Những chỉ dẫn cần thiết

(Phiên tả Pháp thoại ngày 30 tháng 11 năm 1997 tại xóm Thượng, Làng Mai, Pháp)

Kỳ trước chúng ta đã học về hai chữ công phu. Chúng ta biết rằng công phu nghĩa là sự rèn luyện hằng ngày như thiền ngồi, thiền nằm, thiền trà, thiền làm việc, quán niệm hơi thở, v.v. và trong đó cố nhiên là có công phu thực tập những bài tụng niệm. Như vậy, công phu ở đây được hiểu là công phu tụng niệm. Sách Nhật tụng Thiền môn năm 2000 chúng ta sử dụng trong khóa tu này, không phải chỉ có hai buổi công phu tụng niệm, mà là mười bốn buổi. Trong sách này chúng ta có thể sử dụng những kinh điển khác nhau để tụng mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều. Trong nghi thức này có nhiều kinh rất thiết thực cho sự thực tập, nếu có cơ hội thực tập theo thì chúng ta sẽ được học hỏi nhiều kinh và áp dụng những kinh đó trong đời sống hằng ngày. Trước hết là phần Những chỉ dẫn cần thiết, trang 17. 

1. Các nghi thức trong đây chỉ trình bày phần thiết yếu. Vị Duy na, tùy theo thời gian, có thể thêm vào các bài như Dâng hương, Tán lễ, Niệm Bụt, Khai kinh và Hồi hướng. Những bài này có đầy đủ trong phần phụ lục.

Sách Nhật dụng công phu ngày xưa cũng chỉ trình bày phần thiết yếu. Ví dụ buổi sáng bắt đầu bằng kinh Lăng nghiêm, ngay từ đầu đã tụng Nam mô Lăng nghiêm hội thượng Phật Bồ tát, không có những bài như Dâng hương, Tán lễ, Niệm Bụt và Khai kinh. Vì vậy nếu vị Duy na muốn tụng thêm các bài Dâng hương, Tán lễ, Niệm Bụt và Khai kinh thì vị Duy na sẽ sử dụng những bài đó trong phần phụ lục.

2. Những đạo tràng tu theo Tịnh độ sẽ niệm Bụt A Di Đà trong thời công phu chiều thay vì niệm Bụt Thích Ca. 

Sách Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000 có thể dùng chung cho cả hai phái Thiền và Tịnh độ. Nghi thức công phu chiều thứ Sáu là một nghi thức công phu Tịnh độ tiêu biểu. Trong các Niệm Phật đường, các Tịnh độ viện có thể áp dụng nghi thức chiều thứ Sáu. Các đạo tràng Tịnh độ, nếu muốn, có thể sử dụng nghi thức này mỗi buổi chiều. Nhưng nếu sử dụng nghi thức này mỗi buổi chiều thì sẽ không được trì tụng những kinh khác. Đạo tràng tu theo Tịnh độ trong thời công phu chiều thay vì niệm Bụt Thích Ca thì các hành giả có thể niệm Bụt A Di Đà. 

Sau danh hiệu Bụt A Di Đà là danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí và các đức Bồ tát trên hội Liên Trì. Trong giờ tĩnh tọa của buổi công phu chiều, hành giả Tịnh độ thực tập niệm Bụt im lặng, lần tràng hạt hoặc quán tưởng. Niệm Bụt có nhiều cách, cách thứ nhất là niệm Bụt thành tiếng, cách thứ hai là niệm Bụt im lặng. Khi niệm Bụt im lặng, ta có thể dùng tràng hạt hoặc quán tưởng. Quán tưởng là hình dung hình ảnh của đức Thế Tôn, tiếng Anh là visualization

Sách Nhật tụng Thiền môn năm 2000 đề nghị bắt đầu buổi công phu bằng sự thực tập tĩnh tọa. Thiền giả thực tập theo sách Sen búp từng cánh hé, Tịnh độ giả thực tập theo cách niệm Bụt im lặng, lần tràng hạt hoặc quán tưởng. 

3. Bài Quán nguyện (về danh hiệu của bốn vị Bồ tát lớn) trong buổi công phu chiều thứ Hai, thay vì được đại chúng đồng tụng, nên để cho một vị trong đại chúng (hoặc bốn vị thay nhau) đọc lên. Niệm lực và định lực của những vị này phải khá vững thì trong khi đọc mới tạo ra được năng lượng quán chiếu trong đại chúng.

Lạy đức Bồ tát Quan Thế Âm, lạy đức Bồ tát Văn Thù Sư Lợi,… Những đoạn đó nên để một người đọc với niệm lực và định lực để toàn thể đại chúng cùng nghe. Như vậy không có nghĩa là chúng ta không có quyền tụng với nhau, đồng thanh tụng những lời quán nguyện đó.

4. Trong khi tụng niệm, phải biết lắng nghe vị Duy na và đại chúng để có thể hòa giọng mình vào giọng đại chúng. Phải hết sức tránh tụng một mình một giọng, tách biệt với giọng của đại chúng. Tụng kinh phải biết sử dụng miệng và tai cùng một lúc.

Điều này rất quan trọng vì nhiều khi có người tụng một mình một giọng riêng trong đại chúng nên nghe rất kỳ, không có sự hòa hợp. Những người đó phải thực tập để hòa giọng mình vào giọng đại chúng. Người nào chưa hòa được thì phải tập, hễ tập là có thể làm được, chỉ cần vài giờ đồng hồ là có thể tập được, đừng nghĩ rằng ta không thể hòa vào giọng của đại chúng. Nếu hát được thì có thể tụng được. Phải biết sử dụng miệng và tai cùng một lúc, nghĩa là không chỉ tụng bằng miệng mà phải tụng bằng tai nữa, phải nghe giọng của đại chúng để có thể hòa giọng ta vào giọng đại chúng. Những người tụng một mình một giọng là những người không sử dụng tai, nếu có sử dụng tai, họ sẽ không dám tụng như vậy. 

5. Trong khi tụng niệm, đừng nên chỉ chú trọng tới âm điệu tụng niệm và kỹ thuật tán tụng.

Nhiều người mắc phải điều này, vì muốn tụng kinh cho hay nên chúng ta thường để hết tâm ý vào kỹ thuật tán tụng và âm điệu tụng niệm. Ta quên rằng điều quan trọng nhất là để cho những hạt giống của tuệ giác trong ta được tưới tẩm bởi lời kinh, vì vậy phải để ý tới lời kinh.

Âm điệu và kỹ thuật tuy cần thiết nhưng không thiết yếu bằng ý kinh. 

Phần lớn chúng ta tụng kinh như một con vẹt hay một cái máy, trong khi tụng không để ý tới lời kinh, không để lời kinh thấm vào trong lòng. Tụng kinh phải để cho lời kinh tưới tẩm hạt giống tuệ giác trong ta. Những người đọc kinh có niệm lực và định lực thì để ý tới lời kinh. Khi đọc hoặc tụng kinh, ta có cơ hội để lời kinh, ý kinh tưới tẩm những hạt giống tuệ giác có sẵn trong ta. Và có thể ta bừng tỉnh, giác ngộ trong khi đọc kinh hoặc tụng kinh. Rất nhiều người trong chúng ta tụng như cái máy, điều này rất uổng phí. Mỗi ngày để ra một giờ, hai giờ, có khi ba giờ để tụng niệm mà cứ làm như cái máy cassette, rất uổng! 

Mỗi người hãy tự nhìn lại, trong khi tụng kinh ta có mở trái tim ra, mở tâm điền (ruộng tâm) ra để cho mưa pháp rơi xuống không, hay là ta chỉ tụng bằng cái miệng. Cơ Đốc giáo có nói tới lời cầu nguyện của trái tim (a heart prayer), tức là nói tới chuyện này. Cầu nguyện không phải bằng miệng mà bằng trái tim. Tụng kinh không phải là cầu nguyện. Tụng kinh là làm cho mưa pháp rơi xuống. Nghe pháp thoại cũng là làm cho mưa pháp rơi xuống ruộng tâm của ta. Ta biết chắc rằng, ruộng tâm của ta có những hạt giống của trí tuệ, giác ngộ, hiểu biết, thương yêu, tha thứ. Những hạt giống đó được chôn vùi trong đất tâm ta; tụng kinh, nghe pháp là để cho mưa pháp thấm vào những hạt giống trong tâm. Nếu trong khi tụng niệm mà để cho đất tâm ta bị khóa lại, cũng như, lấy những tấm nylon che đất tâm của ta thì dù mưa pháp có rơi xuống cũng không có ích lợi gì. Cho nên mỗi lần tụng niệm là mỗi lần tạo ra mưa pháp. Mỗi lần nghe pháp thoại là mỗi lần đi vào cơn mưa của chánh pháp. Vì vậy, ta phải mở lòng ra, mở tâm địa của ta ra để cho mưa pháp thấm nhuần vào hạt giống tích cực có sẵn trong ta. Do đó, tụng niệm gọi là công phu. Nếu công phu chỉ là đọc cho xong một thời kinh bằng miệng thì mua máy cassette tụng giùm, để ta đi ngủ có phải sướng hơn không. Ta đừng nên làm máy cassette, thực tập tụng kinh mà làm máy cassette thì thật uổng cho ta. Tụng kinh là một sự thực tập rất quan trọng. Tụng kinh trong đạo Bụt không có nghĩa là cầu xin, tụng kinh nghĩa là làm ra mưa pháp để tưới vào đất tâm. Mưa pháp phải là mưa pháp thật sự. Ta phải mở lòng ra để đón nhận mưa pháp. Âm điệu và kỹ thuật tuy cần thiết nhưng không thiết yếu bằng ý kinh. 

Tụng kinh không phải là hợp tấu hoặc hòa nhạc. Có khi chúng ta tụng kinh rất hay nhưng kinh không thấm được vào lòng thì rất uổng!

Tụng kinh là để có cơ hội gieo trồng và tưới tẩm những hạt giống tuệ giác và từ bi trong chiều sâu tâm thức, vì vậy tâm ý phải duyên theo lời kinh và tiếp nhận ý kinh. 

Do vậy mỗi sáng, mỗi chiều khi tụng niệm, chúng ta phải theo đúng nguyên tắc này: Mở tâm địa ra để đón nhận mưa pháp.

6. Niệm Bụt, dù là Bụt Thích Ca, hay Bụt A Di Đà, Bồ tát Quán Âm hay Bồ tát Địa Tạng, ta không nên chỉ niệm bằng miệng mà không niệm bằng tâm. Nếu chỉ niệm bằng miệng, ta sẽ mau chóng trở thành một cái máy niệm, chỉ phát được âm thanh mà không phát ra được năng lượng chánh niệm.

Khi chúng ta niệm bằng trái tim thì lời kinh phát ra được năng lượng của chánh niệm, năng lượng đó thấm nhuận vào cơ thể chúng ta, thấm nhuận vào cơ thể của những người xung quanh ta. Trong đó có thể có những loài vô hình tới nghe kinh, những loài Trời, A tu la, Dược xoa, những loài ta không thấy được. Họ cũng khao khát tới nghe kinh. Nếu ta chỉ niệm Bụt hay tụng kinh bằng miệng thì năng lượng không phát ra được, và họ không được thấm nhuận thì rất tội nghiệp cho họ. Vì vậy khi tụng kinh, niệm Bụt phải tụng bằng trái tim ta. Khi tụng bằng trái tim thì lời kinh của ta có năng lượng, có sự truyền cảm, đi sâu vào tự thân ta, đi sâu vào những người tới cùng tụng và đang nghe kinh với ta. 

Niệm bằng tâm ta sẽ tiếp nhận được năng lượng của Bụt vốn có sẵn trong ta, dưới hình thức hạt giống Phật tánh và chánh niệm; năng lượng ấy cũng có mặt trong vũ trụ.

Niệm Bụt là để tiếp nhận năng lượng của Bụt. Chúng ta có hạt giống Bụt trong tâm, nếu chúng ta tụng và niệm bằng tâm thì chúng ta sẽ có thể tiếp xúc được với năng lượng của Bụt và của các vị Bồ tát. Có quy luật Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu – The law of affinity. Nếu chúng ta muốn đồng cảm và tiếp xúc với năng lượng của loài ma, thì chúng ta chỉ cần tưới tẩm năng lượng, hạt giống của ma. Nếu chúng ta muốn đồng cảm và tiếp xúc với năng lượng của Bụt và Bồ tát thì chúng ta niệm Bụt và niệm Bồ tát. Niệm ma một hồi thì ta thành ma, niệm Bụt một hồi thì ta thành Bụt. Ví dụ, có một người suốt ngày chỉ nghĩ đến chuyện xì ke ma túy, đó là niệm xì ke ma túy, người đó sớm muộn gì cũng sẽ đi tìm tới nhóm người đang sử dụng xì ke ma túy. Nếu có người đang nghĩ tới chuyện tu tập, thiền hành, thiền tọa, ngày nào cũng nghĩ tới chuyện đó thì sớm muộn gì người đó cũng tìm về Làng Mai hay đạo tràng tu tập tương tợ để thực tập. Mỗi ngày ta niệm cái gì thì ta sẽ trở thành cái đó, chắc chắn như vậy. 

Năng lượng của Bụt và Bồ tát có trong tâm ta nhưng cũng có trong vũ trụ. Niệm Bụt tức là làm cho ta đi vào trong tần số, trong những làn sóng điện của các vị đại nhân. 

Chỉ khi nào năng lượng trong tâm ta phát sinh thì ta mới tiếp xúc được năng lượng trong vũ trụ.

Cũng như một cái máy vô tuyến truyền hình hay một cái máy vô tuyến truyền thanh, nếu không có điện hay không có pin bên trong, thì chúng ta không thể mở ra và không tiếp nhận được những chương trình mà đài phát thanh hay đài truyền hình đang phát. Chúng ta phải mở đài của chúng ta ra thì chúng ta mới tiếp nhận được chương trình của các đài khác. Điều này cũng vậy, chư Bụt, chư Bồ tát hoặc các bậc đại nhân luôn luôn có mặt đó và đang phát ra năng lượng chánh niệm tập thể. Nếu ta biết sử dụng thân tâm ta như một đài thu hình hay thu thanh, thì khi mở ra chúng ta có thể bắt đầu tiếp nhận năng lượng của Bụt và Bồ tát. Chúng ta sẽ tiếp nhận được năng lượng tập thể đó và chúng ta được yểm trợ, nâng đỡ bởi năng lượng đó. Chỉ khi nào năng lượng trong tâm ta phát sinh thì ta mới tiếp xúc được năng lượng trong vũ trụ. Ta phải có một ít năng lượng, năng lượng này là năng lượng chánh niệm trong khi tụng niệm. Có năng lượng, có điện và mở máy ra đúng đài thì thế nào chúng ta cũng tiếp xúc được những chương trình phát ra do các đài thế giới truyền đi.

Trong khi niệm Bụt, ta không thoát ra ngoài khung cảnh bây giờ và ở đây mà trái lại, ta thực sự có mặt. 

Niệm Bụt và niệm Bồ tát không có nghĩa là buông bỏ thực tại hiện tiền, cái bây giờ và ở đây để đi tìm kiếm một nơi khác, hay trốn tránh hoàn cảnh hiện tại. Khi niệm Bụt ta phải thiết lập thân tâm ngay trong giờ phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Điều này rất quan trọng. 

Trong khi niệm Bụt, ta không thoát ra ngoài khung cảnh bây giờ và ở đây mà trái lại, ta đang thực sự có mặt. Đây là bản chất của thiền. Thiền nghĩa là làm cho ta thực sự có mặt, ở đây và bây giờ. Niệm Bụt cũng là thiền, cũng làm cho ta có mặt ở đây và bây giờ, không mơ tưởng cõi nào hay hạnh phúc nào ở tương lai.

Với năng lượng Bụt trong tâm, những gì ta đang thấy và đang nghe cũng chính là những gì Bụt đang thấy và đang nghe.

Nếu ta đang thực sự niệm Bụt, thì chúng ta có năng lượng Bụt và có Bụt trong tâm. Vì vậy tai ta nghe được những điều Bụt đang nghe, mắt ta thấy được những gì Bụt đang thấy. Ví dụ khi có tiếng gió xao động trong cây, Bụt có thể nghe được trong đó tiếng thuyết pháp về Tứ đế, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát thánh đạo phần. Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta có chánh niệm và năng lượng của Bụt thì khi nghe tiếng gió, tiếng chim, chúng ta sẽ có thể nghe được tiếng thuyết pháp, thấy được mầu nhiệm, chân như của vạn sự vạn vật. Khi chúng ta sử dụng con mắt và lỗ tai của mình trong chánh niệm hiện tiền thì ta có thể nhìn bằng mắt của Bụt và nghe bằng tai của Bụt. Vì vậy, nếu Bụt an trú trong Tịnh độ thì Tịnh độ cũng hiển hiện cho ta trong giờ phút hiện tiền. Ví dụ khi đi thiền, nếu chúng ta có Bụt và năng lượng của Bụt trong tâm, thì cảnh giới trong đó ta đi thiền chính là cảnh giới Tịnh độ. Ta đi những bước rất thảnh thơi, thanh thoát, bởi vì Bụt là người thảnh thơi, thanh thoát. Niệm Bụt, ta có thảnh thơi và thanh thoát trong ta. Vì vậy cõi ta đang đi là cõi Bụt đang đi, nghĩa là cõi Bụt. Những gì ta đang nhìn thấy là những gì Bụt đang thấy, những gì ta đang nghe là những gì Bụt đang nghe. Niệm Bụt như vậy mới đi lên được mức cao, tức là niệm Bụt chân chính. Trái lại, niệm Bụt với tính cách cầu xin, than thở thì chưa phải là chánh niệm. 

Với năng lượng Bụt trong tâm, những gì ta đang thấy và đang nghe đồng thời đều là những gì Bụt đang thấy và đang nghe. Điều này rất quan trọng. 

Vì thế, niệm giúp chúng ta an trú trong định và định làm biểu hiện cõi Bụt trong khung cảnh hiện tiền.

Người niệm Bụt mà niệm đúng thì tiếp xúc được Tịnh độ hiện tiền trong giây phút hiện tại, không cần phải chết rồi mới đi qua Tịnh độ. Điều này rất đúng với tinh thần chính thống của Phật giáo. Cõi này là cõi Ta bà đầy nước mắt, cũng tại vì tâm ta là tâm Ta bà, tâm chúng sinh, tâm khổ đau. Nếu tâm ta được chuyển hóa nhờ phương pháp niệm Bụt thì tâm ta trở thành tâm Tịnh độ. Khi tâm ta trở thành tâm Tịnh độ thì cõi ta đang ngồi cũng trở thành cõi Tịnh độ. Chúng ta có bài hát: 

Đây là Tịnh độ

Tịnh độ là đây

Mỉm cười chánh niệm

An trú hôm nay.

Rất rõ ràng là khi tâm ta tịnh thì cảnh giới trong đó ta ngồi cũng tịnh. Tâm tịnh, thì độ tịnh. Và độ đó không cần phải đi tìm chỗ khác, độ tức là cõi. Cũng như trong Cơ Đốc giáo, người ta nói rằng đất Chúa nằm ngay trong tâm của quý vị (The kingdom of God is within you). Nếu tâm ta an trú được trong cõi bất sinh bất diệt thì đất đai ta đang cư trú trở thành cõi bất sinh bất diệt, cõi Niết bàn. 

Niệm Bụt giúp ta an trú trong định và định là biểu hiện cõi Bụt trong khung cảnh hiện tiền. Câu này cũng rất quan trọng. Mỗi ngày chúng ta đều tụng kinh, niệm Bụt nhưng chúng ta tụng kinh, niệm Bụt như thế nào mà bản thân vẫn ở trong cõi khổ đau đầy nước mắt. Vì chúng ta không tụng kinh, niệm Bụt theo đúng phương pháp. Tụng kinh, niệm Bụt là để năng lượng của Bụt, năng lượng của niệm, của định biểu hiện trong ta. Có niệm và định thì cõi Bụt sẽ hiện ra ngay trong cảnh giới hiện tiền. Và khi chúng ta đi thiền là chúng ta đi trong cõi Tịnh độ. 

Ta sẽ tiếp xúc được với thế giới của bản môn, của Tịnh độ ngay trong khi niệm Bụt, và ta có an lạc, vững chãi cũng ngay trong khi niệm Bụt. Niệm Bụt ở đây không còn là một lời cầu khẩn hay kêu gọi, mà là một sự thực tập làm cho Bụt và thế giới của Bụt có mặt trong ta và quanh ta ngay trong giờ phút thực tập. 

Trong đạo Bụt, chúng ta ít dùng danh từ cầu nguyện. Ta có quyền năng tạo ra mưa pháp. Mưa pháp giúp cho đất tâm ta được thấm nhuần để những hạt giống bồ đề, hạt giống hạnh phúc được biểu hiện. Vì vậy câu niệm Bụt không còn là lời cầu khẩn hay kêu gọi mà là thực tập làm cho Bụt và thế giới của Bụt có mặt trong ta và quanh ta ngay trong giờ phút thực tập. Vậy thì trong khi chúng ta ngồi thiền, kinh hành, niệm Bụt, tụng kinh, những lúc đó ta phải có mặt thực sự trong Tịnh độ. Theo nguyên tắc thì chúng ta làm được nhưng với tập khí làm như cái máy, chúng ta không thành công. Chúng ta phải cương quyết đừng làm như cái máy, những cái máy ngồi thiền, những cái máy thiền hành, những cái máy tụng kinh, những cái máy niệm Bụt. Chúng ta phải ngồi thiền bằng trái tim, chúng ta phải kinh hành bằng trái tim, chúng ta phải niệm Bụt bằng trái tim, chúng ta phải tụng kinh bằng trái tim, thì tự nhiên cảnh giới của Bụt hiện tiền. 

Có một lần, sư em Định Nghiêm viết cho thầy: “Bạch thầy, con cảm thấy hạnh phúc lắm. Có một lần ngồi nghe pháp thoại tự nhiên con thấy sao mà con may mắn và hạnh phúc quá! Ngày nào con cũng được nghe và sống với những gì rất đẹp, rất hay, rất tốt (tức là giờ pháp thoại). Giờ pháp thoại nào cũng được nghe những ý, những lời tuyệt vời về giải thoát, tự do, từ bi và con được sống theo những lời dạy về giải thoát, tự do, từ bi. Những điều đó làm cho ruộng tâm của con được thấm ướt và những hạt giống hạnh phúc của con được nảy mầm.” 

Hạnh phúc đó là hạnh phúc Tịnh độ. Hạnh phúc đó tới với ta là nhờ ta được sống trong những cơn mưa pháp. Pháp thoại và tụng kinh là để có những cơn mưa pháp. Niệm Bụt, kinh hành cũng là làm cho mưa pháp rơi xuống. Khi có mưa pháp, hạt giống hạnh phúc biểu hiện và tự nhiên ta thấy cõi Tịnh độ hiện tiền, chứ không phải là điều mơ ước xa xôi, hão huyền. 

Khi thực tập kinh hành, nên chú tâm tới sự tiếp xúc giữa bàn chân và sàn chánh điện, đi từng bước an lạc và thảnh thơi như bước trong Tịnh độ, mỗi bước đi đều có giá trị nuôi dưỡng và trị liệu, mỗi bước đi đều đem lại thêm chất liệu chánh niệm, vững chãi và thảnh thơi vào cơ thể và tâm thức. 

Đó là những lời chỉ dẫn về phương pháp kinh hành trong thiền đường, trong chánh điện. Trong khi bước những bước chân như vậy, ta phải theo dõi hơi thở. Khi kinh hành trong thiền đường, thường mỗi hơi thở vào ta bước một bước chân, mỗi hơi thở ra ta bước một bước chân. Trong khi bước như vậy, ta chú ý tới sự xúc chạm giữa bàn chân và sàn chánh điện. Sàn chánh điện có thể làm bằng gỗ, được trải thảm (moquette) hay vải sơn lót sàn (linoléum). Nhưng với bất cứ sàn nào, ta cũng phải chú tâm đến sự xúc chạm giữa bàn chân với sàn nhà. Đừng tập trung tâm ý trên đầu và suy nghĩ chuyện này chuyện khác, phải đem sự tập trung tâm ý xuống bàn chân để bàn chân tiếp xúc được với sàn chánh điện trong chánh niệm. Đi từng bước an lạc và thảnh thơi như bước trong Tịnh độ. Trong khi ta đang kinh hành, sàn chánh điện, sàn thiền đường phải trở thành Tịnh độ. Đi phía trước ta có thể là một sư anh hay một sư em, ta biết rằng ít nhất có ba người: ta, người trước và sau ta đang đi trong cõi Tịnh độ. Nếu đi như vậy mà ta có buồn, có lo, có giận thì ta đang không đi trong cõi Tịnh độ mà là đi trong cõi Ta bà. Đi như vậy giống như ma đang đi. 

Cho nên, mỗi khi đi một vòng thiền hành (kinh hành trong chùa, trong chánh điện, trong thiền đường), chúng ta phải cương quyết đừng để mất một bước chân nào, bước nào cũng phải bước đi trong Tịnh độ. Chúng ta có câu kinh Mỗi bước chân đi vào Tịnh độ – I vow that each step I make will bring me into the Pure land. Mỗi bước chân đều mang thêm chất liệu chánh niệm, vững chãi và thảnh thơi vào cơ thể và tâm thức ta. Tức là ta nuôi dưỡng cơ thể và tâm thức bằng chất liệu chánh niệm, vững chãi và thảnh thơi. Và chất liệu chánh niệm, vững chãi và thảnh thơi đó được bước chân ta chế tác. 

Bước đi như in xuống dấu vết niềm an lạc của ta trên mặt đất.

Đừng để hằn lên trên mặt đất niềm lo, nỗi buồn của ta. Mỗi bước chân như vậy, ta phải in trên mặt đất dấu hiệu của an lạc, thảnh thơi. Những người khác không thấy nhưng các vị Bồ tát nhìn vào dấu chân của ta thì biết rằng dấu chân này là dấu chân của thảnh thơi, an lạc hay là dấu chân của phiền não.

7. Thỉnh thoảng, đại chúng cũng có thể đề cử một vị đọc lên kinh văn căn bản của thời công phu (như kinh Kim cương, v.v.) để tất cả mọi người cùng lắng nghe, thay vì đồng tụng. 

Điều này thầy có dạy các sư cô, sư chú ở tu viện Rừng Phong. Sáng nào thầy cũng thức dậy để ngồi thiền và tụng kinh với các sư cô, sư chú ở tu viện. Ngoài ra thầy cũng dành cho các vị một vài giờ để dạy cách tụng kinh và niệm Bụt. Chúng ta thường sử dụng mõ và chuông để cùng tụng kinh văn như kinh Kim cương hay kinh Diệt trừ phiền giận. Thỉnh thoảng, thay vì tụng chung thì chúng ta cử một người đọc kinh với tất cả niệm và định. Người này nếu có thể được, thì phải biết trước bổn phận của mình và phải thực tập trước một ngày hoặc hai ngày. Nếu người đó đọc vấp váp, không nắm được ý kinh và không có niệm lực hùng hậu thì khi đọc kinh, đại chúng không được thừa hưởng năng lượng. Cho nên khi ta nhờ một người đọc lên kinh văn căn bản của buổi tụng niệm cho đại chúng nghe thì ta phải nhờ một người có niệm lực khá hùng hậu. Những người nắm được ý kinh, nhất là những người đã từng thực tập những điều dạy trong kinh, khi đọc kinh lên năng lượng sẽ thấm nhuận rất nhiều trong đại chúng, trong những vị có mặt trong buổi công phu. Muốn nắm vững ý kinh, ta phải học những kinh này và phải đem những ý trong kinh áp dụng vào đời sống hằng ngày. Làm được như vậy, đến khi tụng kinh, ta mới có thể tụng được bằng trái tim ta. Tụng được bằng trái tim thì lời kinh sẽ thấm vào tự thân và thấm vào thân tâm của những người có mặt trong buổi tụng niệm. 

Nên chọn người có giọng đọc truyền cảm và có niệm lực cũng như định lực khá hùng hậu. Kinh nghiệm thực tập ở Đạo tràng Mai Thôn trong 20 năm qua cho thấy cách tụng này giúp cho ý kinh có thể thấm vào lòng người nghe một cách dễ dàng và sâu đậm.

Nhiều khi đồng tụng với nhau, chúng ta chỉ lo tụng cho đúng nhịp mõ, chúng ta không để ý tới ý kinh. Cho nên lời kinh không có năng lượng nhiều. Vì vậy thỉnh thoảng chúng ta phải tụng theo kiểu solo (tức là một người tụng đọc để tất cả người khác nghe) như là Đạo tràng Mai Thôn đã từng làm trong 20 năm vừa qua. 

8. Các kinh dài như kinh Niệm xứ, Kim cương, Người bắt rắn, v.v. đã được thu gọn để có thể nằm vào khuôn khổ thời gian có giới hạn của khóa tụng. 

Nếu tụng từ đầu tới cuối những bản kinh rất dài thì sẽ quá giờ của buổi công phu. Cho nên một số kinh dài đã được thu lại ngắn gọn. Tuy ngắn gọn nhưng tất cả tinh túy của kinh vẫn còn được giữ nguyên vẹn. 

Toàn văn các kinh ấy có thể được tìm thấy trong sách Nghi thức tụng niệm đại toàn.

Sách Nghi thức tụng niệm đại toàn sẽ sớm được xuất bản và trong sách đó tất cả các kinh trong Nhật tụng Thiền môn đều được in ra với đầy đủ chi tiết.

9. Tất cả các buổi công phu sáng và chiều đều được bắt đầu bằng 20 tới 30 phút tĩnh tọa và một vòng kinh hành im lặng. 

Trong thiền viện cũng như trong Tịnh độ viện, trước khi tụng kinh, niệm Bụt thì ta phải bắt đầu bằng một thời tĩnh tọa ít nhất là 20 phút, trung bình là 30 phút. Tại các thiền viện, nếu muốn có thêm giờ công phu tĩnh tọa thì ta có thể thêm vào.

10. Trong khi chuông đại hồng đang được thỉnh hay khi đại chúng đang ngồi tĩnh tọa hoặc tụng kinh, tất cả những người trong chùa có phận sự mà không tham dự được buổi công phu đều phải chấp tác trong im lặng, theo dõi hơi thở để thiền tập hoặc niệm Bụt mà không được nói chuyện hoặc gây tiếng động làm hại đến phẩm chất của buổi công phu. 

Đây là truyền thống hàng ngàn năm của thiền viện, chùa nào có sự thực tập vững chãi đều như vậy cả. Trong khi chuông đại hồng vọng lên và mọi người đang ngồi thiền, tụng kinh hay niệm Bụt thì ở dưới bếp và những nơi khác, mọi người không đi tham dự công phu được vì lý do tăng sai thì phải làm việc trong im lặng, phải theo dõi hơi thở, lắng nghe tiếng chuông, cùng thực tập chung với những người ở trên thiền đường. Tuy rằng ta đang lo công việc, nấu nước, pha trà, nấu cháo sáng cho đại chúng hay đang quét dọn thì ta cũng phải sử dụng những công tác đó như là công phu thực tập của ta, không được tạo ra sự ồn ào trong chùa hay thiền viện.

11. Xuất xứ của tất cả kinh văn sử dụng trong sách này đều được ghi chép ở cuối phần phụ lục.

Chúng ta có rất nhiều kinh trong mười bốn thời công phu, tất cả những xuất xứ và đại ý của kinh đều được ghi chép ở phần cuối của sách, tức là phần phụ lục.

Khoá tu Wake Up 2024

Khoá tu Wake up đầu tiên được Sư Ông Làng Mai tổ chức vào mùa hè 2008 tại Làng Mai Pháp chỉ với 50 các bạn trẻ tham dự. Theo thời gian, càng ngày càng đông các bạn trẻ biết đến phong trào Wake up. Từ ngày 10/08 – 17/08/2024 khoá tu Wake up với chủ đề “Peace begins here – Bình an bắt đầu ở đây” được diễn ra với gần 700 các bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia. Đó là cơ hội cho các bạn trẻ cùng trở về tu học, thực tập trong môi trường tâm linh, lành mạnh. Từng bài pháp thoại, những buổi pháp đàm ngồi có mặt cho nhau chia sẻ, trao đổi giúp các bạn trẻ có thể vượt thoát những vấn đề khó khăn, bế tắc của người trẻ trong xã hội hiện đại. 

Trong khóa tu, các bạn được học những giáo lý thiết yếu của đạo Bụt, các pháp môn căn bản của Làng Mai và những phương pháp thực hành chánh niệm giúp các bạn trở nên chân thực, sáng tỏ trên con đường khám phá và phát triển bản thân. 

“Sự sống chung quanh ta tràn đầy những mầu nhiệm như ly nước trong, tia nắng ấm, con bươm bướm, chiếc lá, nụ hoa, tiếng cười hay giọt mưa… Nếu sống trong tỉnh thức, ta sẽ dễ dàng nhận ra được những mầu nhiệm ấy đang có mặt khắp nơi.” Bình an bắt đầu ngay bây giờ và ở đây…

 

 

Chùm ảnh khoá tu mùa Hè ở Sơn Hạ

Những bông sen búp, những cái ôm thân thương chào tạm biệt nhau đã khép lại ba tuần của khóa tu mùa hè diễn ra từ ngày 09/07 – 01/08/2024 ở Sơn Hạ. Những gia đình đã về xóm Trung trước đây đã bắt đầu thích Sơn Hạ hơn. Sơn Hạ rộng và có nhiều rừng, có hồ nước mát, gần Nông trại hạnh phúc có thể qua hái dâu tây, hái sen và nhiều trái cây khác. Sơn Hạ gần nhà thờ Puyguilhem – một nơi ngắm mặt trời lặn tuyệt đẹp. Và Sơn Hạ nằm dưới chân đồi xóm Thượng, mỗi sáng làm biếng mọi người lại rủ nhau lên thăm cốc Ngồi Yên, được uống trà và ngắm mặt trời lên. Quý thầy và các bạn tình nguyện viên ở trên xóm Thượng cũng dễ dàng đi xuống thăm và sinh hoạt với bà con. Có nhiều thiếu nhi đã “quyết định” kỳ nghỉ hè thay cho ba mẹ; sau khóa tu năm ngoái, các bé đã xin bố mẹ đăng ký cho khóa tu năm nay. Mỗi tuần đều có sinh hoạt cho người lớn, cho các cháu thiếu niên và cả trẻ em. Bên cạnh sự có mặt của 11 quý thầy và quý sư cô thì mỗi tuần đều có sự hỗ trợ của các tình nguyện viên. Các bố mẹ rất hạnh phúc với chương trình của thiếu nhi, dưới đây là một trích đoạn trong bức thư của một người mẹ có con gái về Sơn Hạ năm nay.

“Sư cô đã đem đến cho các bố mẹ cơ hội được chữa lành, làm mới với các con. Sư cô đã tạo ra những khoảnh khắc xúc động nhất trong tâm trí của bố mẹ với các con. Những tấm thiệp giản đơn nhưng lại quý giá vô cùng mà đã lâu bố mẹ quên mất do cuộc sống vội vã. Sự đáng yêu và cái mong muốn duy nhất của các con là được bên cạnh hay được ăn cơm chung cùng bố mẹ. Buổi âm nhạc, các con thật ngộ nghĩnh và dễ thương. Khoảnh khắc bố mẹ được lên sân khấu nhận những món quà do sư cô, các chị và các con chuẩn bị thật nhiệm mầu và xúc động. Khoảnh khắc ấy đã cho con thấy tình mẫu tử thật linh thiêng và không có gì khiến tình thương con mình chấm dứt.”

Khung cảnh Sơn Hạ như một xóm nhỏ chào đón những người con từ khắp mọi nơi trở về. Chỉ mới gặp ngày đầu mà nhìn ai cũng thương cũng quý, rồi chỉ hai ba ngày sau là trở nên thân quen và cuối khóa thì đã là người một nhà. Trong suốt một tuần không ai buồn ai, không ai giận, trách móc ai. Những cánh cửa lòng cứ tự nhiên mở ra qua những buổi pháp đàm, làm mới hay bên những chén trà chiều.

Những câu chuyện, những lời tâm tình thật ấm lòng qua những buổi làm mới giữa bố mẹ và các cháu thiếu nhi, thiếu niên hay giữa các phụ huynh với nhau. Có lẽ đó là những giây phút được mọi người chờ đợi nhất mỗi khi được về Làng. Chỉ trong khung cảnh ấy những lời nói đẹp nhất, như ngọc như vàng, mới được thốt ra, khi cả bố mẹ và con cái đều có thời gian trở về chăm sóc mình trong suốt một tuần.

Khóa tu mùa Hè đã khép lại với biết bao niềm biết ơn và hạnh phúc. Kính mời đại chúng cùng thở, cùng cười với niềm vui mà mọi người có được khi về Sơn Hạ qua một vài hình ảnh được ghi lại dưới đây:

 

Thư gửi ba mẹ mùa Vu lan

Ba mẹ kính thương!

Mùa Vu Lan con dành chút thời gian để viết thư gửi ba mẹ. Vu Lan năm ngoái, con vẫn còn ngại ngùng nên đã không viết, con mong rằng ba mẹ sẽ vui khi đọc những dòng thư này.

Ba thương! Con và các anh chị cùng mẹ rất hạnh phúc khi có một người ba tuyệt vời. Ba là một người khiêm cung, ít nói, nhã nhặn, hoà đồng, thương yêu người khác và rất được mọi người yêu mến. Con vẫn không thể quên được hình ảnh ba ướt đẫm mỗi lần trời sang Đông, Huế mưa dầm dề. Ba chở tụi con đi học. Ba mẹ đầu tư cho chúng con tốt nhất có thể, dù có khi nhà mình không có nhiều tiền. Hình ảnh đó vẫn khiến con rất xúc động mỗi khi nhớ về. Ba ơi, trong tăng thân, chúng con có những bữa ăn im lặng và con đã mời ba cùng ăn với con. Con biết có những trưa hè vì kiếm đồng tiền nuôi con nên ba đã ăn rất vội vã, có khi cũng không no. Con đưa từng muỗng cơm trong chánh niệm và con ý thức rằng ba cũng đang ăn trong chánh niệm. Ba và con đã có những bữa ăn rất hạnh phúc. Bỗng tự nhiên, sau những bữa ăn như rứa, giữa ba và con sợi dây truyền thông như gần hơn, dù ba con mình không gặp nhau. Đó là một cách thiết lập truyền thông mà con tự học được. Qua đó, con nhận ra được tình thương bao la giữa ba mẹ với chúng con. Dù bên ngoài con cũng biết nhưng vì chạy theo xã hội, theo mạng Internet, theo học hành nên con tự khiến mình quên lãng đi.

Mẹ thương! Con, anh chị và ba rất hạnh phúc khi có mẹ – người phụ nữ đảm đang, luôn hy sinh vì mái ấm nhỏ của mình. Khi con đọc tới đoạn hạ sinh Rahula, Sư Ông có viết “Cửa ải sinh đẻ là cửa ải nguy hiểm nhất mà người phụ nữ nào có chồng cũng phải vượt qua. Qua được thì sống, không qua được thì chết, có khi chết cả mẹ lẫn con”. Mẹ ơi, đọc tới đây con cảm thất mẹ thật dũng mãnh, đã mang nặng đẻ đau đến tận bốn lần. Cảm ơn mẹ đã mạnh mẽ vượt qua ải đó và còn có mặt với chúng con và ba trên cuộc đời này. Mẹ, con biết chúng con bước trên con đường này, có ba mẹ luôn sát cánh là một điều may mắn. Bên cạnh đó, mẹ còn phải lo lắng với những khó khăn mà chúng con phải trải qua. Vì thế trong mẹ có một cái khó, khiến mọi người hiểu lầm về mẹ. Nhưng mẹ ơi, con chưa từng bị tác động từ những lời nói đó làm hình ảnh mẹ trong con bị thay đổi. Sống trong tăng thân, con thấy tình thương mẹ trong con lớn lên mỗi ngày. Mẹ là mẹ của con, con là con của mẹ. Mẹ không cần phải lo lắng về những gì bên ngoài, chúng con luôn thương yêu ba mẹ với những gì đẹp nhất có thể.

Ba mẹ ơi! Nói về tuổi thơ không phải lúc nào cũng toàn kỷ niệm vui, có buồn; nhưng con đã học được rất nhiều bài học. Khi mới xây nhà xong, ba mẹ chẳng còn tiền trong khi còn năm con nhỏ ở nhà. Ba mẹ có tình thương rộng lớn, có ai tới xin, mẹ dạy chị em con lấy cho họ vài ba lon gạo, con thường lấy nhiều hơn. Ba chạy xe nhiều khi cũng không lấy đủ tiền vốn, ba nói “nhà họ nghèo lắm”. Chính tình người mà ba mẹ sống để lại cho chúng con nhiều vốn liếng sau này. Con học bài học tình thương giữa người với người, như ông bà ta có câu:

“Lá lành đùm lá rách
Lá rách ít đùm lá rách nhiều”
 

Ba mẹ luôn dạy chúng con từ những gì nhỏ nhất. Mà hồi trước, nhiều khi nhìn ba mẹ của bạn bè, con thấy ba mẹ thật khó. Để rồi đi tu con mới nhận ra, chính những điều đó khiến con vững vàng hơn và là cách mà ba mẹ bảo hộ cho chúng con, là sự quan tâm luôn có mặt bên con. Con cảm ơn ba mẹ nhiều.

 

Tranh vẽ của sư cô Trăng Sáng Tỏ

 

Ba mẹ thương! Mấy bữa ni các em nhỏ lên chùa ở lại sinh hoạt với quý sư cô. Con bắt gặp hình ảnh bé Sữa đen thui, nghịch nữa chơ, lên chùa ở lại. Được ba mẹ yểm trợ, đó là tuổi thơ với mấy tháng hè ở chùa không cần đi học thêm thật vui. Ở chùa từ nhỏ, con được học thuộc mấy bài kinh sau nhiều lần tụng. Tối hôm qua, chúng con tụng bài Tưới tẩm hạt giống tốt –  một trong những bài con thật thích. Năng lượng bình an sau khi ngồi thiền khiến con chú tâm hơn từng lời kinh. 

“Con có cha có mẹ
Cha mẹ có trong con
Nhìn mẹ cha con thấy
Có con trong cha mẹ…”
 

Từng chữ đi vào trong con làm toàn thân con rúng động, con xúc động trước sự hạnh phúc là còn ba mẹ trên đời. Ba mẹ ơi, con cảm nhận thật sự và chạm rõ về câu “con có trong cha mẹ, cha mẹ có trong con”. Dù đôi khi đọc tới đọc lui nhiều lần mà con chẳng nhận ra. Con thấy rõ những hạt giống đẹp mà con đang được nhận từ ba mẹ, gia đình huyết thống của mình. Hạt giống khéo léo, tinh tế, giỏi giang của ba; hạt giống dũng cảm, thương yêu,… của mẹ. Bên cạnh đó, con cũng nhận diện rõ hạt giống tự ti, mặc cảm trong con cũng được trao truyền. Đó là buổi tụng kinh mà con thấy hạnh phúc lắm. 

Ba mẹ thương! Con biết những điều đó không chỉ nơi chính con mà còn nơi ba mẹ, ông bà, tổ tiên huyết thống của con. Mỗi khi thực tập thiền lạy, con thường lạy xuống, con buông bỏ những đau khổ, hạt giống không tốt đó nơi đất Mẹ, để đất Mẹ ôm ấp cho con. Mỗi khi thực tập như rứa, con thấy lòng mình nhẹ hơn hẳn. Dạo gần đây, con chú tâm hơn về sự thực tập thiền hành. Con thích đi chân đất mỗi khi đi thiền hành. Con đưa sự chú tâm vào sự xúc chạm giữa mặt đất và bàn chân của con. Có những đoạn đường toàn sỏi đá, ba mẹ ạ. Nhưng có khi con được bước trên những thảm cỏ xanh mướt mà đất Mẹ hiến tặng. Con thấy đoạn đường mình đi cũng rứa, có đoạn chông chênh nhưng cũng có đoạn êm đềm. Chính sỏi đất giúp kích thích huyệt, giúp thông các mạch máu, tốt cho sức khoẻ thì chính những khổ đau đó giúp con nhận diện được những điều hạnh phúc mà con đang có. Điều đó giúp cho con có thêm năng lượng và chấp nhận những gì đang tới với mình. Con buông hết những mệt mỏi xuống theo từng bước chân chạm với đất Mẹ. Con nhận được tình thương bao la của đất, ôm hết mọi loài và bài học không kỳ thị nơi đất Mẹ.

Mỗi khi đi thiền hành, con thường kết hợp với câu thi kệ mà con tự nghĩ ra: 

 “Về với Mẹ, con về với chính mình”

 

Mẹ đây cũng là đất Mẹ, người Mẹ của muôn loài. Với mỗi bước chân, con đọc thầm một chữ “Về – với – Mẹ – con – về – với – chính – mình”. Mẹ ơi, về với Mẹ ở đây cũng là với Mẹ, người mẹ huyết thống của con. Về với Mẹ, con được đi chân đất, được trở lại là một em bé nhỏ được ba mẹ thương yêu. Về với Mẹ, con được là con mà không cần những áo giáp gai bảo vệ như lo lắng, sợ hãi,… bên ngoài con nữa, con được hồn nhiên, vô tư. Với những bước chân chánh niệm, con thấy Mẹ cũng đang bước cùng con. Những buổi thực tập như rứa, con thấy mình thật hạnh phúc và nuôi dưỡng. Hình như em bé trong con cũng được nuôi dưỡng theo, con nuôi lớn tình yêu thương với ba mẹ trong mình ngày một lớn hơn. 

Ba mẹ thương! Con được nhìn lại những điểm chưa đẹp, chưa hay, những khó khăn của mình khi được sống trong tăng thân. Con thấy mình thật may mắn hơn khi được cùng ba mẹ đi trên con đường đẹp, con đường chuyển hoá rác thành hoa. Ngồi viết những dòng này, con thấy vui quá, con cảm ơn ba mẹ đã đọc và hiểu con hơn. Mỗi khi viết thư như ri con cũng nuôi dưỡng chính mình nữa.

Con của ba mẹ, 

Chân Trăng Tâm Nguyên.

Tâm tình con gửi mẹ

(Tâm Hiếu Thảo)

Sáng sớm, bình minh ló dạng, những vệt nắng trải dài trên mặt đất, thổi sức sống vào cảnh vật xung quanh. Một vẻ đẹp an tĩnh khiến lòng người yên bình. Nắng sớm không chói rọi, rực rỡ. Nắng sớm ấm áp và dịu hiền như nụ cười của mẹ. Kể từ sau chuyến thăm nhà năm ngoái, con chăm gọi về nhà hơn trước. Gặp mẹ, mẹ thường kể con nghe rất nhiều chuyện, về gia đình, hàng xóm, họ hàng,… Có lúc con cũng thoáng lo lắng, bâng khuâng, không biết những chuyện đó có làm mẹ thêm muộn phiền. Chưa bao giờ mẹ ngồi kể con nghe tường tận cuộc đời mình, những gì mẹ đã đi qua, những nhọc nhằn mẹ đã gánh vác. Tuy vậy, chắp vá lại những mảnh ghép vô tình mẹ hé lộ lúc buồn vui hay nhìn kĩ gương mặt mẹ trong các bức hình cũ, nét buồn u uất luôn phảng phất mông lung, con biết cuộc sống của mẹ không hề dễ dàng. Hiện tại, điều con mong ước nhất là mẹ sống thanh thản hơn. Như nghe được tiếng lòng của con, giờ đây, tuy vẫn than phiền với con về nhiều thứ nhưng mẹ đã nói với gương mặt hòa hoãn, giọng điệu nhẹ nhàng, thi thoảng còn mỉm cười. Nụ cười ấy khiến con an tâm.

 

 

Con nhớ trong chuyến về thăm nhà năm ngoái, con từng hỏi mẹ rằng mẹ có buồn hay thất vọng khi không phải ai trong số chúng con cũng sống được như mẹ kì vọng. Câu trả lời của mẹ đã khiến con bất ngờ: “Trong một bàn tay luôn có ngón dài, ngón ngắn, làm sao mình yêu cầu tất cả các ngón phải đều nhau được”. Không cần sống trong tu viện, không cần ngồi thiền một ngày hai thời, mẹ cũng có những tuệ giác của riêng mình. Tuệ giác ấy đến từ sự chấp nhận và thương yêu. Câu hát ngày nào vang lên trong con: “Không ai thương con bằng mẹ…”.

Khoảng thời gian trước ngày về, sợ hãi và bất an xâm chiếm lòng con. Con sợ chào đón con là cơn giận dữ của mẹ. Con không mạnh mẽ như vẻ bề ngoài, sợ rằng mình sẽ rơi nước mắt, sẽ tổn thương, đau lòng. Kí ức không mấy vui vẻ khi xưa được con cất giấu kĩ càng giờ phút ấy trào dâng khiến con do dự, ngại ngần. Con lấy hết can đảm gọi về, thăm dò tâm trạng của mẹ. Con chuẩn bị tinh thần đón nhận giông bão nhưng chờ đợi con là một mảnh trời xanh yên bình. Tắt điện thoại rồi, con chưa hết ngỡ ngàng. Dường như những đau buồn, giận hờn, xa cách trong quá khứ chưa từng xảy ra. Nếu không trực tiếp đi qua, chắc con sẽ hoài nghi liệu những kí ức kia có thật sự tồn tại? Hiểu được phần nào tính cách của mẹ, con chưa từng mong ước xa xôi ngày này sẽ tới. Vì vậy khi nó tới một cách bất ngờ như vậy, con cứ ngỡ mình đang mơ. Điều con cảm nhận rõ ràng nhất là sự nhẹ nhõm. Tảng đá bao lâu nay khiến lòng nặng trĩu đã được tháo gỡ rồi.

Có câu nói rằng chưa từng biết đói sẽ không cảm nhận được hạnh phúc lúc no, chưa từng trải qua chiến tranh sẽ không thấy được giá trị của hòa bình. Những kí ức ngày xưa giờ đây là những mảng màu tối làm nổi bật lên ánh sáng con đang có. Ngồi nghe mẹ trò chuyện, cười nói với các anh chị trong gia đình tâm linh của con, con thấy ấm áp và hạnh phúc biết mấy. Chào đón, chấp nhận huynh đệ con ghé thăm, mẹ gián tiếp gửi đến con thông điệp rằng từ giờ phút này trở đi, mẹ sẽ chấp nhận và yểm trợ con đường con chọn.

 

 

Hai tháng ở nhà, không phải lúc nào mẹ và con cũng hòa hợp bởi cách nhận thức, suy nghĩ của mẹ và con rất khác biệt. Những lúc như vậy, mẹ không tránh khỏi có chút gay gắt trong lời nói. Còn con, dù qua bao năm rèn luyện, tính tình chưa hoàn toàn điềm đạm. Sau khi phản ứng lại một hai câu, biết rằng sẽ chẳng đi đến đâu cả con mới dừng lại, im lặng. Khi nhận ra con im lặng, mẹ cũng chuyển đề tài, không còn một mực nói tới nói lui như trước. Bên cạnh sự thay đổi của mẹ, con cũng nhận ra mình thay đổi. Dẫu cho tập khí phản ứng còn sâu dày, con của hiện tại thấy rằng đôi co, tranh cãi là điều không cần thiết. Những việc vụn vặt kia không đáng để mẹ và con mất vui. Ai đúng, ai sai dường như không còn quá quan trọng nữa.

Về nhà, con đem theo nhiều nhất là thời gian. Con có giờ chở mẹ đi bất cứ nơi nào mẹ muốn: ghé thăm nhà họ hàng, về đám giỗ, đi chợ,… Con sẵn lòng đi tới đi lui, ngắm nhìn cảnh vật trong lúc chờ mẹ trò chuyện với bà con. Qua năm tháng thực tập, con rèn luyện được ít nhiều sự trú tâm. An trú trong giây phút hiện tại, không chạy tới tương lai, con hoàn toàn tự do, có dư dả thời gian để chờ đợi và cũng không hề thấy thời gian chờ đợi ấy là lãng phí. Nhìn mẹ nói cười, được lắng nghe, chia sẻ, con thật sự nghĩ rằng có chờ bao lâu cũng đáng giá. Sự kiên nhẫn của con cũng tăng lên nhiều. Ngồi bên mẹ, con sẵn lòng lắng nghe, con biết mẹ chỉ cần một người để sẻ chia thôi. Nói ra được mẹ sẽ nhẹ lòng hơn, những muộn phiền cũng theo gió trôi đi. Những năm tháng xưa kia, khi con còn chưa chào đời, làm dâu xa quê, xa vòng tay chở che của ông bà ngoại, xa láng giềng, bạn bè thân quen, bao buồn vui, tủi hờn, ngọt bùi đắng cay mẹ phải lặng lẽ ôm vào lòng? Nghĩ đến đây, nước mắt con cũng lặng lẽ rơi.

Có phút giây trong đời sống, khi bản thân đi qua khó khăn, thương mình, con thấy thương mẹ nhiều hơn. Có pháp môn thực tập, có hơi thở để nương tựa mà nhiều lúc, khi khổ thọ ghé thăm, con vẫn chật vật, trồi sụp giữa những cơn sóng cảm xúc, mỏi mệt với những suy nghĩ tiêu cực không ngừng tràn lên trên vùng đất ý thức. Con không biết trong quá khứ làm thế nào mẹ đi qua được những cơn bão giông trong lòng để tiếp tục dành tình thương, săn sóc và chăm lo cho chị em chúng con. Thi thoảng, nhìn sâu vào những khổ thọ, con cảm và hiểu được niềm đau, những thương tích đã hằn sâu trong lòng mẹ. Ngày hôm nay, con có tuổi trẻ, có lý tưởng, có con đường thực tập. Những gì mẹ chưa ôm ấp và chuyển hóa được, con sẽ làm giúp mẹ. Con sẽ tập mỉm cười với những khổ thọ biểu hiện lên trong con. Nhận diện, thở từng hơi thở thật sâu, có mặt và rồi buông xuống, để những cảm thọ ấy trôi đi. Không nắm giữ, chúng sẽ như mây trời theo gió, không lưu lại vết tích gì nơi bầu trời tâm thức con.

 

 

Sáng nay, ngước nhìn lên tán lá dâu xanh mướt, con bất chợt nhận ra mùa thu đang dần biểu hiện qua sự có mặt của vài chiếc lá vàng ươm màu nắng. Dường như hàng ngàn tia nắng sớm đã được thu lại trong những chiếc lá ấy. Thì ra thu đến không phải là khi cả cánh rừng bạch dương chuyển màu, không phải đến khi hàng phong cạnh bờ mương hoàn toàn nhuộm sắc đỏ thắm, mà thu, đã chậm rãi báo hiệu sự hiện hữu của mình ngay giữa mùa hè còn xanh ngát cỏ hoa. Không nhận ra chỉ vì mình không đủ chú tâm mà thôi. Con nhớ đến mái tóc càng ngày càng điểm bạc của mẹ. Lúc mẹ cười, hàm răng cũng không còn đều tăm tắp và trắng sáng như xưa. Vô thường đã chậm rãi ghi dấu ấn ngay giữa dòng chảy sự sống. Con biết mình cần chuẩn bị tinh thần cho ngày hình hài của mẹ ẩn tàng. Sinh và diệt là quy luật tất yếu của vạn hữu. Điều duy nhất con có thể làm là trân quý sự có mặt của mẹ trong hiện tại. Thương mẹ, con sẽ sống đời sống con một cách yên ổn nhất để mẹ không phải khóc vì con thêm một lần nào nữa.

Con đường con chọn, hành trình con bước, ngọn lửa nhiệt huyết trong con không phải lúc nào cũng cháy bùng mạnh mẽ. Có lúc mỏi mệt, muốn dừng lại, trong một thoáng quay đầu, con thấy ân tình, niềm tin bao người gửi gắm, thấy chặng đường con đi qua thấm đẫm nước mắt của mẹ. Đời sống này là của con, con hoàn toàn tự do quyết định, không ai có thể bắt ép con làm điều con không muốn. Thế nhưng chung quy vẫn gói gọn trong hai chữ: không nỡ. Không nỡ cô phụ ân tình bao người đã gửi trao, không nỡ khiến những giọt nước mắt mẹ đã rơi vì con trở thành vô nghĩa. Những lúc mệt mỏi, con sẽ cho phép mình dừng lại nghỉ ngơi, ngắm cỏ cây, hoa lá, không phải để từ bỏ mà để hồi phục năng lượng, chuẩn bị cho chặng đường kế tiếp. Con sẽ luôn mang theo mẹ trong chuyến hành trình của mình. Mẹ là nguồn động lực để con vững bước tiến về phía trước….

Thích nữ ôm ấp dạ trượng phu

Chí nguyện dâng cao mấy tầng trời

Một tay cắt đứt ngàn phiền não

Đường về hoa nở rợp trời đông.

 

 

 

 

Mùa hè – Summer Opening 2024

Khoá tu mùa hè là khoá tu duy nhất trong năm ở Làng; ba mẹ, con cái cùng trở về thực tập chung với nhau. Khoá tu diễn ra liên tục trong 3 tuần từ ngày 09/07 đến 01/08 và chào đón rất đông các vị thiền sinh đến từ hơn 20 quốc gia trên thế giới. Mỗi tuần có gần 1000 thiền sinh đến thực tập cùng quý thầy, quý sư cô. Làng đã là nơi trở về, nghỉ ngơi của rất nhiều thiền sinh trong kỳ nghỉ hè. 

Ngoài các thời khoá pháp thoại, pháp đàm cho người lớn, các em nhỏ và các bạn thanh thiếu niên có những hoạt động riêng như thực tập nghe chuông và thỉnh chuông, học về cách ôm ấp những cảm xúc mạnh,… Trong mỗi bài pháp thoại, quý thầy quý sư cô luôn chia sẻ một câu chuyện cho các em nhỏ trước khi các em có sinh hoạt riêng theo từng nhóm. Các em như những mầm non, những tờ giấy trắng tinh khôi; các em càng hạnh phúc và rạng ngời hơn trong môi trường thương yêu, bình an mà ba mẹ, quý thầy, quý sư cô dành cho các em. Những buổi thực tập Làm mới là cơ hội cho ba mẹ và con cái thiết lập lại truyền thông, nuôi lớn thêm hạnh phúc, hiểu biết và thương yêu.  Ba mẹ và con cái, mỗi người đều đang đóng góp một bàn tay để xây dựng mái ấm gia đình.

Tiếng cười giòn tan của các em nhỏ trong tu viện là niềm vui của bao nhiêu người và cũng làm lắng dịu cái nắng oi bức của mùa hè. Xin mời đại chúng thưởng thức một vài hình ảnh trong khoá tu: