Khi Thầy mới về tới Sài Gòn thì thầy Đức Nghi lên gặp và hãnh diện báo tin là thầy Đức Nghi đã có mấy niệm Phật đường. Tại vì bên Thiên Chúa giáo đông quá nên hễ chỗ nào có nhà thờ Thiên Chúa thì thầy tới mua đất xây niệm Phật đường gần ngay đó. Nếu Thầy Thích Nhất Hạnh thích chỗ nào thì thầy Đức Nghi sẽ cúng dường chỗ đó. Thầy có ghé qua Bảo Lộc và chọn Bát Nhã là chỗ tương đối rộng, xung quanh có đồi, có núi và có dòng suối uốn quanh. Thầy Đức Nghi nói sẵn sàng cúng dường. Mình phụ thầy Đức Nghi xây cư xá Phượng Vĩ có hai tầng cho 70 sư cô gọi là xóm Bếp Lửa Hồng. Vì vậy khi ở Diệu Nghiêm quá chật chội không tiện cho việc tu học các em tập sự nữ nên mình rời Diệu Nghiêm về Bát Nhã. Sau này đông người quá nên mình xây thêm cư xá Liễu Xanh kề bên cư xá Phượng Vĩ cũng nằm trong xóm Bếp Lửa Hồng.
Còn bên nam cũng đông nên mình xây thêm một cư xá ba tầng. Trước nhất là xây nhà bếp to sát cư xá Rừng Tùng của quý thầy. Quý thầy có cư xá ba tầng rất khang trang. Bên mặt cư xá của quý thầy là thiền đường lớn nhất từ trước tới nay: Thiền đường Cánh Đại Bàng. Gần chỗ thầy Đức Nghi ở có nhiều nhà thấp dành cho các sư chú tập sự nhỏ, hồi xưa làm chỗ ở cho các thầy tỳ kheo và các sư chú tập sự xuất gia. Khi mình xây cư xá rồi thì mấy căn nhà nhỏ đó mình dành cho tập sự nam. Sau này vẫn thiếu chỗ nên mình mua một miếng đất bên ngoài để xây một cư xá lớn cho các sư cô gọi là cư xá Mây Đầu Núi.
Cái hay của mấy anh chị Thanh niên Phụng sự Xã hội là họ rất chính xác. Khi nhận bao nhiêu tiền của mình thì thầy Đức Nghi phải làm giấy ký nhận đàng hoàng. Tới khi có 200 em tới tập sự xuất gia thì thầy Đức Nghi viết thư cho Thầy: “Thưa Thầy buổi sáng thấy 200 em đi thiền hành giữa đồi núi Bát Nhã mà con tưởng là trong mơ. Không biết làm sao mà có 200 người trẻ, người có lòng muốn tu như vậy. Con tưởng là trong giấc mơ.” Thơ đó bây giờ Chân Không vẫn còn giữ.
Năm 2005 Thầy về Việt Nam lần đầu. Ngày Tết Thầy giảng ở chùa Pháp Vân và có bói Kiều. Ai cũng thích môn bói Kiều, Chân Không giải thích đây là tâm thức cộng đồng chứ không phải là mê tín dị đoan và tưởng tượng. Khi tu có chánh niệm thì mình có thể chuyển hoá tâm thức cộng đồng yếu kém thành tâm thức cộng đồng tốt. Bói Kiều rất khoa học chứ không phải mê tín dị đoan. Nghe nói như vậy mấy ông cán bộ rất thích. Thầy bói Kiều từ 9 giờ sáng tới 11 giờ thì sau đó đại chúng sắp hàng nhờ Chân Không giải quẻ Kiều. Tới giờ cơm trưa Chân Không vẫn còn giải tiếp, có khi kéo dài tới 11 giờ khuya. Mình dựa trên tuệ giác của cụ Nguyễn Du rồi thêm pháp của Phật vào và mình giải thêm.
Có bà nói: “Tôi có một đứa con dâu dữ lắm, không cho tôi gặp đứa cháu nội nào hết.” Chân Không nói, con dâu bà cũng có tánh tốt, bà lựa tánh tốt của cô rồi bà khen, cô được tưới hoa thì cô mới cho cháu tới thăm bà chứ nếu bà cứ chửi cô hoài thì làm sao cô có thể đưa con tới thăm bà nội.
Bà khác thì nói:
“Nó là dâu mình chứ bộ bà nội mình sao mà sư cô bắt tôi khen nó?”
Chân Không nói:
“Con dâu bà thế nào cũng có tính tốt, nếu không thì tại sao con trai bà lại cưới? Bà khen sắc đẹp của con dâu cũng được như ‘con mặc áo xanh này đẹp quá’ hay ‘bữa nay con bới tóc này rất là dễ thương’. Bà chỉ cần nói vậy thì không khí giữa bà và con dâu sẽ dịu xuống.”
Vài ba hôm sau Chân Không đi chợ thì có bà bán quýt xin tặng một bó sen, bà bán ổi xá lị tặng bảy trái ổi làm Chân Không lớ quớ. Người tặng cái này người tặng cái kia, nói là cúng dường tại vì Chân Không bói Kiều hay quá. Bà đó nghe lời Chân Không về khen con dâu nên bây giờ con dâu dễ thương với bà lắm, ẵm con tới chào bà nội. Như vậy là mình dùng pháp môn giúp cho người căn cứ trên văn hoá Việt Nam của cụ Nguyễn Du.
Xong khoá tu ở chùa Hoằng Pháp thì mình đi thăm thầy Quảng Độ nhưng thầy không tiếp. Mình tới chùa Già Lam gặp thầy Tuệ Sỹ thì thầy Tuệ Sỹ cũng tránh mặt. Thầy Nhất Hạnh nói: “Thầy làm đúng bổn phận của Thầy còn người khác làm sao thì đó là chuyện của họ.” Thầy Trí Quang ngày xưa rất quý Chân Không. Trước khi được học giáo lý với thầy Nhất Hạnh thì Chân Không gặp thầy Trí Quang, thầy cho Chân Không rất nhiều sách quý của đạo Phật bằng tiếng Pháp. Nhưng Chân Không là một nhà hành động, không ưa viết lách nên không thích thú đọc mấy cuốn sách quá cổ điển đó. Chân Không không có thì giờ, thì giờ của Chân Không là chạy tìm gạo lo con nít bị mẹ bắt đi đánh giày ở vùng này, con nít không có trường học ở vùng kia. Thầy Trí Quang cũng có sự không vui, hồi trước nó là đệ tử của mình mà bây giờ nó theo Thầy Nhất Hạnh sát nút. Tại vì Thầy Nhất Hạnh trả lời được những thao thức của Chân Không, mở cho mình những cái kẹt thì mình làm đệ tử của Thầy. Thầy Nhất Hạnh có những cái thấy sâu sắc nhưng Thầy thiếu người để biến những cái thấy đó thành hành động. Thầy gặp Chân Không thì không phải chỉ có mình Chân Không theo Thầy mà cả nhóm bạn 60, 70 người bạn trai, gái, người nào cũng mê cùng làm việc giúp dân nghèo, làm trường học để giúp người đói khổ. Thầy Nhất Hạnh gặp những người bạn làm việc xã hội của Chân Không thì Thầy làm việc sát cánh với nhóm sáu bảy chục bạn ấy và một năm sau làm việc với 300 Thanh niên Phụng sự Xã hội. Thầy Nhất Hạnh hạnh phúc thấy công trình giúp dân quê của Thầy thành công, học trò và Thầy đều hạnh phúc. Nhưng thầy Trí Quang hơi buồn nên không thèm tiếp Chân Không. Thầy Trí Quang nói không tiếp ai hết ngoài Thầy Nhất Hạnh khi phái đoàn về Việt Nam năm 2005.
Hôm gần Tết 2019, Chân Không có đem quà tới đảnh lễ thầy Thanh Từ và đảnh lễ thăm thầy Trí Quang thì thấy thầy Trí Quang cũng đã yếu nhiều.
Trở lại chuyện thầy Huyền Quang năm 2005, tăng đoàn xuất sĩ và cư sĩ Làng Mai ở ngoài am của thầy Huyền Quang tụng kinh Bát Nhã nhưng thầy không mở cửa. Thầy không mở cửa thì cũng không sao, tiếc là không được nghe các sư em Tây phương tụng Bát Nhã Tâm Kinh bằng tiếng Anh và hát nhạc Phật tiếng Anh để thấy Phật giáo Việt Nam đã lan toả ra nước ngoài như thế nào. Phật tử Việt rưng rưng nước mắt. Riêng Chân Không rất thích tu viện Nguyên Thiều Bình Định, nơi thầy Nhất Hạnh được phép cho một khoá tu. Ngày xưa Chân Không gửi quà, gửi thuốc cho thầy Huyền Quang tại vì lúc đó thầy cần thuốc. Thầy đã viết thư cho Chân Không nói: “Cô đã từng vận động hơn 17.000 bức thư để thầy Tuệ Sỹ, thầy Trí Siêu không bị tử hình, một người phụ nữ như vậy rất hiếm có.” Mình tranh đấu hết sức bắt buộc nhà nước phải để cho mình thăm thầy, nhưng về tới đây thăm thầy mà thầy không mở cửa thì thôi, không sao cả. Ở Phật học viện Nguyên Thiều, trời nóng quá thầy Nhất Hạnh ngồi giảng dưới gốc cây xoài. Nhìn thấy cả chục, cả trăm trái xoài xanh đong đưa thì Chân Không thấy sướng quá chừng. Hồi xưa Phật giảng ở vườn xoài của bà Ambapali thì bây giờ Chân Không ngồi trong vườn xoài nghe Thầy mình thuyết pháp rất hạnh phúc cho nên thầy Huyền Quang không tiếp mình cũng không mất hạnh phúc gì hết.
Đề nghị sáu điểm
Sau đợt về đầu tiên thì chính phủ có mời thầy Nhất Hạnh vào gặp ông thủ tướng. Thầy có tính mắc cỡ, không biết vô gặp thủ tướng để làm gì. Nhưng nếu thủ tướng muốn nghe tiếng nói của một người gần gũi dân chúng tại vì trong khi đi giảng Thầy cũng có lắng nghe các thầy và lòng dân ở địa phương thì Thầy đồng ý gặp và đưa lên chính phủ sáu điểm đề nghị để giúp chính phủ hiểu và gần với dân hơn. Sáu điểm đề nghị là dành cho những đảng viên. Thầy chỉ muốn họ mở lòng ra để trở thành Đảng Cộng sản Việt Nam thuần tuý như là biết thờ cúng ông bà. Mình đốt nhang trước bàn thờ thì mùi nhang tượng trưng cho trí tuệ. Mình đứng trước đền Hùng thắp nhang không có gì là mê tín dị đoan hết. Mình thắp hương của sự trong sạch, sự thanh khiết của mình cho đất nước. Vì vậy người Cộng sản Việt Nam phải biết thờ cúng ông bà, thờ cúng tổ tiên, giữ gìn cái hay của văn hoá đất nước.
Đề nghị bảy điểm
Sau đó Thầy đề nghị bảy điểm cho dân. Chân Không không nhớ rõ hết bảy điểm, quý vị muốn tìm hiểu thì xin coi trong Lá thư Làng Mai.
Chính phủ đồng ý cho Làng Mai sinh hoạt ở Việt Nam với điều kiện là Làng Mai trở thành một thành phần trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thầy đề nghị nhà nước không nên làm như vậy. Ở các nước văn minh, bên Công giáo chỉ có một Giáo hội Vatican nhưng bên Phật giáo thì có nhiều Giáo hội như Giáo hội của Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Nam tông… Có bốn, năm Giáo hội Phật giáo cũng đâu có sao, tại sao phải có một Giáo hội thôi? Bên Mỹ cũng có 42 Giáo hội Tin Lành đâu có sao? Từ từ dưới áp lực của Hoa Kỳ nhà nước Việt Nam cũng cho phép hai, ba Giáo hội Tin Lành. Bên Thiên Chúa giáo thì đức giáo hoàng không chịu nên còn bàn bạc. Còn Phật giáo thì chỉ có một Giáo hội Phật giáo thuộc nhà nước thôi.
Lúc sau thấy có đông thầy và sư cô quá mà không lẽ bắt họ chỉ đi giảng ở nước ngoài nên mình muốn xin phép mà cho tới
bây giờ nhà nước chưa đồng ý, đòi mình phải vô Giáo hội nhà nước. Mình không hấp tấp, nếu chưa độ được người ở Việt Nam thì mình độ người Tây phương ở hải ngoại. Ngày nào có nhân duyên đầy đủ thì mình sẽ độ thôi.
Chuyến về Việt Nam lần thứ hai và sự phát triển của Bát Nhã
Hai năm sau đó Thầy về Việt Nam lần thứ hai để lập trai đàn chẩn tế và ghé thăm Bát Nhã. Đệ tử Thầy ở Bát Nhã đã lên đến hơn 200 người, toàn là người trẻ đầy sức sống và tu học rất tươi vui. Họ được nghe Thầy giảng pháp qua internet mỗi tuần và sinh hoạt giống hệt như ở Làng Mai. Các buổi lễ xuất gia cũng được Thầy truyền giới qua internet. Lực lượng tu sĩ trẻ này đã đóng góp rất nhiều cho các buổi lễ Trai đàn Chẩn tế ở Huế và ở Hà Nội. Những ngày quán niệm cuối tuần và các khoá tu đã thu hút rất đông sự yểm trợ của giới cư sĩ toàn quốc và đã có khoá tu tiếng Anh dành cho tăng thân Đông Nam Á được tổ chức ở đây.
Chuyến về Việt Nam lần thứ ba và sự kiện Bát Nhã
Năm 2008, Thầy về Việt Nam lần thứ ba cho sự kiện lễ Vesak lần đầu được tổ chức ở Việt Nam. Vì nhiều nguyên nhân tế nhị trong Giáo hội và Ban Tôn giáo Chính phủ cũng như vì thấy sinh hoạt của người trẻ ở Bát Nhã lớn mạnh nhanh chóng, lúc này đã lên đến gần 400 người nên thầy Đức Nghi rút lại lời hứa, không bảo lãnh cho các tăng ni sinh được tạm trú ở Bát Nhã nữa. Không ở Bát Nhã thì đi đâu? Nên họ tạo nhiều khó khăn trong sinh hoạt, cấm Phật tử tới, cấm tổ chức ngày quán niệm, cho người doạ nạt, để loa 24/24 ầm ầm vô Bát Nhã, mình cũng im lặng và ngồi thiền nhiều hơn, thở nhiều hơn và tụng kinh trong im lặng. Họ cho người tới xét giấy từ 7 giờ tối tới 12 giờ khuya. Mấy cô mấy thầy nói:
“Tội mấy bác công an quá, giờ này đáng lý bác phải về nhà với vợ con. Bác làm việc cả ngày rồi. Thôi để con tặng bác một bài hát.”
Rồi mình hát hết bài này tới bài kia:
“Để tụi con làm thiền trà để đãi mấy bác nha.”
Thầy viết thư dạy: “Con đừng buồn. Họ vô minh không hiểu mình thì mình cứ ăn ở cho dễ thương. Từ từ cái dễ thương của mình hiển lộ ra. Đừng giận! Con nên tập đi một bước chân trong chánh niệm. Đó là đi những bước chân huyền thoại rồi. Nói một lời nói đầy tình thương và sự hiểu biết, đó là lời nói huyền thoại. Con phải giữ từng lời nói, từng bước chân như những lời nói huyền thoại, từng bước chân huyền thoại.” Sau họ mướn người tới chửi. Người chửi đó đi hái trà thì mỗi ngày lãnh 30 ngàn đồng, còn đi chửi nguyên ngày thì họ lãnh 300.000 đồng. Nhiều người chửi nguyên ngày thấy kỳ quá nên thôi, không nhận lời đi chửi dù tiền lương cao bằng mười lần hơn. Lương tâm họ không cho phép họ làm như vậy. Sau họ phải mướn những người ngoài Bắc. Sở dĩ Chân Không biết như vậy là tại vì có mấy sư cô là con, cháu cán bộ cao cấp ở ngoài Bắc. Một bữa cô thấy một nhóm ở Thái Bình vô, nhận ra là người thường đến nhà chú mình:
“Ủa chú, chú thường tới nhà chú của cháu mà, sao chú lại ở đây?”
Ông kia giơ tay lên suỵt:
“Cô đừng nói, tôi đi vô đây làm việc ba ngày. Tôi đã làm việc (chửi) hai ngày rồi, còn một ngày nữa thì tôi về.”
Chửi hoài cũng không được thì ngày đó họ quyết định hành động. Hôm đó trời mưa lớn, mấy thầy đang ngồi thiền thì họ lại khiêng các thầy từ tầng ba xuống dưới đất rồi liệng ra ngoài sân. Thầy này móc tay thầy kia làm thành một vòng xích. Họ thuê taxi tới và công an kéo mấy thầy bỏ vô xe nhưng vừa chạy được khoảng một cây số thì anh taxi mở cửa cho mấy thầy đó xuống. Mấy thầy đi bộ mười mấy cây số ra Bảo Lộc vào chùa của thầy Thái Thuận. Thầy Thái Thuận không thích thầy Đức Nghi. Thầy đã từng viết thư cho Thầy mình khuyên đừng nên tin thầy Đức Nghi. Nhưng mình thấy thầy Đức Nghi nhận của mình cái gì thì cũng ký biên nhận đàng hoàng. Mình nghĩ chắc thầy Đức Nghi bị áp lực nào đó nên cũng thương thầy. Sau khi mấy thầy đi vào chùa Phước Huệ của thầy Thái Thuận thì mấy sư cô cũng phải rời Bát Nhã đi ra đó. Thầy Thái Thuận thấy mình bị đuổi nên đem về nuôi hết. Nhưng công an lại tới bắt buộc thầy Thái Thuận phải đuổi mình. Tội nghiệp thầy Thái Thuận bị áp lực và quấy nhiễu quá chừng. […]
Được tin này, Thầy rất buồn, cuối cùng cầm bút khuyên tất cả các con nên tạm rời chùa Phước Huệ. Ai đi đâu được thì đi. Nếu báo chí đăng tin thầy tu này đâm thầy tu kia thì xấu và dơ quá. Thương quá. Có một số đi về Bắc được sư cô Đàm Nguyện giấu ở chùa Lại Đà, có người về miền Thừa Thiên thì may mắn được ông trưởng ban trị sự Giáo hội PGVN tỉnh Thừa Thiên Huế thương nên không đuổi, cho ở tạm chùa Từ Hiếu và chùa Diệu Nghiêm. Chùa Diệu Nghiêm cũng bị xúi đuổi mình nên mình phải xây Diệu Trạm. Trong khi xây Diệu Trạm thì mình về ở tạm chùa Tây Linh với ni sư Như Minh. Một số đi qua Campuchia. Một số qua Thái Lan và sau đó Làng Mai Thái Lan hay tu viện Vườn Ươm được thành lập.
Tại sao mình có các trung tâm ở Á Châu? Mình nghĩ chỉ lập một trung tâm đàng hoàng ở Việt Nam thôi thì năm 2004 toà đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ xin gặp Thầy. Sư cô Chân Không nói:
“Muốn gặp thiền sư thì phải là thiền sinh tu học ba bốn ngày thì cuối tuần mới có được một tham vấn. Mời quý vị đến Tu viện Lộc Uyển chúng tôi tu ba bốn ngày nhé.”
Mấy ông nhân viên của toà lãnh sự Việt Nam ở San Francisco đồng ý ngay. Họ ở ba ngày rồi được gặp Thầy. Họ nói muốn mời Thầy đi về Việt Nam một chuyến. Mình biết rõ là đồng bào mình ở hải ngoại chia làm hai nhóm, nhóm chống Cộng thấy mình về Việt Nam thì cho mình là Cộng sản. Nhưng Thầy sau đó hỏi ý bàn bạc với các con xuất gia lớn của Thầy và Thầy nói mình không thể bỏ 80 triệu đồng bào của mình sống chết mặc họ được. Dù theo bên nào thì họ cũng đều là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Thầy đưa điều kiện với chánh quyền đương thời ở Việt Nam là:
10 cuốn sách của Thầy phải được cho xuất bản chính thức tại Việt Nam trước khi thầy về nước.
Họ xin một nhóm thương thuyết và giải thích cặn kẽ tại sao phải in trước mười cuốn sách đó…
Thầy đề nghị phải cho phép thầy đi với 100 học trò xuất gia và 200 học trò tại gia, được đi thăm từ Bắc, Trung, Nam Việt Nam và ở mỗi miền Thầy phải được đến những nơi của chư Tổ ngày xưa.
Quan trọng nhất là Thầy được gặp các vị trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ngày xưa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất gửi Thầy đi hải ngoại, cử Thầy đại diện Giáo hội đi kêu gọi hoà bình. Nay quý hoà thượng Thiện Hoà, Thiện Hoa, Thiện Minh đã tịch. Bây giờ hết chiến tranh chỉ còn quý Hoà thượng Huyền Quang và Quảng Độ. Thầy vẫn là bạn của họ. Nếu về, được nhà nước tiếp đón trọng thể mà không gặp họ thì mình là con người phản bạn không có tư cách của một con người bình thường. Mình gặp họ là vì tình bạn. Nếu nhà nước không đồng ý thì Thầy không về. Thầy muốn gặp Thầy Huyền Quang, Thầy Quảng Độ, còn thầy Tuệ Sỹ là học trò của Thầy, là đệ tử lại học rất giỏi nên Thầy cũng muốn gặp.
Một trăm con xuất gia của Thầy phải được ở chùa.
Đại diện Phái đoàn Làng Mai cùng lập chung với đại diện chánh quyền lộ trình sinh hoạt của Thiền sư cùng 100 tu sĩ và 200 cư sĩ đi theo từ ngày nào đến ngày nào.
Thầy Pháp Ấn phải bay sang San Francisco họp mỗi ngày, hai bên làm việc chung 4 giờ buổi sáng 4 giờ buổi chiều, chia sẻ nhau thật nhiều chi tiết. Hai vị tham tá họp đại diện chính quyền Việt Nam điện thoại về Việt Nam hỏi từng điểm. Bên này thầy Pháp Ấn điện về Pháp hỏi Thầy từng điểm: Mười cuốn sách của Thầy là cuốn nào, đại cương nội dung ra sao, tại sao là quyển này mà không phải là những quyển sách khác, tại sao phải có 200 cư sĩ đi theo, ngày nào, thuyết pháp ở đâu, đề tài gì, nội dung nghĩa là sao, tại sao phải đi thăm Thầy Quảng Độ, tại sao phải đi thăm Thầy Huyền Quang.
Cuối cùng thì bên chính quyền Việt Nam cũng chịu. Mình viết một lá thư tường trình cho Hoà thượng Huyền Quang, Hoà thượng Quảng Độ tại sao mình phải về và nhờ nhà nước chuyển các bức thư đó. Nhưng Ban Tôn giáo trong nước đã ém nhẹm thư của Thầy gửi cho hai vị Hoà thượng. Vì sự ém nhẹm ấy nên sự liên lạc không được tốt. Vì thế nên khi Thầy về thì mấy Thầy kia hơi giận. Họ còn bị các chính trị gia ở Paris nói ra nói vô nên họ nghĩ là Thầy Nhất Hạnh đã đầu hàng, đã phản bội họ.
Ba tháng về nước Thầy Nhất Hạnh từ chối không cho báo chí phỏng vấn. Khi báo chí phỏng vấn thì Thầy nói Thầy mới về Việt Nam, chưa biết tình hình ra sao nên không tuyên bố gì hết. Đại diện Thông tấn xã Pháp Agence France Presse phỏng vấn Chân Không, hỏi vì sao nhà nước Việt Nam mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh mà không mời thầy tu Phật giáo Việt Nam khác ở hải ngoại. Chân Không nói:
“Thường thì Thầy chúng tôi Thích Nhất Hạnh chỉ thuyết pháp những lời dạy của Bụt và vì thế từ chối không cho ai treo cờ của bất kỳ chính quyền nào trong lúc thuyết pháp.” […]
Ý của Chân Không trong câu trả lời là Thầy Nhất Hạnh đi giảng Phật pháp không chen vô chính trị. Vì vậy cho nên chính quyền Việt Nam thấy thế đứng của Thầy rất độc lập, rất Phật giáo chứ không theo bên này hay bên kia. Nhưng khi mấy ông chính trị gia người Pháp dịch lại cho các thầy trong nước nghe thì họ bóp méo, nói rằng Chân Không tố các thầy trong nước lén treo cờ của chính quyền cũ trong chùa. Các thầy trong nước hiểu lầm cho nên khi Chân Không liên lạc với Hoà thượng Quảng Độ để xin gặp thì thầy Quảng Độ từ chối.
Trong những năm đầu, thầy Quảng Độ bị lưu đày ở miền Thái Bình, Vũ Thư, Vũ Đoài. Trong lúc còn bị lưu đày nhà nước bắt thầy tự túc, đói khát. Biết khí hậu ở đó rất lạnh nên Chân Không tìm cách gửi cho thầy thuốc men có thể đổi được thành tiền, và gửi hai áo Thermolactile rất ấm mà mỏng cho thầy. Thầy Quảng Độ rất thích, thầy cảm động và khen Chân Không khéo chọn áo ấm. Cứ thỉnh thoảng thầy Quảng Độ gửi cho Chân Không rất nhiều bài thơ thầy sáng tác trong tù. Bên này thầy Nhất Hạnh đã cho Chân Không đánh máy, Thầy bỏ dấu tiếng Việt thật công phu và cho đăng dưới tên Thích Cao Đăng cùng với nhiều bài văn, thơ viết từ trong tù của những thầy tu khác và những văn nghệ sĩ liêm khiết như Doãn Quốc Sỹ, Trần Kha, Linh Thoại. Những ấn phẩm của các nhà văn trong nước phát hành bởi Lá Bối hải ngoại dưới tên Tắm mát ngọn sông đào có bài của Thích Cao Đăng là của Hoà thượng Quảng Độ đó.
Nhưng sau này nghe lời các chính trị gia Paris bóp méo sự thật nên thầy Quảng Độ hiểu lầm, nghĩ là mình phản bội nên không tiếp Phái đoàn của Thiền sư Nhất Hạnh về nước xin thăm viếng ân tình với thầy. Thầy không tiếp thì thầy trò Làng Mai cũng chịu thôi, tại vì thầy Nhất Hạnh về không phải là vì thầy Quảng Độ và thầy Huyền Quang mà là vì 70 – 80 triệu đồng bào Việt Nam, cho dù là ở Việt Nam có chế độ gì đi nữa thì Thầy cũng phải về. Hai trăm đứa con tinh thần của thầy cùng về quê hương tâm linh của cha tinh thần. 100 xuất sĩ và gần 200 cư sĩ theo Thiền sư Nhất Hạnh đi Bình Định thăm thầy Huyền Quang và cho một khoá tu bốn ngày cho xuất sĩ Phật giáo Việt Nam. Mình đi Bình Định như trong chương trình đã vạch sẵn thì thầy Huyền Quang cũng không tiếp. Tuy đi thăm “hụt” thầy Huyền Quang ở Bình Định, Chân Không vẫn hạnh phúc vô cùng vì lần đầu tiên được nghe Pháp Bụt do Thiền sư Nhất Hạnh thuyết trong một khu vườn. Ở đó có những trái xoài đong đưa lủng lẳng, đẹp ơi là đẹp. Ôi vườn xoài của nữ sĩ Ambapali cúng dường Bụt để dân trong vùng ngồi nghe thuyết pháp chắc cũng mát mẻ và đẹp như vườn xoài hôm nay thôi.
Trong chương trình đi giảng dạy từ Bắc chí Nam, hai bên đồng ý gì với nhau thì mình thực hiện đầy đủ hết. Nhưng lúc sau này Thầy khám ra sự liên hệ sâu sắc giữa khoa thần kinh học (neuro-science) và tâm học Phật giáo nên Thầy muốn tới dạy ở các trường Đại học. Dạy ở trường Đại học thì người nghe mới hiểu. Nhưng người thương thuyết không chịu, tại vì dạy trong chùa cho đại chúng bình thường thì không sao mà dạy trong trường Đại học cho các sinh viên thì khác, mình không biết được phản ứng của sinh viên. Chính quyền Việt Nam không đồng ý, Thầy nói không đồng ý thì Thầy không về. Vài ngày sau thì họ trả lời là đồng ý với điều kiện là Thầy giảng trong trường Đại học của Đảng tức là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Sinh viên ở đó toàn là đảng viên cao cấp. Thầy rất vui vì trường Đại học nào thì cũng giống nhau. Thầy cũng muốn giảng ở Viện Nghiên cứu Tôn giáo, bởi ngoài là một nhà Phật học ra, Thầy còn là một sử gia, nên Thầy muốn giảng về chủ đề lịch sử Phật giáo Việt Nam tại Viện Sử học Hà Nội. Cuối cùng họ cũng chịu. Viện thì có khoảng 300 chỗ nhưng cuối cùng họ chỉ cho sắp 80 chỗ, phân nửa cho viện và phân nửa cho mình mời khách.
Buổi giảng đầu tiên khi Thầy về là ở chùa Đình Quán, còn buổi giảng thứ hai là ở Viện Sử học. Thầy giảng rất là có tình thương, sâu sắc, đẹp đẽ. Thầy giảng từng bài kệ của các thiền sư. Sau buổi giảng đầu tiên ở chùa Đình Quán, công an thấy ông thầy này giảng dễ thương quá nên hôm sau họ mới chính thức cho phép mình giảng ở Viện Sử học. Từ từ họ mở lòng ra và mình có buổi giảng ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Các giáo sư của Học viện nắm rất vững lý thuyết Marxisme nhưng họ hỏi câu nào thì Thầy cũng trả lời rât thâm sâu, khiêm cung nên các vị giáo sư rất thương quý lời chia sẻ sâu sắc của ông thầy này.
Mình đánh máy hết buổi giảng, in liền tại chỗ thành một cuốn sách có tên là Cho đất nước đi lên. Nếu các nhà chính trị mà có tuệ giác của Phật thì đất nước mới đi lên được.
Thầy Nhất Hạnh là trụ trì của chùa Từ Hiếu từ khi Sư Cố tịch. Sư Cố để di chúc giao chùa Từ Hiếu cho thầy Nhất Hạnh và giám tự là thầy Chí Mậu. Thầy Nhất Hạnh có nhiều sư anh nhưng Sư Cố không không giao mà năm 1968 trước khi tịch lại để di chúc giao chức trụ trì Từ Hiếu cho Thầy Thích Nhất Hạnh thôi. Trong chuyến về này có 19 người trẻ được xuất gia với Thầy ở chùa Hoằng Pháp và một số đông người trẻ khác cũng có ý muốn xin được tu học và xuất gia theo Thầy nên mình cần một chỗ cho các em nữ đó ở vì bên nam đã có chùa Từ Hiếu rồi.
Mình thương thuyết với sư bà Diệu Nghiêm ở chùa sư nữ kế bên. Chùa này cũng thuộc Từ Hiếu, ngày xưa Sư Cố từng làm trụ trì của Diệu Nghiêm. Nhưng sau khi được đề cử tấn phong trụ trì Từ Hiếu thì Sư Cố giao cho sư bà Diệu Trí làm trụ trì tạm để khi Sư Cố có đệ tử nữ thì cho họ về ở. Mình xin phép sư bà cho mấy em tập sự xuất gia về ở đó. Tuy Diệu Nghiêm là của Từ Hiếu nhưng bây giờ đã có một chúng ni ở đó nên số lượng người ở đông quá có nhiều bất tiện, quý sư cô Diệu Nghiêm hay rầy rà và cố ý gây khó dễ nên mình quyết định rời Diệu Nghiêm vào tu học trong tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc.
Bên Ý mình cũng có một trung tâm. Dĩ nhiên là đi tới đâu thì mình mướn một cái nhà hay một tu viện để tổ chức một khoá tu chừng năm ngày. Trước đó mình cho một buổi giảng công cộng ngoài thành phố như Rome, Napoli, Milan, Turino. Đó là những buổi giảng công cộng có mấy ngàn người tới nghe. Nghe xong họ thích thì họ muốn dự khoá tu. Dự khoá tu xong có lợi lạc thì họ muốn lập trung tâm để tu học thường xuyên hơn. Ở Ý họ có mua một miếng đất. Nhiều giáo thọ Tiếp Hiện cư sĩ đang chăm sóc trung tâm này. Trung tâm cách Rome khoảng một giờ xe về phía đông.
Thầy Pháp Bản là người Ý cũng lớn tuổi rồi. Thầy có nhận gia tài của ba là một căn nhà và biến nó thành một trung tâm. Trong tương lai thầy sẽ cúng trung tâm cho Làng nhưng bây giờ lâu lâu thầy về Làng tu vài bữa rồi trở về lo trung tâm của mình.
Như vậy, ở Ý mình có hai trung tâm, một cái bán chánh thức của thầy Pháp Bản và một cái chánh thức của anh em Tiếp Hiện ở gần Rome.
Ở Đức cũng có một trung tâm thực tập của cư sĩ nhưng không thịnh hành lắm. Khi anh Chân Pháp Nhãn chưa mất, anh có mua một trung tâm chánh niệm do anh điều hành. Anh kêu gọi Karl và Helga Riedle là hai người đã từng qua Làng Mai tu tập trong vài năm. Ba người giáo thọ cư sĩ hùn nhau lập một trung tâm tên là Intersein (Tương Tức). Hai vợ chồng Karl-Helga Riedle thường trú còn anh Chân Pháp Nhãn thì đi đi về về. Họ cho người tập sự Tiếp Hiện vô ở, những người giỏi sau này cũng được làm giáo thọ. Khi anh Chân Pháp Nhãn tịch, Thầy và hai vợ chồng anh Riedle rất muốn chị Ilona (là vợ anh Chân Pháp Nhãn) tiếp tục công việc của Intersein nhưng chị chuyên về thực hành nhịn đói giảm cân chứ không chuyên về chánh niệm nên chị quyết định rút ra. Anh Chân Pháp Nhãn có một đời vợ trước và có con. Anh rất thương mấy đứa cháu ngoại nên có làm giấy chia gia tài cho Ilona, con gái và cháu ngoại. Chị Ilona muốn rút tiền để trả cho con gái và mấy đứa cháu ngoại của anh Chân Pháp Nhãn. Karl và Helga cũng rất hụt hẫng nhưng anh Chân Pháp Nhãn mất rồi thì số người tu học cũng không còn đông. Ngày xưa họ nhận nội trú cả tuần nhưng bây giờ họ chỉ nhận người sáng đi chiều về thôi. Một trung tâm mà thiền sinh sáng đi chiều về thì không dạy được nhiều.
Họ nghe bên Làng, từ một hội nhỏ mình trở thành một congregation tức một Giáo hội lớn (Cộng đồng tu học Giáo hội Làng Mai). Một Giáo hội lớn thì được có tài sản lớn. Pháp và Đức nằm trong Cộng đồng chung Âu Châu cho nên cả EIAB và Intersein cũng có thể trở thành một thành viên của Giáo hội.
Thành ra Karl và Helga có trung tâm Intersein ở Bayern. Anh chị không có con nên sẽ làm chúc thư để trung tâm Inetrsein lại cho Giáo hội Làng Mai. Mấy ông luật sư của mình nói về phương diện nội dung thì EIAB có thể vào Giáo hội bên Pháp nhưng toà nhà sáu tầng sang trọng của EIAB thì phải thuộc về chính phủ Đức tại vì đó là di sản văn hoá của nước Đức và không được bán. Vì vậy mình sẽ có quyết định là, mỗi người chỉ ở một trung tâm 4-5 năm, nếu giỏi thì 7-8 năm rồi phải đổi đi trung tâm khác tại vì mỗi một trung tâm có những khó khăn và thử thách khác nhau. Mình có giỏi bao nhiêu ở Pháp thì cũng nên đi qua Đức để biết những khó khăn bên Đức. Bên Đức giỏi cách mấy cũng nên qua bên Thái để biết những khó khăn bên Thái.
Nhân duyên đưa tới có Trung tâm Tu học tại Đức của Thầy Làng Mai như sau:
Nhu cầu tu học của đại chúng Làng Mai
Tên chính thức của Làng Mai ở Pháp là Viện cao đẳng Phật học Làng Mai (Institut des Hautes Etudes Bouddhiques Village des Pruniers). Trong 20 năm đầu sinh hoạt của Làng Mai, Thầy đã tổ chức rất nhiều khoá tu cho bốn chúng và các khoá học đặc biệt chuyên sâu trong những mùa An Cư Kiết Đông. Nội dung các bài giảng này thuộc các công trình nghiên cứu của Thầy ở trình độ Đại học hoặc sau Đại học. Vì Thầy rất từ bi và muốn giúp đại chúng chuyên tâm vào con đường tu học để chuyển hoá và trị liệu cho chính mình cho nên đại chúng không cần phải học thuộc lòng, không cần phải làm các bài tập thường xuyên ngoại trừ các bài thiền tập và viết bài công phu báo cáo sự tu học mỗi ngày của mình, không cần phải nạp bài viết, hay phải thi lên lớp hay làm bài kiểm tra định kỳ vào cuối các khoá học. Thầy muốn thổi một luồng gió mới vào các tu viện và các trường Phật học trên thế giới để các chương trình đào tạo giáo thọ Phật học này có chiều sâu của sự thực tập và các học viên có thể áp dụng được giáo lý của Đạo Bụt vào trong đời sống hằng ngày thay vì chỉ đặt nặng vào việc học thuộc lòng các lý thuyết và thi cử.
Con đường này tuy vậy vẫn không thoả mãn được nhu cầu muốn học hỏi của một số các vị xuất sĩ. Từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 3 năm 2002, do nguyện vọng của đại chúng xuất sĩ muốn có những lớp học chính thức của một trường Phật học, Thầy và đại chúng đã tố chức các buổi pháp đàm để lắng nghe sâu và để đại chúng có thể đưa ra những kiến nghị cụ thể. Thầy giao cho thầy Pháp Ấn trách nhiệm chính thức hoá (formalizing) hình thức tổ chức tu học tại Làng Mai để có những khoá học do các thầy và các sư cô giáo thọ hướng dẫn dựa trên các khoá tu Thầy đã thực hiện trong quá khứ.
Thầy Pháp Ấn cùng các sư cô Gina, Thoại Nghiêm và Hương Nghiêm đã cố gắng tổ chức lại sự tu học của đại chúng theo hình thức của một Viện cao đẳng Phật học. Chương trình này đã được trình cho Hội đồng Giáo thọ Làng Mai phê chuẩn. Tuy nhiên chương trình chính thức hoá (formalization) này của Làng Mai vẫn chưa thể thực hiện được vì những lý do: Trước hết vì nhu cầu hoằng pháp khắp nơi trên thế giới của Thầy, quý thầy và quý sư cô giáo thọ lớn cần có mặt trong các chuyến hoằng pháp này để phụ giúp Thầy tổ chức các khoá tu và các buổi giảng công cộng với số lượng thiền sinh rất đông đảo, vì vậy thành phần đại chúng và số quý thầy quý sư cô lớn còn lại ở Làng Mai không nhiều; thêm vào đó tại Làng Mai cũng tổ chức rất nhiều các khoá tu lớn định kỳ hằng năm.
Tuệ giác của Thầy về Phật học ứng dụng
Trong suốt thời gian hành đạo tại các nước Tây phương và Á Đông, đặc biệt là sau chuyến đi về Việt Nam năm 2005, Thầy nhận thấy khắp nơi trên thế giới có rất nhiều chương trình giảng dạy Phật pháp xuất sắc trong các viện Đại học.
Tuy nhiên, hầu hết các chương trình này đều nhắm vào mục đích trao truyền cho học viên một số kiến thức về Đạo Bụt hơn là dạy cho họ những phương pháp cụ thể rút từ kho tàng giáo huấn của Bụt giúp xoa dịu những khổ đau, đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thân, gia đình, cộng đồng và cho toàn thế giới. Tại các nước Á châu, nơi mà đạo Bụt được truyền bá sâu rộng như Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam… việc học Phật tại các học viện càng lúc càng đi về hướng lý thuyết, xa rời sự thực tập. Các học viên đến Viện học xong thì về lại trú xứ của mình và đôi khi những điều học được ở trường không phù hợp với cách sinh hoạt tại chùa mình ở nên không áp dụng được.
Từ những điều kiện nêu trên và từ kinh nghiệm giảng dạy trong gần 30 năm qua cho các thiền sinh về Làng Mai tu tập, cũng như cho các thiền sinh đến tham dự những khoá tu được tổ chức khắp nơi trên thế giới, Thầy và hội đồng Giáo thọ Làng Mai nhận thấy cần phải hệ thống hoá cơ sở dạy dỗ, mới giải quyết được nhu cầu càng ngày càng tăng hiện nay cho những người có những khó khăn trong đời sống hiện đại. Nhất là có thể tạo được cơ hội cho những người muốn tiến xa hơn nữa trong vấn đề tu tập, không những để chuyển hoá các tập khí xấu cho chính mình mà còn có thể giúp được người khác chuyển hoá khổ đau.
Để thực hiện được những điều này, Thầy thấy cần phải thành lập một trường Đại học Phật giáo nhấn mạnh việc Ứng dụng đạo Bụt vào đời sống hằng ngày. Thầy đặt tên cho trường Đại học Phật giáo này là Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu.
Về nội dung, Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu sẽ cống hiến một học trình kết hợp trọn vẹn và đầy đủ những giáo điển Phật giáo với những áp dụng cụ thể trên tất cả các bình diện trong đời sống và ngoài xã hội. Về hình thức cơ sở vật chất, Viện sẽ hội đủ các yếu tố như phòng học, phòng ngồi thiền cùng những tiện nghi cho những sự thực tập khác và nhất là đầy đủ chỗ ở cho học viên.
Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu không phải là nơi để các học viên đến để mỗi ngày học một vài tiếng, thu thập một ít lý thuyết về đạo Bụt rồi ra về như tại các khoá học của các phân khoa Phật học trên thế giới, hay tại các Phật học viện ở Việt Nam. Tại các nơi ấy, liên hệ giữa giảng viên và học viên chỉ là thuần tuý trao truyền kiến thức. Học viên đến học để có thể làm được bài thi hầu có được một tín chỉ và mục đích xa hơn nữa là mảnh bằng cử nhân hoặc tiến sĩ Phật học. Có những vị đã trở thành những nhà Phật học nổi tiếng, có thể giảng dạy các kinh điển làu làu nhưng lại không thực hành được điều căn bản mà Đức Thế Tôn thường căn dặn “Đừng đánh mất sự sống trong giây phút hiện tại”. Vì thế khi gặp chuyện khó khăn xảy ra cho chính mình, cho gia đình mình thì vẫn lúng túng không biết giải quyết ra sao, mặc dù vẫn ôm một bụng kinh điển với những lời dạy cao siêu của Đức Thế Tôn. Họ đã quên, hay chưa từng được thực tập và áp dụng những lời Bụt dạy vào đời sống hằng ngày. Trong đời sống văn minh vật chất hiện nay, con người phải đối đầu với bao áp lực từ bên ngoài cũng như áp lực do mình tự tạo ra. Nếu không ý thức thì con người rất dễ bị cuốn hút vào đời sống vật chất, vào các nhu cầu giả tạo.
Giáo lý đạo Bụt giảng dạy ở Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu có tính cách thực tiễn, không mang màu sắc tôn giáo và tất cả mọi người, bất luận theo tôn giáo nào hay không theo tôn giáo nào, đều có thể hưởng được nhiều lợi lạc khi áp dụng nó vào đời sống.
Học viên không bắt buộc phải có những tín chỉ học trình nào trước để được nhận vào học ở Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu. Các lớp học sẽ được tổ chức tại nhiều chi nhánh của Viện trên khắp Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Á.
Học viên sẽ được cấp tín chỉ khi nào hoàn tất mỹ mãn một khoá học. Và nếu hội đủ các tín chỉ cho một học trình được quy định, học viên sẽ được cấp bằng Giáo thọ Phật học ứng dụng (MAD, Master of Applied Buddhism) và Tiến sĩ Phật học ứng dụng (DAB, Doctor of Applied Buddhism).
Quá trình thành lập Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu tại Đức
Giữa tháng 4, năm 2006, Thầy được mời tham dự Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ nhất (China First World Buddhist Forum) từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 4 năm 2006. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1949 chính quyền Trung Quốc cho phép Phật giáo tổ chức một Hội nghị Phật giáo Quốc tế như vậy. Vì quá nhiều việc, Thầy cử một phái đoàn đại diện cho Thầy và tăng thân Làng Mai tham dự. Phái đoàn gồm có thầy Pháp Ấn (người Việt), thầy Pháp Khí (người Pháp), sư cô Giác Nghiêm (người Pháp) và sư cô Tùng Nghiêm (người Mỹ). Vào cuối tháng 4 năm 2006, sau khi phái đoàn trở về, Thầy dạy thầy Pháp Ấn lên Sơn Cốc để gặp Thầy. Khi thầy Pháp Ấn đến, Thầy đang thong thả viết hết thư pháp này đến thư pháp khác chỉ với một dòng chữ: “Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu”. Sau khi viết thư pháp xong, Thầy đi pha trà và dạy thầy Pháp Ấn: “Đây là dự án (project) sắp tới của con sau khi xong công việc ở Việt Nam.”
Vào mùa xuân năm 2006, các ý tưởng và dự kiến về việc thành lập một Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu đã từ từ hình thành rõ nét trong tâm thức của Thầy. Thầy thấy rõ Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu sẽ là một nhịp cầu nối liền giữa các trung tâm chuyên về thực tập (như trung tâm Làng Mai) và các chương trình giảng dạy Phật pháp tại các viện Đại học trên thế giới (Buddhist Studies Program).
Nhưng Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu sẽ được thành lập tại nơi nào trong Châu Âu? Từ giữa thập niên 90, sau các chuyến hoằng pháp và đối thoại tôn giáo với các mục sư Tin Lành tại Đức, Thầy đã có ý muốn thành lập một cơ sở tu học tại nước Đức. Cũng vào thời gian đó, Thầy đã phát động phong trào thành lập các trung tâm thực tập chánh niệm (Mindfulness Practice Center – MPC) tại các thành phố lớn ở Châu Âu và Châu Mỹ để đáp ứng lại nhu cầu thực tập của các thiền sinh ở xa Làng Mai nước Pháp.
Có nhiều thiền sinh chia sẻ là sau khi tham dự khoá tu 21 ngày ở Làng Mai thì họ quá thích pháp môn chánh niệm giảng dạy sâu sắc của Thầy. Họ nói Thầy dạy sâu và hay như vầy mà Thầy ở nơi quá xa xôi. Muốn đến nơi tu học đi phải đổi ba lần xe lửa , tới nơi còn chờ nửa giờ mới có người đón thì quả là không dễ gì. Nhiều người giàu rất phục Thầy, họ nói lời dạy của Thầy không có màu sắc tôn giáo. Thầy dạy chánh niệm, đem thân và tâm về giây phút hiện tại. Mình nhìn sâu để hiểu rõ con trai, con gái, vợ hay chồng của mình hơn. Mình giận chồng quá nhưng mình dừng lại, không gây lộn, nhìn sâu hơn để hiểu anh ấy hơn, hiểu sâu hơn chị ấy hơn. Bữa trước mình còn giận vì không thấy khía cạnh này nhưng sau khi ngủ một đêm, thức dậy mình bình tĩnh hơn, mình thấy được khía cạnh dễ thương khác của người đó. Có nhiều người nổi tiếng, như trưởng luật sư đoàn Âu Châu hay những bác sĩ trưởng phụ trách khoa, dạy ở hai hay ba trường y khoa ở Âu Châu vậy mà trong gia đình họ cũng đau khổ, họ cũng có nhu yếu về một nơi để được lắng nghe. Khi tới Làng, họ rất kín đáo về danh tính của họ. Sau khi Chân Không giúp tháo gỡ các vướng mắc, lắng nghe cả vợ cả chồng, giúp cả hai người thực tập tưới hoa, dạy họ pháp môn thiền ôm, dặn dò họ mỗi tuần phải thực tập làm mới, giúp họ hàn gắn hạnh phúc gia đình thì họ đã thực sự cởi mở chia sẻ với Chân Không trọn vẹn. Sau đó, bà vợ kể, chồng em nghe nói để đi về Làng phải xuống tới Bordeaux rồi lấy xe lửa đi tới Làng, có khi đến vào lúc 9 giờ tối không có taxi thì cực quá. Có những người phụ nữ đi tu một tuần về đổi tánh muốn mời chồng hay con qua tu học. Nhưng muốn đi về Làng Mai thì phải bay qua Paris rồi lấy xe lửa tới Bordeaux, rồi lấy xe lửa tới Libourne. Từ Libourne lấy xe lửa tới Ste-Foy- La-Grande, rồi đứng chờ hoặc lấy taxi mới về tới Làng. Nếu Thầy có một trung tâm gần gần Paris, ví dụ như ở Đức thì ở Phần Lan xuống cũng được, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Đông Âu, Tây Âu gì tới cũng được.
Vì vậy nếu có một trung tâm gần gần ở giữa Âu Châu thì tốt hơn. Điều mong ước này của các thiền sinh cũng phù hợp với suy nghĩ của Thầy sau các chuyến hoằng pháp tại Đức.
Vào tháng 5 năm 2006, các sư cô Trung Chính và Bảo Nghiêm tổ chức các khoá tu cho người Việt tại Berlin và Stuttgart ở Đức. Các anh chị em Tiếp Hiện tại Berlin cùng anh Thiện và chị Bích thưa với quý sư cô về sáu căn nhà trong một khu vực tại Rheine gần nhà của hai anh chị. Sau khi cuộc chiến tranh lạnh với Nga và Đông Âu đã chấm dứt, những trụ sở của quân đội Đức đã được thu hẹp lại tại nhiều nơi và họ đã bán các cơ sở quân đội cho dân sự sử dụng. Hai sư cô đã đi thăm các khu nhà này và khi về Làng đã trình lên cho Thầy. Thầy đồng ý thành lập một trung tâm tại Đức với những căn nhà mua lại của quân đội.
Trong khoá tu An Cư Kiết Đông năm 2006, chị Bích đã đến Làng để trình bày với Thầy và trao đổi với Chân Không về các khu nhà này. Anh chị Thiện – Bích đã gửi qua Làng Mai một CD với hình ảnh của năm dãy nhà đó. Những ngôi nhà này giống hệt một trường Đại học ở Mỹ. Nhà có hai đến ba tầng, sức chứa từ 700 đến 800 thiền sinh và còn nhiều nhà khác của Bộ Quốc phòng ngày xưa xây cất cho sĩ quan cũng như binh lính ở. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào tháng 10 năm 1989, họ thu gọn và bán bớt để không bị tốn hao tiền bảo quản.
Sau một buổi pháp thoại tại thiền đường của Xóm Hạ, thầy Pháp Ấn báo tin cho chị Bích biết là Thầy đã cho phép mua những dãy nhà ở Rheine để làm cơ sở cho Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu. Tuy Thầy đã đồng ý cho mua, nhưng chị Bích vẫn muốn Thầy ghé xem những cơ sở này trước khi có quyết định cuối cùng. Chị cho biết giá mà người ta muốn bán là 100.000€ một dãy nhà. Năm dãy nhà là 500.000€ nhưng mình muốn mua mấy dãy cũng được. Thầy vui lắm, nghĩ là mình có thể mua năm dãy nhà ở Rheine.
Bước kế tiếp trong quá trình thành lập Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu là nền tảng pháp lý của Viện Phật học. Công việc này đòi hỏi một văn phòng luật sư có kinh nghiệm và am tường về luật pháp nước Đức trong việc thành lập các hội đoàn, tổ chức từ thiện và tôn giáo. Rất may mắn là tăng thân Làng Mai có quen biết một cặp luật sư người Đức rất giỏi. Đó là Dr. Alexander Puplick và vợ là luật sư Beate Puplick. Lúc trước anh chị Puplick có qua Làng tham dự một khoá tu 21 ngày. Anh chị nghe Thầy giảng và anh chị rất mến phục.
Sau một buổi Pháp thoại trong tuần thứ hai của khoá tu Mùa Hè năm 2006, Thầy đã mời vợ chồng Dr. Puplick đến gặp Thầy để bàn về dự án thành lập Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu.
Sau khi được mời dùng trà và sau vài phút im lặng, Thầy nhìn vợ chồng Dr. Puplick bằng ánh mắt rất bình an, tràn đầy ấm cúng và họ cảm nhận được một sự đồng cảm thân thiết với Thầy. Thầy bắt đầu giải thích viễn kiến (vision) của Thầy về việc thành lập Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu. Thầy diễn tả bằng những câu ngắn gọn về việc thành lập một trường Đại học Phật giáo dựa trên nền tảng kinh nghiệm tu học mà không phải chỉ là một trường học dạy về lý thuyết hoặc triết học Phật giáo. Trọng tâm thật sự của Viện Phật học là sự tập trung vào việc thực hành, áp dụng các nguyên tắc của Phật giáo, để mỗi học viên, bất kể mục đích nào mà người đó đến tham dự, có thể trực tiếp trải nghiệm giải thoát và bình an của các giáo lý Đạo Bụt. Viện Phật học sẽ mở cửa cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, tôn giáo và trình độ giáo dục trước đây của họ. Đồng thời, Viện Phật học phải được công nhận là một trung tâm giáo dục và nghiên cứu theo tiêu chuẩn của nước Đức. Viện Phật học sẽ hợp tác giảng dạy với các trường Đại học và trung tâm giáo dục khác.
Thầy nói thêm với Dr. Puplick:
“Tôi rất muốn có một trung tâm thực tập tại Châu Âu. St.- Foy-la-Grande thì quá hẻo lánh nên chúng tôi mong có một cơ sở gần các thành phố lớn nằm ngay chính giữa Châu Âu.”
Dr. Puplick nói:
“Vấn đề giấy tờ lập hiệp hội thì con rất có kinh nghiệm chuyên môn nên con có thể làm hết lòng cho Thầy. Con sẽ làm liền cho Thầy để xin giấy phép.”
Dr. Puplick hỏi Thầy muốn để tên gì thì Thầy nói là Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu (European Institute of Applied Buddhism – EIAB).
Vợ chồng Dr. Puplick đã có những ấn tượng rất đẹp và sâu sắc về tầm nhìn sâu rộng và ước nguyện muốn giúp người và độ đời của Thầy. Đây không phải là lần đầu tiên Thầy thành lập một trường Đại học như vậy, mà trước đó, Thầy cũng đã cùng với những người khác thành lập trường Đại học Vạn Hạnh vào năm 1965 tại Sài Gòn.
Dr. Puplick về lại Đức và sau nhiều cuộc bàn bạc qua điện thoại với Thầy và Chân Không, vào tháng 11 năm 2007, Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu chính thức được thành lập như là một tổ chức bất vụ lợi (non-profit organization), có công ích cho mọi người. Đây là một hiệp hội tư nhân bất vụ lợi (những ai đóng góp cúng dường cho Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu sẽ được miễn thuế), nếu không giỏi như Dr. Puplick thì cũng rất khó và sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể xin được giấy phép sinh hoạt.
Hành trình tìm kiếm địa điểm thành lập Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu
Vào ngày 11 tháng 11 năm 2006, anh Thiện và chị Bích đã liên lạc với vợ chồng Dr. Puplick để mời hai vị đến thăm hai anh chị tại tư gia của họ ở Rheine.
Anh Thiện và chị Bích đã cho hai vị luật sư biết rõ về tình hình những căn nhà ở Rheine và họ đã nhờ hai vợ chồng Dr. Puplick giúp về mặt luật pháp về việc mua những căn nhà này. Hai vị hoan hỷ nhận lời.
Sau đó Dr. Puplick được Thầy uỷ nhiệm việc lo mua đất và nhà nên ngày 18.05.2007 đã có một buổi hội thảo trong toà thị chính của thành phố Rheine. Tham dự buổi hội thảo này gồm có: ông phó tỉnh trưởng Dr. Janning, trưởng ty phòng hoạch định đất đai, trưởng ty phòng xây dựng, người đại diện phía bán đất, bà Ilona Schmied, ông Dr. Alexander Puplick, anh Thiện và chị Bích.
Sau nhiều cuộc bàn bạc, chuyện mua chỉ còn ký giấy và giao nhà là hoàn thành.
Vào tháng 7 năm 2007, trước khi Thầy về mở khoá tu tại thành phố Berlin, Thầy đã cùng 30 quý thầy quý sư cô ghé thăm cư xá Quân đội tại Rheine. Trong khi tham quan năm toà nhà, trời đã về trưa, vừa mệt lại vừa đói, chị Bích thưa với Thầy, các nhà đều giống nhau, chắc Thầy đã mệt, mình về nhà nghỉ ngơi. Thầy nói Thầy không mệt và muốn tiếp tục xem cho đến căn nhà cuối cùng kể cả tầng hầm.
Sau khi tham quan xong năm toà nhà Thầy còn đi vòng chung quanh và Thầy hỏi, các sân chơi thể thao và các nhà chơi thể thao kia mình có mua được không? Trên đường đi Thầy căn dặn chị Bích, vì những toà nhà này lớn, nên mình sẽ xây một toà nhà ở giữa làm văn phòng, nó sẽ giống một trường Đại học, như khi xưa Thầy còn đi dạy học và mình sẽ làm vườn đẹp để chuyển hoá vẻ cứng cỏi của những toà nhà này để nó có chất thiền vị và sẽ rất đẹp. Thầy dạy chị Bích về viết bài đăng báo với chủ đề “Quân đội ra đi, tâm linh trở về”.
Đi thăm dãy nhà ở Rheine về, Thầy hoan hỷ nhưng chị Bích nói:
“Bà thị trưởng này rất thương con nhưng trong nhân viên nhà nước có một ông rất khó nên Sư cô phải thuyết phục.”
Chân Không phải điện thoại cho ông. Ông đặt câu hỏi:
“Quý vị mua để làm cái gì?”
“Chúng tôi muốn mua để làm một trung tâm thực tập chánh niệm ở Châu Âu, để mọi người trong các nước Châu Âu đều tới được.”
Họ đồng ý với mình nhưng tới khi quyết định mua mình thấy có những điểm bất lợi như có mùi hôi từ một nông trại nuôi heo gần đó, nên chị Bích nói, nếu quý thầy và quý sư cô không muốn mua trung tâm này, con sẵn sàng đi tìm nơi khác. Sau đó chị Bích và một số quý thầy Làng Mai đã đi thăm nhiều nơi khác do các bạn trong các tăng thân Đức giới thiệu.
Thành phố Waldbröl – Vùng đất mới cho Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu (EIAB)
Trong số các đệ tử của Thầy tại Đức, anh Karl Schmied (Chân Pháp Nhãn), một giáo thọ Tiếp Hiện là người được Thầy rất thương và trân quý. Anh rất tôn kính Thầy và đã giúp rất nhiều trong việc giới thiệu pháp môn của Thầy cho quần chúng ở Đức. Anh đã thành lập một nhóm tăng thân rất lớn tại thành phố München, một thành phố quan trọng bậc nhất của Đức ở về phía nam. Rất thương tiếc anh mất vào ngày 7 tháng 5 năm 2006 trước khi Làng Mai tìm ra cơ sở cho Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu tại Đức.
Sau khi anh Chân Pháp Nhãn qua đời, chị Ilona Schmied là vợ của anh đứng ra làm thủ quỹ của chương trình Hiểu và Thương ở tại Đức (Hội Matreiya Fond Từ Thị).
Theo lời dạy của Thầy có nhiều nhóm tăng thân tại Đức đã tích cực tìm địa điểm cho Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu ở khắp nơi trên nước Đức. Anh chị Bùi Hữu Tường – Bùi Thị Kiều Trang, anh Tảo ở Hamburg, mạnh ai nấy đi tìm và trình bày cho Thầy qua Chân Không. Trong số đó, chị Ilona và chị Thục Quyên thuộc tăng thân München cũng đi tìm chỗ.
Chị Ilona và chị Thục Quyên cũng có tới Hamburg để coi cơ sở và chụp hình gửi qua cho Làng. Vào mùa xuân mình thấy trong hình bông Bruyère nở tím đỏ hết cả cánh rừng. Mình cũng mê nhưng than ôi, khi coi ra thì ngôi nhà đồ sộ đó ở Hamburg bán giá không mắc nhưng nó ở gần cột điện cao thế khá độc, thiền sinh sẽ không dám tới tu đâu. Chị Thục Quyên tìm được ngôi nhà rất sang trọng như một lâu đài, ba tầng, vườn đẹp nhưng khám phá ra là khu ranh giới giữa vùng khá nhiều người theo phe quá khích Đức Quốc Xã dù rằng thành phố kế bên cũng tiến bộ. Sư cô Jina được giới thiệu một trung tâm khá tiện nghi nhưng cũng vùng bên này bên kia quá khích nên không mua được.
Trong một chuyến đi thăm cơ sở tại vùng Bad Ems, khoảng trên một tiếng đồng hồ lái xe về hướng tây nam của thành phố Waldbröl, chị Ilona và chị Thục Quyên được người bán bất động sản giới thiệu đến một cơ sở của quân đội Liên Bang Đức nằm tại thành phố Waldbröl. Theo lời chị Ilona kể, hôm đó trước khi đi đến cơ sở tại Waldbröl, chị Ilona nói với chị Thục Quyên là nơi đây sẽ là trung tâm của mình. Chị Thục Quyên hỏi làm sao chị Ilona biết được. Chị Ilona trả lời chị có trực giác như vậy.
Thành lập Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu (EIAB)
Cơ sở này ở Waldbröl là một căn nhà thật sang. Nhà cất theo phong cách của Đức Quốc Xã. Anh Puplick tới coi nói nhà đẹp theo thời đó, nó hơi thẳng và cứng. Anh cũng nhắc đây là phong cách thẳng cứng của Hitler. Nhưng không quan trọng vì mình đi vô thì thấy những bức tranh mosaïque thật lớn, dưới đất thì lót đá ngọc thạch, một loại đá trên núi Alpes. Ở toà thánh Vatican cũng lót loại đá đó. Núi Alpes nằm giữa Đức, Pháp, Thuỵ sĩ và Ý. Vô nhà thì thấy đẹp huy hoàng, những bức tranh chừng 6 thước bề cao 12 thước bề dài, mỗi bên hai ba bức. Toà nhà dài 150 mét nhưng mỗi 6 mét thì có một cửa kiếng pha lê ngăn lại, đứng bên này có thể nhìn thấy suốt tới đằng kia. Mình có thể để truyền hình ở đây mà phòng thứ hai, thứ ba cũng thấy được. Mình chỉ nghĩ đơn giản như vậy. Nếu mua nhà này mà chưa có tiền xây thiền đường thì Thầy có thể ngồi ngay chính giữa, để máy truyền hình dài theo hành lang và dùng microphone để giảng.
Ông bán bất động sản muốn tìm hiểu coi Thích Nhất Hạnh là ai mà muốn đi mua trung tâm. Ông đã vô tìm hiểu về Thầy trong internet nhưng ông không nói gì. Sau này ông mới tiết lộ là ông “bám” theo mình tại ông có người em bên Nhật, ông hỏi em ông có biết ông Thích Nhất Hạnh không thì anh ta nói: “Trời ơi ông này nổi tiếng lắm. Tuy ông ít đi giảng bên Nhật, ông qua có một lần mà gieo tiếng tốt nhiều lắm. Người ta phục ổng lắm!” Ông ta cũng có một cô em gái làm việc ở toà đại sứ Đức bên Việt Nam, cô đọc sách Thầy bằng tiếng Đức thì thích quá. Có một phòng trong toà đại sứ Đức ở Việt Nam trưng bày toàn sách của Thầy trong đó cũng có một cuốn sách của Chân Không bằng tiếng Đức. Ông lên mạng vào coi trang nhà của Làng Mai thấy đơn giản, nghèo nghèo mà dễ thương, có cái đẹp của những trung tâm nghèo mà sâu sắc nên ông thích. Ông nghĩ nếu đem cái sâu sắc này để vô viện này thì viện sẽ đẹp lắm. Ông nói có một người Đức muốn để làm thành hotel restaurant nhưng tới giờ chót không biết tại sao họ không mua được. Ông năn nỉ mình cố gắng thì ông bán. Họ xuống giá thì mình cũng không có tiền. Toà nhà từ 10 triệu xuống còn 3 triệu 3 nhưng mình chỉ có 400 ngàn. Chị Annabelle bán được căn nhà chót của má chị và cho mình 600.000€. Chị Thục Quyên nói với ông ta mình không có đủ tiền, mình chỉ có một triệu nếu họ bán thì mình mua. Ông nói một triệu ít quá. Chị Thục Quyên tính cho mượn 100.000€ nên trả 1,1 triệu thì ông chịu.
Người ta sợ mình mua rồi làm sao trả nổi chi phí mỗi năm khoảng hơn 200.000€. Chị Thục Quyên nói, ba năm đầu thì các ông trả tiền chi phí cũng như một công ty mới ra đời thì mình phải giúp cho nó đứng vững. Ông ta nghe cũng có lý nhưng tiền không phải của ông, ông làm việc cho Bộ Quốc phòng. Ông là người lý tưởng nên nghĩ nếu giúp Thầy hết lòng thì nước Đức sẽ đỡ hơn. Ông bằng lòng, ông sẽ đề nghị trong ba năm đầu, mỗi năm Bộ Quốc phòng sẽ giúp mình trả tiền chi phí tức là 600.000€.
Chị Thục Quyên nói cái nhà lớn quá nếu rỉ nước chỗ này chỗ nọ mà tìm ra chỗ rỉ thì chắc chết. Như vậy thì ông bớt thêm 200.000€ nữa cho nên rốt cuộc mình chỉ mua với giá 300.000€, chỉ tương đương 1/100 giá trị của ngôi nhà.
Khi ký giấy tờ mua mình phải làm giấy cam kết không được trả lại trong mười năm. Mình nghĩ mình muốn mua quá thì làm sao mà trả lại. Mình mời Thầy qua coi.
Ngày 8 tháng 3 năm 2008 Thầy qua coi thì Thầy thích quá. Mình mua rồi mới bị xín vín, chới với với nhiều luật pháp xây cất, không lường trước được những khó khăn sẽ xảy ra sau này. Ông thị trưởng mở cuộc họp báo, ông rất hãnh diện vì có thiền sư Thích Nhất Hạnh tới đây. Ngày hôm sau báo chí đăng rất nhiều.
Tiểu sử của toà nhà
Sau này mình mới biết tiểu sử toà nhà mình mua. Toà nhà hiện nay là Viện Vô Ưu, khởi đầu là một bệnh viện được xây dựng từ năm 1895 đến năm 1897 để chăm sóc các bệnh nhân tâm thần và khuyết tật dưới sự quản lý của Giáo hội Tin Lành. Bệnh viện này được khánh thành vào ngày 09 tháng 6 năm 1897. Đến năm 1933, do ý thức hệ thuần chủng và chính sách thanh lọc giống nòi, phần lớn những người bị bệnh tâm thần, khuyết tật về tâm lý hay cơ thể, những người ở ngoài vòng xã hội hay các thai nhi, trẻ em có khả năng bị khuyết tật đều bị đối xử bằng những phương pháp bạo động như bị triệt sản, bị phá thai hoặc giết chết bằng thuốc mê. Từ giữa tháng 11 năm 1938 đến tháng 1 năm 1939, gần 700 bệnh nhân tâm thần, khuyết tật và trên 100 nhân viên của bệnh viện bị ép ra khỏi toà nhà để đi đến làng Hausen ở Westerwald. Không ai biết rõ số phận của những bệnh nhân này. Nhưng chúng ta biết họ đã phải chịu đựng những khổ đau rất lớn từ thể xác đến tinh thần. Trên một cái bia trước Viện Vô Ưu có ghi: “Nhà này có 700 trẻ em khuyết tật bị đưa đi một nơi nào không ai biết. Bây giờ người ta không biết các em ở đâu. Chính gia đình các em cũng không tìm ra tông tích.”
Khi nghe như vậy thầy Pháp Ấn cùng quý thầy, quý sư cô Viện EIAB cho làm những trái tim: “Người nào ở đây mà thương những trẻ em bị đưa đi mất thì xin làm một trái tim.” Nhờ có cái bia mình mới biết chứ lúc đầu chính chị Thục Quyên cũng không tin chuyện đó. Thầy Pháp Ấn rất nhạy cảm, lúc đầu mới được cử về thầy bị rớt chuông lúc làm lễ cầu siêu, rồi thầy nằm mơ thấy mấy đứa nhỏ sắp chết cầu cứu trong nhà vệ sinh. Thầy chạy vô kéo nó ra, giữa chừng thì thầy tỉnh dậy. Thầy nghĩ con nít ở đây đang khổ lắm.
Trong thời gian khi toà nhà hoàn toàn thuộc về sự kiểm soát của những người theo chủ nghĩa phát-xít Đức, những khổ đau to lớn và kỳ thị đó, chúng ta không hề biết cho đến khi chúng ta dọn vào toà nhà và với thời gian, qua sự chia sẻ của những người địa phương, chúng ta từ từ hiểu ra mọi chuyện.
Khi được hỏi vì sao Thầy chọn thành phố Waldbröl để xây dựng Viện Phật học. Thầy thường trả lời thành phố Waldbröl chọn Thầy và tăng thân Làng Mai. Quả thật những năng lượng khổ đau do chiến tranh và hận thù tại nơi đây đã nương vào sức mạnh tâm linh của Thầy và đại chúng Làng Mai để được chuyển hoá và hoà giải. Đó là cũng do nơi đại nguyện Bồ tát cứu khổ của Thầy suốt một đời xây dựng hoà bình, chấm dứt chiến tranh và chuyển hoá khổ đau không những cho đất nước Việt Nam mà còn cho cả thế giới.
Sau thế chiến thứ 2 toà nhà lại trở thành bệnh viện đa khoa. Kể từ năm 1969 sau khi bệnh viện được dời đi nơi khác, toà nhà này trở nên một trung tâm cho các sinh hoạt quân sự về biên phòng và từ năm 1975 cho đến năm 2006 chánh thức thuộc về quân đội liên bang Đức (Deutsch Bundeswehr). Toà nhà có chiều dài 150 m, chiều ngang từ 12 đến 16 m, với sáu tầng (kể cả tầng hầm) và có tổng số diện tích mặt bằng khoảng 12.000m2. Toà nhà có thể cung cấp chỗ ở cho khoảng 500 người cư ngụ và các phòng ốc khác dùng để tu học.
Đại chúng biết rằng mình sẽ phải đầu tư rất nhiều tài chánh và năng lực để thực hiện công trình xây dựng Viện Phật học. Tuy nhiên, những dự tính về thời gian cũng như ngân quỹ sửa chữa đã phải bị thay đổi rất nhiều vì trong quá trình sửa chữa và xây cất lại có phát sinh thêm những đòi hỏi quan trọng và thiết yếu khác của cơ quan xây cất chính quyền.
Mình chia toà nhà ra hai bên, bên các thầy và bên các sư cô. Nhưng họp báo xong thì chính quyền cho biết mình không được ở trong toà nhà cho đến khi sửa chữa xong. Mình nói ông thị trưởng vừa mở một buổi họp báo có ba bốn trăm người đâu có sao. Năm nào vào dịp Giáng sinh hay Tết ông thị trưởng cũng mở buổi dạ hội hợp pháp ở đó. Họ cho biết tại vì lúc trước chủ của ngôi nhà là Bộ Quốc phòng mà nếu có hoả hoạn thì Bộ Quốc phòng có 300 người lính sẵn sàng để tới chữa lửa. Nhưng nếu là tư nhân như mình thì phải lập chương trình phòng cháy chữa cháy trở lại và có cách chữa lửa khác với lối của Bộ Quốc phòng. Trong hành lang của tầng dưới có những tấm kiếng ngăn phòng này với phòng kia. Kiếng nhìn đẹp như vậy nhưng nếu bị lửa đốt lên chừng 200 độ thì chảy liền. Mình phải đổi loại kiếng đốt tới 200 độ mà không chảy. Loại kiếng đó rất đắt tiền, một tấm giá là 80.000€. Mình chỉ đổi được ba tấm bên này và ba tấm bên kia là hết tiền.
Mình phải sửa ngôi nhà đó lại theo đúng tiêu chuẩn dân sự về chữa lửa, trước hết là phải có hai cầu thang. Trong nhà mình đã có hai cầu thang bằng cẩm thạch rất đẹp. Mình tưởng như vậy là đủ, khi cháy thì mình có thể chạy ra tại vì hai cầu thang đó cũng cách nhau khá xa, nhưng người ta nói không đủ. Mình phải làm hai cầu thang bên ngoài, phía tay mặt và phía tay trái. Cầu thang được làm bằng loại sắt đốt mấy ngàn độ mới chảy nên rất mắc tiền, mắc bằng ba bằng bốn sắt thường.
Tóm lại, vì trước đây, toà nhà là một trung tâm sinh hoạt của quân đội liên bang Đức, do đó những yêu cầu về tiêu chuẩn phòng hoả của toà nhà được xác định dựa trên những quy chế đặc biệt dành riêng cho quân đội. Giờ đây, toà nhà được sử dụng như một cơ sở dân sự, nên những đòi hỏi về xây cất trên khía cạnh phòng hoả, các hệ thống điện và cầu thang thoát hiểm cần phải thay đổi rất nhiều và dĩ nhiên khe khắt hơn để thoả mãn những yêu cầu theo quy chế dân dụng. Ngoài ra, phần lớn hệ thống ống nước đã được ráp đặt vào những thập niên 30, nay đã bị rỉ nặng và hư hỏng rất nhiều. Thêm vào đó, toàn bộ thiết kế của nhà bếp đã quá lỗi thời và không còn đáp ứng được những tiêu chuẩn đặt ra hiện nay về phương diện vệ sinh và y tế công cộng. Hệ thống lò sưởi cần phải được sửa chữa lại rất nhiều vì đã bị rỉ chảy và quan trọng hơn cả là hệ thống lò sưởi cần phải được thiết kế lại theo tiêu chuẩn mới để có thể tiết kiệm được năng lượng và giúp bảo vệ cho sinh môi. Các nhà vệ sinh và phòng tắm công cộng cũng cần phải được xây cất thêm để đáp ứng cho nhu cầu mới. Tình trạng của toà nhà hiện nay không hội đủ tiêu chuẩn phòng hoả cần thiết để được phép nhận khách thăm viếng, mở các khoá tu, cũng như được phép tổ chức những hoạt động công cộng khác.
Viện Phật học Ứng dụng Âu Châu có hai toà nhà là viện Vô Ưu và chùa Đại Bi. Thầy đã căn dặn khi lập Viện Phật học Âu Châu thì mình phải mua một chỗ gần đó cho bên các sư cô có chỗ ngủ nghỉ và sinh hoạt. May là có một ngôi nhà lớn ở sát bên cũng đang bán. Đó là ngôi nhà mà những người không muốn làm nghĩa vụ quân sự thì làm công tác xã hội gọi là service civile, tức là nghĩa vụ dân sự trong đó họ huấn luyện công tác xã hội trong 18 tháng. Mình mua ngôi nhà đó với giá 400.000€, trong khi đó nguyên một toà nhà lớn của Viện chỉ có 300.000€. Thầy đặt tên là chùa Đại Bi. Chùa Đại Bi là ngôi chùa ngày xưa gia đình muốn cho Thầy vô xuất gia, nhưng quý thầy trong chùa nói Thầy nên đi vô chùa Tổ Từ Hiếu. Chùa Đại Bi là chỗ mấy sư cô ở, còn viện Vô Ưu là để mấy thầy ở.
Chùa Đại Bi có hai tầng, tầng trệt có bốn văn phòng và một phòng họp, tầng hai có bốn phòng seminar dùng làm Phật đường, phòng học và chỗ ở cho các sư cô. Có tổng cộng là 33 phòng. Có nhà bếp nhỏ và nhà ăn cho khoảng 80 người, được dùng cho công cộng (public) nhưng sau khi viện Vô Ưu xây dựng xong nhà ăn đúng tiêu chuẩn public quy định thì bếp và nhà ăn chùa Đại Bi chỉ dùng cho trong nhà.
Giữa viện Vô Ưu và chùa Đại Bi có tháp chuông được xây bằng những cột trụ đá còn sót lại của Đức Quốc Xã. Ở dưới căn hầm của viện còn chứa những cột bằng đá rất cao to. Thầy Pháp Ấn nghĩ sử dụng những cái cột đó để làm một cái tháp chuông. Tháp chuông đó không giống các tháp chuông Việt Nam, tại vì thợ từ Việt Nam rất khó mời qua. Tháp chuông cao 21m với những biểu tượng hàm chứa giáo lý và con đường thực tập của đạo Bụt đã giúp quân bình năng lượng cho toàn bộ khu đất của viện Vô Ưu và chùa Đại Bi được xây dựng vào năm 2013. Chung quanh tháp, thầy Pháp Ấn cho đặt bảy tượng Phật ngoài trời. Muốn thỉnh chuông mình phải xin phép chính quyền. Buổi sáng chủ nhật lúc 6 giờ sáng người ta còn ngủ, tuy tiếng chuông rất trầm nhưng người xung quanh không thích nên mình phải thỉnh chuông lúc 11:30 giờ.
Trong mười năm qua, nhờ sự thương yêu và yểm trợ của quý thân hữu khắp nơi trên thế giới, mình đã trùng tu được tầng trệt và 1/5 toà nhà của viện Vô Ưu. Những phần này quý thầy và quý sư cô hiện nay chỉ được giấy phép sử dụng tạm thời với sự gia hạn hai năm một lần cho đến khi toàn thể toà nhà được sửa chữa xong. Năm 2017, sau bốn năm xây dựng, nhà bếp và phòng ăn cũng đã được hoàn tất và theo yêu cầu của chính quyền địa phương, hệ thống phòng hoả trung ương cho chùa Đại Bi cũng đã được thực hiện.
Trên phương diện tu học và hành trì, trong mười năm qua, các khoá tu học, các chương trình sinh hoạt cho các em học sinh, sinh viên cũng như giao lưu tôn giáo, những buổi pháp thoại công cộng, sinh hoạt cộng đồng, hoà tấu gây quỹ… được tổ chức ngay tại Viện Phật học, hay tại các địa điểm khác trong cũng như ngoài Châu Âu do Thầy, quý thầy, quý sư cô của Phật Học Viện và tăng thân Làng Mai đảm trách đã giúp cho hàng vạn lượt người khắp nơi trên thế giới biết đến pháp môn, tu tập và chuyển hoá những khổ đau của tự thân và hoà giải được với những người thân trong gia đình. Số lượng thiền sinh đến tu học mỗi ngày một đông hơn và có những khoá học đông, thiền sinh phải mướn phòng ở trọ bên ngoài. Có những cuối tuần, quý thầy và quý sư cô gặp khó khăn để sắp xếp phòng sinh hoạt và thuyết giảng cho tất cả các khoá học và các sinh hoạt khác của tăng thân.
Từ khi biết đến những khổ đau của những bệnh nhân đã từng sống tại đây, trong suốt bảy năm sau khi dọn vào toà nhà của viện Vô Ưu, quý thầy quý sư cô đã gởi năng lượng từ bi, cúng cháo mỗi ngày cho các hương linh và mỗi tuần toàn thể đại chúng cùng nhau tổ chức cúng thí thực cho các vị khuất mặt, cầu nguyện năng lượng từ bi và hồng ân của chư Bụt, chư vị Bồ tát và chư vị Tổ Sư gia hộ cho quý vị đó được vãng sanh Tịnh Độ. Hằng năm trước các khoá tu Mùa Hè, Thầy và đại chúng cũng tổ chức trai đàn chẩn tế cho tất cả các nạn nhân đã chết oan ức trong mọi hoàn cảnh khổ đau của cuộc sống, đặc biệt là cho các nạn nhân tại Waldbröl và trong các cuộc chiến tranh. Trong những lần chẩn tế đầu, có lúc gió bão nổi lên rất là mạnh mẽ. Chư vị Tôn Đức đến thăm viếng Viện Phật học cũng đã tổ chức những buổi lễ cầu siêu và chú nguyện rất nhiều cho các hương linh.
Nhờ công phu tu tập tinh chuyên và sự tuỳ hỷ hồi hướng công đức của toàn thể tứ chúng cho tất cả mọi người và mọi loài, năng lượng thương yêu, hiểu biết và bao dung càng ngày càng được bồi đắp tại vùng đất mới này. Năng lượng của Viện Phật học giờ đây nhẹ nhàng, tươi vui và sáng đẹp hơn xưa rất nhiều.
Điều hành
Khi vừa mua xong trung tâm, Thầy cử chị Thục Quyên tạm làm giám đốc về sửa sang, điều hành, cùng hợp tác với anh Puplick lo về luật lệ. Mỗi lần mình muốn mướn kiến trúc sư hay kỹ sư thì phải bàn với hai người. Năm 2009, chị Quyên giao công việc lại cho thầy Pháp Ấn. Thầy cử thầy Pháp Ấn làm viện trưởng (Director) và sư cô Chân Đức lo chuyện tu học cho các em. Sư cô Chân Đức đã từng làm giám đốc Trung tâm Thanh Sơn nên sư cô rất ngại chuyện giấy tờ sửa chữa, nhưng trong việc giảng dạy thì sư cô rất giỏi.
Thành phố Waldbröl lúc đầu xa lạ với mình nhưng bây giờ trong phố có một tiệm sách bán rất nhiều sách của Thầy bằng tiếng Đức. Các thầy các sư cô ở đó phải học tiếng Đức, có cô giáo tình nguyện tới dạy miễn phí. Mình phải thi đậu bằng tiếng Đức thì họ mới cấp cho thẻ lưu trú. Bên Đức có cái bất lợi là học tiếng Đức quá khó nên một số anh chị em ở được bốn năm thì đòi đi về.
Sau mười năm phát triển và xây dựng
Vào ngày 10 tháng 8 năm 2018, nhân dịp lễ kỷ niệm đệ thập chu niên của Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu, trước hằng trăm quý vị quan khách đến từ khắp nơi trên nước Đức và Châu Âu, Ông Peter Koester, thị trưởng của thành phố Waldbröl đã phát biểu một cách thân thương và đầy tình cảm thương mến của ông đối với Viện Phật học trong đó có đoạn như sau:
… Trong mười năm qua, tại EIAB đã diễn ra nhiều điều hơn là người ta có thể hình dung được.
Khi quý Thầy, quý Sư cô mới đến nơi này, dĩ nhiên quý vị có sự phấn khởi rất lớn – một toà nhà tuyệt đẹp, uy nghiêm và to lớn, nhưng sau đó những gì sẽ đến cho quý vị là không biết bao nhiêukhó khăn, những gánh nặng, không chỉ về tài chính mà cả về quá khứ nặng nề và phức tạp của toà nhà này trong lịch sử nước Đức, điều mà nhiều người trong số quý vị ở đây đã biết.
Tôi chỉ có thể nói rằng lòng tôi tràn đầy sự cảm phục và kính nể những việc mà quý Thầy, quý Sư cô Viện Phật học EIAB đã làm được: từ việc chuyển hoá năng lượng khổ đau trong quá khứ của ngôi nhà này đến việc tạo dựng tháp chuông cũng như xây dựng và trùng tu các cơ sở vật chất khác. Đặc biệt hơn nữa, đó là cách tiếp xử, luôn luôn bằng sự trân quý, chánh niệm và tình thương mà quý Thầy, quý Sư cô đã thể hiện trong tất cả mọi sinh hoạt của quý vị trong tương quan với đời sống của thành phố Waldbröl này.
Tôi xin chân thành chúc mừng Viện Phật học EIAB đã có mặt mười năm ở thành phố Waldbröl! Tôi nói điều này hoàn toàn xuất phát từ chính trái tim của mình, như là một người bạn thân thiết của Viện Phật học EIAB.
Tại EIAB hay tại những nơi khác của thành phố, có khi là ngay trong Toà thị sảnh, tôi đã có cơ hội được tiếp xúc với quý Thầy, quý Sư cô. Tôi vẫn còn nhớ rất đậm nét hình ảnh quý Thầy, quý Sư cô đi lên thang lầu của Toà thị sảnh rất là từ tốn và chậm rãi. Ngày hôm đó, tôi vừa họp xong và phải đi đến một cuộc họp kế tiếp ở trên tầng hai. Theo thói quen thường lệ, tôi đã vượt qua quý Thầy, quý Sư cô và đi lên phía trước. Sau đó khi đến cuộc họp, tôi mới dần dần cảm nhận rõ về hành động vừa qua của mình. Tôi ngẫm nghĩ và tự hỏi mình rằng: Tại sao tôi không thể đi chậm lại được? Tại sao tôi không tự cho mình cơ hội thưởng thức từng bước chân, từng bậc cầu thang? Tôi nhận ra được điều đó và thấy mình có thể học được một điều mới. Cũng như thế, chúng tôi từ từđã học được rất nhiều điều khác từ các sinh hoạt chung với quý Thầy, quý Sư cô.
Chúng tôi cũng đã học cách chung sống với người khác, chung sống với nhau trong tinh thần hoà hợp. Chung sống với nhau đồng nghĩa với sự trân quý nhau, thật sự có mặt cho nhau trong tinh thần chánh niệm cũng như biểu lộ và hiến tặng tình thương cho nhau. Và tôi đã chứng kiến được điều đó tại đây, tại thành phố Waldbröl, một sự chung sống với nhau thật là hoà hợp, thật là tuyệt vời.
Đó cũng là nhờ sự thực tập của quý Thầy, quý Sư cô. Quý vị đã tìm mọi cách để có thể đi vào được đời sống nơi đây của thành phố này, để có thể đến với những người Cơ Đốc giáo cũng như các tôn giáo khác tại nơi đây để cùng sống chung với nhau trong tinh thần hoà hợp. Có những lúc, quý Thầy, quý Sư cô đã đứng yên thật là im lặng và chánh niệm trước cửa các nhà thờ Tin Lành hoặc nhà thờ Thiên Chúa giáo khi tiếng chuông nhà thờ ngân vang. Và tôi muốn nói rằng, những phương cách tích cực, những con đường mà quý Thầy, quý Sư cô cùng với quý vị đã tìm để có thể đến được với nhau, để chúng ta có thể sống chung hoà hợp được với nhau, thật đáng ngưỡng mộ.
Không những chỉ có quý Thầy, quý Sư cô đã về, đã tới mà chính chúng tôi cũng đã về, đã tới. Ấn tượng đẹp nhất là giây phút bản thiền ca Chúng ta đã về, chúng ta đã tới cất vang lên trong Toà thị sảnh. Giờ phút này tôi đang thật sự xúc động với những gì tôi vừa chia sẻ với quý vị và với tư cách thị trưởng của một thành phố có hai mươi ngàn dân (20.000) tôi chỉ có thể nói với quý vị rằng: Đẹp thay! Lành thay! Quý vị đã có mặt tại nơi này với chúng tôi, đã nuôi dưỡng và làm tăng trưởng chất liệuthương yêu, trân quý, cẩn trọng và chánh niệm trong chúng tôi bằng những chất liệu ấy trong lòng quý vị. Chúng tôi có thể học được rất nhiều điều mà không cần phải từ bỏ đức tin và tôn giáo riêng của chính mình.
Tôi nhớ lại sau khi mua toà nhà này với giá vài trăm ngàn Euro, bao nhiêu khó khăn đã đến cho quý Thầy, quý Sư cô với bao nhiêu đòi hỏi và yêu cầu, dù là hoàn toàn chính đáng từ phía Ban giám sát xây dựng, ví dụ như những yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy… Trong năm đầu tiên đó của Viện Phật học EIAB khi mùa đông về, tôi đã nghĩ rằng: Quý Thầy, quý Sư cô sẽ lạnh cóng, và không những chỉ lạnh cóng mà quý vị sẽ chết cóng mất thôi bởi vì trong toà nhà này hệ thống sưởi đã hoàn toàn không còn hoạt động được nữa. Tuy vậy quý Thầy, quý Sư cô đã vượt qua được tất cả những thử thách đó, đã chứng tỏ một nghị lực phi thường, một đức tin vững chãi nơi con đường mình đang đi và một sức mạnh tự thân thể hiện qua công phu thiền tập và tất cả những gì quý vị đang hiến tặng.
Chúng tôi thật sự hạnh phúc vì quý Thầy, quý Sư cô đã đến đây và tôi tin rằng không có điều gì tuyệt vời hơn đối với thành phố Waldbröl là Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu (EIAB) đã được thành lập tại thành phố này.
Tới bây giờ thì mình sửa được 3/5 toà nhà, còn 2/5 và tầng hầm thì chưa làm gì hết. Chân Không kêu gọi mấy người trong nước hay ngoại quốc có thể đóng góp được. Có cô Lilian Cheung là người Mỹ gốc Tàu, cô rất thương Thầy. Cô dạy Đại học Havard về nutrition (dinh dưỡng). Cô Lilian Cheung muốn tặng cho Thầy một món quà đặc biệt mà chưa hề có ai tặng. Cô muốn tặng cho chùa của Thầy. Chùa Từ Hiếu là chùa Tổ nên Thầy có bổn phận phải sửa sang, cất thêm và các chi phí đó thì Thầy chịu chứ không muốn lạc quyên ai hết. Nhưng kế bên chùa Từ Hiếu có một chùa ni là chùa Diệu Nghiêm để các sư cô có chỗ tu tập không xa Từ Hiếu. Lúc đó sư bà Diệu Nghiêm muốn cho Thầy chùa Diệu Nghiêm để làm ni viện và là nơi tu tập cho các sư cô trẻ vì sư bà không muốn chùa Diệu Nghiêm chỉ làm nơi bán hương. Cô Lilian nghe nói về ước muốn của Thầy nên cho 45.000$. Mới đầu cô muốn cho 100.000$ nhưng Chân Không nói cô cho 90.000$ thôi. Sau đó Chân Không sực nhớ là các sư cô Thoại Nghiêm, Định Nghiêm có kể với Chân Không là em của Thầy tức sư thúc Chí Thắng có rất nhiều đệ tử xuất gia còn nhỏ xíu ở trong một ngôi chùa lá rất nghèo. Chân Không đề nghị với cô Lilian:
“Bây giờ Diệu Nghiêm cũng chưa xây liền được, mình xây từ từ thôi. Mình lấy 45.000USD thôi còn 45.000USD thì mình cho sư thúc Chí Thắng để sửa chùa.”
Vì vậy chùa Diệu Nghiêm và chùa sư thúc Chí Thắng cũng có chút nhân duyên với cô Lilian.
Sau khi mình có EIAB và vận động tiền để sửa chữa, Chân Không nói với cô Lilian là cô dạy về thức ăn dinh dưỡng mà bên Đức cần một chỗ để nấu ăn. Mỗi khi Thầy về giảng thì lên cả ngàn người. Khi nào Thầy về EIAB cho khoá tu thì mình phải nấu trong nhà bếp chùa Đại Bi và làm nhà bếp lộ thiên. Vì thế Chân Không đề nghị và cô Lilian Cheung cúng dường 1 triệu đô để EIAB có nhà nấu ăn đúng luật.
Những thuận lợi ở EIAB
Thầy cử thầy Pháp Ấn qua làm viện trưởng Viện Phật học Ứng dụng Âu Châu. Thầy Pháp Ấn mới từ Việt Nam về và chưa bị kẹt vào trung tâm nào cả. Thầy Pháp Ấn rất có hiếu với Thầy mình nên Thầy biểu thì thầy làm thôi. Mình có sư chú Pháp Hoạt và sư cô Song Nghiêm, tuy họ mới là sa di và sa di ni thôi nhưng họ giỏi tiếng Đức nên có thể phụ tá cho thầy Pháp Ấn. Ngoài ra còn có thầy Pháp Chương, thầy Pháp Lượng, thầy Pháp Thanh rồi sư cô Bảo Nghiêm, sư cô Bi Nghiêm cũng là những người nói được tiếng Đức. Nhưng cô Bi Nghiêm khi mới vào thăm viện Asoka (Vô Ưu) đã hoảng lên nói: Ôi chao lớn thế này thì ai mà quét cho nổi! Sư cô Bảo Nghiêm lúc đi xem đất lần đầu cũng sợ cắt cỏ không xuể. May là ở đây gần trung tâm có một hãng bán máy cắt cỏ. Họ cho người ta cắt cỏ giùm mình để thử máy nên tiền cắt cỏ xung quanh viện mình không phải trả đồng nào. Có hai mẫu vườn táo sau lưng nhà mà mình thì rất thích táo.
Những khó khăn ở EIAB
Thầy rất thích có trung tâm tu học ở Đức nhưng khi Thầy qua thì bị chạm những cái khá cứng của người Đức. Ví dụ mới đầu Thầy muốn dẫn 30 hay 50 con của Thầy qua thì chị Thục Quyên nói không được. Chị phải liên lạc với nhà giữ trẻ kế bên cho mấy thầy và mấy sư cô ở bên đó. Bên đây chỉ có Thầy, Sư cô Chân Không và ba bốn người lớn thôi, tại vì mình chưa ký hợp đồng mua mà mới chỉ ký giấy đồng ý mua thôi.
Khi sư cô Gina qua thấy toà nhà lớn như vậy thì hỏi làm sao sắm giường đây. Chân Không nói: “Đâu có sao đâu, nền đá cẩm thạch thì mình mua nệm dày trải lên thôi.” Trung tâm hình như có tất cả là 462 phòng, mỗi phòng đều có máy báo động hoả hoạn, có gì thì mình chỉ cần lấy bình chữa lửa xịt thôi. Mình nghĩ vậy nên mới mua, mình không cần tốn gì hết. Phòng nào cũng sạch sẽ chứ đâu có giống như phòng phơi thuốc lá hay chuồng bò ở Làng Mai. Mình tưởng dễ, nhưng sư cô Gina nói không được, người Đức không nằm dưới đất. Mình thì nghĩ đơn giản, ai muốn học pháp môn của Thầy thì nằm dưới đất thôi, miễn là có tấm nệm dày là được rồi.
Lập một Viện Phật học Ứng dụng Âu Châu là lý tưởng của Thầy nên dù cho Thầy tịch rồi 10, 20 hay 100 năm sau thì mình cũng lập một Viện Phật học Ứng dụng tại Âu Châu. Nếu không đủ sức hay đủ tiền để giữ cái nhà này thì mình cũng tìm một ngôi nhà khác để làm. Đó mới thiệt là ý của Thầy.
Nhờ mình có nhiều phòng nên khoá tu của cô Chân Đức mở đồng thời với khoá tu của thầy Pháp Ấn mà vẫn có đủ chỗ cho thiền sinh. Bettina, chị Annabelle cũng là giáo thọ cư sĩ. Chị Annabelle mỗi lần tới dạy được 1000, 1500€ thì đưa hết cho viện. Trong khi đó nếu Bettina hay Kai Romdhart giảng mà khoá tu của họ chỉ có ba người ghi tên thì mình xin lỗi không đủ tiền để mua vé xe lửa cho họ từ Berlin tới Viện. Giáo thọ cư sĩ nào mình cũng hoan nghênh nhưng hiện nay không có khoá tu nào của giáo thọ cư sĩ mà có đông người ghi tên tham dự. Chỉ có lớp của thầy Pháp Ấn là đông người ghi tên thôi.
Gần đây chị Thục Quyên có ý kiến rất hay. Có những trường Đại học mà nhà nước Đức phải ủng hộ vì là di sản của quốc gia. Chị nói đây cũng là di sản quốc gia, nếu mình liên hệ tốt với các trường Đại học và nhà nước coi Viện Phật học Ứng dụng Âu Châu (EIAB) là trường đào tạo con người trở thành những con người tốt thì chánh phủ sẽ nuôi. Nếu chánh phủ nuôi thì mới hy vọng EIAB được vững bền chứ mình không trông cậy ở tiền cúng dường được. Ở Việt Nam có cúng dường thì sống nổi nhưng bên đây ít ai cúng dường như vậy.
Lúc đó có một cô người Đức rất thương quý Thầy tên là Annabelle Zinser. Chị được anh Karl Schmied rủ vô Matreiya Fonds. Năm nào chị Annabelle cũng tặng cho Matreiya Fonds một số tiền rất lớn, chị rất thương phục Thầy và chị cũng có đọc sách của Chân Không. Chị cũng thích Chân Không lắm nhưng Chân Không đi theo Thầy chỉ lo giảng dạy thôi chứ không để ý người đó có tiền hay có khả năng gì.
Hôm đó có một người lại nói với Chân Không, hình như là cô Lê Phương Chi:
“Cô Annabelle này rất muốn có một trung tâm do Thầy dạy ở Đức lắm. Cô sẵn sàng cúng dường một trung tâm cho Thầy. Cô đã tìm ra một trung tâm rất lớn của Tây Tạng gần Berlin.”
Cô hỏi mình chịu mua trung tâm đó không, nghe cô tả thì mình thấy trung tâm đó lớn quá chắc làm không nổi và giá tiền chắc là cao. Cuối cùng cô lựa một cái nhà đẹp hai ba tầng ở một cái góc cũng yên tĩnh ở Berlin và xin cúng dường cho Thầy.
Lúc đó tình trạng cũng giống như tình trạng của Mộc Lan lúc trước vậy. Người ta muốn cúng dường đất cho Thầy nhưng Thầy không muốn làm sở hữu chủ. Ai cúng dường thì làm luôn trụ trì rồi Thầy sẽ từ từ chọn mấy sư cô mấy thầy, tại vì lúc đó tuy Làng có nhiều xuất sĩ nhưng vẫn chưa có đủ giáo thọ. Nếu cô Annabelle chịu đứng làm trụ trì thì Thầy sẽ nhận. Có trung tâm đó rồi thì mình sẽ gửi sư cô Bảo Nghiêm (người Việt quốc tịch Đức) và một số thầy và sư cô nhỏ qua ở bên đó.
Nhưng dự định này cũng không thành công. Một bữa mấy sư cô đang đi dạo trên lề đường thì có một đứa nhỏ người Đức đi xe đạp ngang đập một cái rất mạnh lên đầu một sư cô. Thầy thấy quá bạo động nên rút mấy thầy mấy sư cô về hết.
Năm 2000 mình gặp một anh Phật tử người Đức theo đạo Phật Tây Tạng là anh Karl Schmied. Thầy đặt tên cho anh là Chân Pháp Nhãn. Anh là giáo thọ của bên Tây Tạng nhưng anh rất thương Thầy. Từ khi gặp Thầy, nghe Thầy dạy, anh đã bỏ uống rượu và không ăn thịt cá nữa. Anh gặp chị Chân Diệu tức chị Thục Quyên và đề nghị thành lập chương trình Matreiya Fond tức Quỹ Từ Thị để giúp con nít đói Việt Nam. Chương trình rất thành công. Mỗi buối thuyết pháp công cộng hàng ngàn người ở Đức tới nghe, hay sau các khoá tu anh đều đứng lên kêu gọi giúp trẻ em Việt Nam. Anh nói: “Đây là một tổ chức do Sư cô Chân Không và tôi thành lập. Tôi đem luật lệ của nước Đức để những người cho tiền được miễn thuế. Nhưng Sư cô Chân Không thì muốn những việc làm từ thiện ở Việt Nam phải có giá trị tinh thần đạo đức.” Không phải chỉ là vấn đề cho tiền, mình phải làm sao để làm sao các cháu học hát “là hoa tươi mát, là núi vững vàng” để mỗi lần tụi nó đánh nhau thì có thể hát làm dịu cơn giận, rồi làm thiền ôm và thông cảm nhau.
Mỗi năm anh đi Việt Nam một vòng, tới trường nào anh cũng bắt trả bài là hát những bài nhạc thiền cho con nít của Làng Mai. Nếu thuộc thì anh mới khen tốt, nếu không thì anh phê bình là chỗ đó không có tu đàng hoàng và xin mấy chú tác viên phải dạy tụi nhỏ cho kỹ. Lẽ dĩ nhiên là người Việt đóng góp cũng nhiều. Lúc đầu anh chỉ muốn làm việc xã hội chứ không cứu trợ. Nhưng năm 1999-2000 ở miền Trung có lụt lớn nên chị Thục Quyên quyết định lập một quỹ riêng để lạc quyên cứu trợ đồng bào. Anh do dự nhưng cuối cùng đồng ý và khi lập xong thì số tiền quyên lên rất nhiều. Thường thường thì quỹ có khoảng 200.000€ – 300.000€, sau khi lập quỹ cứu trợ thì số tiền lên tới 500.000€. Quỹ Từ Thị làm việc chung với chương trình Hiểu Và Thương ở Việt Nam. Sau khi Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội tan nát, bà Dương Quỳnh Hoa từ chối không hợp tác thì mình không còn chương trình Thanh niên Phụng sự Xã hội chính thức nữa. Nhưng mình cũng vẫn âm thầm làm việc và giúp được rất nhiều. Tới khi anh Chân Pháp Nhãn về Việt Nam thì họ hỏi tại sao mình không xin phép chính thức, Chân Không đề nghị mình làm theo từng địa phương vì nếu xin phép, dù chính quyền ở Thừa Thiên họ hứa cấp phép cho mình, nhưng nếu anh em tác viên có điều gì khiến cho chính quyền Thừa Thiên không hài lòng vì chuyện phân phối quà cho người nghèo không như ý họ, thì họ sẽ không cho phép cũng như thông báo ra các tỉnh khác như Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Thuận… cấm luôn chương trình Hiểu và Thương ra toàn quốc và như vậy chương trình Từ Thị của anh sẽ bị tê liệt hết. Vì vậy nên Chân Không nói mình không chủ trương xin phép công khai. Thừa Thiên hợp tác thì biết chương trình ở Thừa Thiên, Bình Thuận hợp tác thì biết chương trình ở Bình Thuận. Vì vậy nếu chẳng may họ yêu cầu đóng cửa một chương trình thì các chương trình ở tỉnh khác vẫn có thể tiếp tục hoạt động. Đến nay quỹ đã và đang tiếp tục giúp rất nhiều hoạt động từ thiện của chương trình Hiểu và Thương ở Việt Nam.
Ở Canada thiền sinh rất muốn có một trung tâm. Có ba nhóm khác nhau: một nhóm người Việt Nam muốn mở trung tâm nói tiếng Việt, nhóm khác thì muốn mở trung tâm nói tiếng Pháp, nhóm kia thì muốn mở trung tâm nói tiếng Anh.
Nhóm Việt Nam đầu tiên do anh chị Đỗ Quý Toàn và Hà Quyên khởi xướng. Anh chị giỏi và khéo, và rất dấn thân theo con đường Thầy Làng Mai khai mở. Nhờ Thầy ghé thăm Montreal mỗi năm khi mới đi dạy Bắc Mỹ mà Làng Cây Phong hưng thịnh nhanh, nhất là nhờ có các trí thức trẻ như Chân Cơ Trịnh Đình Tấn, Chân Văn Đỗ Quý Toàn, Chân Huyền Hà Dương Quyên, Chân Nhã, Chân Sinh Hoàng Phúc, Chân Hữu, Chân Hội.
Làng Cây Phong tuy năng nổ nhưng thiếu xuất sĩ thường trú nên chưa mạnh, phải có xuất sĩ thì trung tâm mới mạnh. Một anh tên là Chân Huy, anh là cháu của bà Ngô Văn Hiệu, bà Hiệu đã giúp Thầy từ thời lập Nhà xuất bản Lá Bối ở Việt Nam và Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội. Anh Chân Huy rất thông minh và có tâm nhưng anh rất Tây phương. Nghe Thầy lập Viện Phật học Âu Châu dạy bằng tiếng Anh và tiếng Đức ở Đức thì anh cũng muốn lập Viện Phật học Ứng dụng ở Montreal dạy bằng tiếng Pháp và tiếng Anh ở Canada. Và anh lập liền một Viện Phật học ở Canada. Ở đó học rất nhiều nhưng trên lý thuyết. Sống trong tu viện rất khác, mình được soi sáng, được nhắc nhở tu học 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày thì mới phát triển được. Viện Phật học Bắc Mỹ Châu của anh Chân Huy mở nhiều lớp nhưng không mạnh.
Trực tiếp hướng dẫn làng Cây Phong bây giờ thì có anh Chân Cơ. Ngay từ những năm đầu thị giả dễ thương nhất của Thầy khi đi dạy Canada thì có anh Chân Cơ, anh Chân Hội, Chân Hữu, chị Chân Nhã vợ anh Chân Sinh, chị Phi Thị Nhung ngày xưa học Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội. Năm 1966, sau khi trường bị liệng lựu đạn thì ba mẹ chị là người Bắc di cư sợ quá, bắt con về. Chị về nhà, lập gia đình nhưng vẫn theo hướng đi của Thầy. Sau này về Canada và liên lạc được với Thầy thì chị trở thành một trong những người năng nổ bền bỉ trong tăng thân. Anh Đỗ Quý Toàn rất giỏi, anh là nhà văn, được nhật báo Người Việt ở Nam Cali mời làm giám đốc nên anh và vợ là chị Chân Huyền cũng chuyển dần dần về Nam Cali và lập Tăng Thân Xóm Dừa. Hồi còn ở Montreal Canada, gặp được Thầy chị Chân Huyền rủ anh Chân Cơ, Chân Hữu, Chân Hội và các anh chị khác đứng ra lập Làng Cây Phong ở Canada. Lúc đầu Làng Cây Phong cũng rất thành công nhưng như Chân Không đã nói, trung tâm của cư sĩ thì không bền như trung tâm có người xuất sĩ. Vì người cư sĩ tuỳ thuộc rất nhiều ở gia đình, vợ chồng con cái.
Canada vùng nói tiếng Anh là Toronto, Edmondton, Alberta và Vancouver. Đa số dân Canada nói tiếng Anh nhưng Thầy có đệ tử Canada nói tiếng Pháp nhiều hơn nhờ nhóm Tiếp Hiện gốc Việt rất năng nổ đứng ra hy sinh lo mọi thứ. Ở cực Tây Canada thành phố Vancouver có chị Jeannie Mc Segie đã lập được Mindfulness Practice Center.
Thầy giáo dạy chánh niệm đầu tiên thành phố Toronto có anh Tiếp Hiện Nguyễn Văn Kỷ Cương, anh là giáo sư Toán, dạy chánh niệm cho các trường trung học rất giỏi. Hồi xưa anh rất thích đi câu cá, sau khi nhận năm giới và trở thành đệ tử của Thầy, anh đã bỏ thú vui đó và tu tập rất hay, sáng chế ra pháp môn dạy học tại trường trung học anh dạy và rất thành công nơi bốn điểm then chốt:
Dừng lại mỗi 15 phút. Mỗi 15 phút một em học sinh vỗ tay ba cái. Thầy trò đều dừng lại, thầy không giảng, trò không suy nghĩ. Nhờ dừng lại như thế nên tâm các cháu định hơn, theo bài kỹ hơn. Thầy và trò tập dừng lại, thở, không suy nghĩ nên dạy học hay hơn, tiếp thu hay hơn.
Thầy sửa bài bình tĩnh hơn khi thấy học trò làm sai, không để cơn bực mình kéo đi và không chê trò quá nặng. Sau khi thở vài hơi cho bớt bực, thầy viết: “Con không hiểu bài tại thầy giảng chưa rõ.”
Học trò thấy tính tình của thầy có tiến bộ, thầy ngọt ngào hơn nên các em vừa cố gắng vừa có niềm tin nơi thầy và thích học với thầy hơn.
Tình thầy trò có cái gì rất thật nên nếu trong gia đình huyết thống không hạnh phúc thì các em có thể nương tựa nơi thầy hỏi ý kiến.
Bên Canada cũng có quý anh như anh Tư Đồ Minh khá năng nổ trong Gia đình Phật tử Bắc Mỹ Châu, anh Chân Bồ Đề Nguyễn Văn Minh và chị Chân Thường Hỷ Tôn Nữ Diệu Liên đã lập nhóm Mắt Thương Nhìn Cuộc Đời chuyên lo cho người nghèo và trẻ em trong nước cũng như những chương trình từ thiện khác. Anh chị cũng tổ chức những ca mổ mắt ở những vùng sâu xa Việt Nam, mời nhiều bác sĩ chuyên viên mổ mắt cườm, mắt kéo mây. Họ về tận những miền quê Thừa Thiên, Quảng Trị một lần làm chục ca về phẫu thuật mắt cho người khiếm thị.
Nhưng cống hiến của tăng thân Toronto lớn nhất cho Làng Mai là khuyên các con và em mình đi xuất gia với Thầy. Vị xuất gia rất xuất sắc từ Toronto là thầy Pháp Niệm. Ban đầu thầy chỉ là cánh tay mặt của Thầy mình về thi ca, xướng kệ thiền môn và âm nhạc thiền. Thầy mà xướng các bài kệ cổ của Thầy mình dịch ra Việt văn thì thiên hạ lắng nghe, ai cũng đều rung động tận tâm can. Thầy mình rất hãnh diện về khả năng xướng tán của thầy Pháp Niệm. Thầy nói chỉ nghe Thầy xướng một lần là thầy Pháp Niệm lập lại y chang như vậy mà vì còn trẻ nên giọng dũng mãnh hơn mà không kém thiền vị. Khi đi dạy ở Hoa Kỳ, ở Âu Châu, Á Châu hay Trung Quốc, đi đâu Thầy cũng đọc lớn tiếng Anh ý nghĩa những bài kệ cổ xưa ấy. Có khi Thầy còn viết lên bảng đen chữ Trung Quốc của bài kệ đó. Có thể bài này đã được nhiều thế hệ Trung Quốc xướng tán rồi, nhưng sau khi viết lên bảng đen chữ Trung Quốc bài kệ ấy, Thầy nghiêm túc đọc nghĩa Anh văn, thỉnh chuông xong thì thầy Pháp Niệm xướng lên, giọng thật cao mà hùng, từng câu, từng tiếng Việt thật đậm mùi thiền. Các thầy Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bổn đều rúng động, sảng khoái. Phật tử Trung Quốc không dám khinh thường dân Việt Nam là ai mà sang đây chia sẻ sự tu tập Thiền cho người Trung Quốc. Thầy giảng đến đâu họ nể phục đến đó. Đó một phần cũng nhờ Thầy có đệ tử xướng tán giỏi như thầy Pháp Niệm. Ngoài ra thầy Pháp Niệm cũng dạy rất sâu về 16 hơi thở chánh niệm, vượt thoát sợ hãi tử sinh.
Toronto còn cống hiến cho Làng Mai một nam xuất sĩ rất xuất sắc nữa là Bé Nhiệm, sau này là thầy Pháp Hữu, đến Làng từ lúc mới tám tuổi. Trong nhiều năm ba của thầy cho hai con là bé Nhiệm và chị của bé sang Làng chơi mỗi mùa hè, đến năm 13 tuổi thì bé Nhiệm được xuất gia.
Thầy Pháp Hữu thực tập rất tinh chuyên những điều Thầy dạy. Và đến năm 20 tuổi Thầy cho Pháp Hữu thọ đại giới, năm 21 tuổi làm phó trụ trì của chùa Pháp Vân. Năm 22 tuổi Thầy truyền đăng cho thầy Pháp Hữu. Năm 2011, lúc 24 tuổi thầy Pháp Hữu chính thức trở thành trụ trì của Xóm Thượng. Mỗi lần trước khi cho pháp thoại, thầy Pháp Hữu thường đi thiền hành hoặc uống một ly trà trong chánh niệm để chế tác năng lượng tĩnh lặng và bình an. Mỗi lần thực tập như vậy thầy Pháp Hữu đều mời Thầy của mình cùng có mặt trong mỗi bước chân hay trong ly trà. Được may mắn làm thị giả của Thầy rất nhiều năm nên thầy Pháp Hữu có cơ hội để uống trà trong chánh niệm hay đi thiền hành với Thầy rất nhiều lần và học hỏi trực tiếp từ Thầy. Ở vai trò trụ trì thầy Pháp Hữu được học hỏi cách làm việc với Thầy trong vấn đề tổ chức các buổi lễ lớn và Đại Giới Đàn. Ở vai trò một người em thầy Pháp Hữu thường hỏi ý kiến của các sư anh sư chị lớn và con mắt của tăng thân về những vấn đề trong chúng để giảng pháp có liên hệ thực tế hơn. Thầy giảng xong ai nấy cũng đều tấm tắc khen là rất lợi lạc và sâu sắc.
Ngoài ra ở Toronto cũng có một em nữ cư sĩ thọ giới Tiếp Hiện rồi, và đã đứng ra mở một phòng thực tập chánh niệm cho dân thành phố trong một chung cư.