Giảng kinh

(Phiên tả Pháp thoại ngày 08 & 11 tháng 01 năm 1998, Làng Mai, Pháp)

Kinh Diệt trừ phiền giận được dịch từ kinh Thủy dụ (水喻經), Taishō 26, kinh số 25 trong bộ Trung A hàm (Madhyama Āgama). Kinh này cũng có trong Tăng chi bộ (Aṅguttara Nikāya), chương Năm, phẩm XVII, kinh Āghātapaṭivinaya

Kinh Diệt trừ phiền giận do thầy Xá Lợi Phất nói. Chúng ta sẽ thấy các kinh do thầy Xá Lợi Phất nói cũng hay như kinh do Bụt nói và chúng ta sẽ có niềm tin về sự tiếp nối này. Trong Tam tạng kinh điển, ngoài những kinh do Bụt trực tiếp nói, còn có những kinh khác do các thầy và các sư cô nói ngay trong thời đức Bụt còn tại thế. Điều này chứng tỏ có sự tiếp nối ngay trong thời của Bụt.

Thủy dụ có nghĩa là ví dụ về nước. Có nhiều kinh lấy những hình ảnh gần gũi đời thường làm ví dụ như kinh Xà dụ (ví dụ về con rắn), kinh Nguyệt dụ (ví dụ về mặt trăng). Ở đây thầy Xá Lợi Phất đã lấy nước làm hình ảnh để dạy các sư em của thầy làm thế nào diệt trừ phiền giận. Điều này chứng tỏ rằng vào thời của Bụt, các thầy trong tăng đoàn thỉnh thoảng cũng có giận nhau và không nhìn mặt nhau. Thầy Xá Lợi Phất thấy được điều đó nên đã giảng kinh này để giúp cho các thầy đừng giận nhau nữa. Đây là một kinh rất thực tế, chúng ta phải đọc nhiều lần để có thể học được phương pháp của sư anh Xá Lợi Phất. Thầy vẫn là sư anh của chúng ta.

Ðây là những điều tôi đã được nghe, hồi Bụt còn cư trú trong tu viện Cấp Cô Ðộc, rừng Thắng Lâm, tại thành Xá Vệ.

Hôm ấy, tôn giả Xá Lợi Phất nói với các vị khất sĩ:

“Này các bạn đồng tu, hôm nay tôi muốn chia sẻ với các vị về năm phương pháp diệt trừ phiền giận. Xin các bạn lắng nghe và chiêm nghiệm.”

Các vị khất sĩ vâng lời và lắng nghe. Tôn giả Xá Lợi Phất nói:

“Năm phương pháp diệt trừ phiền giận ấy là những phương pháp nào?

“Ðây là phương pháp thứ nhất, này các bạn:

“Nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương nhưng lời nói lại dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên biết cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.”

Đây là trường hợp thứ nhất: đối xử với những người mà hành động không dễ thương nhưng lời nói lại dễ thương. 

Chúng ta hãy nhìn trong tăng thân xem thử có người nào như vậy không? Hành động có vẻ không mấy thiện cảm nhưng khi nói thì có những lời dịu dàng, dễ thương. Ít nhất là ta phải thấy được điểm tích cực nơi người kia, khi đó ta có thể dễ dàng tha thứ được những điểm tiêu cực của họ. Thông thường khi chúng ta đã thấy điểm tiêu cực của ai đó, thì tất cả những điểm tích cực của người đó lập tức bị che lấp hết. Đó là nhược điểm chung của tất cả chúng ta. Khi người kia nói hay làm điều gì đó khiến cho ta bực bội thì ta liền bị cái khuyết điểm của người đó tràn lấp tâm tư và ta không còn thấy được những mặt tích cực của người đó, vậy là ta giận, ta buồn rầu, ta đau khổ. Nếu không để cho điều tiêu cực đó lấn áp thì ta vẫn giữ được hạnh phúc và tình thương của ta.

Trong sự thực tập của Làng Mai, chúng ta thường lấy hình ảnh khu vườn làm ví dụ. Khi ra vườn, thấy có một cái cây đang héo, đang chết, ta đừng vì vậy mà buồn khổ. Bởi vì ngoài cây đang héo đó còn có biết bao nhiêu cây khác đang xanh tốt, đang khỏe mạnh, cho ta rất nhiều niềm vui và bóng mát. Vì một cây đang héo mà ta sầu khổ thì rất uổng.

Mỗi người đều là một khu vườn của mình. Anh là khu vườn của tôi. Trong khu vườn ấy có vài cây đang héo, nhưng không phải vì thế mà tôi ghét bỏ anh, tôi không quý trọng anh. Bí quyết của sự diệt trừ phiền giận ở đây là làm thế nào để những điểm tiêu cực không che lấp hết tất cả những điểm tích cực của người kia. Có che lấp hay không là do ta vì những điểm tích cực của người kia vẫn còn y nguyên. Do ta tiếp xúc với những điểm tiêu cực của người kia nên tâm tư bị bít lấp và ta không thấy được điểm tích cực của người đó nữa. Sau này, khi người đó qua đời hoặc rời tăng thân này rồi thì từ từ ta mới thấy được rằng sự có mặt của người đó rất dễ chịu đối với ta. Vậy mà trong thời gian người đó ở với ta thì ta đã không dễ thương với người đó, ta đã không biết tận hưởng những cái tích cực của người đó. 

Ví dụ mà thầy Xá Lợi Phất đưa ra cũng thuộc về nước. Thầy nói:

“Này các bạn tu, ví dụ có một vị khất sĩ tu theo hạnh a lan nhã, ưa mặc y phấn tảo, một hôm đi qua một đống rác bẩn có phân, nước tiểu, nước mủ và các thức dơ dáy khác, trông thấy một tấm vải còn lành lặn. Vị ấy dùng tay trái cầm miếng vải lên và lấy tay phải căng nó ra. Thấy miếng vải chưa bị rách thủng mà cũng không bị phân, nước tiểu, nước mủ và các chất dơ bẩn khác dính vào, vị ấy liền xếp miếng vải lại, cất lấy, đem về nhà để giặt sạch và may chung với các tấm vải khác làm y phấn tảo.”

A lan nhã là nơi rừng vắng. Y phấn tảo tức y bá nạp, nghĩa là lượm những miếng vải đem về giặt sạch và may lại thành y để mặc. Khi đi ngang qua thấy một miếng vải khá tốt, thầy đó dùng tay trái cầm miếng vải lên và lấy tay phải căng nó ra và nhận thấy rằng miếng vải này còn tốt, thầy liền nghĩ đến nước. Miếng vải này chưa bị dính phân, nước tiểu, và dầu có dính sơ sơ cũng không sao. Chỉ cần đem về giặt sạch là mình có thể để dành, góp với miếng vải khác để may thành y phấn tảo. Cho nên vị thầy này trân trọng xếp miếng vải đó cất đi, đem về giặt sạch để dành may y phấn tảo. Chúng ta cũng vậy. Khi tiếp xử với một người nào mà thấy người đó có phần tốt thì ta phải giữ phần tốt lại. Vì ta có thể sử dụng phần tốt của người đó. Nếu ta biết cách sử dụng thì sự có mặt của người đó sẽ mang lại yếu tố tích cực cho ta. Không phải vì người đó có vài khuyết điểm mà ta đẩy họ ra khỏi đoàn thể ta. Ta nói người này không được ở đây, phải cho người này đi ra khỏi đoàn thể mình càng sớm càng tốt. Làm như vậy là ta đang không áp dụng theo phương pháp của thầy Xá Lợi Phất. Ở Á Đông, người ta thường nói: Dụng nhân như dụng mộc (dùng người cũng như dùng gỗ). Bất cứ miếng gỗ nào dù lớn, nhỏ, vuông, tròn, nếu ta biết cách sử dụng thì miếng gỗ đó cũng có ích lợi. Trong tăng thân có một người nào đó có những khuyết điểm, và ngoài những khuyết điểm đó vẫn có ưu điểm, nếu ta biết cách thì ta vẫn thừa hưởng được ưu điểm của người đó. Đó là phương pháp đầu tiên.

“Cũng như thế, này các bạn tu, khi có một người mà hành động không dễ thương nhưng lời nói còn dễ thương thì ta hãy đừng để tâm nghĩ tới hành động của người ấy mà chỉ nên chú ý tới lời nói dễ thương của người ấy, để có thể dứt trừ sự phiền giận của mình. Người có trí phải nên thực tập như vậy.” 

Chúng ta cũng nên thực tập như vậy khi sống trong tăng thân. Ta có thể sử dụng cuốn tập, ngòi bút và ngồi xuống quán chiếu một người nào đó trong tăng thân. Ta quán chiếu để thấy được những điểm yếu, những cái không dễ thương của người kia. Ta không nhắm mắt trước những cái tiêu cực và không dễ thương. Ta có quyền nhìn thẳng những cái không dễ thương và tiêu cực. Chúng ta phải chép xuống rõ ràng nhưng sau đó phải có can đảm, thiện chí nhìn vào những điểm tích cực của người đó. Chúng ta phải viết xuống, viết cho hết, viết cho đủ. Người đó tuy có những khuyết điểm nhưng vẫn còn những điểm dễ thương này. Những điểm dễ thương này có thể nuôi dưỡng mình và làm đẹp cho tăng thân. Ta phải học như thế nào để thấy và trân quý được những cái dễ thương của người đó. Ta phải viết ít nhất một trang hoặc hai trang về người đó. Nếu quả thật ta có tâm chí muốn xây dựng tăng thân thì ta phải quán chiếu những người chung sống trong tăng thân. Ta phải thấy được tất cả những điểm tích cực cũng như tiêu cực của người đó. Đó là ta quán chiếu bằng con mắt và trí tuệ của ta. Và bên cạnh ta còn có sư em, sư anh của ta. Người sư anh, sư em cũng làm công việc đó. Có thể họ sẽ thấy những cái mà ta chưa thấy được. Ta mời sư em tới và nói: “Anh quán chiếu và thấy như vậy: A có những đặc tính này, khuyết điểm này, ưu điểm này,… Riêng em thì em thấy như thế nào?” Khi đó người sư em sẽ nói em thấy những điểm như thế này, như thế này,… Hai anh em cùng chia sẻ tuệ giác cho nhau, nhờ vậy ta có những cái thấy sâu sắc hơn về người kia. Nếu ta tiếp tục như vậy với những sư em, sư chị khác thì tự nhiên cái thấy của ta đầy đủ hơn. Và mỗi khi ta có vấn đề hay gặp đau khổ với người đó, ta về đọc lại những trang giấy đã viết trước kia, ta thấy: “À, người đó có những khuyết điểm này, nhưng vì những lý do này, vì lý do kia mà người đó nói năng hay hành xử như vậy. Ngoài những khuyết điểm này người đó cũng có những ưu điểm rất quý cho mình và cho tăng thân. Ta không được quên những điều ấy.” Ta thực tập nhìn người đó như nhìn một khu vườn. Có một vài cây héo úa, chết khô nhưng cũng có rất nhiều cây đang mạnh khỏe, tươi xanh. Nửa giờ đồng hồ ngồi chiêm nghiệm và đọc lại những ghi chép cũ đã giúp ta bớt khổ rất nhiều. Tại sao ta không làm?

Chúng ta nên biết rằng các bác sĩ hành nghề ở ngoài họ có hồ sơ của từng bệnh nhân, tình hình tim, gan, máu,… như thế nào. Đó là nghề nghiệp để lấy tiền kiếm sống. Còn chúng ta đang xây dựng tăng thân và chúng ta biết rằng nếu tăng thân có hạnh phúc thì sẽ làm chỗ nương tựa cho không biết bao nhiêu người. Ta cũng phải có hồ sơ của từng sư anh, sư chị, sư em của mình. Ta phải nương tựa vào tuệ giác của những người trong chúng để cho hồ sơ đó được đầy đủ. Và mỗi khi ta có khó khăn, buồn phiền về một sư anh, sư chị, sư em , ta có thể đọc lại hồ sơ người đó để thấy rõ hơn. 

Trường hợp thứ hai cũng tương tự như trường hợp thứ nhất. 

“Ðây là phương pháp thứ hai, này các bạn:

“Nếu có một ai đó mà lời nói không dễ thương nhưng hành động lại dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên biết cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.

“Này các bạn tu, ví dụ như cách thôn xóm không xa có một hồ nước sâu nhưng mặt nước lại bị rêu cỏ che lấp. Lúc bấy giờ có một người đi tới gần hồ, tự thân đang bị sự đói khát và nóng bức hành hạ. Người ấy cởi áo để trên bờ hồ, nhảy xuống, dùng hai cánh tay khoát rêu cỏ ra và khoan khoái mặc tình tắm rửa và uống nước mát dưới hồ. Cũng như thế, này các bạn tu, khi có một người mà lời nói không dễ thương nhưng hành động lại dễ thương thì ta hãy đừng để tâm nghĩ tới lời nói của người ấy mà chỉ nên chú ý tới hành động dễ thương của người ấy thôi để có thể dứt trừ sự phiền giận của mình. Người có trí phải nên thực tập như vậy.”

Đây là trường hợp thứ hai: đối xử với những người mà lời nói không dễ thương nhưng hành động lại dễ thương. 

Khi đọc kinh thỉnh thoảng chúng ta thấy Bụt là một thi sĩ, và ta thấy trong kinh này thầy Xá Lợi Phất cũng là một thi sĩ, thầy dùng hình ảnh rất đẹp. Hãy tưởng tượng người sư anh, sư chị, sư em của mình là một hồ nước trong và có khi mình cần đến hồ nước đó. Tuy là trên hồ nước có rác, rêu, bèo nhưng dưới lớp bèo đó là cả một hồ nước trong mát. Đừng vì những thứ rác, rêu, bèo đó mà ta không thấy được giá trị của người kia. Người kia đôi khi có tính bộp chộp, nóng nảy, hay tuyên bố những câu không có trách nhiệm, thỉnh thoảng nổi cơn nhưng đó chỉ là những rơm rác phủ lên mặt hồ. Nếu biết khám phá thì ta thấy người kia cũng là một hồ nước trong, mát và nếu tăng thân biết cách chăm sóc người đó thì tăng thân có thể thừa hưởng rất nhiều từ người đó. 

Chúng ta hãy nhìn lại xung quanh để xem ta có sư anh, sư em, sư chị nào như vậy không. Có một ít rác, rơm phủ trên mặt nước, nhưng phía bên dưới là cả một hồ nước rất sâu, rất mát. Ta chỉ cần khoát những cái rơm rác đó ra thì tha hồ rửa rau, tắm giặt. Ta hãy theo phương pháp của thầy Xá Lợi Phất, ghi vào sổ những người nào được xem là hồ nước trong với một ít rơm rác ở trên mặt. Mỗi khi người đó lộ ra những khuyết điểm, ta không giận dữ, ta không còn có ý tưởng đẩy người ấy ra khỏi tăng thân. Hễ có một chút khó khăn là tìm cách đẩy người ta ra khỏi tăng thân thì rốt cuộc chỉ có một mình ta ở lại tăng thân thôi. Có những đạo tràng rất đông người tu học, luôn luôn có tới 500 thầy hoặc 500 sư cô. Đi khoảng mười năm về ta cũng thấy 500 thầy, 500 sư cô. Nhưng nhìn cho thật kỹ sẽ thấy không phải cùng 500 vị ban đầu đó. Trong thời gian mình đi 10 năm có thể chỉ còn một số thầy cũ thôi và phần lớn là những người mới. Như vậy cũng không hay lắm. Hễ ai có những lỗi lầm hay khó chịu gì thì bị đẩy đi hết, rồi nhận người mới vào, thì tuy rằng luôn luôn có 500 người, nhưng 500 người đó không phải là một tăng thân như mình ước muốn. Tăng thân như mình ước muốn là không cần phải đẩy ai ra khỏi hết và mình có thể giúp được cho mọi người, từ người dễ cho tới người khó. 

Ở Đạo tràng Mai Thôn, chúng ta không sử dụng luật pháp để trừng trị, tẫn xuất mà chúng ta chỉ sử dụng những phương pháp giúp người kia chuyển hóa được những yếu kém của mình để có thể ở lại và đóng góp phần tích cực của mình cho tăng thân. Nếu chúng ta sử dụng theo phương cách đẩy người ta ra khỏi tăng thân mỗi khi họ có lầm lỗi thì cho dù Đạo tràng Mai Thôn vẫn luôn có đông người nhưng họ không phải đều là những người cũ. Cái hay là làm sao cho những người cũ ở lại được với chúng ta, hoặc đại đa số là còn ở lại. Cho nên khi thấy một đạo tràng sau 10 năm hay 20 năm vẫn có 500 người ta cũng đừng bị lóa mắt, nhìn kỹ sẽ thấy có những người bị đẩy đi rồi người mới được thay vào. Tuy là có số đông như vậy nhưng phẩm chất của sự thực tập chưa được cao. Và nếu chúng ta muốn tăng thân có phẩm chất cao thì ta phải thực tập theo phương pháp của thầy Xá Lợi Phất. Ta phải thấy rằng che lấp dưới những khuyết điểm đó còn rất nhiều ưu điểm. Nếu tăng thân biết cách thì vẫn có thể thừa hưởng được.

“Ðây là phương pháp thứ ba, này các bạn:

“Nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn có chút dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ phiền giận ấy đi.

Đây là trường hợp thứ ba: đối xử với những người mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn có chút dễ thương. 

Đây là trường hợp của rất nhiều người. Vì những người này từ khi sinh ra cho đến khi lớn lên đi học, họ chưa bao giờ gặp được điều kiện thuận tiện nên những hạt giống tốt trong tâm chưa được tưới tẩm, chưa được phát triển, dẫn đến lời nói và hành động đều không dễ thương. Nhưng dù vậy trong lòng người đó vẫn còn những hạt giống tốt. Và nếu ta biết cách thì ta sẽ làm cho những hạt giống tốt trong con người đó được phát triển, từ từ những sự dễ thương từ lời nói và hành động được phát hiện ra, làm được như vậy thì mới hay. Còn nếu thấy người đó nói không dễ thương, hành động không dễ thương mà đuổi người đó đi thì tội nghiệp cho người đó và ta cũng không có cơ hội để thực tập. Ta thực tập như thế nào để tưới tẩm những hạt giống tốt của người đó – những hạt giống chưa bao giờ được tưới tẩm trong thời thơ ấu, và tưới tẩm như thế nào để một buổi sáng nọ người đó nói được một câu và phát ra một hành động rất dễ thương thì hoa trái đó là phần thưởng cho mình và cho tăng thân. Hoa trái đó là công trình của ai nếu không phải là công trình của mình, của tăng thân! Và ai sẽ thừa hưởng hoa trái đó? Mình và tăng thân sẽ thừa hưởng.

Đây là trường hợp thứ ba, dù cho hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương nhưng trong tâm có hạt giống dễ thương. Người đó sở dĩ như vậy là vì không có may mắn được cha mẹ, anh em hay xã hội tưới tẩm những hạt giống tốt trong đời. Bây giờ người đó có được một cơ hội, có thể là cơ hội cuối cùng, đó là nhờ tăng thân. Nếu tăng thân có hiểu biết, thương yêu và tăng thân tưới tẩm được những hạt giống tốt thì người đó có cơ hội đầu tiên hay cơ hội cuối cùng để có thể nói được một câu dễ thương, làm được một hành động dễ thương và như vậy ta cứu được người đó. Và sự thực tập của ta cũng được Bụt và thầy Xá Lợi Phất khen ngợi. Một người chưa bao giờ nói được một lời hay làm được một hành động dễ thương, ấy vậy mà khi tới thực tập với chúng ta một thời gian, họ đã nói ra được một câu dễ thương, đã làm được một hành động dễ thương, chuyện này đã xảy ra. Thử hỏi đó không phải là một phần thưởng quý giá cho chúng ta hay sao? Hơn nữa, thân nghiệp và khẩu nghiệp chỉ là cành lá phía trên, chính ý nghiệp mới là gốc rễ. Nhìn vào tâm của người đó và thấy được trong tâm của người đó còn có những hạt giống tốt, nhận diện và tưới tẩm những hạt giống đó thì có thể một tuần, hai tuần, hay một tháng, hai tháng, người đó bắt đầu làm và nói ra được một câu dễ thương. Tăng thân sẽ hào hứng, phấn khởi, hân hoan, thấy rằng phương pháp của Bụt để lại rất mầu nhiệm và chúng ta có thể tiếp nối được công trình của Bụt. 

“Ðây là phương pháp thứ ba, này các bạn:

“Nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn có chút dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.

“Này các bạn tu, ví dụ có một người đi tới một ngã tư kia, kiệt sức, khát nước, thiếu thốn, nóng bức và phiền muộn. Tại ngã tư ấy có một lỗ chân trâu, trong ấy còn đọng lại một ít nước mưa. Vị này nghĩ: ‘Mặc dù nước trong lỗ chân trâu ở ngã tư đường này rất ít, nhưng nếu ta dùng tay hoặc lá cây để lấy thì ta sẽ có thể quấy cho nó đục ngầu lên và sẽ không uống được, do đó sẽ không thể trừ bỏ được sự khát nước, thiếu thốn, nóng bức và phiền muộn trong ta. Vậy ta hãy quỳ xuống, tay và đầu gối áp sát đất, dùng miệng mà uống nước trực tiếp.’ Người ấy liền quỳ dài xuống, tay và đầu gối áp sát đất, đưa miệng vào lỗ chân trâu mà uống. Cũng vậy, này các bạn tu, khi thấy một ai đó mà hành động không dễ thương và lời nói cũng không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn có chút ít sự dễ thương, thì ta hãy đừng nên để tâm nghĩ tới hành động và lời nói không dễ thương của người ấy, mà hãy nên chú ý tới chút ít dễ thương còn có trong tâm người ấy thôi để có thể dứt trừ được phiền giận của mình. Người có trí phải nên thực tập như vậy.”

Hình ảnh nước trong lỗ chân trâu là hình ảnh tuyệt vời nhất của kinh này, còn đẹp hơn hình ảnh của hồ nước trong mà ta sẽ học ở phương pháp thứ năm. Chúng ta hãy tưởng tượng có những người sống trong khung cảnh không có tình thương hoặc họ tin rằng không có ai thương họ cả. Những người đó lẽ tất nhiên rất đau khổ, rất khao khát tình thương. Một nhà văn Pháp, tên Jean-Paul Sartre đã nói: “Con người là chó sói của con người”. Ta sống và được bao bọc bởi những con chó sói đội lốt người. Chúng ta không nghĩ như vậy, nhưng trong xã hội đã có những người nghĩ như vậy. Chúng ta sống sao nổi với ý niệm đó. Có những người được thương, nhưng không biết là mình được thương. Những người đó phải thực tập để thấy rằng mình sai lạc. 

Hồi còn nhỏ, tôi có đọc một truyện tiền thân của đức Thích Ca. Khi đó Ngài đang bị trừng phạt làm một con quỷ đói dưới địa ngục và đang bị những tên giữ ngục đầu trâu mặt ngựa hành hạ, bắt phải nuốt những viên sắt nóng. Con quỷ ấy thấy những tên đầu trâu mặt ngựa hành hạ những con quỷ đói khác nên phát sinh một niềm thương xót và muốn can thiệp. Nó nói: “Ông ơi! Tại sao ông hành hạ chúng nó tàn nhẫn như vậy? Xin ông hãy nương tay một chút.” Nghe quỷ đói nói như vậy, tên lính đầu trâu mặt ngựa giận quá, quay lại dùng chĩa ba thọc vào bụng con quỷ đói. Con quỷ đói này chết ngay và nhờ công đức dám can thiệp kia, đã tái sinh lại làm người. Từ đó trải qua nhiều kiếp tu hành, người này chỉ đi lên và cuối cùng thành Bụt Thích Ca. Chúng ta thấy đức Thích Ca đã từng bị đọa đày ở dưới đáy của địa ngục. Còn chúng ta hiện nay có người tự cho là đang ở trong địa ngục, nhưng địa ngục của chúng ta vẫn còn có nhiều tiện nghi. Câu chuyện này có hai điểm hay: Thứ nhất, dù ở dưới đáy tận cùng của sự đau khổ, chúng ta vẫn có cơ hội để đi lên. Thứ hai, ở dưới tận cùng của địa ngục vẫn còn có tình thương. Chúng ta đừng tưởng rằng xung quanh chúng ta không có tình thương, chẳng qua là chúng ta quá u mê chưa tiếp xúc được mà thôi. Chúng ta cũng đừng tưởng trong con người chúng ta không có tình thương. Chúng ta có tình thương, nhưng vì hạt giống đó không được tưới tẩm nên chưa biểu hiện rõ ràng mà thôi.

Trường hợp thứ ba mà thầy Xá Lợi Phất nói là trường hợp một người mà thân nghiệp không dễ thương, khẩu nghiệp không dễ thương, chỉ còn sót lại trong tâm (ý nghiệp) một ít dễ thương mà thôi. Điều này rất đúng, bởi vì nếu ý nghiệp dễ thương thì thế nào cũng biểu hiện qua lời nói và hành động. Trong tâm chỉ còn sót lại một chút dễ thương, tức là hạt giống dễ thương còn quá bé cho nên không biểu hiện ra lời nói và hành động. Nếu chúng ta không biết quán chiếu thì khó mà thấy được chút dễ thương kia. Trong kinh Bhaddāli, kinh thứ 65 Trung bộ kinh, đức Thế Tôn dạy rằng: Ví dụ có một người bị hư một con mắt, nếu người đó và những người xung quanh không biết chăm sóc con mắt còn lại thì anh ta sẽ bị mù hẳn. Trường hợp thứ ba của thầy Xá Lợi Phất cũng giống như ví dụ này của Bụt. Chúng ta phải quán chiếu và chăm sóc người mà hành động và lời nói đều không dễ thương để người đó đừng mất luôn chút thiện căn còn lại trong tâm. Lẽ tất nhiên với những ai phạm giới hoặc từng gây khó khăn trong chúng thì ta phải giúp người đó chuyển hóa, nhưng giúp như thế nào để họ giữ được một chút thiện căn còn lại. Trường hợp này phải khéo léo giống như người đi đường bị khát nước, phải hết sức khôn khéo mới uống được nước trong lỗ chân trâu. Đoạn kinh này rất hay và chúng ta phải nhớ đời hình ảnh nước trong lỗ chân trâu. Bây giờ, chúng ta không phải là du tăng đi bộ từ nước này sang nước nọ, nhưng ngày xưa các thầy phải đi bộ từ nơi này sang nơi khác, dọc đường bị khát, không có suối, không có khe và phải uống nước trong lỗ chân trâu. Thầy Xá lợi Phất dùng hình ảnh có thật lấy từ kinh nghiệm của các thầy.

Đây là phương pháp thứ tư, này các bạn: Nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không còn lại một chút gì gọi là dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận kẻ đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.

Đây là trường hợp thứ tư: đối xử với những người mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không còn lại một chút gì gọi là dễ thương.

Đây là trường hợp của một người mà cả ba nghiệp thân, khẩu, ý đều xấu hết. Trường hợp này rất ít xảy ra. Khi chúng ta học tâm lý học đạo Bụt thì ta biết rằng người nào cũng có hạt giống thiện và bất thiện. Có thể những hạt giống thiện chưa được tưới tẩm và ta không thấy nhưng không có nghĩa là không có. Chúng đang bị che lấp, bị phủ kín bởi những tầng lớp khổ đau, phiền não nhưng kỳ thực là có tồn tại. Trường hợp này có thể là không có, nhìn thì ta không thấy nhưng chắc chắn trong tâm vẫn còn những hạt giống tốt đang bị che lấp. Nếu nhìn bằng con mắt của người thường, ta sẽ thấy trong ba nghiệp hoàn toàn chỉ có những điểm tiêu cực mà không có điểm tích cực nào cả. Nếu biết nhìn bằng con mắt của Bụt, Bồ tát thì ta sẽ thấy cái nhìn đó chưa phải là cái nhìn sâu sắc lắm. Ta phải nhìn kỹ để thấy được những hạt giống thiện ở trong đó. Tại vì A lại da thức (tàng thức) chứa đựng cả những hạt giống tốt và những hạt giống xấu. Khi những hạt giống tốt quá nhỏ thì những hạt giống xấu sẽ lớn lên, gần như che lấp hết mọi thứ nhưng không có nghĩa là những hạt giống tốt đó hoàn toàn tiêu hẳn. Theo đúng đệ nhất nghĩa đế là phải như vậy. Một con người cực ác vẫn có hạt giống của bồ đề như thường. Giả sử có một người mà cả thân, khẩu, ý đều xấu, không dễ thương thì ta nên học cách đối xử như trong đoạn kinh này của thầy Xá Lợi Phất. Lòng từ bi là điều đẹp nhất trên thế gian. Lòng từ bi làm cho trái tim của chúng ta rộng mở và thấy được những điều mà những người khác vì không có tình thương nên không thấy được.

 “Này các bạn tu, ví dụ như có một kẻ đi xa, trên con đường dài nửa đường bị bệnh. Khốn đốn, héo hắt, cô độc, không bạn đồng hành, thôn xóm phía sau đã lìa bỏ lâu rồi mà thôn xóm phía trước cũng còn cách đó rất xa, người đó đang lâm vào tình trạng tuyệt vọng, biết mình sẽ chết ở dọc đường. Trong lúc ấy, có một người khác đi tới, thấy được tình trạng này, liền ra tay cứu giúp. Người ấy dìu người kia tới được thôn ấp phía trước, chăm sóc, chữa trị và chu toàn cả về các mặt thuốc thang và thực phẩm. Nhờ sự giúp đỡ ấy mà kẻ kia thoát nạn. Sở dĩ kẻ kia thoát nạn là nhờ ở lòng thương xót và lân mẫn của người này. Cũng như thế, này các bạn tu, khi thấy một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không còn lại một chút gì có thể gọi là dễ thương hết, thì ta phải phát khởi tâm niệm này: ‘Một người mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà tâm ý cũng không dễ thương là một người rất đau khổ, người này chắc chắn đang đi về những nẻo đường xấu ác cực kỳ, nếu không gặp được thiện tri thức thì người ấy sẽ không có cơ hội chuyển hóa và đi về các nẻo đường hạnh phúc.’ Nghĩ như thế, ta mở được lòng thương xót và lân mẫn, diệt trừ được phiền giận của ta và giúp được cho kẻ kia. Người có trí phải nên thực tập như thế.” 

Đoạn văn này nói lên được cái thấy và cái tình của một vị Bồ tát. Người kia không có một chút gì dễ thương, không có cái gì để cống hiến cho mình cả, không có cái gì để cống hiến cho tăng thân cả. Vị Bồ tát thấy rằng một người mà cả ba nghiệp đều xấu thì rất đau khổ, họ làm sao có được niềm vui. Họ đang tuyệt vọng và lâm vào bước đường cùng, đi tới đâu cũng đau khổ. Nếu ta không phát khởi tâm đại bi để giúp cho người kia thì ai sẽ làm điều đó Cho nên trong bản kinh nói rằng: “Nếu không gặp được thiện tri thức thì người ấy không có cơ hội chuyển hóa và đi về các nẻo đường hạnh phúc”. Chúng ta thử hỏi người thiện tri thức đó là ai? Câu trả lời sẽ là: “Người thiện tri thức đó phải là ta”. Nếu ta không làm thì ai làm? Nếu ta không làm người thiện tri thức đó, nếu ta không làm vị Bồ tát đó thì ai làm cho người kia? Một  người mà lời nói, hành động và trong tâm không còn chút gì gọi là dễ thương thì thử hỏi làm sao người đó có được chút hạnh phúc, làm sao có thể liên hệ được với những người khác, có thể truyền thông được với những người khác? Con người đó là địa ngục, ở trong tâm và ở trong thân. Người đó đang đau khổ vô cùng mà ta còn trừng phạt và đuổi người đó đi thì người đó sẽ đi về đâu? Ai sẽ chăm sóc cho người đó? Nghĩ như vậy mà phát tâm bất xả, nghĩa là không buông bỏ, cố gắng tìm mọi cách để giúp được cho người đó. Chỉ có các vị Bồ tát lớn mới làm được chuyện này. 

Bản kinh này cho chúng ta biết rằng không có trường hợp nào là trường hợp tuyệt vọng. Dù trường hợp của người kia khó tới mức nào đi nữa thì ta vẫn có thể thực tập và giúp được người đó. Hiện nay trên thế giới có biết bao nhiêu người đang ở tù vì ba nghiệp của họ không thanh tịnh. Người ta nghĩ rằng nhốt họ lại, trừng phạt họ là phương pháp duy nhất, nhưng Phật pháp không phải là con đường của sự trừng phạt hay giam cầm, càng không phải là con đường của sự loại trừ. Phật pháp là con đường của sự chuyển hóa.

Nếu trong tăng thân có những trái tim lớn thì chúng ta có nhiều khả năng giúp được một người, hai người hay ba người như thế. Trừ khi tăng thân yếu, tăng thân không có đủ hạnh phúc, không có đủ tuệ giác, không có đủ tình thương thì chúng ta mới không thể ôm ấp được một, hai, ba người như thế. Có khi chúng ta chỉ có khả năng ôm được một người, nhưng khi ôm thêm một người thứ hai nữa thì chúng ta đuối sức, tăng thân rã bè hết, đó là vì tình thương, tuệ giác và sự kiên nhẫn của chúng ta chưa đủ. Vì vậy sự thực tập của chúng ta là mở rộng được tuệ giác, mở rộng được tình thương, mở rộng được sự kiên nhẫn để có thể làm được điều mà thầy Xá Lợi Phất nói trong đoạn kinh này. Cố nhiên, người có thể làm được theo lời thầy Xá Lợi Phất thì không nhiều, nhưng trên thế gian vẫn có những người có thể làm được như vậy. Những tăng thân có thể bao dung được, ôm ấp được một người như vậy tuy là không có nhiều nhưng trên thế gian này thế nào cũng có một, hai, ba tăng thân làm được công việc ấy. Thành công được một trường hợp như vậy chứng tỏ rằng giáo lý của đức Thế Tôn là một giáo lý có thể cung cấp được cho ta câu trả lời trước những trường hợp cực kỳ khó khăn và gay cấn.

“Ðây là phương pháp thứ năm, này các bạn:

“Nếu có một ai đó mà hành động dễ thương, lời nói cũng dễ thương mà tâm ý cũng dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận hoặc ganh ghét với kẻ đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.

“Này các bạn tu, ví dụ cách ngoài thôn xóm không xa có một cái hồ thật đẹp, nước hồ đã trong lại ngọt, đáy hồ sâu mà bằng phẳng, bờ hồ đầy đặn, cỏ xanh mọc sát quanh hồ, bốn phía cây cối xanh tươi cho nhiều bóng mát. Có một kẻ kia đi tới bên hồ, khát nước, phiền muộn, nóng bức, mồ hôi nhễ nhại. Người ấy cởi áo để trên bờ hồ, nhảy xuống, khoan khoái mặc tình tắm rửa và uống nước; tất cả những nóng bức, khát nước và phiền muộn của mình đồng thời tiêu tán hết. Cũng vậy, này các bạn tu, khi thấy một người mà hành động dễ thương, lời nói dễ thương mà tâm địa cũng dễ thương thì ta hãy nên nhận diện tất cả những  sự dễ thương của người ấy về cả ba mặt thân, khẩu và ý mà đừng để sự phiền giận hoặc ganh ghét xâm chiếm ta. Nếu không biết sống hạnh phúc với một người tươi mát như thế thì mình thực không phải là một người có trí tuệ. 

Đây là trường hợp thứ năm: đối xử với những người mà hành động dễ thương, lời nói cũng dễ thương mà tâm ý cũng dễ thương.

Phương pháp thứ năm hay quá. Đôi khi giận hờn xảy ra là do ganh tị, vì thấy người kia cái gì cũng dễ thương hết. 

Chúng ta quán sát lại tăng thân của mình để coi có năm hạng người mà thầy Xá Lợi Phất nói tới hay không. 

Chúng ta hãy nhìn kỹ lại mình, tăng thân của mình và đặt mình vào một trong năm trường hợp trên. Ta muốn mình thuộc trường hợp nào? Cố nhiên là ta muốn làm trường hợp thứ năm phải không? Nếu ta có chí hướng thì ta phải thực tập theo kinh này. Ai thực tập cũng muốn thành công. Muốn cho Phật pháp có tương lai thì ta không thể nào làm một giọt nước nhỏ mà phải làm một dòng sông, muốn làm dòng sông thì phải tu tập để xây dựng tăng thân. Cách xây dựng tăng thân hay nhất là sống hòa hợp và hạnh phúc với tăng thân. Cụ thể là phải biết điều phục cơn giận của mình, phiền não của mình đối với những người trong tăng thân. Những ai là người có chí lớn thì phải thực tập theo năm phương pháp của thầy Xá Lợi Phất.

Kinh này rất hay. Tuy vậy chúng ta cũng có thể bổ túc sự thực tập của chúng ta đối với kinh này. Phương pháp của thầy Xá Lợi Phất là khi ta tiếp xúc với phần tiêu cực của một người nào đó thì đừng quên phần tích cực của họ, đừng bị kẹt vào phần tiêu cực của họ. Nếu người đó chỉ có phần tiêu cực thì ta hãy phát khởi lòng từ bi (trường hợp thứ tư). Còn nếu người đó chỉ có phần tích cực thì ta phải biết thừa hưởng (trường hợp thứ năm), chứ đừng ganh tị. Thầy Xá Lợi Phất dùng ba nghiệp (thân, khẩu, ý) làm tiêu chuẩn và chia ra năm trường hợp:

Thứ nhất, thân hành tiêu cực nhưng khẩu hành tích cực – Miếng vải tốt trong đống rác

Thứ hai, khẩu hành tiêu cực nhưng thân hành tích cực – Hồ nước có rơm rác trên mặt

Thứ ba, thân hành và khẩu hành tiêu cực, nhưng ý hành lại tích cực – Nước mưa trong lỗ chân trâu

Thứ tư, cả ba nghiệp đều tiêu cực – Người sắp chết khát

Thứ năm, cả ba nghiệp đều tích cực – Hồ nước trong

Bây giờ chúng ta tóm tắt lại năm trường hợp trong kinh: 

1. Trường hợp thứ nhất là lời nói dễ thương nhưng hành động không dễ thương. Trong trường hợp này, thầy Xá Lợi Phất dùng hình ảnh của một tấm vải bị vứt trong một đống rác. Thầy nói rằng tấm vải đó vẫn còn lành lặn, chưa thủng lỗ và chưa dơ lắm thì mình có thể mang về, giặt sạch và cùng với những miếng vải khác may thành một chiếc y.

2. Trường hợp thứ hai là hành động dễ thương nhưng lời nói không dễ thương. Đây là trường hợp một hồ nước có rơm, rác phủ lên mặt nhưng nếu mình cần tắm gội thì mình phải đi xuống hồ, khoát rơm rác đó ra là có thể tắm gội, có thể uống nước.

3. Trường hợp thứ ba là hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương và tâm ý còn rất ít sự dễ thương. Hình ảnh có chút ít nước mưa trong lỗ chân trâu là hình ảnh đẹp nhất trong kinh. Một người trong trường hợp này là một người rất đau khổ. Do đó ta phải làm thế nào để giúp được người đó. Trường hợp này cần hành động rất khéo léo và cẩn trọng vì thầy Xá Lợi Phất nói rằng: Mình là một người đi trên đường xa, sắp chết rồi, khát nước và kiệt quệ. Nước ở đây là nước tình thương. Chỉ còn một chút nước còn lại trong lỗ chân trâu thôi, nếu mình không uống nước đó thì mình chết. Mà muốn uống nước đó thì phải cẩn thận lắm mới được vì nếu mình làm nó vấy bùn lên thì không uống được. Mình phải quỳ xuống, phải nằm úp xuống, rồi đưa miệng trực tiếp vào lỗ chân trâu mà uống nước đó. Uống được thì có thể sống sót. Đó là vấn đề tình thương. Sống sót ở đây tức là làm sao để có thể giúp được người đó. Người đó rơi vào tình trạng thiếu thốn hạnh phúc, thiếu thốn tình thương tới mức nếu không hết sức cẩn trọng thì ta không thể giúp được người đó, người đó sẽ hoàn toàn suy sụp và tuyệt vọng. Do đó, sự thực tập tình thương ở đây là cả một nghệ thuật, cần rất nhiều sự thấu hiểu. Trong khi thực tập như thế này, vì ta thấy được sự thiếu thốn tình thương nơi người kia nên sự phiền giận trong mình không còn nữa – đó là điều lợi lạc trước nhất cho mình. Khi người kia thấy ta đối xử được như vậy, tình thương ở trong họ lớn lên và dần lấy lại được sự thăng bằng. Đứng về phía người thực tập thì ta vượt qua được sự phiền giận và làm lớn được tình thương nơi mình. Đối với người kia thì họ có một cơ hội để được chấp nhận, để được thương yêu và để có thể phát triển được chất liệu dễ thương ở trong con người họ. Đoạn kinh này rất hay. Vì vậy kinh này được gọi là kinh Thủy dụ. Thủy dụ tức là ví dụ về nước. Hình ảnh sẽ làm cho ta nhớ đời là hình ảnh một ít nước mưa còn lại trong lỗ chân trâu. 

Chúng ta không phải là những du tăng đi bộ từ nước này sang nước khác như ngày xưa, nên chúng ta tưởng đây là chuyện không xảy ra được. Nhưng các thầy ngày xưa đi bộ bằng chân không từ làng này sang làng khác, quận này sang quận khác, nước này sang nước khác và các thầy rất thường gặp trường hợp này, tức là khi không có nước uống thì phải tìm chỗ có nước mà uống. Nhiều khi không có suối, không có khe, chỉ có nước ở trong lỗ chân trâu. Vì vậy hình ảnh này được các thầy kinh nghiệm trực tiếp và truyền lại trong kinh cho chúng ta. 

4. Trường hợp thứ tư là cả thân, ngữ, ý đều không dễ thương. Cả ba đều là dấu trừ hết. Đây là trường hợp mình gọi là extreme. Phương pháp của thầy Xá Lợi Phất rất hay. Để diệt trừ phiền giận ta phải quán chiếu thấy được rằng một người mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương và tâm ý cũng không dễ thương, một người như vậy là một người đau khổ nhất trên đời. Nếu ta không giúp người đó thì người đó không có cơ hội nào nữa hết. Cho nên ta phải phát khởi lòng thương. Nếu phát khởi được lòng thương thì không những ta không còn phiền giận mà người đó cũng có cơ hội được chuyển hóa. Chúng ta thấy rõ ràng trong trường hợp cực kì khó khăn như vậy, sự thực tập vẫn có thể có được. Cũng như trong trường hợp tiền thân của đức Thích Ca ở dưới đáy địa ngục, vẫn có thể thực tập được. Ở một nơi tưởng chừng không có tình thương, vậy mà tình thương vẫn có thể được phát hiện ra từ tâm của mình, và chỉ cần như vậy, mọi thứ đều có thể thay đổi.

Đây là hình ảnh một người kiệt quệ, đi được nửa đường thì ngã sóng soài xuống, thế nào cũng chết vì thôn xóm phía sau đã cách rất xa rồi mà thôn xóm phía trước cũng còn rất xa. Khi một người đi ngang qua thấy như vậy, nghĩ rằng nếu họ không được cứu giúp thì người kia chắc chắn sẽ chết. Người đó đã cúi xuống, xốc người kia lên và dìu người kia đi cho tới khi đến được một xóm làng và ở lại đó trong vài ngày để lo lắng cho người kia phục hồi được sức khỏe trước khi tiếp tục cuộc du hành. Một hình ảnh rất đẹp. Trong ví dụ thứ tư này hoàn toàn không có một chút nước nào cả dù là một chút nước trong lỗ chân trâu. Tức là sự thiếu vắng những cái dễ thương, những hạnh phúc trong đối tượng của mình. Ấy vậy mà thầy Xá Lợi Phất vẫn có thể làm cho tình thương phát sinh ra được, bởi vì nếu tình thương không phát sinh ra được thì mình khổ và người kia cũng khổ. 

Nếu ta có hờn oán, căm thù hay giận hờn một người nào đó thì ta phải lập tức đọc kinh này, rồi liệt người mà ta hờn oán, hận thù đó thuộc vào trường hợp thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư, hay thứ năm. Đây là vấn đề của ta chứ không phải là vấn đề của người đó. Vì ta đang bị lửa sân hận oán thù đốt cháy. Đây là vấn đề sống sót của ta, cho nên ta phải đọc kinh này và thực tập. Nếu người kia thuộc trường hợp khó nhất, trường hợp thứ tư, thì ta biết rằng người mà ta đang thù hận, đang căm ghét là người đang đau khổ nhất đời. Người đó đang cần sự giúp đỡ chứ không phải cần sự trừng phạt. Vì trong khi chúng ta giận thì chúng ta chỉ muốn trừng phạt mà thôi. Chúng ta không biết rằng người kia đang đau khổ, và điều mà người kia không cần tới chính là sự trừng phạt, vậy mà chúng ta cứ muốn trừng phạt như thường. Ta quán chiếu cho tới khi nào trong lòng nảy sinh ra ý muốn giúp người kia thì lúc đó sự phiền giận của ta được tiêu tan hết. Và người kia cũng được thừa hưởng. 

Nếu trong đại chúng có người nào cảm thấy có sự phiền giận, căm thù với một người nào khác thì phải lập tức đọc kinh này, phải lập tức liệt người đó vào một trong năm trường hợp và nếu đó là trường hợp thứ tư thì phải quán chiếu như thầy Xá Lợi Phất nói: người này thân, khẩu, ý đều không dễ thương, là người đang đau khổ nhất trên đời mà ta còn giận người đó nữa thì ta là kẻ không có trí tuệ. Nếu ta là một người có lương tri, có tình thương thì đối với những trường hợp này ta phải làm đủ cách để giúp người đó, còn nếu phiền giận và muốn trừng phạt người đó nữa thì ta là một người mất trí, một người không có trí tuệ. Quán chiếu như vậy,tự nhiên ta không còn ý niệm muốn trừng phạt người đó, ngược lại ta muốn làm cho người đó không còn khổ nữa và trong trái tim ta sẽ phát sinh ra một hồ nước, ta thấy nhẹ nhàng, thoải mái, an lạc – đó gọi là thanh lương – Nam mô Bồ tát Thanh Lương Địa. Từ một hầm lửa tự nhiên xuất hiện một hồ sen, hồ sen có mặt là do chúng ta thấy được rằng người kia đang đau khổ cùng cực, nếu ta không ra tay cứu vớt thì người đó sẽ chết. Phương pháp của thầy Xá Lợi Phất rất hay, rất mầu nhiệm. 

5. Trường hợp thứ năm là cả thân, khẩu, ý đều dễ thương, mà mình lại đem lòng giận người đó. Cái giận của ta hoàn toàn do sự ganh tị mà ra. Người mà thân, khẩu, ý đều dễ thương thì được người khác thương. Và khi người đó được người khác thương thì ta sinh tâm ganh tỵ và hờn giận họ, thầy Xá Lợi Phất nói rằng ta là người ngu ngốc nhất trên đời. Người đó là hồ nước trong mát mà mình không biết thừa hưởng còn đi giận. Ai lại  giận một hồ nước bao giờ? Ở đời có những người dễ thương như vậy về thân, về khẩu, về ý mà ta không biết lợi dụng, không biết hưởng thụ mà lại đi ganh ghét và giận hờn người đó thì quả thật ta là người không có trí tuệ. Thấy được như vậy,ì ta cũng trở thành một hồ nước,ta được tắm gội trong hồ nước thanh lương của chính mình và cũng được tắm gội trong hồ nước thanh lương của người mà thân, khẩu, ý đều dễ thương kia. 

Ở trong một tăng thân lớn, sự thực tập của chúng ta là quán chiếu những sư anh, sư chị, sư em của mình và tự thân mình xem mỗi người được liệt vào trường hợp nào trong năm trường hợp. Mình có được liệt vào trường hợp thứ năm hay không. Nếu chưa được liệt vào trường hợp thứ năm thì ta phải thực tập như thế nào để đạt được điều đó, để có thể trở thành một hồ nước trong mát. Trở thành hồ nước trong xanh, ta có được sự tươi mát và hạnh phúc trong ta, và làm suối nguồn tươi mát và hạnh phúc cho nhiều người.

Chúng ta có thể dùng các kinh khác để bổ túc vào kinh này và đưa sự thực tập của chúng ta đi xa hơn.

1. Nếu thấy một người mà ba nghiệp đều tiêu cực thì theo cái nhìn thông thường, ta cho rằng người đó không có giá trị gì cả. Nhưng theo cái nhìn của Bụt và Bồ tát thì ẩn bên dưới những biểu hiện tiêu cực của ba nghiệp thân, khẩu, ý , nằm sâu dưới đáy của tàng thức vẫn còn những điều tốt đẹp. Hễ có ngày thì có đêm, có hoa thì có rác. Tuy đứng về phương diện hình tướng ta thấy cả ba nghiệp đều không có gì dễ thương nhưng ẩn núp phía trong người đó vẫn có tính Bụt, vẫn còn khả năng chuyển hóa thành người dễ thương. 

2. Song song với việc để ý tới phần tích cực của một người, chúng ta cũng phải quán chiếu về phần tiêu cực để thấy rằng người đó đã là nạn nhân của sự trao truyền. Sở dĩ người đó có thân nghiệp, khẩu nghiệp hay ý nghiệp không dễ thương, có thể do một phần hạt giống của tổ tiên để lại. Nhìn sâu ta thấy có thể trong thời thơ ấu, người đó không được sống trong một môi trường tốt. Người đó đã không được cha mẹ hay học đường dạy thương yêu, dạy cách nói lời dễ thương hay hành động dễ thương. Có thể là người đó đã được sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ thường xuyên cãi cọ và làm khổ nhau. Nếu người đó được nuôi dưỡng trong một gia đình mà cha biết săn sóc cho mẹ, mẹ biết dịu ngọt với cha thì tự nhiên người đó cũng sẽ có hành động và lời nói dễ thương. Một con người thường có hành động hay lời nói không dễ thương, nếu được sống trong một môi trường mà ở đó mọi người cư xử và nói năng dễ thương với nhau thì sau vài năm người đó sẽ thay đổi. Người đó không phải cố gắng gì cả, chỉ cần hằng ngày nghe và thấy là đã thay đổi được rồi. Khi trở lại môi trường cũ, người ta sẽ ngạc nhiên thấy người đó sao bây giờ dễ thương quá như vậy. Vì vậy sở dĩ một người mà thân hành, khẩu hành hay ý hành không dễ thương là tại vì người ấy thiếu may mắn trong quá khứ, người ấy đã được trao truyền những hạt giống xấu. Thấy được điều đó rồi tự nhiên ta sẽ hết phiền giận.

Đó là hai điểm mà ta có thể bổ túc vào cho kinh Diệt trừ phiền giận. Chúng ta xây dựng tăng thân bằng cách điều phục tâm mình, điều phục sự hờn giận của ta đối với mọi thành phần trong tăng thân. Chúng ta cũng xây dựng tăng thân bằng cách thực tập uy nghi và chánh niệm. Nếu mỗi ngày ta không nói xấu người khác, nếu mỗi ngày ta bước những bước chân chánh niệm, nếu mỗi ngày ta có sự vững chãi, nếu mỗi ngày ta không hề ganh tị thì tự nhiên ta đã tạo ra năng lượng tốt cho tăng thân. Những người được sống trong môi trường đó chắc chắn sẽ được chuyển hóa. Có thể người đó từ trước đến giờ chưa được sống trong một môi trường tốt, bây giờ tiếp xúc với môi trường lành thiện đó thì tự nhiên thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp của vị đó cũng dễ thương ra. Cho dù ta còn trẻ, nhưng nếu nắm được sự thực tập này thì ta có thể trở thành một vị Bồ tát trẻ ngay trong hiện tại, không trách móc, không giận hờn, không sân si. Bằng cách sống như vậy ta tạo ra môi trường để mọi người được chuyển hóa. Mỗi người trong chúng ta là một viên ngọc. Nếu chúng ta biết mài dũa thì viên ngọc có thể tỏa ánh sáng ra chung quanh, và làm thay đổi môi trường.

Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài

Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi

Con người tu có khác gì

Sống cho tươi mát; sân si hư đời

Hiểu thương chẳng trách móc người

Hiện thân Bồ tát giữa nơi đạo tràng.

“Này các bạn tu, tôi đã chia sẻ với quý vị về năm phương pháp dứt trừ sự phiền giận.”

Sau khi nghe Tôn giả Xá Lợi Phất nói, các vị khất sĩ vui mừng tiếp nhận và hành trì theo.

Chúng ta thấy phần lớn các hình ảnh mà thầy Xá Lợi Phất đưa ra là hình ảnh nước: Từ một hồ nước trong đến một chút nước nhỏ trong lỗ chân trâu. Vì thế kinh này được gọi là kinh Thủy dụ.

Kinh diệt trừ phiền giận

Kinh văn

Ðây là những điều tôi đã được nghe, hồi Bụt còn cư trú trong tu viện Cấp Cô Ðộc, rừng Thắng Lâm, tại thành Xá Vệ.

Hôm ấy, tôn giả Xá Lợi Phất nói với các vị khất sĩ:

“Này các bạn đồng tu, hôm nay tôi muốn chia sẻ với các vị về năm phương pháp diệt trừ phiền giận. Xin các bạn lắng nghe và chiêm nghiệm.”

Các vị khất sĩ vâng lời và lắng nghe. Tôn giả Xá Lợi Phất nói:

“Năm phương pháp diệt trừ phiền giận ấy là những phương pháp nào?

Ðây là phương pháp thứ nhất, này các bạn:

“Nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương nhưng lời nói lại dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên biết cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.

“Này các bạn tu, ví dụ có một vị khất sĩ tu theo hạnh a lan nhã, ưa mặc y phấn tảo, một hôm đi qua một đống rác bẩn có phân, nước tiểu, nước mủ và các thức dơ dáy khác, trông thấy một tấm vải còn lành lặn. Vị ấy dùng tay trái cầm miếng vải lên và lấy tay phải căng nó ra. Thấy miếng vải chưa bị rách thủng mà cũng không bị phân, nước tiểu, nước mủ và các chất dơ bẩn khác dính vào, vị ấy liền xếp miếng vải lại, cất lấy, đem về nhà để giặt sạch và may chung với các tấm vải khác làm y phấn tảo. Cũng như thế, này các bạn tu, khi có một người mà hành động không dễ thương nhưng lời nói còn dễ thương thì ta hãy đừng để tâm nghĩ tới hành động của người ấy mà chỉ nên chú ý tới lời nói dễ thương của người ấy, để có thể dứt trừ sự phiền giận của mình. Người có trí phải nên thực tập như vậy.”

*

Ðây là phương pháp thứ hai, này các bạn:

“Nếu có một ai đó mà lời nói không dễ thương nhưng hành động lại dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên biết cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.

“Này các bạn tu, ví dụ như cách thôn xóm không xa có một hồ nước sâu nhưng mặt nước lại bị rêu cỏ che lấp. Lúc bấy giờ có một người đi tới gần hồ, tự thân đang bị sự đói khát và nóng bức hành hạ. Người ấy cởi áo để trên bờ hồ, nhảy xuống, dùng hai cánh tay khoát rêu cỏ ra và khoan khoái mặc tình tắm rửa và uống nước mát dưới hồ. Cũng như thế, này các bạn tu, khi có một người mà lời nói không dễ thương nhưng hành động lại dễ thương thì ta hãy đừng để tâm nghĩ tới lời nói của người ấy mà chỉ nên chú ý tới hành động dễ thương của người ấy thôi để có thể dứt trừ sự phiền giận của mình. Người có trí phải nên thực tập như vậy.”

*

Ðây là phương pháp thứ ba, này các bạn:

“Nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn có chút dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.

“Này các bạn tu, ví dụ có một người đi tới một ngã tư kia, kiệt sức, khát nước, thiếu thốn, nóng bức và phiền muộn. Tại ngã tư ấy có một vết chân trâu, trong ấy còn đọng lại một ít nước mưa. Vị này nghĩ: ‘Mặc dù nước trong lỗ chân trâu ở ngã tư đường này rất ít, nếu ta dùng tay hoặc lá cây để lấy thì ta sẽ có thể quấy cho nó đục ngầu lên và sẽ không uống được, do đó sẽ không thể trừ bỏ được sự khát nước, thiếu thốn, nóng bức và phiền muộn trong ta. Vậy ta hãy quỳ xuống, tay và đầu gối áp sát đất, dùng miệng mà uống nước trực tiếp.’ Người ấy liền quỳ dài xuống, tay và đầu gối áp sát đất, đưa miệng vào lỗ chân trâu mà uống. Cũng vậy, này các bạn tu, khi thấy một ai đó mà hành động không dễ thương và lời nói cũng không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn có chút ít sự dễ thương, thì ta hãy đừng để tâm nghĩ tới hành động và lời nói không dễ thương của người ấy, mà hãy nên chú ý tới chút ít dễ thương còn có trong tâm người ấy thôi để có thể dứt trừ được phiền giận của mình. Người có trí phải nên thực tập như vậy.”

*

Ðây là phương pháp thứ tư, này các bạn:

“Nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không còn lại một chút gì gọi là dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận kẻ đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.

“Này các bạn tu, ví dụ như có một kẻ đi xa, trên con đường dài nửa đường bị bệnh. Khốn đốn, héo hắt, cô độc, không bạn đồng hành, thôn xóm phía sau đã lìa bỏ lâu rồi mà thôn xóm phía trước cũng còn cách đó rất xa, người ấy đang lâm vào tình trạng tuyệt vọng, biết mình sẽ chết ở dọc đường. Trong lúc ấy, có một người khác đi tới, thấy được tình trạng này, liền ra tay cứu giúp. Người ấy dìu người kia tới được thôn ấp phía trước, chăm sóc, chữa trị và chu toàn cả về các mặt thuốc thang và thực phẩm. Nhờ sự giúp đỡ ấy mà kẻ kia thoát nạn. Sở dĩ kẻ kia thoát nạn là nhờ ở lòng thương xót và lân mẫn của người này. Cũng như thế, này các bạn tu, khi thấy một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không còn lại một chút gì có thể gọi là dễ thương hết, thì ta phải phát khởi tâm niệm này: ‘Một người mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà tâm ý cũng không dễ thương là một người rất đau khổ, người này chắc chắn đang đi về những nẻo đường xấu ác cực kỳ, nếu không gặp được thiện tri thức thì người ấy sẽ không có cơ hội chuyển hóa và đi về các nẻo đường hạnh phúc.’ Nghĩ như thế, ta mở được lòng thương xót và lân mẫn, diệt trừ được phiền giận của ta và giúp được cho kẻ kia. Người có trí phải nên thực tập như thế.”

*

Ðây là phương pháp thứ năm, này các bạn:

“Nếu có một ai đó mà hành động dễ thương, lời nói cũng dễ thương mà tâm ý cũng dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận hoặc ganh ghét với kẻ đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.

“Này các bạn tu, ví dụ cách ngoài thôn xóm không xa có một cái hồ thật đẹp, nước hồ đã trong lại ngọt, đáy hồ sâu mà bằng phẳng, bờ hồ đầy đặn, cỏ xanh mọc sát quanh hồ, bốn phía cây cối xanh tươi cho nhiều bóng mát. Có một kẻ kia đi tới bên hồ, khát nước, phiền muộn, nóng bức, mồ hôi nhễ nhại. Người ấy cởi áo để trên bờ hồ, nhảy xuống, khoan khoái mặc tình tắm rửa và uống nước; tất cả những nóng bức, khát nước và phiền muộn của mình đồng thời tiêu tán hết. Cũng vậy, này các bạn tu, khi thấy một người mà hành động dễ thương, lời nói dễ thương mà tâm địa cũng dễ thương thì ta hãy nên nhận diện tất cả những cái dễ thương của người ấy về cả ba mặt thân, khẩu và ý mà đừng để sự phiền giận hoặc ganh ghét xâm chiếm ta. Nếu không biết sống hạnh phúc với một người tươi mát như thế thì mình thực không phải là một người có trí tuệ.

“Này các bạn tu, tôi đã chia sẻ với quý vị về năm phương pháp dứt trừ phiền giận.”

Sau khi nghe tôn giả Xá Lợi Phất nói, các vị khất sĩ vui mừng tiếp nhận và hành trì theo.

Giảng kinh

(Phiên tả Pháp thoại ngày 04 & 08 tháng 01 năm 1998, Làng Mai, Pháp)

Hướng về Bụt và thánh chúng trên hội Hoa nghiêm.

Hội Hoa nghiêm là pháp hội trong đó Bụt thuyết kinh Hoa nghiêm. Hoa nghiêm, tiếng Phạn là Avataṃsaka, gọi cho đúng là Phật Hoa nghiêm, Buddhāvataṃsaka, nghĩa là sự trang điểm cho Bụt bằng tràng hoa. Tràng hoa này rất đặc biệt, không thể mua được ở ngoài chợ. Kinh Hoa nghiêm là một kinh lớn xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ I sau Thiên Chúa giáng sinh. Trước khi danh từ Buddhāvataṃsaka xuất hiện, kinh đã mang tên Gaṇḍavyūha. Gaṇḍa có nghĩa là hương thơm; vyūha là sự sắp đặt. Vì vậy có thể dịch là Hương nghiêm nhiều hơn là Hoa nghiêm. Kinh Hoa nghiêm được hình thành một cách chầm chậm và đã được dịch ra chữ Hán vào đầu thế kỷ thứ V. Có hai kinh xuất hiện sớm nhất trong văn học Hoa nghiêm là kinh Thập địa và kinh Nhập Pháp giới. Hai kinh này bây giờ trở thành hai phẩm trong những phẩm then chốt của kinh Hoa nghiêm.

Kinh Hoa nghiêm phát triển tư tưởng duyên sinh tới mức cao tột. Theo giáo lý duyên sinh của Bụt, tất cả mọi hiện tượng đều dựa vào nhiều điều kiện để biểu hiện. Ví dụ một bông hoa là do sự đóng góp của hạt giống, phân bón, ánh sáng mặt trời, đất đai, thời tiết, công sức của người trồng hoa,… Ta thấy nhiều nhân và duyên làm ra bông hoa đó. Trong kinh Hoa nghiêm, giáo lý đó được phát triển rất xa. Chúng ta thấy rằng tất cả vũ trụ đều kết hợp lại để tạo ra bông hoa. Vì vậy, trong bông hoa có đủ tất cả những yếu tố của vũ trụ. Từ đó giáo lý Hoa nghiêm đi tới kết luận: Cái một được làm bằng cái tất cả và cái tất cả có mặt trong cái một (Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất). 

Nhân vật nổi bật trong kinh Hoa nghiêm là Bồ tát Phổ Hiền (Samantabhadra), cũng như trong kinh Bát nhã thì nhân vật nổi bật là Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. 

Ba yếu tố lớn của kinh Hoa nghiêm là:

– Tuệ nhãn 慧眼 (con mắt trí tuệ, jñānacakṣus)

– Hạnh 行 (hành, carya)

– Nguyện  (lời thề, lời cam kết, praṇidhāna)

Đức Bồ tát Phổ Hiền tượng trưng cho ba yếu tố trên. Do vậy, kinh Hoa nghiêm không chỉ là tuệ giác, kinh còn là lời thề, là đại nguyện, là lời hứa lớn. Kinh Hoa nghiêm còn là hành động, action. Khi dùng tuệ giác của kinh Hoa nghiêm để nhìn vào thế giới đầy khổ đau, tối tăm, kỳ thị, chia rẽ,… ta bắt đầu thấy một thế giới khác: thế giới trong đó có sự thông thương, có rất nhiều ánh sáng, tình thương, không còn kỳ thị và chia rẽ; và lạ thay hai thế giới đó không tách rời nhau. Ta không còn gọi đây là thế giới nữa mà gọi là pháp giới. Thế giới (Lokadhātu) và pháp giới (Dharmadhātu) là hai danh từ thường được sử dụng trong văn học đạo Bụt. Có thể nói thế giới là cõi mà trong đó cái này nằm ngoài cái kia. Ví dụ ánh sáng, đám mây thì nằm ngoài bông hồng. Do đó, ta phân biệt ánh sáng, bông hồng và đám mây. Trong khi đó, với tuệ nhãn, khi nhìn ta sẽ thấy bông hồng nằm trong đám mây và đám mây nằm trong bông hồng. Lúc ấy ta bắt đầu đi vào pháp giới, gọi là nhập pháp giới. Trong thế giới thì sư em nằm ngoài sư chị, sư chị khác sư em nhưng nếu biết sử dụng tuệ nhãn thì ta thấy sư em nằm trong sư chị và sư chị nằm trong sư em, không thể lấy sư chị ra ngoài sư em được. Do đó, thế giớipháp giới là một. Vấn đề của chúng ta là có biết sử dụng con mắt tuệ để nhìn sự vật hay không. Nhìn bằng con mắt tuệ thì ta đi được vào pháp giới, còn nếu không biết dùng con mắt tuệ để nhìn thì ta sẽ chỉ quanh quẩn trong thế giới. Ở trong thế giới mà ta biết dùng con mắt tuệ để rũ bỏ dần sự nhận thức phân biệt thì tự nhiên pháp giới sẽ hiển lộ. 

Kinh Hoa nghiêm dùng nhiều hình ảnh rất đẹp, rất diệu kỳ. Trong phẩm Nhập Pháp giới, có một nhân vật tên là Thiện Tài Đồng Tử, đó là một người trai trẻ, đệ tử của thầy Văn Thù Sư Lợi. Được phép của thầy, Thiện Tài Đồng Tử đi tham học với nhiều bậc thầy khác và đã học được từ 53 vị, trong đó có cả những đứa con nít, những người ngoại đạo, và Thiện Tài Đồng Tử đều có thể học được từ tất cả những bậc thầy đó. Có một lần, Thiện Tài Đồng Tử tìm gặp bà Ma Ha Ma Gia, vì người ta nói rằng nếu gặp được bà Ma Ha Ma Gia thì Thiện Tài Đồng Tử sẽ học được rất nhiều. Ma Ha Ma Gia tức là mẹ của đức Thế Tôn. Thiện Tài tìm mãi mà không gặp được bà, chàng không biết bà ở đâu. Sau đó nghe người ta nói rằng muốn gặp bà Ma Ha Ma Gia, không cần phải đi đâu xa, chỉ cần thực tập quán chiếu cho sâu sắc, phải ngồi thiền, thực tập thiền lạy. Thiện Tài Đồng Tử mới ngồi xuống, thực tập quán niệm hơi thở và quán chiếu. Trong lúc quán chiếu, tự nhiên Thiện Tài thấy một đóa sen từ dưới đất trồi lên rồi nở ra một ngàn cánh rất đẹp. Thiện Tài thấy mình được ngồi trên một trong ngàn cánh đó. Từ cánh sen mình đang ngồi, Thiện Tài lại thấy nở ra một đóa sen ngàn cánh khác. Thiện Tài Đồng Tử bắt đầu nhận thấy được một điều bằng con mắt tuệ: Cái một trong cái tất cả và cái tất cả trong cái một – trước hết là thấy một đóa sen ngàn cánh, rồi thấy mỗi cánh sen, chính nó cũng là một bông sen đầy đủ với một ngàn cánh. Khi ngẩng nhìn lên, Thiện Tài thấy bà Ma Ha Ma Gia đang ngồi trên một cánh sen khác và cánh sen đó lại biến ra một bông sen khác, cũng một ngàn cánh. Trong niềm vui sướng được ngồi trên một tòa sen và được gặp bà Ma Ha Ma Gia, Thiện Tài nghe bà nói: 

Này con, con có biết khi ta có mang Siddhārtha thì chuyện gì xảy ra không? Khi biết mình đã có mang Siddhārtha thì trong người ta tự nhiên cảm thấy khỏe, nhẹ và hạnh phúc vô cùng. Bởi vì khi có một đức Bụt chui vào bụng mình thì còn gì sung sướng hơn nữa!

Thiện Tài Đồng Tử mới nói:

 Dạ con biết! Khi biết đã có một đức Bụt trong lòng thì mình sung sướng lắm.

Bà Ma Ha Ma Gia lại nói tiếp:

Lúc Siddhārtha vừa mới chui vào bụng ta thì vô số các vị Bồ tát trong mười phương thế giới tới với ta và vị nào cũng ngỏ ý muốn chui vào để xem thử Siddhārtha ở trong bụng ta có được thoải mái hay không. Ta chưa kịp nói gì thì tất cả đều tự ý chui vào bụng ta. Ta đâu có ngờ bụng ta lại lớn như vậy, vô lượng vô số các vị Bồ tát chui vào trong bụng ta mà bụng ta vẫn còn đủ chỗ như thường. Lúc đó ta có cảm tưởng rất rõ là nếu có hàng trăm triệu các vị Bồ tát khác tới và muốn chui vào bụng ta thì bụng ta vẫn có dư chỗ cho họ chui vào.

Bà Ma Ha Ma Gia đã nói như vậy đó. Câu nói đó có nghĩa là cái vô cùng nhỏ chứa đựng cái vô cùng lớn. 

Thiền sư Khánh Hỷ đời Lý có nói rằng:

Càn khôn tận thị mao đầu thượng

Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.

(Cả trời đất có thể được vo lại và đặt lên trên đầu một sợi tóc. Mặt trời và mặt trăng có thể được dung chứa trong một hạt cải).

Câu nói của thiền sư Khánh Hỷ cũng nằm trong ý nghĩa đó – cái vô cùng lớn có thể tìm được trong cái vô cùng nhỏ.

Do đó, những ý niệm của chúng ta về nhỏ – lớn là một ý niệm rất chúng sanh, rất dại khờ. Một bông hoa nhỏ xíu kia có thể chứa đựng cả mặt trời, đám mây, sông, núi,… nghĩa là tất cả vũ trụ đầy đủ trong đó. Đó là giáo lý một là tất cả, tất cả là một.

Câu chuyện của bà Ma Ha Ma Gia nói với Thiện Tài Đồng Tử rất hay. Bà lại nói tiếp như thế này:

Này con, con có biết ta là ai không? Ta là mẹ của tất cả chư Bụt trong quá khứ. Bụt nào cũng từ trong bụng ta chui ra hết. Ta là mẹ của tất cả chư Bụt trong hiện tại và ta sẽ là mẹ của tất cả chư Bụt trong tương lai. 

Nói như vậy để Thiện Tài biết rằng chàng ta cũng như Ma Ha Ma Gia, chàng cũng có mang một đức Thế Tôn ở trong lòng dù Thiện Tài là con trai. Nếu quán chiếu thì Thiện Tài sẽ thấy rằng mình là mẹ của tất cả chư Bụt trong quá khứ, mẹ của tất cả chư Bụt trong hiện tại và mẹ tất cả chư Bụt trong tương lai. Phải chăm sóc chư Bụt trong ba đời ở chính trong tự thân mình. Đừng có mặc cảm là tự thân mình dơ bẩn, không xứng đáng. Phải vượt thoát ý niệm về dơ – sạch, tội – phúc, đó mới là cái thấy của pháp giới, của trí tuệ. Cái thấy đó làm cho pháp giới hiển lộ và thế giới ẩn đi. Thế giới là cõi mà trong đó có kỳ thị, chia rẽ, khổ đau, cái này nằm ngoài cái kia. Pháp giới là cõi mà trong đó cái này nằm trong cái kia và mình không còn mặc cảm. Đó là nội dung của phẩm Nhập Pháp giới.

Kinh Mười nguyện Phổ Hiền được rút ra từ phẩm thứ 36 của kinh Hoa nghiêm. Phẩm này tên là Phổ Hiền hạnh nguyện phẩm, nói về hành động và nguyện ước của đức Bồ tát Phổ Hiền. Trong khi học kinh này ta sẽ thấy được phần nào hạnh và nguyện đó, biểu lộ tuệ nhãn của đức Bồ tát.

Con xin đem ba nghiệp thanh tịnh

Kính lạy tất cả hằng sa Bụt 

Trong các thế giới khắp mười phương

Quá khứ, vị lai và hiện tại.

Đây là hạnh và nguyện đầu, tức là Lễ kính chư Phật. Đây là sự thực tập của Bồ tát Phổ Hiền, là lạy chư Bụt. Thế nhưng, phải lạy như thế nào? Trước hết là đem ba nghiệp thanh tịnh ra để làm cho mình hoàn toàn có mặt, tức là thân, lời nói, ý tưởng hợp nhất lại trong trạng thái thanh tịnh (thanh tịnh nghĩa là không loạn tưởng). Đưa ba nghiệp đó hợp nhất lại để hướng thượng, gọi là tam nghiệp thanh tịnh. Trong bài kệ thỉnh chuông, chúng ta cũng làm như vậy:

Ba nghiệp lắng thanh tịnh 

Gởi lòng theo tiếng chuông.

Muốn cho tiếng chuông làm rung động được pháp giới, lay chuyển được lòng người thì trước hết, người thỉnh chuông phải đem ba nghiệp hợp nhất lại trong trạng thái thanh tịnh hóa (Purification of the body, of the speech and of the mind), có mặt thực sự trong giờ phút thỉnh chuông và ba nghiệp đều lắng lại. 

Con xin đem ba nghiệp thanh tịnh

Kính lạy tất cả hằng sa Bụt 

Trong các thế giới khắp mười phương

Quá khứ, vị lai và hiện tại.

Hằng sa có nghĩa là cát sông Hằng. Bụt có rất nhiều như số cát ở sông Hằng. Con xin đem ba nghiệp thanh tịnh của con mà kính lạy tất cả chư Bụt nhiều như số cát trong sông Hằng. Bụt cũng có mặt mọi nơi và mọi lúc, nghĩa là không giới hạn không gian và thời gian. Chúng ta thường tụng: Thập phương tam thế Phật.

Bụt có mặt khắp mười phương (thập phương, 十方) và trong ba đời (tam thế, 三世). Ba đời là quá khứ, hiện tại và vị lai. Mười phương là Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam, Trên và Dưới. Hễ nơi nào có chánh niệm, có vững chãi, có thảnh thơi, có an lạc, là nơi đó có Bụt. Bụt là một phần của con người chúng ta. Phần đó gọi là phần hướng thượng. Khi chắp tay lễ Bụt thì phải quán tưởng để thấy được tất cả chư Bụt nhiều như số cát ở sông Hằng, trong không gian và thời gian. Thấy được như vậy thì mới lạy xuống, tức là phải dùng con mắt tuệ để lạy. Chúng ta không lạy bằng con mắt thịt và bằng cái thân thịt của mình. Chắp tay lại, làm cho ba nghiệp lắng trong, hợp nhất, có mặt hoàn toàn rồi dùng sự có mặt hoàn toàn đó của thân, khẩu, ý mà quán chiếu, thấy được rằng một lạy này là lạy tất cả các Bụt trong ba đời và trong mười phương.

Nguyên văn:

Sở hữu thập phương thế giới trung 

Tam thế nhất thiết nhân sư tử

Ngã dĩ thanh tịnh thân ngữ ý

Nhất thiết biến lễ tận vô dư.

đây nguyên văn chữ Bụt là nhân sư tử, nghĩa là con sư tử trong loài người, tức là Bụt. Tại vì tiếng thuyết pháp của Bụt là một tiếng gầm sư tử lớn. Con sư tử oai vệ là chúa của tất cả mọi loài trong sơn lâm. Cho nên Bụt trong loài người cũng giống như sư tử ở chốn sơn lâm. Sở hữu thập phương thế giới trung. Tam thế nhất thiết nhân sư tử nghĩa là trong mười phương thế giới và trong ba đời, con xin lấy thân, ngữ, ý thanh tịnh mà lạy khắp tất cả Bụt (tức là tất cả sư tử trong loài người), không chừa sót một vị Bụt nào. Nhất thiết biến lễ là lạy cùng khắp, lạy tất cả. Tận vô dư là không còn sót một vị Bụt nào cả. Không những lạy Bụt trong quá khứ, Bụt trong hiện tại mà lạy cả Bụt trong tương lai. Vì vậy khi lạy xuống, ta lạy luôn cả ta, bởi vì chính ta cũng là một vị Bụt tương lai. Ta phải thấy được điều đó thì cái lạy này mới thành công, không phải khi nghe tiếng chuông thì nhào xuống như một đống thịt, mà phải lạy bằng con mắt tuệ.

Thần lực của hạnh nguyện Phổ Hiền

Giúp con có mặt khắp mọi nơi

Nơi đâu có Bụt là có con

Bụt là vô lượng con vô lượng.

Đây là tuệ nhãn, nếu không có tuệ nhãn thì ta chỉ lạy bằng nhục thân chứ không lạy bằng trí tuệ được. Bồ tát Phổ Hiền (Samantabhadra) có hạnh và nguyện rất lớn và sức mạnh thần diệu đó giúp con có mặt khắp mọi nơi. Con đứng ở đây, trong giờ phút hiện tại này, nhưng thực sự là con đang có mặt khắp mười phương và ba đời. Con có mặt ở hiện tại nhưng con cũng đang có mặt trong quá khứ và tương lai. Đây là một cái thấy bằng tuệ nhãn. Trong sự u mê hằng ngày, chúng ta nghĩ rằng ta chỉ có mặt trong giờ phút này và tại nơi này mà thôi. Tuy nhiên, theo tuệ giác của kinh Hoa nghiêm thì đâu phải ta chỉ có mặt ở đây và lúc này, mà có mặt khắp nơi trên thế giới; ta có mặt nơi Bụt, nơi tổ tiên trong quá khứ và cả nơi con cháu trong tương lai. Vì vậy ý tưởng ta chỉ có mặt ở đây và lúc này là một sai lầm rất lớn. Nhờ có uy lực của Bồ tát Phổ Hiền nên trong giờ phút nhiếp tâm thanh tịnh như vậy, ta thấy ta có mặt khắp nơi, không những trong hiện tại mà còn trong quá khứ và tương lai. Hễ nơi nào có Bụt đang ngồi thì nơi đó có ta đang đứng chắp tay. Khi chắp tay thì ta phải thấy được vô lượng Bụt trong ba đời và mười phương. Ta thấy ta cũng là vô lượng và trước mỗi Bụt đều có ta. Phải thấy được như vậy thì mới lạy. 

Khi cúi xuống bờ ao, ta sẽ thấy một đám bọt, nhìn vào đó ta thấy trong mỗi bọt nước có gương mặt ta đang phản chiếu. Có bao nhiêu bọt nước thì có bấy nhiêu gương mặt ta trong đó. Cũng vậy, chư Bụt trong ba đời có mặt khắp hết như những bọt nước, nhìn vào bọt nước nào cũng thấy có ta ở trong. Khi đó, ta đạt tới cái thấy gọi là Năng lễ sở lễ tánh không tịch (能禮所禮性空寂). Năng lễ là người lạy, tức là chúng sanh. Sở lễ là người được lạy, tức là Bụt. Tánh không tịch nghĩa là bản chất của người lạy và người được lạy không phải là những thực thể riêng rẽ có thể tách rời ra được. Cả hai nương nhau mà hiện hữu. 

Cũng giống như trường hợp bông hoa và ánh sáng không phải là những thực thể độc lập, chúng có trong nhau. Nhìn vào bông hoa cho thật sâu thì thấy ánh sáng. Nhìn vào ánh sáng thì thấy có bông hoa. Sự liên hệ giữa mẹ và con cũng vậy: nhìn vào mẹ sẽ thấy con và nhìn vào con sẽ thấy mẹ. Không thể lấy mẹ ra khỏi con và không thể lấy con ra khỏi mẹ. Thấy được như vậy thì bao nhiêu giận hờn giữa hai mẹ con đều tiêu tan hết. Như vậy, năng lễsở lễ lồng vào nhau, nương vào nhau mà có; lấy năng lễ ra thì không còn sở lễ, lấy sở lễ ra thì không còn năng lễ. Lấy bọt nước ra thì không có mặt của ta, lấy mặt ta ra thì không thấy bọt nước. Không tịch là vậy, không tiếng Anh là empty, nghĩa là không thể tự một mình mà tồn tại, tịch nghĩa là vắng lặng, tức là không thể nói năng gì được về cái đó. Trong khi đứng chắp tay, làm cho ba nghiệp thanh tịnh và hợp nhất thì ta phải quán chiếu để thấy rằng trong mười phương, ba đời, các đức Bụt có mặt đầy dẫy trong hư không. Trước đức Bụt nào cũng có ta đang đứng chắp tay và khi ta lạy xuống thì tất cả hóa thân của ta trong mười phương đều đồng loạt lạy xuống, không có chỗ nào là không lạy. Lạy như vậy mới là cái lạy của đức Bồ tát Phổ Hiền – cái lạy căn cứ trên cái thấy của Hoa nghiêm. Hồi thầy 16 tuổi, vô chùa và được học điều này thì thấy khó hiểu quá. Chắp tay, xướng năng lễ sở lễ tánh không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghì thì làm sao mà một chú bé 16 tuổi hiểu được, nhất là khi các thầy không giảng. Người lạy và người được lạy, bản chất không thể tách rời nhau ra được. Vì vậy, sự cảm ứng, giao tiếp giữa con và Ngài là không thể nào nghĩ bàn. 

Ngã thử đạo tràng như đế châu 

Thập phương chư Phật ảnh hiện trung. 

Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền 

Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ.

Đạo tràng nơi con đang đứng giống như màng lưới của vua trời Đế Thích (Indra), vì cung điện của vua được làm bằng những hạt ngọc và mỗi hạt ngọc trong mạng lưới đó phản chiếu tất cả những hạt ngọc khác, tức là cái tất cả nằm trong cái một. Do đó, đạo tràng con đang đứng để thực tập lạy cũng như đế châu vậy. Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền nghĩa là thân con đang hiện trước mặt mỗi đức Phật và khi con lạy xuống đây thì có vô số con đang lễ vô số Bụt. Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ nghĩa là đầu, mặt, tứ chi của con đang mọp xuống và trước mỗi đức Bụt đều có con. 

Nơi đâu có Bụt là có con

Bụt là vô lượng, con vô lượng.

Vô lượng tức là không đếm được. Nếu đếm Bụt không được thì đếm con cũng không được. Bụt có bao nhiêu thì con có bấy nhiêu, Bụt ở đâu thì con ở đó và chỗ nào có người được lạy thì chỗ đó có người đang lạy. Phải thấy được như vậy thì ta mới đi được vào pháp giới, còn nếu không thì ta vẫn quanh quẩn đi vòng mãi trong thế giới mà thôi.

Câu nguyên văn:

Phổ Hiền hạnh nguyện uy thần lực

Phổ hiện nhất thiết Như Lai tiền

Nhất thân phục hiện sát trần thân

Nhất nhất biến lễ sát trần Phật.

Hạnh nguyện của đức Bồ tát Phổ Hiền có thần lực rất lớn, giúp con có mặt khắp nơi trước tất cả các đức Như Lai. Một thân biểu hiện ra vô số thân. Chữ sát trần ở đây nghĩa là số hạt bụi trong cõi nước; sát nghĩa là cõi nước, trần nghĩa là bụi. Nếu ta đem số hạt bụi trong nước Pháp ra đếm thì rất nhiều, số lượng các hạt bụi đó gọi là sát trần. Thân ta, ta đừng tưởng đó chỉ là một cái thân nhỏ bé. Nó có thể biến hiện ra nhiều như bụi của một cõi nước. Sát trần thân, nghĩa là thân thể của con cũng nhiều như số hạt bụi trong một cõi nước. Một thân mà hiện thành sát trần thân. Sát trần thân lễ sát trần Phật, nghĩa là thân của con vô số vô biên và Bụt cũng vô số vô biên. Có bao nhiêu Bụt là có bấy nhiêu con. Sát trần thân là con, sát trần Phật là Bụt. Nếu Bụt nhiều như cát bụi của một cõi nước thì con cũng nhiều như cát bụi của một cõi nước. Vì vậy, chúng ta không được mặc cảm.

Trong hạt bụi có vô số Bụt

Mỗi vị an trú chúng hội mình

Đức tin của con vẫn tràn đầy

Trong mọi hạt bụi của pháp giới.

Trong hạt bụi là trong cái vô cùng nhỏ, nhưng thời nay người ta không dùng từ hạt bụi mà dùng từ điện tử (elementary particle). Trong một hạt bụi mà ta tưởng là nhỏ bé như vậy, kỳ thực lại chứa đựng tất cả các cõi Bụt. Cái vô cùng nhỏ chứa đựng cái vô cùng lớn. 

Ư nhất trần trung trần số Phật

Các xử Bồ tát chúng hội trung

Vô tận pháp giới trần diệc nhiên

Thâm tín chư Phật giai sung mãn.

Ư nhất trần trung trần số Phật nghĩa là trong một hạt bụi có chứa vô số Phật, nhiều như số lượng hạt bụi trong một cõi nước. Các xử Bồ tát chúng hội trung là người nào cũng đang được bao quanh bởi một chúng hội có Bồ tát, có Thanh văn, có Duyên giác, có tứ chúng xuất gia và tại gia. Nhìn vào một hạt bụi ta phải thấy trong đó có vô số vô lượng chư Bụt và Bụt nào cũng đang được bao quanh bởi tứ chúng của mình. Trong mỗi lỗ chân lông của ta, ta phải thấy được có ngàn vạn cõi Bụt trong đó. Mỗi vị Bụt đều có các cõi nước của mình, có các vị Bồ tát và tứ chúng, trong mỗi lỗ chân lông. Đó là nội dung được nhắc tới trong kinh Hoa nghiêm

Đức tin của con vẫn tràn đầy

Trong mọi hạt bụi của pháp giới.

Con có một đức tin sâu sắc rằng chư Bụt có mặt đầy đủ trong tất cả mọi hạt bụi của pháp giới. Trong mỗi hạt bụi có vô số Bụt mà trong tất cả hạt bụi khác cũng có vô số Bụt. Vô tận pháp giới trần diệc nhiên, tức là những hạt bụi trong pháp giới nhiều vô tận. Thâm tín chư Phật giai sung mãn tức là con tin sâu sắc rằng các đức Bụt có mặt đầy đủ trong mỗi hạt bụi như vậy. Chúng ta có thể hiểu rằng đức tin của ta có mặt ở đây và có mặt khắp nơi. Đây là cái thấy tương tức tương nhập của kinh Hoa nghiêm. Tương nhập là cái này đi vào cái kia. Tương tức nghĩa là cái này là cái kia. Một khi đã có cái thấy tương tức và tương nhập như vậy thì ý niệm lớn – nhỏ, trong – ngoài, một – nhiều hoàn toàn tan biến, lúc ấy pháp giới (dharmadhātu) hiện tiền. Chính lúc đó, cái lạy của ta mới đạt được sự giác ngộ. 

Trong mỗi hạt bụi các đức Bụt nhiều như số lượng các hạt bụi. Mỗi vị Bụt đang an trú trong chúng hội của mỗi Ngài. Không chỉ là một hạt bụi như vậy mà tất cả các hạt bụi khác trong vô tận pháp giới cũng đều như vậy. Niềm tin sâu sắc về sự có mặt của chư Bụt trong từng hạt bụi như vậy tràn đầy trong con.

Ba bài kệ vừa rồi nói về phương pháp lạy Bụt, kính lễ Bụt. Đoạn kế nói về xưng tán Bụt: 

Con đang sử dụng biển âm thanh

Phát ra ngôn từ rất vi diệu

Tán dương biển công đức của Bụt

Cho đến vô số kiếp về sau.

Đoạn này là khen ngợi Bụt, danh từ chuyên môn là tán lễ. Chúng ta có nhiều bài kệ để khen ngợi Bụt, chẳng hạn bài:

Phật bảo sáng vô cùng

Đã từng vô lượng kiếp thành công

Đoan nghiêm thiền tọa giữa non sông

Sáng rực đỉnh Linh phong

Trên trán phóng hào quang rực rỡ

Chiếu soi sáu nẻo hôn mông

Long Hoa hội lớn nguyện tương phùng

Tiếp nối pháp chánh tông

Xin quy y thường trú Phật đà gia.

Đó là một trong những bài tán khen ngợi Bụt, ngoài ra chúng ta có rất nhiều bài khác như: 

Bụt là vầng trăng mát 

Đi ngang trời thái không

Hồ tâm chúng sanh lặng 

Trăng hiện bóng trong ngần.

Hoặc là bài:

Thế tôn dung mạo như vầng nguyệt

Lại như mặt nhật phóng quang minh

Hào quang trí tuệ chiếu muôn phương

Hỷ xả từ bi đều thấm nhuận.

Đây là hạnh nguyện thứ hai của đức Bồ tát Phổ Hiền, là ca ngợi Bụt: Xưng tán Như Lai.

Bụt có cần chúng ta ca ngợi hay không? Bụt có cần chúng ta lạy hay không? Bụt đâu có cái ngã mà muốn người ta lạy và ca ngợi. Lẽ tất nhiên Bụt không cần những điều đó, không cần người ta ngợi khen và tâng bốc. Nhưng sự thực tập của chúng ta là lạy Bụt và ca ngợi Bụt vì trong lúc lạy Bụt và ca ngợi Bụt, chúng ta tạo ra một xu thế hướng thượng trong con người ta, khơi dậy niềm an lạc, hạnh phúc và sự thảnh thơi có sẵn trong ta. Trong lúc ca ngợi Bụt, trước hết chúng ta phải sử dụng âm thanh. Âm thanh của chúng ta sử dụng phải nhiều như biển cả mới đủ để ca ngợi Bụt. Trong kinh Hoa nghiêm, mọi thứ đều có số lượng lớn: ánh sáng tràn đầy, hoa tràn đầy, lời nguyện tràn đầy,… Do đó, kinh Hoa nghiêm thường dùng chữ hải (ocean – đại dương). Lời nguyện của ta cũng gọi là nguyện hải, tức là biển nguyện. Tín, nguyện, hạnh, tràng hoa hay là hạnh phúc, thứ nào cũng rất nhiều. Do đó, khi xưng tán Bụt, ta phải sử dụng biển âm thanh mới đủ để tán dương biển công đức của Ngài: Con đang sử dụng biển âm thanh. Đôi khi hạnh phúc của ta quá lớn nên phải dùng đến hình ảnh biển cả mới có thể diễn tả được. 

Con đang sử dụng biển âm thanh

Phát ra ngôn từ rất vi diệu

Tán dương biển công đức của Bụt

Cho đến vô số kiếp về sau.

Công đức của Bụt cũng rất lớn cho nên gọi là biển công đức, những lời tán tụng của ta cũng rất nhiều nên phải dùng đến biển âm thanh. Không những vậy, con không chỉ tán dương công đức của Bụt trong giờ phút hiện tại mà con còn muốn tán dương cho đến vô số kiếp về sau. Bởi vì công đức của Bụt lớn lao vô cùng, làm sao con có thể tán dương đủ trong một giây phút cho nên con sẽ tiếp tục tán dương công đức Bụt cho đến vô số kiếp về sau và con sử dụng âm thanh của con nhiều như biển cả. Quý vị có thấy là trong mỗi dòng, mỗi chữ đều có khí vị của kinh Hoa nghiêm không, tức là một là tất cả, tất cả là một?

Các dĩ nhất thiết âm thanh hải

Phổ xuất vô tận diệu ngôn từ

Tận ư vị lai nhất thiết kiếp

Tán Phật thậm thâm công đức hải.

Các là mỗi người, nhất thiết âm thanh hải tức là đại dương của tất cả âm thanh. Phổ xuất vô tận diệu ngôn từ, tức là làm hiển lộ ra những ngôn từ, những lời nói rất mầu nhiệm, vi diệu, nhiều đến không thể đếm được. Tận ư vị lai nhất thiết kiếp. Tán Phật thậm thâm công đức hải là cho đến tất cả các kiếp về sau, đều tán dương biển công đức sâu thẳm của Bụt.

Bây giờ chúng ta bước sang sự thực tập thứ ba là cúng dường Bụt: Quảng tu cúng dường.

Phần này được đề cập ở các bài kệ số năm, số sáu và số bảy:

Lấy những tràng hoa vi diệu nhất

Hương thơm, âm nhạc và tàn lọng

Sử dụng mọi thứ trang nghiêm ấy

Con đem cúng dường các Như Lai.

Hai chữ cúng dường lấy từ chữ Hán là cung dưỡng (có nghĩa là cung cấp và nuôi dưỡng). Lấy những tràng hoa vi diệu nhất, tràng hoa là avataṃsaka – hoa nghiêm. Chúng ta lấy những tràng hoa vi diệu nhất để cúng dường. Cố nhiên là chúng ta có thể cúng dường đức Như Lai bằng âm nhạc nhưng không phải là thứ âm nhạc đứt ruột mà phải là âm nhạc có tính thanh thoát, nhiệm mầu, chuyên chở được tuệ giác của Hoa nghiêm. Còn nếu không, cúng dường một bài mà hát lên có vẻ rên rỉ, buồn thảm thì không những không có phước đức mà còn thêm tội nữa.

Dĩ chư tối thắng diệu hoa man

Kỷ nhạc đồ hương cập tán cái

Như thị tối thắng trang nghiêm cụ

Ngã dĩ cúng dường chư Như Lai.

Tối thắng tức là thứ đẹp nhất; diệu là kỳ diệu; hoa man tức là những tràng hoa. Sử dụng những tràng hoa vi diệu và đẹp nhất. Kỷ nhạc tức là âm nhạc; đồ hương là hương thơm, như trầm, hoa; tán cái là tàn lọng. Tất cả những thứ đó đều có thể đem cúng dường Như Lai. Như thị là những cái như vậy đó; trang nghiêm cụ tức là những dụng cụ đẹp đẽ, có phẩm chất cao nhất. 

Các thức y phục và hoa hương

Đèn đuốc, trầm hương và tọa cụ

Mỗi thứ đều thành ra sung mãn

Con xin cúng dường các Như Lai.

Các thức y phục, hoa hương, đèn đuốc, tọa cụ, v.v. đều là những phẩm vật có thể sử dụng để cúng dường Như Lai. Khi ta thắp một cây nến là ta đã cúng dường đức Như Lai rồi, nhưng công đức nhiều hay ít là do cách chúng ta thắp cây nến như thế nào. Nếu ba nghiệp thanh tịnh và có cái thấy của Hoa nghiêm thì đốt một cây nến lên là có công đức vô lượng. Cho nên cách cúng dường và tuệ giác khi chúng ta cúng dường sẽ quyết định giá trị và công đức của hành động cúng dường chứ không phải cúng dường phẩm vật nhiều là có công đức nhiều. 

Trong kinh có câu chuyện một bà già ăn mày chỉ cúng dường một đồng tiền dầu và rót dầu ấy vào trong một cây đèn. Cây đèn ấy, nghe nói rằng, sáng suốt đêm mà không cạn dầu. Cho đến khi thầy Mục Kiền Liên ra tắt mà không tắt được. Bụt mới nói rằng: Ánh sáng của cây đèn ấy rực rỡ lắm, không thể dùng thần thông lực mà dập tắt được. Người cúng dường số dầu ấy sau sẽ thành Bụt. Thành ra cúng dường một đồng tiền dầu thôi mà với tất cả tâm chí thành và tuệ giác thì sự cúng dường đó có công đức lớn gấp ngàn lần những người giàu không biết cúng dường, chỉ biết ỷ vào số tiền mình cúng, cho rằng mình làm được nhiều công đức hơn những người khác, không thấy được cái một trong tất cả và tất cả trong cái một. 

Tối thắng y phục tối thắng hương

Mạt hương, thiêu hương, dữ đăng chúc

Nhất nhất giai như Diệu cao tụ

Ngã tất cúng dường chư Như Lai.

Tối thắng y phục tối thắng hương, ta cứ nhớ tối thắng là first class, y phục và hương thơm đều là những thứ có phẩm chất cao nhất. Mạt hương, thiêu hương là hai loại hương: hương bột và hương cây. Đăng chúc là đèn đuốc.

Nhất nhất giai như Diệu cao tụ, tức là mỗi thứ phẩm vật cúng dường chất lên nhiều như núi Tu Di (Diệu cao tụ) và con xin đem tất cả những thứ đó để cúng dường Như Lai. Trong bản tiếng Việt, chúng ta không dùng danh từ núi Tu Di mà nói là mỗi thứ đều thành ra sung mãn, nghĩa là đầy đủ, rất nhiều.

Con đem tâm hiểu biết rộng sâu

Tin tưởng chư Bụt trong ba đời

Con nương sức hạnh nguyện Phổ Hiền

Cúng dường khắp hết các Như Lai.

Chúng ta đem trí tuệ, cái thấy sâu rộng của ta ra để cúng dường. Cúng dường như vậy mới có công đức lớn. Chúng ta cúng dường Bụt bằng đức tin rất lớn của mình. 

Ngã dĩ quảng đại thắng giải tâm

Thâm tín nhất thiết tam thế Phật.

Quảng là rộng, đại là lớn, thắng giải tâm là tâm hiểu biết. Thắng giải là một trong năm tâm sở biệt cảnh, tức là hiểu thấu được. Con đem tâm hiểu biết của con và sự tin tưởng sâu sắc vào các đức Bụt trong ba đời, làm phẩm vật cúng dường lên chư Bụt. Bởi vì không có phẩm vật nào quý hơn phẩm vật tâm hiểu biết và đức tin sâu. Nếu tâm hiểu biết của ta còn nghèo nàn, nếu đức tin của ta còn cạn cợt thì có nghĩa là ta chưa có được phẩm vật quý giá nhất, sâu sắc nhất để cúng dường. Chỉ khi nào tâm thắng giải của ta được rộng sâu (quảng đại), chỉ khi nào đức tin của ta sâu sắc thì khi đó ta mới có phẩm vật quý nhất để cúng dường. Ta phối hợp thắng giải tâm và niềm thâm tín của ta với thắng giải tâm và niềm tin của đức Phổ Hiền. Ta và đức Phổ Hiền là một thì công đức đó không thể nào có thể đo lường được.

Tất dĩ Phổ Hiền hạnh nguyện lực

Phổ biến cúng dường chư Như Lai.

Lấy sức mạnh của hạnh nguyện Phổ Hiền để cúng dường khắp hết các Như Lai.

Bây giờ, chúng ta đi đến sự thực tập thứ tư: Sám hối nghiệp chướng.

Từ xưa con đã tạo nghiệp xấu

Vì tham sân si từ vô thỉ

Do thân miệng ý mà phát sinh

Nay con đều sám hối tất cả.

Nghiệp (karma) tức là hành động bằng thân, miệng và ý. Những nghiệp đó xấu và con biết rằng con đã có những nghiệp xấu đó từ trong quá khứ. Vì tham sân si từ vô thỉ. Con đã làm, đã nói, đã nghĩ những điều đó bởi vì trong tâm con có chất độc của tham, sân, si và chất độc này đã có từ xa xưa. Vô thỉ có nghĩa là từ lúc không có bắt đầu, không thể biết được từ lúc nào. Do thân, miệng, ý mà phát sinh, vì thân thể, vì ý, vì miệng của con mà phát sinh ra tất cả. Nay con đều sám hối tất cả, con đã nhận ra được những lỗi lầm đó và quyết tâm không lặp lại, con muốn làm mới tất cả.

Nguyên văn:

Ngã tích sở tạo chư ác nghiệp 

Giai do vô thỉ tham, sân, si

Tùng thân, ngữ, ý chi sở sinh

Nhất thiết ngã kim giai sám hối.

Tích là xưa, trong quá khứ, những nghiệp ác, nghiệp xấu, đều do tham, sân, si từ vô thỉ. Tùng thân ngữ ý chi sở sinh nghĩa là từ thân, miệng, ý mà sinh ra. Nhất thiết là tất cả, ngã kim là con bây giờ đây. Bây giờ đây con xin sám hối tất cả.

Hạnh nguyện thứ năm của đức Bồ tát Phổ Hiền là: Tùy hỷ công đức.

Tùy hỷ có nghĩa là vui theo. Thông thường khi chúng ta làm được điều gì hay, gặp may mắn hay thực hiện được một công việc gì đó thì chúng ta rất vui. Nhưng đó là cái vui cho bản thân ta. Bây giờ chúng ta phải tập là hễ ai thực hiện được cái gì, ai thành công được, ai có hạnh phúc được thì ta đều phải vui theo. Đó gọi là tùy hỷ. Đây là một hạnh rất lớn của đức Phổ Hiền mà chúng ta phải học.

Con xin tùy hỷ mọi công đức

Của các chúng sanh trong mười phương

Các bậc hữu học và vô học

Các bậc Như Lai và Bồ tát.

Anh làm được điều đó hay quá, tôi rất mừng. Anh nói được câu nói đó, tôi vui quá. Anh hòa giải được với anh, với chị, với mẹ, tôi mừng quá, tôi thấy hay quá. Anh được thầy thương, tôi mừng cho anh, chứ tôi không ganh tị. Anh được đại chúng kính nể, tôi rất mừng, chứ tôi không ganh. Cái đó gọi là tùy hỷ. Nhất thiết công đức giai tùy hỷ. Tất cả những điều người khác thực hiện được chúng ta phải biết vui theo như chính mình đã thực hiện được điều đó, bởi vì cái thấy của đức Phổ Hiền – cái thấy của Hoa nghiêm – tức là anh là tôi, tôi là anh. Cho nên cái gì anh làm được cho anh tức là anh làm được cho tôi. Cái gì tôi làm cho tôi, tôi cũng làm cho anh. Đó gọi là tương tức, tương nhập. Tùy hỷ là như vậy. Tùy hỷ dựa trên trí tuệ đó, nếu không có trí tuệ đó thì không thực hiện tùy hỷ được. Vì vậy, trí tuệ tương tức, tương nhập làm cho hạnh tùy hỷ công đức trở nên dễ dàng. Anh được Thầy truyền đăng, tôi mừng cho anh chứ tôi không ganh tị vì Thầy truyền đăng cho anh tức là truyền đăng cho tôi. 

Con xin tùy hỷ mọi công đức

Của các chúng sanh trong mười phương.

Chúng sanh trong mười phương thì nhiều lắm. Hễ chúng sanh nào làm được điều gì, có được hạnh phúc, thành tựu hoặc may mắn nào đó, ta đều vui. Vui như vậy thì vui cả ngày vì mỗi ngày có biết bao nhiêu chúng sanh, có biết bao nhiêu người thành đạt, biết bao nhiêu người có niềm vui và niềm vui của họ là niềm vui của ta. Làm được như vậy thì lợi lạc vô cùng. Tùy hỷ công đức chính là như vậy. Nếu sanh tâm ganh tị thì ta không còn thời giờ để sống, bởi vì mỗi ngày có biết bao nhiêu chúng sanh thành đạt mà ta cứ ganh hết người này qua người kia. Cho nên, tùy hỷ công đức là một sự thực tập rất thông minh.

Các bậc hữu học và vô học

Các bậc Như Lai và Bồ tát.

Tất cả các chúng sanh làm được gì, có được hạnh phúc nào, con cũng xin vui mừng cho họ. Các bậc hữu học, các bậc vô học, cũng vậy. Chữ hữu học, vô học ở đây có nghĩa rất đặc biệt trong Phật giáo. Hữu học là những người đang còn phải học hỏi, là chúng ta, là những người mỗi ngày đều cần phải học hỏi. Vô học không có nghĩa là uneducated (không giáo dục). Vô học là những người không cần học hỏi nữa, đã chứng đạt rồi. Đó là các vị A la hán, các vị Bụt – giải thoát rồi, không cần phải học hỏi gì nữa cả. Các vị hữu học, vô học; các bậc Như Lai và Bồ tát, những vị đó làm được điều gì hay, có được hạnh phúc nào, con đều tùy hỷ theo cả, vì vậy con có niềm vui suốt ngày vì con lấy niềm vui của người làm niềm vui của con. How wonderful! 

Nguyên văn:

Thập phương nhất thiết chư chúng sanh

Nhị thừa hữu học cập vô học

Nhất thiết Như Lai dữ Bồ tát

Sở hữu công đức giai tùy hỷ.

Tất cả chúng sanh trong mười phương. Các bậc hữu học và vô học trong nhị thừa, tức là Thanh văn thừa và Duyên giác thừa. Thanh văn thừa: con đường của những người làm đệ tử trực tiếp của Bụt, được nghe Bụt trực tiếp giảng dạy, tu hành và đắc quả. Thanh tức là âm thanh, pháp thoại; văn là nghe. Thanh văn là lắng nghe tiếng nói Pháp của Bụt mà tu học. Còn Duyên giác là tự một mình tìm ra, tự mình tu học mà đắc đạo. Đó là những người quán chiếu đạo lý nhân duyên rồi tự mình giác ngộ mà không cần phải nghe pháp thoại. Hai con đường trên gọi là nhị thừa. Ngoài hai con đường đó, còn có con đường thứ ba là Bồ tát thừa. Bồ tát là những người vừa tu học cho mình, vừa độ sanh. 

Nhị thừa hữu học cập vô học tức là các bậc hữu học và vô học trong hai con đường đầu – đường Thanh văn và đường Duyên giác. Nhất thiết Như Lai dữ Bồ tát, đó là những người theo con đường thứ ba, tức là Bồ tát thừa – tất cả các đức Như Lai và tất cả Bồ tát. Tất cả những người đi trên ba đường đó, nếu họ tạo ra được chút công đức nào thì con đều vui mừng theo hết. Sở hữu công đức giai tùy hỷ, sở hữu công đức tức là tất cả những công đức mà mọi người có được, giai tùy hỷ là con xin tùy hỷ theo hết. Chỉ cần thực tập theo bốn câu này thì cũng đủ hạnh phúc rồi, không cần phải thực tập gì nhiều. Khi ta có thể vui theo tất cả những công đức, thành tựu của Bụt, của Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác và của tất cả chúng sanh trong mười phương thì hạnh phúc của ta rất lớn.

Hạnh nguyện thứ sáu là: Thỉnh chuyển pháp luân.

Hồi xưa khi mới thành đạo dưới cội bồ đề, đức Thế Tôn hơi do dự, Ngài thấy rằng giáo pháp mà mình tìm ra sâu sắc và mầu nhiệm quá, không biết nếu đem dạy thì người đời có hiểu và thực tập được không. Chư thiên biết được điều đó nên xuống năn nỉ và xin Ngài hãy đem giáo pháp ra dạy kẻo tội nghiệp chúng sanh. Vì vậy, bất cứ nơi nào có người có yếu tố giác ngộ, có hiểu biết, có thương yêu, và nắm được giáo pháp thì ta phải tìm đến nơi đó để cầu thỉnh người đó chịu khó ra giảng dạy hướng dẫn tu học cho người đời, gọi là thỉnh chuyển pháp luân. Pháp luân là bánh xe pháp. Nguyện thứ sáu là mời những vị Bụt mới thành đạo đừng chần chừ nữa mà hãy chuyển bánh xe pháp. Hạnh nguyện này được đề cập ở bài kệ số 10:

Những ngọn đèn sáng soi thế gian

Hoặc mới thành tựu đạo giải thoát

Con xin tất cả đều thương tưởng

Chuyển bánh xe pháp để độ đời.

Câu đầu dịch từ chữ thế gian đăng. Hình ảnh đó nói về những bậc giác ngộ. Bởi vì thế gian rất đen tối, u ám, giống như một đêm sâu, không có đèn, không có trăng sao. Nếu có một ngọn đèn soi sáng thì con người có cơ hội không đi vào những nẻo đường xấu ác. Cho nên khi có một ngọn đèn trong thế gian, chúng ta phải trân quý vô cùng. Những ngọn đèn trong thế gian đó là những bậc giác ngộ.

Thập phương sở hữu thế gian đăng

Tối sơ thành tựu bồ đề giả

Ngã kim nhất thiết giai khuyến thỉnh

Chuyển ư vô thượng diệu pháp luân.

Thập phương sở hữu thế gian đăng, tức là trong mười phương, nơi nào có một ngọn đèn thế gian. Tối sơ thành tựu bồ đề giả, là những người mới vừa thành tựu đạo bồ đề, mới vừa đạt được giác ngộ hoàn toàn, như là Siddhārtha, ngồi dưới cội bồ đề, một buổi sáng, khi sao mai vừa mọc, Ngài đã thành đạo. Tối sơ là lúc ban đầu, ngay lúc mới thành Bụt. Lúc đó chúng ta phải tới, quỳ xuống năn nỉ, xin chư vị đi vào cuộc đời để chuyển bánh xe pháp, xin đừng nhập Niết bàn mà tội nghiệp cho chúng sanh. Ngã kim nhất thiết giai khuyến thỉnh/ Chuyển ư vô thượng diệu pháp luân. Khuyến thỉnh là mời mọc, cầu xin, thỉnh nguyện. Giờ đây con rất muốn khẩn cầu chư vị đi vào cuộc đời để xoay chuyển bánh xe pháp. Vô thượng (unsurpassable) nghĩa là không có gì quý giá hơn, không có gì cao hơn; diệu pháp luân tức là bánh xe pháp mầu nhiệm. 

Hạnh nguyện thứ bảy là: Thỉnh Phật trụ thế 

Các Bụt đang thị hiện Niết bàn

Con cũng chí thành cầu như thế

Xin hãy ở lại đời mãi mãi

Để làm lợi lạc cho chúng sanh.

Khi nghe có vị Bụt nào nói: “Tôi dạy lâu rồi, bây giờ tôi đã mệt, thôi để tôi nhập Niết bàn cho khỏe” thì ta phải tìm tới ngay nơi đó năn nỉ, cầu xin: “Bụt ơi, chúng con còn đang ngu dốt, đang khổ đau, đen tối lắm. Xin Bụt nán lại, ở lại thêm vài năm nữa.” Đó gọi là thỉnh Phật trụ thế, tức là năn nỉ Bụt, mời Bụt ở lại. 

Nguyên văn:

Chư Phật nhược dục thị Niết bàn

Ngã tất chí thành nhi khuyến thỉnh

Duy nguyện cửu trụ sát trần kiếp

Lợi lạc nhất thiết chư chúng sanh.

Chữ thị ở đây có nghĩa là bày ra và danh từ đầy đủ là thị hiện. Danh từ thị hiện rất mầu nhiệm, có nghĩa là có vẻ làm như vậy nhưng kỳ thực không phải như vậy. Đối với chư Bụt, sinh tử không còn là vấn đề của các Ngài nữa. Các Ngài không còn là nạn nhân của sinh tử nữa bởi vì bản chất thực hữu của chư Bụt là không sinh cũng không diệt. Vì vậy nói rằng Bụt nhập diệt, Bụt nhập Niết bàn cũng chỉ là sự thị hiện, bày ra như vậy chứ không phải là Bụt chết thật, sinh thật. Sinh là thị hiện sinh, diệt là thị hiện diệt. Nhìn vào tướng sinh ta thấy tướng diệt, nhìn vào tướng diệt ta thấy tướng sinh. Cho nên thị hiện là hóa hiện ra như vậy chứ không phải là như vậy. Trong kinh Pháp hoa, có câu chuyện một ông thầy thuốc nọ đi xa nhà, khi trở về thấy những đứa con của mình ăn thức ăn độc hại và bị bệnh. Ông ta bèn làm thuốc cho các con uống. Có vài đứa chịu uống thì được lành bệnh nhưng có một số khác không chịu uống. Chúng nói với nhau rằng: “Ba mình còn đó, ba mình là thầy thuốc giỏi, tại sao lại phải uống liền bây giờ”, rồi chúng cứ tiếp tục ăn những thức ăn độc hại và tiếp tục chịu khổ. Thấy vậy, ông thầy thuốc phải giả bộ,  bỏ đi xa và đánh tiếng về nhà là mình đã chết rồi. Nghe vậy, mấy đứa con mới giật mình và nói rằng: “Thôi chết rồi, ba mình chết rồi thì có ai chữa bệnh được cho mình nữa”. Lúc đó chúng mới chịu uống thuốc. Như vậy, cái chết của ông thầy thuốc chỉ là thị hiệnt. Ông giả chết để mấy đứa con  chịu uống thuốc. Các đức Bụt cũng vậy, các Ngài có thể ở với ta cả đêm, cả ngày, năm này sang năm khác, nhưng ta thường ỷ lại: “Có Bụt đó, tại sao phải tu cho mệt, chừng nào khổ lắm mới tu”. Cho nên Bụt mới thị hiện Niết bàn để cho ta lo tu, chứ Bụt thì không có sinh, không có diệt. Đó là thị hiện – thị hiện đản sinh, thị hiện thành đạo, thị hiện Niết bàn. Nếu Bụt cứ ở lại mãi để lo dạy dỗ thì các đệ tử có thể ỷ lại, không chịu tu tập. Cho nên, trong một khóa tu ở Anh vào năm ngoái, lúc ấy vào ngày lễ Phục sinh, thầy nói với những người Cơ Đốc: “Chúa Kitô chỉ thị hiện chết mà thôi, thực sự Chúa không chết đâu, quý vị đừng buồn”. Những người Cơ Đốc nghe lạ tai quá, họ thắc mắc: “Tại sao lại nói Chúa Kitô giả đò?” Thầy phải cắt nghĩa hết hơi họ mới hiểu được giả đò là thế nào. Là Chúa thì làm sao có thể chết được, Chúa chỉ giả đò (thị hiện) chết thôi. Có lẽ mười ba người học trò của Ngài không giỏi lắm, không tu hành đàng hoàng, cho nên Ngài mới giả đò chết để họ tu hành đàng hoàng hơn. Chúng ta cũng vậy, nếu Bụt cứ ở mãi bên ta thì ta đâu có chịu tu, nên Bụt mới giả đò thị tịch. Mai mốt thầy cũng vậy, thầy phải giả đò tịch thì lúc đó các sư cô, sư chú mới chịu tu chứ nếu thầy ở bên cạnh hoài thì đâu có quý gì mấy!

Các Bụt đang thị hiện Niết bàn

Con cũng chí thành cầu như thế.

Chúng ta biết Bụt giả đò nên mới tới năn nỉ: “Bụt ơi, chúng con còn ngu dốt lắm, còn yếu lắm, xin Bụt ở lại thêm ba hay bốn năm nữa”. Rồi Bụt nói: “Các con biết không, chỉ còn một năm, hai năm, nếu các con không tu thì các con sẽ không còn cơ hội nữa.” Cho nên việc thỉnh chuyển Pháp luân, thỉnh Phật trụ thế là một pháp môn rất mầu nhiệm. Mời Bụt ở lại, thì dù Bụt có ở lại hay không, điều đó đã có lợi lạc. Mời Bụt ở lại để mọi người thấy rằng sự có mặt của Bụt rất cần thiết, nếu không tận hưởng sự có mặt này thì mai mốt ta sẽ bơ vơ. Cho nên thỉnh Phật trụ thế – mời Bụt ở lại là một hạnh nguyện rất khôn khéo của đức Bồ tát Phổ Hiền.

Xin hãy ở lại đời mãi mãi

Để làm lợi lạc cho chúng sanh.

Con đem hết tâm dạ chí thành mà kính mời, năn nỉ, thỉnh nguyện. Con chỉ mong rằng quý vị ở lâu (cửu trụ), rất nhiều kiếp (sát trần kiếp), nhiều như số bụi trong cõi nước, để làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh. 

Xin đại chúng đọc lại bản phiên âm chữ Hán và so sánh với bản dịch rồi nghiền ngẫm từng câu kinh cho kỹ lưỡng để từ nay về sau, mỗi khi đọc tới những câu này thì tuệ giác về tương tức tương nhập của kinh Hoa nghiêm được tưới tẩm trong ruộng tâm của ta. Như vậy tụng kinh mới đem lại lợi ích.

Bây giờ chúng ta học nguyện thứ tám, đó là ước ao được theo Bụt để học: Thường tùy Phật học

Thường tùy Phật học có nghĩa là luôn luôn theo sát bên Bụt để được học hỏi. Có cơ hội nào được gần gũi các vị Bụt thì ta đều phải tận dụng những cơ hội đó để học hỏi. Tùy tức là đi theo. 

Trong kinh văn chúng ta đang có, hai ý thường tùy Phật họchằng thuận chúng sanh không rõ lắm vì khi tác giả sách Thiền môn nhật tụng trích dẫn kinh này thì trích dẫn không đủ. Chúng ta sẽ đọc thêm vài câu không có trong bản dịch để thấy rõ được hai ý này.

Đây là kinh Hoa nghiêm do thầy Bát Nhã dịch. Kinh Hoa nghiêm có nhiều bản dịch khác nhau. Bản mà chúng ta đang học là Nhập bất tư nghì Pháp giới Phổ Hiền hạnh nguyện phẩm (nghĩa là: Phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện – Đi vào Pháp giới không thể suy nghĩ và bàn luận) trong kinh Hoa nghiêm. Đó là kinh T. 293 trong Tạng kinh Đại Chánh.

Bài kệ trong văn bản của chúng ta là:

Con xin tán lễ cúng dường Bụt

Thỉnh Bụt ở lại độ chúng sanh

Căn lành tùy hỷ và sám hối

Xin đem hồi hướng cho đạo Bụt.

Nguyên bản của câu Con xin tán lễ cúng dường BụtSở hữu lễ tán cúng dường Phật. Có nhiều bản chép khác nhau. Có bản chép chữ phước chứ không phải chữ Phật: Sở hữu lễ tán cúng dường phước, nghĩa là nếu có phúc đức nào do những công đức của sự kính lễ, tán thán và cúng dường thì con xin dùng công đức đó để thỉnh Bụt ở lại độ chúng sanh. Hình như chữ phước hay và đúng hơn. Có những bản chú giải đời nhà Minh thì nói đây là chữ Phật chứ không phải phước. Thỉnh Bụt ở lại độ chúng sanh, đó là thỉnh Phật trụ thế. 

Sở hữu lễ tán cúng dường Phật

Thỉnh Phật trụ thế chuyển pháp luân

Tùy hỷ sám hối chư thiện căn

Hồi hướng chúng sanh cập Phật đạo.

Trong khi đó, thường tùy Phật học là luôn luôn đi theo Bụt để học, thì trong bản kinh này không có. Vì vậy nhân cơ hội này, chúng ta nên trích thêm vài đoạn trong kinh văn khác cho rõ ý thường tùy Phật học:

Ngã tùy nhất thiết Như Lai học

Tu tập Phổ Hiền viên mãn hạnh

Cúng dường quá khứ chư Như Lai

Cập dữ hiện tại thập phương Phật.

Ngã tùy nhất thiết Như Lai học có nghĩa là con xin theo tất cả các đức Như Lai để học hỏi thêm. 

Tu tập Phổ Hiền viên mãn hạnh: là tu tập theo hạnh viên mãn của đức Bồ tát Phổ Hiền. 

Cúng dường quá khứ chư Như Lai. Cập dữ hiện tại thập phương Phật: Con nguyện theo học và cúng dường tất cả các đức Như Lai trong quá khứ và hiện tại ở khắp mười phương. Lẽ tất nhiên khi chúng ta theo các đức Bụt là theo các Bụt trong hiện tại để học hỏi và chúng ta có thể cúng dường được. Tuy nhiên đoạn này hay ở chỗ là chúng ta cũng có thể cúng dường được luôn cả chư Bụt trong quá khứ. Giống như trường hợp chúng ta có một người thương đã qua đời rồi, chúng ta thương tiếc và ân hận không còn cơ hội để làm cho người đó hạnh phúc, không còn cơ hội cho chúng ta tỏ lộ sự thương yêu, chăm sóc. Tuy nhiên khi đã hiểu được giáo lý này rồi thì chúng ta sẽ thoát khỏi sự buồn khổ đó, rằng mình vẫn có thể làm cho người đó hạnh phúc được, mình vẫn có thể tỏ lộ sự thương yêu được, bởi vì quá khứ vẫn còn nằm trong hiện tại. Nếu chúng ta tiếp xúc với hiện tại cho sâu sắc thì cũng có thể tiếp xúc được với quá khứ và như vậy có thể biểu lộ được sự thương yêu và chăm sóc của chúng ta đối với người đã qua đời. Sự thật, không có gì đã qua và không có gì đã mất; không có gì đã qua, không có gì cần hồi phục là như vậy. Cho nên, cúng dường chư Bụt trong hiện tại là việc chúng ta làm được, mà cúng dường chư Bụt trong quá khứ chúng ta cũng làm được. Tức là một thời chứa đựng ba thời gian: hiện tại chứa đựng quá khứ và tương lai.

Chúng ta đọc tiếp:

Vị lai nhất thiết thiên nhân sư

Nhất thiết ý nhạo giai viên mãn

Ngã nguyện phổ tùy tam thế học

Tốc đắc thành tựu đại bồ đề.

Vị lai nhất thiết thiên nhân sư tức là tất cả những bậc thầy của loài người và loài trời trong tương lai. Nhất thiết ý nhạo giai viên mãn, ý nhạo là những ước ao, nguyện vọng. Tất cả những nguyện vọng đó đều được thực hiện một cách viên mãn. Ngã nguyện phổ tùy tam thế học nghĩa là con nguyện đi theo khắp nơi cùng các vị ấy trong ba đời, quá khứ, hiện tại và vị lai. Tốc đắc thành tựu đại bồ đề là có thể thành tựu sự giác ngộ lớn một cách rất mau chóng. 

Chúng ta có thể thêm tám câu này vào cho rõ ý thường tùy Phật học.

Hạnh nguyện thứ chín là: hằng thuận chúng sanh, nghĩa là luôn luôn chìu chuộng và thỏa mãn những nhu yếu của chúng sanh để có thể giúp đỡ các chúng sanh đi lên  quả vị giác ngộ. Chúng ta hãy đọc vài câu trong nguyên văn:

Sở hữu nhất thiết chúng sanh ngữ

Tất dĩ chư âm nhi thuyết pháp

Khuyến tu thanh tịnh Ba la mật

Hằng bất vong thất Bồ đề tâm.

Sở hữu nhất thiết chúng sanh ngữ nghĩa là có bao nhiêu ngôn ngữ mà chúng sanh sử dụng thì con đều học hỏi để có thể sử dụng những ngôn ngữ đó thuyết pháp cho chúng sanh. Nếu chúng sanh nói tiếng Hà Lan, ta phải học tiếng Hà Lan, nếu chúng sanh nói tiếng Pháp, ta sẽ học tiếng Pháp. Có bao nhiêu ngôn ngữ của chúng sanh, ta đều phải học để thuyết pháp cho họ. Nếu chúng sanh nói tiếng chim, ta phải học tiếng chim. Nếu chúng sanh nói tiếng cá, ta phải học tiếng cá. Đó là hạnh nguyện của đức Phổ Hiền, để khuyến tu thanh tịnh Ba la mật. Hằng bất vong thất Bồ đề tâm: khuyến khích các chúng sanh tu tập theo hạnh Ba la mật thanh tịnh và để cho Bồ đề tâm của họ không bao giờ bị hao mòn. Đây là bốn câu khá hay.

Diệt trừ chướng cấu vô hữu dư

Nhất thiết diệu hành giai thành tựu

Ư chư ác nghiệp cập ma cánh

Thế gian đạo trung đắc giải thoát.

Diệt trừ chướng cấu vô hữu dư. Nhất thiết diệu hành giai thành tựu nghĩa là diệt trừ hết những chướng ngại, những cấu uế và ô nhiễm, không còn sót lại một thứ gì và thành tựu được tất cả các hạnh nguyện mầu nhiệm và vĩ đại. Ư chư ác nghiệp cập ma cánh. Thế gian đạo trung đắc giải thoát tức là đối với những ác nghiệp và những cảnh giới của ma thì các chúng sanh đó đều thoát khỏi. Và trong nẻo đường của nhân gian, các chúng sanh đó đều vượt thoát được.

Chúng ta học tiếp:

Như thị kinh ư sát trần kiếp

Thập phương lợi ích hằng vô tận

Ngã thường tùy thuận chư chúng sanh

Tận ư vị lai nhất thiết kiếp.

Như thị kinh ư sát trần kiếp. Thập phương lợi ích hằng vô tận: như vậy trải qua các kiếp nhiều như số bụi trong một cõi nước, con sẽ làm lợi ích liên tục cho tất cả chúng sanh. Ngã thường tùy thuận chư chúng sanh: con sẽ thường xuyên tùy thuận chúng sanh. Tận ư vị lai nhất thiết kiếp: cho đến muôn kiếp về sau này. Như vậy, chúng ta thấy ý hằng thuận chúng sanh trong nguyên bản rất rõ ràng. Nếu có dịp chúng ta sẽ dịch lại và bổ túc vào kinh này.

Chúng ta trở lại bài kệ số 12 trong sách Nhật tụng Thiền môn. Hai câu chót của bài kệ:

Căn lành tùy hỷ và sám hối

Xin đem hồi hướng cho đạo Bụt.

Tùy hỷ sám hối chư thiện căn

Hồi hướng chúng sanh cập Phật đạo.

Tùy hỷ sám hối chư thiện căn nghĩa là với những căn lành được lớn lên do công đức tùy hỷ và sám hối, con xin đem ra hồi hướng cho tất cả chúng sanh và cho đạo Bụt. Hai câu này nói về hạnh nguyện phổ giai hồi hướng. Hồi hướng có nghĩa là sử dụng những năng lượng và công đức đang có, gom góp lại để hướng về một mục tiêu rõ rệt nào đó. Tiếng Anh có thể dịch hồi hướng công đứcto transfer the merit. Ta đã làm được những điều lành gì, thực hiện được những công việc gì thì ta hồi hướng tất cả cho một mục đích nào đó. Ví dụ như cha mẹ đã làm ruộng, làm vườn, buôn bán, rồi xây nhà cửa, sắm trâu bò và rồi đều để lại tất cả cho con thì gọi là hồi hướng cho con. Tất cả những gì ta thực hiện được – những công đức, những gia sản – ta đem tặng cho một người nào đó, như vậy cũng gọi là hồi hướng.

Ở đây cũng vậy, tất cả những công phu tu tập, những công đức tạo ra do kính lễ chư Bụt, xưng tán Như Lai, cúng dường, sám hối, tùy hỷ,… chế tác cho ta rất nhiều thiện căn (những gốc rễ tốt đẹp trong con người ta). Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du cũng dùng từ thiện căn. Thiện căn ở tại lòng ta. Nếu chúng ta đã có thiện căn và chúng ta cứ tiếp tục vun tưới thì thiện căn đó sẽ làm ra hoa trái của hạnh phúc, của giác ngộ. Những thiện căn do công đức tùy hỷ, sám hối của ta làm ra,  ta không giữ riêng cho bản thân mà đem hồi hướng cho tất cả chúng sanh và cho đạo Bụt. Bởi vì ta biết chúng sanh là ta, là sự tiếp nối của ta và đạo Bụt là ánh đuốc soi sáng cho chúng sanh. Cho nên đó là đối tượng thương yêu của ta và tất cả những gì ta làm ra đều hồi hướng theo hai hướng đó: thứ nhất là chúng sanh, thứ hai là đạo Bụt. Đạo Bụt cũng là vì chúng sanh, để giúp cho chúng sanh bớt khổ và thấy được đường đi. 

Bài kệ số 13:

Con xin đem hết công đức này

Hồi hướng tất cả cho Tam bảo

Cả tánh và tướng trong pháp giới

Hai đế dung thông ấn tam muội.

Phật Pháp ở đây được diễn tả bằng Tam bảo, tức là Bụt, Pháp và Tăng. Và Tam bảo thì có tánh và có tướng. Tánh là đứng về phương diện bản chất, tướng là đứng về phương diện hình tướng. Về phương diện hình tướng, ta thấy có Bụt riêng, Pháp riêng và Tăng riêng, gọi là Tam bảo biệt tướng (The three Jewels in the separated forms). Đứng về phương diện bản chất (thể tánh) thì Bụt, Pháp và Tăng là một, gọi là Tam bảo đồng thể; trong Bụt có Pháp và Tăng, trong Pháp có Bụt và Tăng và trong Tăng có Bụt và Pháp. Tư tưởng này cũng có trong Cơ Đốc giáo, gọi là chúa ba ngôi: chúa cha, chúa con và chúa thánh thần. Tuy gọi là ba, nhưng kỳ thật là một, gọi là Tam thể nhất vị. Như vậy, Tam bảo được biểu lộ, được nhận thức hoặc về khía cạnh tướng, hoặc về khía cạnh tánh. Giống như khi quán sát trong pháp giới, chúng ta thấy sự có mặt của Tam bảo, hoặc là đồng thể Tam bảo, hoặc là biệt tướng Tam bảo. 

Hai đế dung thông ấn tam muội: ấn tiếng Phạn là mudra, ấn tam muội là cái ấn đưa ta vào định. Khi chúng ta sống trong chánh niệm thì tự khắc chúng ta có định và trong khi đi, đứng, nằm, ngồi thì định đều có mặt, lúc đó con người ta là một dấu ấn; những gì ta làm, ta nói hay ta nghĩ đều để lại một dấu ấn. Đó là định lực, là ấn tam muội

Hai đế là hai loại sự thật. Thứ nhất là sự thật tương đối, gọi là tục đế (thế tục đế) thứ hai là sự thật tuyệt đối gọi là chân đế (đệ nhất nghĩa đế). Hai sự thật này nhìn trên hình thức thì khác nhau nhưng kỳ thực là sự thật này tiếp nối sự thật kia. Về hình thức thì dường như sự thật tục đế ngược lại với sự thật chân đế nhưng nhìn kỹ ta thấy tục đế từ từ đưa tới chân đế, nên gọi là hai đế dung thông. Ví dụ có khi Bụt nói rằng có sinh và có diệt, đó là một sự thật – hễ có sinh thì có diệt – nhưng có những lúc Bụt lại nói không sinh cũng không diệt. Đứng về phương diện hình thức thì hai sự thật đó chống nhau. Tuy nhiên, nhìn cho kỹ và thấy được tính dung thông của hai đế thì ta thấy hai chân lý đó không chống trái nhau. Cũng như khi ta nói đây là quả địa cầu và chúng ta leo lên máy bay để bay từ Paris tới New York. Đứng về phương diện tục đế, leo lên máy bay, bay từ A đến B thì càng bay ta càng đi xa A, và có cảm tưởng là nếu máy bay quay trở lui thì mới càng ngày càng gần A, nhưng nếu ta cứ tiếp tục bay thì sẽ trở lại A. Do đó, tuy gọi là bay xa A nhưng kỳ thực là đang bay trở lại A. Đó là một sự thật khác, có phải không? Đó là vì trái đất tròn nên càng bay thì ta càng tới gần A hơn.

 

Trong tác phẩm Le petit prince – Hoàng tử bé của Saint Exupéry, ông ta có nói một câu rằng Đi thẳng trước mặt thì đâu có đi xa mấy được (Droit devant soi, on ne peut pas aller bien loin). Đó là một câu nói thuộc về chân đế, nếu nhìn theo phía tục đế thì không hiểu được. Nhưng nếu nhìn một cách sâu sắc vào tục đế thì ta sẽ thấy được chân đế, là Hai đế dung thông ấn tam muội. Khi ta có dấu ấn của tam muội thì ta có cái nhìn sâu sắc, và khi nhìn sâu sắc thì ta thấy có sự liên tục giữa chân đế và tục đế, hai sự thật đó không chống trái nhau. 

Nguyên văn:

Nguyện tương dĩ thử thắng công đức

Hồi hướng vô thượng chơn Pháp giới 

Tánh tướng Phật, Pháp cập Tăng già

Nhị đế dung thông tam muội ấn.

Bài kệ số 14 và 15:

Biển công đức vô lượng như thế

Con xin hồi hướng không giữ lại.

Mọi thứ trong kinh Hoa nghiêm đều được diễn tả bằng số lượng rất nhiều, cho nên công đức cũng nhiều và chúng ta phải gọi công đức là biển công đức. Công đức nhiều như thế và con không giữ lại, con xin hiến tặng, hồi hướng tất cả.

Nếu có chúng sanh nào dại dột

Bằng thân, bằng ý hoặc bằng lời

Bài báng phá hoại đạo giải thoát

Xin cho nghiệp chướng được tiêu trừ

Như thị vô lượng công đức hải

Ngã kim giai tất tận hồi hướng

Sở hữu chúng sanh thân, khẩu, ý

Kiến hoặc đàn báng ngã Pháp đẳng

Như thị nhất thiết chư nghiệp chướng

Tất giai tiêu diệt tận vô dư.

Kiến hoặc đàn báng ngã Pháp đẳng: có thể hiểu chữ kiến là cái nhìn sai lạc, gọi là tà kiến (wrong view); chữ hoặc này có thể hiểu là phiền não (affliction, kleśa) – những giận hờn, buồn phiền, kỳ thị, ganh ghét; đàn là nói xấu, chê trách, đàn áp; báng có nghĩa là lên án, chê bai, chỉ trích; ngã pháp tức là giáo pháp của ta, có thể hiểu là đạo Bụt (có người nói ngã pháp ở đây là ngã chấp và pháp chấp nhưng hiểu như vậy thì quá xa…). Đẳng có nghĩa là vân vân. 

Như thị nhất thiết chư nghiệp chướng: những nghiệp chướng như thế.

Tất giai tiêu diệt tận vô dư: tất cả những điều đó đều tiêu diệt hết, không còn sót lại một chút gì; tận nghĩa là hết, vô dư là không còn sót lại.

Nếu có những chúng sanh vì tà kiến, vì phiền não mà sử dụng thân, khẩu, ý chê trách, đàn áp, nói xấu giáo pháp của Bụt thì xin cho những tội lỗi đó, hành động đó đều được tiêu trừ hết.

Mỗi giây, trí tuệ trùm pháp giới

Độ khắp mọi loài lên bất thối.

Niệm niệm trí châu ư pháp giới

Quảng độ chúng sanh giai bất thối.

Niệm là mỗi giây, mỗi khắc, mỗi tích tắc, mỗi sát na; niệm niệm là tích tắc này đến tích tắc kia, sát na này đến sát na kia. Niệm này không có nghĩa là nhớ nghĩ như trong từ chánh niệm. Trong mỗi khoảnh khắc như vậy, trí tuệ của con bao trùm được cả pháp giới. Đọc kỹ câu này ta sẽ thấy thời gian bao trùm lên không gian, vì niệm niệm là khoảnh khắc còn pháp giới là không gian vô tận. Trong kinh Hoa nghiêm, thời gian và không gian kết hợp thành một. Do đó một hạt bụi chứa đựng cả vũ trụ, tức là cái nhỏ bé nhất bao trùm cái to lớn nhất. Về phương diện không gian, một hạt bụi chứa đựng tất cả các hạt bụi; còn về phương diện thời gian thì một khoảnh khắc bao trùm tất cả mọi khoảnh khắc. Vì vậy, đọc kinh phải đọc cho cẩn thận mới được. 

Nói đến thời gian và không gian. Đứng về không gian thì cái nhỏ nhất ôm lấy cái lớn nhất (một hạt bụi chứa toàn pháp giới). Chúng ta đã hiểu điều này, cái một chứa đựng cái tất cả. Một ví dụ khác là mặt trời, mặt trăng nhét vào một hạt cải; hay là cả trời, cả đất đặt lên đầu một sợi lông. Ngoài ra, chúng ta có thêm một ví dụ mới về sinh vật học, đó là một tế bào của cơ thể ta chứa đựng toàn bộ cơ thể, không những vậy mà nó còn chứa đựng tất cả trí tuệ và ước vọng của cả thế hệ tổ tiên ta. Tại vì những nhiễm sắc thể (gene) của ông bà cha mẹ hay của con cháu sau này đều có mặt trong mỗi tế bào cơ thể. Khoa học ngày nay có thể lấy một tế bào cơ thể ta rồi làm thành một bản sao (copy) thân thể của ta, giống hệt như vậy. Cho nên, đứng về phương diện không gian thì một hạt bụi chứa toàn pháp giới. Trong khi đó, đứng về phương diện thời gian thì một khoảnh khắc chứa được thiên thu. Như vậy, một khoảnh khắc chứa đựng được cả tam thế là quá khứ, hiện tại và vị lai. Đây là nói về thời gian riêng và không gian riêng. Tuy nhiên, trong kinh Hoa nghiêm thì thời gian và không gian tương tức, do đó một hạt bụi cố nhiên là chứa đựng pháp giới và chứa luôn cả thời gian. Thời gian chứa không gian và không gian chứa thời gian.

Hiện nay, theo thuyết tương đối của nhà bác học Einstein thì thời gian và không gian là hai mặt của một thực thể, không thể tách rời ra được. Do đó, nói rằng mỗi giây trí tuệ trùm pháp giới tức là mỗi khoảnh khắc không những chứa đựng thiên thu mà còn chứa đựng luôn cả pháp giới. Đọc câu kinh này ta phải rất chú ý mới thấy được. Như vậy, nếu một khoảnh khắc chứa đựng được toàn pháp giới thì mỗi hạt bụi cũng chứa đựng thời gian vô cùng vô tận. Giống như một tế bào cơ thể ta chứa đựng được cả thời gian, tức là tất cả thế hệ tổ tiên và thế hệ tương lai. Chỉ khi nào có một nhận thức như vậy thì chúng ta mới tiếp xúc được với pháp giới mầu nhiệm, cho nên câu Mỗi giây trí tuệ trùm pháp giới có nghĩa là như vậy.

Quảng độ chúng sanh giai bất thối. Quảng độ chúng sanh là độ hết tất cả mọi loài chúng sanh một cách rộng rãi. Giai bất thối là đều đạt tới trình độ không đi lui nữa. 

Bài kệ chót:

Hư không, chúng sanh không cùng tận

Phiền não, nghiệp báo không cùng tận

Bốn thứ kể trên thật vô biên

Hồi hướng của con cũng như thế.

Có bốn thứ không thể đo lường được: hư không, chúng sanh, phiền não và nghiệp chướng. Ai đếm được có bao nhiêu loài chúng sanh? Chỉ nội vi trùng thôi, chúng ta cũng không làm sao biết được số lượng. Phiền não và nghiệp chướng cũng vậy. Phiền não của ta còn chưa đếm được, huống hồ là phiền não của người khác. Cho nên chúng ta thường nghe tụng: Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.

Nếu đem so sánh với bốn thứ không đo lường được như thế thì hạnh nguyện hồi hướng của con cũng như vậy. Con luôn luôn truyền đi năng lượng, công đức của con cho tất cả mọi loài chúng sanh, không bao giờ dừng lại, không bao giờ tiếc nuối bất cứ cái gì. Bởi vì hạnh nguyện hồi hướng của con là vô lượng, giống như bốn thứ vô lượng kia.

Nguyên văn:

Nãi chí hư không thế giới tận

Chúng sanh cập nghiệp phiền não tận

Như thị tứ pháp quảng vô biên

Nguyện kim hồi hướng diệc như thị.

Chữ nãi chí có nghĩa là cho tới khi. Cho tới khi hư không tận diệt, chúng sanh, nghiệp báo và phiền não tận diệt thì nguyện của con cũng vẫn còn. Bốn pháp kia vô biên như vậy và hồi hướng của con cũng vô biên như vậy, bốn pháp đó không bao giờ hết, nên hồi hướng của con cũng không bao giờ hết. 

Ba nguyện sau – nguyện thứ tám, chín, mười – bàng bạc trong những câu chót của đoạn kinh này nhưng không được rõ rệt lắm. Trong buổi pháp thoại kỳ tới, chúng ta sẽ trích thêm một số câu trong nguyên bản để làm cho đoạn kinh văn này đầy đủ hơn và nói được rõ ràng hơn mười nguyện của đức Bồ tát Phổ Hiền.

Đến đây chúng ta đã tạm học xong kinh Mười nguyện Phổ Hiền. Sau này khi in lại sách Nhật tụng Thiền môn năm 2000, có thể năm 2002, chúng ta sẽ thêm khoảng tám câu  nữa cho bài văn này đầy đủ hơn.

Kinh mười nguyện Phổ Hiền

Kinh văn

Con xin đem ba nghiệp thanh tịnh

Kính lạy tất cả hằng sa Bụt

Trong các thế giới khắp mười phương

Quá khứ, vị lai và hiện tại.

Thần lực của hạnh nguyện Phổ Hiền

Giúp con có mặt khắp mọi nơi

Nơi đâu có Bụt là có con

Bụt là vô lượng, con vô lượng.

Trong hạt bụi có vô số Bụt

Mỗi vị an trú chúng hội mình

Ðức tin của con vẫn tràn đầy

Trong mọi hạt bụi của pháp giới.

Con đang sử dụng biển âm thanh

Phát ra ngôn từ rất vi diệu

Tán dương biển công đức của Bụt

Cho đến vô số kiếp về sau.

Lấy những tràng hoa vi diệu nhất

Hương thơm, âm nhạc và tàn lọng

Sử dụng mọi thứ trang nghiêm ấy

Con đem cúng dường các Như Lai.

Các thức y phục và hoa hương

Ðèn đuốc, trầm hương và tọa cụ

Mỗi thứ đều thành ra sung mãn

Con xin cúng dường các Như Lai.

Con đem tâm hiểu biết rộng sâu

Tin tưởng chư Bụt trong ba đời

Con nương sức hạnh nguyện Phổ Hiền

Cúng dường khắp hết các Như Lai.

Từ xưa con đã tạo nghiệp xấu

Vì tham, sân, si từ vô thỉ

Do thân, miệng, ý mà phát sinh

Nay con đều sám hối tất cả.

Con xin tùy hỷ mọi công đức

Của các chúng sanh trong mười phương

Các bậc hữu học và vô học

Các bậc Như Lai và Bồ tát.

Những ngọn đèn sáng soi thế gian

Hoặc mới thành tựu đạo giải thoát

Con xin tất cả đều thương tưởng

Chuyển bánh xe pháp để độ đời.

Các Bụt đang thị hiện Niết bàn

Con cũng chí thành cầu như thế

Xin hãy ở lại đời mãi mãi

Ðể làm lợi lạc cho chúng sanh.

Con xin tán lễ cúng dường Bụt

Thỉnh Bụt ở lại độ chúng sanh

Căn lành tùy hỷ và sám hối

Xin đem hồi hướng cho đạo Bụt.

Con xin đem hết công đức này

Hồi hướng tất cả cho Tam bảo

Cả tánh và tướng trong pháp giới

Hai đế dung thông ấn tam muội.

Biển công đức vô lượng như thế

Con xin hồi hướng không giữ lại.

Nếu có chúng sanh nào dại dột

Bằng thân, bằng ý hoặc bằng lời

Bài báng phá hoại đạo giải thoát

Xin cho nghiệp chướng được tiêu trừ.

Mỗi giây, trí tuệ trùm pháp giới

Ðộ khắp mọi loài lên bất thối.

Hư không, chúng sanh không cùng tận

Phiền não, nghiệp báo không cùng tận

Bốn thứ kể trên thật vô biên

Hồi hướng của con cũng như thế.

Giảng kinh

(Phiên tả Pháp thoại ngày 04 & 11 tháng 01 năm 1998, Làng Mai, Pháp)

Quay về là quy, nương tựa là y.

Khi tụng bài Quay về nương tựa, trong tâm chúng ta có cảm giác bình an và hạnh phúc bởi vì lúc ấy chúng ta có ý thức là ta đang đi đúng đường, đang có nơi để trở về và đang được che chở. Cái thấy đó đem lại cho ta năng lượng của sự bình an, vững chãi và hạnh phúc. Nếu trong khi tụng Quay về nương tựa mà không có hạnh phúc, không có vững chãi tức là chúng ta đang không thực tập đúng pháp. Chúng ta có danh từ hướng thượnghướng hạ. Hướng thượng có nghĩa là đi về hướng đẹp, thật và lành. Nếu chúng ta đang không hướng thượng thì có nghĩa là đang hướng hạ. Khi trong tâm chúng ta có những lo buồn, khổ đau là chúng ta đang hướng về phía tối tăm, hướng hạ. Ngược lại, khi hướng thượng tức là hướng về phía hạnh phúc, tình thương thì chúng ta đang đi trên con đường hạnh phúc. Mỗi điểm trên con đường đều chứa đựng sự hướng thượng và sự hướng hạ. Thí dụ mỗi điểm trên con đường từ Boston lên New York đều chứa đựng sự hướng thượng và sự hướng hạ. Nếu chúng ta hướng về Boston và đi được một cây số từ New York đến Boston thì dù mới đi một cây số, đó cũng là Boston rồi. Trong mỗi bước chân đó đang có Boston. Tuy ta chưa tới Boston nhưng Boston đã nằm ngay dưới mỗi bước chân của ta. Chúng ta hướng về Boston thì bước chân đó có Boston. Ngược lại, nếu ta xoay về phía New York thì mỗi bước chân đó có New York. Cho nên, mê hay ngộ, quan trọng là cái hướng. Nếu là hướng hướng thượng, đó là ngộ, nếu là hướng hướng hạ thì đó là mê. Boston hay New York là tùy ta hướng về. Ta có thể nói rằng trong lộ trình New York – Boston, điểm nào cũng chứa đựng New York và Boston. Hướng về Boston thì nó là Boston, hướng về New York thì chỗ đó là New York. Mê và ngộ cũng vậy, trên bước đường hành đạo, khi tâm ta hướng về Tam bảo, đó là hướng thượng. Nếu ta hướng về đau buồn, trách móc, giận hờn thì đó là hướng hạ. Cho nên khi đọc Quay về nương tựa, ta thấy rõ ràng ta đang hướng thượng. Ta hướng về phía mặt trời, ta hướng về phía Bụt, Pháp và Tăng. Cố nhiên, khi đó cảm giác an ổn, vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc được biểu hiện trong ta. 

Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.

Bụt trước hết là một vị đạo sư. Chữ đạo trong đạo sư có nghĩa là dẫn đường, chứ không phải là con đường. 

道 Đạo: con đường.

導 Đạo: dẫn đường. Phía dưới có chữ thủ 扌nghĩa là bàn tay.

là thầy, đạo sư nghĩa là bậc thầy dẫn đường. Chúng ta là những người học trò của Bụt và chúng ta nên nhớ Bụt đối với chúng ta trước hết là một người đưa đường mà không phải là một vị thần linh, không phải là thượng đế (He is not a God. He is a teacher). Điều này rất quan trọng. Con nương tựa Bụt vì Bụt là người dẫn đường cho con. Đó là cái thấy của ta trong khi ta đọc bài Con về nương tựa Bụt. Tiếng Phạn, Buddha là Bụt. Âm “a” trong tiếng Phạn đọc rất nhẹ, chữ Buddha được đọc là Budd. Phát âm tiếng Việt Bụt rất đúng, và rất gần với tiếng Phạn. Khi chúng ta đọc là Phật tức là chúng ta đang bị ảnh hưởng cách phát âm của người Trung Quốc. Trong nghi thức tụng niệm của Phật giáo Nam tông chỉ có “Con về nương tựa Bụt”, chứ không có vế sau “người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời”. Buddhaṃ śaraṇaṃ gacchāmi. Gacchāmi là con đi về, Buddhaṃ là về với Bụt, Śaraṇaṃ là làm chỗ nương tựa. Con đi về với Bụt, lấy Bụt làm chỗ nương tựa (I go to the Buddha as refuge.) Trong bản tiếng Việt này chúng ta có thêm người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời thì rõ ràng hơn rất nhiều.

Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.

Chữ Pháp ở đây được định nghĩa là từ bi và trí tuệ. Chúng ta biết rằng từ bi và trí tuệ là hai yếu tố căn bản trong giáo pháp của Bụt, cho nên dùng chữ tình thương và sự hiểu biết bao hàm được bản chất của Pháp. Khi tụng Con về nương tựa Pháp (Dharmaṃ śaraṇaṃ gacchāmi), chúng ta phải biết rõ Pháp là gì, đó không phải là một ý niệm mơ hồ. Pháp là con đường trong đó tình thương và sự hiểu biết là hai yếu tố quan trọng. Cũng như câu  trước, ở đây chúng ta thêm: con đường của tình thương và sự hiểu biết, để cho rõ nghĩa hơn. 

Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. 

Saṃghaṃ śaraṇam gacchāmi. Con về nương tựa Tăng, I go to the Sangha as refuge.

Chúng ta có định nghĩa rất rõ ràng về Tăng. Tăng là đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. Có nhiều đoàn thể nhưng Tăng là đoàn thể có lý tưởng sống chánh niệm với nhau, sống tỉnh thức để có thể chế tác hiểu biết và thương yêu. Trong đạo Bụt, chữ Saṃgha có nghĩa rất chính xác, là đoàn thể của những người sống với nhau trong tinh thần tỉnh thức. Tỉnh thức là chánh niệm, chánh niệm đưa đến hiểu biết và thương yêu. Như vậy, bài kinh Ba sự quay về bằng tiếng Việt đầy đủ hơn bản tiếng Phạn. Các hành giả thuộc truyền thống Nam tông đọc Tam quy như sau:

Buddhaṃ śaraṇaṃ gacchāmi

Dharmaṃ śaraṇaṃ gacchāmi

Saṃghaṃ śaraṇam gacchāmi

Đọc như vậy, cảm thấy ngắn quá nên họ đọc thêm lần thứ hai, lần thứ ba. Cũng như khi hát mà thấy chưa đã, chúng ta hát lại lần thứ hai. Đọc Tam quy, ta có cảm giác khỏe khoắn, tăng thêm niềm tin; cho nên ta muốn đọc lại lần thứ hai, lần thứ ba. Tuy ba câu Quay về nương tựa Bụt, Pháp, Tăng bằng tiếng Việt đầy đủ nhưng chúng ta cũng muốn đọc lại lần thứ hai, và lần thứ hai đi sâu hơn. Theo tinh thần đọc ba lần gọi là Tam trùng Quy y tức là quy y tới ba lần. 

Lần thứ nhất ta thấy rõ hành động quy y. Quy y Phật, người đưa đường dẫn lối cho ta trong cuộc đời. Quy y Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết. Quy y Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. Ta thấy rất rõ bản chất và nội dung của hành động quy y. 

Lần thứ hai ta thấy rõ là ta đã quy y rồi:

Đã về nương tựa Bụt, con đang có hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời. 

Đã về nương tựa Bụt cho nên ta đang có hướng đi, thấy rõ là ta đang đi trên con đường sáng đẹp, rất hạnh phúc. Khi tụng câu con đang có hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời, theo nguyên tắc là phải chế tác được chất liệu của sự hân hoan trong ta. Ta đang có hướng đi sáng và đẹp trong cuộc đời, vì nhìn xung quanh ta thấy có nhiều người không biết đang đi về đâu. Họ không có một con đường, đường đi của họ tối tăm mịt mờ, không biết đi về đâu. Trong khi đó ta đang có hướng đi sáng và đẹp trong cuộc đời. Thấy được như vậy, ta có hạnh phúc trong lòng. 

Đã về nương tựa Pháp, con đang được học hỏi và tu tập các pháp môn chuyển hóa. 

Về nương tựa Pháp không phải chỉ nương tựa bằng miệng, không chỉ là lời tuyên bố suông. Về nương tựa Pháp tức là phải học hỏi những pháp môn, những phương pháp giúp ta chuyển hóa những khổ đau và đạt tới an lạc. Pháp môn (法門) tức là những phương pháp thực tập. Môn (門) là cánh cửa. Đạo Bụt hiến tặng cho chúng ta rất nhiều cánh cửa, rất nhiều phương pháp thực tập. Có pháp môn này thích hợp cho người này, có pháp môn khác thích hợp cho người khác. Người thì thích thiền tọa nhiều hơn, người thì thích thiền hành nhiều hơn, người thì thích thiền lạy nhiều hơn. Và có nhiều người thì thích thực tập nhiều pháp môn một lúc. Chúng ta nghe nói đạo Bụt có khoảng 84.000 pháp môn, dù rất nhiều nhưng ta vẫn thấy chưa đủ. Cho nên mỗi ngày trong khi tu tập, ta còn sáng chế thêm những pháp môn mới. Con số 84.000 pháp môn cho chúng ta thấy đạo Bụt có tinh thần rất cởi mở. Đạo Bụt không bắt ép ta thực tập theo những pháp môn không thích hợp với ta, nên hiến tặng rất nhiều pháp môn và tùy ý ta muốn chọn lựa pháp môn nào thích hợp thì thực tập. Nếu ta không muốn ăn ớt thì không ai ép ta phải ăn ớt. Nếu ta không muốn ăn bột ngọt thì không ai ép ta ăn bột ngọt. Vì vậy ta có tự do chọn lựa ngay cả trong sự tu học. 

Con đang được học hỏi và tu tập các pháp môn chuyển hóa. Chuyển hóa là biến đổi, transformation. Ta có đau khổ, pháp môn làm cho an vui, ta có giận hờn thì pháp môn làm cho ta tươi mát. Chuyển hóa không phải là chuyển hóa trên bề mặt, mà chuyển hóa ngay tận gốc cho nên gọi là chuyển y, transformation at the base. Y tức là chỗ nương tựa, là A lại gia, là tàng thức của ta. Chuyển hóa ở dưới chiều sâu tâm thức thì mới gọi là chuyển hóa chân thật. 

Đã về nương tựa Tăng, con đang được tăng thân soi sáng dìu dắt và nâng đỡ trên con đường thực tập. 

Đã nương tựa Tăng rồi cho nên ta có tăng thân. Có rất nhiều cái lợi khi ta có tăng thân. Lợi thứ nhất là được tăng thân soi sáng, bởi vì ta có hai mắt nhưng tăng thân có rất nhiều mắt. Tăng thân gồm nhiều thành phần, mỗi thành phần đều thực tập chánh niệm cho nên con mắt của tăng thân rất sáng. Ta phải quỳ lạy trước tăng thân để xin mắt tăng thân soi sáng cho ta. Ta phải vâng theo mắt Tăng, phải sử dụng mắt Tăng để soi sáng. Mỗi người trong chúng ta đều có mắt Tăng, Sangha eyes. Chúng ta đừng sợ hãi, hãy dùng mắt Tăng để soi sáng cho tự thân, có như vậy ta sẽ thấy được rất nhiều điều mà với con mắt cá nhân ta không thấy được. Mắt Tăng nhìn cuộc đời. 

Con đang được Tăng thân soi sáng. Người tu hành sống trong tăng thân là phải được thừa hưởng sự soi sáng của tăng thân. Vì vậy, khi tăng thân ngồi lại, chỉ ra cho ta thấy những ưu điểm và khuyết điểm của ta thì ta phải lắng nghe và cảm tạ. Tăng thân soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ. Dìu dắt nghĩa là giúp ta không bị vấp ngã, té đau. Đi một mình, ta có thể vấp ngã. Nương tựa Tăng thân để tăng thân có mặt sau lưng, bên cạnh, bên phải, bên trái ta thì ta không còn bị vấp ngã. Những người tu hành mà không có tăng thân thì không biết tu có thành hay không. Tăng thân rất quan trọng, do đó ta phải quay về quy y Tăng. Giờ phút ta rời tăng thân là ta bắt đầu dấn thân vào đoạn đường nguy hiểm, cũng như giờ phút con cọp rời khỏi khu rừng của nó để về đồng bằng, con cọp bắt đầu dấn thân vào con đường nguy hiểm, vì thế nào cũng có người bắt giết và lột da nó. Người tu cũng vậy, người tu mà bỏ tăng thân của mình thì sẽ không có ai nâng đỡ và dìu dắt nữa. 

Tăng thân soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ trên con đường thực tập. Thực tập những pháp môn chuyển hóa, ta cần phải có tăng thân xây dựng và nâng đỡ, như vậy thì mới thành công được. Khi đọc câu “đã về nương tựa Bụt, nương tựa Pháp và nương tựa Tăng”, hạnh phúc và sự vững tâm trong ta càng lớn. Đã về nương tựa Bụt chứ không phải là đang đi về nương tựa Bụt, đã về nương tựa Bụt con đang có hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời. Con đã có, con đang có hướng đi. Đã về nương tựa Pháp, con đang được học hỏi và tu tập các pháp môn chuyển hóa. Chúng ta có những pháp môn trong tay, có Pháp trong tay. Đã về nương tựa Tăng con đang được Tăng thân soi sáng dìu dắt và nâng đỡ trên con đường thực tập. Chúng ta có Tăng trong tay, trong trái tim và xung quanh ta 24 giờ một ngày thì cảm giác vững chãi, an ninh biểu hiện rất rõ ràng. 

Về nương Bụt trong con, xin nguyện cho mọi người, thể nhận được giác tính, sớm mở lòng bồ đề. 

Chúng ta đi sâu vào một tầng nữa để thấy Bụt, Pháp và Tăng không còn là những thực tại bên ngoài ta mà Bụt, Pháp và Tăng là những thực tại có mặt ngay trong trái tim ta. Cho nên bài tụng Tam quy của chúng ta rất sâu. 

Tự quy y Phật, nghĩa là trở về nương tựa nơi bản chất của Bụt ở trong ta. Về nương Bụt trong con, xin nguyện cho mọi người, thể nhận được giác tính, sớm mở lòng bồ đề. Thể nhận là thấy được, công nhận được sự có mặt. Giác tính (覺性), là khả năng có thể giác ngộ. Khi về nương Bụt ở nơi tự thân, ta biết rằng trong ta có giác tính, có Buddha nature. Lòng bồ đề là Bodhicitta. Khi có bồ đề tâm, ta có rất nhiều năng lượng, ta rất hạnh phúc. Ta đã về nương Bụt trong ta, đã thể nhận được giác tính, đã có tâm bồ đề rồi thì ta cũng mong ước cho tất cả chúng sanh người nào cũng được như ta, cũng thể nhận được giác tính, cũng sớm mở lòng bồ đề. Giác tính mỗi người đều có nhưng ít ai biết được. Vì vậy, giờ phút đức Thế Tôn thành đạo dưới cây bồ đề, khi nhìn thấy ngôi sao mai thì Ngài mới thốt ra câu nói: “Lạ thay, tất cả mọi chúng sinh đều có giác tính ở trong lòng mà tại sao cứ để bản thân bị chìm đắm trong biển khổ sông mê từ kiếp này sang kiếp khác.” Đó là sự ngạc nhiên của Bụt vào giờ phút Ngài giác ngộ. 

Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người, nắm vững các pháp môn, cùng lên đường chuyển hóa.

Thông thường chúng ta nghĩ rằng các pháp môn mà ta đang thực tập là ở bên ngoài ta và do một vị đạo sư trao truyền. Thực ra, các pháp môn đó có sẵn trong ta. Nếu tiếp xúc một cách sâu sắc với giác tính trong ta thì tự nhiên ta cũng tiếp xúc được Pháp tính ở trong ta. Ta có thể thấy được các pháp môn để chính ta thực tập và chia sẻ pháp môn đó với mọi người. Chúng ta đã xuất gia, đã quy y, đã thọ giới và đã được trao truyền những pháp môn. Trong khi thực tập, nhờ vào những kinh nghiệm, chúng ta có thể gia giảm, cắt bỏ và đặt ra những pháp môn thực tập cho phù hợp với mình. Chúng ta biết rằng Pháp là cái gì có sẵn trong mình, ta nguyện tu tập như thế nào để mỗi ngày những pháp môn càng rõ ra và ta có thể nắm được pháp môn rất vững. Khi nắm được pháp môn rồi, ta không còn sợ hãi nữa. Ta không sợ hãi những trường hợp như vướng mắc, tham đắm, giận hờn. Có pháp môn rồi thì mỗi khi những cái đó nổi lên, ta có thể thực tập và đối trị được. Khi những tâm niệm vướng mắc, thèm khát, tham đắm, nghi ngờ, giận hờn, tuyệt vọng nổi lên, ta sẽ không chịu chết, sẽ không bó tay để nó dắt đi đâu thì dắt. Ta rút pháp môn từ trong túi ra và nói: “Bớ các loài yêu quái, ta đâu có sợ ngươi, ta có đủ những pháp môn ở trong ta rồi” và đem ra áp dụng thực tập ngay! Các loài yêu quái sẽ không làm gì được! Nắm vững các pháp môn là như vậy. Nếu chưa vững thì ta phải thực tập, phải học hỏi mỗi ngày để nắm cho được. 

Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người, xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hóa được muôn loài.

Chúng ta thực tập cho đến khi có đủ khả năng xây dựng được bốn chúng. Trong ta có tăng thân, đi đâu ta cũng mang tăng thân trong trái tim, đến đâu ta cũng xây dựng tăng thân. Bốn chúng tức là xuất sĩ nam, xuất sĩ nữ, cư sĩ nam và cư sĩ nữ. Đi đâu ta cũng xây dựng nên bốn chúng và bốn chúng trở thành môi trường bảo hộ, nâng đỡ và dìu dắt mọi người. Người tu là phải như vậy. 

Xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hóa được muôn loài. Nhiếp là ôm lấy, nắm vững, không để cho rơi rụng ra ngoài, hóa là chuyển hóa. Đó là mục đích của người tu. Quy y Bụt trong tự thân, ta mong cho mọi người thể nhận được giác tính và phát bồ đề tâm. Quy y Pháp trong tự thân, ta mong cho tất cả mọi người nắm vững được các pháp môn để cùng lên đường chuyển hóa. Quy y Tăng trong tự thân, ta nguyện cho mọi người, người nào cũng có khả năng xây dựng bốn chúng. Nhiếp chúng là ôm lấy, giữ gìn đừng cho chúng rơi rớt ra ngoài, làm sao cho chúng trở thành một khối đoàn kết, vững chãi, hạnh phúc. Người thực tập là người có khả năng xây dựng nên bốn chúng và nhiếp hóa bốn chúng đó.

Từ hôm nay về sau, mỗi khi tụng bài Quay về nương tựa chúng ta phải tụng tiếng cho rõ, cho sáng, cho hùng hậu. Trong khi tụng, ta phải làm thế nào cho năng lượng của sự an tâm, vững chãi, hân hoan, hạnh phúc được chế tác, được biểu hiện trong ta và tiếng tụng kinh của chúng ta hiển lộ được niềm hân hoan hạnh phúc đó, như vậy thì năng lượng sẽ rất hùng mạnh. Tụng kinh như vậy có thể chuyển hóa được hoàn cảnh của chúng ta và tất cả các loài tới nghe kinh sẽ cảm nhận được năng lượng đó. Nhờ vậy, tất cả mọi loài đều được thừa hưởng năng lượng đó và cảm thấy có sự chuyển hóa trong lòng họ. 

Trong truyền thống Theravāda, các hành giả tụng đọc Quay về nương tựa ba lần:

Buddhaṃ śaraṇaṃ gacchāmi

Dharmaṃ śaraṇaṃ gacchāmi 

Saṃghaṃ śaraṇam gacchāmi

Trong truyền thống Bắc tông cũng có bài tương tự, nhất là khi làm lễ quy y cho những vong hồn.

Hương linh quy y Phật

Hương linh quy y Pháp

Hương linh quy y Tăng

Hương linh là người đã chết, vì có thể khi còn sống người đó chưa được làm lễ quy y, nên khi cầu nguyện cho người đó thì chúng ta cho họ một cơ hội để được quy y.

Tuy nhiên, người ta thấy như vậy chưa đủ, nên đọc thêm câu thứ hai:

Quy y Phật lưỡng túc tôn

Quy y Pháp ly dục tôn

Quy y Tăng chúng trung tôn

Quy y Phật lưỡng túc tôn nghĩa là quy y Phật, bậc tôn kính trong loài hai chân, tức là loài người. Ngoài ra, chữ lưỡng túc cũng có thể được hiểu là sự đầy đủ của trí và bi.

Quy y Pháp ly dục tôn tức là bậc tôn kính đã xa lìa được sự thèm khát, ham muốn.

Quy y Tăng chúng trung tôn là bậc tôn kính trong các đoàn thể.

Quy y Phật bất đọa địa ngục

Quy y Pháp bất đọa ngạ quỷ

Quy y Tăng bất đọa bàng sinh

Quy y Phật bất đọa địa ngục: khi đã quy y Phật rồi thì không bị rơi xuống địa ngục nữa, đó là cái lợi của quy y Phật, với điều kiện là quy y thật.

Quy y Pháp bất đọa ngạ quỷ: khi đã quy y Pháp thì không bị rơi xuống thành quỷ đói nữa.

Quy y Tăng bất đọa bàng sinh: khi đã quy y Tăng thì không bị rơi xuống làm những loài cầm thú. 

Quy y Phật bất quy y thiên thần quỷ vật

Quy y Pháp bất quy y ngoại đạo tà giáo

Quy y Tăng bất quy y tổn hữu ác đảng

Quy y Phật bất quy y thiên thần quỷ vật: khi đã quy y Phật rồi thì không quy y các bậc thần linh, ma quỷ, hay những đối tượng thờ cúng khác như cây đa, bình vôi, v.v.

Quy y Pháp bất quy y ngoại đạo tà giáo: khi đã quy y Pháp rồi thì không theo những đường lối tín ngưỡng mê tín, sai lạc.

Quy y Tăng bất quy y tổn hữu ác đảng: khi đã quy y Tăng rồi thì không nương tựa vào những bè bạn xấu mà làm hư hại, tổn thất cho ta, không gia nhập những băng đảng, những đoàn thể bạo động, cướp bóc, dâm dục, xì ke, ma túy,… Đây là chuyện mà các bậc làm cha mẹ rất lo sợ, sợ con mình đi quy y các băng đảng xã hội đen, đi đánh phá cướp bóc ngân hàng, hút chích xì ke ma túy,…

Những câu trên là đọc cho cô hồn nghe, cô hồn sống và cô hồn chết.

Quy y Phật cảnh

Quy y Pháp cảnh

Quy y Tăng cảnh

Chữ cảnh ở đây có nghĩa là rồi. Đã quy y Phật, đã quy y Pháp, đã quy y Tăng rồi. Nếu tụng đọc bốn phần trên và phát nguyện thực tập đàng hoàng thì có nghĩa là đã quy y Phật, đã quy y Pháp, đã quy y Tăng thật sự. Đây là trong nghi thức chữ Nho. Chúng ta hãy tụng đọc thật chậm rãi để cho hương linh được quy y, và chính ta cũng được quy y.

Giảng kinh

(Phiên tả Pháp thoại ngày 21 tháng 12 năm 1997 tại xóm Thượng, Làng Mai, Pháp)

Quy nguyện có nghĩa là quy y và phát nguyện. Quy tức là quay về nương tựa để có sự an ổn, để có hướng trở về. Nguyện tức là phát ra tâm nguyện để có thêm nguồn năng lượng nơi thân và nơi tâm mà đi tới. Vì vậy trong khi tụng bài Quy nguyện, chúng ta phải đạt được hai mục tiêu đó: thấy mình đang trở về, mình có an ổn và bắt đầu có năng lượng để đi tới. 

Trầm hương xông ngát điện

Sen nở Bụt hiện thân

Pháp giới thành thanh tịnh 

Chúng sinh lắng nghiệp trần.

Đây là khung cảnh mà trong đó ta nuôi dưỡng ta bằng hai nguồn năng lượng: năng lượng quy và năng lượng nguyện. Khung cảnh này là do vị hương đăng tạo ra. Vị hương đăng là người chăm sóc chánh điện: đốt trầm, đốt đèn, lau chùi tượng Bụt. Những động tác đó, những công đức đó giúp ta quán tưởng. Quán tưởng, trước hết phải hình dung ra khung cảnh. Bốn câu này là để hình dung ra khung cảnh. Quán tưởng, tiếng Anh có thể dịch là visualization (想), ta phải thấy cho được, thấy bằng hình ảnh chứ không phải thấy bằng ý niệm trừu tượng. Chúng ta biết rằng bản chất của thi ca phải là hình ảnh và phải có nhạc tính. Nếu anh làm thơ mà anh chỉ dùng những danh từ trừu tượng thì thơ của anh không phải là thơ. Thơ được làm bằng hình ảnh. Ví dụ thầy nói: “Chiều nay tôi buồn”; thì trong lúc làm thơ anh phải nói “Chiều nay mây giăng trong hồn tôi”,  “mây giăng trong hồn tôi” là hình ảnh. “Tôi buồn” là một cái gì đó rất trừu tượng. Ở đây cũng vậy, “quán tưởng” là phải sử dụng hình ảnh. Khi chắp tay tụng bốn câu này, người thực tập phải dựng lên được khung cảnh mà trong đó, phải nuôi dưỡng được thân và tâm của mình. Trầm hương xông ngát điện. Trầm và hương đã được đốt lên và không khí trở nên  thơm ngát, xứng đáng cho một vị Bồ tát, một vị toàn giác xuất hiện. Trầm hương xông ngát điện. Sen nở Bụt hiện thân. Trong nghi thức cũ có câu Hoa khai kiến Phật, ngộ vô sanh, tức là khi hoa nở thì ta thấy Phật. Đây là giáo lý Tịnh độ. Hoa ở đây là hoa sen. Hoa sen nở thì mình thấy Bụt. Cố nhiên trên bàn thờ có khi có hoa sen, nhưng có khi không có hoa sen, mà khi không có hoa sen thì ta cũng không ngại gì vì ta đang dùng hoa sen của sự quán tưởng. Không những Bụt hiện khi hoa sen nở mà Người còn hiện ra bất cứ khi nào có hoa nở, dù đó là hoa thược dược, hoa hướng dương hay một bông hoa tím bên vệ đường mà ta đi ngang qua. Vì vậy Bụt có rất nhiều cơ hội để nở, để biểu hiện, chỉ có ta không có con mắt để nhận diện Bụt mà thôi. Thật ra Bụt có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Một cây hoa dại nhỏ xíu bám vào một chút đất ở trên bức tường rêu đang nở hoa, đó cũng là cơ hội cho Bụt hiện thân. Chỉ tại ta u mê, ta kẹt vào những lo lắng, phiền giận nên không thấy thôi, hễ hoa khai thì thế nào Bụt cũng hiện thân, nhất là khi đóa hoa đó là trái tim của mình. Trái tim ta là một bông hoa. Trái tim ta có thể nở bất cứ giờ phút nào. Sen nở Bụt hiện thân, đây là một hình ảnh thi ca rất tuyệt diệu. Ngay trong giờ phút ta chắp tay lại quán tưởng là Bụt đã có mặt. Bụt có mặt vì chánh niệm của ta có mặt. Bấy giờ ta không còn than phiền rằng ta sinh ra quá trễ, 2.600 năm sau khi Bụt nhập diệt. Ta không than phiền vì ta biết rất rõ nếu ta muốn, ta có mặt thì Bụt cũng có mặt ngay giây phút đó.

Trầm hương xông ngát điện

Sen nở Bụt hiện thân

Pháp giới thành thanh tịnh

Chúng sinh lắng nghiệp trần.

Tự nhiên thế giới của khổ đau biến mất và pháp giới thanh tịnh hiện tiền. Thế giới của khổ đau biến mất vì Bụt đã hiện, mà Bụt đã hiện thì pháp giới hiện. Chúng ta có sự phân biệt giữa hai danh từ LokadhātuDharmadhātu. Loka là thế gian. Dhātu là giới, là cõi, là thế giới. Thế giới là một cõi, trong đó có đau khổ, có sự xáo trộn, chia cắt. Thế giới là một cõi mà người này không phải người kia; cái này nằm ngoài cái kia; sư anh không phải là sư em; sư em không phải là sư anh; cha không phải là con, con không phải là cha; người không phải là cây cỏ, cây cỏ không phải là người. Lokadhātu là thế giới của sự ngăn cách, của sự phân biệt, kỳ thị. Từ đó có sự giận hờn, có sự chia rẽ và có những đau thương. 

Trong khi đó, Pháp giới là Dharmadhātu, là một thế giới trong đó có sự hiện diện của Bụt. Trong đó, sư anh cũng là sư em, cha cũng là con, và người cũng là cây cỏ. Người ta thấy được người trong cây cỏ, cây cỏ trong người. Người ta thấy cha ở trong con, con ở trong cha. Người ta thấy sư anh ở trong sư em, sư em ở trong sư anh. Vì có ánh sáng của Bụt nên người ta mới thấy được như vậy. Vì thấy được như vậy cho nên ở đó không có sự chia rẽ, không có những hàng rào kẽm gai, không có sự rách nát, rướm máu của sự chia cách, mà chỉ có hạnh phúc. Trong khi chúng ta chắp tay để quán tưởng thấy trầm hương xông ngát điện, thấy hoa nở Bụt hiện thân thì thế giới biến thành pháp giới, cõi Ta bà trở thành cõi Tịnh độ. Pháp giới thành thanh tịnh là như vậy. Chúng sinh lắng nghiệp trần là như vậy. Tất cả các loài chúng sinh cảm nhận những khổ đau, hệ lụy được lắng xuống, và cảm thấy có sự an lành trong tâm. Trong số những chúng sinh đó có chúng ta. 

Nghiệp trần, là dịch chữ “trần nghiệp”. Chữ trần  ở đây chỉ có nghĩa là bụi bặm.. Trần là trần thế, là thế tục, là cuộc đời, of the worldworldly. Trần thế tức là cõi bụi, với tất cả những đau thương, hệ lụy của nó. Cõi đời có những đau thương và hệ lụy như vậy nên ta cũng gọi là cõi bụi. Bụi thường có màu đỏ, gọi là bụi đỏ, là hồng trần. Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi. Ta tu là đi theo cái tốt đẹp, giải thoát, thanh thoát, an lạc của người tu. Tại sao ta còn chen vào chốn bụi hồng làm gì nữa. Sự đời đã tắt lửa lòng, còn chen vào chốn bụi hồng làm chi là hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Lửa lòng tức là lửa dục, lửa tham, lửa sân, lửa si. Tắt cái đó đi là có sự thanh lương mát mẻ. Có sự thanh lương mát mẻ là hạnh phúc rồi, tại sao lại chen vào chốn bụi hồng làm gì nữa? Bài sám Quy mạng có cụm từ trần nghiệp bất xâm, nghĩa là nghiệp trần không làm tổn hại đến thân tâm của mình. Nghiệp trần là nghiệp thế gian, nghiệp đời. Chúng sinh lắng nghiệp trần là những quả báo khổ đau, những hành động đưa tới quả báo khổ đau còn vương vấn trong tâm mình, bây giờ chúng bắt đầu lắng xuống và ta bắt đầu thấy nhẹ trong lòng. Do đó, trong khi tụng bốn câu này, ta phải thực tập quán tưởng để cho khung cảnh đó được thể hiện. Bốn câu nhưng nhiều lắm. Nếu ta tụng như một con vẹt thì uổng quá. 

Đệ tử tâm thành 

Hướng về Tam bảo

Bụt là thầy chỉ đạo

Bậc tỉnh thức vẹn toàn.

Đây là sự thực tập quán tưởng về Bụt, gọi là Phật tưởng, Buddhānusmṛti. Quán tưởng về Bụt là một phép thiền. Trong khi tụng kinh, chúng ta đang thực tập thiền. Có người tụng kinh như một con vẹt thì không phải là đang thực tập thiền. Nếu tụng kinh mà ta quán chiếu thì tụng kinh cũng là thực tập thiền. Chúng ta phải thấy Đệ tử tâm thành hướng về Tam bảo. Tâm thành, chữ thành ở đây trước hết là hoàn toàn có mặt. Nếu không có mặt thật sự thì đó là sự giả dối. Nếu ta đang chắp tay về phương diện thân, mà tâm ta nghĩ tới chuyện ngày mai, ngày mốt hay ngày hôm qua thì ta giả dối rồi phải không? Ta đâu có thành. Vì vậy cho nên thành ở đây trước hết là hoàn toàn có mặt, tức là có niệm và có định. Nhiều khi mình không thành mà mình tưởng là mình thành. Mình tưởng không giả dối nhưng thiệt là có giả dối bên trong. “Tôi nói thiệt mà, tôi rất là thành kính. Tôi rất là thành tâm”, nhưng chưa chắc đã thành. Thành hay không là do năng lượng của niệm có mặt hay không. Nếu có niệm thì thế nào cũng có định. Đệ tử tâm thành nghĩa là đệ tử có mặt hoàn toàn, thân và tâm nhất như. Đệ tử không suy nghĩ chuyện khác, không giận sư anh, không buồn sư chị, không lo chuyện ngày mai, không tiếc chuyện ngày hôm qua, đó mới gọi là tâm thành, one pointed mind, tâm nhất điểm. Tam bảo tức là triratna. Tri là ba, ratna là viên ngọc. Hướng về Tam bảo mà có chất liệu thành tâm, gọi là tâm nhất điểm, đây mới là hướng thượng. 

Bụt là thầy chỉ đạo. Bụt trước hết là một bậc thầy, điều này rất quan trọng. Bụt không phải là một vị thần linh. Bụt không phải là thượng đế. (Buddha is not a god, Buddha is a human being.) Bụt cũng là một con người như chúng ta, nhưng vì trong con người đó có chất liệu của trí, của bi, của hạnh, của nguyện, cho nên người đó xứng đáng làm thầy của chúng ta. Bởi vậy ta gọi Bụt là Thầy. Nếu chúng ta nghĩ rằng Bụt là một vị thần để ban phúc, để giáng họa thì chúng ta chưa thấy được bản chất của Bụt. Bụt là thầy chỉ đường cho mình để đừng sa vào hầm hố của lầm lỡ, của tội lỗi, của khổ đau. Thầy chỉ đạo gọi là đạo sư (師). Chữ đạo có bộ thủ ở dưới, tức có cái tay, nghĩa là sự dẫn đường. Còn không có bộ thủ ở dưới thì chỉ có nghĩa là con đường thôi. Và khi nói đạo sư là nói về Bụt. 

Bụt là thầy chỉ đạo

Bậc tỉnh thức vẹn toàn. 

Tỉnh thức bodhi, tiếng Anh là enlightenment. Vẹn toàn là complete Bậc tỉnh thức vẹn toàn: The completely enlightened one. Ở đây, chúng ta thấy rằng bản chất của bậc chỉ đạo là đại trí, là sự giác ngộ toàn vẹn. Đứng về hình tướng thì rất đẹp, đoan trang; đứng về nội dung thì đầy đủ trí và bi. 

Tướng tốt đoan trang

Trí và bi viên mãn.

Đoan tức là ngay thẳng, thẳng trong khi ngồi, thẳng trong khi đứng, thẳng trong khi nói năng, thẳng trong khi suy nghĩ. Ngược lại là nghiêng, nghiêng gọi là tà. Trang trong chữ trang nghiêm, nghĩa là đẹp đẽ. Đó là nói về tướng thân. Tướng thân thì đoan trang. Nói về tâm thì trí và bi viên mãn. Viên là tròn, mãn là đầy. Tròn và đầy. Vì vậy ta thường xưng tụng Bụt là đại viên mãn giác, bậc giác ngộ vĩ đại, tròn và đầy. Tròn và đầy cái gì? Tròn đầy trí và bi, understanding and love. Ta có bốn câu để đọc, và trong bốn câu đó chúng ta phải hình dung ra được Bụt với bản chất của Người. Bụt đây không phải làm bằng gỗ, và cũng không phải chỉ làm bằng da thịt. Bụt ở đây được làm bằng năng lượng giác ngộ. Năng lượng trí và năng lượng bi. Khi ta tiếp xúc với những năng lượng đó thì gọi là Phật tưởng.

Pháp là con đường sáng

Dẫn người thoát cõi mê 

Đưa con trở về 

Sống cuộc đời tỉnh thức.

Bây giờ chúng ta quán tưởng về Pháp, Dharmānusmṛti. Chúng ta tiếp xúc với Bụt rồi, bây giờ chúng ta tiếp xúc với Pháp. Pháp là con đường sáng, có thể đưa ta ra khỏi cõi mê. Mê tức là không có sự tỉnh thức. Vì vậy, con đường này là con đường của sự tỉnh thức. Con đường của sự tỉnh thức thế nào cũng đưa chúng ta ra khỏi thế giới của sự mê mờ. Mê mờ tức là không thấy được sự thật, vì mê mờ nên ta đã sống cuộc đời lãng quên. Con đường tỉnh thức có khả năng đưa ta trở về sống cuộc đời tỉnh thức. Cuộc đời tỉnh thức trước hết là cuộc đời chánh niệm. Ta ý thức được mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Ta có mặt thực sự trong mỗi giây phút hằng ngày. Nhờ đó mà ta có thể tiếp xúc một cách sâu sắc với tất cả những gì xảy ra trong giây phút hằng ngày, đó gọi là cuộc đời tỉnh thức, mindful living. Có niệm thì cố nhiên có định, có tuệ. Niệm, định, tuệ làm ra chất liệu tỉnh thức. Cuộc sống chúng ta đang sống phải là cuộc sống tỉnh thức. Cuộc sống tỉnh thức đó không phải ngày mai mới có, nó phải có ngay từ hôm nay, trong giờ phút này. 

Tăng là đoàn thể đẹp 

Cùng đi trên đường vui.

Hình ảnh này rất đẹp. Hình ảnh này giúp chúng ta nhận diện được thế nào là chân tăng. Nếu một đoàn thể mà không đẹp, không vui, không có hạnh phúc thì không thể gọi là Tăng. Đây là một đoạn văn có thể gọi là hay nhất trong bài. Tăng là đoàn thể đẹp cùng đi trên đường vui. Cùng đi chứ không phải là đi riêng từng người. Nếu đi riêng từng người thì không gọi là Tăng được. Lời nguyện của ta là không làm một giọt nước nhỏ bé, mà là một dòng sông. Chỉ có một dòng sông mới có thể đi tới được biển cả. Tăng là một dòng sông. Ta phải đồng hóa với Tăng, phải làm một với Tăng, phải lấy Tăng làm thân của chúng ta, cho nên ta có Tăng thân. 

Xin nguyện làm dòng sông 

Không làm giọt nước nhỏ

Trên đường về đại dương

Vầng trăng khuya sáng tỏ.

Tăng là đoàn thể đẹp. Đoàn thể của Tăng là phải đẹp. Cái đẹp của đoàn thể này được làm bằng chất liệu của giới luật, của uy nghi, của sự hòa hợp. Nhìn vào giới luật, uy nghi và sự hòa hợp đó, người ta đột nhiên phát khởi tín tâm. Hễ nơi nào có giới luật, có uy nghi, có sự hòa hợp, harmony, thì nơi đó có hạnh phúc, có sự đẹp đẽ. Vì vậy chúng ta gọi Tăng là đoàn thể đẹp, cùng đi trên đường vui, the joyful path. Vừa rồi phái đoàn qua Mỹ đúng vào mùa thu, có lá vàng, lá đỏ rất đẹp. Chúng ta có cơ hội đến gần ngắm những cành phong. Chúng ta thấy những cành phong rất đẹp. Khi quan sát các lá phong trên cành, mỗi lá đứng ở vị trí của nó, và tạo ra sự hòa điệu tuyệt mỹ. Khi mùa thu đến, những ngọn lá bắt đầu chín, có những con sâu tới ăn thủng lốm đốm, ta thấy không có chiếc lá nào có được sự toàn hảo. Thế nhưng nhìn tổng quát thì thấy những cành lá trông rất đẹp vì lá nào cũng đứng vững tại vị trí của nó. Cái đẹp của một cành cây là do sự hòa điệu của những chiếc lá. Tăng cũng vậy, nhìn vào Tăng thân ta thấy rất đẹp. Cái đẹp đó được làm bằng chất liệu của sự hòa điệu, của Lục hòa. 

Tăng là đoàn thể đẹp 

Cùng đi trên đường vui

Tu tập giải thoát 

Làm an lạc cuộc đời. 

Phận sự của Tăng, cái business của Tăng là tu tập giải thoát. Cái business của Tăng không phải để xây chùa, làm công việc xã hội mà là để tu (practice), để tập (training) cái gọi là giải thoát. Tu tập chỉ nhắm về một hướng, là cởi sợi dây trói buộc ra khỏi thân tâm mình. Sợi dây đó là khát ái, là giận hờn, là si mê, là ganh tị,… Đó là chủ đích của sự tu tập giải thoát. Và sự tu tập này đem đến tự do, thảnh thơi, làm an lạc cuộc đời. Tu tập giải thoát cho ai? Tu tập giải thoát cho mình và cũng giúp giải thoát những người khác, do đó sự tu tập có thể đem lại an và lạc cho cuộc đời. An là peace, lạc là happiness. Nếu không có an thì không có lạc. Nếu không có peace thì không có happiness.

Sau khi niệm Bụt, có một tiếng chuông thỉnh lên và chúng ta đi sang niệm Pháp. Cuối cùng chúng ta niệm Tăng. Mỗi niệm như vậy có bốn câu. Chúng ta có cơ hội thực tập thiền quán về Bụt, về Pháp, về Tăng trong một, hai phút. Ở công phu chiều Chủ nhật, chúng ta sẽ có bài thực tập niệm Bụt, Pháp và Tăng đầy đủ hơn. 

Đệ tử nương nhờ Tam bảo 

Trên con đường học đạo

Biết Tam bảo của tự tâm

Nguyện xin chuyên cần

Làm sáng lòng ba viên ngọc quý.

Trên con đường học đạo chúng ta phải biết nương tựa, tức là quy y vào Tam bảo, the Three Jewels. Nếu chúng ta lìa một trong ba ngôi báu thì chúng ta đánh mất sự nghiệp tu hành của mình. Chúng ta biết rằng Tam bảo bao quanh ta, che chở ta, nhưng Tam bảo cũng ở trong tự tâm ta. Đây là giáo lý Tự quy y Phật, tự quy y Pháp, tự quy y Tăng. Trong ta cũng có chất liệu của Tam bảo. Chính chất liệu của Tam bảo trong tự tâm tạo ra chất liệu của Tam bảo trong hoàn cảnh để bao bọc ta. Nguyện xin chuyên cần làm sáng lòng ba viên ngọc quý. Ba viên ngọc quý, đó là Tam bảo, là Bụt, Pháp, Tăng. Càng tu tập bao nhiêu thì Tam bảo trong ta càng sáng lên bấy nhiêu. 

Nguyện theo hơi thở 

Nở nụ cười tươi.

Hơi thở ở đây tức là hơi thở chánh niệm. Theo hơi thở, là tùy tức. Trong đời sống hằng ngày chúng ta phải theo dõi hơi thở. Dù ta đang nấu cơm hay giặt áo, làm vườn thì cũng phải theo dõi hơi thở. Nếu không theo dõi hơi thở thì ta sẽ đánh mất giây phút hiện tại. Nụ cười tươi chứng tỏ rằng ta đang có chánh niệm. Nụ cười này là nụ cười chánh niệm, không phải nụ cười xã giao. Trong khi ta cười, ta phải biết rằng nụ cười này không phải là nụ cười thế gian. Nụ cười này nở ra từ bản chất của chánh niệm. Nụ cười nở ra từ sự tỉnh thức rằng ta đang được đi trên con đường chánh pháp. Ta có rất nhiều may mắn, ta có rất nhiều hạnh phúc. Ta rất hân hoan được đi trên con đường này. Nụ cười được nở ra trên căn bản của ý thức sáng tỏ là nụ cười có thể làm tươi mát cả thân tâm và tươi mát hoàn cảnh của chúng ta. Là một hành giả, ta phải biết thực tập cười. 

Thế nhưng không phải bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể cười được. Có những nụ cười chúng ta không nên cười, không nên tham dự. Đó là nụ cười đầy chất vô minh, đầy chất kỳ thị, đầy chất chế giễu. Chúng ta nhất định không tham dự vào những cái cười đó. Nụ cười chúng ta đang thực tập ở đây là nụ cười chánh niệm, nụ cười giác ngộ, từ bi. Khi chúng ta cười được như vậy rồi thì người ta thấy rất rõ Tăng là đoàn thể đẹp, cùng đi trên đường vui.

Nguyện học nhìn cuộc đời 

Bằng con mắt quán chiếu. 

Chúng ta có hai mắt, chúng ta nhìn cuộc đời như những người khác trên thế gian. Nhưng  người khác nhìn cuộc đời, họ nhìn hời hợt và họ bị cuộc đời cuốn đi. Còn người tu hành phải nhìn một cách sâu sắc. Cái nhìn đó là nhìn bằng con mắt quán chiếu. Càng nhìn càng hiểu, càng nhìn càng thương, nên mới gọi là Mắt thương nhìn cuộc đời. Từ nhãn thị chúng sinh là câu kinh bất hủ trong kinh Pháp hoa. Thị là nhìn. Mắt thương nhìn chúng sinh. Sở dĩ chúng ta nhìn được bằng mắt thương là vì chúng ta biết nhìn bằng con mắt quán chiếu. 

Nguyện xin tìm hiểu 

Nỗi khổ của mọi loài. 

Bài thuyết pháp đầu tiên của đức Thế Tôn là bài thuyết pháp về Tứ diệu đế, bốn sự thật. Sự thật đầu tiên mà Bụt đưa ra là sự thật về sự có mặt những khổ đau trong cuộc đời. Trong giới thứ Tư của Mười bốn giới Tiếp hiện, Ý thức về khổ đau nhắc nhở chúng ta không được trốn tránh thực tại khổ đau, nhắm mắt trước khổ đau và đánh mất ý thức về khổ đau của cuộc sống.

Chúng ta phải tìm tới với khổ đau, phải công nhận sự có mặt của khổ đau, để chúng ta có cơ hội nhìn sâu vào bản chất của những khổ đau đó. Nhìn sâu vào bản chất khổ đau là phương thức duy nhất để thấy được con đường ra khỏi khổ đau. Nguyện xin tìm hiểu nỗi khổ của mọi loài, trong đó có nỗi khổ của chính mình.

Tập từ bi 

Hành hỷ xả. 

Từ, bi, hỷ, xả là bốn tâm vô lượng. Từ, bi, hỷ, xả là bản chất đích thực của tình thương. Chúng ta sẽ có cơ hội học nhiều về bốn yếu tố của tình thương chân thật, từ, bi, hỷ, xả. Bốn yếu tố này càng thực tập thì càng mở rộng. Càng mở rộng thì hạnh phúc ta càng lớn, và hạnh phúc những người xung quanh ta cũng càng lớn. 

Sáng cho người thêm niềm vui 

Chiều giúp người bớt khổ.

Sáng cho người thêm niềm vui, có nghĩa là buổi sáng làm cho ít nhất một người có thêm niềm vui. Chiều giúp người bớt khổ, là buổi chiều giúp ít nhất cho một người bớt khổ. Đây là những câu kinh rất thực tế. Miệng ta nói rằng: “Con muốn buổi sáng hiến tặng cho một người niềm vui, và con muốn buổi chiều giúp cho một người bớt khổ”. Đó là một lời nguyện nằm trong tầm tay của chúng ta. Bằng một cái nhìn, bằng một câu nói, bằng sự săn sóc, ta có thể thực hiện được điều đó. Đây là sự thực tập của chúng ta. Chúng ta không nói suông, rằng tôi thực tập từ, tôi thực tập bi, tôi thực tập hỷ, tôi thực tập xả. Chúng ta thực sự thực tập với những người xung quanh vì xung quanh ta có những người chưa đủ hạnh phúc. Cho nên buổi sáng ta làm cho ít nhất một người được vui, buổi chiều làm cho ít nhất một người bớt khổ. Tăng thân cũng là môi trường để chúng ta thực tập. Bản dịch tiếng Anh,nói có vẻ thiết thực hơn: “I vow to make one person happy/ to offer joy to one person in the morning”. Nói chữ one tức là một người thôi, ít nhất ta phải hiến tặng được niềm vui cho một người chứ đừng nói suông.. Nếu ta làm được điều đó cho một người rồi, thì ta mới nói đến chuyện làm cho hai người, ba người. Nếu ta nói chúng sinh vô biên thề nguyện độ thì làm sao người khác tin được. Đúng là hơi khó để mọi người có thể tin. Chúng sinh một người mà còn độ không được, nói gì đến chúng sinh vô biên thề nguyện độ, đó chỉ là nói dóc mà thôi. 

Đệ tử nguyện sống cuộc đời thiểu dục.

Thiểu dục nghĩa là ít ham muốn. Đây là nguyên tắc chỉ đạo cho đời sống văn minh ngày nay. Trong xã hội tiêu thụ bây giờ, người ta cứ nghĩ hạnh phúc là mua sắm cho nhiều. Trong khi đó, hướng đi của chúng ta là càng sống đơn giản, càng ít ham muốn thì càng có hạnh phúc. Thiểu dục thường đi với tri túc. Thiểu dục tức là ít ham muốn. Tri túc là biết đủ. Nghĩ rằng chừng đó là đủ rồi, khỏi phải chạy đi mua thêm, đây là một nguyên tắc chỉ đạo cho những người sắp đi chợ để mua quà Noel năm nay. 

Nếp sống lành mạnh an hòa

Cho thân thể kiện khương.

Lành mạnh (healthy) có thể đi đôi với thiểu dục. Càng tiêu thụ nhiều thì có thể thân tâm càng bệ rạc nhiều. An là peaceful. Hòa là harmony. Làm thế nào để mỗi giây phút hằng ngày có an và có hòa, có sự bình an và hòa điệu trong tâm, có bình an giữa mình và người kia, có hòa điệu giữa mình và người kia, như vậy gọi là an hòa. Từ đó mới giúp cho thân thể được kiện khương. Tu không phải là tu tâm mà thôi, tu là phải tu thân nữa. Tu như thế nào để thân thể được kiện khương. Nếu ta có những khó khăn về đường ruột thì ta phải cẩn thận trong sự ăn uống. Ta phải biết nhịn đói, thanh lọc cơ thể, đó là sự thực tập của ta. Làm được theo hai câu này đều là nhờ vào sự thực tập chánh niệm.

Nguyện rũ bỏ âu lo

Học tha thứ bao dung

Cho tâm tư nhẹ nhõm. 

Có những âu lo trong lòng khiến ta nặng thêm mấy ký, vì vậy ta phải học cách buông bỏ những lo lắng, những ưu tư, những phiền muộn. Nếu buông bỏ chưa được thì phải cầu cứu đến thầy, cầu cứu đến sư anh, sư chị, sư em để họ giúp ta bỏ những hành lý không cần thiết đó xuống. Có vậy, cuộc đời ta mới nhẹ nhàng. Nếu cứ mang những phiền muộn đó ngày này sang ngày khác, mang nó đi ngủ, mang nó đi vào thiền đường,… thì tội nghiệp cho chúng ta. Như vậy chúng ta không hưởng được pháp lạc của sự thực tập hằng ngày. Nguyện rũ bỏ âu lo, cho tâm tư nhẹ nhõm. Tâm tư nhẹ nhõm, tức là có giải thoát, có thảnh thơi, you feel light within yourself. Khi ta nhẹ nhàng, thảnh thơi thì sư anh, sư chị, sư em của ta rất được nhờ từ ta. 

Đệ tử xin nguyện ơn sâu đền báo. 

Tức là ta phải làm gì đó, để giúp cha mẹ ta. Cha mẹ ta còn sống hay đã qua đời thì ta phải tu tập như thế nào để cha mẹ ta được nhẹ nhàng, thong dong, giải thoát. Cha mẹ ta vừa có trong ta, vừa có ngoài ta, sự tu tập hằng ngày của ta giúp ta được nhẹ nhàng, thảnh thơi, giải thoát. Điều đó cũng giúp cho cha mẹ trong ta và ngoài ta được nhẹ nhàng, thảnh thơi, giải thoát. Người nào tu học tinh tiến, thảnh thơi thì người đó luôn luôn giúp được gia đình của mình. 

Ơn cha mẹ, ơn thầy 

Ơn bè bạn, chúng sinh. 

Ơn cha mẹ, thầy tổ, bè bạn và chúng sinh, đó là bốn ơn. 

Nguyện tu học tinh chuyên 

Cho cây bi, trí nở hoa.

Tinh chuyên nghĩa là ngày nào cũng siêng năng, đem hết tâm ý dồn vào chuyện tu tập giải thoát, không để tâm ý lo lắng về những việc khác, những việc không quan trọng. Quan trọng nhất là tu tập giải thoát. Tinh chuyên nghĩa là dồn hết năng lượng vào việc tháo gỡ những khổ đau, những ràng buộc của tâm ý. Cho cây bi, trí nở hoa. Trong ta có một cây hoa và cây hoa đó là sự tu tập của ta. Nếu chúng ta biết chăm sóc và vun bón thì cây hoa đó sẽ nở ra hoa tình thương (hoa bi) và hoa hiểu biết (hoa trí). 

Mong một ngày kia 

Có khả năng cứu độ mọi loài 

Vượt ra ngoài cõi khổ. 

Mong một ngày kia ta cũng làm được như Bụt. Nhưng trong khi chờ đợi, ta cũng có thể giúp được ít nhiều. Ta giúp được sư anh, sư chị, sư em. Ta giúp được các thiền sinh tới với ta. Do đó, ta biết ngày mai ta cũng có thể làm được như Bụt. Bởi vì ngày hôm nay ta cũng bắt đầu làm được những việc Bụt đang làm. 

Xin nguyện Bụt, Pháp, Tăng chứng minh

Gia hộ cho đệ tử chúng con 

Viên thành đại nguyện. 

Gia hộ có nghĩa là che chở, yểm trợ thêm năng lượng. Viên thành tức là thành đạt một cách viên mãn. Đại nguyện ở đây là hạnh nguyện của đức Phổ Hiền và đức Địa Tạng.

Quy nguyện

Kinh văn

Trầm hương xông ngát điện

Sen nở Bụt hiện thân

Pháp giới thành thanh tịnh

Chúng sanh lắng nghiệp trần.

Đệ tử tâm thành

Hướng về Tam bảo

Bụt là thầy chỉ đạo

Bậc tỉnh thức vẹn toàn

Tướng tốt đoan trang

Trí và bi viên mãn.

Pháp là con đường sáng

Dẫn người thoát cõi mê

Đưa con trở về

Sống cuộc đời tỉnh thức.

Tăng là đoàn thể đẹp

Cùng đi trên đường vui

Tu tập giải thoát

Làm an lạc cuộc đời.

Đệ tử nương nhờ Tam bảo

Trên con đường học đạo

Biết Tam bảo của tự tâm

Nguyện xin chuyên cần

Làm sáng lòng ba viên ngọc quý.

Nguyện theo hơi thở

Nở nụ cười tươi

Nguyện học nhìn cuộc đời

Bằng con mắt quán chiếu

Nguyện xin tìm hiểu

Nỗi khổ của mọi loài

Tập từ bi

Hành hỷ xả

Sáng cho người thêm niềm vui

Chiều giúp người bớt khổ.

Đệ tử nguyện sống cuộc đời thiểu dục

Nếp sống lành mạnh an hòa

Cho thân thể kiện khương

Nguyện rũ bỏ âu lo

Học tha thứ bao dung

Cho tâm tư nhẹ nhõm.

Đệ tử xin nguyện ơn sâu đền báo

Ơn cha mẹ ơn thầy

Ơn bè bạn chúng sanh

Nguyện tu học tinh chuyên

Cho cây bi trí nở hoa

Mong một ngày kia

Có khả năng cứu độ mọi loài

Vượt ra ngoài cõi khổ.

Xin nguyện Bụt, Pháp, Tăng chứng minh

Gia hộ cho đệ tử chúng con

Viên thành đại nguyện.

Ý nghĩa thực tập lễ lạy

(Phiên tả Pháp thoại ngày 21 tháng 12 năm 1997 tại xóm Thượng, Làng Mai, Pháp)

Nhất tâm kính lễ đức Bụt Thích Ca Mâu Ni. 

Chữ Thích Ca được dịch là năng nhân và chữ Mâu Ni được dịch là tịch mặc. Tịch mặc ở đây có nghĩa là lặng lẽ, bản chất của một ông thầy tu là sự lặng lẽ và Mâu Ni có nghĩa là vị đạo sĩ, người tu hành, ông thầy tu. Śākya Mâu Ni nghĩa là ông thầy tu của dòng họ Thích Ca. 

Nhất tâm kính lễ đức Bụt Di Lặc. 

Bụt Di Lặc, tên của ngài là Từ Thị, Maitreya. Từ là thương yêu. Từ Thị tức là người thương yêu. Dịch tiếng Anh là Mr. Love. Chữ Maitreya có nguồn gốc từ chữ Maitrī. Maitrī có nghĩa là Từ, là hiến tặng niềm vui. Maitreya tức là đức Di Lặc. Trong truyền thống Việt Nam, ngày đầu năm là ngày kỷ niệm, ngày tượng trưng để chúng ta làm lễ ăn mừng sự có mặt của Bụt Di Lặc. 

Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. 

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi tượng trưng cho trí tuệ, cho con mắt của trí tuệ, tiếng Phạn là Mañjuśrī

Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Đại Hạnh Phổ Hiền. 

Bồ tát Đại Hạnh Phổ Hiền tượng trưng cho hạnh nguyện, cho hành động, tiếng Phạn là Samantabhadra

Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Thường Bất Khinh. 

Bồ tát Thường Bất Khinh tượng trưng cho tuệ giác, tiếng Phạn là Sadāparibhūta. Trong mỗi chúng ta ai cũng có tuệ giác lớn, có đủ hạt giống của tình thương, sự hiểu biết và có khả năng thành Phật, vì vậy ta không dám xem thường và khinh khi bất cứ một người nào cả. 

Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ sư qua các thời đại từ Tây Trúc cho đến Việt Nam. 

Trong cái lạy này, chúng ta tưởng nhớ đến tất cả các vị Tổ sư của chúng ta từ Bụt cho đến thầy Ca Diếp, thầy Xá Lợi Phất, thầy Mục Kiền Liên, thầy Ưu Ba Ly và tất cả các vị Tổ sư ở Tây Trúc, các vị Tổ sư ở Trung Quốc và các vị Tổ sư ở Việt Nam. Trong cái lạy cuối cùng này, chúng ta tiếp xúc với tất cả tổ tiên tâm linh của chúng ta. 

Trong nghi thức buổi sáng, chúng ta thực tập lạy sáu lạy. Chúng ta lạy Bụt Thích Ca, Bụt Di Lặc, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Thường Bất Khinh và tất cả các vị Tổ sư qua các triều đại. Trong sáu cái lạy này, chúng ta phải đạt được kết quả và cố nhiên chúng ta không lạy như những cái máy. Thực tập xong sáu lạy thì trong mỗi người chúng ta phải có sự đổi khác. Phương pháp của chúng ta là khi lạy xuống thì chúng ta thực tập ba hơi thở, trọn vẹn ba hơi thở vào, ba hơi thở ra để quán chiếu, để tiếp xúc, để tiếp nhận năng lượng của Bụt và Bồ tát. 

Lạy là một phương pháp rất tuyệt diệu để chuyển hóa thân, tâm. Bí quyết của sự thực tập lạy là khi đầu, hai tay, hai chân sát đất thì chúng ta phải buông bỏ. Chúng ta buông bỏ cái ta riêng biệt của mình. Chúng ta buông bỏ tất cả những cái người ta gọi là giá trị của bản ngã. Chúng ta buông bỏ những cái làm cho chúng ta trở thành đóng kín và cô đơn. Trong tư thế ngũ thể đầu địa – năm vóc sát đất, chúng ta phải mở ra, mở hết tất cả cửa của thân và tâm, ý niệm về ngã phải được tan biến, lúc đó cái lạy mới thành công. Nhờ vậy, năng lượng của Bụt, các vị Bồ tát, các vị tổ tiên mới có thể đi vào trong ta được. 

Nói như vậy không có nghĩa là năng lượng của Bụt, các vị Bồ tát và các vị tổ tiên ở ngoài ta và chúng ta phải mở cửa thì những năng lượng đó mới đi vào được. Kỳ thực, những năng lượng đó đã có sẵn ở trong ta rồi. Nhưng nếu chúng ta không mở ra, không cho phép thì năng lượng đó không biểu hiện ra được. Ví dụ như năng lượng của cha ta, đã có sẵn trong ta, trong từng tế bào cơ thể ta. Năng lượng này có thể là năng lượng vật chất hay năng lượng tinh thần. Bởi vì cha của chúng ta vừa có năng lượng về thể chất mà cũng vừa có  năng lượng về tinh thần. Những năng lượng đó không phải đi tìm xa, nó nằm trong từng tế bào của cơ thể ta.

 Có những người có cha sống tới 90 tuổi hay 95 tuổi và chưa bao giờ từng bị bệnh ung thư, thì những tế bào của cha, hiện bây giờ đang có trong con người của họ. Nếu ta sợ hãi, lo lắng, có những khó chịu ở trong da thịt của mình, thì ta có thể mời gọi năng lượng của cha ta trở về để cho năng lượng đó trào lên trong từng tế bào cơ thể ta và năng lượng đó sẽ làm công việc nuôi dưỡng và trị liệu. Cha ta thế nào cũng có những năng lượng tinh thần, có những niềm vui, tài hoa và khả năng riêng. Do chúng ta giận hờn, quên lãng mà những năng lượng đó đã bị đóng kín trong từng tế bào cơ thể. Vậy trong khi lạy xuống, ta buông bỏ tất cả những giận hờn, những thành kiến, buông bỏ cái ngã của ta, thì tự nhiên năng lượng nuôi dưỡng và trị liệu sẽ thấm nhuần vào trong năng lượng của hai cha con. 

Năng lượng của thầy cũng đang có mặt trong từng tế bào cơ thể ta. Có thể ta từng giận thầy, hoặc cảm thấy xa thầy, những cảm tưởng này làm năng lượng của thầy bị khóa chặt trong các tế bào của cơ thể. Khi lạy xuống, ta mở cửa những tế bào đó ra, thì tự nhiên năng lượng của thầy tới với ta và ta trở nên rất hùng mạnh. Năng lượng của Bụt cũng vậy, có trong từng tế bào cơ thể ta. Vì vậy ta chỉ cần mở cửa tâm hồn của mình ra thì tự nhiên năng lượng Bụt biểu hiện. 

Lạy là một sự thực tập rất mầu nhiệm mà chúng ta phải học cho được. Trong khi lạy, trán phải dán vào sàn nhà, hai tay và hai chân cũng phải dán chặt vào sàn nhà. Chúng ta lạy mọp sát đất, dán mình xuống, không để một khoảng hở nào giữa thân thể ta và mặt đất, chúng ta phải buông thả hết, không giữ lại bất cứ cái gì của riêng ta. Chúng ta phải đầu hàng, surrender. Tất cả những tự hào, tự thị, tất cả những kiến thức, những gì ta nghĩ là ta, là giá trị của ta, đều phải buông bỏ hết. Ta phải trở thành hư không thì lúc đó cửa ngõ tâm hồn và cơ thể của ta mới mở tung ra và năng lượng của Bụt, của các vị Bồ tát, của tổ tiên mới trào dậy được. Trong khi lạy mà còn giữ sự tự hào, giữ niềm kiêu hãnh, giữ ý niệm rằng ta là người giỏi, là người đã thành đạt cái này, cái kia; còn giữ lại sự giận hờn, thù oán thì cái vỏ cứng của một cái ta vẫn còn. Lạy xuống như vậy không có ích lợi gì cả, cho nên phải buông bỏ tất cả, phải buông bỏ hoàn toàn thì thân và tâm mới hoàn toàn bỏ ngỏ được. Khi trán của ta chạm đất, ban đầu thì hai bàn tay úp xuống, sau đó ngửa hai bàn tay ra, để thấy rằng ta không còn che giấu, không còn giữ lại gì trong tay cả. Ta buông bỏ hết. Hai bàn tay chúng ta nên để thẳng. Có người còn nhấc hai bàn tay lên khỏi mặt đất một chút để chứng tỏ rằng: con không còn giữ lại bất cứ một cái gì nữa, con hoàn toàn buông bỏ tất cả những ý niệm về con. Có như vậy chúng ta mới hòa nhập được vào dòng sống tâm linh, dòng sống sinh mạng của cha ông. Trong ta luôn có một dòng sinh mạng, bởi vì ta bị kẹt vào ý niệm về bản ngã nên sự truyền thông của ta với tổ tiên bị cắt đứt và ta trở nên cô đơn.

Trong khi lạy, ta phải hoàn toàn có mặt, thân phải hợp nhất với tâm. Nếu không thì hành động lạy chỉ giống như một cái máy. Hoàn toàn có mặt nghĩa là có chánh niệm, mindfulness, 正念.

Chánh niệm trước hết là sự có mặt của thân tâm. Thân tâm vốn nhất như. Khi chúng ta đứng trước Bụt và Bồ tát, ta phải có chánh niệm, tức là ta phải có mặt một cách đích thực. Có mặt một cách đích thực nghĩa là tâm ta không đi về quá khứ hoặc tương lai, không bị lôi cuốn hay bị kẹt vào những lo lắng, suy tư. Ta đem thân tâm về một mối và có mặt với Bụt và các vị Bồ tát, nghĩa là có mặt với các đối tượng của sự cung kính. Chánh niệm trở thành một nguồn năng lượng, nguồn năng lượng từ từ lớn lên và giúp cho ta tiếp xúc được với Bụt và chư vị Bồ tát.

Bụt Thích Ca tượng trưng cho cái đích hướng tới cuối cùng của ta. Chỗ đến cuối cùng của ta, tức là sự tuyệt hảo, sự hướng thượng. Có hai cực, một cực là hướng thượng và một cực là hướng hạ. Bụt tượng trưng cho hướng mà chúng ta gọi là hướng thượng và ma tượng trưng cho hướng mà chúng ta gọi là hướng hạ. Có những giây phút trong đời sống, thân tâm của chúng ta đang hướng về phía ma. Những lúc thân tâm ta đang sầu khổ, hay đang đi về hướng sầu khổ, lo lắng, về hướng không tích cực, ta biết rằng thân tâm ta đang hướng về phía ma. Ví dụ, khi nhìn vào bàn ăn thấy một món ăn hấp dẫn, ta có đủ sáng suốt, đủ tuệ giác, biết rất rõ bằng trí tuệ của chúng ta, rằng nếu đưa món ăn đó vào miệng thì tối nay ta sẽ gặp vấn đề rắc rối. Nhưng đồng thời có một lực lượng khác chống lại, nói ta cứ ăn đi, tối nay có ra sao thì ra, nếu cần thì đi kiếm thuốc uống thôi! Ta dằn vặt giữa hai bên, một là trí tuệ nói rằng không nên ăn, hai là nói cớ sao không ăn, cứ ăn đại đi rồi tính sau. Ta lợi dụng lời dạy “sống trong giây phút hiện tại” và tiếp tục ăn. Vậy thì lúc đó ta đang đi về hướng nào, ta để tâm ta hướng thượng hay hướng hạ? Điều đó là do ta quyết định. Khi ta có năng lượng chánh niệm, thân tâm nhất như thì ta có nhiều cơ hội để xoay về phía hướng thượng. Còn khi năng lượng chánh niệm yếu, tức khắc ta sẽ buông xuôi để cho ta đi thẳng về hướng hạ. Trong đời sống hằng ngày, ta cứ hành xử như vậy, có khi đi tới, có khi đi lui. Sự thực tập chánh niệm sẽ giúp ta có năng lượng vững vàng, giúp ta đi về phía hướng thượng nhiều hơn hướng hạ.

 

Bụt Thích Ca Mâu Ni, Śākyamuni, 釋迦牟尼, là tiêu biểu cho cực hướng thượng.. Trong khi lạy xuống, một lạy, hai lạy, năm lạy, sáu lạy, ta biết rằng sự thực tập này đưa ta về phía hướng thượng. Khi biết rằng thân và tâm đang đi về phía hướng thượng, ta sẽ cảm thấy yên tâm, vững chãi và vui mừng. Trong thời gian thực tập lạy, ta nuôi dưỡng được những yếu tố vững chãi, yên tâm và vui mừng. Ta thành công được là nhờ năng lượng chánh niệm này. 

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Mañjuśrī, 文殊師利, great understanding. Trong văn học Bát nhã, địa vị của Bồ tát Văn Thù rất lớn vì Văn Thù là biểu tượng Đại trí. Bát nhã, Mahāprajña tức là đại trí và Văn Thù được tượng trưng bằng con mắt, con mắt của trí tuệ. Văn Thù là một khía cạnh của Bụt, đó là khía cạnh trí tuệ. Đứng về phương diện lịch sử mà xét thì có thể khác. Nhưng đứng về phương diện bản môn, thì ít nhất ta cũng biết rằng Văn Thù là Bụt Thích Ca, là yếu tố đại trí ở trong Bụt Thích Ca, vì vậy lạy đức Văn Thù cũng là lạy đức Thích Ca. Đức Văn Thù có trong ta vì ta cũng có hạt giống của đại trí. Khi lạy đức Văn Thù, tức là ta cũng hướng về khả năng giác ngộ, khả năng thành Bụtt ở trong ta. Cho nên đối tượng của sự thực tập lễ lạy của ta không phải là pho tượng Văn Thù trên bàn thờ. Tượng Văn Thù trên bàn thờ là một phương tiện để ta tiếp xúc được với thực chất Văn Thù có trong ta. Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, lạy một lạy, ta thấy rằng ta đang thực sự hướng thượng, hướng về hướng đại trí. Năng lượng chánh niệm này giúp ta tiếp xúc được với Bồ tát Văn Thù. 

Bồ tát Quan Âm, Avalokiteśvara, 觀音, great compassion, loving kindness, tượng trưng cho một khía cạnh khác của Bụt Thích Ca, đó là khía cạnh của tình thương. Ta cũng biết được rằng đức Quan Âm là Bụt. Bụt là đấng Trí và Bi viên mãn. Viên mãn Trí là Văn Thù, viên mãn Bi là Quan Âm. Đức Quan Âm tượng trưng cho khả năng lắng nghe, lắng nghe tất cả những khổ đau của con người, lắng nghe để hiểu và để tìm tới cứu độ. Cho nên Trí tuệ được biểu trưng bằng con mắt và Từ bi được biểu trưng bằng lỗ tai. Khi lạy đức Quan Âm, chúng ta tiếp xúc được với chất liệu của thương yêu ở trong ta. Ta thấy rằng trong ta cũng có khả năng lắng nghe. Lắng nghe để hiểu và để thương. Trước hết là lắng nghe chính ta để có thể hiểu được ta và thương được ta. Khi không hiểu và không thương được ta thì làm sao hiểu và thương được người khác. Vậy nên những nguồn năng lượng này là những nguồn năng lượng của Bụt, và nguồn năng lượng đó có trong ta. 

Văn Thù là Bụt mà Quan Âm cũng là Bụt. Chúng ta có thể hiểu được tại sao trong kinh nói rằng Bồ tát Văn Thù đã thành Bụt từ lâu rồi, Quan Âm Bồ tát là một vị Bồ tát nhưng thật ra cũng đã thành Bụt từ lâu rồi. Văn Thù là Bụt Thích Ca, Quan Âm cũng là Bụt Thích Ca. 

Một vị Bồ tát khác tên là Phổ Hiền, Samantabhadra, 普賢, great action. Phổ Hiền là năng lượng của đại nguyện và đại hạnh. Đại nguyện tức là nguyện ước lớn, đại hạnh là hành động lớn, great action. Vì vậy Phổ Hiền được tượng trưng bằng bàn tay, bàn tay của hành động. Khi lạy xuống trước đức Phổ Hiền, chúng ta tiếp xúc được với năng lượng hành động của Bụt. Đức Phổ Hiền cũng là một khía cạnh của Bụt Thích Ca. Bụt là Trí, là Bi, là Hạnh. 

Đức Bồ tát Địa Tạng, Kṣitigarbha, 地藏, great vow. Địa Tạng là một vị Bồ tát có nguyện lớn. Chí nguyện của Bồ tát Địa Tạng là chỗ nào có khổ đau thì Ngài nguyện có mặt. Chừng nào địa ngục còn chưa trống không, thì chừng đó địa ngục vẫn còn là văn phòng, là chỗ làm việc của Ngài. Vì vậy Địa Tạng tượng trưng cho đại nguyện. Đại nguyện là một năng lượng rất lớn. Khi chúng ta có năng lượng của đại nguyện thì chúng ta trở nên rất mạnh, ta không từ nan bất cứ một khó khăn nào. Trời lạnh dưới không độ nhưng ta vẫn mặc áo đi ra ngoài. Dù có một ngàn chướng ngại trên con đường, nhưng trong ta đã có chất liệu của đại nguyện nên ta vượt qua được, mấy sông cũng lội, mấy núi cũng trèo

Trong Bụt Thích Ca có bốn vị Bồ tát là Đại Trí, Đại Bi, Đại Hạnh và Đại Nguyện. Chính bốn yếu tố đó tạo thành Bụt Thích Ca. Trong ta cũng có những chất liệu đó. Bụt ở trong ta cho nên những chất liệu đó cũng có trong ta. Khi lạy xuống, ta đồng thời cũng tiếp xúc được với bốn nguồn năng lượng này. 

Bồ tát Thường Bất Khinh, Sadāparibhūta, 常不輕, never disparaging. Thường Bất Khinh nghĩa là không bao giờ dám coi thường một chúng sinh, một người gọi là phàm phu hay tục tử. Bởi vì bất cứ người phàm phu hay tục tử nào cũng đều có chất liệu của giác ngộ và thương yêu. Chẳng qua là những chất liệu, những hạt giống của giác ngộ và thương yêu đó chưa được chạm tới, chưa được tưới tẩm nên chưa phát hiện ra. Vì vậy khi nhìn một người phàm phu ta phải thấy chất liệu “không phàm phu” trong đó.

Trong kinh Kim cương có câu: “Này Tu Bồ Đề, kẻ phàm phu, Như Lai không cho đó là phàm phu nên mới gọi họ là phàm phu.” Khi nhìn bằng con mắt của chánh niệm, của trí tuệ, ta thấy được chất liệu của trí tuệ, của thương yêu, của hành động và của đại nguyện ngay chính trong những người mà ta gọi là “phàm phu, tục tử”. Cho nên ta có thể chắp tay, cúi đầu trước bất cứ một chúng sanh nào. Cái cúi lạy đó phát xuất từ đại trí tuệ mà ra. Thường Bất Khinh là không dám khinh ai hết.

Nếu không có năng lượng chánh niệm thì không thể nào tiếp xúc được với các vị Bồ tát lớn. Vì vậy trong thời gian chúng ta lạy xuống,chánh niệm của chúng ta phải tràn đầy. Vị nào chưa biết lạy thì phải học lạy. Khi chắp tay và nghe lời xướng Nhất tâm kính lễ đức Bồ tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi thì ta bắt đầu thực tập quán tưởng. Ta thấy được chất liệu, khía cạnh, năng lượng trí tuệ của Bụt, ta đem tất cả thân tâm về một mối, và cố tâm tiếp xúc với năng lượng đó. Hai bàn tay là một đóa sen, ta đưa lên, chấm trên trán ta, tức là với tất cả bộ óc của mình, rồi ta đưa xuống, chấm vào trái tim ta, có nghĩa là ta mang tất cả bộ óc và trái tim để tiếp xúc với Bồ tát. Chạm vào óc trước, rồi tim sau, ta xòe hai cánh tay ra và quỳ xuống. Sau khi hai chân, hai tay và đầu cúi xuống rồi, ta ngửa hai bàn tay ra cho thật thẳng để chứng tỏ rằng ta không còn là gì hết. Ta không còn là một cái ngã nữa và bắt đầu mở tung tất cả cửa ngõ của tâm hồn, cửa ngõ của thân thể, cửa ngõ của tất cả tế bào trong cơ thể, để cho năng lượng của Bồ tát Văn Thù sống dậy và lưu chuyển trong cơ thể ta. Trong tư thế sát đất, ta thực tập theo dõi ba hơi thở vào ra và quán chiếu. Quán chiếu để giữ tình trạng khai thông của thân tâm. Suốt thời gian thực tập năm vóc sát đất, ta phải có chánh niệm thật mạnh, phải theo dõi hơi thở, phải giữ thân tâm hoàn toàn để ngỏ cho năng lượng của Bụt, Bồ tát và Tổ sư biểu hiện. 

Sau sáu cái lạy như vậy, con người ta có đổi khác. Sau ba hơi thở vào ra, có một tiếng thức chuông. Lúc đó ta mới xoay hai bàn tay lại, chống lên và đứng dậy. Vị chủ sám, người thỉnh chuông phải thực tập thật vững chãi, để đại chúng có đủ thì giờ thở ba hơi thở sâu. Thường thường, ta đo ba hơi thở của đại chúng bằng ba hơi thở của ta, nhưng muốn cho chắc ăn thì ta thêm vào mười giây nữa. Bởi vì có những người hơi thở có thể dài hơn hơi thở của ta. Nếu đại chúng có cơ hội nên thực tập lạy chung, nhất là những người chưa biết lạy. Phương pháp này gọi là Touching the earth, Sám pháp địa xúc. Lạy như vậy, ta không đánh mất phẩm giá của mình. Lạy như vậy không phải là để quỵ lụy, cầu xin, mà là để trở thành sự sống, để trở thành tất cả. Những cái lạy này làm cho ta cao lớn, hùng mạnh hơn, chứ không làm đánh mất hay giảm bớt đi giá trị nào của ta. Thành công của sự thực tập lễ lạy là giúp ta buông bỏ những ý niệm, những giá trị, những vọng tưởng ta có về ta. 

Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ sư qua các thời đại từ Tây Trúc cho đến Việt Nam.

Chúng ta là người có gốc gác, có tổ tiên. Ta chỉ khổ đau, cô đơn khi ta bị cắt đứt với dòng sinh mạng đó. Vì vậy một khi ta đặt mình trong tư thế năm vóc sát đất, mở rộng thân tâm, tiếp xúc được với dòng sinh mạng của tổ tiên thì niềm đau khổ, nỗi cô đơn đó sẽ tan biến. Cái lạy này rất có tính cách trị liệu. Chúng ta biết rằng đức Bồ tát Văn Thù Sư Lợi có mặt rất vững chãi trong văn học Bát nhã, trong kinh Đại Bát nhã và kinh Bảo tích. Đức Bồ tát Đại Hạnh Phổ Hiền có mặt rất rõ ràng trong kinh Hoa nghiêm. Đức Bồ tát Thường Bất Khinh có mặt rõ ràng trong kinh Pháp hoa. Muốn học thêm, biết thêm về các vị Bồ tát này thì chúng ta học kinh Bát nhã, kinh Hoa nghiêm và kinh Pháp hoa.