Thư gửi bố

Bố và con, một nắm cơm muối mè mẹ gói làm lương thực vào Nam trên chuyến tàu 28 Tết vắng tanh. Con ăn hết 2 phần 3 gói cơm một cách ngon lành mà chẳng buồn bận tâm. Năm ấy, bố 35 tuổi – con 3 tuổi rưỡi.

Con học hàng xóm nói "Hà Lội", "Hà Lội", bố đã dành cả buổi chiều dẫn con đi dạo và dạy cho con phát âm cho chính xác "L" và "N". Bố đã rất hạnh phúc khi chơi với con phải không! Vì nếu hạnh phúc ít đi một chút thì dễ gì dành đến 3 – 4 tiếng đống hồ để sửa cho ai một điều nhỏ nhoi như vậy. Bố 35 tuổi rưỡi – con 4 tuổi.

Con thích làm Nin-Ja, không có tiền mua kiếm nhựa ngoài phố. Bố đi tìm hai thanh gỗ về làm kiếm cho con. Tối đó con đeo kiếm sang nhà chú bộ đội hàng xóm vỗ ngực tự xưng "Ta là Nin-Ja!". Chú ấy bảo Nin-Ja là phải biết thuật ẩn thân. Con liền chui ngay vào gầm giường. Chú lại bảo Nin-Ja là phải biết uống rượu. Con một hơi cạn hết chén rượu thuốc chú để trên mâm. Mười phút sau con lảo đảo về nhà, nôn thốc nôn tháo, mẹ bảo con nôn cả ra máu. Chú sang thăm con và xin lỗi. Lúc đó hình như bố giận chú lắm. Bố 36 tuổi – con 4 tuổi rưỡi.

Bố đi tìm con khắp nơi không thấy. Đến cuối buổi chiều mới thấy con đang ngồi chễm chệ trên nóc bể nước chung cư 5 tầng. Bố lôi con về nhà và đánh một trận ra trò. Đó là lần đầu tiên con bị đánh đau như thế. Chắc hôm ấy bố đã sợ lắm phải không! Bố 38 tuổi – con vào lớp một.

Hôm đó dọn nhà chuẩn bị ăn Tết, con mở tủ của mẹ và thấy tấm chứng minh thư cũ của bố. Trông bố gầy và xanh lắm, có lẽ còn gầy hơn con bây giờ. Mẹ đã kể cho con nghe rằng lúc đó bố làm việc ở cảng Ba Son. Trong một lần khuân vác nặng, người vác cùng với bố đã buông tay mà không báo trước. Bố ngã và bị chấn thương cột sống. Sau quá trình vật lý trị liệu bố được xuất viện nhưng bố sút cân nhiều và mất đi phần lớn sức lực. Với cái cột sống như thế, một người vợ trẻ cùng đứa con trai còn chưa đến tuổi được nhà trẻ nhận, phải sống nơi đất khách quê người. Con chẳng biết con liệu có thể làm gì nếu là bố ngày ấy. Thế mà bố đã bắt đầu với hai quyển sách mỏng trên tay, tập nâng lên và hạ xuống mỗi ngày cho đến khi có thể đạp xe chở hai mẹ con con đi dạo biển. Từ đó bố luôn bắt con phải ngồi cho thật thẳng. Sau khi nghe mẹ kể sự tích ấy, con biết bố là người đàn ông mạnh nhất hành tinh! Bố 40 tuổi- đang đi biển… tết này chỉ có hai mẹ con.

Mặc dù điểm tổng kết cuối năm của con không cao như đã hứa hẹn, bố vẫn mua tặng con chiếc xe đạp cào cào thay cho chiếc mini nhật màu đỏ. Tuy chỉ là xe cũ tân trang lại nhưng khi đến trường con vẫn thấy mình thật hoành tráng. Xe của con cao nhất trường. Bố 46 tuổi- con lên lớp 9.

Trưa ấy, sau giờ lên lớp sáng về nhà con đề nghị bố lắp cho con thêm một cái yên sau trên chiếc cào cào mà chỉ mới 2 năm trước đây con nhất quyết chọn nó vì nó không có yên sau. Con viện lý do "có yên thì lâu lâu chở mấy thằng bạn đi chơi bóng cũng vui". Bố chỉ tủm tỉm cười gật đầu. Con đồng ý đi thọ bát quan trai trên chùa với bố cứ 2 tuần một lần. Rồi không lâu sau cả nhà mình quy y Tam Bảo và nhận 5 giới một lần. Hôm ấy con thấy bố rất vui. Có lẽ vì bố đã tìm ra con đường tâm linh cho gia đình mình. Bố 49 tuổi – con 17.

Con chia tay với bạn ấy. Chúng con thích nhau vì những điểm đồng điệu chúng con thấy ở người kia. Chúng con chia tay nhau vì những điểm khác nhau chúng con không chấp nhận được ở người kia. Lúc đó con mới biết bố đã thương mẹ nhiều đến thế nào. Bố 50 tuổi – con lên đại học.

Ngày con nhìn bố và em xuống tóc. Tuy xuất thân từ tầng lớp nông phu, tuy không được học hành nhiều, tuy đồng lương của bố chẳng dư giả là bao, nhưng bố đã lèo lái con thuyền gia đình ta đến được nơi tốt nhất dành cho nó. Bố đã sống, kiên nhẫn và yêu thương bằng trọn vẹn con người mình. Con thật tự hào là con của bố. Bố 55 – con 23.

Bây giờ con tuy không còn cơ hội ở bên bố nhiều như xưa nữa. Nhưng càng lớn con lại càng thấy bố hiện diện trong con rõ ràng đến lạ. Từ những góc cạnh trên khuôn mặt chữ điền, cho đến cách nói năng hành xử. Hồi con còn nhỏ, khi nựng má con, bố vẫn hay nghiến hai hàm răng lại với nhau kêu ken két, nghiến chặt đến nỗi đôi lúc bố làm con sợ phát khóc. Ấy thế mà chẳng biết tự khi nào con cũng có thói quen nghiến chặt hai hàm răng lại khi thấy em con sao mà dễ "ghét" đến thế. Rồi cách bố mỉm cười khi cả nhà bên nhau hay thậm chí cách bố âm thầm tìm một góc khuất để đón nhận những niềm đau bất ngờ đến với cuộc đời mình. Con cũng thấy con giống bố. Có lẽ như lời Bụt dạy, tình cảm ruột thịt còn nhiều thiếu sót và tiềm ẩn trong đó nhiều hạt giống khổ đau. Nhưng con cũng biết rằng, không dễ tìm đâu ra thứ tình cảm thứ hai nào như thế trong cuộc đời này.

Tối hôm đó con ngồi xem lại đoạn phim mình quay đại chúng tụng kinh trong khóa tu tiếng Việt. Khi từng gương mặt anh chị em lần lượt xuất hiện trên khung hình, con giật mình khi thấy ai như chính con trên ấy, hóa ra là em bố ạ! Bây giờ em giống con và giống bố lắm. Lúc ấy con biết rằng con có thể nhìn em như cách bố đã nhìn con. Con có thể thương em như cách bố đã thương con. Con có thể dạy em sống chân thành như cách bố đã từng dạy con. Và con cũng biết, con có thể mạnh mẽ hơn và hơn nữa, vì con luôn có bố nơi con.

Chúc bố ăn ngon, tu giỏi, ngủ ngon!

Con của bố

Tâm Đức Khang

(Hình ảnh trong bài chỉ mang tính chất minh họa)

 

Chú tiểu xưa

Chú được thiền sư cho phép vào chùa vào một buổi sáng, xuống tóc, chỉ để lại một lõn tóc nhỏ, trở thành một chú tiểu, một đứa con của Bụt. Chú thấy rất vui, chú đã ngồi yên bên gốc đa nhiều tuổi và nhớ lại những kỷ niệm trong đời mình.

Đó là khi…

Lúc còn ở nhà, chú chỉ là đứa trẻ cùng lũ bạn đi chơi cả ngày. Nhờ sự giúp đỡ của bà con lối xóm, gia đình bạn bè nên chú đã đủ nghị lực để tìm tới đây gặp thầy. Chú nhớ lại tuổi thơ nhiều lúc mình đã làm cho mọi người khổ vì những trò tinh nghịch. 17 tuổi mà chú đã cao quá chừng, người ốm mảnh khảnh.

Rồi mùa phượng đến cũng khiến lòng chú thoang thoáng hình ảnh trường lớp, thầy cô bạn bè, tất cả những kỉ niệm mà chú đã từng có… Mùa hè đã gắn liền với những cánh diều thật đẹp tự tay chú làm, những cậu bạn đã phải trầm trồ ngưỡng mộ khi thấy nó. Đi thả diều trên những cánh đồng vừa cắt xong thì thật tuyệt, đi tắm suối, chơi những trò chơi của mùa hè cũng không kém phần vui.

Rồi khi làm một chú tiểu trong chùa, công việc của chú thường chỉ là quét lá, ngồi thiền, học kinh sách… Chú ở với 7 chú điệu nữa, một căn phòng thật rộng, có một giàn thiên lí ra hoa đều vào mỗi buổi sáng. Tuổi nhỏ nên hay đói. Những khi như vậy, chú thường đi hái những bông hoa thiên lý về luộc chấm với nước tương, rất ngon. Cạnh phòng cũng có thêm một vườn hoa nhỏ bé xinh xinh khép cánh mỗi tối về, chú cười vì hoa cũng phải ngủ chứ.

Chú nghĩ rằng đi tu là sướng nhất. Ở ngoài ba mẹ mình suốt ngày phải buôn bán cái này cái kia, để có tiền nuôi gia đình. Đi tu, chú thấy thật tự do, không bị dòng đời ràng buộc. Sở thích của chú là chinh phục những đỉnh núi cao ngất, ngắm bình minh, hoàng hôn, trăng sao ngày tròn. Ngước nhìn lên đỉnh núi mây xoắn lại với nhau thật đẹp, chú từng hứa là khi nào mãn mùa An cư, vào những sáng sớm chú sẽ lên đó chơi để ngắm cái bao la của núi rừng, ôm mây về với trà để lòng chú cũng bao la như sông núi vậy. Nghĩ như thế làm chú háo hức mong cho ngày đó đến quá chừng.

Một lần vào buổi sáng, chú đang ngồi chơi với những con cào cào sau khi quét lá xong, bỗng thấy vật gì cứ cào cào sau lưng. Chú tưởng rắn liền ngã nhào về phía trước, rồi chuyện gì đến: Bốp! Một nhục kế đã xuất hiện vì đầu chú va vào gốc đa. Chú vừa đau vừa sợ, ngoái nhìn ra phía sau thì hóa ra là một chú sóc trắng, tay đang che miệng kêu chít chít. Chú nghĩ sóc đang cười mình, định bắt, sóc lém lỉnh phi thân lên cây xanh rồi tự tin quay đầu lại cười hồn nhiên với chú. “Thôi sóc chẳng có ý hại chú đâu, sóc chỉ đùa xí thôi mà, có thể hôm nay sóc cảm thấy cô đơn vì không có bạn chơi cùng”. Nghĩ như vậy, chú thấy hết giận sóc liền, chú mỉm cười khi học được bài học yêu thương đầu tiên trong đời.

 

Chú còn nhớ thêm một buổi sáng nữa, một buổi sáng thật đặc biệt. Chú thức dậy sớm hơn để chuẩn bị đồ dùng và nước nóng mà thầy chú dặn từ hôm qua. Xong, chú quét dọn trước sân chùa, hôm đó chú quét có đôi chút khá hơn mọi ngày, chú tâm hơn, rất cẩn thận không làm chết những sinh vật bé nhỏ dưới mặt đất. Những chiếc lá vàng quét rồi quay lại như muốn giữ chú không muốn chú đi. Chú thấy hôm đó thời gian trôi rất chậm, cảnh vật thơ mộng hơn trong từng đợt chổi chú quét. Chú tự hỏi có phải vì những lần trước mình làm mọi thứ đều nhanh cho nên sự sống đã tẻ nhạt đi?

Chuông ăn sáng lúc nào cũng gần đúng bảy giờ mới được thỉnh, quét lá xong, chú mặc áo tràng bưng mâm cơm và bình nước nóng lên phòng thầy. Đã bảy giờ mà trên triền núi vẫn còn ngập sương, từng đám mây mỏng cuộn vào nhau. Lên phòng thầy chỉ mất khoảng năm phút. Ngước nhìn lại triền núi, mặt trời đã lên chiếu những tia nắng dịu vàng, thế là sương, mây không còn ở đó nữa. Chú nói mây không chết, sương cũng không chết, mây và sương đang trốn trong hang hay ở đâu đó mà chú chưa tìm ra thôi. Bởi vì sáng nào chú cũng thấy chúng kia mà. Chú tới phòng thầy thì cửa đã mở như chờ chú từ lâu:

– Cốc… cốc… cốc. Bạch thầy, con đã chuẩn bị thức ăn và nước nóng rồi đây ạ!

Thầy nói:

– Ừ, con đem vào đây, rồi pha trà, thầy cũng muốn nói chuyện với con một chút!

Chú chuẩn bị xong đâu đó, pha trà mời thầy. Chú uống trà cùng thầy thật từ tốn, vài phút sau thầy nhìn vào mắt chú hiền từ mở lời trước:

– Con ở với thầy được mấy năm rồi nhỉ?

– Dạ thưa thầy, con ở với thầy đã 3 năm ạ?

– Thầy muốn gửi con đến một môi trường mới, pháp môn tu tập rõ ràng, có tăng thân yểm trợ, để giúp đời sống tu học của con được hạnh phúc hơn, con thấy thế nào?

Chú bỗng dưng thấy ngậm ngùi, dòng cảm xúc trào lên ở cổ họng. Chú rất mừng khi nghe thầy nói như vậy, đó là môi trường chú hằng mơ ước. Nhưng cũng qua lời gợi ý đó, chú cảm nhận được tình thương của thầy. Chú đang lưỡng lự phân vân tìm câu trả lời.

Nhưng Người đã cảm nhận được những tâm tư đó qua ánh mắt long lanh của chú. Người nói:

– Con đừng buồn khi phải xa thầy, hãy đi để thấy mình rộng lớn hơn, khi con có sự tu học thật sự, thì thầy trò mình gần nhau quá đỗi, hãy đi bằng niềm tin và lòng dũng cảm, con nhé! Nói đoạn, thầy để ly trà xuống và đặt bàn tay vào vai chú. Chưa bao giờ chú thấy xúc động như thế, chú bật khóc và ngả vào lòng Thầy.

Vậy đó, những điều đặc biệt đều đến với chú vào những buổi sáng. Nên sáng nay chú có mặt ở đây, một bầu trời mới, những huynh đệ mới. Ở đây tuy không có những lọn tóc dài vắt qua tai, nhưng cũng dễ thương không kém những chú điệu của chú hồi ở chùa. Viện Vườn Ươm Làng Mai Thái Lan, chú mỉm cười vì ở đây có tất cả, chú thấy lòng mình bao la không kém gì cảnh vật nơi này. Đi ngắm những đám mây bồng bềnh qua lại, dám chắc rằng mình đã gặp chúng ngày hôm qua. Chú thở thật sâu và nhớ đến người thầy cũ, lại mỉm cười khi biết rằng Người cũng đang ngồi thật yên ở quê hương, nhấp từng cụm mây chú ngắm.

Trời Trung Hậu

Thiền hành trong mưa

Con xin giới thiệu con là Trời Trong Sáng, năm nay con 13 tuổi. Con ở tại Làng Mai Thái Lan và con xuất gia được ba tháng rồi. Hôm nay con  xin viết lại một buổi thiền hành trong mưa.

Chiều hôm đó…

Ăn cơm xong, con lên làm thiền đường để kịp giờ đi thiền hành cùng đại chúng. Con được đại chúng cho con thực tập làm tri thiền đường cũng đã lâu, và con được Thầy Pháp Thệ chia con làm đội trưởng. Mấy anh trong tri thiền đường của con lúc nào cũng chọc con là trưởng ban tri thiền đường. Làm thiền đường gần xong thì trời lại mưa. Cơn mưa lúc đầu nhỏ lắm, nhưng một lúc sau thì to dần. Lúc đó, con nghĩ là sẽ không đi thiền hành nữa, nhưng không ngờ con làm vừa xong thì có chuông đi thiền hành. Con nói: “Ư! Răng mưa ri mà cũng đi thiền hành à?” Nói rồi, con đi ra.

Ngày hôm nay, đúng là một ngày “sáng nắng, chiều mưa, trưa râm râm”. Bây giờ con không muốn đi, nhưng cũng phải đi. Con đi ra thì đại chúng đang đứng hát thiền ca trong tăng xá. Hát xong, đại chúng định là đi trong tăng xá, nhưng Ôn Thủ Tọa dạy là đi ngoài mưa luôn. Thế rồi, những cây dù từ từ được “chụp lên” và đại chúng từ từ bước đi.

Ồ! Thật là mát mẻ, khung cảnh ở đây và bây giờ đây thật là tuyệt vời. Những cành hoa và lá đang nở một nụ cười thật tươi để tiếp nhận tình thương bao la, rộng  lớn của bầu trời. Những cây cỏ non bên cạnh đường mới đây mà đã cao bằng người con luôn. Còn những cây keo đang lớn thì bắt đầu vươn mình lên thẳng để tiếp nhận những giọt nước mưa mát mẻ qua những tháng ngày nắng nóng. Và con đường mòn quanh co với mảnh đất khô khan bây giờ đã mềm nhũn. Xung quanh con, ai ai cũng cầm một cây dù nho nhỏ dễ thương. Bên phải của con là sư anh Trung Hậu. Sư anh Hiện Pháp từ ở sau đi đến bên tay trái của con, con nhìn qua và nói nhỏ “Trời ơi! Là cây dù“. Tại vì cây dù của sư anh Hiện Pháp to nhất chúng. Cây dù của sư anh Hiện Pháp to gấp hai lần cây dù bình thường luôn. “Ghê quá!” Mọi người xung quanh con vẫn đang bước thật nhẹ nhàng, con bây giờ cũng đã trở về với hơi thở và bước những bước thật nhẹ nhàng. Con đi được một đoạn thì đến một dốc cao, con đi ở đằng sau đại chúng, và con thấy được một khung cảnh rất đẹp hiện lên trong mắt con. Đó là một đoàn người đi như một dòng sông, trên tay mọi người cầm một cây dù. Con nhìn mọi người như là những cây nấm và những cây nấm này di chuyển một cách chậm rãi và nhẹ nhàng. Mỗi cây dù có một màu khác nhau đang di chuyển, có những cây nấm to, có cây nấm nhỏ, và thế rồi có một cây nấm chúa xuất hiện. Cây nấm này có màu nâu và rất to, to hơn những cây nấm khác. Và rồi cây nấm chúa hòa với những cây nấm khác và đi từng bước thảnh thơi.

Đi được một lúc thì con lại thấy khác, con thấy mọi người như là những bông hoa với màu sắc rất đẹp, đang đem sự tươi mát của mình đi khắp nơi để hiến tặng. Con thấy đại chúng thực tập rất là giỏi, trời mưa như vậy mà cũng đi thiền hành ngoài trời nữa. Nghĩ đến đó con bắt đầu thực tập theo đại chúng. Con vừa đi vừa theo dõi bước chân, hơi thở và con nghe tiếng “tộp, tộp” của nước mưa rơi vào dù. Viết đến đây con lại nhớ một hình ảnh, người mẹ gánh hàng rong đi bán ngoài trời mưa. Mỗi khi con nghĩ đến đây, con lại nhớ mẹ con. Con còn nhớ rất rõ đó là một hình ảnh mẹ con đi bán cá lúc trời đang mưa. Tay mẹ con nách một thau và một rỗ cá, mẹ con mang áo mưa, nón và đôi chân mẹ mang một đôi dép cao su. Mẹ con vừa ốm mà vừa hấp tấp đem thau cá lên cho kịp chợ để bán. Con ở nhà cứ một chút là con chạy ra ngoài hiên nhìn coi mẹ đã về chưa. Nếu con gặp dì nào trong xóm con về trước thì con lại hỏi dì: “Dì ơi, mạ con về chưa?” Dì đó trả lời: “Mạ gần về trên rồi!” Nghe rồi con lại chạy vào nhà. Mỗi khi mẹ đi chợ về là cũng mua đồ ăn sáng cho con, nhưng những lúc đó con không đói bụng, mà con chỉ muốn mẹ về. Con cũng không biết răng nữa. Đến khi mẹ về, thì con mừng rỡ, con chạy ra thì con được mì hoặc gì đó để ăn sáng và có khi mẹ con còn mua cóc, ổi, quýt về cho con. Mẹ cũng mua cho bà và ông nội con nữa. Nhà bà ở gần nhà con, còn nhà ông nội thì cách nhà con tám xóm. Con thấy ba mẹ con thật là có hiếu. Và nhờ như vậy mà những hạt giống tốt trong con đã được nuôi lớn lên.

Ngoài trời vẫn còn mưa, con thấy đây là một buổi đi thiền hành rất vui. Con thấy rất hạnh phúc nếu như con làm biếng thì con không thể thấy được cảnh đẹp và hạnh phúc như vậy. Bây giờ con tự nói với con là không làm biếng nữa. Nếu mình làm biếng thì mình sẽ mất đi cơ hội đẹp như vậy.

Con Trời Trong Sáng

Hoa cỏ lau

Dưới khung trời bao la, trong vòng tay bảo bọc ôm ấp của dải núi dài, giữa mảnh đất đá dày, những bông hoa cỏ lau đang mọc cao dần, nó nở hoa rất đẹp khi mọc bên nhau, lấp lánh không khác gì hoa tuyết. Nhiều người yêu thích những vẻ đẹp của những hoa có màu sắc sang trọng, nhưng con thích cái vẻ đẹp tự nhiên của bông hoa cỏ lau, đơn giản mà vô giá bên những con đường mòn mỗi chiều bước đi!

Hồi còn nhỏ, chắc mỗi cô bé, cậu bé trong chúng ta ai cũng đã từng được hỏi: “Lớn lên, em sẽ làm nghề gì?” Đối với những bé chưa từng trải nghiệm cuộc sống và chỉ thích chơi những gì mình thích thì làm sao có thể định được mình muốn làm gì khi lớn lên được trong khi đó những người lớn hay hỏi câu này hoài. Khi con được hỏi câu này, con thấy mình vẫn chưa tìm ra câu trả lời, chắc phải để thời gian cho câu trả lời tự nhiên đến mà thôi.

Lúc 8 tuổi, còn đang học lớp 2, con đã hay theo mẹ đi thăm nhà bác con trong ngày nghỉ học cuối tuần. Bác con là nông dân làm vườn, một trong những vùng bưởi ngon nổi tiếng nhất chính là quê con. Vườn của bác rộng lớn trồng bưởi từng hàng và đào những mương nước ở giữa mỗi hàng cây, đủ chỗ để cho mấy bác cháu chèo thuyền theo đường nước đi xung quanh vườn. Con cảm thấy rất thích đi trên những con đường trong vườn vì có thể nhìn thấy cánh đồng sát nhà bên và những hàng thông cao cao xa xa, có khi con nằm dưới cây và tận hưởng làn gió mát luôn luôn, thấy rất dễ chịu. Ôi! Chỉ thế thôi, cuộc đời thật là thong dong. Vì chán nản những đời sống bận rộn, xa cách thế giới tự nhiên, ví dụ phải thức dậy sớm rồi chạy đi cho kịp giờ đến trường, sau đó cô giáo bảo mình làm này, làm nọ, nhiều khi cũng hoan hỷ nhưng cũng có khi áp lực và ngày cuối tuần có cơ hội như thế thì quá sướng rồi. Bác con nhận thấy được sự yêu thích của cháu mình cho nên mới hỏi: “Sao con? Có thích ở đây không? Nếu thích thì lớn lên con qua đây giúp bác làm vườn ở đây đi cho rồi, được ngồi thuyền, được nằm chơi dưới gốc cây mọi ngày, thấy không, quá sướng!”

Đúng rồi, mình có nếp sống của mình rất đơn sơ và tự mình tổ chức không cần chạy theo ai hết, không cần bận rộn mà sống tự nhiên. Lúc mẹ con chào bác con về thì bác nói thêm với con rằng là sau này nó lớn lên sẽ bước theo chân bác làm vườn rồi đó! Lúc ấy, con còn ngây thơ quá, không có khả năng phân biệt lời nói đó là thật hay là giỡn nữa, nhưng con thấy đúng thiệt! Nếu cho con chọn một cách sống, con sẽ chọn cách sống đó, thế thôi!

Sau đó một tuần, lớp con thi học kỳ. Câu hỏi cuối cùng trong bài thi là một câu hỏi tự luận: Trong tương lai, em muốn làm nghề gì? Vì sao? May quá, mới tuần trước trong giờ chơi trong vườn với bác, con đã có câu trả lời! Nên con ghi xuống câu trả lời một cách rất thẳng thắn rằng: Trong tương lai, con muốn làm nông dân làm vườn, bởi vì có gió mát quá! Xong con nộp bài. Mấy tuần sau, cô giáo đi vào lớp với những bước chân nặng trịch rồi với sự bực tức phán rằng: “Các em làm bài thi sao vậy, không ra gì hết! Em Cá Thu (tên con hồi đó)! Học giỏi thế mà muốn làm nông dân hả”? Bị cô la trước mặt các bạn, con cũng không biết mình làm sai gì nữa, bởi vì đó là câu trả lời tự do mà, có phải không? Thế mà cô cũng la cho được, lạ thật!

Con còn nhớ chuyện này mặc dù nó đã qua hơn mười năm rồi, vì nó là lần đầu tiên mà con có thể nhận ra được con đường nào mà mình có thể đi. Nhìn lại con cũng thấy hơi buồn cười mình về cái sự hồn nhiên, thật thà với chính mình qua cái câu trả lời đặc biệt không giống ai. Bây giờ, vườn của bác đã phá bỏ hết rồi và thay thế bằng ruộng, và con cũng không thể theo dấu chân của bác nữa, nhưng có thể trong giờ phút này là con cũng đã là người làm vườn rồi.

Như đại chúng đã học, tâm của mình ví như một khu vườn, ý thức của người làm vườn là phải luôn luôn chăm sóc nó, phải biết tưới nước, chọn lọc những hạt giống tốt và loại bỏ những cây cỏ dại gây tác hại cho vườn của mình và đừng cho nó mọc lên. Cái hạt giống muốn làm một người tự do thời thơ ấu đó bây giờ đã thành sự thật, dù trong hình thức khác, nhưng nó cũng đã được ôm ấp và tưới tẩm cho đến khi con tìm ra, một người làm vườn là một người có nếp sống giản dị, gần gũi thiên nhiên, không đấu tranh với ai để tranh giành quyền lực cả, làm người nghèo mà hoàn toàn không khổ, con đang nói về đời sống người tu sĩ đấy.

Người ta có thể có điện thoại di động, email hoặc facebook và những thứ ấy là những công nghệ có thể kết nối và liên lạc với nhau. Nhưng khi chúng ta trong tu viện thì có trà, có bồ đoàn, tọa cụ, cái cuốc, cái cào thì chúng là những công nghệ liên lạc đặc biệt hơn nữa, mặc dù những thiết bị này không phát ra âm thanh của nó, nhưng cũng có chức năng liên kết huynh đệ lại với nhau. Đôi khi mình không hiểu nhau qua ngôn ngữ, nhưng truyền thông với nhau rất là thân thiện, vừa vui vẻ, vừa thích thú cũng rất là buồn cười nhưng đã đi vào sâu trong trái tim.

Con cũng đã từng trải qua những giai đoạn đó và tâm mình rất thoáng, luôn có những kỷ niệm đẹp và thường thì nó diễn ra khi con làm vườn rau. Tối nay, con đi qua phòng các anh em và ngồi xuống để cùng nhau thưởng thức hương vị và hơi ấm của trà nóng, đây cũng là một khoảng thời gian con thấy thích thú. Trong phòng có một tượng Bụt ngồi thiền nhỏ nằm ngay phía trên bàn trà, bên cạnh còn có một bình hoa nhỏ, trông phong cách cắm hoa thật là đơn sơ, và con cảm giác là thế giới này được mở ra. Đó là thế giới đẹp đẽ của ước mơ, của lý tưởng mà mình cũng như mọi người mong mõi đến và đã hiện ra trước mắt mình chỉ qua một bông hoa nhỏ.

“Bông hoa này làm bằng chất liệu vốn không phải là hoa, nhìn với con mắt của một hành giả thì mình sẽ thấy được bông hoa này thuộc về vương quốc của Chúa và Tịnh Độ của Bụt.”

Con muốn ngồi yên và tiếp xúc với nó một cách sâu sắc để biết rằng chính mình cũng thuộc về nước Chúa, thuộc về tịnh độ của Bụt. Nhiều người trong chúng ta có lý tưởng để xây dựng cho đời, cho thế giới trở thành một nơi bình an, hòa hợp, hạnh phúc và tràn đầy yêu thương. Chúng ta đã đến chung với nhau và sống hòa hợp trong tăng thân, ai trong mỗi người đều đang cảm nhận nó và cũng đang thực hiện điều này.

Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng những gì mà thế giới này có, và cái thế giới khác mà mình đang mơ tưởng, thì nếu nó là “thế giới” và có “con người” thì nó cũng sẽ có đủ những thứ như trong thế giới mình đang sống này thôi. Và khi ta tới đó ta sẽ làm gì? Nếu nhìn kỹ thì ta sẽ thấy được đau khổ cũng cần phải có trong cõi đó để cho nụ hoa từ bi và hiểu biết được mở ra để nó không giảm giá trị của lý tưởng nhưng nó có để cho lý tưởng được thực hiện trọn vẹn. Và nếu ta tới cõi đó thì ta chỉ sống thảnh thơi tự nhiên, không còn gì lo lắng bận tâm cả, ta là một người rãnh rỗi không có gì phải làm gấp gáp, cho nên ta có nhiều cái để làm nhưng không một chút áp lực nào cả.

Nếu mình nghĩ rằng nơi này không phải là thiên đường an lành và cõi tịnh độ là cõi khác, thì nó cũng sẽ khác thật với những gì mình đang sống. Nhưng khi mà mình chịu buông xuống những ý niệm đó và tập chỉ im lặng, lắng sâu và tiếp xúc thì ranh giới giữa hai cõi, hai cái thế thế giới cũng sẽ từ từ mất đi.Vấn đề nằm ở chỗ phẩm chất sự tỉnh thức và sự buông bỏ của mình sẽ cho mình tiếp xúc được với nó đến mức độ bao nhiêu. Tất cả đều do tâm mình tạo ra hết.

Ai cũng đang đứng hai chân trên cùng một trái đất, nhưng chính trái đất này cũng đang chứa đựng ngục tù hoặc như cái hộp khung bốn góc dành cho những ai bị ràng buộc và chạy đuổi theo đối tượng bên ngoài rồi bị rắc rối suốt ngày (có thể suốt đời) nhưng cũng một trái đất này có thể là nơi thiên đàng, nơi an lạc dành cho những người biết sống tự do, buông thư, không có đuổi chạy và nắm lấy cái gì như người ta để cho đời mỏi mệt. Những người này có cái thấy thông suốt và họ biết buông xuống gánh nặng nên rất nhẹ nhàng.

Ai đang chạy đuổi trong vòng xoáy cuộc đời, họ nghĩ là họ làm đúng vì ai cũng đang làm thế. Cho nên, khi họ thấy những người sống thảnh thơi, họ phán rằng: “Anh đứng làm gì đó, chạy đi, nếu không chạy thì làm gì được”! Người nghe cũng chỉ cười thôi nhưng chắc là họ sẽ không đi theo người đó nữa. Trên đời này có người hiểu, có người không hiểu. Con là một người chưa hiểu lắm, nhưng con cũng nhận ra và biết rồi mình nên đi theo ai, đường nào là tốt.

Chiều hôm nay, khi ánh nắng mát mẻ chiếu soi một cách nhẹ nhàng trên bãi cỏ cũ như bảo rằng mặt trời sắp lặn để cho ban ngày chấm dứt và thả thế giới đi vào hơi lạnh khi bóng tối về. Hoa cỏ lau đơn sơ vẫn đứng đong đưa bông trắng mong manh của nó lay theo gió và nhận ánh nắng chiều ấm áp cùng các bông cỏ khác hòa vào không gian bao la bày tỏ sắc đẹp tự nhiên.

Hoa lau không mong mình trở thành hoa hồng cho những người đang yêu tặng nhau, hay trở thành hoa lan để những người ta ngắm trước cửa sổ, hay là trở thành hoa sen thanh tịnh trước bàn Bụt hoặc là những loài hoa có màu sắc tươi đẹp khác để người ta lấy cắm vào bình trang trí chỗ này, chỗ kia. Có thể ngày mai những bông hoa dại này sẽ bị cắt và thả ngoài đường hoặc bị đốt. Nhưng hôm nay hoa dại vẫn mỉm cười và vẫn dâng cho đời cái mầu nhiệm mà không bao giờ lo lắng về ngày mai, không tủi thân hay mặc cảm khi nó không được ai khác quan tâm và chăm sóc. Không cần ai phải đánh giá cho nó, không đòi hỏi sự cung kính, hoa lau chỉ là hoa lau, đứng yên phản chiếu ánh nắng chiều hôm nay cùng những bông hoa cỏ khác thì nó cũng đã quá đủ hạnh phúc rồi.

Con chắp tay cúi đầu ngưỡng mộ với lời chia sẻ đơn giản và quý giá cho đức hạnh bông hoa cỏ lau. Không mấy ngày nữa nó sẽ nằm ngổn ngang trên mặt đất, nhưng con đã mang theo nó lên đường cùng với mình rồi.

Con: Trời Hiện Pháp

Mưa xưa

 

Mưa rơi tí tách bên thềm

Bâng khuâng nỗi nhớ sắc hương quê nhà.

Tối ngày tần tảo thương cha

Lưng còng nhớ mẹ tháng ngày ruộng nương.

Và người chị gái dễ thương

Tìm đường giải thoát cứu thương cho đời.

Thương thằng cu Tí em tôi

Vừa sinh đã mất mẹ buồn cha lo.

Vậy mà tôi có thương cho

Tối ngày bè bạn chẳng lo việc làm.

Ngày ngày thuốc lá bia lon

Lang thang sáng sớm lon ton tối về.

Rồi cảnh mẹ đứng mỏi mòn

Khuya về chống gối mắt buồn chờ ai.

Chờ thằng bất hiếu chứ ai

Cha thường nói thế có gì lạ đâu.

Thế rồi duyên chị mở đàng

Cơ duyên mới biết đạo tràng Mai Thôn.

Và rồi thỏa sức rong chơi

Tu hành giác ngộ yêu đời biết bao.

Tọa thiền quán chiếu thương cha

Thiền hành nhớ mẹ xót xa cõi lòng.

Công cha ví tựa Cửu Long

Nghĩa mẹ ví tựa đáy lòng biển sâu.

Ơn chị chu đáo trước sau

Nguyện đời báo đáp tu hành tinh chuyên.

Sư chú Trời Định Hướng

Tìm lại con đường

Lần đầu tiên con thấy hình ảnh Sư Ông là trên một bìa sách. Hình ảnh ấy khiến cho con ngừng lại. Con chưa bao giờ thấy một khuôn mặt như thế: vừa tươi mát như một cậu bé mới sinh, vừa sâu sắc như một ông tiên bất tử. Và trong đầu con khởi lên một ý niệm kỳ lạ: “Có thể Thầy này sẽ làm Thầy mình trong tương lai”.

Lần đầu tiên con gặp Sư Ông và tăng thân Làng Mai là ở thành phố Paris, trong buổi pháp thoại công cộng. Hình ảnh này khiến cho con dừng lại. Con chưa bao giờ thấy một nhóm người như thế: vừa tĩnh lặng như đêm khuya, vừa hùng hậu như quân đội. Và trong đầu con khởi lên một ý niệm kỳ lạ: “Có thể mình sẽ  nhập đoàn thể này trong tương lai”.

Trên đời này có bao nhiêu cuộc gặp gỡ, bao nhiêu ý muốn khác nhau, vậy thì ta nên trông cậy nơi ai và ta nên nương tựa ở đâu?

Bản thân con có niềm tin nơi luật nghiệp báo. Cái mới thế nào cũng chỉ được làm bằng cái cũ xưa. Nhưng do nguyên nhân nào con đã gặp được Sư Ông và tăng thân, do phước đức lớn lao nào con đã được xuất gia, con không biết. Con chỉ biết là con mang ơn mà thôi.

Thiền hành trên đất mới Thái Lan

Trước khi xuất gia, con dần chết khô giữa lối sống thế tục. Nhìn quanh ở đâu cũng thấy người đi nhanh nhưng nhìn kỹ lại thì không thấy con đường nào cả. Con nhìn thấy đời sống vật chất đang tiêu thụ mỗi chúng ta. Con nhìn thấy thói quen tranh đấu làm cho chúng ta càng ngày càng xa nhau. Vậy nên con chưa bao giờ lấy tiêu chuẩn của xã hội làm tiêu chuẩn của đời con. Con thường hay đi một mình, rất ít khi đi chơi, ít khi tiếp xúc. Tính cô đơn này đã từng là áo giáp cho con tự vệ… nhưng có khi lại là dao sắt cắt vào trái tim. Và mặc dù con đã ít tiếp xúc, mặc dù con tránh được rất nhiều tệ nạn mà bạn bè đã rơi vào, con vẫn gây ra nhiều lỗi lầm. Trong độ tuổi thanh thiếu niên, rõ ràng con đã không có chút cảm hứng nào để chạy theo guồng máy của xã hội. Khi thầy cô giáo hỏi: “Tại sao con vắng mặt trường học nhiều quá vậy? Không muốn tốt nghiệp hay sao?” Con hỏi lại: “Tốt nghiệp để làm gì?”. Lúc mười bảy tuổi con đã học xong rồi. Có người bạn hỏi: “Em là người thông minh, tại sao em không chịu cố gắng một chút mà phải thất bại thế”. Con nói:“Anh hãy nhìn thành phố này, có người đi đường này lại có người đi đường kia, tại sao chúng ta phải trách móc nhau?”.

Kỳ thực hồi đó con chưa biết con sẽ đi về đâu. Con chưa biết sẽ làm gì với cuộc sống của con nhưng con đã quyết định không sa vào lối sống phàm tục. Và trong chiều sâu tâm thức, con đã có sẵn một niềm tin: “Thế nào trên đời này cũng phải có một con đường sáng, một con đường đẹp cho con người đi theo”. Ở nhà cha mẹ con cũng rất lo lắng. Mẹ đề nghị con: “Con có năng khiếu về nghệ thuật, tại sao không làm thiết kế đồ họa?”. Con trả lời: “Làm cái đó là làm quảng cáo để bán đồ vô ích cho người ta. Con không thích!” Mẹ tuyệt vọng nhìn vào mắt con và tâm sự: “Con ơi! Có thể mười năm sau,  chúng ta sẽ nhìn lại và cười nhưng hiện tại xin con hãy giúp mẹ, xin con hãy chọn một con đường đi”. Con lấy vài giây quán chiếu lời mẹ, rồi nhìn mẹ âm thầm, trong ánh mắt có chút xót thương lại một chút nghịch ngợm và nói: “Mẹ hãy cười bây giờ đi!”

Nhớ đến tuổi thanh thiếu niên của con, con không biết con nên tự hào hay xấu hổ. Nhưng dù mình đã đúng hay sai, có một điều phải được công nhận là con đã có nhiều khổ đau. Con đã gặp nhiều khó khăn trong các lĩnh vực tâm lý, sinh lý, tình bạn, tình yêu, trong gia đình và trong trường học… Nhưng có thể nói rằng điều khó nhất đối với con là con không thấy con đường đi trong cuộc đời. Ngay trong khi con đang viết những dòng này, con phải nương về hơi thở để chăm sóc người thiếu niên ấy, ôm ấp người ấy bằng tấm lòng không kỳ thị. Ôm ấp người ấy còn là ôm ấp cả một xã hội đang bị bệnh. Ôm ấp người ấy còn là ôm ấp tất cả những người trẻ trong đó có bạn, người đang đọc những dòng này!

Khi con mười bảy tuổi, con không vào trường đại học mà cũng không đi làm, con chỉ theo cái đam mê lớn của con vào thời đó là rèn luyện và đấu cờ vua. Với sự yểm trợ của cha và câu lạc bộ, con được học với những vị thầy rất xuất sắc. Ở nhà, con tự học rất siêng năng, khoảng sáu tiếng đồng hồ mỗi ngày, có khi đến hơn mười tiếng. Thế giới cờ vua là thế giới vô cùng lý thú cho con trở về nhưng vẫn còn là thế giới của sự lãng quên chứ không phải là con đường thoát. Bên cạnh cờ vua, con còn có tâm ham học võ thuật và tập thể dục. Con coi các môn đó như những cách rất tốt để rèn luyện thân và tâm, nhưng khi con tự hỏi các môn đó có xứng đáng để con đầu tư cả một cuộc sống không, thì con không thể trả lời một cách chắc chắn.

Năm ấy mẹ con đã biết về thiền tập đạo Bụt và đã đến Làng Mai rồi nhưng chưa nói với ai. Một hôm em gái của con hỏi: “Thời gian qua, hình như mẹ hạnh phúc hơn. Mẹ đã làm gì?” Rồi mẹ mới bắt đầu nói về Làng Mai cho con gái nghe. Vài tuần sau, thật may mắn khi Sư Ông lên cho pháp thoại ở Paris, mẹ dẫn các con đi theo. Từ buổi pháp thoại ấy, hình như con chỉ nhớ tới bốn điều sau đây: Một là con đã khóc. Hai là các chữ “giây phút hiện tại” lặp đi lặp lại, và đặc biệt là cái cảm giác kỳ lạ như có một người muốn kêu mình dậy nhưng mình thức dậy không nổi. Ba là Sư Ông thích ngồi thiền cho cha. Bốn là bông hoa chứa đựng cả vũ trụ.

Vài tháng sau, em gái con đi Làng tuy cha chưa cho phép (Cha con là người Liban_Trung Đông. Khi còn trẻ, cha có ý định làm linh mục nhưng sau khi chiến tranh xảy ra, cha đi lính. Hồi đó các nhóm tôn giáo đánh nhau dữ dội và chiến tranh ấy đã tạo ra những vết thương trong lòng cha. Khi đã nhập cư vào Pháp và đám cưới với mẹ thì hai người cam kết với nhau sẽ không bắt con cái phải theo một tôn giáo nào cả, mà để cho các con tự do lựa chọn một khi đã đủ lớn. Vì vậy khi mẹ bắt đầu theo Phật, cha rất khó chịu. Sau đó cha tâm sự với con rằng nếu cha cho phép các con theo một tôn giáo khác với đạo Thiên chúa tức là cha công nhận rằng cha đã chiến đấu không có lý do. Điều này con có thể tưởng tượng rất là khó khăn. Nhưng hồi đó con chưa hiểu cha như bây giờ). Cha bực bội đến mức đe dọa kiện Sư cô Chân Không ra tòa xét xử nếu không đuổi con gái về nhà… nhưng Sư cô không chịu. Theo pháp luật của Pháp, nếu có sự đồng ý của cha hoặc mẹ là được rồi. Sự kiện này đã khiến cha cắt đứt truyền thông với em con hơn một năm và đã là một trong những điều kiện khiến cha mẹ con li dị nhau.

Do đó khi con xin phép đi về Làng, cha cũng không cho. Cha nói rằng con còn quá nhỏ, chưa đủ nhận thức và con nên chờ đợi thêm một năm nữa mới được. Con đã vâng lời cha. Năm ấy, mặc dù chưa được đi nhưng không biết vì sao mỗi khi suy nghĩ tới Làng Mai con thấy có một cảm giác rất ấm áp trong lòng.

Một năm sau con đã mười tám tuổi rồi. Con thưa với cha rằng :“Một năm đã qua, con sẽ đi Làng”. Nhưng cha vẫn không cho phép. Cha tuyên bố rằng nếu con đi thì cha sẽ không cho phép con về nhà nữa. Con khóc, con nói con không muốn mất cha… nhưng… con vẫn đi. Con sẽ nhớ hoài tâm trạng của con trong khi xếp ba lô : “Thà chết còn hơn sống mà không có tự do”. (Và đến ngày hôm nay con vẫn suy nghĩ như thế). Khi ngồi trên xe lửa con đã không biết thật sự mình đang đi đâu và cũng không biết sau khóa tu xong mình sẽ trở về đâu.

Con đến Làng Mai vào buổi tối. Con hơi ngạc nhiên vì thấy người trẻ rất đông nhưng không khí rất tĩnh lặng. Em gái con đã đón chào con. Lúc đó khóa tu người trẻ (Wake up) đã được bắt đầu một hai ngày rồi. Không có chỗ sắp xếp cho con ngủ  nên con đã ở kho thóc chùa Sơn Hạ. Ban đêm rất lạnh, gió lùa vào nhưng con rất thích, không khí miền quê làm cho lòng con thoáng trở lại. Con ngủ một mình ở tầng dưới nhưng ở tầng trên cũng có một người ở là thầy Đức Thành. Trong suốt khóa tu con không nói gì với thầy nhưng phải nói rằng thầy đã là người gây ấn tượng nhất đến con. Mỗi khi con nhìn thầy, con rất là cảm động, con có thể tiếp xúc được với một nguồn hạnh phúc rất sâu và rất lớn… Và trong lòng con có khởi lên một câu hỏi quan trọng :“Con có thể hạnh phúc bằng thầy được không?” Trong khóa tu ấy con đã được học nhiều thứ rất qúy. Con đã được tiếp xúc với mọi người một cách chân thật như con chưa bao giờ từng tiếp xúc. Con đã có thì giờ nói với em gái con rằng con rất thương em. Và quan trọng hơn cả con đã thấy được rằng loài người chúng ta có thể sống một cách khác, một cách chân thật và đầy ý nghĩa.

Sau khóa tu, con ở lại thêm vài ngày, con cũng không muốn về nữa. Nhưng con nghĩ rằng chắc mình phải trở về với cha. Vậy là con đã ráng lên xe lửa về Paris. Khi thấy con trở về, ba hôn con trên má và nói :‘‘Cha cũng không muốn mất con’. Và may mắn hơn nữa là vài tuần sau ba cũng tái lập truyền thông lại và xin lỗi em gái con. Con học võ thật và cờ vua tiếp. Con đi tranh đấu cờ vua chỗ này chỗ kia và khi nào thắng giải thì có thể để dành tiền để chơi tiếp hay là tặng quà cho người khác. Con đã không có nhu cầu gì cho riêng con, con chỉ muốn chơi mà thôi. Con rèn luyện và đánh rất nhiều nhưng hầu như mỗi ngày con nhớ tới Làng Mai và càng suy nghĩ nhiều tới đời sống người xuất gia, càng thấy đời sống ấy rất thích hợp đối với con. Ở nhà mặc dù cha con đã rất kiên nhẫn và rất thương con nhưng càng ngày càng thúc đẩy con phải hòa nhập vào xã hội, không thể chỉ chơi như thế mà thôi.

Có một hôm cha hỏi :“Con thích làm gì nhất trong cuộc sống?’’. Con nói :“Con thích rèn luyện con người con !’Cha nhìn con thật lâu. Ôi lâu thật là lâu! Và trong con cảm thấy rằng cha không hiểu con. Nhưng nhìn lại con thấy mình thật may mắn có được một người cha đã dành thì giờ để đặt câu hỏi ấy một cách chân thật.

P Thệ

Khoảng mười tháng sau, con trở về Làng với ý định xuất gia. Nhưng đó chỉ là lần thứ hai con được đi Làng và trong lòng vẫn còn một số nghi ngờ: “Làng Mai có thật sự giống mình nghĩ hay không? Mình có thật sự sẵn sàng cam kết theo con đường này suốt đời hay không? Mình có thật sự hiểu việc xuất gia là gì chưa? Và mình có biết tương lai sẽ như thế nào không? Và càng suy nghĩ như thế càng làm cho con nghi ngờ và sợ hãi. Đến một buổi tối con ngồi trên giường và nghĩ rằng: ‘‘Tương lai không thể đoán chắc được nhưng có một điều chắc chắn là nếu muốn có hạnh phúc thì nên quyết định bằng trái tim’’. Con lấy giấy bút và viết xuống một câu :‘‘Con xin xuất gia!Rồi con đứng lên đi thẳng vào tăng xá xin gặp thầy Pháp Linh, vì hồi ấy thầy là người con dễ tới gần nhất. Thầy ra ngoài cửa, con đưa tờ giấy ấy, thầy đọc xong rồi nói: ‘‘Em có chắc không? Em còn trẻ, có rất nhiều thì giờ để em quyết định”. Con nói: ‘‘Nếu không xuất gia thì con sẽ không có hạnh phúc’”. Một khi thầy nghe như vậy thì lập tức mặt thầy rạng rỡ lên. Thầy ôm con rồi mời con vào phòng uống trà. Hai người nói chuyện với nhau, nói về cái gì thì con không nhớ rõ nhưng con đã nhớ rằng con đã rất là hạnh phúc.

Khi ra khỏi phòng thầy, con nhìn lên thấy bầu trời đầy sao, con có cảm tưởng chắc chắn mình là người tự do nhất thế giới. Mình đã có tự do để lắng nghe trái tim mình. Mình sẽ đi về đâu, mình không có biết. Phật, Pháp, Tăng là cái gì mình cũng chẳng biết gì nhiều. Nhưng đã biết rằng con đường này là con đường chân chính.

Có nhiều người cho rằng ‘đi tu’ tức là ‘trốn đời’. Nhưng hãy nói cho đầy đủ hơn : trốn đời nào để sống đời nào? Đối với con đi tu có nghĩa là trốn đời sống lãng quên, tiêu thụ, ích kỷ, tranh đua… để đi theo đời sống tỉnh thức, đơn giản, độ lượng và xót thương. Đi tu tức là trốn đời sống giả để nếm cho được đời sống thật. Đi tu tức là trốn đời sống ràng buộc để sống tự do. Đi tu tức là từ chối tham dự vào sự mê mờ của cộng đồng để có thể mở một con đường thoát, một con đường sáng cho nhân loại.

Con kính bạch Sư Ông !

Con kính bạch Đại chúng !

Con muốn đi tu !

Cả đời con đi về hướng ấy, làm sao nói hết trong lá thư nhỏ xíu này ?

Con có cảm tưởng chúng ta được gặp lại nhau sau một thời gian quá lâu. Con thấy thật thoải mái khi ở bên cạnh Thầy và tăng thân. Con không có gì để làm ngoài ra sống cho hạnh phúc, học hiểu và tập thương. Con cảm nhận rằng con cũng có trách nhiệm trong phương hướng mà nhân loại đang tới và con biết rằng cùng với Thầy và tăng thân con có thể làm được một cái gì đó.

Một khi đã viết thư xin xuất gia này con mới thông báo cho gia đình con biết. Con đã không nói với ai trước bởi vì con không muốn bị người khác ảnh hưởng, con muốn cho sự quyết định này là sự quyết định của con. Kết quả : em con khóc, anh con im, mẹ con xỉu còn cha thì la ó… Nhưng dần dần ai cũng hiểu. Mẹ, anh và em con đã đến Làng Mai yểm trợ cho lễ xuất gia của con. Cha đã cần nhiều tháng hơn để hiểu quyết định của con nhưng bây giờ cha chơi rất thân với con và yểm trợ cho đời sống xuất gia của con.

Một cây yếu đuối cần phải trồng lại trong một vùng khác có đủ nắng, đủ mưa. Con đã giống như cái cây ấy. Con đã được trồng lại trong đời sống xuất gia hơn bốn năm rồi. Con đã được cắm rễ một chút. Con đã được hút một chút chất dinh dưỡng rồi. Và lâu lâu con bỗng thấy những lá non mọc, vài ba trái nhỏ nhỏ, ngọt ngọt xuất hiện.

Các trái cây ấy có khi được gọi là ‘pháp lạc’. Đối với con, từ khi xuất gia đến nay, không có ngày nào mà con không nếm, dù ít hay nhiều. Nó có thể biểu hiện dưới hình thức là một niềm sung sướng khi bước một bước chân có ý thức, có thể là một sự bình an trong khi nằm buông thư, cũng có thể là một niềm rung động trong khi đọc một bài kinh, hay là một tiếng cười khi chơi với các huynh đệ, nhưng cũng có thể là giọt nước mắt trị liệu làm cho lòng con êm dịu lại.

Liên hệ giữa con và gia đình huyết thống của con đã tiến bộ rất nhiều. Con cảm thấy con hiểu nhiều hơn và thương nhiều hơn gia đình. Cha mẹ và anh em, ai cũng nói họ rất hạnh phúc được đọc các lá thư con thường gửi về. Trong gia đình con ai cũng được chuyển hóa.

Con cũng biết rằng trong con vẫn còn nhiều khổ đau, nhiều tập khí tiêu cực mà tăng thân phải gánh chịu cùng với con. Cũng như con đang gánh chịu những khổ đau, những tiêu cực của các sư anh, sư em con. Nhưng chúng ta không sợ, không tuyệt vọng. Là bởi vì chúng ta đã chuyển hóa một phần đáng kể những tiêu cực ấy. Là bởi vì chúng ta có niềm tin nơi các pháp môn. Là bởi vì chúng ta có đủ hạnh phúc, đủ bình an, đủ niềm vui, có đủ tình huynh đệ để nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày. Là bởi vì chúng ta đã có một con đường đi. ‘Có một con đường đi’ ở đây có nghĩa là chúng ta có một lý tưởng cao đẹp và chúng ta biết làm sao để thực hiện lý tưởng ấy trong đời sống hàng ngày. Đây là một điều rất may mắn trong cuộc đời mỗi chúng ta.

P Thệ

Ngày hôm nay con đã biết dành thì giờ để trở về với người thiếu niên quá khứ. Con không còn muốn bỏ người ấy nữa bởi vì người ấy là cánh cửa nhiệm mầu cho con có thể tiếp xúc, cảm thông với bao nhiêu người trẻ khác đang khổ đau trên thế giới. Con mong muốn làm sao để cho càng ngày càng được vững chãi, càng có trí tuệ để có thể có mặt cho họ một cách tích cực. Con mong muốn làm sao để có thể giúp được họ như con đã được mọi người giúp đỡ. Biết ơn thì trả ơn.

Con  Chân Pháp Thệ.

Mồ côi

“Đường đời còn nhiều chông gai, ta còn đi mãi, đến cuối đất trời, cho hết kiếp người, thân phận mồ côi, àh ơi, ơi àh, ơi àh, àh ơi…!”

Lời bài hát không biết con nhớ có đúng hay không, nhưng cứ văng vẳng bên tai, nửa như vỗ về, an ủi, nửa như than thở âm thầm, lại thêm một thân phận nữa đang lạc loài, đơn độc. “Mồ côi”! Hai từ nghe qua hết sức đơn giản, hết sức nhẹ nhàng nhưng quá đỗi lạnh lùng cho những ai đang mang trong mình cái thân phận nghèo khổ, khốn nạn này. Còn bất hạnh nào hơn trong cuộc đời bằng bất hạnh của một kẻ mồ côi.

Con người chúng ta, ai cũng cần phải thở để sống, cần ăn uống để khở mạnh và cần yêu thương để biết cảm xúc, biết hạnh phúc. Những hạnh phúc đầu đời bắt nguồn từ tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ. Để từ đó yêu thương được gieo trồng và hạnh phúc được nâng niu. Ấy thế mà có những mảnh đời, vừa mới sinh ra đã mang trong mình cái thân phận bạc bẽo này. Chưa từng được ẵm bồng, chưa từng được chút hơi ấm mặn nồng từ đôi bàn tay cha, bụ hôn ngọt ngào từ đôi môi của mẹ. Cũng có những người gần cuối cuộc đời, mới phải nếm trải thứ cảm giác thiếu vắng tình thương, chơ vơ, lạc lõng giữa chợ đời. Còn con, qua nửa đời người, cái tuổi vừa đủ để cảm nhận sự mất mát lớn lao nhất trong cuộc đời với hai chữ “mồ côi”.

Con nhớ như in cái ngày được tin ba mất, mặc dù khi xa nhà, con đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận những trường hợp như vậy có thể xảy ra. Nhưng khi được hung tin, con đã hết sức bàng hoàng, thảng thốt. Mọi thứ diễn ra quá đột ngột, quá bất ngờ, con chưa thể chấp nhận ngay được. Lúc ấy, bất chợt những kỷ niệm buồn vui, những cảm giác hạnh phúc, ấm áp nhẹ nhàng hay những khổ đau, tuyệt vọng cùng cực chợt ùa về với con, còn mới như hôm qua.

Con nhớ đến những trận đòn roi kinh khiếp, đau đến chết đi sống lại với đầy dẫy những nỗi hờn oán dày vò. Đến những cuộc đập phá đồ đạc tan hoang trong cơn say của ba với lòng khinh bỉ và tuyệt vọng cùng cực. Nhớ đến những lần ba lâm trọng bệnh, cả nhà cùng ôm nhau khóc trước sự chia ly của tử thần, tưởng rằng không qua khỏi. Nhưng cuộc đời vẫn còn thương tưởng đến gia đình mình phải không ba? Con hờn giận ba nhiều lắm, trách móc nhiều hơn khi ba vẫn không thay đổi tính nết, sau khi may mắn vượt qua những thăng trầm của cuộc sống, vẫn tự làm khổ cho ba, cho mẹ và cho chúng con. Bình thường ba rất chu đáo và tốt bụng, nhưng khi rượu vào, là như thể biến thành một con người khác, đáng sợ và nhẫn tâm. Nỗi căm ghét trong con lớn bao nhiêu thì sự lạnh lùng của con với ba được thể hiện càng ngày càng mãnh liệt. Lúc ấy, không hiểu sao con có thể nhẫn tâm với ba đến vậy. Còn gì khổ đau hơn, bị hành hạ nhiều hơn khi con mình không muốn tiếp xúc, không muốn nói chuyện, căm ghét và cô độc mình như thế.

Nhưng ba ơi! Không phải vậy đâu, thật tình con thương ba nhiều lắm! Niềm oán hận, căm ghét ba bao nhiêu thì tình thương, niềm khao khát được thương ba trong con còn lớn hơn gấp bội. Con mơ ước một mái nhà đầm ấm, đầy ắp tiếng cười, những bữa cơm ngon lành với những mẫu chuyện vui. Vì không nói chuyện được với ba nên con hay để ý đến những người đang làm ba quanh mình. Một lần con bắt gặp một người cha trẻ đang tập đi và tập nói cho đứa con trai đầu lòng của mình với tất cả sự nâng niu và hy vọng. Mỗi bước chân của đứa trẻ là những nụ cười sung sướng kèm theo những lời động viên khích lệ của ông bố. Mỗi tiếng gọi papa còn chưa rõ âm vần của đứa con là mỗi lần đôi mắt người cha ánh ngời lên niềm hạnh phúc. Đẹp quá phải không ba, cả hai cha con họ đẹp như những thiên thần, những thiên thần biết yêu thương. Và con chắc rằng, ba cũng đã từng yêu thương con như vậy, hai cha con mình cũng đã từng đẹp như cha con họ phải không ba?

Có một lần ngồi chơi với mẹ, con hỏi rằng sao chân con nhiều sẹo quá vậy? Mẹ cười và kể rằng hồi mới sinh con, khoảng được chừng một tuổi thì ba lâm bệnh nặng. Lúc ấy ba phải ở nhà chăm con, còn mẹ thì phải buôn tảo bán tần để kiếm tiền trang trải thuốc thang và gia đình. Mỗi buổi chiều, ba đã dắt con vừa tập đi vừa để đón mẹ về, khi đón được mẹ, thì mẹ bế con để vào một đầu quang gánh còn đầu kia thì nào là chuối nào là rau chưa bán hết, để gánh con về. Nhưng khi đi, con không chịu ba dắt mà cứ đòi tự đi nên sau nhiều lần té ngã, đã lưu lại những vết sẹo tròn tròn, đầy ấp những kỷ niệm yêu thương đầu đời mà ba dành cho con. Và sau này mỗi lần tắm gội dù vô tình hay cố ý tiếp xúc, chúng cũng đều cho con một thứ cảm giác ấm áp bồi hồi. Vì vậy mà có những lúc con mong được trở lại thời thơ ấu ấy một lần nữa, ba ơi!

Con với ba đã trải qua quá nhiều những kỷ niệm buồn vui phải không ba? Ba có nhớ mùa đông năm ấy? Một mùa đông mà lần đầu tiên, từ khi con có ý thức, con đã cảm nhận được tình yêu thương của ba dành cho con lớn biết nhường nào. Năm ấy, trời bất ngờ nổi cơn giông bão, mưa gió mịt mùng, nước dâng tứ phía, ấy thế mà hai cha con mình lại bệnh cùng lúc nữa chứ, ba thì cảm sốt, đau nhức cả người, còn con thì sốt xuất huyết, hai cơn nóng lạnh đổi thay liên hồi. Vì nước đang lên nên bác sĩ không thể đến điều trị cho hai cha con mình được. Thế là ba phải gắng sức cõng con vượt lũ để đến nhà bác sĩ. Trong cơn mê, con chỉ nghe văng vẳng bên tai lời nói run run vì lạnh của ba rằng: “Ôm chặt vào cổ ba nghe con, đừng có thả!” Ngắn ngủi thôi mà sao lúc ấy nghe sâu lắng quá, hết sức đơn sơ mà thiêng liêng đến diệu kỳ.

Ôi! Tình cha! Không biết đó có phải là thần dược hay không mà giữa những đau nhức nhọc nhằn, giữa những lạnh lùng mưa gió, một làn hơi ấm lan tỏa khắp trong con, cho con cảm giác bình yên, nương tựa. Một cơ thể thiếu niên đang lớn, được ba cõng trên vai bổng trở nên nhỏ bé, nhỏ bé trước một bờ vai gầy gọc nhưng đầy vững chãi, chở che. Một tâm hồn đầy vết tích, thương đau, bổng chốc được xoa dịu và nâng niu. Những giọt nước mắt của con đã chảy dài trên vai ba. Nhưng có lẽ lúc ấy ba không biết, ba cứ ngỡ là nước mưa. Con đã khóc! Khóc trước tình thương lớn ba dành cho con. Khóc trong hạnh phúc đợi chờ.

Ba là giọt nắng Ba ơi!

Cho con sưởi ấm khi trời vào đông

Đời con trôi dạt dòng sông

Đại dương Ba mãi chờ mong con về!

Kể từ hôm ấy, con thương ba nhiều hơn, lòng dặn lòng rằng, sẽ không làm bất cứ một điều gì cho ba mẹ buồn nữa, cố gắng giúp đỡ công việc gia đình cho ba mẹ vui. Nhưng mà ba ơi! Yêu thương là thế đó. Mình thương nhau rất nhiều, nhưng mình chưa hiểu nhau nhiều như mình đã thương, thành ra cha con mình cứ làm khổ nhau hoài. Mình vẫn không thể đến được với nhau. Dẫu chỉ là ngồi chơi tâm sự. Lúc đó, cha con mình còn nhiều vụng về quá phải không ba? Mình không biết cách để tạo dựng một không khí gia đình ấm cúng, là cha con mà mình chưa có một lối đi gần nhất để đến được với nhau. Điều này đã làm con suy nghĩ, thao thức nhiều đêm liền. Con phải tìm một hướng đi, một giải pháp cho gia đình mình.

Và rồi con xuất gia, bởi ở đó con đã tìm thấy những phương cách có thể tháo gỡ được những khó khăn, vụng dại cho con và cho ba. Rồi mình sẽ hàn gắn lại những đổ vỡ, xây dựng lại niềm tin, niềm vui sống cho gia đình. Con đã suy nghĩ như vậy. Nhưng quyết định của con, lại một lần nữa đã làm tăng thêm hố sâu ngăn cách giữa cha con mình. Ba không muốn con đi tu, ba muốn con ở nhà, có vợ, sinh con như ba. Nhưng ba ơi! Con biết đó không phải là cách để mình đi ra những khổ đau, những rạn nứt đã quá lớn. Thế là đỗ vỡ tạo thêm đỗ vỡ, khó khăn chồng chất khó khăn.

Nhưng cuộc đời có thịnh ắt có suy, có đạp phá thì có gầy dựng lại. Và có lẽ trời đất hãy vẫn còn thương cha con mình. Trong một lần ba bệnh nặng, con được về chăm sóc cho ba. Ba có nhớ không? Cái lần mà con đèo ba đi chữa bệnh trên chiếc xe máy cũ nhà của mình, lúc đó ba xanh xao và gầy yếu lắm! Con sợ ba té ngã ở dọc đường nên đã nhắc nhiều lần rằng: “Ba ôm con cho chặt kẽo rơi đó ba!” Ba cũng nhè nhẹ ôm con cho chặt hơn trong đôi tay gầy guộc. Sự chăm sóc của con dẫu còn nhiều vụng về nhưng đã bắt đầu lấp dần những hố sâu ngăn cách giữa cha con mình phải không ba? Và con biết ba cũng cảm nhận được điều này. Dần dần ba khỏi bệnh, cả gia đình hết sức vui mừng.

Rồi từ đó, ba con mình thường ngồi uống trà cùng nhau với sự có mặt của má, bao giận hờn giờ đây đã nhường chỗ cho tha thứ và thương yêu, những lạnh lùng đã được thay thế bằng tâm sự cảm thông và chia sẻ. Trong một lần tâm sự, ba kể rằng, ông nội mất sớm, ba đã mồ côi cha từ lúc tám tuổi, anh chị của ba cũng đã chết trong bom đạn chiến tranh. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng ba đã phải cực nhọc phụ bà nuôi ba đứa em. Lớn lên một chút, ba trở thành trụ cột gia đình chăm lo trong ngoài chu đáo. Cho đến khi cưới má và sinh con, trải qua thời chiến tranh loạn lạc với nhiều oán giận trách móc và nghi ngờ, với một tuổi thơ không êm đềm may mắn nên đã gieo vào tâm hồn ba nhiều khổ đau và vết tích…

Đang kể, đột nhiên ba dừng lại, như có cái gì đó đang nghèn nghẹn trong cổ họng, ngừng lại giây lâu như để kiềm nén xúc cảm, ba thì thầm đủ để con nghe, vì vậy trong cuộc sống hằng ngày, ba có làm điều gì khổ cho mẹ cho con thì hãy thông cảm cho ba nghe. Con nghe ba mà lòng rưng rưng xúc động, niềm cảm thương tràn dâng. Vừa cảm phục và cũng vừa cảm thấy như mình được san sẻ một phần nỗi đau cùng ba. Hôm đó hai cha con mình hạnh phúc lắm. Chắc ba còn nhớ, mình đã thực tập thiền ôm với nhau, người con thì hơi gầy, còn ba thì cao lớn và vững chãi. Ấy vậy mà lúc đó đôi vai trần của ba đã rung lên, đầy thổn thức. Có phải chăng đứa bé đang mang nhiều thương tích trong ba được ôm ấp và vỗ về. Và ba cũng khóc như con. Đó có phải là lần thành công nhất của hai cha con mình không ba? Có phải mảnh vỡ cuối cùng của hạnh phúc đã được ghép lại, cho yêu thương được vun bón xanh mầm.

Nhưng cuộc đời ai biết được chữ “ngờ”, cuộc vui rồi chẳng tày gang, ngày con trở thành trẻ mồ côi chợt ập đến với cái cách mà con không thể nào lường tới được. Con về đến bên xác ba mà nghe hồn rệu rã. Không phải con khóc vì ba mất mà con thương vì cái cách mà ba đã ra đi. Chắc là trước khi mất ba đau đớn nhiều lắm, nhưng lúc ấy, không có con ở bên để san sẻ cùng. Từ nhỏ đến lớn, những khổ đau, những hạnh phúc, những buồn vui, hai cha con mình cùng đều nếm trải. Nhưng lần này, chỉ mình ba đi qua nó.

Ba ơi! Cho con xin chia xớt một phần nỗi đau cuối cùng mà ba đã vượt qua trên cuộc đời này với tình thương và lòng biết ơn vô hạn. Con cúi xuống, ôm xác ba, nâng niu từng vết thương vết xước, với tấc cả tình yêu thương sâu lắng. Con cảm nhận được từng nỗi đau trong ba, rất rõ ràng và sâu sắc. Nhưng mầu nhiệm thay giờ phút linh thiêng, những nỗi đau ấy càng lớn lên trong con bao nhiêu thì chúng lại biến thành một thứ sức mạnh, sức mạnh của thương yêu. Nó làm cho con không còn cảm thấy nhức nhối, chơ vơ và lạc lõng nữa mà trở nên nhẹ nhàng, bình an và sâu lắng. Phải chăng có một sợi dây liên kết yêu thương vô hình nào đó, mà khi cha con mình cùng tiếp xúc thì tất cả những khổ đau, những nhọc nhằn đều được chuyển hóa thành cảm thông, thành thương yêu bất tận. Vậy thì khổ đau nào cho những ai biết yêu thương, biết trân quý và biết giữ gìn.

Vu Lan này, lần đầu tiên mà cũng là mãi mãi, con có phải chọn cho mình một bông hồng màu trắng với sự hối tiếc và trách móc không ba? Con đã tự hỏi phút nào vơi đi mà chỉ là đầy thêm, là mãi mãi. Và những gì ba mẹ trao truyền cho con, con vẫn còn giữ gìn vẹn nguyên không tỳ vết. Ba đã từng mồ côi, con đang là kẻ mồ côi, hai số phận, một dòng đời sinh diệt, nhưng tình yêu thương thì trở nên bất diệt, vĩnh hằng. Màu hoa con cài trên áo sẽ chẳng bao giờ bạc bẽo như vôi khi trái tim con còn nóng, huyết quản con còn thấm nhuận những giọt máu đào của ba mẹ truyền trao.

Con – Chân Thánh Hiệp

Vườn ươm 3

Tìm lại con đường

Thầy Pháp Thệ là người Pháp, xuất gia trong gia đình cây Sen Vàng (ngày 08.03.2009), tại Làng Mai, nước Pháp. Thầy đã tình nguyện về Trung tâm Làng Mai Quốc tế tại Thái Lan để sống và thực tập cùng với các huynh đệ trong tăng thân, mà đa số là người Việt. Thầy thực tập rất dễ thương, luôn có mặt hết lòng cho các bạn trẻ trong phong trào Wake Up. Đặc biệt thầy nói tiếng Việt rất hay. Ban Biên Tập xin phép đăng nguyên văn bài viết bằng tiếng Việt của thầy.

Tìm lại con đường – Xem thêm

Mưa xưa

Bài thơ của sư chú Trời Định Hướng khi còn là một tập sự tại Trung tâm Làng Mai Quốc tế Thái Lan

Mưa xưa – Xem thêm

Hoa cỏ lau

Trời Hiện Pháp là cái tên mà Sư Ông đã đặt cho sư chú. Sư chú là người Thái, tu theo truyền thống Theravada nhưng đã nhập chúng Thái Lan cùng tăng thân tu học với rất nhiều hạnh phúc. Dưới đây là bài chia sẻ bằng tiếng Việt của sư chú…

Hoa cỏ lau – Xem thêm

Thiền hành trong mưa

Ngoài trời vẫn còn mưa, con thấy đây là một buổi đi thiền hành rất vui. Con thấy rất hạnh phúc nếu như con làm biếng thì con không thể thấy được cảnh đẹp và hạnh phúc như vậy. Bây giờ con tự nói với con là không làm biếng nữa. Nếu mình làm biếng thì mình sẽ mất đi cơ hội đẹp như vậy… Trời Trong Sáng

Thiền hành trong mưa – Xem thêm

Chú tiểu xưa

… Con đừng buồn khi phải xa thầy, hãy đi để thấy mình rộng lớn hơn, khi con có sự tu học thật sự, thì thầy trò mình gần nhau quá đỗi, hãy đi bằng niềm tin và lòng dũng cảm, con nhé! Nói đoạn, thầy để ly trà xuống và đặt bàn tay vào vai chú. Chưa bao giờ chú thấy xúc động như thế, chú bật khóc và ngả vào lòng Thầy… Trời Trung Hậu

Chú tiểu xưa – Xem thêm

Con thấy được ba rồi

“Mỗi khi con sử dụng một lời nói dễ thương, lời nói nâng đỡ, lời nói động viên khuyến khích đối với bạn đồng tu của mình là con thấy ngay được ba đang ở trong con. Hạt giống này giúp cho con hòa mình được vào đoàn thể mà con đang sống một cách dễ dàng hơn. Con cám ơn ba nhiều lắm!” – Trời Linh Thứu

Con thấy được ba rồi – Xem thêm

Tu là sống thật

Trích từ bài pháp thoại của Ôn Thủ Tọa (Tu viện Vườn Ươm, Thái Lan) tại tu viện Toàn Giác, Đồng Nai – tháng 6 năm 2013.

Tu là sống thật – Xem thêm

Phỏng vấn thầy Pháp Khâm

Có một lần Thầy Pháp Đệ hỏi là: “Thầy Pháp Khâm, tôi thấy thầy làm việc cũng nhiều, khó khăn cũng có, mà sao tôi thấy thầy vẫn vui? Thầy đừng có nói với tôi là thầy có Bồ đề tâm, tôi biết chuyện đó rồi”(cười). Mình đã trả lời là mình làm việc mà không cần có sự công nhận, có ai nhắc tới thì vui, không ai nhắc đến cũng không sao. MÌnh thấy điều gì tốt, điều gì hay thì mình làm. Chính cái đó làm cho mình có sự sáng tạo. (Thầy Pháp Khâm).

Phỏng vấn thầy Pháp Khâm – Xem thêm

Những ngôi sao từ lòng đất

“Khung cảnh này làm con liên tưởng đến các câu chuyện kể về vẻ đẹp của cảnh thiên đường. Con đã nhìn thật lâu những chiếc đèn ấy nhè nhẹ bay cao, rồi đang dần dần hòa vào những vì sao thật xa trên nền trời cao hay cùng dì Trăng đi chơi giữa bầu trời rộng lớn ấy. Thầy ơi! Con cũng thế, được là một sư cô, được là con của Thầy, con có được rất nhiều không gian và có một cuộc đời thảnh thơi, trong lành, đẹp đẽ y hệt vậy…” – sư cô Tạng Nghiêm.

Những ngôi sao từ lòng đất – Xem thêm