cho pháp thoại ngắn thôi và mời các bạn thực tập các pháp môn đơn giản.  Chúng tôi ngồi thiền, thở, đi, ăn, thư giãn, lắng nghe sâu và khi nói thì nói trong chánh niệm và với tình thương. Sau mỗi hai giờ sinh hoạt lại có một khoảng thời gian gọi là “down-time”, đó là thời gian để quý thầy, sư cô cùng các bạn trẻ có thể giao lưu với những bạn mới tham gia lần đầu và để làm thân với họ. Ngoài ra, chúng tôi còn cố gắng tiết kiệm tối đa để các bạn không phải chi phí quá nhiều, từ việc quý thầy và sư cô di chuyển trên những chiếc xe van chất đầy người đến việc tăng đoàn ngủ trên sàn nhà của các bạn trong tăng thân địa phương. Cũng như mọi khi, phần lớn các chi phí đều phụ thuộc vào những tấm lòng rộng rãi của các thiền sinh “người lớn”.

Thầy Pháp Lưu đang gieo cùng các bạn trẻ gieo hạt giống từ hòa

Năm 2010, chúng tôi đã tổ chức 2 chuyến Wake Up: một chuyến ở Anh, và một chuyến ở quê hương tôi – nước Mỹ. Có bảy thầy và sư cô đi Anh vào mùa xuân, trong khi đó có 11 vị đã đến Bắc Mỹ vào mùa thu năm đó. Sư Ông đã dạy chúng tôi rằng khi đi du hóa, chúng tôi đi chung như một dòng sông. Dù đôi lúc sông có rẽ ra hai ba nhánh khi đi ngang một cái cù lao nhỏ, nhưng bao giờ cuối cùng chúng cũng nhập lại một giòng.

Trong tay của bạn đó

Những dòng sông này không lâu sẽ chảy ngang quê bạn đó. Sau khi bài viết này được đăng trên Mindfulness Bell, một chuyến Wake up nữa đã được tổ chức ở California, cùng lúc với các anh chị em trong trào lưu Ngược Dòng (Agaisnt the Stream – được phát động bởi Noah Levine, tác giả của Dharma Punx). Một số hồ sẽ được ngập nước ở Italy khi dòng chảy đi ngang đó; ngoài ra có năm thầy và sư cô sẽ đến 3 thành phố lớn nhất của Tây Ban Nha. Quý thầy và sư cô ở Viện Phật Học  Ứng Dụng Châu Âu sẽ yểm trợ cho một chuyến Wake Up ở Hòa Lan. Hiện tại  (Hè 2012) kế hoạch cho chuyến đi đầu tiên ở Đức và chuyến đi thứ hai ở Anh vào mùa thu này đang được thực hiện.

Các Thầy cô làng Mai cùng bạn trẻ Wake Up – England (nước Anh) 2012

Không thể diễn tả hết được bằng lời năng lượng của trào lưu Wake Up. Nếu bạn cảm thấy hứng khởi và được đánh động khi đọc những giòng này, mời bạn vào thăm các trang nhà có liên quan của chúng tôi trên mạng:

Trang nhà của Wake Up: www.wkup.org cùng với các trang nhà Wake up của các địa phương: Mỹ:  www.us.wkup.org hoặc Anh: www.uk.wkup.org, … hoặc

Wake Up trên Facebook (truy cập qua tên nước hoặc vùng), hoặc

Videos về các chuyến Wake Up qua You Tube, và qua trang nhà của Wake Up

Chúng tôi vẫn còn đang tiếp tục công việc tập hợp tài liệu và dữ liệu có liên quan đến Wake Up, nhưng đó lại là một cái đẹp khác của Wake Up: nó là một trào lưu có tính cách sâu sát với thực tế hàng ngày và nó đang ở  trong tay của chính bạn. Chúng tôi thực sự cũng không biết chính xác cái gì đang diễn ra ngoài kia, bởi vì những khóa tu mới, những bài thơ, bài hát mới, những câu chuyện mới đang diễn ra và đang được sáng tác hàng ngày.

Nếu bạn là một người trẻ, hãy bắt đầu lập ra một nhóm Wake Up ở trường bạn đang học hoặc ở tại nhà. Nếu bạn không còn là một người trẻ, xin hãy tìm cách yểm trợ hoặc tinh thần hoặc vật chất cho Wake Up. Bạn có thể cho Wake Up sử dụng không gian nhà bạn để gặp gỡ hoặc bạn có thể tham gia vào một nhóm Wake Up và có mặt để hổ trợ, nhưng hãy để các bạn trẻ tự hướng dẫn lấy, bạn cũng có thể tặng một vé (máy bay, tàu lửa, …) cho họ để họ đi dự một khóa tu gần nơi bạn cư ngụ, hay đi Làng Mai.

Xin cám ơn tình thương, sự quan tâm và yểm trợ của bạn. Thật sự là không hề có một giới hạn nào trong những cái này hết cả.

Dòng tâm dâng thầy

Kính bạch Sư Ông!

Từ lâu con đã nuôi dưỡng ước muốn viết thư cho Sư Ông nhưng lại có  suy nghĩ: mỗi ngày chắc sẽ có hằng trăm, hàng ngàn bức thư được gửi cho Sư Ông, vậy thì làm sao lá thư của con có cơ hội được mở! Nỗi e ngại đó lớn mạnh quá. Thành ra ước muốn viết thư cứ yếu dần, yếu dần. Gần đây, con đọc được lá thư của Sư Ông trong đó có câu:

“Thầy luôn có thì giờ đọc thư từng đứa con của Thầy và lắng nghe các con.”

Mặc dù con  chỉ là một người cư sĩ bình thường nhưng khi thấy những lời này thì ước muốn ngày nào lại sống dậy. Con xin được mạnh dạn gởi những dòng đơn sơ dưới đây dâng lên Sư Ông.

Vì  không có kinh nghiệm tu tập sâu sắc nào để mà chia sẽ, con chỉ xin được dâng lên Sư Ông 2 bài thi kệ nhỏ . Đó là bài “Vào facebook” của con và bài “Đi xe buýt” của em Củ Cải Nhỏ.

Ở Việt Nam, như Sư Ông cũng biết là tình trạng giao thông rất  rối loạn. Chúng ta có thể kể ra vô số những nguyên nhân. Và để có được một giải pháp tháo gỡ thì cũng không phải là chuyện dễ dàng. Chúng con cũng chỉ là những cá nhân đơn lẻ và biệt lập. Hiểu biết cũng còn nông cạn nên không có ý muốn đưa ra một phương cách nào để đổi thay. Chúng con chỉ xin bắt đầu từ chính mình, từ chính sự thực tập của mình.

Mỗi khi lên xe buýt thì Củ Cải Nhỏ thầm đọc bài kệ:

Bước chân lên xe buýt

Xin chớ có chen nhau

Hãy thở cho thật sâu

Vì ta là con Bụt

Ngay lập tức, Củ Cải Nhỏ có thể trở về hơi thở và dừng lại được tập khí tranh giành, chen lấn của mình. Khi thực tập như vậy thì có thể em Củ Cải Nhỏ sẽ không có chỗ ngồi tốt. Nhưng em sẽ giữ được sự bình an và điềm tĩnh. Và con nghĩ rằng không chỉ là em mà rất nhiều người xung quanh sẽ được nuôi dưỡng bởi sự bình an và điềm tĩnh đó.

Còn khi vào facebook thì con thầm đọc bài kệ:

Mỗi lần vào facebook

Ta tránh đi lang thang

Tập viết lời dịu dàng

Nguyện tìm về miền sáng

Ngày nay, có nhiều người trẻ cho biết là sẽ thấy sự sống của mình trở nên vô vị nếu không sử dụng facebook. Bản thân con thì hầu như là ngày nào cũng vào mạng xã hội này. Và con thấy rõ ràng là dần dần mình đã huân tập thói quen đi lang thang. Hiển nhiên là khi mình đi lang thang như vậy thì rất dễ đánh mất hơi thở chánh niệm. Và mình có thể sẽ viết những lời bình luận, nhắn gửi không có ý thức, không có dễ thương.

Vì vậy từ khi thực tập bài kệ này thì con thấy tình trạng của mình đã được chuyển hóa một phần nào. Khi sáng tác, anh em chúng con không đặt nặng yếu tố văn chương. Mình đọc lên thấy xuôi tai là được. Và vì bài kệ liên hệ và dính líu quá mật thiết với sự sống của mình nên chúng con cảm thấy rất hữu ích và hết lòng thực tập.

Kính bạch Sư Ông!

Chúng con cũng đã chia sẻ hai bài kệ trên với anh chị em đồng tu trên facebook. Chúng con thấy vui khi nhiều người đã đón nhận và thực tập cùng chúng con. Chúng con đã thực tập những bài Thi Kệ Nhật Dụng và thu được rất nhiều lợi lạc từ đó.

Và mặc dù sự tu học vẫn còn chưa được vững chãi nhưng chúng con tự thấy mình phải có trách nhiệm làm mới và đóng góp thêm những hoa trái của mình.

Đạo Tràng Mai Thôn đang ở trong những thời khắc ăn mừng 30 năm ngày biểu hiện. Vậy nên chúng con xin cúi đầu dâng lên Sư Ông 2 bài kệ đơn sơ này để hòa chung vào không khí đó.

Với lòng biết ơn,

Con của Sư Ông

Dạ Lai Hương